Tây Nguyên: Hậu quả của vật tư nông nghiệp dỏm, giả

        Là một vùng chuyên canh nông nghiệp rộng lớn, mỗi năm các tỉnh Tây Nguyên tiêu thụ tới nhiều triệu tấn phân bón cùng các loại thuốc trừ sâu, chế phẩm sinh học. Thực trạng hỗn tạp về việc các mặt hàng chất lượng kém, hàng giả trong lĩnh vực này không chỉ làm khổ nông dân, mà còn tổn hại nghiêm trọng tới thương hiệu nông sản Việt và gây khó cho các doanh nghiệp chân chính.

Đại diện Bộ Khoa học công nghệ phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trên mặt hàng dán nhãn Made in USA của Cty Thuận Phong
Đại diện Bộ Khoa học công nghệ phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trên mặt hàng dán nhãn Made in USA của Cty Thuận Phong

Chờ kiểm nghiệm xong thì hàng dỏm đã bán hết !

          Với hơn 180.000 ha cà phê, cùng hàng chục vạn ha tiêu, điều, cao su, ngô khoai, cây trồng khác, Đắk Nông là thị trường tiêu thụ màu mỡ cho vô số loại vật tư nông nghiệp, phân bón.

Ông Phạm Tường Độ – Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho rằng mỗi năm, riêng tỉnh này tiêu thụ tới khoảng 1,1 triệu tấn phân bón các loại. Thị trường Đắk Nông lưu hành tới khoảng 350 mặt hàng phân bón, mà tỉnh chỉ có 2 cơ sở sản xuất phân vi sinh. Hầu hết các mặt hàng này được sản xuất nơi khác, tình trạng phân bón dỏm giả chiếm tỉ lệ lớn, nhưng việc xử lý các sai phạm liên quan còn vấp rất nhiều khó khăn.

Ngày 22/9/2015 Chi cục Quản lý Thị trường ( CCQLTT) Đắk Nông có văn bản chuyên đề mặt hàng phân bón số 288 gửi Sở Công thương, báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2015 chỉ xử lý 5 vụ vi phạm đã phạt hành chính hơn 646,9 triệu đồng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh là Cty CP phân bón Đại An, Cty CP Đất Mỹ, Cty CP TMDV Thiên Phước, đại lý Thanh Bằng, đại lý Hiền Hòa v.v… Mức phạt tiền cao nhất là 170 triệu đồng, đối với Cty TNHH Công nghệ cao Việt Pháp, có nhà máy ở Đồng Nai.

Cùng ngày 22/9, CCQLTT Đắk Nông cũng đã gửi văn bản ra Bộ Công Thương đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, trình bày tỉnh nhiều lần gửi mẫu phân bón đi kiểm định chất lượng lần lượt tại 2 Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, mỗi nơi cho ra 1 kết quả khác nhau, dung sai tới hơn 5%, gây khó cho quá trình xử lý.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Độ cho biết: Khi nhận tin báo nông dân phản ánh về phân bón kém chất lượng, chúng tôi đến lấy mẫu gửi đi kiểm tra. Có lần kiểm tra mẫu thử lần 1 cho thấy đúng là hàng kém chất lượng, nhưng họ không chấp nhận, phải gửi đi kiểm định nơi khác lần 2 cho ra kết quả càng kém, nhưng dung sai giữa 2 lần kiểm định lên tới 26%, trong khi Thông tư 29 hướng dẫn chỉ chấp nhận dung sai tối đa cộng trừ 5%, nên doanh nghiệp không chịu nhận sai phạm. Thậm chí trong cả tháng chúng tôi chờ kiểm định xong 2 nơi, họ đã kịp bán hết số phân bón kém chất lượng kia rồi.

 

Phân dỏm bán mạnh, vì tỉ lệ chiết khấu cao

Là đơn vị xuất khẩu cà phê và hạt tiêu lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, top 5 của cả nước, Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 (Cty 2/9) Đắk Lắk, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 6 năm gần đây đã triển khai “Chương trình cà phê, hồ tiêu bền vững”, liên kết với hơn 12.000 hộ nông dân.

Chuyên gia thực hiện chương trình cho biết: khâu khó nhất  của chương trình, là giúp nông dân đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào, bao gồm phân và thuốc bảo vệ thực vật. Lý do: Sản phẩm quá nhiều chủng loại, nông dân khó phân biệt thật giả. Quyết định mua sản phẩm phần lớn phụ thuộc cách tư vấn của các chủ đại lý bán phân thuốc. Còn yếu tố thúc đẩy chủ đại lý tiếp thị mạnh, là được nhà sản xuất chia cho mức chiết khấu cao, lợi nhuận khủng. Thường sản phẩm chất lượng tốt, giá bán hợp lý thì mức chiết khấu thấp, nên đại lý không nhận. Cụ thể: các loại phân tốt mức chiết khấu thường chỉ khoảng 200-300 đồng/ ký. Phân vừa vừa thì 500-700 đ/ký, còn các loại phân dỏm, giả mức chiết khấu là …ngất ngưởng, vô cùng, bởi giá thành rất thấp.

Các loại phân dỏm, giả thường có chi tiết hàm lượng và hướng dẫn sử dụng không rõ ràng, khiến nông dân càng tốn tiền mua thì càng phản tác dụng. Khi nông dân sử dụng xong biết đụng phải phân giả, hậu quả thường phải tự gồng gánh, không dám nói nặng đại lý vì còn giữ mối để vay mượn. Vài trường hợp đại lý muốn kiện đơn vị sản xuất nhưng họ đã kịp biến mất, địa chỉ ma, điện thoại chỉ còn “o e í”.

Ông Lê Đức Huy phó tổng giám đốc Cty 2/9 khẳng định với đại diện báo Tiền Phong: Hậu quả của vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng dỏm hàng giả trực tiếp đối với bà con nông dân đã quá rõ. Nhưng tác hại dài hạn lớn hơn nữa, là nó ảnh hưởng rất tiêu cực đối với đầu ra của sản phẩm xuất khẩu. Đơn cử, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đã nhận rất nhiều thông tin từ phía nhà nhập khẩu châu Âu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép, khiến việc nhập khẩu hồ tiêu về thị trường Châu Âu năm 2014 giảm tới 11% so với năm 2013; năm 2015 tiếp tục giảm mạnh. Một số thị trường- đối tác TPP khác cũng có quy định rất cao về dư lượng này, nếu họ làm khắt khe như thị trường Châu Âu thì cực kỳ nguy hiểm.

Một vườn tiêu chết vì thuốc trừ sâu rầy giả tại xã Tâm Thắng huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông
Một vườn tiêu chết vì thuốc trừ sâu rầy giả tại xã Tâm Thắng huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông

Hiện nay, thị trường đầu ra rất rộng mở sau khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định khối tự do thương mại (FTA), với điều kiện sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Vì vậy, nông dân và doanh nghiệp càng cần Nhà nước rà soát hệ thống pháp lý, có biện pháp quản lý chặt các đối tác cung ứng vật tư cho nền nông nghiệp, mới bảo đảm có sản phẩm ngon, sạch để tiêu thụ và xuất khẩu.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu- Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: Phân bón kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật dỏm, giả được lưu hành, chính là biểu hiện của thương mại không công bằng. Nông dân phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với giá trị thực của loại phân họ mua, mà lượng nông sản thu về lại giảm đi. Các loại cây công nghiệp dài ngày mắc bệnh, mà mua nhầm loại thuốc BVTV, thuốc trừ sâu rầy dỏm, giả để xịt, thì tiền mất, cây chết. Viện đã phối hợp chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp, trong đó có Cty 2/9 để thường xuyên hướng dẫn nông dân nhận biết các vấn đề này. Tuy nhiên ngày nào thị trường vật tư nông nghiệp còn chưa hoàn toàn lành mạnh, thì ngày đó nền nông nghiệp nước nhà còn chịu thiệt hại lớn.

 

 ***

Thông tin tiếp nghi án phân bón giả của Cty Thuận Phong

Đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang Tổng cục An ninh- Điều tra

 

          Ngày 26/11/2015 Thanh tra Bộ Quốc Phòng đã có báo cáo số 1447 về hội nghị liên ngành do Bộ Công an chủ trì để bàn phương án giải quyết vụ sản xuất, kinh doanh phân bón của Cty CP SX và thương mại Thuận Phong tại Đồng Nai. Chủ trì hội nghị là thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, phó tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát điều tra Bộ CA, và ông Trần Văn Ninh phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Thành phần tham dự gồm đại diện các bộ ngành trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Viện KSND Tối cao, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cùng đại diện các sở ngành liên quan của tỉnh Đồng Nai.

Tại hội nghị, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai trình bày kết quả điều tra, nhưng không gửi tài liệu cho các đại biểu dự hội dự, cho biết đã ra quyết định không khởi tố vụ việc đối với các sai phạm của Cty Thuận Phong, chuyển hồ sơ cho Chi cục quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương tỉnh để xử phạt hành chính.

Trong Hội nghị đã có nhiều ý kiến không đồng thuận với báo cáo này. Đại diện Bộ Công an phê bình Công an tỉnh không chuẩn bị chu đáo tài liệu cho hội nghị, nhắc nhở công an tỉnh đã bộc lộ nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra. Các Bộ ngành ý kiến, phân tích và chỉ rõ báo cáo của Công an tỉnh đã bỏ qua nhiều sai phạm nghiêm trọng của Cty Thuận Phong về các dấu hiệu sản xuất phân bón giả, giả mạo nhãn hiệu và công dụng, kinh doanh trái phép, mức độ sai phạm đã đủ cấu thành tội danh quy định tại Nghị định 185 và Bộ luật Hình sự.

Cty Thuận Phong tự ý in nhãn chứng nhận chất lượng Quacert lên sản phẩm dù không được cấp
Cty Thuận Phong tự ý in nhãn chứng nhận chất lượng Quacert lên sản phẩm dù không được cấp
Đại diện Bộ Khoa học công nghệ phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trên mặt hàng dán nhãn Made in USA của Cty Thuận Phong
Đại diện Bộ Khoa học công nghệ phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trên mặt hàng dán nhãn Made in USA của Cty Thuận Phong
Lấy mẫu phân bón của Cty Thuận Phong gửi đi kiểm nghiệm chất lượng
Lấy mẫu phân bón của Cty Thuận Phong gửi đi kiểm nghiệm chất lượng

Căn cứ nội dung hội nghị, thiếu tướng Nguyễn Đình Được- Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng đã tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Thủ trưởng Bộ Quốc Phòng, kiến nghị phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia xem xét chuyển vụ việc cho Tổng cục An ninh-Điều tra, Bộ Công an thụ lý, giải quyết.

Trước đó, báo Tiền Phong cũng đã nhận được công văn số 189 ngày 7/11/2015 của Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ông Nguyễn Hạc Thúy phó Chủ tịch thường trực- Tổng thư ký Hiệp hội khẳng định những diễn biến phức tạp, kéo dài với các dấu hiệu bất minh trong việc xử lý hoạt động sản xuất phân bón giả của Cty Thuận Phong đã khiến gần 100 tập đoàn, doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón vô cùng bức xúc. Công văn 189 liệt kê 9 nội dung hành vi phạm pháp của Cty Thuận Phong, đồng thời kiến nghị các lãnh đạo Nhà nước chuyển vụ án lên Ban 389 Quốc gia và liên bộ Công An- Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và các ngành liên quan “căn cứ hồ sơ nguyên thủy ban đầu để làm lại vụ án”. Công văn 189 kết luận :” Nếu không làm đến nơi đến chốn thì hàng chục triệu nông dân và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính thiếu tin tưởng, bức xúc. Nên cần làm lại, làm đúng sự thật, có chế tài đánh sụp đường dây bảo kê, bao che, lợi ích nhóm, trả lại sự trong sáng, công bằng, chân lý của pháp luật”.

 

          Hoàng Thiên Nga

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s