
Chào các bạn,
Đọc lịch sử Việt Nam thì từ đầu đến cuối chúng ta đều có thể thấy nhiều điều phi lý hoặc thiếu sót đây đó. Có thể vì nhiều lý do:
1. Lịch sử ta được viết bởi người đô hộ, dù đó là Tàu hay Tây.
2. Lịch sử ta được viết bởi trí thức ta, nhưng với văn hóa của người đô hộ – Tàu hay Tây – vì đó là văn hóa mà trí thức ta được học.
3. Lịch sử ta được viết bởi ta, nhưng là những ta chiến thắng, bôi bác và hủy bỏ công cán của những ta chiến bại.
4. Chúng ta không quan tâm đến lịch sử.
Không hiểu rõ và không nắm được lịch sử là một điểm lớn làm cho chúng ta dốt nát trong việc phát triển đất nước.
Nhưng không dễ để chỉnh sửa sử sách cho thật sự chính xác, vì cả nghìn cả trăm năm đã qua, chẳng thể tìm được tài liệu hay bằng chứng để chỉnh sửa. Chính vì vậy mà chúng ta phải biết cách chỉnh sửa dễ dàng và thông minh hơn.
Hãy lấy một chuyện lịch sử làm ví dụ để phân tích: Chuyện Hai Bà Trưng.
Hồi nhỏ mình được học Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em. Trưng Trắc có chồng là Thi Sách, bị quan Thái thú Tô Định (của nước Tàu đô hộ) giết hại, nên Hai Bà nổi giận đứng lên chống lại. Nhân dân địa phương ồ ạt chạy theo ủng hộ. Hai Bà xưng vương được 3 năm (từ năm 40 đến năm 43 Tây lịch), thì Hán Vũ Đế sai Mã Viện tấn công. Hai Bà chống cự không nổi, phải nhảy xuống dòng Hát giang tự sát.
Các thông tin về lịch sử của Hai Bà Trưng đều bắt nguồn từ cuốn Hậu Hán Thư của Trung quốc, viết từ thế kỷ thứ 5, tức là 500 năm sau Hai Bà. Đây là hai thiệt thòi lớn: Thứ nhất, đoạn lịch sử này do người Tàu viết. Thứ hai, lại là viết sau lịch sử đến 500 năm.
Mọi sách sử Việt Nam đều từ đoạn Hậu Hán Thư này mà ra. Chính vì vậy mà đọc lại vài câu sử ngắn ngủi này, chúng ta thấy có nhiều phi lý và thiếu sót.
1. Thi Sách – chồng Trưng Trắc – làm nghề gì, tại sao bị giết, ta không biết.
2. Thi Sách bị giết, làm Hai Bà nổi giận, dấy binh nổi loạn. Chồng chết, vợ dấy binh nổi loạn, hầu như rất ít xảy ra trên đời, vì đa số phụ nữ chẳng thể làm như vậy. Hơn nữa, nếu bạn là phụ nữ, chồng bạn bị nhà nước hại chết, bạn có muốn dấy binh khởi loạn, thì dù bạn giỏi đến mức nào, ai mà theo bạn để nổi loạn? Đừng nói là nổi loạn đến mức đánh thắng chính quyền đô hộ và xưng vương được tới 3 năm?
Lối hiểu lịch sử này thật là phi lý. Mình có giả thuyết hợp lý hơn.
1. Người Việt thời đó theo chế độ mẫu hệ, dấu vết vẫn còn cho đến ngày nay với người Mường và nhiều bộ tộc vùng cao, và ngay cả trong người Kinh khắp nước, ở vai trò cực lớn của người phụ nữ trong gia đình, không thấy bao giờ ở các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Úc, Trung Đông, và mọi quốc gia Á Châu có ảnh hưởng lớn của Trung quốc (như Nhật Bản, Đại Hàn…).
2. Người Tàu viết lịch sử Việt không hiểu gì về chế độ mẫu hệ, nên chỉ có thể viết theo văn hóa Tàu, lấy đàn ông làm chính, cho nên mới nhắc tên Thi Sách, chồng bà Trưng, để thấy câu chuyện có lý – chồng chết, nên vợ nhất quyết trả thù.
Nhưng chính Hậu Hán Thư cũng chỉ nhắc tên Thi Sách để ám chỉ việc chồng chết vợ nổi loạn, nhưng không nói rõ và hoàn toàn chẳng có chi tiết nào ngoài cái tên Thi Sách. Mọi chi tiết là cho người sau này suy diễn.
Chính vì vậy, mình cho rằng chi tiết Thi Sách hoàn toàn không đáng tin, và nếu có đúng thì cũng hoàn toàn không quan trọng.
3. Dưới chế độ mẫu hệ, người phụ nữ nắm mọi quyền lực trong gia đình và trong bộ tộc. Chính vì vậy mà khi Hai Bà khởi nghĩa là mọi người ồ ạt đi theo. Không cần phải vì chồng như trong Hậu Hán Thư ngớ ngẩn.
4. Hai Bà đứng lên chống Trung Hoa đô hộ là vì chính nghĩa quốc gia, muốn giành độc lập lại cho người Việt (chẳng phải là đầu óc bé như hạt đậu xanh, đánh nhau vì thù chồng). Chính vì chính nghĩa đó mà toàn dân Việt đã đứng lên sau lưng Hai Bà để chiến đấu và chiến thắng.
Mình nghĩ rằng lý giải lịch sử như thế thì có lý hơn, hợp với văn hóa Việt từ ngàn xưa hơn, và dễ nuốt hơn.
Nói thêm: Sách A Concise History of the World của National Geographic là tổ chức có uy tín nhất nước Mỹ về lịch sử và địa lý, viết và in lần đầu cách đây khoảng 15 năm: “Hai Bà Trưng là là hai vị vua nữ đầu tiên của thế giới.” Đây là chuyện cực lớn cho lịch sử của chúng ta mà nhiều người Việt hoàn toàn không biết.
Có một nữ vương rất nổi tiếng của thế giới cổ đại, đó là Cleopatra của Ai Cập, là nữ vương Ai Cập từ năm 46 trước công nguyên, tức là trước Hai Bà đến 86 năm. Nhưng mình tra cứu lịch sử thì thấy chức vua của Cleopatra ở Ai Cập chỉ là chức vua do chính quyền La Mã đô hộ ban phát, nên không thể xem là chức vua chính thức của Ai Cập. Hai Bà là vua của nước Việt Nam độc lập, đã đánh đuổi Tàu đô hộ lúc đó, nên mới tính là vua thật, và là hai vị vua nữ đầu tiên của thế giới.
Trở lại vấn đề chỉnh sửa sử sách. Mình lấy ví dụ Hai Bà Trưng để các bạn thấy chúng ta có nhu cầu chỉnh sửa sử sách rất lớn. Mình có thể chỉ ra cho các bạn hằng chục chuyện như thế cần chỉnh sửa trong sách sử của chúng ta, để mọi người Việt được sáng mắt sáng trí hơn. Một người chuyên môn nghiên cứu sử sẽ thấy cả hàng trăm điểm cần chỉnh sửa.
Nhưng vấn đề, như mình đã nói bên trên, chẳng thể tìm được tài liệu hay bằng chứng để chỉnh sửa, cho nên mình đề nghị cách chỉnh sửa này nhanh như chớp, mà các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như các nhà làm văn hóa nghệ thuật có thể hợp tác để làm ngay tức thì rất nhanh: Đó là viết dã sử.
“Dã sử” là lịch sử do dân gian viết, không phải là lịch sử chính thống, nhưng thường lưu hành rất rộng rãi trong dân gian, rộng hơn sử chính thống cả nghìn lần.
Nếu những nhà nghiên cứu lịch sử làm việc với những nhà làm nghệ thuật (như tiểu thuyết, đóng phim…) để vào chỉnh sửa những đoạn sử sách chính thống bị thiếu sót hay phi lý, và chỉnh sửa lại theo lý giải của chính mình, để hợp lý với văn hóa và lịch sử Việt hơn, rồi quảng bá những lý giải đó ra rộng rãi với người dân qua tiểu thuyết và phim ảnh, thì tự nhiên chúng ta có cơ hội chỉnh sửa sử sách khá nhanh, đồng thời phát triển thêm văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.
Vấn đề là chỉnh sửa giản dị như thế. Không tốn nhiều công, chỉ cần những cái đầu thông minh và tâm huyết, thấy ở đâu có vấn đề và nên chỉnh sửa thế nào cho hợp lý.
Đương nhiên là ai cũng làm việc này được, nghĩa là sẽ có vàng thau lẫn lộn, chẳng ai biết đâu là khá đâu là tồi, đâu là hợp lý đâu là phi lý. Nhưng đừng lo chuyện đó, người làm việc đứng đắn thì tự nhiên từ từ cả thiên hạ đều biết. Hữu xạ tự nhiên hương, chẳng hơi đâu mà lo.
Mình nhờ các bạn chuyển bài này đi rộng rãi, vì bài này mình muốn viết cho cả nước, đặc biệt là những nhà nghiên cứu và những nhà làm văn hóa nghệ thuật, không phải viết riêng cho ĐCN.
Cảm ơn các bạn hỗ trợ, và chúc tất cả mọi chúng ta hiểu lịch sử chúng ta nhiều hơn.
Mến,
Hoành
© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com