Biển Đông: Mỹ, Trung quốc, và Việt Nam

Tại Biển Đông, có lẽ ai cũng thấy hai lực lớn kèn cựa nhau là Mỹ và Trung Quốc. Các nước khác thì có vẻ ấm ấm lạnh lạnh, không quá quan tâm đến vấn đề. Kampuchia thì có vẻ thiên hẳn về TQ. Phi Luật Tân là nước chống TQ mạnh nhất, nay đã đổi chiều. Chỉ VN là còn đứng trong thế cứng cựa với TQ, tiếp tục mời mọc các công ty của các nước đầu tư vào các lô biển để thăm dò và khai thác dầu hoặc khí đốt, tiếp tục lên tiếng chống đối mỗi khi TQ tuyên bố gì hay làm gì ở Biển Đông, trong khi vẫn cố gắng giữ liên hệ ngoại giao tốt với TQ trong những lãnh vực khác, và vẫn giữ ngoại giao thân thiện với Mỹ.

Nhưng Việt Nam có thể trông nhờ gì? Vào ai? Làm sao để VN có thể đứng vững giữa tranh chấp giữa Mỹ và TQ? Đây là những điểm chúng ta sẽ phân tích trong bài này.

Trước hết chúng ta cần thấy cái nhìn toàn cầu của Mỹ và Trung quốc. Mỹ đã và đang là đại cường số một của thế giới kể từ khi thắng Thế chiến II cho đến nay. Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, Mỹ thấy sức mạnh vô địch của mình không còn như trước. Thế giới có nhiều nước và nhiều cụm quốc gia có sức mạnh, dù không bằng Mỹ vẫn đáng được kể là những sức mạnh đáng kể – Trung quốc, Châu Âu, Các quốc gia khối Ả Rập, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ và liên minh kinh tế chính trị giữa những quốc gia này. Thêm vào đó kinh tế Mỹ suy sụp gần 20 năm nay. Thế có nghĩa là, dù vẫn là cường quốc số một của thế giới, Mỹ không mạnh đến mức muốn gì được nấy như xưa, mà phải làm việc chung với nhiều nước khác, trong an ninh và trong trao đổi kinh tế.

Trung quốc, phát triển không ngừng cả 5 thập niên, từ một quốc gia nghèo đến nền kinh tế lớn số 2 thế giới. Tuy vậy, TQ vẫn chưa được xếp vào hàng developed country, mà vẫn là developing country, ở hàng cao trong nhóm developing. Nhưng sức mạnh kinh tế của TQ, với trữ lượng ngoại tệ cao số một trên thế giới (hơn 3.500 tỉ USD), cho TQ cơ hội làm được nhiều chuyện lớn và cái nhìn của một cường quốc muốn thống trị thế giới như Trung Hoa của thời cổ đại. Cái nhục bị thống trị bởi các nước Châu Âu trong thời thuộc địa làm cho người TQ luôn muốn lấy lại tự hào của một đại cường thuở trước. Tập Cận Bình rất hiểu điều nay khi nói đến “giấc mơ trẻ trung hóa Trung Quốc”.

Việc tuyên bố chủ quyền trên toàn Biển Đông, cộng với kế hoạch “Một vòng đai, một con đường”, hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (Asia Infrastructure Investment Bank) do TQ chủ động với hơn 20 quốc gia hội viên ở Châu Á; Quỹ Cơ sở hạ tầng Đường Tơ Lụa (Silk Road Infrastructure Fund) của Ngân hàng Quốc gia TQ, dùng dự trữ ngoại tệ làm vốn; và Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) của BRICS (Brazil, Russia, India, China, South Africa), cho thấy cái nhìn chiến lược toàn cầu của TQ – ít ra vòng đai và con đường đó vòng hết Châu Á, Đông Âu, và một chút của Đông Phi.

Đây là một cái nhìn lớn và đầy tham vọng. Tuy vậy, TQ có vài điểm yếu trong vai trò lớn trên thế giới.

1. TQ, nói về lợi tức cho mỗi đầu người, vẫn là quốc gia đang mở mang. (Tổng Sản lượng Nội Địa – GPD – cho mỗi đầu người là 6894.50 USD năm 2016). Do đó, kiến thức của TQ là kiến thức của nước đang mở mang, không phải là kiến thức lãnh đạo thế giới. Chúng ta có thể thấy thái độ hung hăng ngớ ngẩn của TQ khi ngang nhiên dùng vũ lực đòi chiếm cả Biển Đông, chẳng cần quan tâm đến ai trên thế giới. Đó là thái độ của một quốc gia ở thế kỷ 17, 18, không phải thế kỷ 21.

2. Mọi tiêu chuẩn của TQ là tiêu chuẩn thấp – điều kiện lao động thấp làm giá lao động thấp, chất lượng sản phẩm thấp, thiếu thành thật trong các hoạt động kinh tế (âm thầm bao cấp xuất khẩu dưới nhiều hình thức, dùng trẻ em hay tù nhân lao động), thiếu quyền con người, thiếu tự do thảo luận… Mọi thứ này họp lại làm cho sản phẩm TQ thường rẻ nhưng xấu. Thế giới không thích theo đường đó, mà thích mọi thứ có chuẩn cao hơn.

3. TQ là một chế độ độc đảng độc tài. Thế giới rất ngại các chế độ độc tài, vì các lãnh đạo độc tài có quá nhiều quyền hành trong tay, có thể làm chuyện điên rồ dễ dàng, như là Hitler, Stalin, Kim Jong-un… Trong chế độ đa đảng, các đảng kèn cựa nhau, níu kéo nhau, nên rất khó cho lãnh đạo làm chuyện điên rồ. Điều này làm cho các cường quốc phải suy nghĩ kỹ mỗi khi làm gì có thể giúp cho TQ thêm cường thịnh.

4. TQ lớn mạnh liên tục trong năm thập kỷ, từ 1970s đến nay, nhờ vào xuất khẩu với hàng hóa rẻ thiếu công bình. Thế giới hiện nay đang đổi dạng, Mỹ và có thể nhiều quốc gia Âu Châu đang ngăn chận hàng TQ. Nếu nhiều nước cùng làm, TQ có thể bị khủng hoảng kinh tế lớn.

Nhưng những vấn đề này không cản TQ hiện nay ứng xử như anh khổng lồ số một của Biển Đông. Ở đây, TQ có ba lý do để muốn làm chủ Biển Đông:

1. Dự trữ dầu và khí đốt ở Biển Đông.

2. Địa chính trị: Dùng Biển Đông và các đảo ở Biển Đông làm vòng đai phòng thủ.

3. Muốn ứng xử như một đại cường không ai có thể cản.

TQ rất hung hăng về Biển Đông. Rất nhiều quan chức và học giả TQ nhiều lần tuyên bố Biển Đông là “core interests” (quyền lợi cốt lõi) của TQ, và Nam Sa (Trường Sa) là một phần lãnh thổ không tách rời của TQ. TQ đơn phương làm luật cấm đánh bắt ở Biển Đông, bắt giữ và tấn công ngư dân Việt, tấn công tàu thăm dò dầu khí của VN, đặt giàn khoan trong Vùng Độc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, dọa Phi Luật Tân và mới đây dọa Việt Nam là sẽ tấn công nếu Phi hay VN khoan dầu ở Biển Đông, kể cả ngay trong EEZ của các nước này… TQ hành động rất độc tôn, và hoàn toàn gạt bỏ hệ thống luật pháp và tòa án quốc tế ra ngoài, như thái độ xem thường luật pháp quốc tế của TQ đối với Tòa trọng tài Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển trong vụ Phi Luật Tân kiện TQ mà tòa đã phán quyết năm 2016 thuận lợi cho Phi Luật Tân, và phủ nhận các tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam làm được gì và nên làm gì?

Tất cả mọi quốc gia và mọi lãnh đạo trên thế giới đều nói cùng một điều: Các nước tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Và đa số nước, ngoại trừ TQ và vài đệ tử lọt tọt, đều nói: Các quốc gia cần giải quyết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Quan tâm lớn của thế giới về hòa bình cũng được Việt Nam chia sẻ. TQ thì cũng nói hòa bình, nhưng vẫn dọa sẽ tấn công nếu các nước khoan dầu nơi TQ không muốn, và hòa bình nhưng vẫn tấn công tàu thuyền Việt thường trực, vẫn bắt bớ ngư dân Việt, và thỉnh thoảng mang dàn khoan vào vùng biển của VN để kiếm chuyện. Vậy, hòa bình của TQ có lẽ là “chúng ta sẽ sống chung hòa bình tốt nếu cậu luôn làm theo ý tôi.”

Mỹ cũng nói các nước nên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, theo UNCLOS. Và Mỹ nói không theo bên nào trong các bên tranh chấp, Mỹ chỉ muốn bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông.

Bộ Quốc Phòng Mỹ có Chương trình Tự do Hàng hải từ năm 1979. “Bộ Quốc Phòng thách đố các đòi hỏi biển quá đáng của một loạt các Quốc gia ven biển khác nhau, kể cả đồng minh, đối tác, và các nước khác, trên căn bản toàn thế giới để bảo toàn sự di chuyển toàn cầu của các lực lượng Mỹ. Chương trình Tự do Hàng hải tùy thuộc vào sự sử dụng các lực lượng Mỹ trong mỗi nhánh của Quân đội, kể cả Tuần Duyên Mỹ.”

Trong Chương trình này, Hải quân và Không quân Mỹ thường xuyên di chuyển tàu thuyền và máy bay vào các vùng biển mà các quốc gia ven biển tuyên bố chủ quyền lớn hơn là UNCLOS cho phép, để “thách đố các đòi hỏi biển quá đáng”. Chính những chuyến hải hành và chuyến bay này của Mỹ trong Chương trình này tại Biển Đông đã đưa đến chống đối thường xuyên của Hải quân và Không quân TQ, tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm, và đã có lúc đụng nhau, như Biến cố Hải Nam khi phản lực của Mỹ và phản lực TQ chạm nhau ở gần đảo Hải Nam ngày 1 tháng 4, 2001, làm cho một phi công của TQ thiệt mạng, và phản lực Mỹ bị hỏng, phải hạ cánh khẩn cấp ở Hải Nam, và 24 nhân viên phi hành Mỹ bị giam giữ và điều tra, cho đến khi Mỹ xin lỗi.

Thái độ khá cứng rắn của Mỹ trong Chương trình Tự do Hàng hải tại Biển Đông cho nhiều người Việt hy vọng rằng Mỹ là đối trọng của TQ, và có thể cầm chân TQ tại Biển Đông. Chính vì vậy mà mọi chính phủ VN trước nay đều muốn có liên hệ tốt với Mỹ.

Tuy vậy, liên hệ Mỹ Việt chưa bao giờ được nâng lên tầng “liên hệ chiến lược”. Vào tháng năm 2016, khi TBT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ thăm Obama, các đường dây chính trị lớn ở Mỹ đã tìm cách nâng liên hệ Việt Mỹ lên mức “chiến lược”, thay vì chỉ là “toàn diện” kể từ khi CTNN Trương Tấn Sang thăm Obama tháng bảy năm 2013. Tuy vậy, Việt Nam không bằng lòng đưa liên hệ lên mức “chiến lược”. Nếu nói đó là Việt Nam ngại TQ không vui thì có lẽ là có lý, dù lý này rất vô lý: VN làm gì liên hệ đến Biển Đông, như là thân với Mỹ, TQ cũng không vui, ngoại trừ chẳng làm gì trái lời vô lý TQ nói.

Nhưng đây là điểm mà nhiều người trên thế giới không nắm được: Chương trình Tự do Hàng hải, trên nguyên tắc, không phải là chương trình chống TQ hay chống ai. Đó chỉ là chương trình “thách đố các đòi hỏi biển quá đáng” để “thực thi và khẳng định các quyền, các tự do và các sự sử dụng biển của Mỹ trên toàn thế giới” – tức là tự do tuyệt đối của Mỹ, trong khuôn khổ Luật Biển quốc tế, để di chuyển tàu thuyền và máy bay, quân sự cũng như dân sự.

Mỹ không tạo Chương trình Tự do Hàng hải cho nước nào khác nước Mỹ, nghĩa là nếu nước nào bị ngăn cản về tự do hàng hải ở đâu đó, có lẽ Mỹ sẽ không can thiệp vào chuyện đó, nhưng có thể cho tàu thuyền hay máy bay của Mỹ đến đó để “thách thức” xem Mỹ có bị ngăn cản hay không.

Lý do và khuôn khổ của Chương trình Tự do Hàng hải rõ và hẹp như thế. Chẳng có lý do khác.

Nghĩa là, Mỹ sẽ không nhúng vào tranh chấp hoặc chiến tranh giữa Việt Nam và TQ ở Biển Đông, trừ khi chiến tranh đó làm đường thủy ở Biển Đông không dùng được. Lúc đó Mỹ mới có lý do chính đáng để làm gì đó để bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ.

Có nghĩa là, khi TQ hăm dọa sẽ tấn công VN như vụ Repsol và lô dầu 136-03 ngày 24/7/2017 vừa qua, Mỹ sẽ không can thiệp vào lời hăm và sẽ không can thiệp nếu VN bị tấn công. Việt Nam chịu nhượng bộ một bước là đúng, vì không có cách gì khác. VN chưa đủ sức để khiêu khích TQ tấn công (Nếu người ta nhất định tấn công, mình nhất định phòng thủ là chuyện bắt buộc. Nhưng khiêu khích để người ta tấn công, khi mình còn yếu, thì đó là rất dại).

Nhưng biến cố Repso cũng cho thấy chỗ yếu của VN: VN không có đồng minh hỗ trợ nếu phải đánh nhau với TQ.

Nếu VN có liên hệ chiến lược với Mỹ và có hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Mỹ (hay một nước hoặc một khối nào đó) thì đó lại là chuyện khác. Nhưng cho đến khi VN có hiệp định phòng thủ với Mỹ hay ai đó, VN sẽ không có người hỗ trợ nếu có chiến tranh với TQ ở Biển Đông.

Cách ứng xử lúc này là, tiếp tục lên tiếng ngoại giao chống đối TQ về các điểm ở Biển Đông, mời mọc các nước vào khai thác dầu, nơi nào TQ làm căng quá thì nhượng bộ, tiếp tục giữ quan hệ ngoại giao tốt trong các quan hệ khác với TQ, tiếp tục tăng liên hệ ngoại giao với mọi nước trên thế giới để có nhiều bạn bè, và suy nghĩ có nên gần gũi hơn trong quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Chẳng có cách nào tốt hơn cho lúc này.

Trần Đình Hoành
UNCLOS Forum

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s