- Người tài dứt áo ra đi
- Thu nhập thấp, cơ chế trói buộc
- Lời người trong cuộc
- Thông điệp của Thủ tướng

***
Người tài dứt áo ra đi
03/08/2016 22:14
NLD – Mỗi năm có gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài, trong đó có nhiều sinh viên, cán bộ công chức được cử đi học từ tiền ngân sách đã không trở về
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học – Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể, đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực này nhằm góp phần xây dựng đất nước.
Nghỉ việc giữa chừng
Chương trình Mekong 1.000 từ đề xuất của Trường ĐH Cần Thơ đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo ký quyết định thành lập ban chỉ đạo đề án từ tháng 10-2005. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ sau ĐH ở nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóavùng. Đã có 552 ứng viên khắp các tỉnh, thành ở ĐBSCL đi học theo chương trình này với tổng kinh phí hơn 19 triệu USD (chi phí đào tạo cho 1 thạc sĩ là 34.208 USD, tiến sĩ là 59.121 USD). Đến thời điểm này, đã có gần 400 ứng viên hoàn thành chương trình học và quay về địa phương công tác nhưng cũng có không ít người không thực hiện đúng cam kết.

Ông Trần Ngọc Phi Long, từng làm Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế thuộc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, là cán bộ nguồn được TP Cần Thơ đưa đi học thạc sĩ chuyên ngành quản lý quan hệ quốc tế tại Anh. Kinh phí học tập của ông Long khoảng 300 triệu đồng, học trong vòng 30 tháng. Sau khi về nước, ông Long trở lại đơn vị làm việc. Đến năm 2014, ông Long được cơ quan cử đi Mỹ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn 13 ngày theo chương trình hợp tác của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Đến ngày về, ông Long tự ý tách đoàn, ở lại Mỹ. Sau đó, ông gửi thư bằng đường bưu điện về Sở Ngoại vụ xin nghỉ việc với lý do gia đình và sức khỏe. Và đến nay, ít ai biết thông tin về ông Long, kể cả họ hàng. Một nguồn tin cho hay có thể sau khi ở lại Mỹ, ông Long học lên tiến sĩ bằng học bổng tự “săn” và tìm cách định cư ở nước ngoài.
Ông Doãn Minh Đăng cũng là cán bộ được cử đi học và sau khi về nước, ông được phân công làm Phó trưởng Khoa Điện – Điện tử – Viễn thông tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Tuy nhiên, tháng 11-2015, trong quá trình làm việc, ông Đăng có lập một website nói rằng mình bị gây khó dễ trong việc tham gia các hoạt động khoa học. Vào tháng 3-2015, ông Đăng xin phép trưởng khoa (qua email) đi Hà Nội dự hội nghị khoa học. Từ vụ việc này, ban giám hiệu nhà trường đã phê phán tinh thần kỷ luật của ông Đăng và ra thông báo tạm ngưng công việc của ông Đăng. Hiện nay, ông Đăng đã rời khỏi trường và đền bù kinh phí đào tạo cho địa phương để ra ngoài tìm việc.
Ông Nguyễn Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết TP Cần Thơ đưa đi đào tạo được 121 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Hiện nay đã về nước 115 người; 2 người ở lại nước ngoài để học tiếp lên tiến sĩ do tìm được học bổng; 3 trường hợp không về và gia đình đang làm thủ tục bồi thường kinh phí đào tạo; 1 trường hợp không liên lạc được, đang nhờ cơ quan lãnh sự và trong nước truy tìm. “Trong số các trường hợp đã về nước thì có 5 người không thực hiện đúng nghĩa vụ như cam kết, “nhảy” ra ngoài làm. Trong đó có nguyên nhân học không đúng chuyên ngành nên chán nản và bỏ việc” – ông Trung nói.
Đa số ở lại nước ngoài
Tại TP Đà Nẵng, đã có 629 lượt học viên được cử đi học theo Đề án 922 của địa phương (Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao). Điều tréo ngoe là Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng đã phải tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo xử lý vi phạm hợp đồng và xin ra khỏi đề án 83 người (44 xin ra khỏi đề án, 39 vi phạm hợp đồng); thậm chí trung tâm này còn khởi kiện ra tòa án dân sự 13 vụ để đòi bồi hoàn 20 tỉ đồng cho ngân sách.
Theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, có nhiều nguyên nhân các học viên rời bỏ đề án nhưng chủ yếu do họ ở lại công tác tại nước ngoài vì điều kiện tốt hơn, cũng có một số trường hợp về Đà Nẵng làm việc và sau đó xin ra ngoài.
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số “nhân tài” được đưa đi đào tạo với chuyên ngành không phù hợp. Ông Ngô Đức Hùng (ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cha của học viên Ngô Thị Mạnh Linh, cho biết sở dĩ con gái ông ở lại Pháp làm việc là do chuyên ngành đào tạo của Linh không phù hợp khi về làm việc tại TP Đà Nẵng. Cụ thể, chị Linh được đưa sang Pháp học chuyên ngành quản lý hành chính công nhưng trường không có ngành học này nên chuyển sang học chuyên ngành kiểm toán quốc tế. Khi học xong, TP Đà Nẵng không có nhu cầu sử dụng nhân sự chuyên ngành này nên gia đình xin cho chị Linh ra khỏi đề án, hoàn lại tiền.
Ông Phan Minh Sỹ (ngụ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cha của học viên Phan Minh Tiến, cho biết con trai ông vừa hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thông tin ở Pháp. Anh Tiến được TP Đà Nẵng đưa đi đào tạo vào năm 2006 theo Đề án 922, sau đó anh Tiến có nguyện vọng ở lại học tiếp lên cao hơn để tìm việc nên đã chủ động xin ra khỏi đề án, chấp nhận bồi hoàn hơn 1 tỉ đồng.
Kỳ tới: Thu nhập thấp, cơ chế trói buộc
Còn cục bộ địa phương
Theo bà Nguyễn Thị Tô Châu, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Điều hành Chương trình Tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, qua 10 năm (2006-2015) triển khai 2 chương trình này đã tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn giỏi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị TP. Trong đó riêng chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đã đào tạo được 577 người (44 tiến sĩ, 533 thạc sĩ).
Tuy nhiên, kết quả thực hiện 2 chương trình còn một số mặt hạn chế. Cụ thể, ban tổ chức một số đơn vị tham mưu chưa tốt cho cấp ủy trong công tác tiếp nhận và bố trí cán bộ; tính cục bộ địa phương trong tiếp nhận cán bộ còn tồn tại; công tác rà soát đội ngũ cán bộ trong chỉ tiêu biên chế được giao để có kế hoạch tiếp nhận cán bộ trẻ chưa được quan tâm chủ động thực hiện. Hầu hết các địa phương, đơn vị đều báo cáo hiện nay và trong những năm tới, việc tiếp nhận cán bộ chương trình khó thực hiện do hết chỉ tiêu biên chế. Việc bố trí công tác cho cán bộ trẻ kéo dài vì nhiều trường hợp phải giới thiệu bố trí nhiều lần đến nhiều cơ quan, đơn vị…
Phan Anh
Người tài dứt áo ra đi (*)
Thu nhập thấp, cơ chế trói buộc
04/08/2016 22:07
Từ nhiều năm nay, thu hút và trọng dụng nhân tài đã được nâng lên thành chiến lược quốc gia. Thế nhưng, trên thực tế, nhân tài vẫn “như lá mùa thu”
Lý giải lý do nhiều sinh viên không về Việt Nam làm việc sau khi được đào tạo ở nước ngoài, một tiến sĩ (TS) Việt kiều đang làm việc tại Bệnh viện Links der Weser Bremen (Bremen – Đức) cho rằng chế độ đãi ngộ không tương xứng cùng với mức thu nhập quá thấp chính là điều khiến các nhân tài nản lòng.
Bấp bênh
Vị TS này cho rằng giới trẻ Việt Nam không thiếu người yêu nước nhưng họ không thể yêu nước theo cách trở về vì không được nhận cơ hội để cống hiến. “Tôi biết nhiều người về nước rồi lại tìm cách ra đi, thậm chí sẵn sàng đền bù tiền tỉ để được ra đi. Nếu không tạo cơ hội để thăng tiến thì rất khó giữ các nhân tài” – ông nhìn nhận.


TS Đỗ Quang Yên – người từng giành 2 huy chương vàng và bạc Olympic Toán học quốc tế các năm 1998, 1999, hiện là giảng viên ĐH Virginia (Mỹ), đồng thời là nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu cấp cao về toán do GS Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học – cho rằng mức lương khởi điểm ở nước ngoài (đặc biệt là Mỹ và châu Âu) cao hơn Việt Nam nhiều nên đã giữ chân nhiều sinh viên ở lại. Chi phí cho du học tự túc tốn rất nhiều tiền nên ai cũng muốn có công việc lương cao để bù lại khoản đầu tư này.
Có một thực tế là rất ít người trở về làm việc trong cơ quan nhà nước, trừ những TS về giảng dạy ở các trường ĐH. Thậm chí, nhiều giảng viên cũng tìm cách dứt áo ra đi sau một thời gian giảng dạy ở Việt Nam. Theo TS Yên, lý do chính của việc này là do mức lương quá thấp, không tương xứng với trình độ, công sức đóng góp nên họ phải tranh thủ làm thêm mới đủ sống và lo cho gia đình.
Anh Mai Khoa, một nghiên cứu sinh của Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), cho biết không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp, kể cả bậc TS, vẫn chấp nhận ở lại nước ngoài để làm những công việc không liên quan đến chuyên môn nhưng lại bảo đảm về thu nhập. Rõ ràng, dù du học sinh về nước có nhận chế độ đãi ngộ cao hơn mặt bằng chung thì cũng không thể so sánh được với những lợi ích về vật chất và an sinh xã hội nếu ở lại nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Úc, Mỹ, Canada.
Không muốn luồn cúi
TS Lê Thanh Vân – cựu đại biểu Quốc hội, người từng đề nghị phải xây dựng một đạo luật về trọng dụng nhân tài – cho rằng thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan luôn nói sẽ trọng dụng nhân tài nhưng thực tế lại có sự đố kỵ, không mạnh dạn trao quyền khiến người tài chán nản.
Một thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn nhìn nhận môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ là rào cản khiến nhiều du học sinh không muốn về nước làm việc. Trên thực tế, chỉ cần đặt người tài vào một môi trường không thích hợp, tự khắc tài năng đó sẽ mai một.
“Chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc là điều quan trọng nhất đối với người tài. Nước Mỹ làm điều này rất tốt, bất cứ bạn là ai, gốc gác ở đâu, là người nhập cư hay người Mỹ, khi làm tốt thì bạn sẽ được chú ý và hưởng thành quả xứng đáng. Đây là một trong những bí quyết giúp nước Mỹ rất thành công trong thu hút nhân tài nước ngoài. Vì thế, việc thu hút người có nhiều kinh nghiệm vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt thông qua thi tuyển công khai với mức đãi ngộ tốt, theo tôi là rất quan trọng” – TS Yên nhận xét.
“Người giỏi không ai muốn luồn cúi. Tư duy của họ là nếu thấy tôi giỏi, các anh cứ hỏi, thấy hợp thì tôi sẽ làm. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, nếu có tiền, có quan hệ thì sẽ có vị trí. Người giỏi khi biết được điều này, họ sẽ chọn cách… ra đi, phần lớn là ra nước ngoài. Có thể tôi hơi bi quan nhưng Việt Nam chưa thật sự có môi trường để tập trung phát triển nhân tài. Chuyện mua quyền bán chức vẫn diễn ra khiến những người tài thực sự không còn cơ hội cống hiến” – một tiến sĩ băn khoăn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-8
Kỳ tới: Lời thật của người trong cuộc
“Chất xám sẽ chạy về nơi chất xám được phát huy hết khả năng. Nghĩa là nơi chất xám không phải lo chuyện cơm áo, gạo tiền và được tạo điều kiện về vật chất lẫn tinh thần để phát triển”. TS Đỗ Quang Yên
Cần sự thực tâm
GS Vũ Hà Văn, GS toán học tại ĐH Yale (Mỹ), chia sẻ rằng từ khi ông về nước, cách đây khoảng 15 năm, thuật ngữ “trải thảm đỏ” đã được nhắc đến. Thế nhưng, đến tận bây giờ, nhiều người vẫn chưa thể hình dung cái “thảm đỏ” đó hình thù thế nào.
Cách đây chưa lâu, nhiều địa phương rầm rộ trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc.Thế nhưng, sau những ồn ào ấy, nhân tài dường như thưa vắng dần. Một GS của ĐHQG Hà Nội bình luận rằng điều quan trọng không phải là thảm đỏ, cái quan trọng là thảm đỏ đó sẽ dẫn nhân tài tới đâu? Nếu trải thảm đỏ chỉ để dẫn nhân tài tới một môi trường làm việc đầy những thủ tục hành chính ràng buộc, quan liêu và bệnh thành tích thì coi như bị sa vào vũng lầy. Nhân tài không cần những hô hào sáo rỗng kiểu “chiêu hiền đãi sĩ” mà cần sự thực tâm trọng dụng nhân tài.
***
Người tài dứt áo ra đi (*): Lời người trong cuộc
05/08/2016 22:37
Nhân tài cần những minh chủ biết đặt họ đúng vị trí để phát huy tối đa giá trị của mình thay vì phải vật vã lo cơm áo gạo tiền hoặc ngột ngạt trong cơ chế hành chính đầy sự kìm hãm
Là người được nhà nước đưa đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài, sau đó về làm việc tại một thành phố lớn đã được 4 năm theo sự phân công của tổ chức, tôi xin nêu ra một số vấn đề bản thân đã trải qua với mong muốn cơ quan quản lý có cái nhìn thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các “nhân tài” trong quá trình công tác sau đào tạo. Có như vậy, đội ngũ nhân lực này mới phát huy được hết khả năng đóng góp của mình.
Mất định hướng
Khi vào làm việc ở cơ quan nhà nước, tôi hoàn toàn không rõ các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác cũng như định hướng của ban điều hành chương trình đối với mình như thế nào. Ví dụ, hết thời hạn cam kết với chương trình, tôi có được tiếp tục làm việc ở cơ quan hiện nay không? Định hướng của ban điều hành dành cho tôi là gì?… Điều này khiến nhiều người như tôi không đưa ra được kế hoạch sự nghiệp rõ ràng cũng như ảnh hưởng đến những dự định riêng. Nếu được cho biết kế hoạch phát triển thì việc điều chỉnh mục tiêu cá nhân cùng với mục tiêu của tổ chức chắc chắn sẽ có kết quả tốt cho cả hai phía. Dù cơ quan có trao đổi với tôi nhưng cũng chỉ để nắm thông tin về nguyện vọng như một quy trình thông thường, sau đó thì… im lặng.

Hiện tại, tôi đã xác định chỉ làm việc 5 năm theo cam kết, sau đó sẽ phải tìm công việc mới ở một cơ quan khác. Qua trao đổi với những người cùng được đào tạo ở nước ngoài, tôi nhận ra mình không phải trường hợp cá biệt. Việc thiếu kết nối, không được chia sẻ thông tin và không có định hướng cụ thể sẽ làm những người được đào tạo bài bản “chán” làm việc cho nhà nước.
Bị cô lập
Một nguyên nhân khác khiến nhân tài “rơi rụng” đó là nguyện vọng phát triển cá nhân không được ủng hộ. Bất cứ ai trong quá trình làm việc đều có mong muốn được tiếp tục trau dồi kiến thức, nghiệp vụ, đặc biệt với những nhân sự có trình độ. Thế nhưng, các đơn vị thực hiện chương trình đào tạo nghiệp vụ thường theo kế hoạch đã định sẵn nhưng tính thực tế và cập nhật chưa cao. Ngoài ra, những nguyện vọng đào tạo cập nhật của cá nhân hoàn toàn không được đáp ứng mà bản thân tôi đã gặp phải hai lần. Khi tôi xin phép cơ quan nghỉ không lương để tham gia khóa đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài theo lời mời thì cơ quan không cho. Không chỉ vậy, tôi còn bị kiểm điểm, phê bình và cảnh cáo toàn cơ quan với lý do “đăng ký tham gia các khóa đào tạo bên ngoài tổ chức mà không xin phép và không phù hợp với công việc hiện nay”.
Văn hóa quan hệ công tác tại các cơ quan nhà nước vẫn còn nặng tính quan liêu, hình thức, thiếu công bằng khiến nhiều người khó hòa hợp. Tại nơi tôi làm việc, tôi đã từ chối những lần đi “ca hai, ca ba” hay việc nịnh nọt các sếp. Dần dà, người ích kỷ cho rằng tôi “không biết trên biết dưới” mà còn làm phách. Các đối tác của cơ quan khi tìm đến để bàn bạc và xử lý công việc, tôi bị cô lập ngay trong chính cơ quan của mình. Những chuyến công tác nước ngoài, các chương trình đề xuất phát triển hay đào tạo và đặc biệt những người nằm trong danh sách “cơ cấu” thường là những người phải chịu làm vừa lòng cấp trên.
Trong tiến trình hội nhập, phát triển, việc nhà nước chọn người để đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở những nước phát triển là chủ trương rất đúng. Nguồn kinh phí nhà nước chi cho các chương trình này trong những năm qua không hề nhỏ. Dù vậy, việc sử dụng nguồn nhân lực này, bên cạnh những thành công vẫn còn không ít tồn tại, làm giảm hiệu quả cũng như gây ra nhiều lãng phí. Vì thế, theo tôi, các đơn vị nhà nước cần phải nhanh chóng thay đổi cách sử dụng nguồn “chất xám” quý này một cách thực chất; không hô khẩu hiệu.
Kỳ tới: Thông điệp của Thủ tướng
Những đồng nghiệp cùng được đào tạo và có tác phong làm việc như tôi, không chịu luồn cúi đã liên tục gặp khó và họ phải tìm đường rời bỏ cơ quan nhà nước sau thời gian cam kết làm việc” – thạc sĩ Phạm Hữu Thắng.
Năng lực hay thâm niên?
TS Đỗ Quang Yên (giảng viên ĐH Virginia – Mỹ) cho rằng muốn thu hút nhân tài việc đầu tiên là phải tạo niềm tin, phải cho người ta thấy những gì họ cống hiến phục vụ cho số đông người dân một cách bền vững chứ không phải chỉ có lợi cho một nhóm nào đó; đồng thời, có chế độ đãi ngộ thật tốt với những người có năng lực đang công tác trong các cơ quan nhà nước. Khen thưởng và thăng tiến dựa theo kết quả công việc thay vì thâm niên. Nếu làm tốt sẽ tạo ra văn hóa làm việc tốt và giúp đào thải những mắt xích yếu trong hệ thống. Song song đó, nhà nước có thể thu hút các trí thức, người có năng lực và có nhiều kinh nghiệm vào những vị trí chủ chốt thông qua thi tuyển công khai.
“Tôi nghĩ nên tập trung thu hút những người đã có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và trong những lĩnh vực quan trọng, đây mới là đối tượng sẽ có đóng góp tốt cho đất nước. Ví dụ, trong ngành giáo dục, có thể tìm cách thu hút những giáo sư đầu ngành về Việt Nam công tác và trao cho họ những trọng trách quan trọng, giống như cách Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao trách nhiệm quản lý Viện Toán Cao cấp cho GS Ngô Bảo Châu. Các ngành khác hoàn toàn có thể làm được tương tự nếu thực sự muốn” – TS Yên nói. Y.Anh
***
Người tài dứt áo ra đi: Thông điệp của Thủ tướng
06/08/2016 22:55
NLD – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ mới đây đã đưa ra thông điệp: Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm người tài chứ không phải tìm “người nhà”
Tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định sẽ tiến tới chấm dứt tình trạng “tuyển người nhà”. Thông điệp này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi chính sách thu hút nhân tài trong thời gian tới.
Bắt đầu từ dùng người tài
GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho biết với tư cách một nhà khoa học, ông rất ủng hộ quan điểm của Thủ tướng. “Người đứng đầu Chính phủ nói ra điều ấy khiến nhiều người hy vọng, vì đó là quan điểm đúng, xã hội rất quan tâm”.
GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn cho rằng khi tuyển công chức, cán bộ, người ta hay nói đến“nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” và bây giờ hậu duệ, quan hệ cũng thua tiền tệ. “Nhiều người thản nhiên nhắc đến câu “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền”. Vậy chúng ta phải hỏi ai bán? Tìm rất khó vì có ai bán mà cấp biên lai đâu? Ai cũng biết chuyện mua quan, bán chức, mua vào biên chế… nhưng không chỉ ra được ai bán” – GS Dũng nói. Ông cho biết chính ông đã đi tìm hiểu và nhận được câu trả lời: “Chú ơi, cháu phải vất vả lắm mới tìm được đường dây để đưa tiền đấy. Chú có bới ra thì cháu bị đuổi đầu tiên, còn người nhận tiền vẫn an toàn tuyệt đối!”.

Chính vì thế, theo vị GS này, muốn thực hiện được thông điệp “chọn người tài, không chọn người nhà” của Thủ tướng, trước hết phải nhanh chóng thực hiện giải pháp thi tuyển công khai thay cho xét tuyển thiếu minh bạch trong tuyển chọn cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm việc nhận hối lộ khi tuyển chọn cán bộ. Nhà nước phải đầu tư đủ tầm cho các đại học trọng điểm, các viện nghiên cứu trọng điểm để thu hút nhân tài được đào tạo từ nước ngoài về công tác. Không cần có chế độ lương đặc biệt (vì bất công với những thầy giáo từng dạy họ cách đây không lâu vẫn đang hưởng mức lương rất thấp) mà là giúp các cơ sở này có thêm những phân xưởng pilot để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất trực tiếp, từ đó vừa có thêm thu nhập vừa có thể bán công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Bày tỏ sự vui mừng trước quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng theo GS Vũ Minh Giang, để thông điệp đó đi vào cuộc sống thì phải sớm có những giải pháp quyết liệt và thực tế. “Giải pháp quyết liệt ở đây không phải là đi tìm người tài để đào tạo, bồi dưỡng như chúng ta thường nói nhưng khâu sử dụng lại không đi đến đâu. Mà hãy bắt đầu từ việc dùng người tài. Ở đâu có người tài, trong nước hay ngoài nước, hãy dùng người đó. Đó chính là tín hiệu, cũng là lời “bảo lãnh” của Thủ tướng. Khi thông điệp của Thủ tướng được thực hiện, người dân sẽ thấy lời nói đi đôi với việc làm. Lúc ấy người tài sẽ “xuất hiện như cây lá mùa xuân, nô nức ra giúp nước” như đã từng được ghi nhận trong lịch sử. Nước Nam ta hào kiệt không bao giờ thiếu, hãy dùng đi!” – nhà khoa học nổi tiếng về lịch sử nói.
Công khai cơ chế tuyển chọn
GS Vũ Minh Giang phân tích thêm: Đất nước ta trải qua nhiều chiến tranh, nhiều tai họa, nên cần sự đoàn kết. Bên cạnh mặt hay, mặt thuận của tinh thần ấy thì cũng có mặt trái, đó là sinh ra tâm lý cào bằng, bình quân chủ nghĩa, ở đó người tài hay bị đố kỵ, ghen ghét. Nếu Thủ tướng đã tính đến việc sử dụng người tài thì phải nghĩ đến những giải pháp bảo vệ người tài, để họ tránh những ghen ghét, đố kỵ. Người tài cứ bị “ném đá”, đố kỵ thì không còn nhiệt huyết làm việc, vì họ thường là những người kém thủ đoạn, kém tự vệ.
TS Đỗ Quang Yên, giảng viên Trường ĐH Virginia (Mỹ), nhấn mạnh đến việc cần có chế độ đãi ngộ thật tốt với những người có năng lực đang công tác trong các bộ ngành. Ông cho rằng cần có chế độ khen thưởng và thăng tiến dựa theo kết quả công việc thay vì thâm niên.
TS Lê Trọng Phi – người sáng chế ra chiếc lò xo để bịt lỗ thông ở vách liên thất ở tim, phát minh y học này đã chữa được cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, hiện đang là Trưởng Khoa Bệnh tim bẩm sinh và Cấu trúc tại Bệnh viện Links der Weser Bremen (Bremen – Đức) – đặt vấn đề: Muốn thu hút nhân tài thì phải tạo niềm tin, phải cho người ta thấy những gì họ cống hiến phục vụ cho số đông người dân một cách bền vững chứ không phải chỉ có lợi cho một nhóm người.
“Cần có một cơ chế tuyển dụng minh bạch, không gò bó bởi những quy định như chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ tin học văn phòng hay thi cử bằng việc thực hiện các bài thi kỹ năng soạn thảo văn bản… bởi nó không còn phù hợp với cơ chế tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Ngoài ra, phải nhanh chóng cải thiện môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ để các nhân tài cảm thấy mình đang được trọng dụng thay vì chỉ hô hào trải thảm đỏ mà không biết cái thảm đỏ ấy ra sao” – nghiên cứu sinh của Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), anh Ngô Mai Khoa, đề xuất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-8
Tìm người tài
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết kể từ năm 2016, tỉnh Quảng Nam bắt đầu tuyển công chức, viên chức bằng hình thức thi tuyển chứ không xét tuyển hay tuyển người theo dạng hợp đồng như trước. Để bảo đảm tính minh bạch, công bằng, tỉnh giao Sở Nội vụ hợp đồng với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển. “Việc thi tuyển là công khai, khách quan, ai có tài, đúng chuyên môn, đủ điều kiện thì đăng ký thi” – ông Thu nói.
Còn ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết hiện tại số người được đào tạo theo diện thu hút nhân tài thuộc Đề án 922 của TP đến nay vẫn chưa sử dụng hết. “Giờ tuyển vào biên chế không được, dư nhiều quá, phải tuyển hết những “nhân tài” này rồi tính sau. Đối với những chuyên gia, người giỏi mà TP thấy phù hợp sẽ có chính sách riêng” – ông Thơ nói và khẳng định TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức thi tuyển công chức, viên chức ở tất cả các cấp nên không có chuyện “tìm người nhà” mà không “tìm người tài”.
T.Thường
bài viết hữu ích quá. trân trọng cảm ơn
ThíchĐã thích bởi 1 người
Xưa nay các bạn du học sinh và nghiên cứu sinh ở nước ngoài thường nhờ mình tư vấn về việc nên về nhà hay nên ở lại nước ngoài, đây là câu trả lời của mình:
“Nếu em thực sự muốn về, thì hãy về. Nếu em cân nhắc thì hãy ở lại nước ngoài. Ở lại, nếu em có học, làm việc siêng năng, là có công việc tốt. Về nhà, em có thể phải đi theo băng nhóm tham nhũng, bằng không thì bị đì hoặc rất đơn lẻ. Đôi thi phải trả tiền dưới gầm bàn để có việc. Đó là chưa kể cơ hôi để em phát triển khả năng và kinh nghiệm sẽ như thế nào? Tại sao em phải hành em như vậy.
Nếu em yêu nước muốn phục vụ tổ quốc và đồng bào, em có thể làm được dù ở xa hàng nghìn cây số. Em luôn luôn có thể làm việc đường xa để đóng góp cho tổ quốc.”
Đất lành chim đậu, nước ta đủ loại người tham nhũng, băng đảng, gian tham khắp nơi (có người tốt, nhưng người tốt thường không đủ nhiều và mạnh để chận tham nhũng). Đất không lành thì chim không đậu được.
Hãy làm cho đất lành.
Phần mình, mỗi khi được hỏi tư vấn, mình luôn tự bảo: Nếu đây là em ruột của mình mà mình rất quan tâm, thì mình tư vấn như thế nào?
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cảm ơn comment của a Hoành.
Mình rất đồng ý với điều này. Đất lành mới có chim đậu
ThíchĐã thích bởi 1 người