TYO và giáo dục khai phóng cho giới trẻ tại vùng Tây Nguyên

TYO và giáo dục khai phóng cho giới trẻ tại vùng Tây Nguyên

 Thanh Duy (#XHDS)

“Với những thông tin và kiến thức có được trong tay, chúng ta là người quyết định sẽ làm gì với nó, ngồi yên hay là mang lại những điều mới mẻ để phát triển cộng đồng mình,” anh Đỗ Liên Quang, Chủ tịch TYO cho biết.

Tổ chức Lãnh đạo trẻ Tây Nguyên (Tay Nguyen Youth Leadership Organization, TYO) đã và đang có những định hướng táo bạo liên quan sự thay đổi Tây Nguyên và các vùng khó khăn bên ngoài khu vực xoay quanh nội lực giới trẻ. Điều gì đã làm nên định hướng này, và cách thức để thúc đẩy nó ra sao?
Anh Đỗ Liên Quang, Chủ tịch TYO đã dành cho #xahoidansu.org một cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề này.


TYO là định hướng giáo dục khai phóng

#XHDS: Chào anh Đỗ Liên Quang, anh có thể nói một chút về quá trình xây dựng TYO?

Anh Đỗ Liên Quang: TYO là viết tắt của Tay Nguyen Youth Leadership Organization, tên tiếng Việt là Tổ chức Lãnh đạo trẻ Tây Nguyên, và TYO (đọc là ty-yo). TYO cơ bản được xây dựng từ sự mở rộng của chương trình Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên (Tay Nguyen Youth Summit, TNYS). TNYS là sân chơi để các bạn trẻ Tây Nguyên trao đổi về các vấn đề xã hội và thực hiện dự án cộng đồng của riêng mình. Mỗi năm, TNYS mang 30 bạn trẻ xuất sắc nhất Tây Nguyên lại với nhau để học hỏi về các vấn đề xã hội cấp bách tại khu vực như văn hóa, môi trường, phát triển bền vững thông qua các hình thức chia sẻ khác nhau, nhấn mạnh vào các hoạt động mang tính “tai nghe mắt thấy”, đồng thời đào tạo kỹ năng xây dựng và thực hiện dự án xã hội cho các bạn tham gia.

Về bản chất, TNYS là một chương trình và mỗi năm có một ban tổ chức khác nhau. Sau một thời gian, một số cựu BTC của các chương trình TNYS ngồi lại với nhau và nhận ra rằng mình muốn và có thể làm được nhiều hơn TNYS để đóng góp cho khu vực. Từ đó TYO ra đời.

#XHDS: Theo anh, hiện nay vùng Tây Nguyên đang đối diện với những “vấn đề xã hội cấp bách” nào?

Anh Đỗ Liên Quang: Đó là giáo dục (đảm bảo học sinh ở các vùng sâu vùng xa có điều kiện tới trường học, sau đó là phát triển kỹ năng mềm và cứng trong và ngoài trường học cho học sinh, sinh viên để chuẩn bị họ cho công việc sau này), bảo tồn văn hóa, bảo tồn môi trường, phát triển kinh tế bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế với các khu vực khác trên cả nước. Đây cũng là các vấn đề mà chương trình TNYS của chúng tôi giới thiệu tới các bạn thành viên tham gia trong các năm vừa qua.

#XHDS: Như vậy, nguồn lực mà TYO hướng tới trong việc tận dụng và giải quyết các vấn đề cấp bách đó sẽ là?
Anh Đỗ Liên Quang: Đầu tiên là các bạn có quan tâm tới sứ mệnh của TYO, tham gia vào lãnh đạo tổ chức để hình thành các chương trình mà chúng tôi đang lên kế hoạch. Thứ hai là các tổ chức hợp tác (tổ chức nhà nước, doanh nghiệp địa phương, và tổ chức phi chính phủ) và cuối cùng và cũng quan trọng nhất chính là những bạn trẻ sẽ tham gia vào các chương trình của TYO. Chúng tôi mong muốn các bạn sau khi nhận được cơ hội tham gia vào các chương trình của TYO, học hỏi được những kỹ năng mới, xây dựng được mạng lưới của riêng mình thì sẽ quay lại và hành động đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của cộng đồng mình, dù lớn hay nhỏ.

Vấn đề mà giới trẻ Tây Nguyên đang gặp phải hiện nay là: giáo dục. Ảnh: ThangSoi

#XHDS: Giáo dục khai phóng trong tôn chỉ của TYO được hiểu như thế nào?

Anh Đỗ Liên Quang: Giáo dục khai phóng là hình thức giáo dục đại học ở Mỹ, và sẽ được áp dụng tại đại học Fulbright sắp tới ở Việt Nam.

TYO có chung triết lý với giáo dục khai phóng trong việc phát triển các bạn trẻ tham gia các chương trình của chúng tôi. TYO mong muốn phát triển các bạn trẻ theo chiều hướng suy nghĩ rộng, suy nghĩ “out of the box” và đa chiều. Việc học là việc cả đời, vì thế chúng tôi tin trong trường học, việc quan trọng nhất là dạy học sinh cách suy nghĩ. Khi điều này còn thiếu hụt trong trường học thì các hoạt động giáo dục ngoài trường học có thể cung cấp môi trường như vậy. Một trong những dự án trong tương lai mà TYO đang lên kế hoạch tổ chức là trại hè sử dụng mô hình giáo dục khai phóng để tạo điều kiện cho các bạn học sinh THPT tại Tây Nguyên được giao lưu và rèn luyện tiếng Anh với các bạn sinh viên quốc tế.

#XHDS: Trong năm 2017 (hoặc giai đoạn 2017-2018), các bạn có kế hoạch gì để hiện thực hóa tôn chỉ đó chưa?Anh Đỗ Liên Quang: Cuối tháng 7, chúng tôi sẽ tổ chức Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên (TNYS) lần thứ 7 tại Gia Lai với chủ đề “Vận tốc lý tưởng”. Năm 2018, theo kế hoạch chúng tôi sẽ đưa ra hai chương trình mới: trại hè giáo dục khai phóng dành cho học sinh THPT (toàn bộ diễn ra bằng tiếng Anh), và trại hè lập trình.

Chúng tôi cũng đang làm việc lên kế hoạch, hi vọng trong năm 2018 sẽ thực hiện được một dự án xây dựng (sân chơi cho trẻ em, hoặc trường học).

#XHDS: Điều gì khiến TYO trở nên khác biệt so với những tổ chức của giới trẻ khác?

Anh Đỗ Liên Quang: Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này cả, và trung thực mà nói thì đây không phải là trọng tâm của TYO. Chúng tôi tập trung vào thiết kế và thực hiện những chương trình, dự án mới mẻ nhất để mang lại những kỹ năng mới và bổ ích cho các bạn trẻ Tây Nguyên. Đối tượng hưởng lợi sẽ luôn là trọng tâm của chúng tôi. TYO mong muốn đem lại những chương trình mà có thể cung cấp các kỹ năng các bạn ở Tây Nguyên đang cần hiện tại. Có thể có các tổ chức khác đang cố gắng làm những điều tương tự chúng tôi hướng đến ở những khu vực khác trên Việt Nam. Chúng tôi chào đón hợp tác với các tổ chức như thế.

Giáo dục khai phóng dành cho giới trẻ Tây Nguyên sẽ là động lực lớn nhất giúp rút gọn khoảng cách giữa khu vực này với các khu vực phát triển khác ở Việt Nam. Ảnh: phuongDS

#XHDS: Trọng tâm nhất trong cách thức để TYO sẽ tạo ra sự thay đổi là gì?

Anh Đỗ Liên Quang: Thuyết phục được sự ủng hộ và tham gia của ba loại tổ chức kể trên (tổ chức nhà nước, doanh nghiệp địa phương, và tổ chức phi chính phủ). Chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ và sự hợp tác với một số tổ chức nhà nước, doanh nghiệp địa phương, cũng như NGOs trong những năm qua thông qua chương trình TNYS. Tuy nhiên sắp tới để sự tham gia này mang chiều hướng sâu hơn nữa, chúng tôi sẽ phải thiết kế nội dung của mình làm sao để những tổ chức này không chỉ là những người bảo trợ, cố vấn, ủng hộ vật chất, mà còn là người trực tiếp tham gia vào việc nhân rộng ảnh hưởng có được từ những hoạt động chúng tôi tổ chức.

Đồng thời, các bạn tham gia các chương trình của TYO sẽ là đại sứ cho chính chương trình mình đã tham gia để giới thiệu những gì mình học được tới những người bạn xung quanh, và hơn thế nữa, quay trở về địa phương mình để thực hiện những dự án đem lại tác động cụ thể, dù nhỏ hay lớn, ở chính nơi mình sống.

Vấn đề Tây Nguyên và chìa khóa – giới trẻ

#XHDS: Anh có thể cho biết tại sao lại có ý tưởng xây dựng TYO?

Anh Đỗ Liên Quang: TYO là được xây dựng bởi nhóm bạn trẻ nhiệt huyết muốn đóng góp sức mình xây dựng và phát triển khu vực Tây Nguyên. Chúng tôi quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển tại các khu vực kém phát triển ở Việt Nam và rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực này với các thành phố lớn. Chúng tôi tin một trong những cách giúp rút ngắn khoảng cách là đầu tư vào giáo dục của các bạn trẻ. Và từ kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi tin rằng các chương trình giáo dục bổ ích ngoài trường học có thể giúp các bạn trẻ – nguồn nhân lực tương lai của khu vực trong việc mở rộng hiểu biết về các vấn đề xã hội, trau dồi thêm các kỹ năng mềm và kỹ năng cứng phục vụ cho công việc sau này. Chúng tôi tin vào sức mạnh đột phá của tuổi trẻ: dám nghĩ, dám làm, và dám dẫn đầu.

#XHDS: Vì thế nó mang tên là “Tổ chức Lãnh đạo trẻ Tây Nguyên”?

Anh Đỗ Liên Quang: Đúng vậy! Trước hết, Tổ chức Lãnh đạo trẻ Tây Nguyên (TYO) vì chúng tôi tin rằng kỹ năng lãnh đạo là một kỹ năng có thể học được và bất cứ bạn trẻ nào cũng có thể trở thành một người lãnh đạo. Lãnh đạo ở đây có thể đơn giản chỉ là cách làm việc trong một nhóm hai người làm thế nào để giao tiếp, dẫn dắt, truyền cảm hứng, giúp nhau phát triển và đạt được mục đích chung của hai người.

TYO sẽ cung cấp cơ hội để các bạn trẻ khám phá, học hỏi, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo của mình và chúng tôi tin khi một người trẻ có kỹ năng lãnh đạo, họ có thể tạo ra những thay đổi tích cực một cách hiệu quả, đưa những ý tưởng thành hiện thực và đóng góp trực tiếp lại cho cộng đồng của mình. Bản thân TYO và TYO cũng hướng tới giúp các bạn trẻ Tây Nguyên trở thành những người lãnh đạo trẻ, những người trẻ tạo ra sự thay đổi.

#XHDS: Theo anh, vấn đề giới trẻ Tây Nguyên đang gặp phải hiện nay là gì?

Anh Đỗ Liên Quang: Trước đây khi internet chưa phổ biến, một trong những khó khăn lớn ở khu vực Tây Nguyên là cập nhật thông tin. Vấn đề này vẫn tồn tại đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, tuy nhiên đã được cải thiện đáng kể nhờ internet. Theo nhận định của chúng tôi, một vấn đề khác nổi bật hơn mà cản trở sự phát triển của các bạn trẻ Tây Nguyên là sự thiếu hụt các cơ hội và chương trình trẻ bổ ích ngoài trường học. Ví dụ, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, HCM, các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 đã được sớm tiếp xúc với các chương trình, dự án xã hội cho chính các bạn trẻ tự tổ chức, thông qua đó học tập những kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cứng, luyện tập tiếng Anh, kết bạn với các bạn khác từ Việt Nam và ngoài Việt Nam. Ở Tây Nguyên, những chương trình như vậy còn rất ít.

TYO hoạt động dựa trên 3 mảng: (1) giáo dục và lãnh đạo trẻ, (2) xây dựng và phát triển cộng đồng, và (3) truyền thông. Ảnh: PhuongDs
#XHDS: Phải chăng, đấy là điều khiến giáo dục trở thành một trong những mục tiêu của TYO trong thúc đẩy phát triển ở Tây Nguyên ?
Anh Đỗ Liên Quang: Vâng, chúng tôi quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển tại các khu vực kém phát triển ở Việt Nam và rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực này với các thành phố lớn. Bắt đầu từ khu vực Tây Nguyên. Chúng tôi tin một trong những cách giúp rút ngắn khoảng cách là đầu tư vào giáo dục của các bạn trẻ. Đầu tư vào giáo dục nên bắt đầu ngay từ bây giờ và giáo dục không nhất thiết chỉ ở trong trường học.
#XHDS: Quan điểm của TYO về vai trò của giới trẻ trong thay đổi xã hội?
Anh Đỗ Liên Quang: Người trẻ nên là người tạo ra sự thay đổi. So với thế hệ cha mẹ của chúng ta, giới trẻ hiện nay có điều kiện lớn hơn trong việc tiếp cận với thông tin. Với những thông tin và kiến thức có được trong tay, chúng ta là người quyết định sẽ làm gì với nó, ngồi yên hay là mang lại những điều mới mẻ để phát triển cộng đồng mình.
#XHDS: Việc TYO giới hạn độ tuổi 18-26 và không phân biệt vùng miền khi đăng ký ban điều hành sẽ được hiểu như thế nào?
Anh Đỗ Liên Quang: Giới hạn độ tuổi từ 18-26 vì chúng tôi tin các bạn trong độ tuổi này đáp ứng được những tiêu chí về kinh nghiệm làm việc mà chúng tôi đang hướng tới. Chúng tôi không giới hạn trong Tây Nguyên và chào đón các bạn từ bất cứ tỉnh thành nào trên Việt Nam, thậm chí ngoài Việt Nam vì chúng tôi biết có rất nhiều bạn, dù không sinh sống hay sinh ra ở Tây Nguyên, lại rất có quan tâm tới khu vực.
Thực tế, trong lần tuyển chọn ban điều hành tổ chức lần này, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn từ các tỉnh thành khác nhau trên cả nước, từ phía Bắc vào Nam.
#XHDS: Vâng! Xin cảm ơn anh Đỗ Liên Quang về cuộc trao đổi thú vị này! 

#XHDS: Hiện TYO có 3 mảng hoạt động chính, nhưng trọng tâm nhất mà các bạn đề ra sẽ là mảng hoạt động nào?

Anh Đỗ Liên Quang: Sở dĩ chúng tôi xây dựng ra 3 mảng hoạt động: (1) giáo dục và lãnh đạo trẻ, (2) xây dựng và phát triển cộng đồng, và (3) truyền thông vì chúng tôi muốn xây dựng một “hệ sinh thái” gồm các hoạt động tập trung về cả nhận thức, kỹ năng cứng, lẫn cung cấp cơ sở vật chất để tạo điều kiện giáo dục cho các bạn trẻ Tây Nguyên. Truyền thông cũng là một mảng không thể thiếu vì chúng tôi biết nó có tác động rộng với các bạn trẻ hiện tại.

Chúng tôi mong muốn cân bằng cả 3 mảng hoạt động này và phát triển để chúng liên kết chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại thì chúng tôi có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết, và mạng lưới hơn ở mảng thứ nhất. Hai mảng còn lại sẽ cần một chút thời gian để học thêm.

Hiểu thêm về TYO

#XHDS: Đối tác và đối tượng hưởng lợi của các hoạt động do TYO đề ra là ai?

Anh Đỗ Liên Quang: Đối tượng hưởng lợi trực tiếp TYO hướng tới cho các chương trình của mình bao gồm các bạn học sinh từ tiểu học tới THPT, sinh viên đại học và mới đi làm, những đối tượng nằm trong độ tuổi quan trọng và cần thiết của việc phát triển suy nghĩ và kỹ năng (mềm và cứng) từ các hình thức giáo dục hiệu quả và bổ ích. Những đối tượng hưởng lợi này sẽ luôn là trọng tâm của bất cứ dự án, chương trình nào do TYO tổ chức, và cũng là trọng tâm trong mỗi quyết định và hành động mà những người đứng sau TYO đưa ra.Chúng tôi tin rằng để tạo ra những ảnh hưởng tốt nhất cho cộng đồng thì ba tổ chức: tổ chức chính phủ, tổ chức xã hội phi lợi nhuận và doanh nghiệp địa phương cần phối hợp chặt chẽ vì họ gắn bó trực tiếp và có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn với cộng đồng. Chính vì vậy, các hoạt động của TYO sẽ được xây dựng với sự hợp tác của ít nhất một tổ chức từ mỗi nhóm kể trên.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s