Kiến nghị Quốc hội chưa thông qua luật về Hội

PPWG – 19/10/2016

Ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung
Ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung

Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) đề nghị Quốc hội CHƯA THÔNG QUA  Luật về Hội trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV để tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi vì Dự thảo hiện tại (ngày 10 tháng 10 năm 2016) vẫn có những nội dung vi phạm quyền tự do hiệp hội của công dân được bảo vệ tại Điều 25 của Hiến pháp 2013, đi ngược lại xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế, và có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội vì những hoạt động hiệp hội bình thường của người dân có thể bị ngăn cấm.

Cụ thể, có bốn nội dung quan trọng sau cần phải chỉnh sửa hoặc loại bỏ để Luật về Hội thúc đẩy sự phát triển của xã hội và đất nước:

Thứ nhất, điều 4 định nghĩa hội “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu” sẽ gạt bỏ và phủ nhận hàng trăm nghìn hội không đăng ký đang tồn tại và hoạt động tích cực, có ích trên thực tế. Họ là các hội như hội đồng hương, đồng ngũ, hội chăm sóc bệnh nhân nghèo, hội người điếc câm, hội bệnh nhân ung thư vú, hội chăm sóc người có HIV, hội hỗ trợ trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa, vv… Việc tập hợp và hoạt động của họ là hoàn toàn bình thường trong một xã hội nhân bản và dân chủ. Việc định nghĩa hội như hiện tại sẽ gạt họ ra ngoài lề, thậm chí đặt họ phải đối mặt với nguy cơ bị ngăn cản hoạt động, dẫn đến những xáo trộn xã hội. PPWG kiến nghị Quốc hội điều chỉnh nội dung này trong định nghĩa về hội để bảo vệ quyền lập hội của người dân, tránh nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Thứ hai, khoản 5 điều 8 quy định “hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Điều này đi ngược lại xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế, đẩy Việt Nam trở lại sự cô lập và lạc hậu vì người dân và hội của họ không thể trao đổi thông tin, kiến thức, chuyên môn, hợp tác đầu tư, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi với các đối tác quốc tế. Điều này cũng đi ngược lại quyền tự do hiệp hội của người dân trong Hiến pháp và các cam kết của Việt Nam với các Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, việc không cho hội nhận tài trợ nước ngoài cũng sẽ dẫn đến nguy cơ nhà nước tiếp tục phải bao cấp cho hoạt động của hội trong tương lai. PPWG đề nghị Quốc hội loại  bỏ điều khoản hạn chế này trong Dự thảo Luật về Hội.

Thứ ba, các điều khoản trong chương II về thủ tục thành lập hội rất khắt khe, thể hiện cơ chế xin-cho trong việc thành lập và hoạt động của hội. Cơ chế này hoàn toàn đi ngược lại với chính sách “Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền lập hội của công dân” được quy định tại khoản 1, điều 7 của Dự thảo Luật. Quy định này đòi hỏi người dân phải đăng ký 2 lần (một lần nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, một lần phải nộp báo cáo kết quả đại hội, điều lệ, và người đứng đầu hội để được công nhận) gây phiền hà về thủ tục hành chính. Nó cũng tạo ra kẽ hở để công chức nhà nước xâm phạm quyền tự do hiệp hội của người dân, can thiệp vào hoạt động nội bộ của hội. Quy định này cũng mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của hội mà Dự thảo luật đã nêu ra. PPWG kiến nghị sửa chương II theo hướng người dân chỉ phải đăng ký một lần sau đại hội thành lập, và hội không phải xin được công nhận điều lệ và người đứng đầu sau mỗi kỳ đại hội.

Thứ tư, việc Dự thảo luật không quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú, làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội; đồng thời người nước ngoài cư trú, làm việc hợp pháp tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được thành lập hội là vi phạm nội dung mà Việt Nam đã ký kết tại Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị rằng “tất cả mọi người đều có quyền tự do hiệp hội”.  Đồng thời, việc không quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia và thành lập hội là đi ngược lại điều 18, Hiến pháp năm 2013 về “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và là “máu thịt” của dân tộc Việt Nam. PPWG đề nghị Dự thảo Luật cần quy định quyền lập hội của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú, làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng Luật về Hội cần triển khai được tinh thần tôn trọng quyền con người của Hiến pháp 2013, cụ thể là điều 25 về quyền tự do lập hội của người dân, và những cam kết chuẩn mực mà Việt Nam đã phê chuẩn trong Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị 1966, cũng như những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Xét cho cùng, Luật về Hội phải nhằm khơi thông các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy hợp tác giữa người dân với nhau để cùng nhà nước giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước. Luật về Hội cũng phải thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế, tăng cường ngoại giao nhân dân, góp phần thúc đẩy và củng cố hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Nếu vẫn còn bốn điều tồn tại nêu trên, Luật về Hội không những không thể đáp ứng được các mục đích này, mà còn cản trở đời sống hiệp hội của người dân, gây xáo trộn đời sống xã hội, và đi ngược lại với cam kết bảo vệ quyền con người, hội nhập và hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Với các lý do trên, PPWG khuyến nghị mạnh mẽ các đại biểu Quốc hội khóa XIV chưa thông qua Dự thảo Luật về Hội trong kỳ họp thứ 2 này để Dự thảo tiếp tục được chỉnh sửa theo hướng tiến bộ và thật sự đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của đất nước.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s