27/11/2015 06:00 GMT+7
TTO – 87% phụ nữ và trẻ em từng bị quấy rối tình dục là con số được đưa ra từ một cuộc khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM do tổ chức ActionAid tại Việt Nam thực hiện và công bố.
![]() |
Minh họa: DAD |
Theo khảo sát này:
10%: bị bạn tình của họ cưỡng ép tình dục.
58%: trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một thời điểm nào đó (đối với phụ nữ Việt Nam đã từng kết hôn).
81% phụ nữ và trẻ em gái chia sẻ họ từng bị quấy rối hơn một lần trong đời. Trong đó, 51% đã trải qua từ 2 đến 5 lần bị quấy rối.
87%: đã bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.
Không an toàn ngay chính trong nhà mình
Trong số 2.046 đối tượng tham gia khảo sát do tổ chức ActionAid tại Việt Nam thực hiện có tới 87% phụ nữ và trẻ em từng bị quấy rối tình dục – một dạng phổ biến nhất của bạo lực tình dục – ở những mức độ khác nhau.
Các hành vi quấy rối tình dục thường thấy bao gồm huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm vào một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sờ mó một cách cố ý vào người đối phương…
Những hành vi quấy rối ở mức độ cao hơn như tán tỉnh, quấy rối liên tục bằng tin nhắn, email, ép xem tranh ảnh khiêu dâm, chụp và phát tán ảnh cá nhân mà không được đồng ý, bị gợi ý hay ép quan hệ tình dục…
Theo các chuyên gia, có nhiều hành vi quấy rối tình dục thường bị bỏ qua, ngay cả chính người bị quấy rối cũng không nhận ra mình là nạn nhân như bị ép phải nghe chuyện liên quan đến tình dục, bị nhìn chằm chằm vào cơ thể, bị bình phẩm về hình thức bên ngoài hoặc cơ thể…
“Tình trạng không an toàn của phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng là tương đối nghiêm trọng nhưng chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức bởi cộng đồng và cơ quan chức năng” – bà Nguyễn Phương Thúy, đại diện nhóm nghiên cứu của ActionAid Việt Nam, cho biết.
Đáng chú ý, bà Ritsu Nacken, quyền trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN, nhận xét hầu hết mọi người cho rằng bạo lực tình dục chỉ xảy ra bên ngoài gia đình và được gây ra bởi những người xa lạ, trong khi trên thực tế điều này không phải luôn luôn đúng.
“Nhiều phụ nữ không an toàn ngày trong ngôi nhà của mình. Họ bị chồng cưỡng hiếp hoặc bị ép buộc quan hệ tình dục. Tuy nhiên, họ thường quá sợ hãi và không dám nói ra”, bà Ritsu Nacken nói.
Còn nhiều định kiến với nạn nhân
Các chuyên gia trong và ngoài nước chỉ ra những “khoảng trống” về chương trình và chính sách trong việc ngăn ngừa và ứng phó bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái tại VN.
Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhìn nhận “so với các dạng bạo lực khác, việc đánh giá thực trạng và xử lý bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái dường như đang gặp nhiều khó khăn hơn”.
Theo ý kiến của các chuyên gia, phần lớn các nạn nhân của bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ nào vì thiếu các dịch vụ hỗ trợ mà họ có thể tiếp cận.
Nhiều người quá sợ hãi bị kỳ thị và phân biệt nên họ không cho ai biết họ là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Về vấn đề này, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy – chuyên viên tham vấn tâm lý của phòng tham vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM – đánh giá một trong những nguyên nhân khiến tình trạng quấy rối tình dục chưa bị được đẩy lùi chính là sự kỳ thị của những người xung quanh đối với người bị quấy rối.
|
“Nhiều người khi biết ai đó bị quấy rồi thì liền có ngay suy nghĩ “chắc lại đong đưa gì rồi thì mới bị”. Đó là định kiến và sự tiếp tay cho kẻ quấy rối thực hiện hành vi của chúng nhiều hơn”, ThS Phạm Thị Thúy nói.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng chủ đề bạo lực tình dục thường được coi là quá nhạy cảm để thảo luận công khai vì còn quá nhiều định kiến đối với các nạn nhân.
Những nguyên nhân khiến bạo lực tình dục khó được xử lý được các chuyên gia đề cập đến là: các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng thường xảy ra nhanh, khó có bằng chứng chứng minh, pháp luật chưa thật sự xử lý nghiêm và có hiệu quả răn đe, “quấy rối tình dục” chưa được quy định cụ thể trong chế tài xử lý vi phạm pháp luật, thái độ thờ ơ của những người xung quanh…
Luật chưa làm rõ thế nào là quấy rối tình dục
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nhận định pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ về khái niệm “quấy rối tình dục”. Khái niệm “quấy rối tình dục” chỉ được nêu một cách rải rác trong văn bản pháp luật như điều 8, điểm C khoản 1 điều 37 Bộ luật lao động năm 2012…
Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, các văn bản chỉ nêu về khái niệm “quấy rối tình dục”, nhưng chưa nêu cụ thể về hành vi như thế nào được xem là quấy rối tình dục và chưa có định nghĩa rõ ràng thế nào là quấy rối tình dục.
Người quấy rối thực hiện những hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
Nếu hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo điều 121 Bộ luật hình sự về “tội làm nhục người khác”. Tuy nhiên, hành vi được cấu thành tội làm nhục người khác khi người bị quấy rối phải có hậu quả nhất định về mặt tinh thần, thể chất.
“Nhìn chung, các hình thức chế tài hiện nay chưa thật sự đạt được mục đích răn đe đặt ra. Tình trạng quấy rối tình dục vẫn ngày càng diễn ra phức tạp với nhiều dạng thức khác nhau…
Để phần nào khắc phục tình trạng này, cần phải ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn rõ về khái niệm thế nào là quấy rối tình dục và kèm theo đó là các chế tài phù hợp với tình hình hiện nay” – LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói thêm.
Bị quấy rối: Đừng im lặng
Một vấn đề được các chuyên gia tập trung thảo luận nhiều nhất chính là cách phản ứng lại với những hành vi quấy rối.
Trong đó, phản ứng phổ biến nhất của cả nạn nhân và cộng đồng (những người chứng kiến) lại là… không làm gì trước hành vi bạo lực hay quấy rối tình dục, chiếm 66,5%.
Con số lựa chọn cách phản ứng là “không làm gì” trước các hành vi quấy rối tình dục ở đối tượng nam giới và người chứng kiến cũng rất cao, 65%.
Một tỉ lệ không nhỏ lựa chọn hành động… bỏ chạy!
Chỉ có một tỉ lệ nhỏ lựa chọn các hành động phản ứng như trình báo sự việc với công an, đường dây nóng hay tổ chức công đoàn, lãnh đạo cơ quan.
Một số chọn cách kể hoặc nhờ người khác khác giúp đỡ, cảnh báo đồng nghiệp khác và không ít người lại chọn những cách phản ứng tiêu cực như nghỉ học, nghỉ làm, chuyển đi nơi khác…
Các chuyên gia đều có chung một góc nhìn, đó là cần thay đổi thái độ của cộng đồng với những hành vi bạo lực, quấy rối tình dục.
|
Một mặt nỗ lực thúc đẩy những cải thiện về chính sách, bổ sung những quy định, hình thức chế tài phù hợp vào hệ thống pháp luật. Mặt khác, cộng đồng cần lên tiếng khi chứng kiến bạo lực tình dục xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em.
|
Bà Ritsu Nacken kêu gọi đã đến lúc chúng ta phải hành động để chấm dứt sự im lặng xung quanh bạo lực tình dục…
Đồng cảm với những suy nghĩ này, ThS Phạm Thị Thúy cho rằng mỗi người hãy đừng nghĩ mình là người ngoài cuộc vì rất có thể một ngày con em, bạn bè hoặc đồng nghiệp, thậm chí là chính chúng ta rơi vào tình trạng bị quấy rối tình dục.
“Cần có sự chung tay lên tiếng phản đối những kẻ quấy rối tình dục, không thể xem như chuyện của người khác rồi làm lơ đi. Làm lơ đi chính là tạo cơ hội cho những kẻ có ý đồ xấu lấn tới, thực hiện hành vi quấy rối của mình”, ThS Phạm Thị Thúy chia sẻ.
ĐẶNG TƯƠI – THANH HÀ – AN NHIÊN
Haiz. Đây là một vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Liệu giấc mơ về một xã hội an toàn cho phụ nữ và trẻ em có thành sự thật?
Trước mắt phụ nữ và trẻ em (cả trai lẫn gái) nên tự biết bảo vệ mình, bằng nhiều cách:
– Rèn luyện sức khỏe: nếu chưa học kịp môn võ tự vệ nào thì ít ra cũng đủ sức khỏe để chạy thoát khỏi nguy hiểm.
– Tránh đến những nơi mà mình cảm thấy thiếu an ninh và vào giờ giấc thiếu an ninh.
– Học yêu chính mình: hãy học yêu chính mình để biết mình có đang bị quấy rối hay không? có đang bị lạm dụng hay không?
Một nguyên nhân lớn khiến cho vấn đề này nhức nhối là các nạn nhân không biết mình là nạn nhân.
Phụ nữ và trẻ em, hãy biết yêu mình.
(Nam giới cũng vậy, hãy biết yêu mình.)
ThíchĐã thích bởi 1 người
Bài này có vẻ định nghĩa “quấy rối tình dục” (sexual harassment) quá rộng và do đó có thể làm cho khó thi hành luật lệ.
Huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, tán tỉnh… rất có thể không là quấy rối tình dục, tùy theo “nội dung” có gì.
Ví dụ: Một anh ngày nào cũng đi xe rề rề theo một cô, mời cô ấy lên xe anh ta chở về nhà. Nếu cô ấy không bằng lòng và khó chịu về việc ấy, thì đó là “stalking” (đi theo, rình theo) làm phiền người ta, làm người ta lo sợ về an ninh, có thể đưa đến vi phạm an ninh. Cô này có thể xin tòa yêu cầu anh kia luôn phải cách xa mình 100 mét. Nhưng đó không là lạm dụng tình dục, dù có nam nữ trong đó.
Không thể viết luật quá rộng và mù mờ thì sẽ không áp dụng được luật. Vấn đề cần được giải quyết bằng ba nhánh:
– Luật rõ ràng.
– Các công ty và công sở giáo dục thường xuyên về quấy rối tình dục.
– CHú trọng vào giáo dục nam giới về “cách sống văn mình”, tôn trọng và hành xử với phụ nữ như là hành xử với một người bạn cùng phái mà mình tôn trọng.
ThíchĐã thích bởi 1 người