- Cuộc sống nơi cửa rừng
- Giải pháp bền vững nào cho vùng đệm?
Dân di cư tự do đã xâm canh và làm nhà cạnh vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập (ảnh lớn). Vợ chồng anh Điểu Hùng sau khi thế chấp đất cho thương lái chỉ còn biết sống dựa vào những sản vật từ rừng (ảnh nhỏ)
***
13:34 08/08/2014
BP – Khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nâng cấp thành Vườn quốc gia Bù Gia Mập trực thuộc tỉnh Bình Phước kể từ ngày 27-11-2002, với tổng diện tích 26.032 ha. Vùng đệm có tổng diện tích 15.200 ha, trong đó tỉnh Bình Phước 7.200 ha, tỉnh Đắk Nông 8.000 ha. Sau 12 năm nâng cấp, cuộc sống người dân trong vùng đệm vẫn phải bám rừng để sống. Cơ quan quản lý bảo vệ còn nhiều việc phải làm mới hy vọng Vườn quốc gia Bù Gia Mập hoàn thành sứ mệnh thiên nhiên của mình.
Bài 1 Cuộc sống nơi cửa rừng
Tháng 7, đất trời Bình Phước bất chợt nắng, bất chợt mưa. Trong nắng gió, mưa nguồn, cuộc mưu sinh của người dân nơi cửa rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập thật lặng lẽ nhưng rất khốc liệt.
Cầm vườn, bám rừng
Xuất phát từ thị xã Đồng Xoài lúc 6 giờ sáng, tôi đến thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, (huyện Bù Gia Mập) lúc 10 giờ 30 phút. Trời Bù Dốt lất phất mưa. Tôi ghé vào một căn nhà nhỏ bên sườn đồi. Những hạt mưa ngoài đường tạo thành dòng len lỏi xuyên qua vách lồ ô rồi quanh co trên nền nhà tạo thành những vũng nước ngoài ý muốn. Bất chấp chuyện mưa gió của đất trời, anh Điểu Hấp đang cặm cụi chuẩn bị món canh thụt cho bữa cơm truyền thống của người Xêtiêng. Vợ anh – Thị Vơi (22 tuổi) đi xúc cá ở các khe suối trong rừng từ sáng chưa về. Điểu Hấp (29 tuổi) lập gia đình năm 2009, hiện có 2 người con. Hai vợ chồng đều không đất sản xuất. Năm 2013, mẹ anh Điểu Hấp hứa cho 9 sào đất trồng điều ở khu vực Suối Đá trong vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập nhưng phải đợi đến hết mùa điều của năm 2015 mới có được đất. Bởi vườn điều 9 sào bị mẹ anh cầm cho thương lái 2 năm với giá 10 triệu đồng.
Sản vật của vợ anh Điểu Hùng sau một ngày lặn lội dưới suối
Dân di cư tự do đã xâm canh và làm nhà cạnh vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập (ảnh lớn). Vợ chồng anh Điểu Hùng sau khi thế chấp đất cho thương lái chỉ còn biết sống dựa vào những sản vật từ rừng (ảnh nhỏ)
Nằm ở cuối thôn Bù Dốt là cụm gia đình của ông Điểu Nghên. Gia đình ông có 1,2 ha đất trồng điều. Cách đây 3 năm, ông đã cầm cho thương lái với giá 30 triệu đồng trong 5 năm. Con rể của ông là Điểu Hùng có hơn 1 ha điều nhưng 5 năm trước cũng đem cầm cho thương lái 6 năm, với giá 35 triệu đồng. Năm 2015, vườn điều của gia đình anh mới hết hạn thế chấp nhưng đầu năm 2014, anh Điểu Hùng lại tiếp tục vay nóng 35 triệu đồng bằng hình thức thế chấp vườn điều trong thời gian 8 năm. Cuộc sống của cả gia đình với 4 miệng ăn giờ chỉ biết dựa vào đồng lương 1,5 triệu đồng/tháng của những ngày anh đi bảo vệ rừng cộng đồng. Chia tay anh dưới những giọt nắng yếu ớt cuối ngày cũng là lúc Thị Hồng – vợ anh từ rừng trở về sau một ngày xúc cá dưới suối. Sản vật mà chị kiếm được sau một ngày vất vả dưới các khe suối là nhúm cá, cua, ốc, rắn. Còn Điểu Hùng thì ngồi lựa những đọt mì cùng mớ rau rừng để chuẩn bị bữa cơm chiều…
Người giữ rừng cũng thiếu đất
|
Cách đây không lâu, Điểu Tơn còn là một tay lâm tặc chuyên khai thác lâm sản trái phép có tiếng ở thôn Bù Dốt. Hơn 3 năm gần đây, lực lượng quản lý bảo vệ rừng ngày càng chuyên nghiệp, nguồn tài nguyên rừng càng khan hiếm nên những người đi rừng như Điểu Tơn phải kiếm sống bằng cách khác. Đất vườn không có, cả xã Bù Gia Mập hiện chưa có doanh nghiệp nào đến đầu tư, những người như Điểu Tơn muốn tìm được việc làm rất khó. Thật may, năm 2011, Điểu Tơn cùng 20 hộ dân trong thôn được Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng. Giá bảo vệ mỗi ha 200 ngàn đồng/năm. Cả thôn Bù Dốt được nhận khoán hơn 4.000 ha vùng lõi. Với mức giao khoán bình quân mỗi hộ gia đình nhận 1,5-1,8 triệu đồng/tháng. Nhờ có việc làm này, 3 năm qua, 20 hộ nhận khoán bảo vệ rừng của thôn Bù Dốt đã thực sự đoạn tuyệt với nghề “nhất phá sơn lâm”.
Bị cúng cho về trời vì… giữ rừng
Rừng không cửa, người dân nơi vùng đệm vẫn phải đi rừng để kiếm sống. Những hộ được giao nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên đối mặt với các gia đình ở ngay thôn, sóc của mình nơi cửa rừng. Những công dân bảo vệ rừng ở thôn Bù Dốt như Điểu Tơn, Điểu Hùng hay Điểu Ma Giang, Điểu Chót (ở thôn 3, xã Đắk Ơ) đã không ít lần thấy người dân của làng mình đem máu gà, máu heo, thậm chí cả máu trâu ra cúng cho người anh em sớm về trời. Với phong tục tín ngưỡng của người Xêtiêng, việc cúng thần linh chỉ khi gia đình nào trong thôn, sóc có chuyện đại sự: Cúng mừng lúa mới, cúng con trưởng thành, cúng tìm được thôn, sóc mới, cúng để đuổi con ma không còn quậy phá buôn sóc… Còn chuyện cúng thần linh để bắt người anh em trong làng vì tội ngăn cản bà con vào rừng là chuyện chưa từng thấy. Nhưng đó lại là chuyện có thật, đã và đang xảy ra ở những thôn bảo vệ rừng cộng đồng của xã Đắk Ơ.
Lần đầu bắt gặp chuyện cúng bái ấy ai cũng tưởng như trời long, đất lở vì sợ mình sắp chết đến nơi. Người cúng thì cứ cúng, người bảo vệ rừng thì vẫn phải bảo vệ rừng. Mới hôm qua vây phải bắt 2 kẻ phá rừng, mặt Điểu Chót bị cây rừng cào xé còn tươi vết máu. Hôm nay, bên chốt bảo vệ rừng của cộng đồng thôn 3, xã Đắk Ơ, Điểu Chót vẫn nở nụ cười hồn nhiên kể rằng: “Cúng hoài nhưng có ai chết đâu nên bà con cũng chán. Mọi nghi ngại của bà con trong thôn, sóc rồi cũng qua, ai cũng hiểu được việc bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống cho chính mình. Nhờ vậy, bà con đã hạn chế vào rừng lấy cắp lâm sản”.
Bên ngoài chốt bảo vệ, gió, mưa từng cơn lùa qua rừng, cuộc mưu sinh của người dân nơi cửa rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập vẫn cứ tiếp diễn…
|
Đông Kiểm
Bài cuối: Giải pháp bền vững cho vùng đệm
***
Mưu sinh ở vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập
0
>> Bài 1: Cuộc sống nơi cửa rừng
BP – Thạc sĩ lâm sinh Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập khẳng định: 18.300 ha vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập phần lớn không còn rừng. 965 hộ nghèo đang sống tại đây không phải không có cách để họ thoát nghèo. Chẳng phải thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây khối tài sản vô giá là rừng đó sao! Chẳng phải Bác đã bảo: “Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết bảo vệ thì rừng rất quý” đó sao!
Bài cuối Giải pháp bền vững nào cho vùng đệm?
Lý do nghèo
Tại sao nghèo là câu hỏi tôi đặt ra với Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập sau 2 ngày lặn lội cùng người dân nơi cửa rừng. Chủ tịch Phạm Thành cho rằng: Trước hết là do ý thức của người dân chỉ biết hôm nay mà không biết tính cho ngày mai. Thứ hai là có tình trạng người dân thi nhau cầm vườn, bán điều non để chi tiêu những việc trước mắt. Thứ ba là cả xã Bù Gia Mập hiện chưa có doanh nghiệp nào nên không thể giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, UBND xã đã đứng ra mua nợ 53 tấn gạo bán cho bà con theo hình thức trả chậm nhằm cứu đói giáp hạt. Đến thời điểm này, UBND xã còn nợ đơn vị bán gạo 60 triệu đồng, vì không thu được tiền mua gạo trả chậm của người dân. Đó là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, xã Bù Gia Mập đang triển khai vận động mỗi hộ dân trong xã trồng 100 nọc tiêu để xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không bán điều non, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thạc sĩ Vương Đức Hòa giới thiệu những cây thuốc trong vườn thực vật của Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Rời xã Bù Gia Mập, trên đường về tôi gặp vài chiếc xe máy cải tiến, bánh quấn xích mang theo những thước gỗ từ rừng về khu trung tâm xã Bù Gia Mập.
Giải pháp nào cho vùng đệm?
Theo số liệu của UBND xã Bù Gia Mập, tính đến hết tháng 7-2014, toàn xã có 125 hộ thế chấp 198 ha điều cho thương lái. Còn Bí thư thôn Bù Dốt – Điểu Vơn khẳng định, tình trạng bán điều non hay còn gọi là thế chấp vườn điều cho thương lái đã và đang diễn ra không chỉ ở thôn Bù Dốt mà còn ở các thôn 8, Bù Lư, Bù Nga, Bù Rên.
|
Vùng đệm là khoảng cách 2km đất rừng tính từ vùng lõi của vườn quốc gia. Đó cũng là khoảng cách để ngăn ngừa sự tác động từ bên ngoài vào rừng. Tính từ khoảng cách này, Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiện có 18.300 ha thuộc 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. Tất cả diện tích 10.300 ha trên địa bàn tỉnh Bình Phước gần như không còn rừng. Trên diện tích vùng đệm này hiện có 5.243 hộ dân thuộc 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ đang sinh sống. Nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào cây điều. Năng suất bình quân mỗi ha điều của đồng bào tại đây chỉ dao động từ 8 tạ đến 1 tấn/ha. Vì năng suất thấp nên chuyện thiếu đói giáp hạt hàng năm là điều khó tránh. Vì thế, trong thực tế, các hộ dân sống trong vùng đệm vẫn ngày ngày phải sống dựa vào những sản vật từ rừng.
Trên thực tế, người dân vẫn ngày ngày vào rừng để lấy măng, hái nấm hay xúc cá từ các khe suối. Lực lượng bảo vệ rừng theo đó mà ngày nào cũng phải vào rừng để phòng ngừa những bất trắc. Người dân và người giữ rừng từ bấy lâu nay cứ như chơi trò trốn tìm khi bước vào rừng. Dẫu biết vào rừng khi chưa có sự đồng ý của chủ rừng là bất hợp pháp, nhưng họ vẫn phải dựa vào rừng để sống. Nếu không kiểm soát được những tác động của người dân thì rừng không thể phát triển bền vững. Trong khi đó, việc chia sẻ lợi ích từ rừng để người dân ổn định cuộc sống, rừng phát triển một cách bền vững là điều hoàn toàn có thể làm. Cùng với việc chia sẻ lợi ích từ rừng, công tác quy hoạch, giao đất, giao rừng cho người dân cần cụ thể để giúp họ có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống cũng là cách giữ rừng bình yên. Để làm được tất cả các giải pháp giao đất, giao rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng, trồng cây thuốc dưới tán rừng, dưới tán điều, thạc sĩ Hòa ước tính chừng 2 tỷ đồng. Trộm nghĩ, 2 tỷ đồng là số tiền không lớn nếu những người có trách nhiệm, tâm huyết với rừng dành vài phút suy ngẫm!
|
Đông Kiểm
“Tại sao nghèo là câu hỏi tôi đặt ra với Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập sau 2 ngày lặn lội cùng người dân nơi cửa rừng. Chủ tịch Phạm Thành cho rằng: Trước hết là do ý thức của người dân chỉ biết hôm nay mà không biết tính cho ngày mai. Thứ hai là có tình trạng người dân thi nhau cầm vườn, bán điều non để chi tiêu những việc trước mắt. Thứ ba là cả xã Bù Gia Mập hiện chưa có doanh nghiệp nào nên không thể giải quyết việc làm cho người dân địa phương…”
Có lẽ tỉnh Bình Phước nên cố gắng thực hiện điều thứ 3 – kêu gọi doanh nghiệp đầu tư ở đây. Có lẽ khi kinh tế của bà con khấm khá hơn, con em của bà con đi học đầy đủ và học cao, học rộng nhiều thì từ từ lý do một và lý do hai sẽ mờ nhạt dần.
ThíchĐã thích bởi 1 người