Chợ đen nội tạng người – 3 kỳ

Chợ đen nội tạng người (K1): Bùng nổ

Chợ đen nội tạng người (K2): Điểm đen Trung Quốc

Chợ đen nội tạng người (K3): Tranh cãi pháp lý


Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen trình bày về vấn đề mổ cướp tạng ở Trung Quốc tại Đồi Capitol.

***

Chợ đen nội tạng người (K1): Bùng nổ

(ĐTTCO) – Ngày 4-7, cảnh sát Italia cho biết vừa triệt phá đường dây gồm 38 tên buôn người, chuyên bán di dân cho các “lò mổ người” để thu hoạch nội tạng, với mức giá bình quân 15.000USD/người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tin tức ghê rợn này hé lộ một phần ánh sáng về thị trường chợ đen nội tạng người trên toàn cầu, nơi nguồn cung luôn thiếu hụt.

Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong năm 2010, có 106.879 ca cấy ghép nội tạng diễn ra ở 95 nước, cả hợp pháp và phi pháp, trong đó 73.179 ca ghép thận (chiếm 68,5%). Nhưng tổng các ca cấy ghép đó chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu toàn cầu. Chính sự thiếu hụt này làm thổi bùng hoạt động mua bán nội tạng trái phép.

Nhu cầu quá lớn

Theo số liệu của Bộ Y tế Hoa Kỳ, cứ mỗi 10 phút trôi qua lại có thêm 1 bệnh nhân cần ghép tạng. Tính đến tháng 10-2015, danh sách này đã lên hơn 122.000 người, trong đó có tới 100.402 người đang chờ được ghép thận. Tuy nhiên, trong cả năm 2015, chỉ có 30.970 ca ghép tạng (hợp pháp) được thực hiện.

Ở châu Âu, ước tính hơn 40.000 bệnh nhân đang chờ được ghép tạng. Riêng tại Anh, tính đến năm 2008 có hơn 7.600 người chờ được ghép tạng. Trong năm 2007, có tới 3.235 ca ghép tạng được tiến hành, nhưng cũng có gần 500 bệnh nhân qua đời vì không được ghép tạng.

Bình quân, những bệnh nhân phải chờ 3 năm rưỡi để được ghép tạng, đáng buồn là nhiều người không chờ được thời gian lâu như vậy. Vì thế, cứ mỗi ngày lại có thêm khoảng 30 người trong danh sách chờ ghép tạng ở Hoa Kỳ qua đời. Theo WHO, Hoa Kỳ là một trong nhiều nước nhập khẩu tạng, các bệnh nhân có thể đăng ký các gói ghép tạng với chi phí từ 70USD đến hơn 160.000USD.Một điều tra của tờ báo USA Today năm 2006 cho biết do chênh lệch giữa cung và cầu quá lớn, thu hoạch nội tạng bất hợp pháp trở thành một nghề rất béo bở ở Hoa Kỳ. Theo đó, từ năm 1987-2006, hơn 16.800 gia đình theo đuổi các vụ kiện về việc các phần cơ thể người thân của họ bị bán trên thị trường chợ đen với giá ước tính 6 triệu USD. Con số này dựa trên các số liệu từ các nhà điều tra liên bang và địa phương, các tổ chức công và trường y khoa. Gần đây, tay môi giới thận tên Levy Rosenbaum bị kết án tù 2 năm rưỡi tại Hoa Kỳ vì buôn bán thận bất hợp pháp. Theo FBI, Rosenbaum đã dụ dỗ những người Israel nghèo bán thận với giá 10.000USD/quả, sau đó bán lại với giá trên 120.000USD/quả. Rosenbaum tiết lộ hắn thường dàn xếp cho rất nhiều ca ghép tạng và bán lại cho Bệnh viện Einstein Medical Center and Hospital.

Lan rộng từ Đông sang Tây

Tại những nước nơi người nghèo còn phổ biến như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan, việc buôn bán nội tạng khá phổ biến. Tờ Global Post kể câu chuyện về một người Bangladesh tên Mehdi Hasan được một tay môi giới nội tạng chợ đen hứa trả 300.000 taka (4.000USD) cho 60% lá gan của mình. Sau cuộc giải phẫu 10 giờ, Hasan thấy mình bị bỏ rơi trong một bệnh viện. Tên môi giới đã bỏ đi mà chẳng hề trả cho anh một đồng nào. Câu chuyện của Hasan là điển hình cho những người nghèo ở Bangladesh, thường tìm đến các đường dây mua bán nội tạng phi pháp như một giải pháp cuối cùng vì quá túng quẫn.

Việc bán nội tạng không chỉ phổ biến ở các nước châu Á và Trung Đông, mà đã lan sang các nước châu Âu. Theo một bài viết trên tờ New York Times năm 2012, khủng hoảng tài chính đã đẩy nhiều người vào cảnh túng quẫn, và một số tìm cách bán thận, phổi, tủy xương hoặc giác mạc như một giải pháp. Tại Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Nga, nhiều người rao bán các cơ quan nội tạng trên internet, với giá chào bán phổi lên tới 250.000USD. Vào cuối tháng 5-2012, cảnh sát Israel bắt giữ 10 thành viên của một nhóm tội phạm quốc tế bị nghi ngờ buôn bán nội tạng ở châu Âu. Các quan chức cho biết các nghi phạm nhắm vào những người nghèo khổ ở Moldova, Kazakhstan, Nga, Ukraine và Belarus. “Buôn bán nội tạng là một ngành công nghiệp đang bùng nổ” – Jonathan Ratel, một công tố viên của EU, nói. Ông đang xử vụ án chống lại 7 người bị cáo buộc dụ dỗ nạn nhân nghèo từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Đông Âu đến Kosovo để bán thận, với lời hứa trả cho mỗi người 20.000USD. Theo WHO, bọn buôn lậu trên thế giới mỗi năm bán được tới 7.000 quả thận, thu về khoảng 112 triệu USD.

Trong vụ việc ở Italia, cảnh sát cho biết đường dây buôn người hoạt động ở Sicily, nơi những di dân từ châu Phi hoặc Trung Đông thường đặt chân đến đầu tiên. Đầu tiên, những di dân không đủ tiền để trả tiếp cho chặng đường di cư tiếp theo của họ sẽ bị bọn buôn người giam lại. Sau đó, chúng sẽ liên hệ với một tổ chức tội phạm người Ai Cập chuyên giết người để mổ cướp nội tạng, với giá bình quân 15.000USD/người. Nuredin Atta Wehabrebi, một tay buôn người đã hoàn lương, có vai trò chỉ điểm trong vụ án, kể: “Bọn chúng nói những ai không có đủ tiền trả cho các chuyến đi sẽ bị bán cho một số người Ai Cập, những người này sẽ giết họ để lấy nội tạng rồi đem bán lại ở Ai Cập. Tôi thấy những người Ai Cập đi đến với đồ nghề để moi nội tạng và đưa chúng đi trong những túi lạnh”. Sau khi tòa án ở Sicily ký lệnh bắt 38 người trong đường dây, các nhà điều tra cũng bố ráp nơi ở của chúng và thu giữ được nửa triệu EUR tiền mặt.

Các nạn nhân chợ đen nội tạng Pakistan cho thấy vết mổ lấy thận.

Nhiều thủ đoạn

Bọn buôn lậu nội tạng thường có rất nhiều thủ đoạn để “lấy hàng”. Các nạn nhân có thể bị bắt cóc và bị mổ cướp nội tạng; một số người vì quá túng quẫn nên đồng ý bán nội tạng với mức giá rẻ. Một số trường hợp bọn buôn lậu nội tạng kết hợp với các bệnh viện, đưa ra chẩn đoán rằng nạn nhân cần được mổ. Khi nạn nhân đi mổ, họ bị lấy cắp nội tạng mà không hề hay biết. Có một số nạn nhân thậm chí bị giết chết nếu bên mua đồng ý trả một số tiền lớn. Chợ đen nội tạng hoạt động rất hiệu quả, vì theo ước tính của WHO, mỗi năm có tới 10.000 ca ghép tạng chợ đen, tức mỗi giờ có hơn 1 ca. WHO ước tính các ca ghép tạng chợ đen chiếm 5-10% ca ghép tạng trên toàn thế giới hàng năm và đem về khoản 1,2 tỷ USD cho bọn tội phạm.

Trẻ em, đặc biệt trẻ em trong các gia đình nghèo hoặc trẻ bị khuyết tật, thường là mục tiêu của bọn buôn lậu nội tạng. Chẳng hạn, vào tháng 5-2013, Gurkiren Kaur Loyal, một nữ sinh 8 tuổi người Anh, bị chết ở một bệnh viện tại Ấn Độ. Gia đình Loyal tin rằng em bị giết để thu hoạch nội tạng. Một trường hợp khác cũng diễn ra vào năm 2013, khi 5 người bị kết án buôn lậu nội tạng, thực hiện ít nhất 24 vụ ghép tạng phi pháp tại một trung tâm y khoa ở ngoại ô  Pristina, Kosovo. Lutfi Dervishi, Giám đốc trung tâm, và con trai hắn là Arban, lần lượt bị kết án 8 và 7 năm tù giam. Theo cáo trạng, những người này hứa sẽ trả cho các nạn nhân 12.500 bảng Anh mỗi quả thận, nhưng thường là không trả một xu nào. Trong khi đó, những quả thận đó được họ đem bán trên thị trường chợ đen với giá lên tới 84.000 bảng.

(còn tiếp) 

***

Chợ đen nội tạng người (K2): Điểm đen Trung Quốc

(ĐTTCO) – Ngày 13-6-2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 343 (NQ343) lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc đại lục. Động thái này cho thấy sự nghiêm trọng của hoạt động cấy ghép tạng đã và đang diễn ra tại Trung Quốc.

Cáo buộc của Đồi Capitol

Sau gần 1 năm thảo luận và điều tra kể từ khi được giới thiệu vào ngày 25-6-2015, NQ343 của Hạ viện Hoa Kỳ khóa 114 đã được 180 thành viên lưỡng đảng thông qua. Điều đáng chú ý trong nghị quyết này là Đồi Capitol nhấn mạnh sự liên quan của chính phủ Trung Quốc trong hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Cụ thể, lời kêu gọi đầu tiên trong 6 lời kêu gọi của NQ343 là: “Lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Như vậy, theo các nhà lập pháp xứ cờ hoa, hoạt động cấy ghép nội tạng phi pháp ở Trung Quốc không còn là vấn đề của các cá nhân, tổ chức tội phạm nữa, mà chính là vấn đề của nhà nước.

1. Lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc. 2. Kêu gọi chính phủ Trung Quốc lập tức chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng từ tất cả các tù nhân lương tâm. 3. Yêu cầu ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại người tu tập PLC kéo dài 16 năm do chính phủ Trung Quốc tiến hành, lập tức thả tất cả các tù nhân bị bức hại.

Trích Nghị quyết 343 Hạ viện Hoa Kỳ khóa 114

Theo tạp chí y khoa quốc tế The Lancet (được thành lập từ năm 1823), hoạt động ghép tạng ở Trung Quốc gia tăng đột biến từ đầu những năm 2000, đỉnh cao là năm 2004 với 13.000 ca cấy ghép được ghi nhận; đến năm 2006, con số giảm xuống 11.000 ca, trở thành cường quốc thứ hai thế giới về ghép tạng xét về số ca cấy ghép hàng năm. Điều này thực sự gây chú ý đối với cộng đồng chuyên môn quốc tế vì nhiều lý do. Thứ nhất, Trung Quốc đột nhiên bùng nổ lĩnh vực cấy ghép tạng kể từ năm 2000, trở thành cường quốc ghép tạng, trong khi chưa đạt được tiến bộ theo tỷ lệ tương ứng trong các lĩnh vực y khoa tương tự. Thứ hai, thời gian chờ đợi để nhận cơ quan tạng ở Trung Quốc ngắn một cách bất thường. Theo tuyên bố trên website của Trung tâm Hỗ trợ cấy ghép quốc tế Trung Quốc (CITAC), họ chỉ cần mất 1 tuần để tìm được thận thích hợp cho khách hàng, lâu nhất cũng chỉ 1 tháng. Trong khi đó, thời gian chờ có tạng phù hợp ở các quốc gia khác là hàng năm trời, ở Hoa Kỳ là 3 năm rưỡi. Thứ ba, các nhân chứng lên tiếng về vấn đề vi phạm nhân quyền. Năm 2006 một nhân chứng đã đưa ra lời chứng về việc Trung Quốc đang mổ cướp tạng của 3.000-4.000 tù nhân chỉ trong hơn 2 năm ở một bệnh viện.

Bắc Kinh thừa nhận

Theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, người chết cần được “nhập thổ vi an”, do đó rất bài xích việc động đến thân thể người đã khuất. Tuy nhiên, từ năm 1984, Trung Quốc ban hành một đạo luật hợp pháp hóa việc thu hoạch tạng từ tù nhân bị kết án tử hình với điều kiện tù nhân và/hoặc gia đình đồng ý, hoặc trong trường hợp không có ai nhận xác. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới còn chính thức lấy tạng từ tù nhân. Nhưng vấn đề đặt ra là Trung Quốc không có những cơ chế minh bạch để bảo đảm có đúng những tù nhân bị lấy tạng hoặc gia đình họ đã thực sự tình nguyện hay không. Cần nhấn mạnh, trên toàn thế giới, mổ cắp tạng là phạm pháp và phi đạo đức.

WHO đã nhiều lần lên án việc mua bán cơ quan tạng người ở Trung Quốc, chẳng hạn tại Brussels năm 1985, tại Madrid năm 1987 và tại Stockholm năm 1994. Tương tự, năm 1995 Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã tổ chức buổi điều trần về vấn đề mua bán bộ phận cơ thể người ở Trung Quốc. Sau đó, Tổ chức Y khoa Thế giới (WMA), Tổ chức Y khoa Hàn Quốc và Tổ chức Y khoa Trung Quốc đã đi tới thỏa thuận năm 1998 rằng có thể tiến hành liên kết điều tra, nhưng Trung Quốc không hợp tác như đúng thỏa thuận và đã rút lui vào năm 2000.

Năm 2001, bác sĩ Vương Quốc Kỳ đã ra làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng ông đã từng tham gia thu hoạch tạng từ những tù nhân bị hành quyết dù họ và gia đình chưa đồng ý. Ông Vương kể đã tham gia hơn 100 ca như vậy tại Thiên Tân, trong đó có ít nhất 1 ca nạn nhân lúc bị mổ lấy tạng vẫn còn thở. Lúc đó Trung Quốc thẳng thừng phản đối và tuyên bố ông Vương nói dối. Tuy nhiên 4 năm sau (2005), Trung Quốc đã công khai thừa nhận tù nhân bị hành quyết đúng là nguồn cung của hoạt động ghép tạng. Thứ trưởng bộ Y tế, ông Hoàng Khiết Phu công nhận rằng 95% tạng ghép là từ tù nhân và tuyên bố Trung Quốc sẽ có biện pháp về vấn đề này.

 

Con số đáng ngờ

Từ năm 2000 đến 2006, tổng số ca ghép tạng ở Trung Quốc khoảng 60.000 ca. Ngay cả khi Trung Quốc đã thừa nhận nguồn tạng của hoạt động cấy ghép là tù nhân bị hành quyết, thì số tù nhân bị kết án tử hình dù rất lớn (khoảng 1.700 người/năm) vẫn không thể giải thích được nguồn tạng của 60.000 ca cấy ghép nói trên. Điều này càng đáng ngờ hơn vì tại Trung Quốc không hề có chương trình khuyến khích hiến tạng, tức chỉ có một nguồn tạng duy nhất là từ tù nhân bị hành quyết. Nhưng các tù nhân mang án tử hình trên rõ ràng không thể nào đủ số. Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng những tù nhân không mang án tử hình cũng nằm trong số bị hành quyết để trở thành nguồn tạng?

 

Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen trình bày về vấn đề mổ cướp tạng ở Trung Quốc tại Đồi Capitol.

 

Nhìn lại, thời điểm bắt đầu bùng nổ hoạt động này trùng với thời điểm Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công (PLC – một môn tu tập khí công Phật gia) năm 1999, dẫn đến giam giữ hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu học viên PLC như những tù nhân, trong khi gia đình và thân nhân không biết được họ đang ở đâu. Chính sách đàn áp PLC cũng bức hại cả người nhà của học viên, do đó khi bị bắt, phần đông học viên không dám tiết lộ danh tính để bảo vệ gia đình họ. Theo báo cáo của ông Manfred Nowak, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về vấn đề tra tấn và những hành vi độc ác khác, trong năm 2004-2005, hơn một nửa số người bị giam ở các trại tạm giam và trại lao động là học viên PLC.

Vì những nghi ngờ này, ông David Kilgour (cựu quốc vụ khanh Canada) và David Matas (luật sư nhân quyền) đã tiến hành điều tra. Báo cáo đầu tiên được đưa ra vào năm 2006, và mới đây là ngày 22-6-2016, đã xác nhận các học viên PLC bị giết hại để lấy tạng khoảng 1,5 triệu người. Báo cáo cũng cho biết ở Trung Quốc không chỉ các cơ sở y tế có liên quan trực tiếp mà quân đội và tòa án cũng liên quan. Trong những bệnh nhân được phỏng vấn, có người gặp khó khăn trong việc tìm tạng ở bệnh viện dân sự, nhưng dễ dàng tìm được tạng từ bệnh viện quân đội. Phát biểu tại Hạ viện Hoa Kỳ trong buổi bỏ phiếu NQ343, nghị sĩ Chris Smith cho rằng hoạt động mổ cướp nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc là tội ác lớn nhất của thế kỷ 21.

(còn tiếp)

Văn Cường
***

Chợ đen nội tạng người (K3): Tranh cãi pháp lý

(ĐTTCO) – Việc mua bán nội tạng người là bất hợp pháp ở nhiều nước. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có nên hợp pháp hóa việc buôn bán nội tạng để dễ quản lý cũng như bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung quá lớn.
Hình mẫu Iran

Cho đến nay, Iran là quốc gia duy nhất hợp pháp hóa việc mua bán tạng người. Tuy nhiên, Tehran cũng hạn chế việc mua bán dưới dạng thương mại như một cách chống lại nạn du lịch ghép tạng. Theo đó, người nước ngoài không được phép mua tạng của công dân Iran. Ngoài ra, chỉ những người cùng quốc tịch mới có thể mua tạng của nhau. Thí dụ, một người Iran không thể mua quả thận từ một người tị nạn đến từ nước khác. Việc mua bán thận phần lớn là từ thiện, dựa trên tình nguyện và những người có nhiệm vụ cầu nối giữa người hiến và người nhận không được trả lương.

Theo một khảo sát trên 72 nhà kinh tế nghiên cứu hoạt động buôn bán nội tạng, 68% ủng hộ hợp pháp hóa việc buôn bán nội tạng, trong khi 21% phản đối. Về mặt tư pháp, các nhà nghiên cứu cho rằng cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật với các cơ quan y tế để nắm bắt những thông tin về cấy ghép tạng, từ đó có thể quản lý tốt hơn.

Những người ủng hộ hợp pháp hóa buôn bán nội tạng đã đánh giá mô hình mua bán nội tạng của Iran là hiệu quả và an toàn. Australia và Singapore gần đây đã hợp pháp hóa việc hiến tạng có nhận tiền đền bù. Các tổ chức vận động hiến thận ở cả 2 nước này đều ủng hộ sáng kiến này. Tại Hoa Kỳ, luật liên bang cấm việc bán các bộ phận cơ thể, tuy nhiên chính phủ có cơ chế khuyến khích hiến tạng và đền bù cho những người hiến tạng. Năm 2004, tiểu bang Wisconsin bắt đầu cung cấp các khoản khấu trừ thuế cho những người hiến tạng còn sống. Tại nhiều nước trên thế giới, xu hướng hiện nay là tăng các ràng buộc pháp lý về mua bán nội tạng.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Cộng đồng quốc tế đã ban hành nhiều pháp lệnh và các tuyên bố chống lại việc buôn bán nội tạng, như: Tuyên bố lên án thương mại nội tạng của Cơ quan Y tế thế giới (WMA) năm 1985; Công ước về nhân quyền và sinh y học năm 1997 và 2002 của Hội đồng châu Âu; Tuyên bố Istanbul về buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đóng vai trò nổi bật trong việc lên án buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Năm 1987, WHO khẳng định hành vi thương mại hóa nội tạng vi phạm Bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Năm 1991, WHO đưa ra 9 nguyên tắc hướng dẫn về ghép tạng, nêu rõ tạng người không thể là đối tượng giao dịch tài chính.

Dữ liệu của WHO cho thấy người dân nghèo ở các nước đang phát triển là mục tiêu chính của bọn buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Một nghiên cứu về những người hiến tạng ở Ấn Độ cho thấy 71% trong số họ có mức sống rơi xuống dưới mức nghèo khổ. Những câu chuyện đặc trưng về nạn mổ cướp tạng thường kể về các nạn nhân nam giới thất nghiệp trong độ tuổi từ 20-40 tuổi thường bị dụ ra nước ngoài làm việc, nhưng thực chất là để mổ cướp tạng. Tuy nhiên, trong thực tế phụ nữ nghèo cũng là nạn nhân thường xuyên của hoạt động ghép tạng phi pháp.

Một trong những lý do chính khiến người ta muốn bán tạng là do nợ nần chồng chất. Các nước nghèo nhất thường được xem là mục tiêu đáng tin cậy hơn cho khách du lịch ghép bởi vì nơi đó có những người đang cần tiền. Trong khi một số người ủng hộ buôn bán tạng người cho rằng việc này giúp nâng số người thoát khỏi đói nghèo bằng cách trả tiền cho người hiến tạng. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người bán nội tạng vẫn không thoát được nợ mà trái lại bị mắc kẹt trong chu kỳ nợ vì không quản lý tài chính tốt.

Ảnh minh họa.

Sức khỏe sa sút

Báo cáo của WHO cho biết những người hiến tạng trong hình thức du lịch ghép tạng thường có sức khỏe và kinh tế sa sút sau việc hiến tạng. Tại Iran, 58% người hiến tạng báo cáo sức khỏe giảm. Tại Ai Cập, có đến 78% người hiến tạng chứng kiến sức khỏe yếu đi và 96% nói họ hối hận vì đã hiến tạng. Những phát hiện này tương đối nhất quán ở tất cả các quốc gia: Những người bán tạng thường có sức khỏe suy giảm. Những điều kiện không đạt tiêu chuẩn trong phẫu thuật cấy ghép cũng có thể dẫn đến lây truyền các bệnh như viêm gan B, viêm gan C và HIV. Sức khỏe của họ còn bị trầm trọng hơn do trầm cảm gây ra bởi căng thẳng và chăm sóc không thích hợp sau khi phẫu thuật.

Hậu quả về mặt kinh tế cũng không khá hơn về sức khỏe. Một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy trong khi 96% người hiến tạng đã bán 1 quả thận để trả nợ, 75% vẫn phải chăm sóc hậu phẫu mà không được người mua tạng tài trợ. Một nghiên cứu ở Iran, quốc gia duy nhất việc hiến tạng được chi trả hợp pháp, phát hiện 66% những người hiến tạng có tình trạng tài chính kém hơn. Tại tất cả các nước, những người hiến tạng cho biết do suy giảm sức khỏe hậu phẫu dẫn đến giảm cơ hội việc làm, đặc biệt đối với những người kiếm sống bằng lao động tay chân.

Tranh luận vẫn tiếp diễn

Vì vậy, vấn đề có nên hợp pháp hóa việc mua bán ghép tạng hay không tiếp tục là chủ đề tranh luận trong giới học thuật toàn cầu. Những cuộc tranh luận đã dẫn đến nhiều giải pháp đề xuất để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung và kiềm chế hoạt động ghép tạng phi pháp, chẳng hạn: Thành lập thị trường mua bán tạng tự do; tăng quy định pháp luật và xử phạt vi mua bán nội tạng bất hợp pháp; thực hiện luật “đồng thuận được giá” với hiến tạng… Dưới góc độ kinh tế, các thành viên Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (AEA) đã đạt được sự đồng thuận rằng nên hợp pháp hóa buôn bán nội tạng, với 70% ủng hộ và 16% phản đối. Chủ nhân giải Nobel kinh tế Gary Becker và Julio Elias cho rằng chính phủ có thể trả tiền bồi thường để đảm bảo sự bình đẳng. Điều này sẽ tiết kiệm được ngân sách công, vì lọc máu cho bệnh nhân suy thận tốn kém hơn nhiều.

Nhiều học giả ủng hộ việc thực hiện một hệ thống thị trường tự do để chống lại sự thiếu hụt tạng và cũng nhằm đẩy lùi nạng buôn bán tạng trái phép. Tình trạng bất hợp pháp đối với buôn bán nội tạng đã tạo ra một mức giá trần đối với các cơ quan nội tạng là 0USD. Giá trần này ảnh hưởng đến cung cầu, tạo ra một sự thiếu hụt nguồn cung nội tạng trong khi nhu cầu vẫn ngày một lớn. Theo một nghiên cứu của Viện Cato có trụ sở ở Hoa Kỳ, loại bỏ giá trần sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng. Tuy nhiên, những chuyên gia khác nói rằng một thị trường tự do sẽ tạo ra một sự mất cân đối: chỉ những người giàu mới có thể mua tạng. Họ cũng cho rằng thị trường tự do cho buôn bán nội tạng sẽ khuyến khích các hành vi trộm cắp tạng thông qua giết người và bỏ bê người thân bị bệnh vì những lợi ích tài chính.

Văn Cường

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s