Tây Nguyên: Bão Damrey

Tây Nguyên, ngày đầu hứng bão Damrey

Chết người, sập nhà, đổ cây, mất điện


Cây ngã chắn ngang đèo Frenn ở Lâm Đồng

Bão Damrey quét qua Tây Nguyên, từ rạng sáng đến cuối buổi chiều ngày 4/11/2017 đã gây ra vô số thiệt hại khắp 5 tỉnh. Đắk Lắk hứng mưa bão mạnh nhất với cả nghìn ngôi nhà bị sập, cả nghìn cây xanh gãy đổ gây mất điện. Nhưng Lâm Đồng lại có 2 phụ nữ bị cuốn trôi vào dòng nước xoáy.

Lâm Đồng: Chết vì không biết lũ dâng

Chiều ngày 4/11, Ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương ( tỉnh Lâm Đồng) cho biết hai phụ nữ bị đuối nước là bà Nguyễn Thị Tân (61 tuổi, thường trú tại TP Đà Lạt) và bà Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, quê Đắk Lắk).

Bà Tân từ Đà Lạt xuống làm vườn tại xã Đạ Cháy. Bà Xuân vừa từ Đắk Lắk sang giúp việc đồng áng cho bà Tân. Hai bà đóng cửa ở trong nhà nên không biết lũ đột ngột dâng cao. Cả hai bị chết đuối khi căn nhà bị cuốn trôi theo dòng nước dữ.

Huyện Lạc Dương có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, khoảng 50 ha hoa màu bị ngập. Các xã đang hỗ trợ di dời người và tài sản ở những ngôi nhà bị sập và bị ngập sâu đến địa điểm an toàn trong khi chờ nước rút, sửa chữa nhà cửa…

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, hồ thủy điện Krông Nô 2 và 3 đang xả nước 200m3/s; các hồ thủy điện khác xả lũ với lưu lượng trên dưới 100m3/s.

Tại Đà Lạt, hơn 10 cây cổ thụ (đường kính từ 60-70cm) ngã đổ ở đèo Prenn và các tuyến đường như Yersin, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo. Trong đó có những cây thông, cây tùng cổ thụ đổ vào nhà dân, may không trúng người.


Thu dọn cây đổ trên đường Nguyễn Du, TP Đà Lạt

Trên đường Nguyễn Du, một cây vông đường kính khoảng 70cm đổ làm hỏng đường dây truyền tải điện. Ngành điện nhanh chóng ngắt điện đảm bảo an toàn. UBND phường 9 phối hợp cơ quan chức năng huy động lực lượng giải tỏa hiện trường để thông xe.

Các nhà xe chạy tuyến Đà Lạt – Nha Trang qua đèo Khánh Vĩnh cũng đã thông báo tạm ngừng hoạt động, chờ bão tan. Huyện Đam Rông bị trôi 1 cây cầu từ xã Đạ Tông đi xã Đạ Long, tốc mái cả chục ngôi nhà. Ở huyện Lâm Hà, nước lũ dâng cao gây ngập lụt, cô lập cục bộ. Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo toàn bộ các trường cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học trong ngày 4/11, phòng tránh tai nạn đáng tiếc.

Đắk Lắk: Hơn 1.200 ngôi nhà bị tốc mái

Tính đến cuối chiều ngày 4/11, riêng 2 huyện Krông Bông và M’đrắk (tỉnh Đắk Lắk) đã có hơn 1.200 ngôi nhà bị sập và tốc mái; hàng ngàn hecta diện tích cây trồng bị nhấn chìm trong nước. Nhiều nơi chìm trong bóng tối vì mất điện.


Cây đổ sập mái nhà dân ở xã Yang Mao huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk

Tại huyện Krông Bông, mưa tiếp tục kéo dài trên diện rộng khắp các xã Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, Hoà Phong, Hoà Tân, Yang Réh… Toàn huyện có 720 ngôi nhà bị sập và tốc mái. Diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 1.500 ha. Nhiều đoạn đường vào xã Hoà Phong bị chia cắt khiến 300 hộ không có đường đi lại. Rất may không có thiệt hại về người.


Bão phá tan nhà ở xã Ea Mđoan huyện MĐrắk tỉnh Đắk Lắk


Trụ sở Công an huyện MĐrắk bị sập mái

Thống kê sơ bộ của UBND huyện M’Đrắk: Có 2 người bị thương nhẹ. Trên 500 mái nhà bị hư hỏng, tốc mái, trong đó có các hạng mục công trình, nhà công sở như: huyện đội, công an huyện, các trường học, nhà máy. Giao thông bị chia cắt ở các xã Cư Prao, xã Cư Roá. Khoảng 3.700 ha ngô vụ thu đông bị thiệt hại, và cũng chừng đó diện tích mía bị đổ, hàng trăm ha hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh bị ngã trụ, không còn khả năng phục hồi. Bị thiệt hại nặng nề nhất là xã Ea Lai. Cty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk có 400 ha cao su bị đổ. Nhiều diện tích cà phê cũng bị ảnh hưởng.


Điện lực Đắk Lắk tích cực sửa chữa lưới điện hỏng

Kon Tum: sơ tán dân những xã vùng thấp

Theo báo cáo của Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Kon Plông là huyện chịu ảnh hưởng nặng của bão số 12. Ông Bùi Thanh Phong- Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plông, Kon Tum cho biết: thống kê ban đầu của huyện có 2 tuyến đường lớn là QL24 và đường Đông Trường Sơn nhiều điểm bị sạt lở gây ùn tắc, hiện đang cử lực lượng khắc phục để thông xe. Ngoài ra, hàng chục nhà dân trên địa bàn bị tốc mái, không thiệt hại gì về người.


Nhà dân hư hỏng ở huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai

Báo cáo của ngành chức năng tỉnh Gia Lai cho biết: tính đến 11h ngày 4/11, tình hình thiệt hại tại các địa phương trong tỉnh tăng; thị xã An Khê có nhiều cây xanh bị gãy đổ; huyện Krông Pa có 7 nhà dân bị tốc mái, nhiều diện tích mía đến kỳ thu hoạch bị gió bão quật ngã, một số cây xanh đường phố thị trấn Phú Túc bị đổ; huyện Mang Yang bị đổ 3 cây xanh đường phố tại thị trấn huyện, bị tốc mái trụ sở cũ của UBND xã Đê Ar; huyện Kông Chro với 9 căn nhà bị sập và khoảng 40 căn nhà bị tốc mái; huyện Ia Pa có xã Ia Broăi và Ia Trốk là hai điểm vùng thấp, nguy cơ bị cô lập, chính quyền đã sơ tán người dân đến các nơi an toàn.

Nhóm PV Tây Nguyên
(Thiên Nga – Kim Anh – Vũ Long – Kim Văn)

 

Bản tin số 2 – Tây Nguyên trong bão Damrey

Nhiều nơi mất điện, cảnh giác nguy cơ ngập lụt, xả lũ


Đường Đông Trường Sơn khu vực huyện Krông Pa, Gia Lai có nhiều cây bị gió quật đổ chắn ngang.

Trưa 4/11, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo từ đêm 4/11/2017, các sông ở Gia Lai có khả năng xuất hiện đợt lũ do ảnh hưởng của bão số 12.

Nước suối Uar tại xã Uar, huyện Krông Pa dâng cao, nhấn chìm hoa màu

Trước đó, khoảng 7h sáng 4/11, bão số 12 đi vào đất liền các tỉnh Phú Yên- Khánh Hòa với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. Dự báo trong 12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h ngày 4/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Campuchia.


Người dân xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, Gia Lai chạy lũ

Tỉnh Gia Lai 12 giờ qua lượng mưa phổ biến dưới 20.0mm, riêng ở An Khê đạt 59mm. Trong 24 giờ tới nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục mưa lớn, gió lạnh. Khu vực phía Đông tỉnh có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 30-60mm. Mực nước trên các sông, suối tăng ở mức cao. Có nơi xuất hiện lũ với biên độ trên dưới 2.50m. Mực nước các sông suối lên nhanh, cần đề phòng ngập lụt vùng thấp và sạt lở đất các triền dốc.

Theo ông Phạm Vũ Tuấn- Trưởng phòng Dự báo thuộc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng trên Tây Nguyên đều bị ảnh hưởng bởi bão số 12. Tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai chịu ảnh hưởng lớn nhất; Đắk Lắk có huyện M’Đrăk, Krông Bông, Ea Kar; Gia Lai có thị xã An Khê; Kon Tum có huyện Măng Cành; Đắk Nông, Lâm Đồng ảnh hưởng nhẹ hơn với mưa nhỏ và gió. “Sau khi bão rút chúng tôi sẽ có thống kê thiệt hại. Tuy nhiên người dân phải luôn cảnh giác cao với nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt do nước sông dâng cao và xả lũ từ các hồ đập thủy lợi, thủy điện”- Ông Tuấn nói.


Ngập lụt ở huyện Ia Pa

Tại Đắk Lắk, suốt ngày 4/11 nhiều nơi mất điện do cây đổ làm đứt hoặc ảnh hưởng đến mạng lưới điện. Ông Bùi Khắc Dũng trưởng phòng An toàn của Điện lực Đắk Lắk cho biết đang có từ 250-300 cán bộ nhân viên ngành đang tích cực dọn cây đổ, sửa chữa hư hỏng trên lưới khắp các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, Krông Ana. Toàn huyện Krông Năng và nhiều xã của huyện Ea H’leo đến giữa buổi chiều ngày 4/11 vẫn chưa có điện. Tranh thủ ngớt mưa, người dân cùng cán bộ công chức đổ ra một số tuyến đường dọn dẹp cây gãy đổ, cho các phương tiện tiếp tục giao thông.

Cây đổ ở Đắk Lắk và cảnh khắc phục sự cố tại hiện trường


Cây đổ chèn lên mái nhà


Cây đổ chặn ngang nhiều tuyến đường


Tích cực dọn đường ở huyện Krông Pắk tỉnh Đắk Lắk

Nhóm PV Tây Nguyên
(Hoàng Thiên Nga- Kim Văn)

 

Bản tin số 1 – Tây Nguyên: Mưa to, tốc mái, sập nhà, đổ cây do bão

Sáng ngày 4/11/2017, mưa to gió lớn vẫn quần thảo nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhất là các huyện phía Đông tiếp giáp tỉnh Khánh Hòa.

Ông Đặng Văn Chiền giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk cho biết: ảnh hưởng cơn bão số 12 tên Damrey lúc 7h đổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa, xuyên qua tỉnh Đắk Lắk, sức gió cấp 11, 12, giật cấp 15.

Cây bật gốc chắn ngang đường ở huyện Krông Pắk – Vũ Long

Tại huyện M’Đrắk cửa ngõ phía Đông tỉnh gió cấp 9, giật cấp 10 gây gãy cây, sập nhà, tốc mái nhiều nhà dân và các nhà máy, công sở. Lượng mưa đo được từ 20 h ngày 3/11 đến 8h ngày 4/11 ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh như sau: thấp nhất ở phía Tây-Tây Bắc tỉnh (các huyện Ea Súp, Buôn Đôn …) từ 10-20mm; Mưa lớn dần ở vùng Trung tâm tỉnh (Buôn Ma Thuột, Cư Mgar và lân cận … 30-50 mm; Phía Nam tỉnh ( Lắk, Krông Ana, 1 phần Krông Bông) 40-60mm; lượng mưa lớn nhất phía Đông-Đông Nam tại các huyện Ea Kar, M’Đrắk và phần lớn diện tích huyện Krông Bông, từ 80-140 mm. Dự kiến từ giờ đến tối lượng mưa tăng lên, tâm mưa lan về giữa tỉnh. Mực nước lũ các sông suối trên khu vực dâng cao dần trong mấy ngày tới. Đầu nguồn các sông Krông Ana, Krông Bông, Krông Pắk, Krông Năng biên độ lũ sẽ lên tới 3-4 mét, không có thông số cụ thể vì Đài không có trạm đo.

Căn phòng tốc mái trong 1 nhà máy ở M’Đrắk – Hoàng Thiên Nga
Mưa lớn nhiều huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk
Một dãy nhà bay toàn bộ giàn mái
Nhà cửa hư hỏng

Tiền Phong sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mưa lũ, ảnh hưởng cơn bão Damrey trên địa bàn Tây Nguyên trong các bản tin tiếp theo.

Nhóm PV Tây Nguyên
( Hoàng Thiên Nga, Vũ Long)

1 bình luận về “Tây Nguyên: Bão Damrey

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s