- Bài 1: “Nhà nước Đê Ga”
- Bài 2: Kinh thánh dạy tình thương yêu
- Bài 3: “Tin lành Đê Ga” không phải là tổ chức tôn giáo

***
09:49 PM – 26/06/2005
Bài 1: “Nhà nước Đê Ga”
Cuộc gặp này nhằm góp phần trả lời một câu hỏi mà tôi, các bạn cùng rất nhiều người trong và ngoài nước chưa hiểu rõ: “Tin lành Đê Ga” là tổ chức tôn giáo hay chính trị? Tại Gia Lai, chúng tôi và thủ lĩnh “Tin lành Đê Ga” Siu Huêh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp Siu Huêh (tên thường gọi là Ama Thái), chúng tôi đã dành nhiều ngày tìm hiểu về Tây Nguyên, vùng đất giàu đẹp, địa bàn chiến lược có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của Tổ quốc; nơi hội tụ cả hai yếu tố nhạy cảm, luôn mang tính thời sự là dân tộc và tôn giáo.
Trong hai cuộc chiến tranh vừa qua, vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên đã bị nhiều thế lực lợi dụng bằng cách kích động đòi tự trị. Khởi đầu là “Phong trào BaJaRaKa” – viết tắt tên 4 dân tộc bản địa Tây Nguyên là Bahnar, Jarai, Rhadé (Ê-đê) và Kaho – khởi xướng từ năm 1957 và chính thức thành lập tháng 9/1958, với mục tiêu đấu tranh giành cho các dân tộc thiểu số Tây Nguyên một quốc gia riêng, quân đội riêng; chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu “đồng hóa”, “diệt chủng người Đê Ga”; bài Kinh.
Đầu năm 1959, phong trào này bị chính quyền Ngô Đình Diệm dập tắt. Tháng 3/1964, chính quyền Sài Gòn thả hết các thủ lĩnh “Phong trào BaJaRaKa” bị bắt trước đây, sắp xếp cho một số người tham gia bộ máy chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những người này vẫn theo đuổi tư tưởng ly khai và đã thành lập “Mặt trận giải phóng dân tộc cao nguyên” (FLHPM).
Ngày 20/9/1964, nhóm chủ trương đấu tranh bằng vũ trang của FLHPM đã gây bạo loạn, đánh chiếm nhiều quận lỵ ở Tây Nguyên, kể cả đài phát thanh tỉnh Đắk Lắk cũng bị chiếm giữ. Chính quyền Sài Gòn đàn áp, khiến những người cầm đầu nổi loạn chạy sang Campuchia.
Lúc này, ở Campuchia có hai tổ chức khác cùng giương khẩu hiệu đấu tranh cho quyền tự trị của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là Mặt trận giải phóng Chămpa (FLC), Mặt trận giải phóng dân tộc Khơme Krôm (FLKK). Ngày 25/6/1965, tại “Hội nghị nhân dân Đông Dương lần thứ nhất” ở Phnôm Pênh, Campuchia, FLHPM, FLC và FLKK đã sáp nhập thành “Mặt trận thống nhất giải phóng các dân tộc bị áp bức”, viết tắt theo tiếng Pháp là FULRO (Front Unifié de Libération des Races Opprimées). Đây là tổ chức chính trị có vũ trang, với mục tiêu thành lập một nhà nước tự trị ở Tây Nguyên.
Năm 1975, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, FULRO đã nổ súng tấn công vào nhiều buôn làng, gây ra không biết bao nhiêu cảnh tang thương. Năm 1985, lực lượng FULRO ở Tây Nguyên cơ bản bị đánh bại và tan rã, số còn lại chạy sang Campuchia. Cuối năm 1992, lực lượng FULRO với quân số khoảng 400 tên đã tuyên bố giải tán cả về chính trị và quân sự; sau đó tiếp tục hoạt động với hình thức tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức mới của người Thượng ở nước ngoài.
Cuối năm 1999, Ksor Kơk – đứng đầu Hội những người miền núi (MFI) thành lập năm 1992 tại hải ngoại – tuyên bố thành lập “Nhà nước Đê Ga”, tự xưng là “Tổng thống Nhà nước Đê Ga độc lập” và bắt đầu kế hoạch gây dựng lực lượng trong nước.
![]() Siu Huêh |
Đạo Tin lành xâm nhập vào Tây Nguyên từ năm 1929, nhưng phải đến năm 1954 mới phát triển đáng kể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ sau năm 1965, đạo Tin lành, chủ yếu ở Trung Thượng hạt và Nam Thượng hạt bị FULRO lợi dụng, trở thành công cụ lợi hại ở các tỉnh Tây Nguyên.
Gây dựng lực lượng chính trị thông qua hoạt động tôn giáo là một trong những phương pháp có hiệu quả cao, bởi nhiều lẽ: tổ chức tôn giáo có điều kiện sinh hoạt cộng đồng thường xuyên, có môi trường tuyên truyền thuận lợi, tín đồ luôn tin tưởng và nghe theo bề trên; mặt khác, hoạt động chính trị dưới vỏ bọc tôn giáo dễ tranh thủ được sự “ủng hộ” quốc tế. Với lai lịch của mình, việc FULRO chọn tín đồ theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên để gây dựng lực lượng là hợp lý.
Để chuẩn bị cho việc tập hợp lực lượng ở Tây Nguyên, FULRO ở hải ngoại đã thành lập tổ chức “Tin lành Đê Ga”, do mục sư Bdasu K’Bông, thành viên FULRO, đứng đầu. Đáng lưu ý là những người lãnh đạo “Tin lành Đê Ga” đều kêu gọi thành lập “Nhà nước Đê Ga độc lập”.
Về nhân sự, nhiều chức sắc của “Tin lành Đê Ga” có chân trong “bộ máy Nhà nước Đê Ga”. Như ở tỉnh Gia Lai, Ama Chăm – đứng đầu Hội Thánh “Tin lành Đê Ga”, là “Phó tổng trưởng”; ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), “Hội trưởng” YWi Ksơr (Ama Trương) cũng là “Trưởng huyện”… của “Nhà nước Đê Ga”.
Ngày 20/9/2000, mục sư Bdasu K’Bông ở nước ngoài đã ký quyết định thành lập tổ chức “Tin lành Đê Ga” trong nước, bổ nhiệm những người đứng đầu ở Gia Lai, trong đó Ama Chăm lãnh đạo Hội Thánh trong nước, Ama Thái giữ chức vụ thư ký… Tháng 3/2001, sau thất bại trong vụ tổ chức biểu tình ở Tây Nguyên, Ama Chăm trốn đi Campuchia, giao quyền lãnh đạo “Tin lành Đê Ga” cho Ama Thái.
(còn tiếp)
Việt Phương
***
Đi gặp thủ lĩnh “Tin lành Đê Ga”
Năm 1992, Ama Thái được làm thủ tục xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO, nhưng không đi được vì lý do kinh tế và hoàn cảnh gia đình. Trước đây, Ama Thái theo đạo Tin lành, là chấp sự trưởng thuộc Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam).
Ama Thái nhớ lại: Vào khoảng tháng 9/2000, Ama Chăm mời các chấp sự trong làng, trong khu vực đến để nói về “Tin lành Đê Ga”. Lúc đó, Ama Thái chưa biết “Tin lành Đê Ga” là gì, nên hỏi Ama Chăm vì sao “Tin lành Đê Ga” không thống nhất với Tin lành Việt Nam (miền Nam). Ama Chăm nói: “Tin lành Đê Ga được thành lập là để dành riêng cho người dân tộc thiểu số. Nếu anh thật sự là người dân tộc Tây Nguyên thì anh phải nhập vào Hội thánh Tin lành Đê Ga”.
Ama Thái thắc mắc: “Tôi theo đạo Tin lành từ năm 1972, đã nghiên cứu trong sách vở, trong Kinh thánh nhưng không thấy có Tin lành Đê Ga, chỉ có Tin lành Việt Nam (miền Nam)”. Sau đó, Ama Chăm đưa mấy người truyền đạo của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đến gặp Ama Thái và nói: “Đây này, chính những người này lãnh đạo trong Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), nhưng cũng theo Tin lành Đê Ga rồi”. Ama Thái vẫn từ chối.
Ama Chăm còn đến nhà Ama Thái ba bốn lần nữa, đưa ra tên những người theo “Tin lành Đê Ga” rồi nói: “Tất cả tín đồ đều theo Tin lành Đê Ga rồi, chỉ còn số ít theo Tin lành Việt Nam (miền Nam) thôi”. Cuối cùng Ama Thái xuôi theo: “Thôi, các anh theo cả rồi, tôi cũng không có cách nào khác, nên đi theo thôi. Nhưng sau này, nếu xem xét lại thấy không được thì mình tính lại sau”.
Ama Thái cho biết cuộc biểu tình tháng 4/2004 ở Tây Nguyên được chỉ đạo từ nước ngoài thông qua những người đứng đầu “Tin lành Đê Ga” ở Tây Nguyên.
* Ama Thái này, tổ chức “Tin lành Đê Ga” có quan hệ với FULRO không?
– Không quan hệ thì làm sao biết được tin tức (về kế hoạch biểu tình).
* Tổ chức “Tin lành Đê Ga” ở Tây Nguyên đã nuôi dưỡng và che giấu nhiều thành viên.
– Điều đó là có. Nếu không có thì làm sao xảy ra chuyện (biểu tình) kia.
* Tôi nghe nói ở Hội thánh “Tin lành Đê Ga”, sau mỗi buổi sinh hoạt tôn giáo, những người truyền đạo tranh thủ kích động đòi thành lập “Nhà nước Đê Ga” để tự trị Tây Nguyên?
– Có đấy. Tôi biết ở một số nơi người ta lợi dụng truyền đạo để tuyên truyền về “Nhà nước Đê Ga”.
* Sau một thời gian theo “Tin lành Đê Ga”, anh thấy tổ chức này thế nào?
– Nó gây ra nhiều cái hại.
Thứ nhất là gây mất đoàn kết giữa người dân tộc với nhau. Nói “Tin lành Đê Ga” là của người dân tộc. Nhưng cùng là người dân tộc mà người này theo Tin lành Việt Nam (miền Nam), người kia theo “Tin lành Đê Ga”. Trước đây, khi chưa xuất hiện “Tin lành Đê Ga”, những tín hữu Tin lành Việt Nam (miền Nam) sống với nhau rất vui.
Thứ hai là gây gián đoạn về kinh tế cho đồng bào, do phải bỏ làm ăn đi biểu tình.
Thứ ba là ảnh hưởng đến văn hóa. Năm 2000, Ama Chăm và mấy người bọn họ nói không cho con em đi học nữa, vì đi học phải học tiếng Kinh. Khi nào “Nhà nước Đê Ga” ổn định sẽ cho con em đi học. Tôi nói làm thế thì chết con em mình thôi. Không học thì sau này biết làm gì.
Phải chấm dứt hoạt động của “Tin lành Đê Ga” thôi, vì còn nó là còn chia rẽ miết, còn xúi giục biểu tình. Hết “Tin lành Đê Ga” thì mới ổn định được.
* Còn bà con mình suy nghĩ gì?
– Người ta phàn nàn nhiều lắm! Họ nói hồi Ama Thái còn ở Tin lành Việt Nam (miền Nam), chúng ta đã sinh hoạt rất vui, mỗi khi có kết hôn, làm lễ… đều có mục sư người Kinh, người dân tộc. Từ khi tách khỏi Tin lành Việt Nam (miền Nam) đi theo “Tin lành Đê Ga” rất là buồn tẻ; vì những người đứng ra răn dạy lời Chúa lại nói khác lời Chúa.
Kinh thánh dạy tình thương đến từ Đức Chúa trời; Chúa thương mình thì mình phải thương người anh em của mình. Nhưng người ta lại chia rẽ người Kinh với người dân tộc; ngay cả gia đình người dân tộc theo Tin lành Việt Nam (miền Nam) mà có đám tang hay ốm đau, nó (những đối tượng FULRO trong “Tin lành Đê Ga”) cũng không cho người theo “Tin lành Đê Ga” đến thăm.
* Bây giờ, nếu gặp những người đã và đang theo “Tin lành Đê Ga”, anh sẽ nói gì?
-Tôi sẽ khuyên họ không theo “Tin lành Đê Ga” nữa, mà quay về Tin lành Việt Nam (miền Nam). Ai không muốn quay về thì hãy sống lương thiện. Vừa rồi tôi cũng nói qua truyền hình như vậy.
Thực sự mà nói, lúc đầu tôi tưởng “Tin lành Đê Ga” đến từ Đức Chúa Trời. Sau một thời gian đi theo, tôi dần hiểu ra những người FULRO ở nước ngoài tạo ra “Tin lành Đê Ga” để gây mâu thuẫn trong nước mình. Cứ gây chia rẽ thế này thì làm sao ổn định để phát triển kinh tế. Dứt khoát phải chấm dứt hoạt động của “Tin lành Đê Ga” thôi!
(Còn tiếp)
Việt Phương
***
– Trong cuộc trao đổi này, tôi không muốn dùng tên gọi Tin lành Đê Ga, mà gọi là Tin lành ly khai.
* Thưa mục sư Rmah Sôl, “Tin lành Đê Ga”, hay theo cách nói của mục sư là “Tin lành ly khai”, có phải là một hệ phái của đạo Tin lành?
– Trước đây chưa có “Tin lành Đê Ga”, nó mới xuất hiện từ năm 2000, do ly khai khỏi Tin lành Việt Nam (miền Nam). Đó không phải là một hệ phái của đạo Tin lành, mà do một số người đặt ra với lý do dành cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Còn nhớ, trên một tờ báo ở hải ngoại, một nhà dân tộc học gốc Việt viết, đại ý:
Ngày 1/2/1969, tại Buôn Ma Thuột, đại diện Việt Nam Cộng hòa và phe FULRO đã ký một thỏa thuận trước sự chứng kiến của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Văn Hương. Trong lời bế mạc lễ ký, ông Y Dhê Adrong, đại diện phe FULRO, tuyên bố: “Kể từ ngày hôm nay, phong trào FULRO không còn nữa trên cao nguyên, bất cứ ai sử dụng danh nghĩa FULRO sau này để phá hoại sự đoàn kết Kinh – Thượng sẽ bị trừng trị theo luật pháp hiện hành của chính quyền”. Nhắc lại điều này để thấy rằng, người Việt Nam, dù sống trong chế độ nào, dù bất đồng chính kiến hay thuộc những phe phái khác nhau đều coi tình anh em Kinh – Thượng là thiêng liêng, coi Tây Nguyên là bộ phận không thể tách rời Tổ quốc Việt Nam. |
* Theo mục sư, “Tin lành ly khai” có phải là một tổ chức tôn giáo?
– Nếu là tổ chức tôn giáo thì sẽ không tham gia bất cứ hoạt động chính trị nào. Đây không phải tổ chức tôn giáo mà là một tổ chức chính trị hoạt động dưới danh nghĩa tôn giáo.
* Thưa mục sư, vào năm 2000, ông Ama Chăm, người đứng đầu “Tin lành Đê Ga” ở Gia Lai đã tổ chức lôi kéo nhiều tín đồ, chức sắc từ bỏ Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) để gia nhập “Tin lành Đê Ga”. Ý kiến của mục sư về vấn đề này như thế nào?
– Lúc đó chúng tôi đã chống quyết liệt việc làm của ông Ama Chăm. Chúng tôi đấu tranh yêu cầu họ không được bắt tín đồ Tin lành Việt Nam (miền Nam) gia nhập “Tin lành ly khai”, bởi vì hành động của Ama Chăm trái với lời của Đức Chúa trời. Chúa dạy không phân biệt người Kinh, người dân tộc, tất cả tín hữu đều là anh em. Từ đó chúng tôi đấu tranh để giành lại con chiên của mình.
* Thưa mục sư, từ khi ra đời vào năm 2000 đến nay, “Tin lành Đê Ga” đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống tôn giáo nói riêng và đời sống cộng đồng Tây Nguyên nói chung?
– Từ khi có “Tin lành ly khai”, nhiều tín hữu người dân tộc thiểu số rất hoang mang, phân vân; có người theo có người không muốn theo, từ đó gây ra anh em trong một nhà chia rẽ, một làng chia rẽ, thậm chí cha với con cũng chia rẽ. Do nghe theo bên ngoài là tham gia biểu tình để đi Mỹ, nhiều người đã bán bò, đồ đạc, ruộng đất…; rồi bà con, anh em, cha con… khóc lóc, chia tay nhau, gây hoang mang, xáo trộn trong đời sống, thiệt hại về kinh tế cho nhiều gia đình.
* Mục sư vừa nói hoạt động của “Tin lành ly khai” đã gây xáo trộn trong đời sống đồng bào Tây Nguyên. Như vậy, nếu chấm dứt được hoạt động của “Tin lành Đê Ga” sẽ góp phần làm cho Tây Nguyên yên ổn, thưa mục sư ?
– “Tin lành ly khai” đã làm sai với lời Chúa và làm mất đoàn kết trong bà con các dân tộc. Nhiều anh em đã nhận thức được điều đó, từ bỏ “Tin lành ly khai”, quay lại với Tin lành Việt Nam (miền Nam), dần ổn định đời sống, tâm lý. Nếu chấm dứt được hoạt động của “Tin lành ly khai” thì bà con sẽ tập trung vào xây dựng kinh tế và có khả năng không gây xáo trộn như trước.
* Như mục sư vừa nói, hiện nay nhiều người theo “Tin lành ly khai” đã nhận thấy lầm lạc, muốn quay về với Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Vậy thái độ của Hội Thánh Tin lành như thế nào?
– Thái độ của chúng tôi là: Con mà lầm lạc thì cha nào lại không muốn con quay trở về. Chúa đã giao phó con chiên cho mình thì mình phải yêu thương họ và mong muốn họ trở về với mình. Chúng tôi luôn dang rộng vòng tay đón họ.
* Được biết, nhiều mục sư của Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đang đi đến các buôn làng, giải thích cho bà con không nên theo “Tin lành Đê Ga”. Kết quả ra sao, thưa mục sư?
– Tôi được tin vừa qua, các mục sư Siu Pet và Puih Blik đã đi đến huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, giải thích cho số bà con “Tin lành ly khai”. Nhiều người đã nhận thức ra và cam kết quay lại với Tin lành Việt Nam (miền Nam).
* Xin cảm ơn mục sư. Cầu Chúa phù hộ cho mục sư và gia đình, cùng toàn thể bà con tín hữu trong Hội Thánh Tin lành sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc!
OoO
Rõ ràng, “Tin lành Đê Ga” không phải tổ chức tôn giáo, mà là tổ chức chính trị cực đoan có tư tưởng ly khai. Không cần nói ra thì bạn đọc cũng biết đứng sau tổ chức này là những ai. Chấm dứt hoạt động của “Tin lành Đê Ga” sẽ góp phần làm cho Tây Nguyên ổn định.
Nhiều nhà nghiên cứu về Tây Nguyên đã thống nhất cao với đánh giá: “Bản chất của người Tây Nguyên có tính cộng đồng cao, tinh thần thượng võ, chất phác mà phóng khoáng, bền bỉ và dẻo dai, không lắm lời nhiều tiếng. Đã vui vui cả làng, đã tin tin tuyệt đối, đã đi đi đến cùng”. Đó chính là sức mạnh của người Tây Nguyên. Chúng ta tin tưởng cộng đồng Tây Nguyên sẽ vượt qua mọi trở ngại để đoàn kết và phát triển.
Việt Phương