Thanh Hương – Thứ Bảy, 20/2/2016, 11:03 (GMT+7)
(TBKTSG) – Người nhập cư đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng lao động chủ chốt ở các khu vực đô thị lớn, góp phần làm nên công cuộc thay đổi cơ cấu kinh tế quan trọng của đất nước trong vòng 15 năm tới, nhưng có rất ít chính sách, quy hoạch và chiến lược chuẩn bị và hỗ trợ cho sự dịch chuyển lớn này. Những nỗi buồn nhập cư Mỗi năm vào dịp Tết, ở TPHCM người ta thấy một cuộc đi – về lớn của những người nhập cư. Họ ùn ùn ra khỏi thành phố cuối tháng Chạp âm lịch và trở lại thành phố những ngày sau Tết, gây ra tình trạng kẹt xe triền miên ở các cửa ngõ của thành phố và các bến tàu, xe, sân bay, nhắc chúng ta nhớ rằng người nhập cư là một thành phần chính của cư dân thành phố này. Trong số đó, những người nhập cư thành đạt về thăm quê hương như một thói quen, cũng có thể ở lại thành phố đón Tết bởi cuộc sống của họ ở đây đã ổn định. Nhưng một nhóm khá lớn khác của dòng người nhập cư phải trở về vào dịp Tết bởi cuộc sống của họ ở thành phố chỉ là tạm bợ về nhiều mặt, và cả một nhóm người Tết không thể về quê hương của họ dù rất muốn. Một trong số đó là Trường, một người mài dao quê ở Quảng Ngãi, Tết năm nào ông cũng ghé qua nhà tôi hỏi có mài dao không. Ông đi chiếc xe đạp cũ, chở gọn mớ đồ nghề, dạo khắp mọi hẻm xóm rao “mài dao đê”. Ông kể mỗi ngày từ 6 giờ sáng đã bắt đầu đạp xe dạo như thế cho đến tối mịt, ngày may mắn có thể được vài trăm ngàn, cũng có nhiều ngày chỉ được vài chục ngàn đủ ăn cơm bụi. Đến cuối tháng, trừ chi phí dư ra vài triệu gửi về nuôi vợ và hai con. Vợ ông bị bệnh nên không làm việc nặng được, mà nếu ở lại quê, chỉ làm ruộng và nghề đập đá ông không thể nuôi nổi con ăn học. Trong hơn 10 năm xa gia đình, ông chỉ về quê vài lần những dịp rất trọng đại của họ hàng, còn thường Tết ông không về. “Tốn kém lắm”, ông nói. Khi tôi đề nghị chụp cho ông vài bức hình, hứa sẽ rửa ra để ông gửi về cho gia đình, ông Trường mừng rỡ “vậy cô chụp giúp tôi nghe, tôi để làm kỷ niệm cuộc đời tui luôn đó”. Đó là một cặp vợ chồng quê ở miền Tây cũng để con lại quê nhà, người chồng làm phụ hồ cho các công trình, người vợ có khi đi phụ hồ, có khi không có việc làm thì lấy gà, vịt về bán. Hai năm nay họ sống trong một căn lều dựng tạm trên một khu đất trống đã giải tỏa nhưng chưa xây dựng, không có nước (phải mua từng thùng nước ở nhà kế bên), và không có điện. Mỗi buổi tối từng bầy muỗi vo ve khắp căn lều ẩm thấp, và bóng tối xua họ ra ngồi dưới ngọn đèn ngoài đường hóng gió, cách giải trí duy nhất của họ trước khi đi ngủ. Nếu không đứng trong căn lều ấy (tôi là khách mua gà của chị) nhìn lên những khu chung cư cao tầng sáng đẹp lộng lẫy quanh đó, tôi không bao giờ hình dung được ở TPHCM vào thời điểm này lại có những người sống trong bóng tối, không điện nước, không có dấu vết của văn minh như thế. Bước chân ra khỏi nhà, tôi có thể gặp vô số những câu chuyện buồn như vậy về người nhập cư. Một chị công nhân gạt nước mắt khi thấy những đứa trẻ lẫm chẫm bước đi giống đứa con mà chị để lại quê nhà, vào thành phố kiếm tiền trả nợ mấy mùa trước làm ruộng thất bát. Chị không dám đem con vào cùng bởi lương chị không đủ trả tiền gửi trẻ. Tôi từng hỏi một em bé chừng 13 tuổi có cha mẹ lên thành phố làm mướn triền miên, rằng em mơ ước điều gì. Câu trả lời là, “em mong đến khi đủ tuổi, sẽ lên thành phố ở cùng cha mẹ làm mướn”. Ước mơ của một đứa trẻ mà giống như con diều gãy cánh, chứa đựng nỗi buồn sâu thẳm của một thế hệ mất mát. Có nghiên cứu nào, cuộc điều tra nào đo lường được cái giá phải trả về mặt tinh thần và xã hội khi cấu trúc gia đình bị gãy vỡ vì những cuộc di cư và mưu sinh tạm bợ đó? Chiến lược nào cho dòng nhập cư – dịch chuyển kinh tế lớn? Di cư và công nghiệp hóa, đô thị hóa là một quá trình tất yếu trong phát triển. Theo báo cáo cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, chỉ trong năm năm từ 2004-2009 đã có gần 7 triệu người di cư trên cả nước, tăng 50% so với thời gian 1994-1999. Hai khu vực có lượng người dân xuất cư lớn nhất là Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và vùng ĐBSCL, chiếm đến 57% số người di cư của cả nước. Nếu các tỉnh vùng Tây Nguyên là điểm đến chính của người di cư từ sau năm 1975 và cao trào là giai đoạn 1994-1999, thì nay khu vực tiếp nhận nhập cư lớn nhất là vùng Đông Nam bộ (chiếm 61% lượng người di cư đến), nơi có tốc độ đô thị hóa cao nhất (tỷ trọng cư dân thành thị là 58%). Riêng TPHCM có dân số năm 2009 là trên 7 triệu người, tăng 41% so với năm 1999. Rõ ràng đã có cuộc dịch chuyển quan trọng về bản chất, di cư từ nông thôn – nông thôn sang nông thôn – thành thị. Ngoài ra, theo Luật Việc làm có hiệu lực từ đầu năm 2015, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ ở mức 30-35% (hiện nay đang là 50%), mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ này chỉ còn 15%, nghĩa là đến lúc đó Việt Nam cơ bản là nước công nghiệp. Như vậy, rõ ràng xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị cũng rất phù hợp, thậm chí trùng hợp với “quy hoạch” cơ cấu lao động và việc làm cả trong ngắn hạn lẫn lâu dài của Chính phủ. Quy hoạch này đã được dự thảo, trình Quốc hội từ nhiều năm trước khi chính thức được luật hóa, nhưng đã được chuẩn bị bằng những kế hoạch, chính sách hay chiến lược gì đón dòng người di dân rất lớn đó ra khỏi khu vực nông nghiệp (khoảng 20% dân số trong vòng 10 năm qua, và một tỷ lệ giảm còn mạnh hơn trong vòng năm năm và 15 năm tới)? Theo báo cáo nghiên cứu việc tiếp cận chính sách an sinh xã hội của người lao động nhập cư (tại hai thành phố Hải Phòng và TPHCM) của Tổ chức ActionAid công bố năm 2014, có đến 90% người lao động nhập cư ở khu vực không chính thức không tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội như y tế (ngoại trừ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi), giáo dục, thông tin, và các hỗ trợ khác… Một báo cáo khác về người nghèo đô thị của Tổ chức Oxfam trên dữ liệu của TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng từ 2009-2012 nêu tình trạng nghèo ở nhóm người lao động nhập cư tự do và công nhân trầm trọng hơn cả trong nhóm nghèo đô thị, do các yếu tố chi phí cuộc sống cao, việc làm bấp bênh, thiếu hòa nhập xã hội, hạn chế tiếp cận dịch vụ công, và môi trường sống kém tiện nghi và an toàn. Trong đó, những người nhập cư có mang theo con nhỏ thường phải cho con học các trường tư và dân lập (nhất là mẫu giáo), có chi phí cao hơn và chất lượng thấp hơn trường công lập. Vì không có hộ khẩu, họ phải dùng nước và điện “câu” từ các hộ cho thuê nhà với giá đắt gấp đôi bình thường. Cũng do việc tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội và các dịch vụ y tế, giáo dục dựa vào hộ khẩu, nên người nhập cư khó tiếp cận được với các hỗ trợ của chính quyền như người nghèo bản địa. Như vậy quy hoạch đô thị và phân bổ ngân sách, nguồn lực dựa trên quy mô dân số đã bao gồm những người nhập cư chưa hay họ vẫn là những người ngoài lề, sống tạm bợ? Đã xây dựng chính sách giáo dục, y tế, an sinh dễ tiếp cận hơn, không phân biệt “hộ khẩu” chưa? Ở phía khu vực nông thôn những hoạt động hỗ trợ, đầu tư, chính sách giáo dục, dạy nghề đã đi được bao xa trong công cuộc “công nghiệp hóa nông thôn” để chuẩn bị cho cuộc dịch chuyển tác động đến gần như một nửa dân số này?… Những câu hỏi lớn về chính sách cho người nhập cư – di cư vẫn còn bị bỏ ngỏ. Dường như một quy hoạch dịch chuyển cơ cấu kinh tế lớn như thế lại đang để “xảy ra tự nhiên”. Không có một nỗ lực mang tính chiến lược rõ ràng nào, để mặc phần lớn người di cư phải ra đi tự phát, ra đi bằng mọi giá vì không thể ở lại với nông thôn, chấp nhận trở thành một lực lượng lao động bấp bênh thiếu tay nghề, thu nhập thấp, và hàng năm chen chúc trở về với quê hương tìm lại vài khoảnh khắc sống trong gia đình, cộng đồng bình thường mà họ đã mất.
|
Đúng vậy, những cuộc di cư từ nông thôn lên thành phố này làm gãy vỡ cấu trúc gia đình và cái giá phải trả về mặt tinh thần và xã hội này khó mà đong đếm được.
Những người làm chính sách cần quan tâm đến đời sống kinh tế và cả đời sống tinh thần của người dân, nhiều hơn nữa.
ThíchThích
Chế độ nhập cư và tạm cư này đối với anh em một nhà thì chẳng khác gì bức tường Donald Trump đề nghị xây giữa USA và láng giềng Mexico.
ThíchThích