Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới (7 kỳ)

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới

18/03/2022 12:22 GMT+7

TTOXung đột bùng nổ hoặc kinh tế suy thoái đều tác động đến giá dầu thô. Trong 50 năm qua, kinh tế thế giới đã nhiều lần đương đầu với giá dầu tăng cao trong các cú sốc dầu mỏ năm 1973, năm 1979, năm 2008 hoặc giá dầu giảm sâu năm 1986.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới  - Ảnh 1.

Quân đội Israel hành quân dọc bờ tây kênh đào Suez – Ảnh: Cục Báo chí Israel

Kỳ 1: Chiến tranh Yom Kippur và cú sốc dầu thô đầu tiên

Liệu cuộc chiến Nga – Ukraine tác động đến thị trường dầu mỏ có dẫn đến cú sốc kéo dài?

Chiến sự ở Ukraine tiếp diễn, mối quan tâm về hậu quả kinh tế ngày càng tăng. Thương mại quốc tế vừa phục hồi sau đại dịch COVID-19 lại chuẩn bị gánh chịu cú sốc mới về giá dầu thô có thể xảy ra. 

Chỉ trong vài tháng, giá dầu thô tăng vọt từ 65 USD/thùng lên hơn 130 USD hôm 7-3-2022 (mức cao nhất từ năm 2008) trước khi hạ xuống trên dưới 110 USD. Giá dầu thô tăng kéo theo giá xăng dầu tăng vọt và áp lực lạm phát gia tăng. Niềm tin của người tiêu dùng là điều rất cần thiết cho quá trình phát triển đang bị hao mòn.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Israel phải chiến đấu với đối thủ chiếm ưu thế ngay từ đòn đầu tiên.

Tạp chí L’HISTOIRE, Pháp

Chiến dịch Trăng rằm

GS Guillaume Roels tại Học viện Quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD) dự báo: “Giá một thùng dầu 300 USD không phải là chuyện viển vông”. Chuyên gia về năng lượng Scott L. Montgomery – giảng viên Trường Nghiên cứu quốc tế Jackson (Đại học Washington) – đánh giá giá dầu thô gây sốc không phải là hiện tượng mới. 

Ông nhận định: “Xét về mặt lịch sử, cú sốc dầu mỏ là một phần về tính năng động của thị trường dầu mỏ chứ không phải là điều bất thường. Chuyện này đã xảy ra từ khi ngành công nghiệp dầu mỏ ra đời”.

Cú sốc dầu mỏ đầu tiên trên thế giới xảy ra vào năm 1973 do chiến tranh Yom Kippur giữa Israel với Ai Cập và Syria. Xung đột Ả Rập – Israel lần thứ tư bùng phát đúng ngày lễ trọng Yom Kippur (lễ xá tội) của người Do Thái. 2 giờ chiều ngày 6-10-1973, chiến sự bùng nổ ở bán đảo Sinai của Ai Cập và cao nguyên Golan của Syria đã bị Israel chiếm đóng sau chiến tranh Sáu ngày năm 1967.

Tại bán đảo Sinai, với chiến thuật tiền pháo hậu xung, quân Ai Cập mở màn chiến dịch Badr (Trăng rằm) bằng trận mưa pháo vào phòng tuyến Bar Lev dọc kênh đào Suez. Phòng tuyến dài 180km nhưng chỉ có 600 binh sĩ Israel trấn giữ vì nhiều binh sĩ đã về phép nghỉ lễ Yom Kippur. 

Sau đó, 8.000 quân Ai Cập vượt kênh đào sang bờ đông tiến vào sa mạc. Mỗi tổ ba binh sĩ dùng tên lửa chống tăng mới Sagger và Schmell bắn hạ các xe tăng M48 và M60 của Israel. Độ chính xác của tên lửa gần như tuyệt đối ở cự ly từ 2-3km. Trong số 230 xe tăng Israel chẳng còn lại mấy chiếc.

Trong đợt tấn công thứ hai, 500 xe tăng, pháo binh và tên lửa vượt kênh đào thọc sâu vào trong. Trực thăng đổ quân giữa sa mạc đánh chặn quân tiếp viện Israel trong lúc bộ binh thanh toán các công sự Israel dọc phòng tuyến. Không quân Israel trở tay không kịp. Nhiều máy bay Mirage và Skyhawk lần lượt bị tên lửa đất đối không Sam 6 và Sam 7 hạ gục.

Trên cao nguyên Golan, ba sư đoàn Syria cùng 1.000 xe tăng, tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không phối hợp với các đơn vị Morocco và Kuwait (sau đó có thêm các đơn vị Iraq, Saudi Arabia, Jordan) ồ ạt tấn công tuyến phòng thủ Israel do vài trăm binh sĩ và hơn 100 xe tăng trấn giữ. 24 tiếng sau, ba điểm trên tuyến phòng ngự Israel bị xuyên thủng. Quân Syria tiến sâu 15km.

Tuy tổn thất rất to lớn nhưng sau đó Israel đã chiến thắng chật vật nhờ các phi công dày dạn kinh nghiệm và vũ khí do Mỹ cung cấp. Trên mặt trận Syria, máy bay Israel đã loại khỏi vòng chiến 1/3 xe tăng, san bằng các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện rồi không kích thủ đô Damascus. 

10 ngày sau, Israel chiếm lại các vùng đất đã mất và chỉ ngừng bắn khi còn cách Damascus 30km. Trên mặt trận Ai Cập, nhờ máy bay trinh sát và vệ tinh Mỹ cung cấp thông tin, Israel biết tướng Ai Cập Saad el-Shazly để hở sườn tây kênh đào Suez. Đêm 15-10, xe tăng Israel vượt hồ Đắng thọc sâu vào sau đối phương để một sư đoàn vượt kênh sang bờ tây lập đầu cầu.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới  - Ảnh 3.

Do thiếu xăng dầu, xe Volkswagen ở Weilheim (Đức) phải dùng ngựa kéo ngày 25-10-1973 – Ảnh: Keystone Press

Lần đầu tiên sử dụng vũ khí dầu thô

Ngày 22-10, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 238 kêu gọi ngừng bắn vào lúc quân đội Israel đang bao vây quân đoàn III Ai Cập. Đến ngày 11-11, quân đội Israel và Ai Cập đã ký thỏa thuận “km số 101” (trên đường Suez/Cairo) mở đầu quá trình đàm phán đưa quân trở lại giới tuyến.

Chiến tranh Yom Kippur đã tạo cơ hội để Tổ chức Các nước Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC) lần đầu tiên sử dụng quyền kiểm soát dầu thô xuất khẩu vào mục đích chính trị và gây cú sốc dầu mỏ đầu tiên trên thế giới. 

Ngày 17-10-1973, OAPEC quyết định đơn phương tăng giá dầu 70%, ngừng xuất khẩu dầu thô, tăng tỉ lệ chia lợi nhuận và giảm sản lượng 5% so với mức tháng 9-1973, sau đó mỗi tháng giảm thêm 5% đến khi các nước phương Tây (Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nam Phi…) ngừng viện trợ cho Israel. Ngày 23-12-1973, giá dầu bị đẩy lên lần thứ hai.

Phải đến ngày 18-3-1974, lệnh cấm xuất khẩu dầu thô mới được gỡ bỏ. Giá dầu thô Arab Light (giá dầu tiêu chuẩn trên thị trường) đã tăng từ 2,32 USD lên 18 USD/thùng, sau đó mới ổn định ở mức 8-9 USD/thùng. Trong năm 1973-1975, sản lượng dầu thô giảm từ 59,3 triệu thùng/ngày xuống còn 56,5 triệu thùng/ngày.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã sử dụng dầu mỏ làm nguồn năng lượng chính thay cho than đá. Nhu cầu dầu thô những năm 1960 tăng đều đều hơn 7% mỗi năm. Trong thập niên 1950 và 1960, hầu hết các nước công nghiệp phát triển đạt tăng trưởng kinh tế mong muốn nhờ tiếp cận nguồn dầu thô dồi dào giá rẻ.

Lúc chiến tranh Yom Kippur xảy ra vào năm 1973, giá dầu thô tăng gấp bốn lần trong vòng 5 tháng đã tác động nặng nề đến các nước phương Tây vì 2/3 năng lượng tiêu thụ ở châu Âu được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Đông. 

Các nước xuất khẩu dầu và các công ty dầu mỏ lớn phương Tây là những người thắng lớn. Doanh thu các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng gấp bốn lần, vượt 86 tỉ USD vào năm 1974. Chịu thiệt hại nặng nhất là người dân các nước phương Tây vì giá dầu tăng khiến suy thoái kinh tế lan rộng kéo theo thất nghiệp gia tăng.

Trên Tạp chí Quốc tế và Chiến lược, nhà kinh tế học Pháp Céline Antonin phân tích ngoài vấn đề giá dầu tăng, cú sốc dầu thô năm 1973 mang tính biểu tượng vì đã kết thúc thời kỳ “30 năm huy hoàng” (từ ngữ của nhà kinh tế học Pháp Jean Fourastié được dùng để chỉ giai đoạn tăng trưởng mạnh của các nước phát triển từ năm 1945-1975), lật đổ lý thuyết kinh tế Keynes bằng cách khai sinh hiện tượng lạm phát đình trệ (lạm phát kèm suy thoái) và cho phép xuất hiện lý thuyết về cung.

Sau đó, Mỹ đã kiểm soát nguồn cung ứng dầu thô trở lại bằng cách dựa vào quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi. 5 năm sau, vương triều Iran sụp đổ dẫn đến cú sốc dầu mỏ thứ hai nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn.

Trong cuốn sách Những năm giông bão xuất bản tại Paris (NXB Fayard) năm 1982, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thừa nhận: “Mọi phân tích của Israel (hoặc của Mỹ) trước tháng 10-1973 đều đánh giá Ai Cập và Syria không đủ khả năng quân sự cần thiết để tái chiếm lãnh thổ của họ bằng sức mạnh vũ khí; do đó sẽ không có chiến tranh”.

Kissenger nhấn mạnh: “Sadat (tổng thống Ai Cập) không ngần ngại táo bạo cảnh báo với chúng tôi ý định của ông ấy nhưng chúng tôi không tin. Thông tin từ ông ấy tràn ngập và chúng tôi đã đưa ra kết luận sai lầm. Ngày 6-10-1973 đánh dấu đỉnh cao thất bại về phân tích chính trị đối với các nạn nhân”.

***********

Cú sốc dầu thô thứ hai xảy ra vào năm 1979. Nguyên nhân liên quan đến cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran và chiến tranh giữa Iran và Iraq.

>> Kỳ tới: Cú sốc dầu thô thứ 2 từ Iran

HOÀNG DUY LONG

***

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới – Kỳ 2: Cú sốc dầu thô thứ hai từ Iran

19/03/2022 10:05 GMT+7

TTO Năm 1979, cú sốc dầu thô thứ hai xảy ra. Đằng sau cú sốc dầu thô này có bóng dáng của giáo chủ Hồi giáo Ruhollah Khomeini – một người đội khăn xếp với bộ râu dài trắng xóa đã từng sống lưu vong tại Neauphle-le-Château (tỉnh Yvelines của Pháp).

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 2: Cú sốc dầu thô thứ hai từ Iran - Ảnh 1.

Đường ống dẫn dầu của Iran bị máy bay Iraq ném bom phá hủy năm 1981 – Ảnh: Getty Images

Các bài giảng ghi trên băng cassette của Khomeini được phát tại các nhà thờ Hồi giáo đủ để hạ bệ một triều đại vốn tự cho là vĩnh cửu của quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi.

Khủng hoảng dầu thô càng nghiêm trọng hơn do nhu cầu tăng mạnh và làn sóng hoảng loạn trên thị trường.

Tạp chí LA REVUE DE TÉHÉRAN

Dầu ngừng chảy từ Iran và Iraq

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Sherbrooke (Canada), nguyên nhân dẫn đến cú sốc dầu thô thứ hai là Cách mạng Hồi giáo ở Iran và chiến tranh bùng nổ giữa Iran và Iraq. 

Giữa mùa hè năm 1978 tại Iran, các lao động ngành công nghiệp dầu mỏ bắt đầu tham gia đình công để ủng hộ Cách mạng Hồi giáo. 

Ngày 1-10-1978, vào lúc các công nhân và kỹ thuật viên tại nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới Abadan (chế biến 600.000 thùng/ngày) đình công, ách tắc giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên vịnh Persic do các tàu chở dầu mòn mỏi chờ nhận dầu.

Đình công đã làm tê liệt nền kinh tế các nước công nghiệp lớn suốt 33 ngày. Trước tình hình đó, người đứng đầu Công ty dầu mỏ quốc gia Iran đã họp với ủy ban đình công và khẳng định chỉ giải quyết nhu cầu tài chính chứ không bàn đến nhu cầu chính trị. Sau đó, tổng đình công bùng nổ cả nước khiến sản xuất dầu thô ngưng trệ hoàn toàn.

Ngày 16-1-1979, vương triều Pahlavi sụp đổ. Quốc vương Iran cùng gia đình chạy ra nước ngoài sống lưu vong sau gần 40 năm tại vị. Các báo Iran xuất bản cùng ngày chạy dòng tít lớn ngoài trang bìa: “Nhà vua đã ra đi”. 

Tại thủ đô Tehran, sau khi loa phát thanh công cộng loan tin chế độ quân chủ sụp đổ, người người đổ ra đường ăn mừng. Một tháng sau, giáo chủ Khomeini về nước sau 15 năm tị nạn chính trị ở nước ngoài. Iran chính thức trở thành nước cộng hòa Hồi giáo vào ngày 1-4-1979 và Khomeini trở thành lãnh tụ tối cao.

Iran, với trữ lượng dầu lớn thứ tư chỉ sau Saudi Arabia, Venezuela và Canada, đảm trách cung ứng khoảng 10% sản lượng dầu thô thế giới (5 triệu thùng/ngày). Vào thời điểm Cách mạng Hồi giáo, Iran lại hạn chế sản xuất không quá 700.000 thùng/ngày chỉ để phục vụ nhu cầu nội địa. 

Trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Iran cũng đã đổi bên. Thay vì tham gia cánh ôn hòa cùng với Saudi Arabia như trước, Iran chuyển sang nhóm cứng rắn hơn như Algeria và Libya – hai nước chỉ muốn đẩy giá dầu lên cao nhất có thể cho dù tình hình kinh tế thế giới có ra sao chăng nữa.

Chẳng bao lâu, chế độ mới ở Iran đã kêu gọi lật đổ tổng thống Saddam Hussein ở nước láng giềng Iraq để bành trướng phong trào Hồi giáo dòng Shiite sang Iraq (dòng Hồi giáo Sunni). 

Tiên hạ thủ vi cường, Hussein quyết định động binh đánh Iran vào ngày 22-9-1980 và tuyên bố vô hiệu hóa hiệp định Algiers về giải quyết tranh chấp biên giới đã được ông Hussein và quốc vương Iran ký kết ngày 6-3-1975.

Dưới tác động tổng hợp của Cách mạng Hồi giáo Iran và chiến tranh giữa Iran và Iraq, sản lượng khai thác dầu thô của Iran và Iraq giảm mạnh và tác động nghiêm trọng đến thị trường dầu thô thế giới. 

Mỹ và các nước Tây Âu tỏ ra lo lắng. Tại Mỹ, bộ trưởng Bộ Năng lượng tuyên bố Mỹ sẽ phải bắt buộc áp dụng các biện pháp cấp xăng dầu theo định mức nếu Iran không tiếp tục xuất khẩu dầu trở lại.

Các nước thành viên OPEC đã gia tăng khai thác dầu để bù đắp phần nào sản lượng thiếu hụt, nhưng rốt cuộc tình hình vẫn không ổn định. 

Khủng hoảng dầu thô càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh làn sóng phục hồi kinh tế thúc đẩy nhu cầu dầu thô từ các nước công nghiệp phát triển tăng mạnh đến mức thị trường không đủ đáp ứng nhu cầu. Giá dầu tăng cao còn bị tác động bởi làn sóng hoảng loạn bao trùm thị trường.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 2: Cú sốc dầu thô thứ hai từ Iran - Ảnh 3.

Ngày 9-5-1979, xe hơi xếp hàng dài bên ngoài trạm xăng tại bang California (Mỹ) vào ngày đầu tiên hạn chế bán xăng – Ảnh: Getty Images

Cú sốc kéo dài gần ba năm

Khủng hoảng dầu thô bùng phát vào ngày 27-3-1979. 13 nước thành viên OPEC quyết định tăng giá dầu thô 9%, mức tăng mà họ cho là “khiêm tốn và vừa phải”, và thêm các khoản phụ thu mà họ cho là hợp lý. 

Các nước OPEC còn tố cáo các công ty dầu mỏ đã thu nhiều khoản thặng dư ngoài dự kiến không chính đáng. Sau đó, ba nước thành viên OPEC là Algeria, Libya và Nigeria thông báo sẽ áp khoản bù trừ bổ sung 4 USD/thùng.

Do nguồn cung thiếu hụt nên các nước giàu phải mua dầu trên thị trường chợ đen hoặc thị trường không chính thức. Bình thường chỉ 5% tổng số giao dịch được thực hiện trên thị trường chợ đen, thì năm 1979, thị trường này tập trung đến hơn 30% giao dịch dầu mỏ quốc tế. 

Tạp chí La Revue de Téhéran (Iran) nhận định do các nước OPEC quan tâm nhiều hơn đến thị trường chợ đen nên OPEC mất dần quyền kiểm soát. Vào tháng 6-1979, OPEC quyết định để các nước thành viên tự định giá với điều kiện không vượt quá 23,5 USD/thùng.

Từ 3 USD/thùng năm 1970, giá dầu tăng lên 13 USD/thùng năm 1978, rồi trong vòng tám tháng từ tháng 9-1978 đến 5-1979 tiếp tục tăng đến 40 USD/thùng. 

Năm 1980, một trật tự mới cho giá dầu thô được xác lập. Giá dầu chốt ở mức 30 USD/thùng sau năm 1980. Đến năm 1982, giá dầu mới trở lại bình thường. Khi giá dầu tăng gấp ba lần trong vài tháng, doanh thu dầu mỏ của OPEC tăng hơn 36 lần.

Cú sốc dầu thô thứ hai năm 1979 kéo dài gần ba năm hóa ra nghiêm trọng hơn cú sốc thứ nhất năm 1973. Các dòng xe nối đuôi chờ trước trạm xăng dầu đã trở thành hình ảnh quen thuộc gắn liền với cú sốc thứ hai này. 

Chưa kịp hồi phục sau cú sốc thứ nhất năm 1973, các nước phát triển bước vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Lãi suất tăng 20%. Tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức hai chữ số.

Cú sốc dầu thô đã biến dầu thô trở thành mặt hàng kém an toàn hơn và đắt tiền hơn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Trong những năm sau đó, các nước phương Tây đã phần nào đảo ngược tình thế thành công bằng cách thúc đẩy tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, khởi động các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu và Nhật để độc lập hơn về năng lượng, tiết kiệm năng lượng, tăng cường thăm dò các mỏ dầu mới và gia tăng sản xuất dầu tại nhiều khu vực khác trên thế giới như Mexico, Alaska, Biển Bắc.

Sau hai lần khủng hoảng dầu mỏ, OPEC đã mất dần quyền lực chính trị và kinh tế. Từ năm 1979, các cuộc đàm phán về giá dầu được thực hiện trên thị trường tự do và được xác định qua cán cân cung cầu để trở thành giá chính thức. 

Từ năm này, giá dầu rất biến động, cả lúc lên cũng như lúc xuống. Thái độ bất đồng giữa các nước thành viên OPEC đối với nhu cầu thế giới sụt giảm là nguồn gốc của cú sốc ngược xảy ra vào năm 1986.

Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran vào ngày 4-11-1979. Do đó, Mỹ đã tạo nguồn dự trữ dầu chiến lược riêng, đồng thời tăng cường củng cố an ninh về nguồn cung dầu thô trên thị trường quốc tế, đặc biệt củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vịnh Persic.

Thêm vào đó, do xung đột giữa hai miền nam và bắc Yemen vào tháng 3-1979 và sự kiện quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan vào tháng 12 cùng năm, chính quyền Carter đã thành lập Lực lượng phối hợp triển khai nhanh (RDJTF) vào cuối năm 1979 với các điểm hỗ trợ ở vịnh Persic. Một năm sau, Mỹ tuyên bố vịnh Persic là khu vực có lợi ích quan trọng đối với Mỹ.

*********

Mùa đông năm 1986, giá dầu thô đang ở mức 30 USD/thùng bắt đầu tuột dốc thê thảm. Chỉ trong vài tháng, giá dầu đã giảm hơn phân nửa. Chuyện gì đã xảy ra vậy?

>> Kỳ tới: Giá dầu đảo chiều, kinh tế kiệt quệ

HOÀNG DUY LONG

***

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới – Kỳ 3: Giá dầu sụp đổ và hệ quả kinh tế

20/03/2022 08:46 GMT+7

TTONếu hai cú sốc dầu thô năm 1973 và 1979 đã đẩy giá dầu tăng cao thì năm 1986 xảy ra tình huống ngược lại. Giá dầu thô sụp đổ đến mức thảm hại.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 3: Giá dầu sụp đổ và hệ quả kinh tế - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu Ras-Tanura lớn nhất Saudi Arabia – Ảnh: Getty Images

Mùa đông năm 1986, giá dầu đang ở mức 30 USD/thùng đã tuột dốc không phanh. Giá dầu giảm hơn 50% từ tháng 11-1985 đến 3-1986, sau khi tạm dừng rồi tiếp tục giảm và đến tháng 7-1986, giá dầu biển Bắc còn dưới 10 USD/thùng. 

Chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời tóm tắt là chính sách tối đa hóa lợi nhuận dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) áp dụng từ cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 không còn hữu hiệu.

Dầu thô từ các nước OPEC tràn ngập thị trường thế giới. Hệ quả dẫn đến là giá dầu sụp đổ.

TS JACQUES ADDA (Pháp)

Dầu thô tràn ngập thị trường

Giai đoạn 1981-1985, các quốc gia quân chủ dầu mỏ vùng Vịnh như Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất liên tục giảm sản lượng khai thác dầu nhằm giữ giá dầu thô ở mức cao 30 USD/thùng. 

Sản lượng khai thác dầu của các nước thành viên OPEC giữa năm 1978-1985 đã giảm 50%. Thị phần OPEC trong sản lượng dầu thô thế giới giảm từ 50% xuống chỉ còn 30%.

Saudi Arabia là nước thành viên OPEC có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, chi phí sản xuất thấp nhất và năng lực sản xuất lớn nhất, song vào mùa hè năm 1985 chỉ sản xuất đạt 1/4 công suất. 

Nếu sản lượng năm 1980 của Saudi Arabia đạt mức 10 triệu thùng/ngày thì đến năm 1985 đã giảm còn chưa tới 3 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó vào thập niên 1980, do các nước công nghiệp tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới giảm xuống, đặc biệt tại các nước tiêu thụ dầu thô nhiều như Mỹ, Nhật và châu Âu. 

Song song theo đó, giá dầu ở mức cao nên các nước phát triển đã gia tăng hoạt động thăm dò và khai thác dầu thô ngoài khu vực dầu mỏ của các quốc gia Hồi giáo đồng thời tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng khác như than đá hoặc điện hạt nhân thay thế dầu mỏ.

Sau nhiều năm phòng thủ về giá, đến đầu tháng 12-1985, 13 quốc gia thành viên OPEC đã đồng ý thông qua chiến lược mới nhằm bảo vệ thị phần trên thị trường dầu mỏ thế giới. 

Chiến lược thay đổi đã gây tác động tức thì. Giá dầu bắt đầu giảm xuống. Đến lúc này thì Saudi Arabia đổi chiều.

Mùa thu năm 1985, Saudi Arabia đơn phương thay đổi chính sách dầu mỏ và đột ngột tăng sản lượng khai thác dầu thay vì sản xuất theo hạn ngạch quy định của OPEC. Trong vòng chưa đầy một năm, từ tháng 9-1985 đến 7-1986, Saudi Arabia đã tăng gần gấp ba lần sản lượng khai thác. 

Các quốc gia khác trong OPEC thấy vậy cũng bắt chước làm theo. Chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980 đã làm giảm đáng kể thị phần của các nước sản xuất dầu trong khu vực Tây Nam Á từ 33% sản lượng vào năm 1979 chỉ còn 17% năm 1985. Vì vậy Iran và Iraq đều đang cần tiền nên đua nhau khai thác dầu.

Dầu thô từ các nước thành viên OPEC tràn ngập thị trường thế giới. Hệ quả dẫn đến là giá dầu sụp đổ. 

Giá dầu từ 25 USD/thùng vào cuối năm 1985 đã tuột dốc xuống dưới ngưỡng 10 USD/thùng vào tháng 7-1986, tức chạm mức giá của những năm 1950. Như vậy với mong muốn tối đa hóa giá dầu thô, rốt cuộc OPEC đã tự hại mình.

Cú sụp đổ giá dầu thô năm 1986 đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Mỹ buộc phải đóng cửa 5.000 giếng dầu vì sản xuất không có lãi nữa. Saudi Arabia cũng phải trả giá rất đắt đến nỗi phải thay đổi chính sách. 

Vào tháng 8-1986, lo sợ OPEC tan rã, Saudi Arabia đã chấp thuận quay trở lại sản xuất theo hạn ngạch như trước. Giá dầu thô sau đó đã tăng trở lại và tình hình tạm trở lại bình thường vào năm 1987 khi các nước OPEC nhất trí ổn định giá dầu ở mức 17 USD/thùng.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 3: Giá dầu sụp đổ và hệ quả kinh tế - Ảnh 3.

Tổng thống Ronald Reagan, Phó Tổng thống George Bush (trái) và Giám đốc CIA William Casey (phải) ngày 21-1-1986 – Ảnh: uspresidentialhistory.com

Nước mất phần, OPEC hưởng lợi

Bất chấp giá dầu sụp đổ gây hậu quả kinh tế đau đớn cho Mỹ, Liên Xô khăng khăng lên án Mỹ mượn tay đồng minh Saudi Arabia kéo tuột giá dầu để làm suy yếu Liên Xô. 

Theo tạp chí Russia Beyond (Nga), sau khi giám đốc CIA William Casey thăm Saudi Arabia vào tháng 9-1985, nước này bắt đầu tăng nhanh sản lượng thay vì giảm khai thác để giữ giá. 

Trong vòng 4 tháng, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia tăng vọt từ 2 triệu lên 10 triệu thùng/ngày. Kế đến sau chuyến thăm Saudi Arabia của phó tổng thống Mỹ George Bush vào tháng 4-1986, giá dầu thô rớt xuống có lúc chỉ còn 7 USD/thùng.

Russia Beyond nhận định giá dầu sụp đổ đã trở thành đòn chí mạng đối với Liên Xô bởi lẽ dầu mỏ là nguồn thu chính của Liên Xô. Trong năm 1986, Liên Xô vốn đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách đã mất hơn 20 tỉ USD, tương đương 7,5% thu nhập hằng năm. 

Nếu năm 1986 các khoản vay nước ngoài của Liên Xô là 30 tỉ USD thì 3 năm đã tăng vọt lên 50 tỉ USD. Sau khủng hoảng dầu mỏ năm 1985-1986, Liên Xô rơi vào suy thoái và nền kinh tế vốn đang chật vật của Liên Xô sụp đổ theo.

TS kinh tế người Pháp Jacques Adda – chuyên gia về các vấn đề kinh tế và tài chính toàn cầu – phân tích thật ra về lâu dài chiến lược mới thông qua vào đầu tháng 12-1985 của OPEC vừa có tác dụng khôi phục khả năng cạnh tranh của dầu mỏ so với các nguồn năng lượng khác vừa thúc đẩy gia tăng tỉ trọng cung cấp dầu của các nước vùng Vịnh.

Với mức giá từ 15-20 USD/thùng, giá dầu thực tế đã quay trở lại mức giá giữa hai cú sốc dầu thô năm 1973 và năm 1979. 

Với giá này, mức tiêu thụ dầu thô trên thế giới có thể tăng trở lại, dầu thô giành lại vị trí so với các nguồn năng lượng khác như than đá, hạt nhân và nỗ lực tiết kiệm năng lượng không còn được chú ý nữa. 

Nguồn cung dầu thô từ khu vực ngoài OPEC với chi phí sản xuất thường cao hơn cũng dần dần bị loại.

Về ngắn hạn, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác vẫn có thể chấp nhận thiệt hại về tài chính do chiến lược mới của OPEC vì có thể bù trừ giá dầu giảm xuống bằng cách tăng sản lượng xuất khẩu dầu. 

Tuy nhiên chiến lược mới của OPEC sẽ gây bất ổn cao cho các nước có năng lực sản xuất dầu gần như bão hòa và phần lớn đó là các nước có dân số đông và nợ nước ngoài cao.

TS Jacques Adda ghi nhận 10 năm sau rõ ràng chiến lược mới của OPEC đã thành công. Năm 1995 OPEC đã giành lại được 2/3 thị phần bị mất hồi năm 1979-1985. Bốn nước quân chủ vùng Vịnh trong OPEC đã tăng hơn gấp đôi sản lượng. 

Riêng Saudi Arabia tăng sản lượng ba lần so với thời điểm thấp nhất vào mùa hè năm 1985. Năm 1995, nước này đạt 12,5% sản lượng thế giới, tức gần bằng thời điểm ngay trước cú sốc dầu thô thứ hai năm 1979.

Quyền lực của các nước dầu mỏ vùng Vịnh

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bảy công ty dầu hỏa đa quốc gia của Mỹ và châu Âu gồm Exxon, Mobil, Chevron, Texaco, Gulf, Royal Dutch Shell, BP (được gọi là “bảy chị em” theo tích thần thoại Hy Lạp) kiểm soát 80% mỏ dầu, mạng lưới phân phối và 3/4 ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới. Họ đã chia lợi nhuận theo tỉ lệ 50/50 cho các nước sản xuất dầu.

Năm 1960, các nước sản xuất dầu lập ra OPEC gồm chủ yếu là các nước Trung Đông. Dần dà OPEC nắm quyền kiểm soát thị trường dầu thô. Năm 1969, Libya từ bỏ nguyên tắc chia lợi nhuận 50/50.

Thỏa thuận Tehran năm 1971 đã ấn định tỉ lệ lợi nhuận 55% dành cho các nước sản xuất dầu. Các nước quân chủ vùng Vịnh trong OPEC lãnh luôn nhiệm vụ điều tiết nguồn cung dầu thô do các nước còn lại gặp khó khăn về tài chính.

******

Dưới lòng đất Iraq chứa đầy dầu mỏ chất lượng tốt. Ngành công nghiệp dầu mỏ đã trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế Iraq. Và rồi tài nguyên vàng đen đã mang đến bất hạnh.

>> Kỳ tới: Dầu thô – vàng đen và điều bất hạnh cho Iraq

HOÀNG DUY LONG

***

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới – Kỳ 4: Dầu thô – vàng đen và sự bất hạnh cho Iraq

21/03/2022 12:00 GMT+7

TTO Đầu thập niên 1990, trong bảng xếp hạng các nước sản xuất dầu mỏ, Iraq với hơn 10% trữ lượng dầu thế giới chỉ đứng sau Saudi Arabia.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 4: Dầu thô - vàng đen và sự bất hạnh cho Iraq - Ảnh 1.

Các mỏ dầu Kuwait bị cháy năm 1991 – Ảnh: Sebastião Salgado

Dưới lòng đất Iraq chứa đầy dầu chất lượng tốt, có thể khai thác với chi phí thấp. Ngành công nghiệp năng lượng đã trở thành đầu tàu lôi kéo nền kinh tế Iraq. Và rồi tài nguyên vàng đen đã mang đến bất hạnh.

Chiến tranh Iraq năm 2003 có liên quan trực tiếp đến vấn đề dầu mỏ khu vực.

TS JACQUES PERCEBOIS

Dầu thô rớt giá, Iraq động binh

Sau tám năm chiến tranh với Iran (năm 1980 – 1988), kinh tế Iraq đứng trên bờ vực phá sản. Một bộ phận đáng kể cơ sở hạ tầng dầu mỏ và công nghiệp đã bị phá hủy. Lạm phát phi mã. Đồng dinar Iraq mất giá. Nợ nước ngoài rất lớn, đặc biệt với Saudi Arabia và Kuwait. 

Nguồn thu quốc gia của Iraq chủ yếu dựa vào dầu mỏ, vì vậy Iraq muốn giữ giá dầu cao để bảo đảm có đủ tiền trả nợ và tái thiết sau chiến tranh. 

Những năm tháng khó khăn ấy đã bộc lộ sự phụ thuộc nặng nề của Iraq vào dầu mỏ – vốn đã được tập trung phát triển lấn át các lĩnh vực khác như nông nghiệp, trong khi Iraq lại không có khả năng đa dạng hóa nguồn thu.

Giá dầu thô do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ấn định, tuy nhiên các nước thành viên OPEC vẫn có thể tác động đến giá dầu bằng cách gia tăng sản lượng khai thác. 

Giống như thời khủng hoảng dầu mỏ 1985 – 1986 trước đó, một số quốc gia quân chủ vùng Vịnh như Kuwait, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất lại không tuân thủ hạn ngạch của OPEC và khai thác quá mức khiến giá dầu giảm mạnh. Giá dầu thô tháng 7-1990 đã giảm từ 18 USD xuống còn 12 USD/thùng.

Trong bối cảnh ấy, Iraq bực tức đổ lỗi cho Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sản xuất dầu thô quá mức nên dầu rớt giá dẫn đến kinh tế Iraq lao đao. Đặc biệt, Iraq cáo buộc Kuwait xây dựng nhiều cơ sở quân sự và dầu mỏ trên lãnh thổ Iraq trong thời gian Iraq tập trung vào cuộc chiến chống Iran. 

Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho rằng thái độ của Kuwait là hành vi tuyên chiến và buộc tội Kuwait ăn cắp dầu từ mỏ Iraq. Vin vào các lý do đó, Iraq đòi Kuwait xóa nợ. Kuwait phản bác, cho rằng tuyên bố của Iraq hoàn toàn vô căn cứ.

Ngày 20-7-1990, Iraq bắt đầu triển khai quân đến sát biên giới Kuwait. Ai Cập và Saudi Arabia nỗ lực làm trung gian hòa giải, dẫn đến cuộc gặp vào ngày 31-7 giữa Iraq và Kuwait tại Jeddah (Saudi Arabia). 

Thế nhưng vào rạng sáng 2-8, bất ngờ quân đội Iraq triển khai gần biên giới đã tràn sang Kuwait mặc dù nhiều lần Iraq tuyên bố sẽ không sử dụng quân đội chống lại các nước láng giềng.

Iraq chiếm 20% tài nguyên dầu mỏ của Kuwait, tương đương gần 200.000 tỉ thùng dầu. Một khi đã thôn tính Kuwait, Iraq có thể xây dựng nơi đây thành cảng thương mại để có thể vận chuyển dầu thô bằng đường biển và không còn phụ thuộc vào các nước láng giềng nữa. 

Tại Kuwait, Iraq lập ra chế độ bù nhìn mang tên “Chính phủ lâm thời của những người Kuwait tự do”. Ngày 8-8, Iraq tuyên bố sáp nhập hai nước. 

Sau đó, quân đội Iraq bắt đầu di chuyển về hướng nam, tiến đến biên giới Saudi Arabia, đồng thời tăng thêm quân số cho 100.000 quân ban đầu được điều động đánh Kuwait. Kịch bản Iraq tiến đánh Saudi Arabia có thể xảy ra.

Đầu tháng 8-1990, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua các nghị quyết yêu cầu Iraq rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Kuwait, đồng thời kêu gọi các nước cấm vận kinh tế đối với Iraq. Rạng sáng 17-1-1991, liên quân đa quốc gia do Mỹ đứng đầu đã mở chiến dịch không kích Iraq và một tuần sau tiếp tục mở chiến dịch tấn công trên bộ. 

Ngày 26-2, Tổng thống Hussein tuyên bố trong ngày quân đội Iraq đã rút quân hoàn toàn khỏi Kuwait. Đến ngày 3-4, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 687 về ngừng bắn, chính thức kết thúc chiến tranh vùng Vịnh.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 4: Dầu thô - vàng đen và sự bất hạnh cho Iraq - Ảnh 3.

Binh lính Mỹ đứng gác gần mỏ dầu bốc cháy ở Rumaila (Iraq) vào tháng 4-2003 – Ảnh: Hải quân Mỹ

Iraq – bể dầu của các nước phương Tây

Ngày 20-3-2003, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tấn công và chiếm đóng Iraq. Tổng thống George W. Bush viện lẽ cần loại bỏ Tổng thống Hussein và xóa bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt (hạt nhân, sinh học và hóa học) ở Iraq trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố được phát động sau vụ nước Mỹ bị tấn công ngày 11-9-2001. 

Tuy nhiên, một số nghị sĩ Mỹ phản đối đưa quân sang Iraq cho rằng mục tiêu chính của chính quyền Mỹ là kiểm soát trữ lượng dầu mỏ của Iraq.

Trong xung đột, liên quân đã tìm cách bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iraq. Trong 500 giếng dầu ở Iraq, chỉ có 9 giếng ở miền nam bị phá hủy. Sau đó, hoạt động xuất khẩu dầu thô Iraq đã nhanh chóng được nối lại từ tháng 6-2003. 

Tăng doanh thu xuất khẩu dầu mỏ sẽ cho phép các nước chủ nợ thu hồi ít nhiều các khoản nợ đối với nhà nước Iraq (nợ công của Iraq đã trên 21 tỉ USD). Các chủ nợ chính của Iraq theo thứ tự nợ giảm dần là Nhật, Nga, Pháp, Đức và Mỹ.

TS kinh tế học Jacques Percebois – giáo sư danh dự tại Đại học Montpellier I (Pháp) – đánh giá Mỹ phát động chiến tranh Iraq năm 2003 nhằm ổn định chính trị ở Iraq để ổn định giá dầu thô bởi vì tình hình xấu ở Iraq có khả năng gây bất ổn khu vực và làm tổn hại nỗ lực của Mỹ nhằm bảo đảm ổn định chính trị tại khu vực cung cấp dầu quan trọng cho các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). 

Ngoài ra, Mỹ còn muốn khẳng định vai trò lãnh đạo trong khu vực mà ảnh hưởng của Nga ngày càng gia tăng đáng lo ngại.

Năm quốc gia lúc đó đã nắm giữ 2/3 trữ lượng dầu thế giới gồm Saudi Arabia, Iraq, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Iran. Iran đã tỏ rõ thái độ thù địch với Mỹ. Mỹ không còn tin cậy Saudi Arabia như trước, bởi trong vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, 15/19 tên không tặc đều liên quan đến Saudi Arabia. Do đó, thay thế chế độ Hussein bằng một chế độ đồng minh có thể giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào Saudi Arabia. 

Vào thời điểm chiến tranh Iraq năm 2003, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đánh giá Iraq sở hữu hơn 112 tỉ thùng dầu (trữ lượng lớn thứ hai thế giới) và hơn 3.114 tỉ m3 khí tự nhiên, do đó Iraq là đầu mối cho các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. 

Một số chuyên gia đánh giá nguyên nhân này quan trọng hơn nguyên nhân Mỹ muốn kiểm soát dầu hỏa Iraq bởi lẽ đến năm 2003, trong những năm dài Iraq bị cấm vận dầu mỏ, các nước vẫn có thể mua được dầu mỏ giá rẻ trên thị trường chợ đen.

Trong một thời gian dài, quốc vương Iran đã giữ vai trò cảnh sát khu vực với sự hỗ trợ của Mỹ. Sau khi chế độ quân chủ Iran sụp đổ năm 1979, Iraq đã cố đảm nhận vai trò này theo cách riêng như không ngần ngại khiêu chiến với Iran, tấn công Kuwait và đe dọa trực tiếp đến Saudi Arabia. 

Do vậy, kiểm soát Iraq đồng nghĩa loại trừ “tác nhân gây rối” trong khu vực, đồng thời bảo đảm an toàn cho 55% trữ lượng dầu mỏ thế giới (trừ Iran). 

Điều quan trọng đối với Mỹ là tránh yếu tố rủi ro mới bùng phát. Hiện diện quân sự để kiểm soát trữ lượng dầu mỏ Iraq có nghĩa là bảo vệ được Kuwait và UAE – hai quốc gia yếu kém về quân sự, đồng thời có thêm khoản bảo đảm trước nguy cơ bất ổn chính trị với Saudi Arabia.

TS Jacques Percebois phân tích chiến tranh Iraq năm 2003 không làm giá dầu tăng cao và kéo dài vì thị trường dầu thô đang thặng dư.

Kết thúc chiến tranh và vãn hồi hòa bình ở Iraq cũng không tác động làm giá dầu giảm xuống, bởi sản lượng dầu thiếu hụt của Iraq đã được các nước còn lại trong OPEC chia sẻ êm đẹp và duy trì kỷ luật hạn ngạch có thể mang lại lợi nhuận.

******

Trong cú sốc vàng đen thứ ba năm 2008, cách tăng giá dầu hết sức kỳ lạ. Thời gian từ lúc giá dầu 20 – 25 USD/thùng đến khi lên đến đỉnh 147 USD/thùng kéo dài hơn 5 năm.

>> Kỳ tới: Cú sốc thứ ba – điều khó tin đã xảy ra

HOÀNG DUY LONG

***

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới

22/03/2022 10:35 GMT+7

TTO Ngày 3-7-2008, các hãng tin AFP và Reuters đồng loạt loan tin lần đầu tiên giá dầu thô vượt ngưỡng lịch sử 145 USD/thùng trên các sàn giao dịch điện tử ở châu Á.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Ảnh 1.

Canô Iran kiểm tra tàu chở dầu trên eo biển Hormuz – Ảnh: AP

Kỳ 5: Cú sốc thứ ba – điều khó tin của vàng đen đã xảy ra

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ lên 144,27 USD/thùng còn giá dầu Brent biển Bắc 144,26 USD. Tính ra giá vàng đen đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm và tăng 44% kể từ đầu năm 2008. Trong gần 7 năm từ cuối năm 2001 đến ngày 31-7-2008, giá dầu thô đã tăng đến 525%.

Đây là cú sốc với quy mô lớn chưa từng thấy.

Thủ tướng Đức ANGELA MERKEL nhận xét vào giữa tháng 6-2008

Dự báo giá dầu lên đến 200 USD/thùng!

AFP và Reuters lưu ý lúc bấy giờ kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm đột ngột 2 triệu thùng xuống còn 299,8 triệu thùng, thấp hơn 15,3% so với một năm trước.

Thêm vào đó là nỗi lo về nguồn cung cấp dầu, đặc biệt từ vùng Vịnh. Iran là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ tư thế giới đang đàm phán về hồ sơ hạt nhân.

Nước này dọa nếu bị tấn công sẽ đẩy giá dầu tăng cao và trả đũa bằng cách siết chặt kiểm soát eo biển Hormuz, nơi 40% lượng dầu thô xuất khẩu thế giới đi qua.

Các nhà kinh tế và nhà chính trị đã dùng cụm từ “cú sốc dầu thứ ba” để chỉ tình trạng dầu thô tăng lên đến mức giá kỷ lục vào năm 2008.

Trung tuần tháng 6-2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gọi đích danh đó là “cú sốc dầu thô”. Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Nobuo Tanaka lên tiếng cảnh báo thế giới đang trải qua “cuộc khủng hoảng năng lượng thứ ba”.

Cách tăng giá dầu trong cú sốc lần này rất kỳ lạ. Sau khi duy trì mức giá 20 – 25 USD/thùng trong giai đoạn năm 1986 – 2003 (năm 1998 có đợt tuột dốc dưới 10 USD/thùng), giá dầu tăng vào mùa hè năm 2004 do nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao từ các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Vào tháng 10-2004, giá dầu thô đã vượt ngưỡng 50 USD/thùng, điều mà trước đây nhiều người cứ nghĩ rất khó xảy ra hoặc không thể xảy ra. Lúc này giá dầu đã phá kỷ lục 40,4 USD/thùng được thiết lập vào tháng 10-1990 sau khi Iraq đưa quân xâm chiếm Kuwait.

Giá dầu tiếp tục tăng nhanh và vượt mốc 70 USD vào tháng 8-2005 sau khi cơn bão Katrina (một trong sáu cơn bão khốc liệt nhất ở Mỹ) tàn phá các cơ sở dầu khí trên vịnh Mexico.

Một báo cáo đầy lo ngại của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã dự báo giá dầu còn có thể lên đến mức siêu đỉnh 200 USD/thùng. Ngân hàng này lo cũng phải vì đã bỏ vốn đầu tư mạnh vào dầu thô thông qua Công ty J. Aron. Rồi đầu năm 2008, giá dầu lập đỉnh mới 100 USD/thùng, sau đó vọt lên vào mùa xuân và đạt đỉnh cao nhất vào ngày 11-7-2008 với giá 147 USD/thùng.

Cú sốc dầu thô thứ ba đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các nước Liên minh châu Âu (EU). Các hãng hàng không và các hãng vận tải đường bộ phải cộng thêm tiền phụ thu nhiên liệu trên giá vé.

Các chủ ôtô xót ruột vì tiền đổ xăng ngày càng đè nặng trong nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày. Với gần 7 triệu tấn cá đánh bắt và nuôi, EU là cường quốc đánh bắt cá lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Lĩnh vực này đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì giá xăng dầu lên cao và nguồn cá ngày càng cạn kiệt.

Ngư dân các nước châu Âu chịu hết nổi đã xuống đường phản đối giá xăng dầu tăng. Tại Pháp, ngư dân than trời vì giá dầu chiếm tới 40% doanh thu tàu đánh cá. Tại Bồ Đào Nha vào đầu tháng 6-2008 hầu hết các tàu đánh cá đều nằm bờ.

Trong thời gian từ năm 2000 – 2007, các đội tàu đánh cá đã giảm khoảng 8.000 tàu. Tình hình đánh bắt thủy sản ở Anh cũng tương tự. Ủy ban châu Âu phải quyết định chi tiền hỗ trợ giúp đỡ ngư dân đối phó với giá nhiên liệu tăng cao.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Ảnh 3.

Năm 2008, ngư dân biểu tình ở Brussels phản đối giá xăng dầu tăng – Ảnh: Reuters

Ba lý do dẫn đến cú sốc dầu thô

Chuyên gia Olivier Appert – cố vấn Trung tâm Năng lượng và khí hậu thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) – phân tích cú sốc dầu thô thứ ba năm 2008 khác với hai cú sốc dầu thô năm 1973 và năm 1979 dựa vào hai đặc điểm sau đây:

l Hai cú sốc dầu trong những năm 1970 phát sinh do thiếu nguồn cung và tình hình địa chính trị bất ổn (lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của Tổ chức Các nước Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ, cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 – 1988). Trong khi đó, cú sốc dầu thô năm 2008 là do nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên.

l Trong hai cú sốc dầu thô lần trước, chỉ trong vài tháng giá tăng gấp ba lần và kéo dài trong thời gian ngắn. Ngược lại trong cú sốc thứ ba, giá tăng mạnh hơn nhưng tăng dần từ năm 2003 – 2007, sau đó tăng cao rồi lên đến mức giá kỷ lục trong nửa đầu năm 2008. Phải mất năm năm để giá dầu tăng gấp 5 lần.

Trên tạp chí nghiên cứu Revue Projet, nhà kinh tế học Pháp Gaël Giraud nhận xét có ít nhất ba yếu tố giải thích vì sao xảy ra cú sốc dầu thô thứ ba năm 2008:

Thứ nhất, chắc chắn đây là phản ứng do đồng đôla Mỹ mất giá vì giá dầu thô giao nhận được tính bằng USD.

Thứ hai, có thể cú sốc dầu thô xảy ra do tình trạng cho vay thế chấp dưới chuẩn để mua nhà. Sau đó, các ngân hàng trung ương bơm tiền ra để giải cứu các ngân hàng mắc cạn nhưng một phần tiền mặt lại được đầu tư vào hai kênh trú ẩn an toàn là vàng và dầu mỏ. Hóa ra công tác giải cứu bong bóng bất động sản đã sản sinh ra bong bóng đầu cơ vào dầu thô.

Thứ ba, nguyên nhân cơ bản thực sự chính là mức tiêu thụ dầu trên thế giới đã tăng tốc từ cuối năm 2002. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc gia tăng do kinh tế đang tăng trưởng nên cần rất nhiều dầu, vì vậy đã đẩy giá dầu tăng trong những năm 2000 song sản lượng khai thác dầu lại không đuổi kịp. Vào thời điểm đó OPEC không thể tăng sản lượng do thiếu vốn đầu tư dài hạn.

Sau cú sốc dầu thứ ba, nhu cầu tiêu thụ hạn chế lại và rồi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn dẫn đến suy thoái toàn cầu năm 2009 đã nhấn chìm giá vàng đen. Giá dầu mất hơn 60% trong vòng 5 tháng, lao dốc xuống còn 32 USD/thùng vào cuối năm 2008 và tiếp tục giảm dưới 25 USD/thùng.

Giá dầu và tình hình địa chính trị

* 2011: Biểu tình ở Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Nội chiến bùng nổ ở Libya. Libya ngừng sản xuất dầu và tăng giá gần 35%. Giá dầu ngày 11-3-2011 lên đến 127 USD/thùng.

* 2012: Sau khi EU áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ, Iran giảm sản lượng và giảm xuất khẩu. Giá dầu tăng rồi giảm nhiệt nhờ Saudi Arabia (đối thủ của Iran) tăng sản lượng.

* 2013: Các cơ sở dầu mỏ ở Libya bị phong tỏa trong nội chiến. Libya giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng mỗi ngày.

* 2014 – 2016: Từ mùa hè năm 2014, giá dầu giảm 70%, từ 110 USD xuống 30 USD/thùng trong 18 tháng. Nguyên nhân do OPEC bán dầu ồ ạt để ngăn dầu đá phiến của Mỹ và kinh tế toàn cầu suy thoái do nhu cầu từ Trung Quốc giảm.

* 2018 – 2019: Nhóm OPEC + (OPEC và các đối tác) thỏa thuận cắt giảm sản lượng để giữ giá cao. Do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, kinh tế trì trệ, nhu cầu tiêu thụ dầu chậm lại. Giá dầu tăng hay giảm tùy cán cân cung – cầu.

* 2020: Giá dầu giảm lớn nhất trong 20 năm. Nga phản đối cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày nên Saudi Arabia đơn phương giảm giá. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế tác động giảm nhu cầu dầu.

*********

Kịch bản thứ nhất là giá dầu tăng cao và kéo dài do nguồn cung dầu thô giảm. Trong kịch bản thứ hai, nhờ tăng thêm nguồn cung, giá dầu tăng rất mạnh nhưng rồi quay đầu về giá cũ trước khi xảy ra chiến sự Ukraine.

>> Kỳ tới: Kịch bản nào cho giá dầu sắp tới

HOÀNG DUY LONG

***

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới – Kỳ 6: Kịch bản nào cho giá dầu sắp tới?

23/03/2022 11:17 GMT+7

TTO Thị trường dầu thô không ổn định và đang gánh chịu ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine. Giá dầu tăng hay giảm tùy tuyên bố và hành động của các nhà chính trị phương Tây và Nga về xung đột.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 6: Kịch bản nào cho giá dầu sắp tới? - Ảnh 1.

Kho dự trữ dầu chiến lược Bryan Mound của Bộ Năng lượng Mỹ ở Freeport (bang Texas) – Ảnh: Bloomberg

Trong bối cảnh đó, ngày 15-3-2022, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã công bố báo cáo tháng với dự báo rất thận trọng.

Năm 2022 đã hội đủ nhiều điều kiện hoàn hảo làm tăng giá dầu.

SCOTT L. MONTGOMERY

Thế giới đã thiếu dầu từ đầu năm 2022

OPEC cảnh báo do chiến tranh Nga – Ukraine tác động đến giá dầu đang tăng chưa từng có. Tuy nhiên, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo trước đó và tiếp tục khẳng định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 4,15 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Song OPEC giải thích dự báo trên có thể được điều chỉnh tùy thuộc diễn biến chiến sự ở Ukraine.

Trong bài viết đăng trên trang web The Conversation, chuyên gia năng lượng Scott L. Montgomery – giảng viên Trường Nghiên cứu quốc tế Jackson (Đại học Washington, Mỹ) – nhận định thật ra trước khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine ngày 24-2-2022, giá dầu đã tăng nhanh do nhu cầu tiêu thụ tăng cao và thế giới vẫn thiếu dầu do nguồn cung cấp dầu tăng có hạn. Bằng chứng là giá dầu đã tăng trên 90 USD/thùng vào đầu năm 2022.

Thông thường có bốn yếu tố có thể gây ra cú sốc giá dầu:

* Thay đổi lớn về cung hoặc cầu ở bất kỳ đâu trên thế giới vì dầu mỏ là loại hàng hóa phổ biến toàn cầu.

* Hậu quả chiến tranh và xung đột. Mọi cú sốc địa chính trị đều dẫn đến tăng giá dầu ngay lập tức.

* Tăng trưởng kinh tế nhanh tại các quốc gia nhập khẩu dầu thô chủ chốt.

* Các vấn đề xảy ra tại các quốc gia cung cấp dầu khí như xung đột chính trị hoặc thiếu đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ.

Scott L. Montgomery nhận định nói chung kết hợp hai hoặc nhiều yếu tố nêu trên sẽ dẫn đến mức tăng giá dầu đột biến tệ nhất và đó là tình hình hiện nay. Ông đánh giá năm 2022 đã hội đủ nhiều điều kiện hoàn hảo làm tăng giá dầu, trong đó có ba yếu tố chính:

* Một là nhu cầu về dầu mỏ tăng nhanh hơn dự kiến trong những tháng gần đây trong bối cảnh các nước vừa thoát khỏi tình trạng đóng cửa do đại dịch COVID-19.

* Hai là các nước OPEC+ không nâng sản lượng ở mức tương xứng và các công ty dầu đá phiến của Mỹ cũng vậy. OPEC+ còn được gọi là nhóm Vienna ra đời cuối năm 2016 gồm 13 nước OPEC và 10 nước sản xuất dầu khác (Azerbaijan, Bahrain, Brunei, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Nga, Nam Sudan và Sudan).

* Ba là các quốc gia phải dùng đến kho dự trữ dầu và nhiên liệu để bù đắp vào khoảng cung cấp bị thiếu, từ đó mức an ninh năng lượng bị giảm.

Với những diễn biến như vậy, các nhà giao dịch dầu thô có tâm lý lo ngại bùng phát nạn khan hiếm dầu nên họ đã tăng giá dầu lên. Khi giá dầu cao, người tiêu dùng thường đổ lỗi cho các công ty dầu khí và các nhà chính trị. Thật ra giá bị đẩy lên cao là do các nhà giao dịch nguyên liệu ấn định tại các sàn giao dịch chứng khoán ở New York, London và Singapore.

Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, các thương buôn dầu đánh giá khả năng xuất khẩu dầu khí của Nga sẽ bị trừng phạt nên tiếp tục đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Ngoài ra còn phải tính đến một số yếu tố bất ngờ khác. 

Một số công ty dầu khí lớn như Shell, BP và ExxonMobil đã thông báo ngừng hoạt động ở Nga. Nhiều bạn hàng cũng từ chối mua dầu thô Nga vận chuyển qua đường biển có thể vì sợ bị trừng phạt. Ngày 8-3, Mỹ và Anh đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga. 

Tuy hai nước này không phải là bạn hàng lớn của Nga, nhưng các nhà phân tích cho rằng từ lệnh cấm có thể dẫn đến leo thang vì Nga sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu dầu sang các đồng minh của Mỹ. Tập hợp các điều kiện nêu trên là bối cảnh chưa từng xảy ra trước đây.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 6: Kịch bản nào cho giá dầu sắp tới? - Ảnh 3.

Xung đột lớn ở Ukraine làm tăng giá dầu thế giới – Ảnh: PTI

Dầu có thiếu, sẽ có nguồn khác bù vào

TS kinh tế Manuel Maleki ở Ngân hàng Edmond de Rothschild (Thụy Sĩ) đã đối chiếu với các cuộc khủng hoảng dầu trong quá khứ và dự báo hai kịch bản về giá dầu tương lai.

Kịch bản thứ nhất: nguồn cung giảm, giá cao sẽ kéo dài: Đây là kịch bản từng xảy ra trong giai đoạn 1978 – 1988 kể từ cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đến khi chiến tranh Iran – Iraq kết thúc năm 1988. Giá dầu tăng mạnh từ 14 USD/thùng năm 1978 lên 42 USD/thùng vào cuối năm 1980 rồi giảm chậm và từ năm 1986 kìm giá 30 USD/thùng.

Ở giai đoạn này, tình hình sản xuất và tiêu dùng giảm trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới rất yếu. Song giá dầu lại vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu về dầu giảm từ 65 triệu thùng/ngày xuống còn 55 triệu thùng. Nhu cầu giảm nên nguồn cung cũng giảm, vì vậy Iran và Iraq phải giảm sản lượng dầu do cơ sở hạ tầng dầu mỏ hứng chịu nhiều thiệt hại chiến tranh.

Một yếu tố khác giải thích nguồn cung dầu giảm là Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác từ 10,5 triệu thùng/ngày vào năm 1981 xuống còn 2,5 triệu thùng/ngày năm 1985 nhằm hỗ trợ giá dầu…

Kịch bản thứ hai: giá tăng rất mạnh rồi quay về giá cũ nhờ tăng nguồn cung: Kịch bản này từng xảy ra trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 – 1991. Chiến sự kéo dài từ tháng 8-1990 đến 2-1991 khiến giá dầu tăng từ 17 USD/thùng lên 38 USD rồi tuột xuống trở lại 17 USD/thùng vào tháng 5-1991. Tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ bị cú sốc hạn chế ảnh hưởng với mức tăng trưởng 3,4% năm 1991.

Trong giai đoạn này, Saudi Arabia không giảm sản lượng khai thác để kìm hãm giá dầu như nửa đầu thập niên 1980, thậm chí còn tăng sản lượng rất nhiều, từ 6 triệu thùng/ngày lên hơn 8 triệu thùng/ngày nhằm hạn chế tác động chiến tranh. Với nguồn cung ứng dầu lớn từ Saudi Arabia, giá nhanh chóng được điều tiết và trở lại mức trước chiến tranh. Do đó, những bất ổn có nguồn gốc từ chiến tranh vùng Vịnh chỉ tồn tại một thời gian ngắn.

Hiện nay, các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia đã có tinh thần hợp tác ổn định, giá dầu cao hơn so với thời chiến tranh Iran – Iraq. Vì lẽ đó, TS Manuel Maleki đánh giá tình hình hiện nay cho thấy chúng ta có thể đang tiến gần hơn đến kịch bản thứ hai hơn kịch bản thứ nhất. Bối cảnh hiện nay đã khác trước vì hai lý do. 

Một mặt, các cơ sở hạ tầng dầu mỏ không bị thiệt hại như trong chiến tranh Iran – Iraq hay chiến tranh vùng Vịnh. Mặt khác, lựa chọn hạn chế hoặc không tiếp cận nguồn dầu khí Nga là lựa chọn chính trị.

Theo TS Manuel Maleki, dù nguồn dầu thô từ Nga có vắng bóng trên thị trường quốc tế, chắc chắn sẽ có lượng dầu khác bù vào nếu Mỹ và Iran đạt được một thỏa thuận về hạt nhân Iran. Iran sẽ quay lại thị trường quốc tế với sản lượng có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn và 2 triệu thùng/ngày trong dài hạn, chưa tính đến 100 triệu thùng dự trữ sẵn sàng để bán (tương đương 1/4 trữ lượng thương mại hiện tại của Mỹ).

Ngoài ra, các công ty sản xuất dầu của Mỹ chắc chắn sẽ được khuyến khích tăng thêm sản lượng để đạt hơn 11 triệu thùng/ngày như hiện nay. 

Cuối cùng, ba nước sản xuất dầu gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Kuwait có thể nhanh chóng tăng tổng sản lượng hiện nay 16 triệu thùng/ngày thêm tối thiểu 1 triệu thùng/ngày khi cần thiết. Như vậy chắc chắn nguồn cung ứng dầu rồi sẽ dồi dào hơn để kiềm chế tăng giá trong giai đoạn trung hạn.

Đồng quan điểm với TS Manuel Maleki, chuyên gia Scott L. Montgomery phân tích có thể có ba giải pháp xoa dịu giá dầu:

* Khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và dỡ bỏ cấm vận dầu thô Iran để đưa thêm dầu vào thị trường.

* Bổ sung thêm nguồn cung cấp dầu từ các nước như Guyane, Na Uy, Brazil và Venezuela.

* Các nhân tố chính tăng cường thêm nguồn cung ứng dầu vẫn là các nước OPEC với Saudi Arabia giữ vai trò chủ công và Mỹ.

************

Mỗi cuộc chiến tranh, cùng với tên lửa, dầu mỏ lại được đem ra làm vũ khí để mặc cả và “giải quyết” nhau. Bao giờ thế giới mới thoát được nỗi ám ảnh dầu mỏ?

>> Kỳ tới: Bao giờ thế giới mới hết nỗi ám ảnh dầu mỏ

HOÀNG DUY LONG

***

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới – Kỳ cuối: Bao giờ thế giới hết ám ảnh dầu mỏ?

24/03/2022 10:14 GMT+7

TTO Tạp chí Scientific American (Mỹ) nhận định ngày càng nhiều quốc gia và doanh nghiệp cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thế nhưng nhu cầu than đá và dầu mỏ cứ tăng…

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ cuối: Bao giờ thế giới hết ám ảnh dầu mỏ? - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu ở Feyzin (Pháp) trong nhóm 20 nhà máy phát CO2 nhiều nhất nước Pháp – Ảnh: actu.fr

Từ năm 1979 – 1981 trong chiến tranh Iran – Iraq, giá dầu thô nhập khẩu vào Mỹ tăng gấp đôi. Lúc bấy giờ, Mỹ đã áp dụng một số biện pháp điều chỉnh đơn giản như bán xăng dầu theo tiêu chuẩn tiết kiệm, yêu cầu giảm tốc độ xe, sử dụng nhiều than đá hơn trong các nhà máy điện, tăng ngân sách chi nghiên cứu các nguồn năng lượng tái tạo. Trong 5 năm sau năm 1979, mức tiêu thụ dầu thô ở Mỹ đã giảm gần 20%.

Trữ lượng dầu mỏ thực sự là bao nhiêu vẫn còn là con số hết sức mơ hồ bởi lẽ không có cơ quan quốc tế độc lập nào kiểm tra.

Trang web VIE-PUBLIQUE

Năm 2030 sẽ hết dầu mỏ?

GS kinh tế ứng dụng Christopher Knittel – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) – nhận xét ví dụ nêu trên cho thấy hệ thống năng lượng có thể thay đổi nhanh chóng theo yêu cầu an ninh quốc gia. Từ đầu thế kỷ 20, nhu cầu dầu thô đã tăng gấp bội. Đến nay nguy cơ thiếu dầu mỏ chắc chắn sẽ xảy ra.

Nhiên liệu hóa thạch gồm than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên được tạo thành từ thực vật và sinh vật chôn vùi trong lòng đất nhiều triệu năm, đồng nghĩa nguồn nhiên liệu này là hữu hạn và không thể tái tạo. 

Các chuyên gia Tập đoàn dầu khí British Petroleum (Anh) ước tính trữ lượng dầu đã chứng minh (trữ lượng có xác suất thu hồi cao từ 90%) trên thế giới đạt hơn 200 tỉ tấn dầu quy đổi (TOE) vào năm 2018 và trữ lượng này có thể đáp ứng 50,2 năm tiêu thụ dầu với mức tiêu thụ bằng năm 2017. 

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) xác nhận số liệu này chưa tính đến trữ lượng dầu cát (dầu lẫn trong cát) của Canada, trữ lượng Venezuela và trữ lượng các mỏ khó tính toán. Như vậy trữ lượng dầu mỏ thực tế có thể sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, trữ lượng dầu mỏ thực sự là bao nhiêu vẫn còn là con số hết sức mơ hồ bởi lẽ không có cơ quan quốc tế độc lập nào kiểm tra số liệu. Mỗi nhà sản xuất dầu thô đều tự do công bố trữ lượng ước tính, vì vậy có khi “mẹ hát con khen hay”. Ví dụ trữ lượng dầu của các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do chính các nước thành viên đánh giá chứ thực tế bao nhiêu không ai biết.

Trang web Vie-publique của Cục Thông tin pháp lý và hành chính Pháp (DILA) nhận định trữ lượng dầu hiện thời còn ít. Thị phần dầu mỏ với giá khai thác không đắt (như ở Trung Đông) ngày càng giảm dần. Từ năm 2010, IEA đã khẳng định các loại dầu thông thường đã đạt đến mức đỉnh khai thác. Bộ Năng lượng Mỹ dự báo đến năm 2030 sẽ đạt đỉnh sản lượng (đỉnh đánh dấu thời điểm sản lượng dầu mỏ bắt đầu giảm).

Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới (WEO) năm 2019 của IEA ghi nhận các vụ phát hiện mỏ dầu thông thường ngày càng hiếm. Báo cáo có đoạn: “Trong ba năm qua, số lượng trung bình các dự án mới sản xuất dầu thông thường được phê duyệt chỉ chiếm 50% khối lượng cần thiết để cân bằng thị trường tính đến năm 2025… 

Chúng tôi đã dự báo nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ phải tăng gấp đôi vào năm 2025 nhưng thật ra phải tăng gấp ba lần mói đủ bù đắp cho việc tiếp tục thiếu hụt các dự án mới khai thác dầu thông thường”.

Hiện nay, trữ lượng khai thác dầu thông thường sụt giảm được bù đắp bằng cách khai thác các loại dầu phi truyền thống như dầu cát ở Canada và dầu đá phiến ở Mỹ. Mỹ đã trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới với sản lượng gần 11 triệu thùng/ngày, vượt trên Saudi Arabia và Nga. 

Về dầu đá phiến ở Mỹ, quá trình khai thác sẽ còn kéo dài vì tiềm năng có vẻ lớn. IEA dự báo sản lượng dầu đá phiến Mỹ sẽ đạt 17 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Song điều đáng lo ngại là phần lớn các công ty khai thác dầu đá phiến làm ăn thua lỗ do chi phí khai thác dầu cao hơn nhiều so với khai thác dầu thông thường. Bởi vậy dầu đá phiến chỉ có thể được bơm vào thị trường trong giai đoạn ngắn hạn để chữa cháy.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ cuối: Bao giờ thế giới hết ám ảnh dầu mỏ? - Ảnh 3.

Điện gió nổi ngoài khơi Viana do Castelo (Bồ Đào Nha) – Ảnh: EDP

Tương lai năng lượng tái tạo rất phập phù

Dầu mỏ cần cho hoạt động kinh tế nhưng cũng là nguồn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Muốn giảm phát thải khí nhà kính xuống 45% vào năm 2030, quá trình sử dụng dầu mỏ (hiện chiếm 32% các nguồn năng lượng) phải giảm dần theo hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng phát CO2 thấp. 

Nhiên liệu hóa thạch phi truyền thống như dầu cát hay dầu đá phiến cũng tác động xấu đến khí hậu không khác gì nhiên liệu hóa thạch thông thường. Do đó về lâu dài, giải pháp lý tưởng nhất là sử dụng năng lượng tái tạo.

Có năm nguồn năng lượng tái tạo chính gồm thủy lực, gió, mặt trời, sinh khối và địa nhiệt. Các nguồn này được phân bổ như sau: sinh khối truyền thống (6,9%); các loại năng lượng tái tạo nhiệt từ mặt trời, sinh khối, địa nhiệt (4,2%); thủy điện (3,6%); các loại năng lượng tái tạo điện từ mặt trời, gió, địa nhiệt, sinh khối, khí sinh học (2,1%); nhiên liệu sinh học (1%). Tổng cộng các loại năng lượng tái tạo này chỉ đạt 17,8% tổng sản lượng năng lượng trong khi phải đạt 50% mới đúng mức.

Trang web LeLynx (Pháp) ghi nhận từ năm 2019, hầu hết các quốc gia đều đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, trong đó 166 quốc gia muốn phát triển năng lượng tái tạo điện và 46 quốc gia muốn sử dụng năng lượng tái tạo cho các phương tiện giao thông. 

Mỗi năm có 280 tỉ USD được đầu tư vào điện tái tạo và năng lượng sinh học. Con số này đã giảm từ đại dịch COVID-19. Năm 2020, tỉ lệ lắp đặt mới cho năng lượng mặt trời giảm 18% và cho năng lượng gió giảm 12% so với năm trước. Nhiều dự án về năng lượng tái tạo bị đình chỉ hoặc chậm trễ thi công như ở Trung Quốc. Báo cáo về năng lượng New Energy Outlook của Bloomberg dự báo năng lượng tái tạo sẽ đạt mức 64% vào năm 2050 trong khi đúng ra phải đạt được 95% thị phần.

Tạp chí Scientific American (Mỹ) nhận định ngày càng nhiều quốc gia và doanh nghiệp cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thế nhưng nhu cầu than đá và dầu mỏ cứ tăng. Chính vì các xu hướng mâu thuẫn như vậy nên rất khó dự báo các nguồn năng lượng trong tương lai. Chiến sự Nga – Ukraine càng làm cho dự báo thêm phần phức tạp.

GS Nikos Tsafos tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận xét chiến sự Nga – Ukraine có thể đẩy nhanh quá trình châu Âu thoát khỏi “vòng kim cô” nhiên liệu hóa thạch (châu Âu nhập khẩu 27% dầu và 41% khí đốt từ Nga). Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ đẩy nhanh lộ trình đến năm 2035 sản xuất hầu hết điện năng từ năng lượng tái tạo. Song nhiều chuyên gia lưu ý có rất ít bằng chứng cho thấy thế giới sẽ tận dụng chiến sự Nga – Ukraine để từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

GS Amy Myers Jaffe – giám đốc phòng thí nghiệm chính sách khí hậu tại Đại học Tufts (Mỹ) – nhận xét muốn cải tổ các nguồn năng lượng, châu Âu sẽ mất nhiều thời gian chứ đâu phải nay mai là có được. Xem ra niềm hy vọng vào năng lượng tái tạo còn rất lâu mới có thể trở thành hiện thực!

10 giải pháp đơn giản trước mắt

Ngày 18-3, IEA đã công bố 10 biện pháp nhằm giảm nhanh 2,7 triệu thùng dầu thô/ngày trong bốn tháng.

1. Giảm tốc độ tối đa trên cao tốc ít nhất 10km/h tiết kiệm 290.000 thùng/ngày đối với ôtô và 140.000 thùng/ngày đối với xe tải.

2. Phục hồi làm việc từ xa ba ngày mỗi tuần giảm 500.000 thùng/ngày.

3. Cấm ôtô chạy trong thành phố vào chủ nhật giảm 380.000 thùng/ngày.

4. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khuyến khích đi bộ, đi xe đạp giảm 330.000 thùng/ngày.

5. Cho xe chạy luân phiên trong thành phố giảm 210.000 thùng/ngày.

6. Đi chung xe và lái xe theo cách tiết kiệm nhiên liệu giảm 470.000 thùng/ngày.

7. Xe tải chở hàng và vận chuyển hàng hóa lái êm ái (không nhồi ga) giảm 320.000 thùng/ngày.

8. Sử dụng tàu hỏa cao tốc và đi tàu đêm thay vì đi máy bay giảm 40.000 thùng/ngày.

9. Tránh đi công tác bằng máy bay khi có giải pháp khác như họp trực tuyến giảm 260.000 thùng/ngày.

10. Sử dụng xe điện và xe ít hao nhiên liệu giảm 100.000 thùng/ngày.

HOÀNG DUY LONG

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s