English: The 5 Most Important Money Lessons To Teach Your Kids
Chúng ta đều thấy tầm quan trọng của các kĩ năng tài chính trong việc điều hướng cuộc đời ra sao, nhưng thật bất ngờ là trường học của chúng ta không dạy trẻ về tiền bạc.
Tuy nhiên, là cha mẹ, chúng ta có thể dạy cho con mình những bài học tài chính quan trọng – và chúng ta nên làm như vậy.
“Tại Mỹ, nhìn vào cuộc khủng hoảng thế chấp và bao nhiêu gia đình đã mất nhà cửa – 3,9 triệu căn nhà bị tịch thu. Nhìn vào số tiền – 1,1 nghìn tỷ đô-la mà chúng ta nợ trong khoản nợ vay sinh viên. Con số – 845 tỷ đô la – chúng ta nợ trong nợ thẻ tín dụng. Rõ ràng là người lớn không biết nhiều về tiền bạc. Để giúp thế hệ tiếp theo tránh những sai lầm của người đi trước, và có cuộc sống phù hợp về mặt tài chính, trẻ em cần được dạy những điều thiết yếu về tiền bạc”, Beth Kobliner – tác giả cuốn sách bán chạy của New York Times “Get a Financial Life” và là một thành viên của Hội đồng Cố vấn của Tổng thống về Năng lực Tài chính, người dẫn đầu việc tạo ra chương trình “Money as You Grow” trang bị các bài học về tiền phù hợp với lứa tuổi cho trẻ em.
Kobliner nói rằng trẻ em dưới ba tuổi có thể nắm bắt các khái niệm tài chính như tiết kiệm và chi tiêu. Và một báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge được ủy thác bởi Dịch vụ Tư vấn Tiền bạc của Vương quốc Anh tiết lộ rằng thói quen về tiền của trẻ em được hình thành vào năm 7 tuổi.
“Các bậc cha mẹ càng sớm bắt đầu tận dụng những thời điểm có thể dạy về tiền hàng ngày (ví dụ, đưa 2 Đô la cho một đứa trẻ 6 tuổi và để cô bé chọn mua trái cây), thì những đứa trẻ càng tiến bộ hơn. Cha mẹ là người có ảnh hưởng số một đến hành vi tài chính của con cái, do đó hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta để nuôi dạy một thế hệ những người tiêu dùng, nhà đầu tư, người tiết kiệm và người trao tặng có ý thức”, cô nói.
Dưới đây là những bài học về tiền hàng đầu để học ở mỗi độ tuổi, cũng như các ví dụ minh họa cho từng điểm.
3-5 tuổi
Bài học: Con có thể phải đợi để mua được thứ con muốn.
“Đây là một khái niệm khó để học ở mọi lứa tuổi”, Kobliner nói. Tuy nhiên, khả năng trì hoãn sự hài lòng cũng có thể dự đoán được mức độ thành công khi trưởng thành. Trẻ em ở độ tuổi này cần phải biết rằng nếu thực sự muốn một cái gì đó, các em nên chờ đợi và tiết kiệm để mua nó.
Các bài học về tiền bạc ở độ tuổi này đặt nền móng cho mai sau. “Con thực sự không thể có cái gì quá sớm”, Kobliner nói về chính gia đình của mình, “Khi chúng tôi đi vào một cửa hàng, nếu tôi nói “Bố mẹ không có tiền cho món này” bọn trẻ rất thông minh, chúng biết bố mẹ có thẻ tín dụng”. Vì vậy tôi sẽ nói “Chúng ta đến đây để mua một món quà cho X, và chúng ta sẽ không mua gì cho con, bởi vì chúng ta không đến đây để mua quà cho con”. Bọn trẻ sau đó nhanh chóng hiểu rằng đi vào một cửa hàng không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn sẽ mua một cái gì đó cho con bạn.
Các hoạt động cho trẻ từ 3 – 5 tuổi
1. Khi con đang xếp hàng để được lên xích đu, hãy nói về tầm quan trọng của việc học cách chờ đợi cho những gì mình muốn.
2. Tạo ra 3 chiếc lọ mang nhãn “Tiết kiệm”, “Chi tiêu” hoặc “Chia sẻ”. Mỗi lần con nhận tiền, dù nhờ làm việc nhà hay nhân dịp sinh nhật, hãy chia số tiền bằng nhau vào các lọ. Hãy để con sử dụng bình Chi tiêu cho các món mua nhỏ như kẹo hoặc đồ chơi dán hình. Tiền trong lọ Chia sẻ có thể đến với ai đó mà chúng ta biết là họ cần hoặc dùng để quyên góp cho một mục đích của bạn bè. Lọ Tiết kiệm nên dùng cho các món đồ đắt tiền hơn.
3. Dạy con đặt mục tiêu, chẳng hạn như mua đồ chơi. Hãy chắc chắn rằng món đồ chơi không đắt đỏ đến nỗi bọn trẻ không thể trả được trong nhiều tháng tiết kiện. “Sau đó, chúng có thể chỉ trở nên bực dọc, và thật khó để đầu óc chúng tập trung lại. Điều quan trọng hơn việc để bọn trẻ nhận thức được sự tiết kiệm cho một mục tiêu như là “con rất cần vét nốt $10 đó để mua chiếc váy xòe”, mà hơn cả là bạn muốn giúp con thành công”, Kobliner nói. Nếu con bạn có một mục tiêu đắt tiền, hãy nghĩ ra một chương trình phù hợp để giúp trẻ đạt được trong một khoảng thời gian hợp lý. (Kobliner nói, trong khi khoản tiêu vặt là một lựa chọn cá nhân của từng gia đình, ở tuổi này một khoản tiêu vặt nhỏ có thể giúp trẻ tiết kiệm cho các mục tiêu này.)
Mỗi khi con bỏ thêm tiền vào bình Tiết kiệm, hãy giúp con đếm số tiền của con, hãy nói chuyện với con về số tiền cần để đạt được mục tiêu của con, và khi nào con sẽ đạt được nó. “Tất cả những hành vi đó thực sự rất thú vị với bọn trẻ. Và mang lại cho chúng cảm giác về tầm quan trọng của việc chờ đợi và kiên nhẫn và tiết kiệm”, Kobliner nói.
6-10 tuổi
Bài học: Con cần đưa ra lựa chọn về cách tiêu tiền.
Ở tuổi này, điều quan trọng là giải thích cho con bạn, “Tiền là hữu hạn và điều quan trọng là lựa chọn khôn khéo, bởi vì một khi con tiêu số tiền mình có, con sẽ không còn nhiều hơn để chi tiêu”, Kobliner nói. Trong khi lứa tuổi này vẫn phải theo dõi các hoạt động với lọ tiết kiệm, chi tiêu và chia sẻ, và việc thiết lập mục tiêu, bạn cũng nên bắt đầu đưa con vào những quyết định tài chính người lớn hơn.
Các hoạt động dành cho lứa tuổi 6 đến 10
1. Đưa con vào một số quyết định tài chính. Chẳng hạn như nói rõ “Lý do bố/mẹ chọn loại nước ép nho thông thường hơn theo thương hiệu là nó rẻ hơn 50 xu và có mùi vị như nhau”, Kobliner nói. Hoặc nói về các giao dịch, như mua các đồ dùng chủ yếu hàng ngày như khăn giấy với số lượng lớn để có được giá rẻ hơn trên mỗi món.
2. Hãy cho con một số tiền, chẳng hạn 2 Đô la, khi đi siêu thị và tự chọn về loại trái cây để mua, trong phạm vi những gì bạn cần, để cho con trải nghiệm việc đưa ra lựa chọn với tiền.
3. Khi đi mua sắm, hãy nói rõ về cách bạn đưa ra quyết định tài chính của mình như một người trưởng thành, đặt ra các câu hỏi như “Đây có phải là thứ chúng ta thực sự, thực sự cần không? Hay chúng ta có thể bỏ qua nó tuần này vì chúng ta sẽ đi ăn tối?”, “Mình có thể mượn nó (ở đâu đó) không”, “Nó có giá rẻ hơn ở đâu đó không? Chúng ta có thể đi đến cửa hàng giảm giá và mua được hai thứ này thay vì một?”.
Lứa tuổi 11-13
Bài học: Càng sớm tiết kiệm, tiền của con càng tăng nhanh từ lãi suất kép.
Ở độ tuổi này, bạn có thể chuyển từ ý tưởng tiết kiệm cho mục tiêu ngắn hạn sang mục tiêu dài hạn. Giới thiệu khái niệm lãi suất kép, khi bạn kiếm được lãi từ cả tiền tiết kiệm cũng như lãi suất từ trước của khoản tiết kiệm.
Các hoạt động dành cho lứa tuổi 11 đến 13
1. Mô tả lãi kép với các con số cụ thể, bởi vì nghiên cứu chỉ ra rằng sẽ hiệu quả hơn so với mô tả nó một cách trừu tượng, Kobliner nói. Giải thích rằng “Nếu con để dành 100 đô la mỗi năm bắt đầu từ năm 14 tuổi, con sẽ có 23.000 đô la trước 65 tuổi, nhưng nếu bắt đầu lúc 35 tuổi, con sẽ chỉ có 7.000 đô la vào tuổi 65.”
2. Để cho con tự tính toán một số lãi kép trên website Investor.gov. Tại đây, con có thể thấy số tiền sẽ kiếm được nếu đầu tư một số tiền nhất định và nó tăng lên theo một mức lãi suất nhất định. Và cho con đọc câu chuyện truyền cảm hứng này về việc một người đã sử dụng lãi kép để có được lợi thế cực kì tốt.
3. Để cho con đặt ra mục tiêu dài hạn cho thứ đồ gì đó tốn kém hơn những đồ chơi mà con có thể để dành tiền được. “Những đánh đổi đó, được gọi là chi phí cơ hội – rất hữu ích để nói về những thứ con đang từ bỏ để tiết kiệm tiền. Ở tuổi này, trẻ đang cố gắng không tiết kiệm vì chúng muốn mua đồ, nhưng nghĩ đến mục tiêu dài hạn và những gì phải từ bỏ giúp thấy được rằng đó là một quyết định tốt”, Kobliner cho biết. Cô nói, chẳng hạn nếu con có thói quen mua đồ ăn nhẹ sau giờ học mỗi ngày, cô bé có thể quyết định muốn bỏ số tiền đó vào một chiếc iPod hơn.
14-18 tuổi
Bài học: Khi so sánh các trường đại học, hãy chắc chắn việc xem xét mỗi trường sẽ tốn bao nhiêu tiền học phí.
Tìm kiếm “máy tính chi phí thực” (net price calculator) trên trang web của các trường đại học để xem tốn bao nhiêu cho mỗi trường khi bao gồm các chi phí khác ngoài học phí. Nhưng đừng để mức giá làm con nhụt chí. Hãy giải thích với trình độ đại học , con bạn sẽ kiếm được nhiều hơn những người không có bằng đại học, làm cho nó trở thành một đầu tư đáng giá.
Các hoạt động dành cho lứa tuổi 14 đến 18
1. Thảo luận số tiền bạn có thể đóng góp cho việc học đại học của con mỗi năm. “Mỗi phụ huynh nên bắt đầu cuộc nói chuyện về chi phí đại học vào lớp chín. Sớm đối mặt với vấn đề và trung thực về những gì gia đình có thể chi trả giúp trẻ thực tế về trường mà con có thể ứng tuyển”, Kobliner nói.
Nhưng hãy nhớ rằng có rất nhiều cách để chi trả cho đại học ngoài tiền của riêng bạn. Với con, hãy xem trường tư nào dư dả với các hỗ trợ tài chính, bao nhiêu tiền “miễn phí” như trợ cấp và học bổng, con sẽ phải trả bao nhiêu tiền, và những chương trình nào của chính phủ có thể giúp trả lại khoản vay đó, Kobliner nói. Ngoài ra, hãy xem xét tám lời khuyên về việc vay tiền sinh viên “ở đây”.
2. Cho con sử dụng Phiếu chấm điểm các trường để so sánh chi phí cho mỗi trường, mức độ triển vọng việc làm của sinh viên tốt nghiệp là bao nhiêu và nợ vay của sinh viên có thể ảnh hưởng đến lối sống của con sau khi tốt nghiệp như thế nào nếu con dự tuyển vào trường đó. Như với bất kỳ khoản đầu tư nào, hãy cùng nhau phân tích liệu số tiền chi ra cuối cùng có thu lại được hay không.
3. Ước tính hỗ trợ tài chính bằng cách sử dụng công cụ FAFSA4caster tại fafsa.ed.gov. Đồng thời nghiên cứu thêm các khoản vay, học bổng và trợ cấp – và dùng máy tính để dự toán các khoản chi trả tiền vay hàng tháng – trên trang studentaid.ed.gov. Tìm hiểu về các tùy chọn trả nợ như Pay As You Earn, giới hạn các khoản thanh toán hàng tháng chỉ bằng 10% thu nhập cho phép. Để biết thêm thông tin, hãy xem ibrinfo.org hoặc finaid.org.
“Phụ huynh hoàn toàn nên cho phép con làm một công việc bán thời gian khi đang đi học”, Kobliner nói, bổ sung rằng nghiên cứu của Tiến sĩ Gary R. Pike của Đại học Indiana-Đại học Purdue Indianapolis cho thấy những sinh viên làm 20 giờ một tuần hoặc ít hơn những công việc trong trường đạt điểm cao hơn vì các em tham gia nhiều hơn vào cuộc sống sinh viên. “Nhưng hãy hạn chế những giờ đó! Làm việc hơn 20 giờ mỗi tuần có thể làm ảnh hưởng đến thành công học tập của trẻ em”, cô nói.
18 tuổi trở lên
Bài học: Con chỉ nên dùng thẻ tín dụng nếu có thể thanh toán hết số dư mỗi tháng.
Thật quá dễ dàng để trượt vào món nợ thẻ tín dụng, có thể khiến con gánh một khoản nợ cùng lúc như các khoản vay sinh viên. Thêm vào đó, nó có thể ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của con bạn, mà sau này sẽ khó khăn khi mua một chiếc xe hơi hay một ngôi nhà, hoặc thậm chí để kiếm việc làm. Đôi khi, nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ kiểm tra tín dụng.
“Một hộ gia đình tại Mỹ trung bình nợ $7.084 trong thẻ tín dụng. Để đảo ngược xu hướng chi tiêu vượt quá khả năng của chúng ta và đang tăng lên hàng trăm đô la lãi suất một năm, điều quan trọng là cha mẹ dạy con cái mình cách sử dụng thẻ tín dụng một cách có trách nhiệm (hoặc tốt hơn không có! trừ phi nó có thể thanh toán toàn bộ hóa đơn mỗi tháng)”, Kobliner nói.
Các hoạt động dành cho lứa tuổi 18+
1. Dạy con rằng nếu cha mẹ ký gửi trên thẻ tín dụng, mọi khoản thanh toán trễ cũng có thể ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của cha mẹ.
2. Cùng nhau tìm kiếm một thẻ tín dụng với lãi suất thấp và không tính phí hàng năm sử dụng các trang web như Bankrate, Creditcards.com, Credit.com hoặc Cardratings.com.
3. Giải thích rằng quan trọng là không quẹt thẻ các vật dụng hàng ngày, theo đó nếu con có chi phí khẩn cấp mà không thể chi trả bằng tiền tiết kiệm thì có thể quẹt thẻ. Tuy nhiên, tốt hơn cả là hình thành khoản chi phí sinh hoạt ít nhất ba tháng trong tiền tiết kiệm khẩn cấp, dù vậy giá trị cho sáu đến chín tháng là lý tưởng. Tìm hiểu ở đây về cách xây dựng ngân sách cho các khoản tiết kiệm khẩn cấp.
==
Bài liên hệ
Các chủ đề “khó” nói với trẻ em
Nói chuyện với con về chủ đề tình dục, giới tính
Cảm ơn Thu Hiền cho bài dịch
Mình có vài câu chuyện và kinh nghiệm hồi bé được mẹ dạy về quản lý tiền bạc chia sẻ thêm
Từ khi học cấp 2, mẹ mình luôn dặn chị em mình tự ghi lại các khoản chi tiêu khi mẹ cho tiền như là: tiền đóng học phí, hay tiền chi tiêu mua đồ, mua quần áo thì tự ghi vào sổ của các con để theo dõi.
Mình có ghi lại (đến giờ mình vẫn giữ những note đó) nhưng hình như chẳng bao giờ mẹ xem. Lâu lâu thì nhắc có ghi lại không
Hồi đó mình cũng chẳng hỏi mẹ ghi để làm gì, nhưng lớn lên tự nhiên mình biết cách làm đó khiến cho mình có ý thức trách nhiệm cẩn trọng với chi tiêu tiền bạc.
Vài năm trước, mình có dịp cùng bạn bán đồ lưu niệm đồ ăn vặt cho trẻ em ở một trung tâm vui chơi dành cho trẻ em ở Việt Nam. Các em tầm từ 6 – 10 tuổi
Ở VN, khi học sinh đi chơi, đi tham quan thường được bố mẹ, ông bà cho tiền ăn quà vặt. Từ vài chục nghìn đến vài trăm ngàn. Và đó là một cách rất hay để các em học cách quản lý tiền bạc của mình.
Hầu hết các em sẽ dùng mua quà lưu niệm hay đồ ăn vặt cho mình, cho người thân.
Bạn mình bán hàng cho trẻ em nhiều nên có kinh nghiệm chọn đồ có đủ mọi giá để cho các em lựa chọn
Có em muốn mua một cái móc khoá 10 ngàn, nhưng chỉ còn 5 ngàn. Mình và bạn gợi ý hay là em mua món khác giá 5 ngàn đi. Có em vui vẻ đồng ý ngay, có em băn khoăn rất lâu.
Có em hỏi cô có cái kem nào 2 ngàn không. Trong khi kem thì giá thấp nhất 5 ngàn. Lúc đó tụi mình nói lần tới em quay lại chơi để có kem 2 ngàn nhé. Hoặc em mua gói đậu phông rang 2 ngàn được không?
Có em thì không có lựa chọn mà hỏi luôn “cô ơi con muốn mua quà cho em gái con, cô có món gì 50 ngàn không?”.
Có em biết mặc cả, mặc dù vẫn đủ tiền mua món đồ mình thích
Đại loại như vậy tức là mỗi em có các lựa chọn khác nhau, Cho nên khi bọn mình chọn đồ luôn chọn các món phù hợp với các em không quá đắt tiền, với các loại giá cả khác nhau để các em có thể lựa chọn, và có quyết đinh của mình trong sử dụng tiền.
Nếu có điều kiện khi các em đi chơi, hay có tiền tiêu vặt bố mẹ ông bà có thể cho tiền các em 50-100 ngàn VNĐ chẳng hạn (tương tương dưới 5 Đô La Mỹ). Nhưng không nên cho nhiều quá để các em học cách chi tiêu và quản lý tiền. Vì có em không chi tiêu gì mang về trả lại ông bà, bố mẹ, nhưng cũng có em tiêu hết. Bố mẹ nên hỏi các em tiêu vào món gì, có em sẽ nhớ số tiền, và có em sẽ không nhớ….Tất cả những điều này đều là bài tập cho các em học về quản lý tiền bạc
ThíchĐã thích bởi 1 người