June 4th, 2015 by Oxfam in Vietnam
Ảnh và bài viết do Nhóm nghiên cứu đánh giá cuối kỳ dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế tại tỉnh Ninh Thuận” thực hiện
Chợ phiên Phước Tiến và niềm vui đi chợ của chị em Raglai
Trở lại Bác Ái sau 4 năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của chị em phụ nữ Raglai. Họ đến tham dự cuộc họp và phát biểu rất tự tin, thậm chí còn nói đùa và cười rất thoải mái, khác hẳn với vẻ rụt rè thường thấy trước đây. Chị Katơr Thị Kinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Tiến nói: “Tất cả là nhờ đi chợ đấy”.
“Chợ” Phước Tiến bắt đầu họp phiên đầu tiên vào tháng 7/2011, địa điểm là khoảng đất trống ngay mặt đường, cạnh trụ sở UBND xã. Lúc đầu, BQL dự án chỉ vận động được một số bà con trong các Nhóm sở thích mang các hàng hóa mà họ sản xuất được ra bày bán và chợ phiên Phước Tiến chỉ họp 1 lần mỗi tháng.
Chị Pinăng thị Phước (Phó Chủ tịch MTTQ xã Phước Tân) kể: “Lần đầu tiên đi chợ, chỉ nghĩ là phải đi vì có tham gia dự án, chứ chắc không bán được gì, nên chỉ mang theo đúng 1 bó mía. Ai ngờ mới ngồi một lúc đã bán hết, phải chạy vội về nhà gọi chồng cùng ra rẫy chặt thêm mía mang bán. Sau này đi chợ quen rồi, bán được hàng thấy vui. Khi nhà có ít hàng thì cũng chạy quanh gom rau của hàng xóm để bán thêm”.
Sau một thời gian, bà con đã quen dần với việc đi chợ mua, bán nên BQL quyết định tăng lên 2 phiên, rồi 3 phiên, 4 phiên vào các ngày thứ Sáu hàng tuần, từ 5h đến khoảng 9h sáng.
Nhận thấy chợ hoạt động có hiệu quả và nhu cầu đi chợ của bà con ngày càng tăng, chính quyền địa phương đã quyết định đầu tư xây dựng cho bà con một khu chợ mới, khang trang, kiên cố từ đầu năm 2012.
Những mặt hàng mà bà con Raglai thường bán bao gồm: thực phẩm (heo, gà, cá, cua, ốc…) do bà con nuôi hay đi bắt được; rau củ và trái cây do bà con trồng và hái trên rừng. Những thương nhân từ nơi khác cũng đến tham gia và bán các mặt hàng như quần áo, nông cụ, đồ gia dụng, hàng khô, hàng ăn.
Đi chợ vào mỗi sáng thứ Sáu đã trở thành niềm vui trong cuộc sống của phụ nữ Raglai.
Người cán bộ thân thiết của đồng bào Raglai
Để có được niềm vui đi chợ phiên ngày hôm nay, bà con Raglai ở Phước Tân và Phước Tiến không ai là không biết đến anh Võ Văn Hùng (người mặc áo sọc ngắn tay trong ảnh). Họ nhắc đến và kể về anh với một thái độ hết sức thân thiết và biết ơn.
Năm nay 43 tuổi, anh Hùng đã từng làm việc với tư cách là Thư ký dự án cho Oxfam từ năm 2007. Tháng 10/2011, tức là sau khi mô hình chợ của dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế” đã được triển khai, anh Hùng mới chính thức trở thành cán bộ văn phòng UBND xã Phước Tiến.
Là người trực tiếp đi vận động bà con đến chợ, từ những ngày đầu đến giờ, anh Hùng chưa từng nghỉ một buổi chợ nào. Dù bận công việc đến mấy, anh cũng phải cố gắng thu xếp để có mặt ở chợ một lúc.
Trước đây, bà con Raglai không có thói quen mua-bán. Tất cả sản phẩm do họ sản xuất ra chỉ để dùng trong gia đình hoặc đem đổi cho hàng xóm lấy thứ khác. Từ tập tục hàng đổi hàng, mỗi khi cần tiền phải đem heo, gà đi bán cho thương lái, người Raglai thường phải chịu thiệt khi họ bán những thứ này theo đầu con, bất kể con to con nhỏ.
Trong khuôn khổ các hoạt động của dự án, tất cả chị em Raglai trong các nhóm sở thích đều đã được tham gia các lớp tập huấn về tiếp cận thị trường. Tuy vậy, họ vẫn cảm thấy lo lắng và lúng túng khi phải làm thật.
Vận động các chị em Raglai ra chợ, anh Hùng phải theo sát họ, hướng dẫn họ cách sử dụng cân để đo lường hàng hóa, giúp họ định giá các mặt hàng, hạch toán lời lãi. Anh cũng giúp họ tìm mối để lấy thêm hàng về bán, hay trực tiếp đi lấy hàng hộ cho họ nữa. Đến nay, tuy các chị em đều đã có thể tự bán hàng được rồi, nhưng mỗi buổi chợ, họ vẫn phải nhìn thấy anh Hùng có mặt ở đó thì mới yên tâm.
Bà con ở thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến phản ảnh “Nếu không biết giá bán hàng thì hỏi anh Hùng, nếu anh Hùng đi vắng thì hỏi chị Thủy, anh Tú, hỏi nhau và hỏi qua ĐTDĐ.”
Tìm hiểu thêm về dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế” được Oxfam thực hiện tại Ninh Thuận từ năm 2011 đến nay tại đây: http://oxf.am/ZAne