
Sự hợp tác này được Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại VN- ông Michel Croft đánh giá cao, khi trình bày chiến lược thông tin và truyền thông của UNESCO nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, tại Hội nghị thường niên lần thứ 3 của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức trong hai ngày 28 và 29/11 tại Hà Nội. Tham gia Hội nghị có hơn 60 đại biểu là các nhà báo đến từ nhiều tỉnh thành cả nước, chuyên gia, giảng viên báo chí, đại diện cơ quan quản lý báo chí, tổ chức xã hội, tổ chức báo chí khu vực ASEAN, đại sứ quán Canada.

Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về các mục tiêu phát triển bền vững đề ra 17 mục tiêu nhằm kêu gọi hòa bình, hòa nhập các xã hội và thể chế khác nhau một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, LHQ đã kêu gọi các tổ chức, lực lượng liên quan của các quốc gia thành viên tăng cường sự an toàn của các nhà báo, chấm dứt tình trạng miễn trừ trách nhiệm cho các hành vi chống nhà báo. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg, ký ngày 10/5/2017, xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 chỉ số cụ thể, thực hiện từ nay đến năm 2030.
Theo nghiên cứu của RED, hành vi cản trở báo chí tác nghiệp được thống kê ở nước ta trong những năm qua đã giảm về số lượng, tuy nhiên có sự biến tướng sang những thủ đoạn mới, đòi hỏi sự vững vàng, kiên định, hiểu biết các quy định pháp luật, xử lý chuẩn mực của các nhà báo và cơ quan báo chí, nhất là khi thực hiện đề tài chống tiêu cực, tham nhũng. Kết thúc hội nghị, RED thông qua chương trình hành động, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nhà báo đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.
Hoàng Thiên Nga