Phía sau những ca phá thai để tìm “thằng cu nối dõi” – 3 bài

 Phía sau những ca phá thai để tìm “thằng cu nối dõi” – Bài 1: Giấc mơ sinh được con trai

07/12/2021 – 06:25

PNOTheo bản báo cáo ngày 5/7/2021 về tình hình thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020, trong năm 2020, tỷ lệ nạo phá thai ở TP.HCM là 33,46 ca nạo/100 ca sinh. Trong số các ca nạo phá thai, có những ca nhằm mục đích chọn giới tính thai nhi, tức bỏ con gái để chờ sinh cho được con trai.

1. Buổi sáng Chủ nhật, tại phòng khám sản, Bệnh viện H.Bình Chánh, một vài bà bầu ngồi chờ đến lượt mình. Trong phòng, bác sĩ đang siêu âm bốn chiều cho một bà bầu khác. Vừa rê đầu máy siêu âm, bác sĩ vừa đọc tình trạng sức khỏe của thai nhi cho thai phụ nghe, nhưng bà mẹ vẫn luôn miệng hỏi: “Con trai hay con gái vậy bác?”. 

Bác sĩ Bệnh viện H.Bình Chánh khám và tư vấn cho thai phụ
Bác sĩ Bệnh viện H.Bình Chánh khám và tư vấn cho thai phụ

Câu hỏi quen thuộc của trên 20 bà bầu khám thai sáng đó là con trai hay con gái: “Bác coi kỹ giúp em nha, phải chắc con trai không?”. Yêu thích con trai vẫn là giấc mơ của những cặp vợ chồng có con lần đầu tiên, càng thôi thúc hơn nếu sinh lần hai mà bé trước là con gái. Nhưng thực tế, ít ông bố, bà mẹ nào dám khẳng định rằng mình đang mong con trai. 

Bảng thu tiền xét nghiệm xác định giới tính của bệnh viện chúng tôi có câu: “Biết được con trai, con gái để chăm sóc tốt, để bé khỏe mạnh”. Chúng tôi phải nhắc khéo các ông bố bà mẹ câu này. Trên thực tế, vẫn có những bà mẹ đến phòng khám sản để giải quyết cái thai con gái để chờ đẻ cho được con trai.

Cùng ngồi chờ ở khu khám sản, chị U. (Q.8) kể: “Tôi có bé gái đã 16 tuổi mà chưa có bé thứ hai. Vì ước muốn “có con trai” của chồng, tôi phải hai lần bỏ thai”. Hai lần đầu nạo thai khiến chị khó mang thai lại. Suốt mười năm qua, hằng tháng, chị lại đến khám và thực hiện một số biện pháp theo hướng dẫn của bác sĩ để sớm thụ thai. Nay đã 40 tuổi, chị U. vẫn chưa bỏ ý định tìm con trai vì: “Anh ấy thích con trai lắm, thôi tôi ráng vậy”. 

Chị H. – 26 tuổi, nhân viên văn phòng – có chồng là cán bộ, là “độc đinh” bên gia đình chồng nên rất mong có con trai đầu lòng. Khi biết chị có bầu, bố mẹ chồng mừng rối rít, chồng soi tới soi lui que thử thai. Khi bác sĩ sản khoa thử lại và báo chính xác chị có thai, niềm vui đến với chị như bất tận.

Đến tuần thứ bảy, mẹ chồng rỉ tai chị “đi xét nghiệm xem cháu mẹ là con trai hay con gái”. Thấy mẹ chồng thương yêu, mong mỏi cháu, chị theo mẹ đến phòng xét nghiệm tư. Nào ngờ, khi có kết quả là con gái, người mẹ dịu hiền ấy cương quyết bắt chị H. phá thai. Từ đó, các món ăn, thức uống, giờ giao hợp đều theo lịch trình do mẹ chồng chị soạn ra. Vợ chồng chị dần bớt đi niềm hứng thú vì mọi thứ đều theo lịch. Riêng chị, khi đi đâu, làm gì, trong tâm trí vẫn hiện ra bé gái đang cười, bi bô chạy nhảy, chị lại đau nhói lòng, phải chi ngày ấy mình cương quyết giữ lại con gái.

2. B. ngồi chết lặng ở một góc sảnh bệnh viện với ánh mắt vô hồn, mặc cho người mẹ lay mấy lần “đi về”. Người mẹ lắc đầu, lại im lặng ngồi kế bên con. Qua lời kể của bà thì B. có chồng, sống hạnh phúc êm đềm, không phải ra ngoài làm lụng, chỉ làm việc nhà và sinh con. Chồng B. ham con trai. B. làm đủ mọi thứ, kể cả thủ thuật để mang thai con trai, nhưng ba lần xét nghiệm và hủy thai đều là con gái. 

Lần cuối cùng, hạnh phúc cũng mỉm cười, B. có thai và xét nghiệm con trai. Chồng nâng niu chiều chuộng, mong đến ngày sinh con để bồng bế thì B. bị trợt cầu thang, sinh non, thai nhi mất. Ngay khi hay tin vợ bị sẩy thai, mất con trai, người chồng tuyên bố chia tay. Vừa mất con, vừa bị chồng bỏ, B. ngày càng thay đổi tâm tính và cuối cùng trầm cảm. Chỉ khổ cho mẹ B., đưa con đến khắp các bệnh viện, phòng khám tâm lý, mong con trở lại bình thường.

Tiến sĩ xã hội học Lê Thị Hoàng Liễu đang tư vấn cho các bà bầu
Tiến sĩ xã hội học Lê Thị Hoàng Liễu đang tư vấn cho các bà bầu

3. Ngày ấy, anh và chị là cặp vợ chồng đẹp đôi, hạnh phúc với bé gái tám tuổi và cái thai được năm tháng với sự bảo đảm của một bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, rằng thai nhi là con trai. Mỗi tối, anh xoa bụng chị, nói chuyện với cu Tí. Khi thai bước qua tuần 22, bác sĩ kêu lên: “Trời ạ, giờ mới chịu hé, con gái nữa rồi”. Chị thảng thốt: “Bác sĩ coi lại, chứ tháng rồi là con trai mà”. Vị bác sĩ gãi đầu: “Tại tháng rồi chưa rõ, nó khép lại kín mít, thấy giống con trai”. Chị như người từ cung trăng rớt xuống. Anh chưa tin, cùng chị đến phòng khám sản khác để siêu âm, ra con gái rõ ràng. 

Trên đường về, vợ chồng không còn tíu tít như tháng rồi. Anh lặng lẽ vì đã điện về quê báo với bố mẹ, lần này là thằng cu chắc nịch. Với cương vị mà anh và chị đang đảm nhận, họ không thể có con thứ ba, mà chị thì mới có 32 tuổi. Thai 22 tuần chắc còn phá kịp. Nghĩ là làm, chị chấm dứt thai với nỗi kinh hoàng, phải chuyển vào bệnh viện vì bị tai biến sản khoa. Ra viện, chị về nhà như cái bóng. Ban đầu, anh còn an ủi, động viên, nhưng ngày qua, tháng lại, với di chứng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, chị nghỉ việc, ở nhà chăm con, chăm chồng, anh vẫn miệt mài trên con đường công danh, ngày càng xa dần chị. Chị cũng không quan tâm nữa, vì chị luôn thấy hình bóng bé gái chạy theo gọi “mẹ ơi, đừng bỏ con”.

                                                                           ***

Đối với những người đã lớn tuổi, việc có con trai theo ý muốn không đơn giản vì trái với tự nhiên, nó ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Bình đẳng giới, nhìn dưới góc độ giới tính khi sinh, vẫn còn là thứ xa vời.

Trong các nghi thức cưới hỏi, đàn ông làm chủ lễ; khi làm tang ma, đàn ông mang dây rơm, mũ bạc tiễn đưa người quá cố. Bao nhiêu lễ lộc, nghi thức truyền thống là bấy nhiêu hình thức thể hiện sự quan trọng của nam giới. Sự lên án của xã hội vẫn còn rất ít khi một người chồng bỏ vợ, một người cha bỏ con. “Đàn ông mà”. Còn một phụ nữ bỏ chồng, bỏ con thì bị phê phán gay gắt vì “đàn bà ai làm vậy”. 

Theo bản báo cáo ngày 5/7/2021 về tình hình thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản tại TP.HCM giai doạn 2016-2020, trong năm 2020, tỷ lệ nạo phá thai ở TP.HCM là 33,46 ca nạo/100 ca sinh. Trong số các ca nạo phá thai, có những ca nhằm mục dích chọn giới tính thai nhi, tức bỏ con gái dể chờ sinh cho dược con trai.
Theo bản báo cáo ngày 5/7/2021 về tình hình thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản tại TP.HCM giai doạn 2016-2020, trong năm 2020, tỷ lệ nạo phá thai ở TP.HCM là 33,46 ca nạo/100 ca sinh. Trong số các ca nạo phá thai, có những ca nhằm mục dích chọn giới tính thai nhi, tức bỏ con gái dể chờ sinh cho dược con trai.

Đó là những gì mà bà, mẹ, con gái được nghe, được thấy và cuối cùng là hy sinh vì niềm vui, hạnh phúc của người thân yêu để thực hiện giấc mơ “có con trai”. Khi giấc mơ không thành hiện thực thì chính họ đau khổ, cô đơn, bất lực vì “tôi không sinh được con trai”. n

Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu (tổ công tác xã hội, Bệnh viện H.Bình Chánh)

Kỳ tới: Sao đành lòng bỏ đi mầm sống

Nghiêm cấm mọi hành vi lựa chọn giới tính thai nhi

Pháp lệnh Dân số năm 2003 nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Điều 10, chương I, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP nêu rõ, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác. 

Nghị định 117/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/11/2020 quy định  tăng mức xử phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; phạt tiền 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi; cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; thực hiện thủ thuật phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; phạt tiền 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;  phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người khác phải mang thai, phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc toàn con gái… 

Tinh Châu
***

Phía sau những ca phá thai để tìm “thằng cu nối dõi” – Bài 2: Sao đành lòng bỏ đi mầm sống

 09/12/2021 – 06:19

PNO Đừng vì chọn giới tính thai nhi mà chúng ta vô tình trở thành kẻ sát nhân, tước bỏ đi sinh linh bé bỏng.

Ly hôn vì không có con trai

“Sao người ta sinh con trai dễ quá, còn tôi năm lần bảy lượt tới bệnh viện mà vẫn không có, là sao?”. Câu hỏi cứ quanh quẩn trong chị đằng đẵng 10 năm và cho tới hôm nay là ngày kết thúc hôn nhân. Chị ngồi hàng ghế đầu cùng với ba cô con gái xinh xắn, ríu rít với mẹ: “Chiều nay ăn gì? Ai đi chợ? Mẹ hay con, hay chị Hai?”. 

Anh không đòi ở chị bất cứ điều gì, ngoại trừ đứa con trai cho đại gia đình của anh với bốn chị gái và anh là con trai út, người kế thừa dòng họ khoa bảng, có địa vị xã hội, nổi tiếng ở vùng quê trù phú. Hôm nay, anh chỉ xin chị một bé gái lớn theo anh để đỡ đần cùng người vợ mới của anh chăm sóc cho bé trai sắp sửa chào đời. Không bé nào trong ba cô con gái chịu theo cha.

Bé lớn 10 tuổi nhưng già dặn trong lời nói. Bé nói trước khi tòa án đưa ra quyết định: “Thời buổi này mà cha con còn đòi con trai, sợ mất họ tộc. Vậy thì mai mốt con lấy chồng, sinh con, cho lấy họ mẹ, có mất đi đâu. Mà bên cha làm gì có con trai. Bốn cô, mỗi cô có hai con gái, cùng với tụi con nữa là 11 cháu gái, cha không hãnh diện mà bỏ mẹ con, đi lấy người khác, có điên con mới theo cha”.

Anh đành chịu thua và đồng ý để ba cô con gái ở với vợ. Anh để nhà cửa cho vợ con ở, phần mình chỉ xin tòa phân chia khoản tiền gửi ngân hàng để thiết lập tổ ấm mới cùng đứa con trai của tương lai. Lý do ly hôn của họ là “không hợp nhau, mất niềm tin” nhưng chị và anh hiểu rõ, lý do chủ yếu là do họ không có con trai như mong muốn của anh.

Dù trai hay gái, đứa con vẫn là “nhịp cầu hạnh phúc” của vợ chồng
Dù trai hay gái, đứa con vẫn là “nhịp cầu hạnh phúc” của vợ chồng

Sẽ rất khó thống kê có bao nhiêu cặp vợ chồng ly hôn do không có con trai vì không ai nói ra. Bây giờ, xã hội tiến bộ, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao mà nói trắng ra “chúng tôi ly hôn vì không có con trai” nghe nó chướng tai làm sao. 

Thời buổi bây giờ, đàn ông đi chợ nấu ăn, đàn bà lái máy bay, bay vào vũ trụ mà còn nói con trai với con gái, thật “ngược đời”. Nhưng trong sâu thẳm của người Việt, đa số cặp vợ chồng bắt đầu muốn có con đều mong có con trai trước, rồi sau đó trai gái gì cũng được. Bao nhiêu phụ nữ phải hy sinh sức khỏe, sự nghiệp, tình yêu, niềm tin của mình để tìm hình hài bé trai, để đáp ứng sự mong mỏi của chồng, sự trông chờ của cha mẹ, họ hàng, gia tộc. Có người còn phá bỏ thai, tước bỏ sự sống của một sinh linh khi biết thai nhi là bé gái. 

Con là món quà của tạo hóa

Cô gái vừa chăm sóc mẹ trong phòng bệnh, vừa hướng dẫn chàng trai ở giường bệnh kế bên cách lau mình, thay đồ cho mẹ. Hai bà mẹ nằm kề nhau, có hai con chăm sóc. Mỗi người mẹ có hoàn cảnh khác nhau nhưng có niềm hạnh phúc được con kề cận chăm sóc lúc bệnh hoạn. 

Bà mẹ của chàng trai hãnh diện kể: “Con cầu con khẩn đó. Có thai hai lần bị sẩy thai; sinh được một lần nhưng sinh non, không giữ được con. Mãi đến 42 tuổi, tự nhiên có thai, mà con trai mới ghê chứ. Trời ơi, mừng và yêu con. Không có cái gì lớn hơn, cũng không có cái gì quý hơn con mình”. Chàng trai cứ e thẹn mỗi khi mẹ khoe về mức độ yêu thương dành cho mình. Mẹ kế bên nói: “Tại chị cưng quá nên nó đâu biết làm cái gì. Hổm rày, không có con gái tui chỉ, sức mấy mà nó làm được”. 

Mẹ có con gái là mẹ đơn thân nuôi con, con có công việc ổn định, là cô giáo dạy tiếng Anh tại trường THCS. Bà từng có chồng, nhưng vì muốn có con trai, ông có người phụ nữ khác, bỏ bà cùng với cô con gái khi cô chưa nói sõi. Bà một mình buôn gánh bán bưng nuôi con. Đến ngày con có việc làm ổn định, bà được thảnh thơi. Chồng bà qua đời cách đây 5 năm do bệnh tật, buồn khổ. Đứa con trai riêng của chồng bà được cưng chiều sinh tật, vô ra hết trại cai nghiện này đến trại cai nghiện khác. Cuối cùng, ông mất trong tuyệt vọng, không dám tìm con gái và cũng không dám gặp con vì ngày trước, chính ông bắt bà bỏ con để tìm con trai cho ông. Bây giờ, sự hiếu thảo, yêu thương, chăm sóc của con gái khiến bà vững dạ.

Mẹ có con trai thì hoàn cảnh lại buồn hơn. Chồng chờ hoài không thấy có con, bèn bỏ bà đi biệt. Ông bỏ đi mà không biết bà đã có thai. Khi biết có thai, bà cố gắng tìm chồng. Bà đến gia đình chồng nhưng không ai tin và cũng không ai nhận đứa bé trong bụng của bà. Bà đau đớn nhưng hạnh phúc vì có con, bà bất chấp gian khó, bỏ quê lên thành phố làm thuê, một mình vượt cạn, sinh con, địu con đi làm. Bé trai được mẹ yêu thương, rất chăm ngoan, học giỏi, biết phụ mẹ, sau này cũng trở thành giáo viên dạy toán của trường THPT, đủ sức lo cho mẹ chu toàn.

Nhìn cô gái tỉ mỉ hướng dẫn chàng trai cách chăm sóc mẹ, bà mẹ nằm ở giường khác thầm ghen tỵ. Con trai hay con gái gì cũng được, miễn là biết yêu thương, chăm sóc cho mẹ, vậy là hạnh phúc lắm rồi. Như bà con trai có, con gái có, cũng đi làm nhưng đâu có chạy ra chạy vô, họa hoằn lắm mới gọi điện thoại hỏi thăm mẹ.

Vậy những ai đó đang đi tìm con trai, có tự hỏi có con trai để làm gì, nuôi dạy con thế nào, có giúp mình viên mãn, hạnh phúc không? Con là báu vật trời ban. Con cái là món quà tặng của tạo hóa và chúng ta có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc, giáo dục con nên người. Đừng vì chọn giới tính thai nhi mà vô tình chúng ta trở thành kẻ sát nhân, bỏ con khi con còn là mầm sống bé nhỏ. 

Con cái là lộc trời cho

Đôi vợ chồng nghệ sĩ Minh Khang – Thúy Hạnh và hai cô con gái Suli, Suti đã có gần bốn tháng nghỉ dưỡng bất đắc dĩ khi cả gia đình cùng mắc kẹt ở huyện đảo Phú Quốc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Nhắc đến kỳ nghỉ dưỡng kéo dài này, Thúy Hạnh cho biết: “Vợ chồng tôi gần như tạm dừng tất cả công việc. Những việc nào làm online được thì chúng tôi vẫn duy trì. Hai con cũng đang trong thời gian nghỉ hè. Cả gia đình đã thật sự có những ngày tháng quây quần bên nhau suốt 24 giờ mỗi ngày. Sáng mở mắt thức dậy, chúng tôi đã thấy nhau, cùng nhau sinh hoạt, tập thể dục, nấu ăn và cũng lần đầu tiên tự tay làm khá nhiều việc, như tự tay cắt tóc cho con gái. Anh Khang cũng trổ tài đảm đang đi chợ và sáng tác được nhiều tác phẩm mới. Tôi cùng hai con gái là những người đầu tiên được thưởng thức những tác phẩm tâm huyết của ba Khang. Rất hiếm khi chúng tôi có được những khoảnh khắc bên nhau thật đặc biệt, trọn vẹn như vậy”.

Vợ chồng nghệ sĩ Minh Khang - Thúy Hạnh hạnh phúc bên hai cô con gái

Vợ chồng nghệ sĩ Minh Khang – Thúy Hạnh hạnh phúc bên hai cô con gáiVợ chồng Minh Khang – Thúy Hạnh đã có 15 năm gắn kết và có hai cô con gái xinh xắn, ngoan hiền. Nhắc đến con, Minh Khang và Thúy Hạnh nhìn nhau, cười hạnh phúc. Cả hai đều có cùng một suy nghĩ “con cái là lộc trời cho” nên chưa bao giờ có ý nghĩ phân biệt con trai, con gái hay cố gắng sinh kiếm một đứa con trai. 

Minh Khang bộc bạch: “Tôi mồ côi từ nhỏ. Hơn ai hết, tôi rất quý con, thương con”. Đến đầu năm 2018, Thúy Hạnh bị bệnh u xơ tử cung và phải cắt bỏ tử cung, đồng nghĩa không thể mang thai được nữa, nhưng không vì thế mà hai vợ chồng thấy buồn. Thúy Hạnh chia sẻ: “Lúc đó, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều nhưng được anh Khang động viên. Anh không quá đặt nặng việc có con nối dõi mà luôn nghĩ cho sức khỏe của tôi. Chúng tôi đã có hai cô con gái và quan trọng nhất vẫn là chăm sóc, nuôi dạy con sao cho tốt”. 

15 năm xây dựng gia đình, đôi vợ chồng nghệ sĩ Minh Khang – Thúy Hạnh cho biết rất hài lòng với gia đình nhỏ của mình. Bí quyết “xây tổ ấm” của Minh Khang – Thúy Hạnh là cả hai luôn biết kiềm chế cơn giận, nhường nhau. Nhường nhịn không chỉ từ một phía mà phải từ cả vợ lẫn chồng. Những lúc tức giận, cả hai đều nhìn về hướng các con, nhìn lại những khó khăn đã trải qua, cơn giận tự nhiên nguôi dần. Họ có thể hiểu nhau qua ánh mắt của nhau. Hạnh phúc gia đình nhỏ đơn giản chỉ là những bữa cơm bên nhau, cùng nhau tập thể dục, trò chuyện hay cùng trải qua những chuyến du lịch xa nhà. 

Thiên Ân

Hoàng Anh

Kỳ cuối: Hệ lụy khôn lường từ việc lựa chọn giới tính thai nhi

***

Phía sau những ca phá thai để tìm “thằng cu nối dõi”:

Bài cuối: Muốn có con trai vì áp lực gia đình, xã hội

 10/12/2021 – 08:14

PNONạo phá thai để chọn giới tính thai nhi là một trong những vấn nạn nghiêm trọng nhất liên quan đến bất bình đẳng giới. Ở Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ.


“Các bạn trẻ thực ra không quá coi trọng việc sinh con trai, nhưng lại chịu áp lực từ ông bà nội ngoại, gia đình và xã hội” – tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), đã nhận định như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi.


*Phóng viên: Thưa bác sĩ, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa, bác sĩ từng ghi nhận trường hợp muốn lựa chọn giới tính khi sinh không? Xin bác sĩ kể về một trường hợp gần đây nhất?

Tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: Sau quá trình dài được tuyên truyền về bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội đã giảm đi nhiều, nhưng không phải đã chấm dứt. Mong muốn có con trai “nối dõi tông đường” vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các cặp vợ chồng ở nông thôn. Các bạn trẻ thực ra không quá coi trọng việc sinh con trai, nhưng lại chịu áp lực từ ông bà nội ngoại, gia đình và xã hội. 

Gần đây nhất, có một thai phụ mang thai sáu tuần đã gặp tôi để được tư vấn cách tác động để em bé trong bụng mình biến thành con trai. Theo cô ta, tuổi thai còn nhỏ, chưa rõ giới tính thì vẫn còn có cơ hội chuyển gái thành trai được. Tôi đã phải giải thích rất lâu cho thai phụ hiểu rằng, con trai hay con gái là do tinh trùng của người chồng, bác sĩ không thể tác động được. Quan trọng nhất không phải mình đẻ ra con trai hay gái mà chỉ cần con mình khỏe mạnh, phát triển bình thường là tốt rồi; dù là con gái vẫn mang trong mình dòng máu của cả cha lẫn mẹ, sao lại cho rằng chỉ con trai mới là con?

* Bệnh viện (BV) Hùng Vương có ghi nhận các trường hợp yêu cầu nạo phá thai để chọn giới tính không, thưa bác sĩ?

– BV chúng tôi thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, chỉ chấm dứt thai kỳ theo yêu cầu đối với các trường hợp mang thai dưới 12 tuần tuổi (chưa rõ giới tính thai nhi). Đối với các thai trên 12 tuần tuổi, BV chỉ giải quyết đối với các tình huống đặc biệt như hoang thai, thai dị tật nghiêm trọng (có chỉ định bỏ thai). Chính vì thế, BV từ chối tiếp nhận mọi trường hợp muốn bỏ thai với ý đồ lựa chọn giới tính thai nhi.

* Mới đây, một bạn đọc phản ánh với báo về việc bị tai biến khi nạo phá thai ở phòng khám tư nhân, bị thu phí 30 triệu đồng. Chồng nạn nhân cho biết, đã đưa vợ tới BV công lập nhưng do thai nhi vượt quá số tuần quy định nên BV công từ chối, nên đành phải đưa vợ đến cơ sở tư nhân. Xin bác sĩ cho lời khuyên cho các trường hợp tương tự?

– Trên thực tế, không ít thai phụ tới BV đề nghị phá thai khi tuổi thai đã lớn, thai nhi đã thành hình và hoàn toàn khỏe mạnh. Họ đặt ra lý do là vỡ kế hoạch, đông con, còn phải lo sự nghiệp nên không thể sinh con. Tôi không đồng ý điều đó, vì nói như vậy chỉ là bao biện. Với lý do con đông thì rõ ràng thai phụ đã có kinh nghiệm rồi, nên không thể nói dính bầu mà không biết. Khi thấy trễ kinh, họ có thể mua que thử thai ngay, rất dễ dàng, đơn giản. 

Theo tôi, chúng ta là người trưởng thành nên phải có trách nhiệm với hành động của mình. Không phải tự nhiên mà Bộ Y tế đưa ra quy định chỉ được phép bỏ thai theo yêu cầu với giới hạn tuổi thai như thế. Đó là nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ. Còn về việc đến các phòng khám tư, cơ sở thiếu uy tín để bỏ thai thì chúng tôi đã khuyến cáo mãi rồi.

Nhiều gia đình hạnh phúc dù không có con trai. (Trong ảnh: Gia đình nghệ sĩ Minh Khang -  Thúy Hạnh hạnh phúc bên hai cô con gái)
Nhiều gia đình hạnh phúc dù không có con trai. (Trong ảnh: Gia đình nghệ sĩ Minh Khang – Thúy Hạnh hạnh phúc bên hai cô con gái)

Trước khi quyết định đặt tính mạng và sức khỏe của mình vào tay người khác, mọi người cần tìm hiểu kỹ thông tin về phòng khám đó. Đừng chỉ vì phòng khám đó chấp nhận tất cả các yêu cầu của mình mà nhắm mắt làm liều. Một cơ sở không cân nhắc tới quy định cũng như sức khỏe của bệnh nhân, thai nhi thì có đáng tin cậy không? Chi phí bỏ thai tại BV hiện nay chỉ dưới 3 triệu đồng…

* Bác sĩ nhận định thế nào về sự chênh lệch giới tính ở trẻ sinh ra tại Việt Nam hiện nay?

– Theo tôi nhớ thì tỷ lệ giới tính của Việt Nam đang là 107 trai/100 gái. Trên thế giới, tỷ lệ 110 trai/100 gái vẫn là bình thường. Như vậy, xét về tổng thể, tỷ lệ bé trai và bé gái được sinh ra ở nước ta vẫn ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ trai và gái ở nước ta vẫn chênh lệch theo từng vùng miền, cục bộ, chủ yếu là ở khu vực nông thôn, miền núi. Với quan điểm hiện đại, chỉ cần con cái khỏe mạnh thì trai hay gái đều quý.

Hãy thử tưởng tượng, một thế giới chỉ toàn là trai hoặc toàn là gái thì sẽ thế nào. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới văn hóa, nghề nghiệp và sự duy trì nòi giống. Chẳng hạn, có những nghề được đặt tên theo giới tính như nghề nữ hộ sinh, nếu không có nữ thì lấy ai làm nghề này? 

* Xin bác sĩ cho biết quan điểm của mình về việc thai phụ luôn muốn biết giới tính thai nhi khi đi siêu âm thai?

– “Trai hay gái” là câu mà hầu hết phụ nữ đi siêu âm thai đều hỏi. Theo tôi, Bộ Y tế đã có quy định nghiêm cấm tiết lộ giới tính thai nhi rồi. Những gì thuộc về quy định thì mình không bàn cãi nữa, vì hiển nhiên là nó có lý do chính đáng, đúng đắn. 

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng, không phải ông bố, bà mẹ nào hỏi giới tính thai nhi cũng nhằm để lựa chọn trai, gái hoặc có ý định bỏ thai nếu không được như ý muốn. Đừng nhìn sự việc cực đoan như vậy. Nếu thai đã lớn rồi, ngoài 20 tuần tuổi, ta biết chắc chắn họ sẽ sinh em bé đó ra, thì việc hỏi giới tính em bé chỉ là do háo hức, muốn biết thông tin về con. Họ muốn biết con là trai hay gái để còn sắm đồ cho bé, trai thì sắm màu xanh, gái thì chọn màu hồng. Trong chúng ta, có ai mang thai mà không háo hức muốn biết em bé trong bụng là gái hay trai đâu. 

Kiểm soát chặt việc thực hiện các quy định về thai nhi

Trong năm 2020, tỷ số nạo phá thai ở TPHCM là 33,46 ca nạo/100 ca sinh sống (năm 2016, tỷ số này là 45,9 ca nạo/100 ca sinh sống). TPHCM cơ bản loại trừ phá thai không an toàn. Những kết quả này có được là nhờ việc triển khai thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản ở TPHCM khá đồng bộ.

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát kết quả thực hiện chính sách, các chương trình, kế hoạch về dân số và sức khỏe sinh sản được Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM phối hợp các địa phương cùng các cơ quan chức năng thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Trong đó, nội dung lựa chọn giới tính thai nhi và thông báo giới tính thai nhi được quan tâm hàng đầu. Song song đó, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành về chuyên đề dân số và sức khỏe sinh sản. 

Thạc sĩ Phạm Chánh Trung – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM
Diễm Chi (ghi)
Cần thay đổi những khuôn mẫu giới gây hại

Nạo phá thai để chọn giới tính thai nhi là một trong những vấn nạn nghiêm trọng nhất liên quan đến bất bình đẳng giới. Ở Việt Nam, chúng ta đã nói nhiều nhưng theo tôi, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ.

Việc coi trọng nam giới một tư tưởng văn hóa đã có từ rất lâu, thậm chí đó là một cách tổ chức xã hội. Việc nạo phá thai do chọn giới tính thai nhi chính là biểu hiện của hệ thống xã hội mà ở đó, nam giới được đặt ở vị thế cao hơn nữ giới. Ví dụ, việc thờ cúng tổ tiên của người Kinh được giao cho con trai, dẫn đến việc cần có con trai để nối dõi tông đường, lo chuyện thờ cúng. Cách tổ chức xã hội này rất sâu, gắn với niềm tin nên ít khi bị đặt dấu hỏi và rất khó thay đổi. Thêm vào đó, nhiều người vẫn nghĩ con trai là trụ cột gia đình cả về kinh tế lẫn thể diện… Do đó, người ta làm mọi cách để có con trai, trong đó có việc nạo phá thai để chọn giới tính thai nhi. 

Tất cả những niềm tin phổ biến này là khuôn mẫu giới. Vì nó phổ biến nên người ta tin nó là đương nhiên, nó ảnh hưởng đến quyết định cố gắng để có một đứa con trai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như: phụ nữ bị ép nạo phá thai, bạo lực gia đình, ngoại tình, đàn ông sinh con ngoài giá thú… Pháp luật Việt Nam đã có quy định cấm cung cấp thông tin về giới tính thai nhi. Nhưng để ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, chỉ dựa vào quy định pháp luật là chưa đủ. Điều quan trọng là phải thay đổi những khuôn mẫu về giới trong xã hội.

Để thay đổi nhận thức, không thể truyền thông suông rằng “con nào cũng là con”, bởi những khuôn mẫu về giới đã và đang điều khiển suy nghĩ của ta. Chúng ta sống trong nó nhưng không nhìn thấy nó, không nhận ra nó, bị nó điều khiển và gây hại… Để thay đổi khuôn mẫu giới, cần có cả một tiến trình bài bản, không phải một sớm, một chiều. Quan trọng là mọi người cần biết các khuôn mẫu này có thể thay đổi. Khi giải quyết được nguyên nhân gốc rễ này, vấn đề nạo phá thai do chọn giới tính thai nhi cũng sẽ được ngăn chặn, giải quyết. 

Thạc sĩ Lê Quang Bình – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ ECUE

Sơn Vinh (ghi)


 Thanh Huyền (thực hiện)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s