08:27 | 13/09/2012
(Petrotimes) – Hết Bắc Kinh, giờ lại đến Đài Bắc liên tục có những động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa. Phải chăng Trung Quốc đại lục và Đài Loan đang “câu kết” trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông?
Đoàn quan chức Đài Loan đến đảo Ba Bình, vi phạm chủ quyền Việt Nam
Điều gì đang diễn ra trên đảo Ba Bình?
Không kể những lần xâm phạm chủ quyền Trường Sa của Việt Nam trước đây, chỉ trong vòng một tháng qua, Đài Loan đã tiếp tục có hàng loạt những hành động tương tự tại đảo Ba Bình, từ cử các nhóm sinh viên, học giả tới các nghị sĩ đến Trường Sa, rồi đỉnh điểm là cuộc tập trận bắn đạn thật hiện đang diễn ra tại đây.
Ngày 4/9, Đài Loan bắt đầu cho tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo kế hoạch, cuộc tập trận do lực lượng tuần duyên Đài Loan tiến hành sẽ kéo dài 5 ngày.
Sau khi khẳng định là cuộc tập trận nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng trước tình hình căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, chính quyền Đài Bắc thậm chí còn không ngần ngại tỏ ý thị uy khi thông báo cho các nước khác là phải tránh xa khu vực đảo Ba Bình trong thời gian diễn ra cuộc tập trận. Riêng về cuộc tập trận sai trái này, ngày 23-8 vừa qua, Việt Nam đã chính thức phản đối và yêu cầu Đài Loan phải hủy bỏ ngay kế hoạch tập trận này.
Không chỉ phô trương uy thế về mặt quân sự, trong những tuần qua, Đài Loan đã liên tiếp có những động thái về mặt chính trị để khẳng định chủ quyền của họ trên toàn Biển Đông cũng như quyền kiểm soát thực tế của họ trên hòn đảo này.
Sự kiện mới nhất vừa được Đài Bắc thông báo hôm 4/9, ba nghị sĩ Đài Loan đã bay đến đảo Ba Bình nhằm thị sát cuộc tập trận. Trước đó vài ngày, ba lãnh đạo cao cấp phụ trách vấn đề an ninh của Đài Loan đã đích thân ghé thăm đảo vào hôm 31/8. Theo thông tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, được AFP trích dẫn, thì ba nhân vật sừng sỏ đó là Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Hồ Vi Chân, Bộ trưởng Nội vụ Lý Hồng Nguyên và Chỉ huy lực lượng tuần duyên Vương Tiến Vượng.
Theo nguồn tin trên, thì cùng với các quan chức khác, ba nhân vật nói trên đã ghé đảo để tuyên bố chủ quyền “không thể chối cãi” của Đài Loan trên toàn bộ các quần đảo ở Biển Đông, nhưng đồng thời kêu gọi các bên tạm gác tranh chấp để cùng nhau khai thác nguồn lợi của khu vực, một lập luận chẳng khác gì quan điểm thường xuyên được Trung Quốc đưa ra.
Trước đó, Đài Loan cũng đã cho nhiều dân biểu ra đảo để khẳng định chủ quyền, rồi cho các nhóm học giả và nhà nghiên cứu đi ra xem xét tình tình, rồi đề ra sáng kiến nghiên cứu khoa học trong vùng…
Mới đây, Báo Le Monde Diplomatique (Pháp) đã đánh giá đảo Ba Bình sẽ là một trong 5 điểm nóng ở Biển Đông. Nằm tại vị trí gần như trung tâm Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 600km, cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 500km và cách bãi cạn Scarborough khoảng 800km, đảo Ba Bình được đánh giá là một trong những vị trí kinh tế và chiến lược.
Tờ Asia Times dẫn lời Giáo sư Trường Hải quân Mỹ James Holmes nói rằng: “Đảo Thái Bình đủ lớn để trở thành một trung tâm hậu cần”. Theo ông Holmes, nếu Trung Quốc chiếm được quyền kiểm soát đảo này thì đỡ được nửa đường đến eo biển Malacca, eo biển nằm trên tuyến đường giao thông rất quan trọng từ châu Âu, châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Nam Á và Đông Á. Tầm quan trọng của tuyến đường qua eo biển Malacca có thể sánh ngang với kênh đào Suez hoặc Panama.
Từ tháng 10/1956, Đài Loan dùng vũ lực giành quyền kiểm soát đảo Ba Bình của Việt Nam và hiện đang tranh chấp toàn phần ở Trường Sa. Thời gian gần đây, khi tình hình Biển Đông sôi động, những nhà cầm quyền Đài Loan kêu gọi tăng cường vai trò quân đội trong phòng vệ đảo. Hồi tháng 4/2012, sau chuyến đi đến đảo Ba Bình, Nghị sĩ Quốc Dân đảng Lâm Úc Phương đã đề nghị tăng cường pháo cao xạ và súng cối trên đảo. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng Đài Loan đã thông qua dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng chuyển vũ khí ra đảo. Khoảng cách từ Ba Bình đến thành phố Cao Hùng khoảng 1.600km, từ lâu được xem như một giới hạn của Đài Bắc trong việc kiểm soát đảo. Tuy nhiên, cũng tháng 5 vừa qua, Đài Loan thành lập phi đội không quân đặc biệt có khả năng đến đảo Ba Bình trong vài giờ. Từ những động thái trên, giới quan sát nhận xét: “Từ khi Đài Loan dùng vũ lực chiếm Ba Bình thì ít khi có thể hiện như thế. Thành ra có một cái gì đó khác thường trong khi Biển Đông ngày càng nổi sóng”.
Năm 2006, Đài Loan xây đường băng dài khoảng 1.150m trên đảo Ba Bình, đủ để đáp ứng được các loại máy bay lớn như Hercules C-130, trước sự phản đối của Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines. Có tin cho biết Đài Loan còn định kéo dài đường băng thêm 500m. Nếu kế hoạch này được thực hiện, chẳng những các loại máy bay C-130 có thể đáp an toàn hơn mà còn mang một ý nghĩa khác. Tờ The Diplomat (trụ sở tại Nhật) gần đây dẫn lời một quan chức an ninh giấu tên cho biết đường băng sau khi được kéo dài có thể tiếp nhận máy bay tuần tra trên biển P-3C “Orion” mà Đài Loan đã đặt mua 12 chiếc cũ của Mỹ từ năm 2007.
Những diễn biến trên Ba Bình mặc dù không ồn ào nhưng ngày càng quyết liệt khiến người khác phải chú ý. Những vụ đụng độ xảy ra trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong 2 năm trở lại đây làm cho nhiều người bỏ quên sự quan trọng của đảo Ba Bình. Biển lặng xung quanh Ba Bình không có nghĩa tầm quan trọng của nó giảm đi. Xem ra Đài Loan luôn ý thức được mình đang làm gì.
Giải mã hành động của Đài Loan
Tại sao sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, giờ Đài Loan lại muốn khuấy động Biển Đông vốn đang bị Trung Quốc làm cho dậy sóng? Có thể nói, trong số các nước và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Đài Loan được đánh giá là khá kín tiếng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, sự im lặng này bắt đầu bị phá vỡ. Đài Loan liên tục có những hành động cho thấy hòn đảo này sẵn sàng can dự vào khu vực Biển Đông đang bị tranh chấp gay gắt. Theo các nhà phân tích, hành động phô trương thanh thế về quân sự, kèm theo việc quảng bá một cách rầm rộ các chuyến thăm đều nhằm mục tiêu nhắc nhở rằng, Đài Loan là một trong những bên có liên can trong vấn đề Biển Đông, cho nên không thể gạt họ ra bên lề các cuộc đàm phán. Có điều là các hành động của Đài Loan lại có tác dụng “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp vào lúc căng thẳng đang bùng lên giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
Đoàn quan chức Đài Loan đến đảo Ba Bình, vi phạm chủ quyền Việt Nam
Ngày 7/8, Thiếu tướng La Thiệu Hoa, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố Đài Bắc sẽ tăng cường quân sự trên đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam). Tuy thông tin cụ thể không được tiết lộ chính thức, nhưng báo chí Đài Loan từ cuối tháng 7-2012 đưa tin các loại vũ khí được chuyển đến đảo Ba Bình gồm các khẩu trọng pháo nòng 40mm và súng cối nòng 120mm. Việc chuyển vũ khí được thực hiện sau khi Ủy ban Quốc phòng Đài Loan hồi tháng 5/2012 thông qua dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng chuyển vũ khí ra đảo Ba Bình. Trước đó, Đài Loan thành lập đội không vận có khả năng đến Trường Sa trong vòng vài giờ.
Cũng theo giới quan sát, chính sách “một Trung Quốc” mà Bắc Kinh theo đuổi là rào cản khiến Đài Loan có nguy cơ bị loại ra khỏi hầu hết các cuộc thảo luận quốc tế liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, đầu tháng 8/2012, James Chou – quan chức cấp cao thuộc Bộ Đông Á – Thái Bình Dương của Đài Loan – đã lên tiếng khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi” của Đài Bắc tại Biển Đông và bày tỏ mong muốn của Đài Loan được tham gia các cuộc thảo luận đa phương nhằm giải quyết tranh chấp ở khu vực này. Việc James Chou cho rằng, “bất cứ giải pháp nào mà không có mặt của Đài Loan đều là đáng tiếc”, cùng với các hành động gần đây từ phía Đài Bắc, khiến giới quan sát đặt một câu hỏi lớn về động cơ của Đài Loan.
Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu phải chịu áp lực từ đảng đối lập khi cuối tháng 7/2012, truyền thông Đài Loan cho biết, người phát ngôn của Đảng Dân Tiến (DPP) đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính quyền đương nhiệm không phản bác việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Đây được coi là một trong những nhân tố dẫn tới việc Đài Loan phải phá vỡ sự im lặng trước đây.
Tuy nhiên, Dean Cheng – chuyên gia về Đài Loan và Trung Quốc của Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ) – cho rằng, còn nhiều lý do khác nữa khiến Đài Loan phải lên tiếng: thứ nhất, vấn đề Biển Đông hiện thu hút rất nhiều sự chú ý, nên đã đến lúc tất cả các bên phải lên tiếng đòi chủ quyền của mình. Thứ hai, Tổng thống Mã Anh Cửu muốn tận dụng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) để ngầm chứng minh rằng, Đài Loan khác Trung Quốc ở chỗ hòn đảo này có trách nhiệm và không muốn làm tình hình thêm căng thẳng. Hơn thế, Đài Loan muốn chứng tỏ họ có tư cách hợp pháp để tham gia các cuộc thảo luận nào liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Đài Loan sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách và thậm chí là cả hiểm nguy. Chuyên gia Dean Cheng nói: “Một trong những thách thức mà có thể Đài Loan phải đối mặt là việc Bắc Kinh tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Bắc”.
Khi Đài Loan bắt đầu lên tiếng về vấn đề Biển Đông, các nghi vấn đặt ra không chỉ xoay quanh việc nước này “được-mất” như thế nào mà còn là liệu Bắc Kinh và Đài Bắc có hợp tác với nhau trong vấn đề Biển Đông hay không? Mặc dù người đứng đầu Cục An ninh Nội địa vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi tháng 5-2012 rằng, “không có chuyện Đài Loan sẽ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”, nhưng gần đây, Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đài Loan Khưu Nghi và các nghị sĩ thuộc Quốc Dân Đảng đã lên tiếng kêu gọi Đài Loan và Trung Quốc hợp tác để khai thác tài nguyên Biển Đông.
Tờ Asia Times mới đây đăng bài của tác giả Brendan OReilly cho biết, cả Đài Loan và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền ở đường lưỡi bò và cả hai đều nhất trí rằng, chủ quyền ở Biển Đông thuộc về “người Trung Quốc”.
|
(Xem tiếp kỳ sau)
S. Phương
(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)
***
23:44 | 15/09/2012
Đài Loan đang diễn trò gì ở Biển Đông? (Kỳ 2)
(Petrotimes) – Đài Loan trên thực tế đang bị đẩy ra ngoài lề trong vấn đề Biển Đông. Chính điều này đã khiến Đài Bắc trong tháng qua liên tục có những hành động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
(Tiếp theo và hết)
Có không sự “câu kết” giữa Đài Loan và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông?
Trên tạp chí Bình luận Trung Quốc số tháng 8, nhà nghiên cứu Vương Kiến Dân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan đã có bài viết với tựa đề “Thảo luận chủ trương chính sách và vấn đề hợp tác Nam Hải (Biển Đông) giữa hai bờ eo biển Đài Loan”. Tác giả đã phân tích và chỉ ra rằng, lập trường của hai bờ trong vấn đề Biển Đông vẫn tồn tại những bất đồng khá lớn.
Theo tác giả, hai bờ có sự bất đồng về định vị an ninh chiến lược trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đại lục coi tranh chấp Biển Đông là sự uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và an ninh hải dương của Trung Quốc, trong khi Đài Loan lại không coi những nước Đông Nam Á liên quan (trong tranh chấp Biển Đông) là mối uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh Đài Loan. Trên cơ sở đó, chủ trương của hai bờ trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông cũng khác nhau: Đại lục chỉ muốn đàm phán song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp, phản đối giải quyết theo cơ chế đa phương; Đài Loan lại có khuynh hướng tham gia đa phương cùng các nước có liên quan trong tranh chấp Biển Đông.
Dù có bất cứ hành động khoa trương quân sự hay chính trị nào thì Đài Loan cũng sẽ không có chỗ trong các cuộc đàm phán về tranh chấp tại Biển Đông. Trong ảnh: Giới chức Đài Loan ngày 31-8 lần đầu tiên kéo nhau đổ bộ lên bãi Bàn Than cắm cờ tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” phi lý, phi pháp và vô hiệu đối với Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam
Cùng với đó, mục tiêu chiến lược trong xử lý tranh chấp Biển Đông của hai bờ cũng rất khác nhau, mục tiêu hạt nhân của đại lục là duy trì, bảo vệ chủ quyền và lợi ích Biển Đông của Trung Quốc, song Đài Loan lại muốn tỏ rõ rằng, họ mới là một thực thể chính trị (thời đảng Dân Tiến cầm quyền, Đài Loan muốn là một “quốc gia”) có vai trò và sức ảnh hưởng quan trọng trong vấn đề Biển Đông, chứ không hoàn toàn là vì chủ quyền của cái gọi là “Trung Hoa Dân quốc”.
Tác giả cho rằng, vì không có điểm hội tụ, vì diễn biến của tình hình Biển Đông, hai bờ có thể sẽ ngày một tách xa nhau trong vấn đề Biển Đông, bất đồng không những không thể dung hợp, ngược lại còn sẽ bị xé to ra, từ đó ảnh hưởng ngược lại quan hệ hai bờ, đây là điểm không thể không chú ý.
Đài Loan trên thực tế đang bị đẩy ra ngoài lề trong vấn đề Biển Đông. Chính điều này đã khiến Đài Bắc trong tháng qua liên tục có những hành động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Đài Loan muốn tham gia “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC), muốn là một bên trong số “năm nước sáu bên” (hoặc cũng có thể “sáu nước bảy bên”) có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, song vì Đài Loan không phải là một quốc gia có chủ quyền, chỉ là một thực thể kinh tế hay một thực thể chính trị, cho dù Đài Loan luôn nói là “Trung Hoa Dân quốc” có chủ quyền Biển Đông, nhưng vì tính đặc thù và tính đối kháng chính trị của quan hệ hai bờ, Đài Loan chưa thể trực tiếp tham gia bàn bạc và thảo luận DOC, Đài Loan bị bài trừ ra ngoài. Đây là thực tế được lịch sử quyết định và cũng là thực tế được hiện thực quyết định, không cần phải tranh cãi nữa. Xét tình hình hiện nay, Đài Loan dù thế nào đi nữa cũng không dám đề cập đến việc hợp tác giữa hai bờ trong vấn đề Biển Đông, bởi ở bên ngoài, Đài Loan chịu sự trói buộc của mối quan hệ Mỹ – Đài, ở bên trong bị trói buộc bởi mối quan hệ lục – lam (Quốc Dân đảng và đảng Dân Tiến), trên thực chất lại bị trói buộc bởi địa vị chính trị của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông.
Với ba sự trói buộc này, Đài Loan sau này có muốn tham dự “chính trị Biển Đông” cũng hoàn toàn không còn khả năng. Cho nên có thể thấy những hành động khoa trương của Đài Loan ở Biển Đông trong tháng qua chỉ là cố đánh động dư luận nhằm cứu vớt vị thế đang bị lu mờ của mình trong vấn đề tranh chấp Biển Đông chứ về lâu dài, xét trong khuôn khổ các cuộc đàm phán chính thức giữa các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông (nếu diễn ra), Đài Loan sẽ chẳng có cửa nào.
Đài Loan và Trung Quốc “ngầm bắt tay” chống Nhật ở biển Hoa Đông?
Không chỉ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Đài Loan cũng đòi chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản và Trung Quốc. Cũng như Trung Quốc, Đài Loan đã phản ứng mạnh mẽ trước thông tin Chính phủ Nhật vừa quốc hữu hóa một số hòn đảo của tư nhân trong quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Sau vụ một số người Nhật đổ bộ lên quần đảo cắm cờ, Đài Bắc cũng đã triệu mời đại diện của Nhật Bản lên để phản đối.
Các nhà hoạt động Hồng Công đổ bộ lên đảo Điếu Ngư/Senkaku hôm 15/8
Từ trước đến nay chính sách của nhà cầm quyền Đài Loan là “không liên kết với đại lục”, tự bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư, nhưng sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, quan hệ hai bờ được cải thiện, giữa hai bờ tuy không có hành động công khai nhưng trong thực tế vẫn có sự hiểu ngầm nhau ở mức độ nào đó trong việc liên kết bảo vệ đảo Điếu Ngư. Trước mắt, hai bờ vẫn chưa có được ý kiến thống nhất trong việc xác định địa vị chính trị của Đài Loan, nhưng nhà cầm quyền hai bờ đều có thể lấy đại cục làm trọng, tạm gác lại bất đồng đương đầu với Nhật Bản. Cả hai đều cho rằng, “chủ quyền đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc” mà không truy cứu xem hàm nghĩa của “Trung Quốc” cuối cùng là gì. Thực tế mơ hồ như vậy đã để lại không gian cho hợp tác hai bờ. Chính sự hiểu ngầm đã tạo cơ sở để hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là sự hiểu ngầm lớn nhất.
Hai nữa là sự hiểu ngầm trong hành động chống lại Nhật Bản. Năm 2008, tàu chiến Nhật Bản đã bắn chìm tàu cá liên hợp của Đài Loan và bắt trưởng tàu của Đài Loan. Trước việc làm như vậy, Đài Loan tích cực gây sức ép yêu cầu phía Nhật Bản thả người, xin lỗi và phải bồi thường. Chính phủ Trung Quốc cũng không nề hà thời cơ nhạy cảm sắp diễn ra Thế vận hội Olympic, đã phê chuẩn cho các nhân sĩ bảo vệ đảo Điếu Ngư mà trước đó chưa có tiền lệ được đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc phản đối. Tháng 7-2010, tàu cá Toàn Gia Phúc của Đài Loan đến vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư để thực hiện hành động bảo vệ Điếu Ngư, Sở Hải tuần Đài Loan cũng điều tàu của mình đến bảo vệ, trong khi đại lục tích cực giao thiệp với nhà cầm quyền Nhật Bản, cảnh cáo Nhật Bản “không được áp dụng bất cứ hành động nào gây tổn hại đến sự an toàn về người và tài sản của tất cả mọi người, trong đó có đồng bào Đài Loan”.
Trước đây, hai bờ không thể chung tay bảo vệ đảo Điếu Ngư, trở ngại lớn nhất là trạng thái đối địch lâu dài giữa hai bờ, hai bên cơ bản thiếu tin cậy lẫn nhau. Cả hai tuy đều chủ trương “Trung Quốc” có chủ quyền ở đảo Điếu Ngư nhưng phía Đài Loan cho rằng, quan hệ căng thẳng với đại lục thậm chí có lúc còn nghiêm trọng hơn cả quan hệ đối đầu với Nhật Bản. Trong thời kỳ cầm quyền của cha con Tưởng Giới Thạch, sau đó là Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển, Đài Loan luôn coi Nhật Bản là đồng minh, thông qua Nhật Bản đối trọng với đại lục. Trong khi xem xét các mâu thuẫn chính phụ, sự lựa chọn của nhà cầm quyền Đài Loan hiển nhiên là “không hợp tác với đại lục bảo vệ đảo Điếu Ngư”. Sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, chính sách “hòa với đại lục” của Mã Anh Cửu tuy vẫn còn khoảng cách so với chính sách “kết bạn” với Nhật Bản, nhưng quan hệ hai bờ cuối cùng đã xuất hiện bước ngoặt mang tính lịch sử, hai bên đã sơ bộ xây dựng lòng tin chính trị, giữ quan hệ tích cực. Trong điều kiện đó, nhân tố kìm hãm lớn nhất để hai bờ hợp tác đã được loại bỏ, hợp tác hai bờ đã xuất hiện cơ hội lịch sử mới.
So với bất cứ nhà lãnh đạo nào ở Đài Loan, Mã Anh Cửu cũng là người có thái độ tích cực và lập trường kiên định nhất trong việc bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư. Trong “phong trào bảo vệ đảo Điếu Ngư” của những năm 70 của thế kỷ trước, Mã Anh Cửu đã là người tổ chức tích cực. Luận văn tiến sĩ của Mã Anh Cửu ở Trường đại học Harvard cũng là vấn đề liên quan đến đảo Điếu Ngư, có tên “Bàn về vấn đề phân định ranh giới cụm đảo Điếu Ngư và Hoa Đông từ góc nhìn của luật biển mới”, luận văn này còn được xuất bản vào năm 1986. Sau khi lên nắm quyền, Mã Anh Cửu luôn tích cực ủng hộ hoạt động của những người bảo vệ đảo Điếu Ngư. Năm 2005, khi ngư dân Đài Loan bị Nhật Bản gây khó khăn trong tác nghiệp ở vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư, với tư cách là Thị trưởng Đài Bắc, Mã Anh Cửu đã thể hiện ngôn luận về một trận “quyết chiến với Nhật Bản bằng mọi giá để bảo vệ đảo Điếu Ngư”. Năm 2008, sau khi trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan, ngôn luận và chính sách của Mã Anh Cửu đối với Nhật Bản có phần thu hẹp, nhưng lập trường cơ bản vẫn chưa thay đổi. Tháng 11/2008, nhà cầm quyền Mã Anh Cửu đã phê chuẩn đơn xin của những người bảo vệ đảo Điếu Ngư trong dân chúng Đài Loan để thành lập “Hiệp hội Bảo vệ Điếu Ngư Trung Hoa”, khiến cho phong trào bảo vệ đảo Điếu Ngư lần đầu tiên chính thức có tổ chức. Sau khi Nhật Bản đâm chìm tàu cá liên hợp của Đài Loan, Mã Anh Cửu thậm chí còn phát đi tuyên bố có ý “động viên quân sự”. Người phát ngôn của Mã Anh Cửu lúc đó là Vương Uất Kỳ nói rằng: “Trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Mã Anh Cửu trước đây là thanh niên có nhiệt huyết, nay vẫn là trung niên nhiệt huyết”.
Quân cờ Hồng Công trong tranh chấp biển Hoa Đông
Trong những ngày gần đây, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng do những động thái và tuyên bố liên quan tới quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Việc Bắc Kinh ngầm cho phép các nhà hoạt động địa phương đến quần đảo Điếu Ngư nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo này, đã cho thấy Hồng Công là một phần trong chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc.
…sau đó bị Nhật Bản bắt giữ và trục xuất ngày 17/8
Giới phân tích nhận định vụ các nhà hoạt động Hồng Công kéo lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ rồi quyết định trục xuất cho thấy Hồng Công đóng một vai trò trong chính sách ngoại giao và chiến lược của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở khu vực biển Hoa Đông. Chuyến đi của các nhà hoạt động Hồng Công đã củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong khi vẫn tránh được một cuộc đối đầu trực tiếp với Tokyo. Giáo sư Chu Vĩnh Sinh thuộc Trường đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định: “Những kế hoạch trước đây của các nhà hoạt động Hồng Công đến quần đảo Điếu Ngư đều bị chính quyền Trung Quốc ngăn chặn. Do vậy, có thể thấy rằng, lần này họ thực hiện thành công chuyến đi là do đã được Bắc Kinh cho phép”.
Bắc Kinh dường như đang cho thế giới thấy rằng, họ vẫn đang thể hiện sự kiềm chế, nhưng đồng thời cũng muốn cảnh báo để Tokyo biết rằng, đây là một vấn đề nghiêm túc. Theo Giáo sư Chu Vĩnh Sinh: “Khi các nhà hoạt động Hồng Công lên quần đảo Điếu Ngư, chủ quyền của Trung Quốc vẫn có thể được chứng tỏ, bởi vì các nhà hoạt động đó cũng là người Trung Quốc. Bắc Kinh đã nói với Tokyo một cách tế nhị rằng, Trung Quốc không muốn đối đầu, nhưng Tokyo không nên hiểu nhầm rằng, thái độ của Trung Quốc thể hiện sự yếu thế”.
Ngày 15/8, Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Công Lương Chấn Anh đã triệu Tổng lãnh sự Nhật Bản Yuji Kumamaru để kêu gọi Tokyo thả 8 nhà hoạt động bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản bắt giữ. Động thái này được xem như là một tín hiệu rằng, Hồng Công đang phối hợp nhịp nhàng với Bắc Kinh.
S.Phương
(Năng lượng Mới số 155, ra thứ Sáu ngày 14/9/2012)
Dai Loan hay Trung Quoc cung deu mang tham vong ba quyen Dai Han, chi co dieu la mot ben Co kha nang va co hoi thuc hien nhieu hon ben kia ma thoi.
ThíchThích
Em cám ơn chị Như chia sẻ suy ngẫm về chuyện này.
Chúc chị luôn khỏe và an lành ạ.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chi cam on Thu Huong. Chuc em luon binh an va manh me trong Tinh Yeu cua Cha tren troi. ❤
ThíchĐã thích bởi 1 người