20/09/2015 21:43
NLD – Bên cạnh mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, có chất lượng sống tốt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM quyết tâm xây dựng thành phố nghĩa tình – phẩm chất được xem là “đặc sản” của đô thị lớn nhất nước này
Có lẽ TP HCM là nơi có hoạt động từ thiện phổ biến và đa dạng nhất cả nước.
Nhóm Cafe Racer tổ chức thăm, trao quà từ thiện tại Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân chất độc da cam và trẻ em khuyết tật TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngay từ cuối những năm 1980, trong khi đang phải vượt qua biết bao thiếu thốn, khó khăn, hậu quả của một thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ”, TP HCM đã là nơi đầu tiên xuất hiện và phát triển phong trào xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng những mẹ Việt Nam anh hùng sống neo đơn. Tiếp đó là những ngôi “nhà tình thương” dành cho các gia đình nghèo khó, rồi là địa phương luôn đi đầu trong phong trào “Xóa đói giảm nghèo”…
Mảnh đất từ tâm
Những năm gần đây, hoạt động từ thiện ở TP HCM ngày càng lan tỏa rộng. Không kể những phong trào của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan nhà nước… thực hiện giúp đỡ đồng bào các nơi khi gặp thiên tai, ở TP HCM còn có rất nhiều nhóm bạn từ mạng xã hội kết hợp với nhau để làm công tác xã hội. Họ hầu như chưa từng biết nhau ngoài đời, làm quen qua mạng xã hội nhưng vẫn luôn sẵn lòng trực tiếp tham gia hoặc dốc túi đóng góp cho những hoàn cảnh éo le, những mảnh đời cơ nhỡ. Sau đó, họ đã trở thành những người bạn ở ngoài đời.
Tôi có nhiều người bạn là doanh nhân, chỉ là chủ doanh nghiệp nhỏ thôi nhưng thường xuyên tổ chức những chuyến đi về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Mỗi chuyến đi luôn có vài tấn gạo, mấy trăm cuốn tập, quần áo ấm, giày dép… cho bà con và không quên một số phần học bổng cho học sinh nghèo. Tự đi tiền trạm tìm hiểu tình hình cụ thể rồi tự lái xe chở đồ, tự phân phát tận tay người cần giúp… Có anh chị còn đến những vùng thiếu nước để khoan giếng, mang lại nguồn nước sạch cho người dân sử dụng. Họ làm năm này qua năm khác, thầm lặng. Mỗi lần như vậy còn có thêm sự đóng góp ít nhiều của bạn bè, người thân.
Anh bạn tôi là một nhà văn có tiếng, miệt mài viết và cũng miệt mài trên chiếc mô tô đi đến nhiều tỉnh, thành tặng học bổng cho các em học giỏi nhà nghèo. Tiền học bổng do anh quyên góp từ bạn bè, thậm chí có lần anh còn “ăn mày” tận nước Mỹ trong dịp qua thăm gia đình. Bạn bè thương quý tặng khi thì chai rượu, khi thì cây bút đắt tiền, có khi cả laptop, máy chụp hình…, anh đều bán để “sung quỹ” học bổng giúp nhiều trẻ em nghèo khắp nơi có điều kiện học hành.
Mỗi năm, vào đầu tháng 8, con gái tôi và bạn bè tổ chức mua bánh trung thu, lồng đèn tặng bệnh nhi trong Bệnh viện Ung Bướu hay đi tặng quà cho thiếu nhi nghèo ở huyện Cần Giờ, TP HCM. Chỉ một dòng thông báo ngắn gọn trên Facebook thôi là đã có nhiều người “nhào” vô hỏi thăm, đóng góp, rồi hẹn nhau cùng đi mua bánh, cùng đi tặng quà. Một tuần tất bật, một ngày chung tay chia sẻ chút niềm vui cho những em nhỏ cũng là một ngày có ích cho các bạn trẻ.
Khó có thể kể hết những việc làm từ thiện của người ở TP HCM. Nhận xét như thế không phải chỉ dựa vào cảm tính mà có nhà nghiên cứu đã dẫn từ một báo cáo khoa học: “Hoạt động từ thiện tại Nam Bộ nói chung và ở TP HCM nói riêng nổi trội hơn hẳn so với khu vực phía Bắc cả về quy mô, mức độ và có những nét đặc trưng riêng rõ rệt”.
Giàu truyền thống thương người
Nhiều người cho rằng phải từ sự sung túc hơn về kinh tế thì TP HCM mới thương người, giúp người được. Nói vậy thì chưa thỏa đáng. Nếu không coi việc giúp người là chuyện cần làm và làm được thì việc từ thiện không thể như “chuyện thường ngày”. Tích xưa của vùng Gia Định kể về ông Thủ Huồng làm nhà bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo nước cho người đi ghe xuồng qua lại sử dụng khi lỡ con nước. Đây là một điển hình cho tính cách “bao đồng” nhưng “thương người như thể thương thân” của người Gia Định.
Mà không phải chỉ có người giàu mới giúp người cơ nhỡ. Ở TP HCM, ta có thể thấy nhiều người chẳng sung túc gì mà vẫn giúp người khốn khó hơn mình. Họ không ngại khi mình chỉ giúp được một chút vì họ tin nếu nhiều người giúp một chút thì sẽ được một kết quả lớn. Thực tế, những câu chuyện tôi đã kể là như vậy.
Từ lịch sử và điều kiện tự nhiên của vùng đất phương Nam, lưu dân nhiều nơi vào Nam Bộ đều có hoàn cảnh giống nhau nên ở vùng đất mới, họ phải đùm bọc giúp đỡ nhau. Không giúp người thì ai sẽ giúp mình khi gặp khó khăn, họ suy nghĩ giản dị vậy thôi!
“Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi, người Nam Bộ làm chơi ăn thiệt” là một lối mòn trong suy nghĩ và nhận thức. Cần hiểu rằng người Nam Bộ đã vượt qua biết bao khó khăn, gian nan để làm nên một vùng đất đai trù phú. Có chăng chỉ là người Nam Bộ không hay than khó, kể khổ bởi ai cũng như mình, than thở có ích gì, hãy giúp nhau làm cho được việc… Việc đã làm xong thì coi những khó khăn đã qua là “chuyện nhỏ” chứ đâu phải làm ăn dễ dàng như chơi?
Trải qua nhiều thế hệ, lối suy nghĩ, hành xử như vậy trở thành đạo lý của người Nam Bộ.
Các hoạt động từ thiện ở TP HCM thường đáp ứng được ngay những nhu cầu thực tế và cấp bách. Từ bữa cơm, ly nước miễn phí đến những thùng tiền quyên góp cho trẻ khuyết tật trong các siêu thị không bao giờ vơi; từ việc hằng ngày sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, người bán vé số… đến cả hoàn cảnh ngặt nghèo được giúp “quan tài từ thiện”… Trong nhiều lễ tang, tiền phúng điếu được gia đình – thể theo nguyện vọng của người vừa mất – đóng góp vào quỹ từ thiện của phường, hội…
TP HCM còn có nhiều đoàn bác sĩ thường xuyên đi khám chữa bệnh, phát thuốc cho đồng bào các tỉnh, kể cả sang nước bạn Lào, Campuchia. Đây cũng là nơi tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ các nước thực hiện nhiều dự án về y tế, giáo dục, giúp đỡ trẻ em đường phố và những đối tượng “dễ bị tổn thương” của xã hội.
Khi những người có tâm thiện gặp nhau, tự giác gắn kết, lại biết cách tổ chức thực hiện và rành mạch, sòng phẳng các khoản thu – chi, những hoạt động thiện nguyện ở TP HCM ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều người cùng tham gia.
Không tính toán thiệt hơn
Cũng từ hoàn cảnh lịch sử mà ở người TP HCM có tính thực tế cao, giúp đỡ người cơ nhỡ, khó khăn cụ thể bằng việc làm, không tính toán thiệt hơn, giúp người trong khả năng của mình, dù ít cũng không ngại và nhiều cũng không đòi hỏi đền đáp, trả công. Làm việc nghĩa là cách người TP HCM thể hiện tình cảm, lòng trắc ẩn và trách nhiệm đối với đồng bào mình.
Kỳ tới: Những tấm lòng thơm thảo
Thành phố nghĩa tình: Những tấm lòng thơm thảo
21/09/2015 22:03
NLD – Không chỉ thương yêu công nhân ở trọ như người thân trong nhà, các chủ nhà trọ tại TP HCM còn luôn sẵn lòng giúp đỡ mỗi khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn
Chúng tôi ghé khu trọ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM, thấy bà chủ nhà Lê Thị Thanh Hoa đang đứng cạnh đống cát, đá trộn hồ. Bà khoe: “Tôi đang sửa tất cả các phòng trọ, dán hết gạch men nền và tường cho công nhân (CN) ở sạch sẽ, thoáng mát”. Nụ cười hồn hậu, chất phác nở trên gương mặt người chủ nhà mà CN thường trìu mến gọi là “cô Hoa”.
Bà chủ nhà tốt bụng
Thấy phòng trọ đã xuống cấp, bà Hoa họp toàn thể CN lại tham khảo ý kiến. “Cô sẽ dán hết gạch men nhưng chỉ tăng tiền phòng 100.000 đồng/phòng/tháng, mấy đứa thấy sao?” – bà hỏi. Toàn bộ CN vỗ tay đồng ý. Chị Vũ Thị Hiền, Công ty Sungshin (KCX Linh Trung 1), cho biết: “Từ hôm sửa chữa phòng đến nay, CN thích lắm. Phòng thế này chỗ khác người ta phải lấy hơn 1 triệu đồng/phòng/tháng, vậy mà cô Hoa chỉ lấy 650.000 đồng/phòng nhỏ và 750.000 đồng/phòng lớn nên ai cũng đồng ý”.

Bà Lê Thị Thanh Hoa (đứng) tặng quà Tết cho công nhân ở trọ
Thấy CN khó khăn, bà Hoa tạo việc làm thêm cho họ bằng cách để cho những CN làm ở các công ty xây dựng sửa phòng trọ và trả công cho họ 250.000 đồng/buổi. Không chỉ vậy, bà còn đi lấy hoa vải về cho CN nữ làm vào buổi tối để họ có thêm thu nhập. “Kết hoa vải được 7.000 đồng/kg. Ai làm giỏi, buổi tối có thể làm được 2-3 kg, có thêm tiền chợ. Hết hoa, tôi nhận len về cho mấy em móc nón nên có việc làm thêm quanh năm” – bà kể.
Khi nhắc đến “cô Hoa”, CN luôn dành cho bà những tình cảm đặc biệt bởi đối với những CN khó khăn không có điều kiện tổ chức đám cưới, bà đứng ra làm “chủ xị” từ việc nấu nướng đến tặng quà cho cô dâu, chú rể. Hơn 10 năm nay, có 5 cặp CN đã nên duyên vợ chồng nhờ sự vun đắp của bà chủ nhà tốt bụng.
Tết đến, thấy một đôi vợ chồng CN trong nhà trọ có đứa con bị khiếm thị bẩm sinh muốn về quê thăm gia đình mà không có tiền, bà đích thân liên hệ với các đoàn thể để lo cho gia đình họ 3 chiếc vé xe về quê. Không chỉ vậy, bà còn lập một sổ tiết kiệm chung cho CN ở ngân hàng. Ai có 500.000 đồng, 1 triệu đồng có thể gửi bà gom bỏ vào sổ. Ai gửi, gửi ngày nào, bao nhiêu… đều được bà ghi chép cẩn thận. Bà khoe: “Đến nay, có 21 CN gửi được hơn 50 triệu đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng có cái để cho “tụi nó” làm vốn sau này”.
“Ở nhà trọ cô Hoa rất thích, năm nào cũng được cô mời ăn tiệc tất niên” – CN Văn Thị Thuyết, Công ty Danu Vina (KCX Linh Trung 1), khoe. Gần Tết, bà Hoa dành khoản tiền cho thuê nhà tháng cuối, khoảng 15 triệu đồng, để tổ chức tất niên cho CN. Tết Ất Mùi vừa rồi, bà làm 8 bàn tiệc. Không khí vui vẻ, đầm ấm như một gia đình. Bà còn mua đường, bột ngọt, dầu ăn để gói thành 32 suất quà tặng cho các phòng.
Những CN không về quê, ngày Tết còn được bà mời sang ăn cơm và lì xì con cái của họ. Tình cảm, yêu thương, gắn bó nên có người ở nhà trọ của bà 15 năm nay. Năm ngoái, bà Lê Thị Thanh Hoa vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng ở địa phương. “Tôi nghĩ làm được gì cho các em, các cháu thì làm chứ không dám nghĩ để được tuyên dương” – bà Hoa bộc bạch.
Như người một nhà
Một chủ nhà trọ điển hình khác ở quận Thủ Đức là ông Đỗ Xuân Tài ở phường Tam Bình. Ông được CN và con CN xem như người thân thích. Mỗi chiều, tụi nhỏ ùa ra ôm chân, đòi ông ẵm, rồi ríu rít: “Ông ngoại ăn cơm chưa? Hôm nay, con được cô giáo khen…”. Ông cười: “Mười đứa trẻ ở đây gọi vợ chồng tôi là ông bà ngoại. Có được đám cháu thế này cũng vui”.

Ông Tài nguyên là bộ đội ở Quân đoàn 4; năm 1990, về hưu và tận dụng mảnh đất trống của gia đình để xây nhà trọ cho CN thuê. Dãy nhà trọ của ông có 14 phòng và trong 5 năm nay vẫn giữ giá ổn định từ 600.000-650.000 đồng/phòng; tiền điện, nước lấy đúng giá nhà nước quy định.
“Với CN ở tỉnh, lo lắng thường trực là chủ nhà tăng tiền trọ, lấy tiền điện – nước cao so với quy định. Nhưng tôi may mắn khi được ở nhà trọ của bác Tài. Không chỉ không tăng giá tiền phòng mà bác còn luôn quan tâm, giúp đỡ khi CN cần. Điều này giúp tôi an tâm nơi đất khách quê người” – anh Nguyễn Văn Minh, Công ty Trường Lợi (KCN Bình Chiểu), thổ lộ.
Nhà trọ của ông Tài luôn giữ nếp văn minh, sạch đẹp và có nội quy, giờ giấc đóng cổng hẳn hoi. Toàn khu trọ có 10 cháu bé đang ở tuổi mẫu giáo đều được đi học. Ông chăm lo cho các cháu bằng cách kết hợp với trạm y tế phường tổ chức khám sức khỏe, tiêm ngừa, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh… Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, ông còn lên UBND phường nhận quà, bánh về phát cho các cháu. “Thấy các cháu xa quê, xa nhà, rất thiếu thốn tình cảm gia đình nên tôi yêu thương, lo lắng cho các cháu như người trong nhà” – ông tâm sự.
Ngày Tết, ông mua tặng mỗi phòng CN một phần quà gồm đường, bột nêm, dầu ăn, nước mắm. Những CN không có điều kiện về quê ăn Tết được ông tổ chức tất niên, lì xì. Chính vì tấm lòng của ông bà mà có nhiều CN đến ở từ thời còn độc thân tới nay họ đã có gia đình, sinh con và vẫn ở trọ tại đây.
Chị Trương Thị Sơn – quê Hà Tĩnh, làm việc tại Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 2) – kể: “Vợ chồng bác Tài sống rất tình nghĩa, thương CN ở trọ như con cháu của bác. Có gì ngon bác đều chia cho các phòng cùng ăn. Tôi ở đây đã 15 năm rồi và không muốn chuyển đi nơi nào khác”. Ngay cả những CN đã mua được nhà riêng, ổn định chỗ ở vẫn thỉnh thoảng về thăm ông chủ khu trọ khả kính.
Kỳ tới: Luôn biết yêu thương, san sẻ
THÀNH PHỐ NGHĨA TÌNH (*)
Luôn biết yêu thương, san sẻ
22/09/2015 21:52
NLD – Liên tục trong nhiều năm, tổ chức Công đoàn TP HCM có hàng loạt chương trình thiết thực, nhân ái giúp CNVC-LĐ vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc
13 năm sống ở TP HCM, dù trải qua bao nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng ở mảnh đất này, trong lúc tuyệt vọng nhất, chị lại tìm được lối thoát, sự sống lại nảy sinh nhờ sự bao dung, che chở của bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là các cán bộ Công đoàn TP. Chị là Võ Thị Tuyết Khoa, công nhân (CN) Công ty Upgain Việt Nam – 1 trong 31 trường hợp được chương trình “Trái tim nghĩa tình” của LĐLĐ TP giúp đỡ. “Có trái tim khỏe mạnh, điều tôi mong muốn là làm việc thật năng suất vì gia đình và góp công sức của mình cho doanh nghiệp (DN)” – chị tâm sự.
Giành lại sự sống
Gặp lại chị Khoa sau hơn một năm trải qua cuộc phẫu thuật tim nguy hiểm, sức khỏe chị nay đã tốt hơn, gương mặt tươi tắn hẳn. Chị khoe sau khi phẫu thuật, chị “lên” gần chục ký, không còn là cô gái 35 kg ốm yếu nữa. Nhớ lại những ngày nhắm mắt buông xuôi trước số phận, mắt chị rươm rướm.

Sinh ra ở tỉnh Bình Định, hơn 10 năm trước, một mình chị khăn gói vào TP làm CN, chịu khó làm việc, sống tằn tiện dành tiền phụ cha mẹ nuôi người em khuyết tật. Bất hạnh ập xuống khi sức khỏe suy yếu, thường xuất hiện những cơn đau thắt ngực nhưng chị cắn răng chịu đau. Càng ngày, sức khỏe chị càng sa sút, có khi ngất xỉu. Biết không thể lờ đi bệnh tật nên chị đi khám và rụng rời khi biết mình bị bệnh tim, buộc phải phẫu thuật. Nhìn dự toán chi phí 81 triệu đồng, chị chỉ biết khóc thầm rồi quyết định… buông xuôi.
Biết hoàn cảnh của chị Khoa, bạn bè, đồng nghiệp hết lòng hỗ trợ. Nhìn mọi người góp từng đồng lương giúp mình, chị ứa nước mắt và quyết định phải sống. Để được phẫu thuật, chị Khoa liều vay gần 50 triệu đồng với lãi suất cao dù biết cả đời mình sẽ “ngụp lặn” trong nợ nần. Trong lúc chị cảm thấy tương lai mờ mịt nhất thì điều kỳ diệu đã xảy ra. Công đoàn (CĐ) công ty gấp rút làm hồ sơ cho chị gửi đến chương trình “Trái tim nghĩa tình” để được giúp đỡ. Điều chưa có tiền lệ là chỉ trong 10 ngày, hồ sơ của chị được duyệt; ban tổ chức còn ứng tiền để chị trả hết nợ.
“Trả nợ xong, tôi nhẹ cả người. Dù quyết định đánh liều nhưng những ngày nằm viện, tôi lo lắm. Hai lần tình nghĩa này, tôi mãi ghi lòng tạc dạ” – chị xúc động.
Ca phẫu thuật vào tháng 7-2014 diễn ra thành công, sau vài tháng tĩnh dưỡng, chị Khoa đi làm trở lại.
Anh Phạm Văn Út, CN Công ty Dịch vụ công ích quận Gò Vấp, đã vượt qua cửa tử cũng nhờ chương trình nhân văn này. Anh Út bị bệnh tim cách đây hơn 4 năm, dù có chỉ định mổ nhưng chi phí quá cao (khoảng 116 triệu đồng) nên anh đành chịu đựng, cầu may bệnh tật qua khỏi. Mãi đến khi không thể ráng sức nữa, anh bắt đầu lo sợ. Lúc ấy, hay tin có chương trình mổ tim miễn phí cho CN, anh nắm bắt cơ hội, cầu cứu đến CĐ. Nhờ đó, anh được cứu sống.
Điều khiến chúng tôi cảm động là không chỉ góp tiền, góp sức choàng gánh công việc của anh Út, nhiều đồng nghiệp còn ngày đêm túc trực ở bệnh viện để tiếp máu cho anh trong suốt quá trình phẫu thuật. Khi biết anh suôn sẻ vượt qua, ai cũng mừng như người thân của mình được cứu sống. “Tôi sẽ sống thật tốt để báo đáp tình cảm của mọi người” – anh trải lòng.
Chở đầy niềm vui đoàn tụ
Cũng giống chương trình “Trái tim nghĩa tình” đem lại sự sống cho những CN không may mắn, chương trình “Tấm vé nghĩa tình” do LĐLĐ TP HCM khởi xướng và thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng CNVC-LĐ và DN. Bảy năm thực hiện, chương trình đã trao 105.309 vé xe cho CN có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 62 tỉ đồng. Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, các cấp CĐ TP cùng DN đã tặng vé xe cho hơn 27.000 CN về quê đón Tết.
Chúng tôi còn nhớ rõ gương mặt đong đầy cảm xúc của chị Lê Thị Bích Vân (CN Công ty Organ Việt Nam, KCX Tân Thuận) lúc nhận được tấm vé. Sau hơn 3 năm xa cách, cuối cùng chị và con gái đã được sum họp với gia đình của người chồng quá cố – vốn là CN Công ty Organ Việt Nam. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị đặt ra rất nhiều mục tiêu nhưng sự ra đi đột ngột của anh khiến mọi thứ tan vỡ. Khó khăn bủa vây bởi chị không có việc làm trong khi con còn nhỏ.
Nắm rõ hoàn cảnh của chị Vân, lãnh đạo Công ty Organ đã mời chị vào làm việc, giúp chị vượt qua mất mát. Khi trao vé xe, CĐ và đồng nghiệp cũng ưu ái dành cho chị một suất để 2 mẹ con được về thăm quê chồng. “Sáu năm kết hôn, chúng tôi chỉ về quê chồng được 2 lần. Ông bà cứ giục tôi đưa cháu về chơi Tết nhưng đã qua mấy cái Tết rồi, chúng tôi vẫn chưa thực hiện lời hứa. Tết vừa qua, ông bà đã được gặp cháu, cả nhà quây quần, vậy mà anh đã không còn…” – chị nghẹn lời.
Với tấm vé do LĐLĐ TP trao tặng, chị Mai Thị Yến (quê Thanh Hóa; CN Công ty TNHH Upgain Việt Nam) cũng đã thỏa ước mong sum họp với gia đình vào dịp Tết vừa qua sau 4 năm vắng nhà. Ngày về, chị và hàng ngàn CN trên những chuyến xe nghĩa tình còn được lãnh đạo TP HCM, LĐLĐ TP đến tiễn và chúc Tết. Chị chia sẻ: “Nhờ tấm vé nghĩa tình, em đã có một cái Tết thực sự trọn vẹn”.
Là một trong những chủ DN luôn đồng hành với chương trình, ông Oh YoungChan, Tổng Giám đốc Công ty Inah Vina, đánh giá: “Đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt đối với CN xa quê khó khăn. Vì vậy, chúng tôi muốn chung tay với tổ chức CĐ TP đem lại niềm vui sum họp cho CN và gia đình họ”…
Đậm chất nhân văn
Đại diện, bảo vệ, chăm lo CNVC-LĐ là vai trò, chức năng của tổ chức CĐ. Vì vậy mà nhiều năm qua, LĐLĐ TP HCM luôn bám sát đời sống CN, biết được họ cần gì, qua đó triển khai những hoạt động và phong trào phù hợp. Những chương trình “Trái tim nghĩa tình”, “Tấm vé nghĩa tình”, “Mái ấm CĐ”, học bổng Nguyễn Đức Cảnh hay hỗ trợ vốn cho người lao động nghèo thông qua Quỹ CEP… cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế đó.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết: “Với ý nghĩa xã hội và tính nhân văn, các hoạt động chăm lo trên được duy trì và phát huy hiệu quả. Điều đáng quý là ngày càng có nhiều DN đồng hành với tổ chức CĐ trong chăm lo cho công nhân, lao động. Điển hình như chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, từ vài trăm vé trong năm đầu tiên, đến nay mỗi năm, chương trình đã trao hàng ngàn vé xe cho CN, DN cũng hỗ trợ kinh phí ngày càng nhiều”.
Kỳ tới: Vòng tay dang rộng
Thành phố nghĩa tình: Vòng tay dang rộng
23/09/2015 22:42
NLD – Từ dân nhập cư, người nghèo đến người học nghề, lao động có trình độ… đều được TP HCM đón nhận, cưu mang.
Theo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X (2015-2020), trong 5 năm, TP quyết tâm tạo việc làm mới cho 625.000 lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp đô thị còn dưới 4,5%. Từ nay đến năm 2020, tỉ lệ qua đào tạo nghề trên địa bàn TP đạt 85% tổng số lao động đang làm việc. Mục tiêu trên thể hiện ý chí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong nỗ lực kiến tạo “mảnh đất lành” thị trường lao động.
“Kho” việc làm
Nền tảng của quyết tâm trên chính là những thành tựu vượt bậc trong nhiệm vụ xây dựng thị trường lao động của TP HCM nhiều năm qua. Hằng năm, TP có từ 270.000-300.000 người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc. Giai đoạn 2011-2015, TP đã tạo 616.400 chỗ làm mới. Tỉ lệ thất nghiệp của TP giảm dần qua các năm (từ 4,73% năm 2011 giảm còn 4,67% cuối năm 2014 và dự kiến đến cuối năm 2015 giảm còn 4,5%).

Đáp ứng nhu cầu hội nhập, TP mạnh dạn đầu tư các hoạt động giao dịch việc làm, giúp người lao động (NLĐ) có nhiều kênh thông tin tìm việc. Đã từ lâu, sàn giao dịch việc làm được xem là nơi kết nối cung – cầu, đặc biệt là kết nối lao động khuyết tật, lao động nữ… với người sử dụng lao động. Các sàn giao dịch việc làm vươn xa đến khu tập trung nhiều doanh nghiệp (DN), KCX-KCN… nên thu hút đông đảo lao động. Từ đó, DN dễ dàng chọn nguồn nhân lực như ý.
Đơn cử, 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP tổ chức trên 100 phiên giao dịch với 4.000 DN tham dự. 50.000 người tìm được việc khi đến sàn giao dịch. Ngoài hoạt động kết nối, tạo việc làm, TP còn không ngừng bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ lao động. Đến nay, công tác dạy nghề trên địa bàn đã có bước phát triển rõ nét, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đến năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề làm việc trong các thành phần kinh tế ước đạt 72,4%; TP bảo đảm cung cấp đội ngũ lao động giỏi nghề, thạo việc cho ngành dịch vụ và công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Nhiều hoạt động tạo việc làm, giúp người nghèo vươn lên cũng được TP quan tâm sâu sắc. Trong 23 năm, 33.323 lao động nghèo được miễn giảm học phí đào tạo nghề. Hằng năm, khoảng 1.400 người nghèo được đào tạo nghề và 13.000 người nghèo, cận nghèo được nhận việc làm ở DN, cơ sở sản xuất dịch vụ trong nước.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, đánh giá các chương trình việc làm của TP ngày càng phát huy tính nhân văn, hiệu quả. Hoạt động tìm việc, tuyển dụng ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
“Chất lượng nguồn nhân lực nâng cao khiến DN hài lòng, TP giảm đáng kể tỉ lệ thất nghiệp, nghèo đói là thành quả, công sức của nhân dân, Đảng và chính quyền TP. Để có được thành tựu như hôm nay, TP HCM cảm ơn sự cống hiến của nhiều tầng lớp lao động đã tin tưởng, chọn nơi đây làm điểm dừng chân” – ông Khiết nói.
“Đất lành chim đậu”
Những thành tựu kể trên của TP HCM càng chứng minh tình nghĩa, niềm tin mà TP và NLĐ dành cho nhau. Chính sách việc làm hữu hiệu đã giúp nhiều lao động vươn lên, thoát nghèo.
Nhờ UBND phường 1, quận 8 giúp đỡ mà vợ chồng anh Nguyễn Thanh Liêm (37 tuổi, quê Đồng Tháp) có cuộc sống ổn định. “Chính quyền giới thiệu gia đình tôi và nhiều người nghèo khác đến cơ sở nhôm Minh Hòa làm việc, nhờ đó đã từng bước thoát khỏi cảnh nghèo đói. Giờ tôi không lo đói, chỉ lo kiếm thêm tiền để dành nuôi con ăn học thôi!” – anh kể lại.
Trước kia, anh Liêm thuộc diện nghèo tại địa phương, không nghề nghiệp, vợ chồng anh phải làm “thợ đụng” với thu nhập rất bấp bênh. Sau khi được địa phương giúp đỡ, vợ chồng anh đã có việc làm với mức lương ổn định. Hiện cơ sở nhôm Minh Hòa có hơn 25 lao động nghèo và cận nghèo làm việc.
Cũng như vậy, năm 2010, vợ chồng chị Phạm Thị Mai Hương (quê Quảng Ngãi) tay bồng tay bế 2 con nhỏ vào TP lập nghiệp. Khi đi, hành trang của anh chị là ước mơ sửa lại mái hiên căn nhà cũ nát của người mẹ già và mong muốn con cái được đến trường như bạn bè đồng trang lứa. Vợ chồng chị xin vào làm công nhân ở Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân). Giờ đây, tâm nguyện của anh chị gần như trọn vẹn.
Chị Hương xúc động: “Tuy không giàu nhưng ít nhất chúng tôi “sống” được. Có nơi ở, con cái học hành đầy đủ. Thật sự cảm ơn TP HCM – nơi cưu mang người nhập cư khốn khó”.
Chia sẻ tại buổi tư vấn “Tác phong công nghiệp” do Thành đoàn TP HCM tổ chức mới đây, anh Thi Quốc Vinh, cựu sinh viên ngành cơ – điện tử Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, khẳng định lựa chọn học nghề là hợp lý. Là người đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi tay nghề trong và ngoài nước, Vinh cho biết các hội thi, chương trình đào tạo nghề của TP là bệ phóng giúp nhiều thanh niên có vị trí vững chắc trong thị trường lao động. TP tiếp thêm động lực cho lao động trẻ lăn xả, rèn luyện để tự khẳng định mình.
“Tôi học thêm chuyên ngành điện – điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP để có thêm kiến thức phục vụ công việc, đáp lại sự kỳ vọng của TP dành cho những người trẻ như tôi” – anh nói.
Đi qua các ngả đường, ngõ hẻm trong TP HCM, đâu đâu cũng gặp những người như anh Liêm, chị Hương, anh Vinh. TP luôn coi họ như máu thịt không thể tách rời và họ xem TP là miền đất sống, miền đất để dựng xây, cống hiến.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9
Kỳ tới: Những người gieo chữ thầm lặng
Dồi dào cơ hội tuyển dụng
Cuối năm 2015, nước ta sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Một trong những lĩnh vực hợp tác chính của AEC là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng năng lực; lao động các nước ASEAN sẽ tự do tìm kiếm việc làm trong khu vực ở 8 ngành nghề thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Như vậy, NLĐ có rất nhiều cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước.
Để đáp ứng, TP phải phát triển nhiều mặt, từ nguồn nhân lực có chất lượng đến hệ thống thông tin, dự báo thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động mang tính bao quát giữa các khu vực, vùng miền…
THÀNH PHỐ NGHĨA TÌNH (*): Những người gieo chữ thầm lặng
24/09/2015 22:07
NLD – Số lượng lớp học tình thương tự phát xuất hiện ngày càng nhiều ở TP HCM với mong muốn rất đỗi nhân văn: Đưa chữ nghĩa đến với con cái của những người nghèo
Tháng 5-2014, quán cơm xã hội Nụ Cười 3 thuộc Quỹ Từ thiện Tình Thương phục vụ suất cơm trưa cho người lao động nghèo với giá 2.000 đồng dời về số 1276 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP HCM. Trong số những thực khách thường xuyên của quán có chị Lê Thị Lài, 29 tuổi, chồng làm phụ hồ. Chị có 2 con trai 6 tuổi và 3 tuổi, hằng ngày theo mẹ đi bán vé số; đến trưa, 3 mẹ con ghé ăn cơm tại quán.
Điểm tựa của người nghèo, cơ nhỡ
Hai đứa nhỏ mặt mày sáng sủa nhưng hỏi thăm mới hay chưa hề được đến trường. Chị Lài rầu rĩ: “Vợ chồng chạy ăn từng bữa, không đủ tiền lo chuyện học cho tụi nhỏ!”.

Trường hợp của chị Lài không phải cá biệt bởi sau hơn 1 năm hoạt động, những người phụ trách quán Nụ Cười 3 đã tiếp xúc rất nhiều hoàn cảnh như thế. Tuy nhiên, tự lượng sức mình có hạn, ai cũng đành thở dài than rằng “lực bất tòng tâm”.
Nói thế thôi, vẫn cứ vương vấn hoài trong lòng!
Cho đến lần này, xúc động trước hoàn cảnh của mẹ con chị Lài, quán Nụ Cười 3 quyết định nối dài hoạt động thiện nguyện. Ngày 15-9-2014, diễn đàn mang tên “Nụ Cười 3 – Em đến trường” chính thức ra mắt trên trang web của Quỹ Từ thiện Tình Thương, làm nơi giao lưu giữa những người có tấm lòng nhằm giúp những đứa trẻ nhà nghèo có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.
Một trong những hoạt động ưu tiên của “Em đến trường” là đồng hành với các lớp học tình thương, cố gắng hỗ trợ hiện vật và hiện kim trong khả năng để giúp những người phụ trách giảm được phần nào gánh nặng lo toan.
Thực tế là những “lớp học tình thương tự phát” xuất hiện ngày càng nhiều ở các phường, xóm với mong muốn đưa chữ đến với con cái của những người đang hằng ngày bươn chải mưu sinh bằng đủ công việc như phụ hồ, lượm ve chai, bán vé số, làm thuê…
Khởi xướng và chăm lo cho các lớp học tình thương này là những người giàu lòng nhân ái, vượt qua biết bao khó khăn về kinh phí và cả về chính danh bởi không phải nơi nào cũng được địa phương sẵn lòng hỗ trợ, dù chỉ về mặt pháp lý. Chỉ chừng ấy thôi cũng cho thấy các lớp học tình thương kỳ vọng vào sự tiếp sức của các tấm lòng tốt trong xã hội như thế nào…
Những tấm lòng đáng kính
Qua dạ cầu Tân Thuận 1, rẽ vào đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), có một lớp học miễn phí tồn tại suốt 15 năm qua: Lớp học tình thương bà Mười.
Thật ngưỡng mộ khi được biết người sáng lập lớp học tuy mang tên rất đài các là Lữ Thị Lệ Nương nhưng chỉ thích được gọi giản dị là “bà Mười”, dù nay tuổi đã ngoài 80 vẫn bền tâm đeo đuổi ý nguyện gieo chữ cho những trẻ em gia đình lao động nghèo.
15 năm đã trôi qua, kể từ những ngày lớp học bắt đầu nhen nhóm trên vỉa hè bên dòng kênh. Đó là khi bà Mười tình cờ nhìn thấy các em nhỏ học trên lề đường với những tình nguyện viên chương trình Mùa hè xanh. Khi chương trình này kết thúc, thương lũ học trò bơ vơ, bà Mười đã đứng ra mở “Lớp học Ba Không” dành cho nhóm trẻ không hộ khẩu, không khai sinh, không học bạ.
Người dân khu vực cầu Tân Thuận đã rất quen với hình ảnh bà cụ tóc bạc phơ hằng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ đi “gom” trẻ đến lớp. Từ năm 2013, do tuổi già sức yếu, bà Mười đã giao cho Mỹ Phượng, sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM, trực tiếp đứng ra quản lý.
Lớp học hiện có 82 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 với 2 giáo viên phụ trách chính, 1 giáo viên hỗ trợ chuyên môn cùng gần 20 tình nguyện viên đang là sinh viên ở các trường ĐH và CĐ.
Nằm bên hông chợ Tân Mỹ, quận 7 cũng có một lớp học tình thương khác được tổ chức khá hoàn chỉnh. Đây là lớp học miễn phí bậc tiểu học dành cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Chủ nhiệm là cô Hoàng Oanh, lấy nhà riêng làm lớp học, suốt 16 năm qua đã dồn hết công sức cho việc gieo chữ nhọc nhằn. Tất cả 81 học sinh bậc tiểu học được cấp miễn phí từ tập vở đến bút viết, sách giáo khoa, đồng phục, được đưa vào nền nếp từ lời ăn tiếng nói đến cung cách ứng xử.
Để các học sinh nghèo có được bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, chương trình “Em đến trường” đã mang đến bữa cơm miễn phí cho toàn bộ học sinh vào các trưa thứ hai, tư, sáu. Ngoài ra, “Em đến trường” còn hỗ trợ toàn bộ học phí cho 5 học sinh giỏi có thể tiếp tục học lên lớp 6 sau khi hoàn thành chương trình bậc tiểu học tại lớp học tình thương Vinh Sơn.
Kỳ tới: Sống đẹp – Bản sắc của TP HCM
Rất nhiều người tốt!
Năm 2009, lớp học “không bình thường” đã hình thành trong một xóm lao động rất bình thường tại phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú. Đó là lớp học tình thương Hòa Hảo tại đường Phan Anh. Lớp học này không chỉ dạy chữ miễn phí mà còn “khuyến mãi” thêm bữa cơm chiều dành cho trẻ em nghèo.

Chủ xướng lớp học này cũng là một người lao động nhập cư ngoài 50 tuổi – ông Đoàn Minh Hùng (ảnh) – đã thuê căn nhà khoảng 100 m2 vừa làm nơi ở vừa là quán bán cơm chay giá 8.000 đồng/suất để tiện lo bữa tối miễn phí cho học sinh nghèo, đồng thời cũng là nơi dạy học. Học sinh của lớp đa phần là con cháu những người lao động nhập cư, ban ngày tỏa đi tứ phương kiếm sống, chiều về lại tập hợp ở lớp học tình thương để học chữ. Từ 2 học sinh của những ngày đầu là 2 trẻ bán vé số, đến nay, lớp học đã quy tụ đến trên 100 em, lúc cao điểm lên tới 130 em.
“Em đến trường” đến với lớp học này như mối nhân duyên và đã vận động được một số nhà hảo tâm hỗ trợ phần nào tiền thuê nhà và khoản bồi dưỡng cho 10 thầy giáo là các sinh viên tình nguyện.
Cuộc sống quanh ta có quá nhiều người tốt bụng như thế!