- Hội An – Về đâu hồn phố?
- Ông Nguyễn Sự, nguyên chủ tịch, bí thư Thành ủy Hội An: “Công cụ pháp lý chỉ là điều kiện cần, quan trọng là con người”
KIM EM – 09.05.2018, 07:00
![]() |
Không gian nhỏ hẹp của Hội An luôn ken dày du khách cả trên bến lẫn dưới thuyền. Ảnh: K.E. |
TTCT – Một người bạn của tôi là một cựu nhà báo người Pháp, đã say mê Hội An như người tình. Nhưng lần trở lại miền Trung mới đây, chị kiên quyết không vào Hội An mà nằng nặc đòi đi Huế. Chị than phiền, Hội An không còn là Hội An nữa rồi. Phố đã mất đi cái hồn của phố bởi sự xô bồ, náo nhiệt và chật chội. Sự bình yên của Hội An đã mất. Thà không trở lại để đỡ thấy buồn.
Cũng như chị, là đứa con của Hội An, tôi cũng đã buồn bởi Hội An của tôi đã mất dần đi những thứ mà tôi hay gọi là hồn phố. Sự tĩnh lặng của phố đã không còn. Những ngôi nhà cổ dọc theo các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Lê Lợi, Bạch Đằng… trở thành nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê, bán hàng lưu niệm, áo quần may sẵn với hàng hóa bày cả ra lối đi, bán mua huyên náo suốt cả ngày lẫn đêm.
Những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi ấy phần lớn đã sang tên đổi chủ. Người tứ xứ về Hội An buôn bán, làm ăn. Chủ nhân của các ngôi nhà cổ ấy, vì nhiều lý do, đã bán hoặc cho thuê cho chủ mới làm ăn, còn họ dạt về ngoại ô sinh sống. Điều hấp dẫn của Hội An đối với du khách năm châu không chỉ là không gian yên bình của phố mà còn vì sự thuần hậu, tử tế của con người Hội An, sự an bình của môi trường xã hội. Song hấp lực ấy đã dần mai một bởi những chủ nhân sinh sống nhiều đời trong các ngôi nhà cổ góp phần tạo nên cái hồn của di sản văn hóa Hội An giờ đã không còn.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại – du lịch Hội An, năm 2017 có 3,2 triệu lượt khách đến tham quan đô thị cổ. Con số này tăng dần đều trong suốt hơn 10 năm qua. Với diện tích khu phố cổ chỉ 0,3km2 nhưng mỗi ngày đón gần 1.000 lượt khách đến tham quan. Có thể thấy rất rõ áp lực của sự phát triển du lịch đè lên không gian nhỏ hẹp của phố cổ Hội An.
Từ sáng sớm đến chiều tối, người đổ về phố như đi trẩy hội. Khi màn đêm buông xuống, sự tĩnh lặng của phố như bị bủa vây trong ánh sáng của những dãy đèn lồng giăng mắc khắp nơi, của hàng quán xôn xao, mời gọi, chèo kéo.
Để phục vụ cho hàng nghìn khách đổ về Hội An mỗi đêm, các hàng quán tìm mọi cách thu hút khách bằng kiểu kinh doanh bất chấp quy định. Chuyện khách bị “chặt chém”, chèo kéo, thậm chí bị đánh đập và cướp tài sản đã là chuyện thường ngày ở phố cổ.
Thống kê cho thấy: năm 2016 Hội An xảy ra 57 vụ vi phạm hình sự thì năm 2017 có 80 vụ, nhiều vụ trong số này là cướp giật, trộm cắp. Thậm chí đã có những vụ đánh nhau đổ máu và du khách nước ngoài phải đâm đơn cầu cứu chính quyền. Cái “nhân tình thuần hậu” đã đi vào ca dao, dân ca của người Hội An xưa giờ đã là quá khứ.
Phố cổ Hội An với những con phố nhỏ chỉ “đi dăm phút đã về chốn cũ” nhưng hằng ngày phải chứa một khối lượng người quá đông nên luôn trong tình trạng chật cứng, quá tải. Đó là ngày thường. Vào lễ, tết, những ngã đường dẫn vào trung tâm phố cổ đều bị tắc nghẽn bởi xe và người. Mỗi ngày, có hàng trăm chiếc xe ca chở khách du lịch trên 50 chỗ ngồi chen chúc đậu đỗ dọc sông Hoài từ Cẩm Hà về đến chùa Cầu tạo nên một sự bức bối, ngột ngạt cho bất cứ ai muốn vào phố. Câu chuyện quy hoạch đậu đỗ xe vào phố cũng là chuyện thời sự ở phố cổ.
Bởi nếu cứ để cho các tài xế xe du lịch muốn đậu đỗ tùy tiện như hiện nay, phố cổ Hội An sẽ như một bãi đậu xe lộ thiên không hơn không kém. Và áp lực đó ngày càng gia tăng khi số lượng khách mỗi ngày đến Hội An một đông hơn.
Không chỉ có phố cổ quá tải, xô bồ mà các điểm du lịch, các làng nghề ven ngoại ô Hội An cũng đang trong tình trạng làm ăn chụp giật. Đã có những lời than phiền, những tiếc nuối về một Hội An không biết gìn giữ tài sản lớn nhất của mình là nếp nhà, nếp ăn ở của người Hội An.
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch có quy mô lớn đang hối hả thi công để đưa vào kinh doanh bất chấp các khuyến cáo của UNESCO về bảo tồn di tích cổ Hội An, bảo tồn di sản văn hóa quý hiếm của nhân loại. Áp lực phát triển du lịch đã làm cho phố cổ Hội An càng thêm mong manh, dễ tổn thương.
Giữ cho Hội An có sức hấp dẫn riêng bằng sự bình yên, hiền hòa vốn có của nó là việc phải làm, đó là sự sống còn của du lịch Hội An. Điều này chỉ có được khi Hội An có một cơ chế riêng để quản lý, điều hành các hoạt động thương mại – du lịch, chứ không phải làm theo kiểu hương ước làng xã như trước nay vẫn làm khi lượng khách đến Hội An mỗi năm vài trăm nghìn lượt như trước đây.
Nếu không kịp thời có những giải pháp cứu Hội An và chấn chỉnh tình trạng phát triển du lịch tự phát và xô bồ như hiện nay, di sản văn hóa thế giới Hội An sẽ chỉ còn trong hoài niệm.■
***
Không ai đúng được trọn vẹn hết nhưng quan trọng là nếu mình có làm sai thì phải ngộ ra ngay để mà giải quyết vấn đề chứ đừng “cãi chày cãi cối” vì anh làm việc ấy cũng vì dân, vì mọi người, vì Hội An. Khi việc mình làm sai, động tới quyền lợi và cuộc sống của nhân dân thì điều chỉnh.
Tôi không trách anh em bây giờ, họ cũng cố gắng nhưng nhiều khi chạy theo sự vụ nhiều quá. Mình thấy cái gì đúng, được dân chấp nhận thì cứ làm đi, ít nhất là về mặt tinh thần thì người dân sẽ tự khắc dung nạp điều đó một cách rất tự nhiên, Hội An là vậy.
Ở thời điểm nào luật pháp cũng có những quy định chặt chẽ, nhưng bản thân anh phải đi thuyết phục dân, phải đi thực tế với dân và nói cho họ hiểu những việc đó là vì lợi ích của họ. Khi anh làm xong một thời gian, thử xem nếu nó mang lại lợi ích thì tự nhiên dân chấp hành thôi. Ai cấm dân Hội An đem xe vào phố cổ? Luật nào cấm? Chỉ có tôi thời làm quản lý Hội An cấm chứ ai cấm, nhưng sao Hội An người ta chấp hành tốt? Ôtô vào được tại sao xe máy không vào được?
Như vậy cái cốt lõi ở đây là hiệu quả từ thực tiễn, từ công việc chứ không phải bằng lời nói. Cho nên làm cái gì cũng phải đi hỏi ý kiến người dân, bởi cái gì cũng có ý kiến trái chiều. Hồi còn quản lý Hội An, khi có dư luận là tôi hay đi lang thang ngoài phố, tới chỗ nào mà dân tập trung đông để giải thích. Có người phản đối, có người nghe mình, ai mà phản đối thì tôi ngồi xuống giải thích cho họ. Nếu họ phản đối mà tôi cảm thấy đúng thì tôi nghe họ, không sao cả, mình về mình điều chỉnh. Cứ như thế mà làm chứ đừng có văn bản giấy tờ.
Hiện nay công cụ để làm là phải dựa vào quy hoạch của phố cổ, các quy chế của phố cổ. Đi đôi với điều đó phải có chính sách kèm theo. Ví dụ trong khu vực phố cổ mà có một tiệm người ta không mặn mà chấp hành thì mình phải thuyết phục vận động, rồi tạo điều kiện cho họ thêm cái gì đó để họ chấp hành, họ cũng có thể kiếm lời. Tức là một loạt các hành động chứ không có nói suông. Bộ quy chế quản lý phố cổ của Hội An hoạt động lâu nay nhưng các cơ quan quản lý nhà nước chẳng nói gì.
Có thể có cán bộ nói vì tôi có uy tín nên hồi tôi làm dân họ nghe. Uy tín là do mình tạo ra chứ tự nhiên đâu mà có. Vấn đề là anh làm cái gì thì anh nên xuất phát từ quyền lợi của người dân trước. Thực ra việc cần có một bộ quy chế mới, một cơ chế đặc thù tôi nghĩ là rất cần thiết để giành quyền chủ động cho Hội An, để quản lý hiệu quả hơn. Nhưng đó là điều kiện cần, cơ chế mà có tốt đến mấy trong khi người thực hiện không bám sát, không tốt, không chăm chút trong từng giờ từng ngày đối với vùng đất đó thì cơ chế bằng trời cũng phải bỏ.
Nếu nói bây giờ quản lý khó vì vướng cơ chế, điều đó đúng nhưng nếu anh biết cách sẽ làm được và làm tốt. Người dân đã vào ở Hội An kinh doanh hay sinh sống thì bản thân họ phải chấp nhận theo quy định của Hội An đã duy trì và bà con chấp hành bao lâu nay rồi, anh đừng nói anh đứng một mình, anh không thể tách khỏi cộng đồng được.
Hơn nữa về mặt quản lý, tôi không vận dụng quy chế riêng để xử lý anh được thì tôi sẽ áp dụng nhiều công cụ pháp lý khác buộc anh phải làm. Ví dụ anh kinh doanh quán bar mà ồn ào, luật không cấm nhưng bà con xung quanh kêu, thì không thể vin vào luật để làm ồn ào như thế được. Là người quản lý, tôi sẽ nói cho họ hiểu, họ không hiểu thì tôi áp dụng luật bằng nhiều cách khác nhau để khiến họ phải nghe.■
Ông Nguyễn Văn Sơn (phó chủ tịch UBND TP Hội An):
“Chúng tôi phải ra tòa liên tục” Bộ quy chế quản lý phố cổ hình thành và áp dụng từ những năm 1995 đến nay. Thực chất, đây là một dạng “giao ước” giữa cộng đồng dân cư, được chính quyền thống nhất tập hợp để phục vụ công tác quản lý bảo tồn phố cổ. Nhờ bộ quy chế này mà công tác bảo tồn gìn giữ không gian, văn hóa chung của phố cổ đã thực hiện rất thành công từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên hiện nay sức ép lên phố cổ ngày càng nhiều, cư dân nhiều thành phần hơn và áp lực giữa bảo tồn – phát triển cũng đang rất lớn. Hằng ngày khi xử lý các vấn đề phát sinh, chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ công cụ pháp lý. Người dân họ cũng nắm luật rất rành, thậm chí còn bắt bẻ lại rằng họ chỉ làm theo pháp luật, không thể làm theo quy định riêng của Hội An vì quy định đó không có giá trị pháp lý. Rất nhiều sự việc chúng tôi áp dụng quy chế quản lý phố cổ để xử lý nhưng cuối cùng phải ra tòa. Có vụ thì chính quyền thắng nhưng không ít vụ bị đuối lý. |