
DV – 19-4-2021
LTS: Rừng bị tàn sát mênh mông. Cán bộ tha hóa đi tù vì bảo kê cho lâm tặc. Nhiều nghìn héc-ta (ha) rừng tự nhiên biến mất trong xót xa. Tất cả, dường như vẫn là chưa đủ với lòng tham và sự nhẫn tâm của không ít kẻ.
Gần đây, lại rộ lên phong trào “bứng” cây cổ thụ về trưng diện cho nhà cửa, công trình, đặc biệt là các biệt thự, resort, khách sạn để… thể hiện đẳng cấp.
Những “rừng” cây khổng lồ, có khi đường kính đến một, hai, ba mét, được cắt rễ, đánh bầu, cưa ngọn, cẩu đi, ghép mầm hoa…
Các “lão mộc tinh” được tập kết trong các vựa buôn cây khắp từ Bắc chí Nam, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm như dọc đường Láng Hòa Lạc (huyện Hoài Đức), xã Yên Bài (Ba Vì – Hà Nội), miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Dương và TP HCM…
Dưới vỏ bọc “yêu thương cây rừng”, bán cây trên vườn và đất rẫy một cách hợp pháp, người ta đã tàn sát thiên nhiên với tốc độ đáng sợ, giữa ban ngày ban mặt, giữa “ba quân tướng sỹ”.
Video: Dấu hỏi từ những “rừng cổ thụ” đứng như so đũa ở Hà Nội?
Trong quá trình điều tra, hàng chục cuộc trao đổi với chính quyền cơ sở, kiểm lâm các tỉnh, huyện về “tảng băng chìm” sau thú chơi cây cổ thụ vẫn không cho chúng tôi một bằng chứng nào đáng kể.
Quy định của Chính phủ có đủ, văn bản của Tổng Cục Lâm nghiệp về tình hình chung cũng như về các vụ lùm xùm “bứng đại thụ” đem bán cho thiên hạ trồng chơi, chúng tôi cũng có đủ. Song, vòng vây văn bản, giấy tờ trí trá của các chủ buôn luôn kín kẽ.
Loạt bài điều tra dài kỳ của nhóm Phóng viên Dân Việt đã phần nào “lật mặt nạ” các đường dây phù phép hô biến các cánh rừng cổ thụ thành cây cảnh trong vườn nhà cũng như chỉ ra nhiều kẽ hở đáng sợ từ cơ quan quản lý hiện nay.



Điều rất khó hiểu là: hầu hết các tàng cây cổ thụ được bày và bán khắp nơi, đều có giấy tờ nguồn gốc có vẻ như rất đàng hoàng. Khi chúng tôi vào vai “đại gia” đi mua cây cổ thụ, thì các đại lý “buôn thời gian” (họ bán một lúc vài trăm năm, có khi ngót ngàn tuổi của những cái cây lớn) luôn khoe: giấy tờ không thiếu gì.
Chữ ký loằng ngoằng, triện đỏ đàng hoàng, kiểm lâm xác nhận, Chủ tịch xã “đóng dấu triện”, Trưởng Công an xã cũng kí rành mạch. Họ bảo, các anh chụp lại giấy tờ đi mà nghiên cứu, đây, chữ ký và số điện thoại của chủ đất có cây ở vườn nhà họ nhé.
Đất nhà họ có sổ đỏ, đây là bản phô tô sổ đỏ đính kèm hồ sơ “cây cổ thụ”, các anh cứ gọi mà xác minh. “Các anh là công an hay nhà báo chúng tôi cũng chả sợ”, có chủ buôn cây còn nói như thách thức.

Chúng tôi gọi điện thoại thử đến các “chủ đất” bán cây, đều được xác nhận: tôi đúng người ấy tên là thế, ở xã ghi đích thị trong hồ sơ. Nhà chủ đất ở tít trong huyện Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk “một trăm phần trăm”, chả thấy dấu hiệu gì sai cả.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: đất nhà dân, sao lắm cây cổ thụ thế? Vườn nhà dân, có vài cây khế, cây ổi, cây mít, vũ sữa chứ sao lại có cả trăm cây bằng lăng (cây săng lẻ) cây nào cũng khổng lồ, có khi đường kính cả mét, thân trắng ngà, thăn thớ rất gợi cảm thế này?
Khi bà con được giao một mảnh đất để quản lý, chăm sóc, ví dụ giao mới chỉ 10 năm, 20 năm, trong khi rừng của trời đất, của đất nước ông bà đã có từ thượng cổ.
Cây cổ thụ vài trăm năm đến cả nghìn năm (rừng pơ mu ở Quảng Nam, chuyên gia nước ngoài đã “đếm vòng tuổi” và xác định “các cụ” hơn 1.800 năm tuổi!) ở trên đất đó, người dân có trồng đâu mà tự do bán như kiểu bán cây keo hay cây bạch đàn do mình trồng nên?

Đấy là chưa kể, các biên bản xác nhận “cây ở rẫy”, rồi các tờ viết tay “tôi có cây tôi bán” đều là thứ quá dễ dàng để có thể xác nhận khống. Kể cả hồ sơ nguồn gốc cây do kiểm lâm và chính quyền “ký” đúng với thực tế khách quan đi nữa, cũng có thể thành “bức bình phong” để người ta lợi dụng.
Một “hồ sơ” được cấp, sẽ đem quay vòng cho cả trăm cây cổ thụ, hoàn toàn có thể biến thành “con bài” để “rửa nguồn gốc” cho cây rừng tự nhiên khi đem bán buôn, vận chuyển, trưng bày.
Điều này đã xảy ra với các trang trại nuôi động vật, các vụ mua gỗ nghiến bán đấu giá (mà Dân Việt đã điều tra, đăng tải).
Chỉ cần mở một trang trại trên giấy, mua hồ sơ một vụ bán đấu giá gỗ tang vật vi phạm, thì từ đó về sau, các đối tượng thả sức: bắt thú rừng về nói là trang trại nhà mình vừa sinh sản ra, chặt gỗ nghiến rồi nói là gỗ này có được nhờ mua đấu giá từ… 10 năm trước.
Lý do đơn giản: con người ta có dấu vân tay, có gương mặt chẳng giống ai (ID), ô tô xe máy có số khung số máy – còn gốc cây bứng từ rừng, chỉ có cái tên giống loài chung chung. Kèm thêm sự mô tả qua loa áng chừng về đường kính gốc, chiều dài thân.
Các đối tượng “tung hoành” phù phép hồ sơ giấy tờ cho các lão mộc tinh vô tư. Chiêu trò này chúng tôi sẽ vạch mặt đích thị ở phần sau.

Chúng tôi đã “vào sâu” hơn với những giao dịch như thật cùng các chủ buôn. Một chủ vườn ươm cây đại thụ to lớn ở cuối đường Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) thừa nhận: 100% cây này là đào từ rừng, từ ngoài tự nhiên về. Có khi ở Quảng Nam, Tây Nguyên, có khi ở tận Đồng Tháp, chúng em đi từ Bắc chí Nam để tìm.
“Thường thì bọn săn cây nó tìm được, nó chụp ảnh gửi qua zalo, bọn em thích dáng nào, cây loại nào, giá bao nhiêu, thỏa thuận xong là chuyển khoản.
Thợ đi đào cây, vận chuyển về nhà họ, ươm ở đó, chờ lo giấy tờ vận chuyển ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn. Tùy! Tất nhiên, hỏi lo giấy tờ kiểu gì, thì chẳng ai tiết lộ cả” – người này thẳng thắn trao đổi với chúng tôi.

Các chủ kinh doanh cây cảnh đại thụ từ Bắc vào Nam, từ các “thủ phủ” ở Hà Nội vào Tây Nguyên, tụt dốc xuống Quảng Nam, vào chút nữa tới Bình Định, đều cho biết: giới chơi cây cảnh cổ thụ có sự dịch chuyển rất “thời thượng”.
Thay vì chỉ sưu tầm cây ổi, cây sung, cây si, cây mít, cây bồ kết, cây khế to lớn, dáng đẹp như lâu nay. Giờ các thợ săn cây tỏa đi khắp cả nước tìm kiếm, gạ mua bán, rồi chụp ảnh “con mồi” gửi báo cáo với các chủ buôn – tất tận chủ yếu xoáy vào lùng tìm cây bằng lăng, cây giáng hương, tức là các cây không chỉ ở vườn nhà dân, “thân thuộc” với các nông hộ nữa.
Gỗ giáng hương quý và đắt đỏ. Cây bằng lăng là cây rừng khá đặc trưng. Thịnh hành nhất là các cây bằng lăng cổ, thân đẹp, u mấu, vỏ cây mốc thếch, có cây vỏ cây như da cá sấu được coi là “siêu cây”. Đường kính cây từ 50cm đến 1m rất thịnh hành.
Ngọn cây bị cắt, từ gốc lên chỉ để lại vài mét chiều cao. Tuyệt đối họ không mua cây bằng lăng bị rỗng ruột (gọi là cây bọng) hay các bánh rễ của nó bị mục.
Lý do họ thịnh hành và “truy sát” bằng lăng ngoài tự nhiên dã man như bây giờ: là vì cây này “mang vẻ đẹp đặc trưng” của rừng tự nhiên. Đặc biệt, gỗ bằng lăng khá dễ tính, giúp cho việc cấy các loài tường vi Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan và Thái Lan vào rất thuận lợi.

Sau khi cấy, cây tường vi dễ ra hoa, hoa chơi bền và đẹp đến đôi ba tháng ròng. Kĩ thuật ghép mắt cây, mắt hoa, kĩ thuật làm đẹp “da cây” được sự hỗ trợ đặc biệt của các loại thuốc nhập từ Trung Quốc, khiến cho nhiều đại gia “trọc phú” mê mẩn vườn cây bằng lăng cổ thụ nở hoa tím bát ngát trong… vườn ươm của đầu nậu.
Hoa tím trùm kín ngọn của cây gỗ lớn cao vài ba mét. Gờ rễ, rãnh thân, mấu cây, vỏ cây, tất cả đều gợi người ta nghĩ về rừng già trăm năm, về vẻ đẹp phong trần thăn thớ của đại ngàn hoang vu. Phong trào “đào tận gốc, trốc tận rễ” cây bằng lăng ngoài tự nhiên cứ thế được đẩy lên đến đỉnh điểm. Mẹ Rừng đỏ mắt khóc thương!
Một người chuyên buôn cây cổ thụ ở Hà Nội dẫn chúng tôi đến thăm “vườn ươm” rộng hàng nghìn m2 ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Chắc hẳn bất kỳ ai lần đầu tiên đến đây cũng vô cùng bất ngờ và choáng ngợp bởi hàng trăm cây bằng lăng cổ thụ, có đường kính trung bình từ 0,5m -1,5m đứng như so đũa.
Giữa thủ đô lại có một “rừng” bằng lăng như vậy. Chỉ có điều là tất cả các cây đều bị chặt ngọn, cắt cành để dễ vận chuyển từ nơi khác đến đây “tạm trú” trước khi được “nhập khẩu” tới tay người chơi.
Ông chủ tên B. giới thiệu: “Những cây gỗ bằng lăng này có nguồn gốc từ Nghệ An đổ vào Quảng Nam, vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tất cả đều có giấy tờ hợp pháp, vừa rồi đã có người đặt 20 cây, mỗi cây 100 triệu đồng sau khi ghép tường vi hoa tím”.
Ngoài cây bằng lăng vườn của ông B. còn hàng chục loại cây ăn quả cổ thụ khác.
Ông B. cho biết những người mua cây của ông chủ yếu là đại gia, người có tiền, có chức vụ, địa vị xã hội chứ dân nghèo ai chơi…
***

Video: Cách “khai sinh hồ sơ” cho cây cổ thụ có tuổi đời trăm năm

Chúng tôi đi theo “đơn hàng” vào khu vực ven thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Thật bất ngờ trước các “rừng” cây cổ thụ ven Quốc lộ 14 (cũng là đường Hồ Chí Minh). Nhưng, sự “hoành tráng” đó vẫn chỉ là mặt tiền trưng bày thôi.
Càng đi sâu, càng thân thiết, họ càng tiết lộ các “vườn ươm bí mật” khiến bất cứ ai cũng phải xót xa cho việc “bứng rừng” về, đẵn bỏ ngọn và thân (chỉ giữ lại độ 3-7m chiều cao), rồi dùng xích sắt trói buộc, cẩu gốc cây lớn đem đi ươm, “linh hồn của rừng già” sống lắt lay, có khi chết rục, mục ruỗng ở xó vườn nhà thương lái.
Chủ vườn thẳng đuột: “Xem các cây trị giá cả trăm triệu trưng bày ở rìa đường nhựa kia là được rồi. Chu vi gốc mấy người ôm. Bộ rễ và thân cây kì lạ chưa? Cổ thụ đến thế còn… muốn đến đâu nữa! Vì sợ anh là công an kinh tế hay nhà báo điều tra, nên tôi chưa cho xem….”.
Thế nhưng, bên trong các vườn ươm đại thụ bí mật, sự thật khốc liệt hơn nhiều.

Các chủ vườn cây cũng thẳng thắn đưa ra hết giấy tờ nguồn gốc các cây cổ thụ. Hồ sơ nào cũng có vẻ hợp lệ. “Đều như vắt chanh”, sổ đỏ chủ đất, đơn trình bày về việc bán cây trong vườn của ai đó, xác nhận của cán bộ cơ sở về điều này.
Những ông chủ toàn số điện thoại được dân “mê tín” coi là siêu đẹp, vườn ươm cây cổ thụ thì mênh mông toàn những loại cây vừa to về đường kính gốc, vừa muôn hình vạn trạng về thế cây, vừa được ghép đủ loại ti-gôn đang nở hoa tím rồi ướp ủ bao nhiêu là thuốc “dưỡng da cây”, “kích thích nảy mầm ra lá”, truyền dinh dưỡng cho cây.
Hình ảnh trớ trêu và đáng ngơ ngác nhất là các cây cổ thụ đứng như các chiến tướng vạm vỡ (đường kính 50cm đến hơn 1m, có khi gần 3m), nhưng tất cả đều “cụt đầu”. Trên đỉnh của “cây” bị cắt cụt, bao giờ cũng có những người thợ đang ghép mầm các cây hoa vào để chúng “sống kí sinh” trên đó.

Người chăm sóc “vỏ” cây để tạo hình, đồng thời ghép hoa lên cây như thế, họ cho biết: mỗi ngày được trả công 500 nghìn đồng. Nhưng nghề này nguy hiểm, vì suốt ngày như con khỉ leo trèo dọc thân cây siêu to khổng lồ, đỉnh cây đã bị cắt cụt, giữa cái nắng nổ nứa của Tây Nguyên.
Một cây cổ thụ chắc khỏe và đẹp như thế, bán giá khoảng 30 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng (có khi cả tỷ đồng), nên các nghề đào cây, cẩu cây, chăm sóc cây đều theo đó mà “có đồng ra đồng vào”.
Tại “vựa” cây Phượng Huỳnh, ven thành phố Pleiku, dọc Quốc lộ 14 từ Gia Lai đi Kon Tum, có một bà chủ trẻ đẹp lái ô tô láng cóng đón chúng tôi. Phố ồn ào. Xung quanh, xe cẩu chạy ầm ầm, cẩu các cái cây vĩ đại làm tắc cả một đoạn đường.
Bà chủ răng gắn đá quý lấp lánh, trong tủ đông bán đủ loại cầy cáo, lợn rừng; ngoài vườn thì bát ngát cây cổ thụ, số điện thoại quảng bá gắn đỏ các gốc cây.
Trên zalo để công khai giao dịch bán hàng: đủ loại cây khổng lồ, chủ yếu là cây bằng lăng. Nhiều cây to như “cột chống trời”, xe cẩu lớn đánh vật, buộc xích lớn cẩu về “vườn ươm”, cẩu ra khỏi các quả đồi, các thung lũng, cẩu từ vườn đi bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Phượng công khai tất cả, vì Phượng tin là mình có đủ hồ sơ hợp lệ.

Phượng tiết lộ: “Em có rất nhiều các bộ hồ sơ mua cây từ rẫy nhà người ta. Xếp đầy trong tủ. Anh mua bao nhiêu cây, cẩu lên xe, em lo giấy tờ, bao sống (tức là cây chết được đền – PV), em lo cả xe tải đi nghìn rưởi cây số (1.500km) ra Hà Nội cho anh.
Ngoài đó họ mua cây của em ầm ầm. Anh cứ chọn cây, em ngó xem cây đó to hay bé, ước chừng vừa hồ sơ nào em đưa cho anh cái hồ sơ đó. Cả núi hồ sơ”.
Nói rồi, bà Phượng cùng chúng tôi vào nhà, bà ôm trong tủ ra một sấp hồ sơ nặng cả chục kg các loài giấy tờ. Từ bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến bảng kê lâm sản, đơn xin khai thác viết tay, đánh máy hoặc mẫu sẵn theo quy định của Nhà nước.
Theo bà Phượng, với những “hồ sơ” vừa mới được khai sinh này thì gỗ cổ thụ của bà có thể đi bất cứ nơi đâu mà không bị bắt giữ, xử phạt hay vi phạm pháp luật Lâm nghiệp.

Cũng tại tỉnh Gia Lai, khu vực gần núi Hàm Rồng có một “vườn” cây cổ thụ rộng cả ha, bên trong trồng hàng trăm cây cổ thụ các loài, xe cẩu ra vào vận chuyển, công nhân chăm sóc, tưới tắm nườm nượp.
Ngược tiếp quốc lộ về phía cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ – Gia Lai), đoạn qua huyện ChưPrông hai bên đường nhiều vườn ươm bằng lăng cổ thụ với đủ kích cỡ và thế dáng như đang cúi đầu chào khách vào mua hàng. Tìm hiểu của PV, tất cả cây cổ thụ đều được chuyển từ nơi khác đến vườn nhà có sổ đỏ để ươm trước khi bán.

Cách đó không xa, tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, một người đàn ông tên N. (SN 1984), một chủ đào và buôn cây bằng lăng cổ thụ lâu năm, nói thẳng: “Cây em bứng từ rừng về. Dùng xe chở mang về đây, là thành cây trong rẫy của em. Em có sổ đỏ. Mai anh mua, em nhờ kiểm lâm địa bàn và cán bộ xã chứng nhận em bứng cây vườn nhà bán cho anh. Thế là xong.

Khi những người có chức năng xác nhận đến cho họ mấy xị (mấy trăm nghìn) thì càng vui. Anh mang cây ra Bắc, ai thắc mắc bảo họ vào đây kiểm tra xác minh, hố em bứng cây bán cho anh vẫn còn đầy đây này. Trưa nay em mời kiểm lâm đến nhà em ngồi nhậu với anh, để cho anh tin là bọn em làm hồ sơ ngon thế nào”.
Chúng tôi đã có mặt trong bữa tiệc đó, lời N. nói không sai tí nào. Một cán bộ kiểm lâm địa bàn cũng xác nhận với nhóm PV về lời N., nói và bày cách cho PV đưa gỗ từ Tây Nguyên ra Hà Nội mà không bị thu giữ…
Vị cán bộ kiểm lâm còn nói: “Các anh cứ yên tâm, em đảm bảo với các anh là chuyển cây cổ thụ ra Hà Nội được, chỉ sợ không có cây mà chuyển. Xưa nay người ta vẫn chuyển ầm ầm, nếu không muốn dễ bị phát hiện thì để cây trong container, xe đầu kéo phủ bạt kín, khi bị kiểm tra thì nói của người này, người kia… là đi được hết”.
N., ngồi trên tấm phản gỗ có giá hàng trăm triệu đồng, phía sau là những tờ lịch của ngành kiểm lâm tặng được treo trang trọng trên cột nhà bằng gỗ, chỉ tay vào những bức tượng gỗ để quanh nhà từ nóc tủ đến cửa sổ.
N. nói: “Gỗ ở rừng là của rừng, nhưng khi về đến nhà mình là của mình, nhà em còn có cả xưởng gỗ, sau chế tác gỗ thành phẩm bày bán ngoài mặt đường Hồ Chí Minh. Những cây bằng lăng cổ thụ cũng thế, về đến vườn nhà mình, trồng vào đó, có sổ đỏ các anh kiểm lâm ở đây xác nhận là chuyển được.
Nhưng nói thật là anh chưa mua thì cây chưa có giấy tờ gì cả đâu nhé. Anh mua em mới làm hồ sơ”.
Rồi N., nhìn các anh kiểm lâm cười khềnh khệch.

Theo tìm hiểu của PV, pháp luật quy định chỉ được bán cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ do tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tự gây trồng và cây có nguồn gốc nhập khẩu kinh doanh.
Đó là nguyên tắc xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ tại Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 39/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2012.
Văn bản trên cũng nêu rõ, hồ sơ vận chuyển, cất giữ, kinh doanh trong nước đối với các loại cây cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán, nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên của tổ chức xuất ra đều phải có hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại hoặc UBND cấp xã.
Trường hợp do cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra phải có bảng cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của UBND cấp xã.
Cây cổ thụ bao gồm những cây thân gỗ có cả rễ, thân, cành, có hoặc không có lá; có độ tuổi trên 50 năm hoặc đường kính thân cây tại vị trí 1,3m từ 50 cm trở lên. Cách nhận biết được tuổi thọ của cây dễ nhất là khoan ở vị trí cao 1,3m rồi đếm vòng là biết cây đã “sống” được bao nhiêu “tuổi đời”.
***

Video: Theo chân “lão mộc tinh” về vườn ươm của chủ buôn

Các “phù thủy” hô biến nhiều cánh rừng, nhiều hàng cây cổ thụ đẹp mê hồn ven sông suối, ven các đồi nương và thung lũng thơ mộng đã dùng thủ đoạn gì?
Tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, nhóm PV được một thợ buôn gỗ dặn: muốn vào vai “đại gia”, phải nắm đúng được cách mà dân buôn cây cảnh đại thụ quan niệm thế nào là đại gia.
Xe ô tô đẹp, bụng phệ, ăn nói nhênh nhang một tí; và phải có thơ ký đi sau ghi số tài khoản của chủ buôn để sớm chuyển khoản “cọc tiền”. Chú lái xe phải xăng xái lo cho ông chủ, ông chủ chỉ ngắm cây và tung ra những nhận xét trên trời.
Quả nhiên, theo kế hoạch trên, các chủ cây mới vừa dè dặt “nói không” với vài thành viên trong nhóm chúng tôi, lập tức thay đổi thái độ “gọi dạ bảo vâng” ngay.
Chúng tôi lái xe đi rà rà dọc quốc lộ 14, cũng chính là Đường Hồ Chí Minh huyền thoại từ Đà Nẵng qua Quảng Nam lên Kon Tum rồi ngược phía Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Thấy một xe máy cày càng (công nông) nổ phành phạch đinh tai nhức óc, càng xe nghều ngào như con gọng vó cứ lừng lững lao đi, bất chấp mọi quy định về an toàn giao thông. Thùng xe là một bậc đại thụ bằng lăng bị bứng cả gốc với bầu đất to tròn được bọc bằng lưới thép B40.

Cây bằng lăng bị chằng buộc nằm dọc thùng xe, da cây trắng ngà, thân thăn thớ. Nước thời gian gội cho đại lão bằng lăng thật uy nghi hoành tráng. Tiếc thay, chúng đã bứng cụ từ rừng về, chặt gần hết rễ, thân của cụ cũng cụt lủn còn độ 5m. Đó là quy cách phổ biến của cây cảnh cổ thụ hiện nay.
Người ta chơi gốc cây to, thân cây lớn cắt chỉ còn vài mét tính từ gốc. Rồi trên đỉnh của cây khi trồng, họ sẽ ghép các loại hoa tường vi trong và ngoài nước vào.
Mùa đến, hoa tím thủy chung nở miên man. Tường vi ngoại nở rất bền, sau hoa thì tàn chứ không ra quả. Hoa rụng lứa nọ thì lứa kia lại lên. Đó là lý do cây bằng lăng có thân chắc nịch, thăn thớ, u mấu, “da” đẹp bị cạo trọc, vét nhẵn ngoài thiên nhiên hoang dã.
“Nhắm” trúng con mồi khả nghi, chúng tôi lập tức áp sát, mở cửa kính xe, cố làm ra vẻ cả nhóm đang thi nhau chụp ảnh bằng smart-phone đắt tiền. Tỏ ra thích thú, tôi – ở tuổi trung niên tóc bạc – hất hàm thò đầu ra khỏi xe, hỏi vài câu trịch thượng: “Này, các chú em, cây đẹp đó, có bán thì ta mua”.
Rất bất ngờ! Thay vì xuống xe hỏi han, phát giá, chiếc máy cày càng gục gặc rồ ga lên, tỏ vẻ hơi sờ sợ. Trên xe, từ tài xế đến phụ đều nhìn ngược nhìn xuôi, quan sát các máy đang chụp ảnh, rồi vẫy tay ra hiệu “im lặng”.
Chúng tôi kiên nhẫn đi theo, vẫn nói những câu trịch thượng: “Cây đẹp, chúng mày không bán, đem làm củi nấu bánh chưng nó phí ra”.
Nhóm đào và vận chuyển đại thụ vuốt mồ hôi, ra hiệu cho chúng tôi bám theo vào một con đường đất đỏ mà xe bán tải hai cầu đời mới nhất cũng vô cùng chật vật để bò qua các ổ voi ổ khủng long được.

Đi vài cây số, cu cậu vẫn ra hiệu đi theo. Thấy chúng tôi ngần ngừ. Cu cậu đen nhẻm từ máy cày càng nhảy xuống, ra sát mũi xe, lễ phép: “Bác mua cây ạ? Đi theo cháu. Ngoài đường này không tiện nói chuyện”.
Đi khoảng 15 phút thì đến một khu ruộng lúa kèm theo vườn điều, dốc dác kinh người. Máy cày lướt trên cỏ, trên các nương khô cằn cỗi toàn cây chết khô. Bên kia tắt máy. Tôi mở cửa.
Hóa ra là một khu tập kết cây cảnh đại thụ về “ươm” tạm của họ. Mọi giao dịch qua zalo hình ảnh rồi chuyển khoản. Xe cẩu đi qua nương rẫy, bò vào đây, buộc dây xích sắt lớn, “cõng” cây đi từ Bắc chí Nam.

N. là chủ khu “vườn ươm đại thụ” có dáng thon gọn, rắn rỏi như con báo, quê gốc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang giới thiệu: “Nhà tôi ở gần Khu bảo tồn Thiên nhiên Khe Rỗ đấy, trước tôi là kiểm lâm, thả hàng nghìn con rùa tang vật các vụ buôn bán lậu vào Khe Rỗ, chú ạ”.
Sau này kết thân, đến nhà N. ở xã Ea H’leo chơi, bố N. khoe: “Thằng cu nhà tôi nó ở trên rừng suốt, có khi ba ngày mới về. Nó đào cây cảnh mà”.
N. tuổi 8x, vợ con đề huề, nhà to, toàn bằng gỗ quý, lại có cả xưởng gỗ chuyên chế tác nhà gỗ để bán, ngay ở xã Ea H’leo. Những bộ sập gỗ mà N. đang trưng bày và làm chỗ mở tiệc đãi khách ở trong nhà, có đường kính gần 2m.
“Khi mua về, hơn ba chục thợ làm gỗ của em mới khiêng được sập này vào. Em phải tháo cả khung cửa nhà ra mới khiêng lọt vào cơ mà”.

N. có tài sản lớn, quan trọng hơn, cậu là dân buôn gỗ lâu năm, nên có quan hệ tốt với kiểm lâm và chính quyền sở tại. Khi phong trào đào tận gốc trốc tận rễ các cây bằng lăng cổ thụ rộ lên, sẵn nong sẵn nế, N. chớp thời cơ làm luôn.
Cây bằng lăng cổ thụ ở sân nhà N., qua công nghệ ghép tường vi tím xuất sắc của mấy cậu đàn em N., nay, đã nở hoa. Cậu đưa chúng tôi về nhà và khoe. Khoe cả cao hổ nấu nguyên con, “chung chơi” với bạn bè.
Tại nương “ươm” các cụ đại thụ bằng lăng của N., câu chuyện bắt đầu, chúng tôi ghi hình bí mật toàn bộ. N. nhanh thoăn thoắt, điều khiển công nông vượt núi, đào hố ươm cây, buộc xích sắt cẩu cây, trèo thang cao ghép mắt tường vi vào các “bằng lăng lão mộc tinh”.
Có lúc, cậu ngồi trong hốc cây cảnh cổ thụ đang đứng uy phong trong vườn ươm nhà mình mà dốc bầu tâm sự với “đại gia” đang sắp vung tiền mua cả công-ten-nơ đại cảnh mang ra Hà Nội “trồng” vào trang trại của tôi – trong vai con một “đại gia” đương chức, “cụ ông” không muốn ra mặt mua hàng.

N. nói: “Anh thông cảm. Lúc nãy, bọn em không dám nói chuyện ở ngoài quốc lộ, vì người dân và cán bộ nhìn vào. Cây bằng lăng này vài chục triệu đồng, bọn em đào ngoài rừng về. Vừa đánh, vừa khiêng, vừa cẩu, vừa chuyển bằng máy cày càng, hiểm trở lắm. Mất 3 ngày mới về được đến đây. Còn chưa tắm rửa gì.
Cây này chưa có giấy tờ gì, nếu không phải là em vận chuyển thì kiểm lâm “nó” bắt ngay từ dọc đường. Cán bộ lâm trường họ bắt ngay từ khi mình ra rừng đào trộm. “Phải quan hệ hết!”.
Phải về đến vườn thì mới là cây của em. Đất này em có sổ đỏ. Coi như cây vườn nhà em, em bứng đi bán. Em làm giấy tờ bán, xác nhận là cây của mình. Bảo thêm mấy thằng “địa bàn” (kiểm lâm địa bàn), với Chủ tịch xã hay Công an xã ký chứng nhận vào, đóng cả dấu vào là xong!”.
Nói rồi, cu cậu đi về nhà tắm.

***


Trở lại câu chuyện với N., ở bài trước, lúc hàn huyên, tôi hỏi, có phải mất tiền cho các chữ ký xác nhận không. N cười: “Mấy xị một người là xong” (xị: trăm nghìn – PV).
Đi dọc đường ra Hà Nội cũng thế. Có khi em là chủ cây, ngồi trong xe tải chở cây ra, bọn lái xe nó làm “thủ tục” khi bị kiểm tra, em chả thèm bước ra. Coi như mình là đứa phụ xe thôi, chứ mình bảo mình là chủ, ra ngoài họ lại “a li mơ mơi” (đòi tiền – PV)”.
Vậy là: từ cái cây trong rừng, trong rẫy, cây của tự nhiên, tài sản của công cộng, chỉ cần bứng về vườn nhà ai đó, đào cái hố, cắm nó xuống là xong.
Lúc đó, thả sức hợp thức hóa giấy tờ, xin chữ ký, dấu triện của cơ quan chức năng địa phương bán đi khắp cả nước, thu bộn tiền.
Sự thật là N. và nhiều người đã làm thế. Chính họ thừa nhận và kiểm tra giấy tờ các cây đại thụ mà họ bán, chúng tôi cũng thấy y như vậy.

Tỏ ra nghi ngờ, khi bỏ ra ngót tỷ đồng mua mấy cái gốc cây cụt ngọn, lại chặt bỏ hết rễ rồi, chả biết chúng sống chết ra sao, tôi cứ bắt “kế toán” xin số tài khoản của N. rồi liên tục thắc mắc, ra chiều “quyết giao dịch”.
“Song đồng tiền xương máu nên phải dò cho ra ngọn nguồn lạch sông chứ”, tôi kéo áo N. ra một góc: “Tiền của anh là tiền tử tế, không phải của ăn cướp được, nên chú đừng đùa. Đưa giấy tờ anh xem, mua luôn, bằng không, đi qua hàng chục tỉnh thành ra Hà Nội, nhỡ công an, kiểm lâm họ bắt thì anh “mất chức” vì mấy cái gốc cây nấu bánh chưng này à”.
N. nhìn tôi, tỏ ra cảm kích vì sự thẳng thắn của “quan anh”.
Trong khu vực, người ta còn đào cả các cây trắc, giáng hương cổ thụ đi bán, có cây vòng gốc vài người ôm mới kín. Có cây “to huyền thoại” bị bứng về một vườn cây đầu thành phố Pleiku, đường kính gốc của nó tới vái mét.
Người ta nhìn vào, sững người như gặp một bức tường là thân cây gỗ tự nhiên nghìn năm tuổi. Cụ đến từ huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Sung là cây đang không “thời thượng” như bằng lăng, nên chủ vườn “chỉ” hét giá “có” 250 triệu đồng cho “tòa thiên nhiên” đó. Chủ vườn cũng tự tin như theo lối cũ: cây đào về chôn ở vườn của tôi, thì nó là của tôi rồi, hích bán cho ai thì bán.

Anh bạn N. mà chúng tôi gặp ở Ea H’leo hôm nay chủ yếu kinh doanh bằng lăng. Bởi, theo phong trào, các thợ săn cây sanh, si, lộc vừng, duối, mít, ổi trong dân và trong rừng đang dần… thất nghiệp, vì sức mua giảm.
Họ đổ dồn vào săn cây bằng lăng và cung cấp cho các vựa tập kết bằng lăng cổ thụ “trắng lốp” các cung đường Tây Nguyên.
Nếu nói, nơi nào có mật độ bằng lăng cổ thụ đứng chen chân, ken dày, điệp trùng như so đũa, cây nào cũng khổng lồ, đường kính gốc lên cả mét và vài mét, thì chắc chắn kỉ lục đang nằm ở Tây Nguyên, Bình Định và… Hà Nội.
Cây bằng lăng được coi là có dáng, thế, thân cổ thụ đẹp nhất, thường đến từ các huyện Phù Cát, An Lão, Hoài Ân của tỉnh Bình Định, thợ săn ở đây nhiều, con buôn chỉ việc ra “đầu bài”, người giải sẽ lùng sục cả ở ven biển, cả trên rừng núi, chụp ảnh cây và thỏa thuận giá cả rồi đào cây cho lên xe cẩu để “giao dịch” thôi.
Mấu chốt vẫn là các kẽ hở trong quản lý. Theo tài liệu của chúng tôi, kể cả các tiết lộ của kiểm lâm khi “nhậu” với người buôn bán cây cảnh, đều cho thấy: người ta biết “lỗ hổng chính sách” nên lách luật, mấy bên cùng có lợi.


Một “trùm buôn đại thụ” ở tỉnh Đắk Lắk tiết lộ: “Em là dân buôn gỗ, nhiều cái nội dung các ông ở địa bàn không xác nhận được. Cả công-ten-nơ gỗ chứ đâu phải đùa. Em gọi điện cho họ, tạo điều kiện cho em làm ăn tí, họ bày cho cách lách luật.
Còn các cây cổ thụ này dễ hơn. Em xác nhận cây bằng lăng đã ghép này là của nhà em. Đất có sổ đỏ photo kèm theo. Có kiểm lâm và Chủ tịch xã hoặc công an xã xác nhận. Cái này em quen biết, trưa nay em mời họ đến nhậu cùng cho anh chứng kiến họ nói thế nào và đồng ý ra sao.

Lúc anh chuyển cây ra Hà Nội, em vẫn để hố đào gốc cây nhổ đi bán tại vườn. Ai vào xác minh thì cho họ xem. Họ gọi vào số điện thoại “chủ vườn bán cây” em xác nhận là đúng. Mà kể cả lúc đó em đang đi theo xe giao cây cho anh, ở nhà vẫn có người đi… đào hố giả để cho họ kiểm tra mà. Em hợp pháp hóa được hết”.
“Nhiều khi các cây to này bọn em đào ở trong khu vực lâm trường người ta quản lý. Phải quen biết và “đi lại” cảm ơn người ta. Chứ cũng không đến mức vào đào cây xong làm phong bì em đưa tiền cho bác. Em ghép vào chùm hoa nó to bằng cái đĩa, màu tím, nở hai tháng mới tàn. Chỗ em bán rất rẻ, cây này chỉ có 25 triệu đồng, vì bọn em đào được và bán giá mềm để anh còn quay lại chứ”, chủ buôn tiết lộ.
“Làm nó phải có cửa. Công nhân nhà em rất đông, giả sử anh mua cây của họ, cũng không bao giờ anh vận chuyển đi được. Em quen với kiểm lâm. Có khi xuống tận đây, tận vườn nhà em ký xác nhận cho em, chứ em cũng chẳng phải đi đâu.
“Ngay cả việc vận chuyển cây từ đâu ra Hà Nội, qua chốt chặn anh cứ ngồi im, em cũng thế. Bảo mình là đứa làm thuê. Vì bọn vận chuyển nó phải lo hết trọn gói chứ. Hồ sơ cây họ đã “xác nhận” giúp mình rồi. Chứ mình nói là chủ cây, xuống là bọn nó lại “cò cuốc lung tung” (xin tiền – PV)” – người này tiếp tục kể.

Để làm rõ hơn về trò phù phép cây cũng như các kẽ hở tàn sát rừng công khai mà nhiều đối tượng đang lợi dụng chính sách hoạt động bát nháo hiện nay, chúng tôi tiếp tục đi dọc Quốc lộ 14 sang tỉnh Gia Lai.
Một chủ gỗ ở đường Phạm Văn Đồng, đầu thành phố Pleiku nói thẳng: “Chúng em đi mua. Cây nào cũng có hồ sơ khi bán. Cứ bộ nào có kích cỡ gỗ gần giống nhau là thả vào.
Ví dụ, em có 10 bộ trong tủ, khi vận chuyển đem cả đi. Khi bị hỏi, giơ ra là xong. Cứ có gỗ và có hồ sơ là được. Tất nhiên, cần tránh: trong bộ hồ sơ (gồm sổ đỏ của khu đất được coi là có cây cổ thụ mà chủ muốn bán, kèm giấy xác nhận có chữ ký của “người bán”, xác nhận của cán bộ xã sở tại) ghi rõ “10 cây bằng lăng đường kính từ 70cm đến 1m” mà gỗ mình cho lên xe cẩu đem ra Hà Nội, vào Sài Gòn lại là cây có đường kính 2m… là không được”.
“Cũng không nên để tình trạng này: biên bản ghi mua gỗ từ rẫy của người A, gỗ có chiều dài 4m tính từ gốc đến ngọn (sau khi đánh cây thì chặt cụt ngọn), nhưng lúc vận chuyển thì thân gỗ lại dài 8m.
Làm sao từ lúc bứng cây ở rẫy lên, ươm ở vườn, vận chuyển đi mà cây cổ thụ cao thêm cả mấy mét, đường kính lại to ra mấy chục xăng ti mét được. Còn đâu dài ngắn to nhỏ cứ tàm tạm ang áng là ok hết” – Chủ một vườn ươm nói.
Để chứng minh cho nhóm PV những lời nói của mình là đúng. Chủ vườn ươm xỉa ra cả núi hồ sơ, lem nhem sổ đỏ phô tô, chữ viết của “nông dân bán cây ngoài rẫy” thì rất bí ẩn.
Tóm lại, hồ sơ thả sức phù phép, lấy bộ nó đính vào bộ kia, một bộ quay vòng thoải mái. Chủ đất chủ cây thì bịa ra như chủ buôn tên là N. ở Ea H’leo đã phân tích ở trên, một người có thể đứng tên bán một vạn cây, cứ ai gọi đề nghị xác nhận “truy xuất nguồn gốc” gỗ là “nhất trí”, “đồng ý”, “đúng là tôi”. Xong!
(Còn tiếp)
***

Video điều tra: Cây cổ thụ “tài sản quốc gia” bị rao bán thản nhiên như cây vườn nhà
Cả một phong trào, họ đi “đào tận gốc, trốc tận rễ” các loại cây khổng lồ, vận chuyển chúng từ ngoài rừng, ngoài tự nhiên tươi đẹp; họ chặt ngọn, cưa thân, băm rễ cây, lấy độc một khúc thân trụi thùi lụi, gom về các vườn ươm.
Rồi sự “tiếp tay” của không ít kẻ tha hóa, gỗ rừng được hợp thức hóa, “rửa nguồn gốc” nhằm buôn bán bất hợp pháp khắp các tỉnh thành với số lượng cực lớn…
Gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà: Xử lý ra sao?
Đã có chuyện, một số lãnh đạo xã gửi thông tin cho chúng tôi, kêu cứu cho số phận thê lương của các cây cổ thụ tạo bóng mát, tạo cảnh tuyệt vời của quê mình.
Và, chỉ vì không ăn hối lộ, không “ký giấy tờ” cho việc đào gốc, cắt trụi, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp tài sản công dưới dạng các “lão mộc tinh”, mà cán bộ địa phương còn bị các đối tượng dọa giết.
Kẽ hở phổ biến nhất, nằm ở sự phù phép tinh vi cũng như ở việc “biết mà giả vờ như không biết” của không ít lực lượng chức năng. Ví dụ, ông A ở làng B, bán cây C cho chủ buôn đào và cẩu về ươm ở vườn nhà ông ta để chờ xuất đi khắp cả nước với giá hàng trăm triệu đồng/cây.

Phổ biến thứ 2 là một tình trạng rất mập mờ và gây nhiều tranh cãi. Cụ thể, nếu là đất thổ cư, là làng quê định cư từ lâu năm, dù mới được cấp sổ đỏ, song đất và tài sản trên đất, bà con, các thế hệ đã quản lý và sử dụng rồi.
Cụ thể, cái cây cổ thụ trong vườn nhà họ là cây được tổ tiên họ trồng và giờ họ quản lý.
Còn đất nương rẫy lại khác. Vùng đó vốn là đất hoang, cây mọc tự nhiên, nhiều cây cổ thụ.
Gần đây, bà con mới được cấp quyền sử dụng đất đó, chứ không công nhận toàn quyền với tài sản trên đất (những cây cổ thụ).
Ví dụ, ông A được cấp quyền sử dụng đất trên nương rẫy kia 10 năm qua, nhưng cái cây có từ 100 năm trước. Cây và cánh rừng trên đó là tài sản của quốc gia, công sản, của thiên nhiên, đất nước ông bà. Ngành kiểm lâm gọi đó là: “Gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà”.
Trong trường hợp này, ông không được tự ý, toàn quyền bứng cái cây đó đi, không được tự ý bán hay đào nó lên. Khi cần “sử dụng” cái cây đó (chặt, đào đem bán) cần xin ý kiến của có quan chức năng.
Đó là lý do mà gần đây, kiểm lâm nhiều tỉnh đã bắt giữ và xử phạt các vụ buôn bán, vận chuyển, đào bới cây cổ thụ.
Trong quá trình điều tra, nhóm PV Dân Việt có được Văn bản số 281/TCLN-PTSXLN ngày 8/3/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT về việc khai thác tận dụng gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà.
Văn bản do Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp thừa ủy quyền Tổng cục Lâm nghiệp ký gửi Công ty TNHH Sơn Lâm tỉnh Kon Tum (Công ty Sơn Lâm) trả lời Văn bản của Công ty Sơn Lâm đề nghị hướng dẫn khai thác tận dụng cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, vườn nhà.
Tại đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã viện dẫn Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NNPTNT, quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản. Theo đó, Thông tư trên chỉ điều chỉnh trình tự thủ tục khai thác thực vật rừng thông thường, động vật rừng thông thường.
Đối với gỗ rừng tự nhiên còn sót lại trên diện tích nương rẫy, vườn nhà ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp thực hiện theo Luật quản lý và sử dụng tài sản công.
Vì vậy, nếu khi cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân “không ghi hoặc không xác nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, thì các cây gỗ rừng tự nhiên trên thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và được thống kê, lập hồ sơ trình UBND tỉnh quyết định cho phép khai thác, tận thu để thu hồi tài sản theo Luật quản lý và sử dụng tài sản công” (trích văn bản trên).

Nhận thấy đây là một vấn đề mang tính mấu chốt, nhóm PV Dân Việt đã vào tỉnh Kon Tum, đến trụ sở Công ty Lâm nghiệp Sơn Lâm để tìm hiểu.
Theo ông Hà Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Sơn Lâm, vụ việc liên quan đến hai hộ dân bán cây cổ thụ và bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, UBND tỉnh Kon Tum đã ra Quyết định xử phạt 100 triệu đồng.
Ông Hùng cũng chỉ ra những bất cập tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT: “Chúng ta đã không ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể cho việc khai thác cây cổ thụ nằm trên đất nông nghiệp và cây cổ thụ trên đất nương rẫy một cách rõ ràng”.

Cụ thể, Công ty ông gửi văn bản lên Tổng Cục Lâm nghiệp để “hỏi” là vì, có 2 hộ dân khai thác cây cổ thụ đem đi bán và bị UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định xử phạt 100 triệu đồng.
Cần làm rõ: hai cây đó trong đất nông nghiệp, đất thổ cư, trong vườn nhà họ từ lâu đời, ví dụ cây có tuổi đời đã 30-40 năm kể từ ngày họ trồng rồi, giờ họ muốn bán, xã xác nhận kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, đơn xin bán cây là xong. Vì đó là quyền của họ. Không thể nói cây đó là cây “kế thừa” từ rừng tự nhiên được.
Tuy nhiên, với những cây cổ thụ còn lại trên đất nương rẫy lại khác. Bà con mới được cấp quyền sử dụng đất, mà không được công nhận tài sản trên đất, thì rõ ràng cây cổ thụ đã sống hàng trăm năm trên đó là “tài sản công” (như văn bản của Tổng Cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTN ở trên).
Vụ việc xử phạt 100 triệu đồng kể trên, theo ông Hùng, UBND tỉnh Kon Tum đã dừng lại. Tuy nhiên, bản chất câu chuyện nằm ở chỗ cần phân định rõ ràng: Cây nào từ nương rẫy (nguồn gốc rừng tự nhiên), cây nào từ vườn nhà.
Quan trọng hơn, nếu kẽ hở của chúng ta quá lớn, cách phù phép quay vòng giấy tờ, hồ sơ quá tinh vi trên diện rộng như loạt bài này phân tích, bất kỳ cây có nguồn gốc từ tự nhiên nào cũng có thể bị/được phù phép trở thành cây vườn nhà trên đất thổ cư bà con sinh sống từ nhiều thế hệ.
Phương pháp mà “lâm tặc con buôn” làm rất trắng trợn: Bứng cây rừng về nhà ươm trồng, rồi xin xác nhận “cây vườn nhà” đem đi bán.
Hoặc chẳng cần mang về vườn nhà, cứ đào cây, cẩu cây từ rừng, từ tự nhiên về, có sẵn cả đống hồ sơ nguồn gốc cây cổ thụ vườn nhà dân trong tủ, ghép hồ sơ vào cây và đi bán.


Trên đường về Hà Nội, để “thí nghiệm” cho việc phù phép giấy tờ, bứng hết cây rừng tự nhiên về làm đại cảnh cho đại gia – nhất là đại gia ít hiểu biết, ích kỷ với cộng đồng, thuật ngữ cho giới người này họ vẫn gọi là trọc phú – chúng tôi đã đứng lại ngắm cây dọc bờ sông.
Đó là khu vực dọc đường Hồ Chí Minh, qua các huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, điểm Cầu KM 1364+310″. Cầu nhìn xuống vực sâu, dọc sông Đắc Mil (thượng nguồn của sông Vu Gia). Chúng tôi đứng ngắm và chụp ảnh các tán hoa vàng tuyệt đẹp tít dưới bờ sông cạn.
Từ quốc lộ xuống đến bờ sông cả mấy chục mét sâu. Cây hoa vàng cổ thụ có vòng gốc ước chừng hơn gần 2 người ôm chưa kín. Lập tức, có các gã phi xe máy rèo rèo, ghé lại hỏi có mua cây không.
Anh ta còn chưa biết cây đó là cây gì, chỉ đột ngột hỏi chúng tôi có mua cây không. Chúng tôi giả đò gật đầu và anh ta tuyên bố bán luôn. Rồi anh tự nhận cái rẫy hoang vu từ ta-luy âm của quốc lộ xuống bờ sông lổn nhổm đá kia là của nhà anh ta.
Chúng tôi ngạc nhiên, thế đây là xã gì, anh ta cứng họng không trả lời được. Hỏi đây là cây gì, anh ta cũng không biết.
Sau, anh thổ lộ: Anh ta nhận bừa thế để bán. Giống như có kẻ nhìn con chim bay trên trời hay con cá mập bơi giữa đại dương và đòi tiền của người đứng bên cạnh là ta bán cho mi đó.
Tuy nhiên, anh ta thừa nhận: Sẽ lo được giấy tờ cho cây hoa vàng đó, thông qua một doanh nghiệp. Chính quyền ký vào, “chủ đất” kí vào là xong.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây hoa vàng mà người qua đường rao bán là cây lim xẹt (phượng vàng) là cây rừng tự nhiên thuộc xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quang Nam.
Cây được trồng rộng rãi làm cây cảnh (do cây có tán tròn đều, kỳ hoa nở rộ rất đẹp) và che bóng trên đường phố, công viên, công sở, trường học.
Hiện nay, một số thành phố lớn ở Việt Nam như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… , lim xẹt là một trong các loài cây chủ lực chiếm cơ cấu cao trong hệ thống cây xanh đô thị. TP Đà Nẵng đã đưa cây lim xẹt vào trong 5 loài cây chủ lực của thành phố.
Chúng tôi liên lạc tiếp, anh ta ra giá 125 triệu đồng, có người đứng ra lo giấy tờ! Bất ngờ hơn, chủ doanh nghiệp mà nhận lời làm hồ sơ cho cây ven sông đem về Đà Nẵng (chúng tôi giả là đại gia ở Đà thành) liên tục gửi vào zalo của chúng tôi các bức ảnh cây cổ thụ khổng lồ rao bán.
Hóa ra là một đường dây với thủ đoạn y như những gì đã phân tích ở trên Tây Nguyên.

Như loạt bài này ở trên đã chứng minh, trong quy định của hiện hành của chúng ta đã có những “lỗ hổng” quá lớn, để rồi quá nhiều bi kịch đắng lòng với thiên nhiên cứ thản nhiên “voi chui qua lỗ kim”.
Khi phóng sự điều tra “hô biến các cánh rừng cổ thụ” còn chưa đăng hết, PV Dân Việt đã gửi dần loạt bài cho ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT).
Trả lời PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thiện khẳng định: “Lệnh đóng cửa rừng tự nhiên đã được ban hành. Tất cả những hoạt động khai thác liên quan đến rừng tự nhiên là không được phép.
Nhưng rừng lác đác ở bên ngoài “rừng tự nhiên”, bà con cứ thấy người ta gạ, có “lợi ích” là đem bán. Theo thông lệ, trong làng, trong xã, toàn an hem họ hàng với nhau, bà con muốn bán, ông cán bộ (Chủ tịch) xã cũng rơi vào tình huống rất là khó xử”.

Nhiều ý kiến cho rằng một số điểm trong “Thông tư số 27” (đã dẫn ở trên) cần sửa đổi cho phù hợp và chặt chẽ, ông Nguyễn Hữu Thiện cũng đồng ý với điều này.
Ông Cục trưởng cho biết: “Chúng tôi đang giao cho các bộ phận chuyên môn liên quan đề xuất phương án sửa đổi cho phù hợp. Dựa trên thực tế anh em nắm bắt và các phản ánh như loạt bài Phóng sự Điều tra trên Báo Dân Việt.
Hiện tại, tôi đang giao cho 2 bộ phận, một là bộ phận xử lý vi phạm pháp luật và đội Kiểm lâm Đặc nhiệm. Tập trung đưa phương án đề xuất sửa đổi “Thông tư 27″, làm sao cho quyền lợi của người dân được đảm bảo, mà cơ quan thực thi pháp luật khi bảo vệ cây rừng tự nhiên vẫn có thể thượng tôn luật pháp”.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục kiểm lâm nhấn mạnh những chi tiết đời thường mà xúc động: việc mua bán cây cổ thụ chỉ có lợi ích trước mắt (thu nhập) cho một số người; nhưng nó ảnh hưởng lâu dài đến cả một khu vực. Nó làm tổn hại đến cây rừng, các tán rừng mà bao năm qua bà con mình đã gìn giữ.
Không chỉ là bảo vệ môi trường, cây cổ thụ còn là cảnh quan, bóng mát, là kí ức của chúng ta, có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách của nhiều thế hệ.
“Ai là người tiêu thụ (mua) cây cổ thụ về trưng bày? Về đạo đức, cây đang ở ngoài tự nhiên, ai cũng muốn bảo vệ, anh bứng về, chặt ngọn, chặt cành, lấy mỗi khúc thân để trưng bày. Không chỉ tiếp tay cho vi phạm (khi hồ sơ bị làm giả, bị quay vòng), mà người mua còn vi phạm về ý thức, đạo đức trong tinh thần vì cộng đồng” – ông Thiện nói.


Ngày 22/4/2021, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), trả lời phỏng vấn trực tiếp Nhóm Phóng viên Dân Việt.
Sau khi đọc hết loạt bài, ông đã trăn trở: “Đáng lẽ chúng ta phải biết tri ân cây cổ thụ đó, bảo vệ chúng cho thế hệ mai sau. Sao chúng ta lại phá chúng đi? Đó là sự báo động về ý thức cộng đồng.
Việc “phù phép” đào, chặt, “chảy máu” cây cổ thụ đã làm mất nguồn gen, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân và cả hệ sinh thái.
Cây bằng lăng rất đẹp, hay mọc ven suối, ven sông nên có giá trị rất lớn về chống xói mòn. Phong trào tràn lan đi đào gốc, cẩu đem bán thì người bán và người mua “được hưởng” cái lợi nhỏ trước mắt. Nhưng khi xảy ra lũ lụt, sạt lở thì cả cộng đồng phải gánh chịu, rất đau thương.
Việc đưa cây bằng lăng ở rừng về trồng làm đại cảnh ở thành phố, theo tôi, như thế là không nên. Hành động “tiêu thụ” (mua) các cái cây đó là trực tiếp, gián tiếp kích cầu, “xúi giục” cho người ta đi phá rừng. Tạo phong trào với sự “lan tỏa” không tốt. Tôi phản đối. Việc làm này nên chấm dứt.
Việc bao che của cơ quan chức năng như loạt bài viết phản ánh, theo tôi cần điều tra, vạch trần”.

Trước tình trạng khai thác gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm cây cảnh diễn ra ngày càng nhiều gần đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản số 3011/UBND-NNTN ngày 6/7/2020 nhằm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng đào bới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép các loài cây có nguồn gốc từ tự nhiên.
Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, từ lâu, cơ quan chức năng đã không cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân khai thác tận dụng cây rừng trên đất nương rẫy để làm cảnh, ngăn chặn tình trạng đào bứng cây rừng về làm cảnh.