Ghi chép nhiều kỳ – Sự thật ? Hành trình trần ai !

Kỳ I- Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân

Lời tòa soạn: 

Sau gần 5 năm kể từ ngày Tiền Phong đăng bài đầu tiên phản ánh dấu hiệu tham nhũng trong việc đấu thầu thuốc chữa bệnh 2014-2015 do Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức, 10 người liên quan vừa bị khởi tố. Từ số này, báo Tiền Phong khởi đăng loạt ghi chép do nhà báo Hoàng Thiên Nga kể lại hành trình 5 năm đấu tranh tìm sự thật. 

I-Nhà báo ơi, cứu bệnh nhân

Từ đầu năm 2015, nhiều bác sĩ đã gửi cho tôi (khi đó là Trưởng Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên) những tin nhắn khẩn thiết về việc thiếu thuốc chữa bệnh nghiêm trọng trong hệ thống cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh Đắk Lắk. Có người nhắn khẩn thiết “nhà báo ơi, cứu bệnh nhân”…

Một bệnh nhân nghèo suy kiệt chờ chết tại khoa Ung Bướu bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk

 Lúc bấy giờ, Sở Y tế Đắk Lắk mới công bố kết quả trúng thầu đợt đấu thầu mua thuốc khám chữa bệnh năm 2014-2015 được hơn 2 tháng. Vừa đấu thầu xong, sao lại thiếu thuốc? Tôi đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, không ngờ ngày càng phải chứng kiến nhiều góc khuất đáng sợ về chuỗi hành vi tiêu cực, tham nhũng và những thủ đoạn che giấu tội ác của “nhóm lợi ích y tế”. Cuộc dấn thân truy lùng sự thật tới nay đã kéo dài 5 năm. 

Tôi đã phải đối mặt với các thủ đoạn mua chuộc, đe dọa, bôi nhọ, vu khống, khủng bố tinh thần, phải vượt qua vô số chông gai, thử thách để không phụ niềm tin của bạn đọc vào một nhà báo, một tờ báo mạnh mẽ đi đầu trong sự nghiệp chống tiêu cực tham nhũng. Thật không dễ chút nào khi vững lòng, kiên định đến cùng để chứng minh với các cơ quan chức năng, đồng nghiệp và cộng đồng xã hội rằng mình đã chiến đấu cho một sự nghiệp y tế lành mạnh, trong sạch, không chút vụ lợi cá nhân. 

Giữa năm 2015, tôi bắt đầu điều tra về quy trình, hồ sơ cuộc đấu thầu thuốc 2014-2015. Điều này đối với tôi không quá khó khăn, vì gần 10 năm trước đó, vào đầu nhiệm kỳ giám đốc Sở của bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, tôi cũng đã từng viết loạt bài phanh phui cuộc đấu thầu thuốc đầy sai phạm, lộ liễu dành “miếng bánh to” cho các công ty Dược “sân sau” tại Sở Y tế này, khiến lãnh đạo tỉnh buộc Sở Y tế phải hủy kết quả trúng thầu để tổ chức đấu thầu lại, có sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng. Một số công ty Dược bất bình vì bị “chơi xấu” tại cuộc đấu thầu thuốc 2014-2015 không ngần ngại cung cấp cho tôi các bộ hồ sơ đấu thầu, kèm nhiều tài liệu liên quan, để chứng minh băng nhóm lợi ích tại Sở Y tế Đắk Lắk đã phạm pháp như thế nào.   

Sở Y tế Đắk Lắk đã để xảy ra nhiều sai phạm

Kết quả xác minh cho thấy danh mục mời thầu 1.197 mặt hàng, mà chỉ có 666 mặt hàng trúng thầu. Tham mưu của phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế bất chấp nội dung dự trù thuốc của các bệnh viện, đã khiến danh mục và số lượng thuốc bị xáo trộn, không còn theo nhu cầu thực tế mà các bệnh viện đề xuất ban đầu. Có mặt hàng số lượng ít tới vô lý, như ống chích giảm đau Diclofenac cả tỉnh chỉ có 20 ống, thuốc điều trị ung thư Tyracan 100 chỉ có 148 viên v.v… trong khi nhiều mặt hàng khác nhiều tới mức bất thường như thuốc tim mạch Dobutamin trúng thầu tới 44.118 ống; thuốc gây mê Bupivacain trúng tới 70.600 ống…

Khoa Nội BV ĐK tỉnh vừa chật chội quá tải vừa thiếu thuốc- Ảnh Huỳnh Thủy

Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi Sở Y tế công bố kết quả đấu thầu thuốc 2014-2015, nhiều mặt hàng mới trúng thầu, vừa cung ứng xong đã hết khiến các bệnh viện phải liên tục gửi công văn xin bổ sung hàng trăm loại thuốc điều trị cấp bách. Tình trạng hỗn loạn vì thiếu thuốc xảy ra khắp nơi. Nhiều bệnh nhân nặng cần được điều trị tại chỗ phải xin chuyển viện về TP Hồ Chí Minh, đã chết trên đường đi. Các bệnh nhân suy thận mãn đến báo Tiền Phong kể khổ vì ngành Y tế không quan tâm mua vật tư và dung dịch thẩm phân phúc mạc, mà họ phải lênh đênh xe đò hằng tháng vào bệnh viện Chợ Rẫy xin cứu mạng. Có bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nghẹn ngào kể: Bệnh viện liên tục gửi công văn xin bổ sung thuốc gấp, không được đáp ứng kịp thời, chúng tôi đau lòng chứng kiến không ít bệnh nhân chết oan. Vậy mà Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long lại còn vào Bệnh viện tỉnh đe nẹt, bảo kêu gì mà kêu lắm thế, hết loại kháng sinh này thì lấy loại thuốc khác cho họ uống. Thử hỏi ông ấy là bác sĩ chuyên khoa 2, thừa biết việc đổi loại kháng sinh trong điều trị gây hại cho bệnh nhân như thế nào, sao vẫn bất chấp đạo đức nghề nghiệp chỉ đạo như thế? 

Những bệnh nhân thiếu thuốc kể khổ với nhóm phóng viên
Bệnh nhân suy thận mãn đến kể khổ về việc phải chuyển tuyến do thiếu thuốc

Cuộc xác minh vẫn đang tiến hành, thì bác sĩ Bùi Trường Phong-Lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đích thân đến Văn phòng báo Tiền Phong, đặt vấn đề phóng viên có thể ngưng hoặc tạm hoãn cuộc điều tra này lại đến sau khi Tỉnh ủy tổ chức Đại hội Tỉnh đảng bộ được không. Lý do, theo bác sĩ Bùi Trường Phong: Ngành Y tế tỉnh nhà chưa từng có Tỉnh ủy viên. Bác sĩ Doãn Hữu Long đang là ứng cử viên trong kỳ Đại hội sắp tới. Hy vọng có tiếng nói của đại biểu y tế trong Thường vụ, thì quyền lợi của ngành và cán bộ nhân viên Y tế sẽ được bảo đảm hơn. 

Tôi lắc đầu, khẳng định quan điểm thế này thật không ổn. Vì nếu điều tra cho thấy Giám đốc Sở trong sạch, thì việc ông được bầu vào Thường vụ càng xứng đáng. Còn nếu ngược lại, người sẵn sàng có hành vi tiêu cực tham nhũng mà vào Thường vụ thì chỉ càng tai hại thêm cho ngành Y. Vì vậy, với những nỗ lực cống hiến gần đây mà bác sĩ Bùi Trường Phong được báo Tiền Phong ghi nhận, phóng viên sẽ quan tâm hơn về việc tạo điều kiện để Giám đốc Sở chia sẻ, giải trình, chứ không phải vì thế mà ngưng tiến trình xác minh, đăng bài của báo Tiền Phong. 

Văn bản số 1940 của VP Chính Phủ chỉ đạo làm rõ các sai phạm của Y tế Đắk Lắk’

Về vụ đấu thầu thuốc này, từ ngày 21/9/2015 báo Tiền Phong đã đăng bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Nhóm lợi ích thao túng!”, chứng minh việc đấu thầu thuốc của Sở Y tế Đắk Lắk lộ rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, mà người chịu trách nhiệm chính là giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long. Tuy nhiên, gần 1 tháng sau đó, ông Doãn Hữu Long vẫn được đưa vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tác giả chứng minh ông Long đã báo cáo gian dối về đấu thầu thuốc
Ông Doãn Hữu Long giải trình sai sự thật một cuộc họp báo

***

Hoàng Thiên Nga 

 

Kỳ II- NHỮNG CUỘC CAN GIÁN BẤT THÀNH

Nhìn ông Doãn Hữu Long gục đầu khóc sùi sụt, tôi thầm hy vọng ông đang ân hận về việc đã đặt bút ký các quyết định sai trái trong cuộc đấu thầu thuốc 2014-2015, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng xảy ra với tính mạng bệnh nhân. Đáng tiếc, tia hy vọng nhỏ nhoi ấy chẳng bao lâu sau đã tắt hẳn … 

Vào “guồng”, phải theo ?!

Việc 2 người khác giới ngồi cách nhau không xa trong căn phòng vắng vẻ phía sau khoảng sân rợp bóng cây của nhà hàng Ea Nao lúc gần 11 giờ trưa, mà người đàn ông lại gục đầu khóc mãi, là cảnh tượng quá dễ bị hiểu nhầm. Với tôi, là tình huống bi hài khó quên. Thật ngang trái vì địa điểm vốn chỉ phù hợp cho những đôi lứa hò hẹn này, lại được chính ông Giám đốc Sở Y tế chọn để giãi bày tâm tư cùng nữ nhà báo không nhân nhượng trước những hành vi sai trái của ông. 

Với cá tính mạnh mẽ, tôi chưa từng thích nghe tiếng khóc, huống hồ là tiếng khóc đàn ông! Tiếng khóc của người mà trước đó tôi chỉ biết về những điều không mấy tốt đẹp. Im nghe hồi lâu trong lúc máy ghi âm vẫn quay, tôi đành nhẹ nhàng nhắc: Anh ạ, tôi tới đây có phải để nghe anh khóc đâu?

Bình tĩnh lại, ông Giám đốc Sở Y tế, vị “tư lệnh” ngành Y có hơn 6000 cán bộ nhân viên thuộc quyền bắt đầu nói. Ông xin lỗi vì không ngăn được nước mắt khi nhớ về làng quê nghèo khổ của mình. Với quê hương, gia tộc, ông là niềm tự hào, là đứa con thành đạt, nên rất sợ bị báo chí đăng bài phê phán. Ông công nhận cuộc đấu thầu thuốc vừa qua có một số khâu đã thực hiện không đúng các quy định. Lý do thì nhiều. Theo lời ông giải thích: Phần vì ông từ vị trí Giám đốc Bệnh viện thành phố Buôn Ma Thuột được nhấc thẳng lên ghế Giám đốc Sở hồi tháng 2/2014, tới nay mới hơn năm rưỡi, chưa quen hết việc; Phần vì “vào guồng” rồi mới thấy nhiều chuyện phải lệ thuộc ý người khác, không dễ để tự quyết được. 

“Lệ thuộc ý người khác”, là ý ai? Vì sao phải lệ thuộc? Tôi hỏi. Ông ngắc ngứ hồi lâu, cẩn trọng bước ra cửa nhìn quanh rồi mới trở vào thì thầm “Nhà báo nên chú ý chi tiết này: Ông Nguyễn Hữu Thông đã ngồi ở vị trí Trưởng phòng Tài chính Kế toán quá lâu, 4 nhiệm kỳ rồi, gấp đôi thời gian so với quy định. Mình chỉ nhắc vậy thôi. Còn tùy nhà báo cứ tìm hiểu thêm.”

Có thể dừng, hay hoãn đăng không? 

Tôi đang viết bài, thì phải tiếp 2 lượt khách lần đầu tiên đến Văn phòng Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên. Tới trước là bác sĩ Bùi Trường Phong-Lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã điện thoại xin gặp. BS Trường Phong hỏi tôi: Chị có thể ngưng hoặc tạm hoãn cuộc điều tra này lại đến sau khi Tỉnh ủy tổ chức Đại hội Tỉnh đảng bộ được không? Lý do: Y tế tỉnh nhà chưa từng có Tỉnh ủy viên. Bác sĩ Doãn Hữu Long đang là ứng cử viên trong kỳ Đại hội sắp tới. 

Tròn 20 năm trước, BS Bùi Trường Phong khi còn là Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã từng bị tôi “điểm danh” cùng nhiều đồng nghiệp khác về những sai sót nghiệp vụ, y đức trong loạt bài điều tra “Phải làm gì để chữa bệnh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh?”. Sau khi báo Tiền Phong đăng bài, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến cán bộ nhân viên toàn Bệnh viện về loạt bài này. Cuộc bỏ phiếu công khai, dân chủ cho ra kết quả: 60% phiếu công nhận báo Tiền Phong hoàn toàn đúng; 20% cho rằng có đúng có sai; 20% còn lại là phiếu trắng. Những con số tự nói lên đa số cán bộ nhân viên Bệnh viện cũng thấy phải thay đổi. Thành quả đáng khích lệ nhất, là hầu như tất cả những vị bác sĩ, kỹ thuật viên bị kỷ luật, kiểm điểm, khiển trách bởi loạt bài đó đều cầu thị nhận lỗi, sửa sai, cống hiến tốt hơn cho ngành, và giữa chúng tôi đã hình thành mối quan hệ tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau. 

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bác sĩ Bùi Trường Phong thân chinh đến Văn phòng báo Tiền Phong. Và lại đến để đặt ra một đề nghị “khó xử” như thế. Tôi hỏi ông nghĩ sao về việc mới đây thôi, giữa ông-GĐ BV ĐK tỉnh với BS Doãn Hữu Long-GĐ BV TP Buôn Ma Thuột còn là đối thủ trong cuộc “chạy đua” vào vị trí Giám đốc Sở. Ai cũng nghĩ bác sĩ Bùi Trường Phong lãnh đạo ngành thì hợp lý hơn, vì ông đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở tầm cấp tỉnh. Tuy nhiên ông Long lại thắng với điều tiếng lan tràn về một cuộc “mua ghế chục tỉ” nào đó. Thậm chí một Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn bị kỷ luật vì lỡ miệng nói ra chuyện này. 

  Bác sĩ Bùi Trường Phong thở dài, nói ông có biết, có nghe cả. Nhưng nhiều anh em đang hy vọng có tiếng nói ngành Y trong Thường vụ, thì quyền lợi của ngành và cán bộ nhân viên Y tế sẽ tốt hơn. Vì lợi ích chung, ông bỏ qua những hiềm khích trước đây, mong báo Tiền Phong nể tình. Tôi lắc đầu, hỏi sao anh không nghĩ rằng nếu điều tra cho thấy Giám đốc Sở trong sạch, thì việc ông Long trở thành Tỉnh ủy viên càng xứng đáng. Còn ngược lại, thì ông Long càng lên cao chỉ càng gây hại lớn hơn. Chính vì vậy, loạt bài điều tra này càng cần đăng trước Đại hội vì quyền lợi của cả triệu dân tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp đó, là anh em ông Vương Đình Hoàng, giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Vũ, một trong những “sân sau” về cung ứng thuốc và vật tư cho Sở Y tế Đắk Lắk qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo. Để có cuộc gặp này, anh rể ông Vương Đình Hoàng vốn là nhà giáo, đã nhờ thầy giáo cũ của tôi điện thoại “Em yên tâm, các anh ấy biết em là người thế nào, nên không dám có ý gì khác. Chỉ gặp để giãi bày, hiểu nhau thôi”- Thầy tôi bảo. 

Trong cuộc gặp gỡ mà đôi bên rất kiệm lời, cẩn trọng, anh em ông Hoàng thăm dò nếu tôi không ngưng, thì loạt bài sẽ đăng trên báo Tiền Phong có liên quan, ảnh hưởng gì tới Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Vũ không? “Báo chí chống tiêu cực tham nhũng trước tiên để làm trong sạch hệ thống công quyền. Các anh là doanh nghiệp tư nhân, không sai thì chẳng có gì phải sợ. Còn nếu sai, thì nên tự giác khắc phục, đừng tiếp tay cho những cán bộ tha hóa, biến chất. Đừng để chuyện bé xé ra to!”- Tôi trả lời. 

  

Ngày 21/9/2015 báo Tiền Phong đăng bài đầu tiên trong loạt bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Nhóm lợi ích thao túng!”, chứng minh việc đấu thầu thuốc của Sở Y tế Đắk Lắk lộ rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng, người chịu trách nhiệm chính là giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long. Ngày 13/10, Đại hội Tỉnh Đảng bộ diễn ra, là lần đầu tiên Tỉnh ủy tổ chức Đại hội Đảng mà không mời các báo ngành dự để đưa tin. Đại hội đưa ông Doãn Hữu Long lên làm Tỉnh ủy viên. Sau đó, chính bác sĩ Bùi Trường Phong đã kêu trời về sự lộng hành đến mức khó tin của ông Tỉnh ủy viên này. 

Ông Long vẫn trở thành Tỉnh ủy viên khi đã lộ rõ sai phạm

H.T.N.

Hoàng Thiên Nga 

 

Kỳ III- KHI LÃNH ĐẠO CHỈ CẦU THỊ TRÊN GIẤY 

Ngay sau khi báo Tiền Phong phát hành sáng 21/9/2015 đăng bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm-Nhóm lợi ích thao túng”, tôi đã điện thoại đề nghị ông Doãn Hữu Long tiếp nhóm phóng viên ngay tại Sở Y tế Đắk Lắk vào đầu buổi chiều cùng ngày. 

Đơn thư bất bình, phẫn nộ về thực trạng y tế không ngừng gửi đến báo Tiền Phong

“Hứa cho nhiều, rồi lại quên”

Bài báo chứng minh Hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc 2014-2015, công bố kết quả trúng thầu vào tháng 11/2014, do ông Doãn Hữu Long là Chủ tịch đã cố ý thay đổi danh mục thuốc; buộc nhà thầu phải đem tiền mặt đến “đóng cọc” cho phòng Tài chính kế toán trái quy định; giao quyền quyết định của Tổ Chuyên gia từ phòng Nghiệp vụ Dược sang phòng Nghiệp vụ Y và Tài chính kế toán. Có những mặt hàng thuốc hiệu quả điều trị tương đương, đã bị Hội đồng thẩm định loại thuốc rẻ, chọn thuốc đắt để ăn chênh lệch giá, giành phần thắng thầu cho “sân sau”. Đơn cử chỉ với 5 mặt hàng được chấm trúng thầu có dấu hiệu bất thường mà bài báo lập bảng so sánh, đã gây thiệt hại ngân sách gần 1 tỉ đồng. 

Trả lời chất vấn của nhóm phóng viên, ông Doãn Hữu Long công nhận “cuộc đấu thầu mới đây có những sai sót khách quan, chủ quan, sai từ các bộ phận tham mưu” và “Người chịu trách nhiệm chính về vấn đề này là trưởng phòng Tài chính kế toán, ông Nguyễn Hữu Thông.” Tiếp đó, thực hiện yêu cầu của Sở Thông tin Truyền thông về việc phải hồi âm công khai cho báo chí bằng văn bản, ông Long ký công văn giải trình 8 nội dung dài 6 trang gửi báo Tiền Phong. Cả 8 nội dung này đều bị báo Tiền Phong tiếp tục đăng bài phản biện, chứng minh Sở Y tế giải trình sai sự thật. 

Theo công văn số 10, thì từ đầu năm 2015, Sở Y tế đã thấy sai nên có tổ chức họp rút kinh nghiệm, phê bình, kiểm điểm. Chả biết rút thế nào, mà cùng năm 2015 ông Long lại gửi cho các bệnh viện trực thuộc danh mục thuốc 2015-2016 gồm 734 mặt hàng, trong đó có tới 517 mặt hàng hoàn toàn mới so với danh mục trúng thầu năm trước. Rồi lại ký các công văn số 141 vào ngày 18/6, công văn số 145 email cho các bệnh viện ngày 24/7, công văn số 239 ngày 14/9, để chỉ đạo về các mặt hàng mới do Sở Y tế tự ý đưa vào. Tất cả các công văn lộ rõ dấu hiệu phạm pháp nghiêm trọng này đều có chữ ký nháy của ông Nguyễn Hữu Thông- Trưởng phòng Tài chính kế toán, người mà chính ông Long xác nhận với nhóm phóng viên là phải chịu trách nhiệm chính về “tham mưu sai” trong cuộc đấu thầu thuốc cuối năm 2014.

Đoạn cuối công văn số 10 nguyên văn như sau: “Sở Y tế Đắk Lắk trân trọng cảm ơn những nội dung phản ánh của báo Tiền Phong về công tác đấu thầu của Sở Y tế trong năm qua. Sở Y tế sẽ xem xét, nghiêm  túc phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu trong thời gian tới; cung ứng thuốc đầy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng cho các cơ sở y tế; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Những câu chữ cầu thị này, tiếc thay, mãi mãi chỉ nằm suông trên giấy. Nhắc tới, có người lại mỉa mai nhại theo câu hát “hứa cho nhiều, rồi lại quên …” 

Những cái chết oan khiên

Suốt năm 2015, hàng loạt Bệnh viện từ tỉnh, huyện, thành phố đến các Trạm y tế xã liên tục kêu cứu lên cấp trên về tình trạng thiếu thuốc. Tôi cùng nhóm phóng viên VTV đi thực tế, tận nghe nhiều bệnh nhân than phí tiền mua Bảo hiểm y tế vì lần nào tới Trạm cũng kêu hết thuốc. Sau đó, những bác sĩ cung cấp thông tin cho phóng viên đều bị lãnh đạo Sở dọa nạt, trù dập, gây khó dễ đủ điều. 

Những bệnh nhân thiếu thuốc kể khổ với nhóm phóng viên

Lãnh đạo nhiều bệnh viện kể với tôi: Bằng thủ đoạn “cây gậy và củ cà rốt”, ông Doãn Hữu Long và ông Nguyễn Hữu Thông đã khiến cấp dưới khiếp sợ, phải im tiếng về những hậu quả thảm khốc mà cuộc đấu thầu thuốc đầy dấu hiệu tiêu cực gây ra. Tuy nhiên, cây kim nằm trong bọc còn lộ ra, huống hồ là cái chết oan uổng của những phận người.  

Chỉ từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3/2016, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 2 ca tử vong, theo báo cáo của bệnh viện là vì sốc thuốc. Nạn nhân là bé Trúc mới 16 tháng tuổi nhà ở thôn 1 xã Ea Trul huyện Krông Bông, và cụ Đinh Xuân Nhơn 86 tuổi nhà ở huyện Ea Kar. Đến báo Tiền Phong tìm tôi trong nước mắt, bố mẹ bé Trúc và vợ chồng người con trai cụ Nhơn mong được giúp đỡ để biết vì sao 2 bệnh nhân chỉ mắc bệnh nhẹ mà lại qua đời. 

Sự hợp tác của bệnh viện và chuyên gia dược phẩm giúp tôi tìm thấy thêm câu trả lời từ sai phạm về nguồn cung ứng thuốc. Loại thuốc tiêm gây sốc cho bé Trúc là Cefepimark, có hoạt chất Cefepim 1g, số đăng ký VN-5494-10 đã bị Cục quản lý Dược xác định vi phạm tiêu chí chất lượng, hết hiệu lực lưu hành trước đó. Còn loại thuốc gây sốc cho cụ Nhơn là Alpathin, hoạt chất Cefalothin 1g, số đăng ký  VN-10966-10, nhà sản xuất Alpa Laboratories Ltd-Ấn Độ. Khi lập danh mục nhu cầu thuốc gửi Sở Y tế Đắk Lắk để xây dựng danh mục thuốc đấu thầu cuối năm 2014, các BV đều đề nghị chọn kháng sinh Cefalothin nhóm 1 là nhóm có tiêu chuẩn cao nhất về nguồn gốc và chất lượng theo Thông tư 36, 37. Nhưng ông Long lại chọn Cefalothin nhóm 5 là loại kém chất lượng nhất. 

Thông thường với thuốc cùng loại, thì giá thuốc nhóm 5 thấp hơn từ 1/3 đến 1/2 so với thuốc nhóm 1. Thế nhưng trong khi Sở Y tế các tỉnh mua Cefalothin nhóm 1 như Nam Định giá 76.000đ/lọ, Hải Dương 82.500đ/lọ, thì Sở Y tế Đắk Lắk lại mua Cefalothin nhóm 5 tới 70.000đ/lọ. Số lượng trúng thầu thuốc này ông Long duyệt toàn tỉnh chỉ hơn 9000 lọ, nhưng thực tế đã ký mua bổ sung rất nhiều lần trái quy định với Thông tư 01. Nên khi tổng kết gói thầu, riêng bệnh viện tỉnh đã dùng trên 45.000 lọ Cefalothin nhóm 5.

 

Bài “Những cái chết chưa rõ nguyên nhân” đăng ngày 16/3/2016 trên báo Tiền Phong, phản ánh hậu quả nghiêm trọng của hành vi cố ý làm trái để trục lợi từ đấu thầu thuốc do ekip tham nhũng ở Sở Y tế. Bài cũng phơi bày nỗi bất bình của gia đình Hà Vy-nữ sinh xinh đẹp ở huyện Cư Kuin bị cưa chân vô cùng oan trái do lỗi tắc trách của bác sĩ. Vậy nhưng, ông Doãn Hữu Long chủ trì cuộc họp báo xin lỗi Hà Vy lại không hề mời gia đình cháu chứng kiến, rồi hôm sau đưa Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào tận nhà Hà Vy ở huyện Cư Kuin để xoa dịu dư luận, thì cả đoàn không ai nói được một lời xin lỗi nạn nhân. Chị gái Hà Vy bất bình gửi đơn nhờ báo Tiền Phong chuyển lời hỏi giúp: Lãnh đạo kiểu này thì y đức ở đâu? Công bằng xã hội ở đâu ???

Cẳng chân phồng rộp do bác sĩ tắc trách của nữ sinh Hà Vy trước lúc bị cưa
Ông Long chủ trì họp báo vụ nữ sinh Hà Vy bị cưa chân oan
Ông Doãn Hữu Long đưa Bộ trưởng Y tế Kim Tiến đến thăm nhà cháu Hạ Vy

H.T.N.

 

***

Hoàng Thiên Nga 

Ghi chép nhiều kỳ: Sự thật ? Hành trình trần ai !

Kỳ cuối- CÒN ĐÓ MỘT NIỀM TIN

Không ngăn được việc báo Tiền Phong liên tục đăng các loạt bài điều tra phanh phui dấu hiệu tham nhũng, “nhóm lợi ích” tại Sở Y tế Đắk Lắk vừa dở trò bôi nhọ, vu khống nhà báo, vừa tìm cách bôi xóa các dấu vết phạm pháp. Nhưng dù thế lực nào dung túng, thì vẫn chẳng có bàn tay nào che nổi mặt trời và sự thật. 

Khủng bố nhà báo 

Trong cuộc gặp tay đôi tại nhà hàng Ea Nao hồi tháng 9/2015, khi ông Doãn Hữu Long- Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk bật khóc vì sợ bị báo chí bêu tên, tôi đã khuyên ông cứ dọn sạch cái “ổ tham nhũng” đã lũng đoạn nhiều đời giám đốc Sở, thì báo đài nào cũng ủng hộ. Ông Long thề độc là chỉ muốn tận hiến cho ngành, rồi nhắc tôi trường hợp ông Nguyễn Hữu Thông- Trưởng phòng Tài chính Kế toán ngồi ở ghế đó quá lâu, cần lưu ý.

Tuy nhiên, quá trình điều tra với đủ chứng cứ đã cho tôi thấy từ thời còn là Giám đốc bệnh viện đa khoa Buôn Ma Thuột, Doãn Hữu Long đã chỉ đạo mua sắm vô tội vạ, lãng phí nhiều tỉ đồng ngân sách. Một bác sĩ công khai tố cáo, bị ông hành đến nỗi phải xin nghỉ việc. Ông còn bỏ trống ghế Trưởng phòng Dược suốt mấy năm, loại các dược sĩ giỏi để chờ con gái ông học kém, rớt tốt nghiệp, phải thi lại, vừa ra trường có chỗ ngồi ngay. 

Lên Giám đốc Sở, chính tay ông Long ký quyết định tái bổ nhiệm trái quy định cho ông Nguyễn Hữu Thông tiếp tục làm Trưởng phòng TCKT. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo bằng văn bản tới lần thứ 5 về việc phải điều chuyển ông Hữu Thông sang vị trí khác. Ông Long chấp hành bằng cách hất bác sĩ Lê Minh Thông vừa được nhận bằng khen của Bộ Y tế ra khỏi Sở để giành ghế Trưởng phòng tổ chức cán bộ cho ông Nguyễn Hữu Thông. 

Từ cuối năm 2016, mạng lưới gây nhiễu loạn thông tin, vu khống, bôi nhọ báo Tiền Phong, khủng bố cá nhân tôi do ông Doãn Hữu Long tổ chức, điều hành gồm blog, các trang mạng xã hội cả chính danh lẫn nick ảo bắt đầu hoạt động rầm rộ. Sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk buộc 2 trang facebook, fanpage đầy những comment mạt sát của Sở Y tế ngưng hoạt động, thì tới lượt luật sư Trần Đình Triển gửi tới hàng loạt cơ quan trung ương, địa phương lá đơn dài 8 trang, tố cáo nhà báo Hoàng Thiên Nga đã “bóp méo sự thật”, “chụp mũ”, “công kích” Sở Y tế Đắk Lắk. Ông Triển còn hùng hổ “đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét, giải quyết những dấu hiệu vi phạm pháp luật của NB HTN. Tùy theo tính chất vi phạm mà truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, … nhằm giữ gìn sự bình yên cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung”

Trần Đình Triển còn “trợ giúp pháp lý” cho 3 phụ nữ nữa ký đơn tố cáo tôi toàn nội dung bịa đặt. Chưa hết, vị tiến sĩ luật này còn tới đứng trước nhà tôi, chụp ảnh selfie kèm status khả ố đưa lên facebook cá nhân, mò xuống nhà máy của chồng tôi tận xã vùng sâu huyện Mđrắk rồi tung tin chồng tôi kinh doanh trốn thuế. Ông bôi nhọ lãnh đạo tỉnh, báo Tiền Phong và nhiều đài báo khác nữa bằng hàng loạt status xúc phạm, hồ đồ. 

Sự thật tối thượng

Vất vả với các chuyến bay về tòa soạn để giải trình, lại còn phải hợp tác phục vụ việc xác minh, thẩm tra của các cơ quan trung ương, địa phương về những lá đơn vu khống khiến tôi hao mòn rất nhiều thời gian, sức lực. Quyết tâm không lùi bước trước những thế lực đen tối để làm rõ sự thật, chứng minh mình trong sạch buộc tôi phải nỗ lực chiến đấu tới cùng. 

Tôi vào TP Hồ Chí Minh lập vi bằng các trang facebook bôi nhọ, vu khống, rồi đến Đoàn Luật sư Hà Nội, Công an quận Đống Đa đề nghị xem xét hành vi vô đạo đức của LS Trần Đình Triển. Tôi mang lá đơn do Tổng biên tập báo Tiền Phong ký, kèm một tập dày những bài báo đã đăng đến tận Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trình bày cho một vị lãnh đạo nghe thực trạng tham nhũng ở Đắk Lắk khiến dân mất niềm tin như thế nào.

Trong cuộc chiến trần ai, trường kỳ này, dù ít nhiều được cơ quan, đồng nghiệp, người thân tin tưởng động viên, cũng đã nhiều khi tôi tưởng chừng kiệt sức. Có lần đại tá Nguyễn Hữu Ngọc-Cục Cảnh sát hình sự từ Hà Nội điện thoại “Tớ vừa thấy ảnh cậu vung tập tài liệu đăng trên báo Tiền Phong. Có bệnh gì không, sao mà ốm thế ?”. Tôi và ông anh này quý nhau từ sau trận tôi bị bọn giấu mặt khủng bố đốt xe năm 2013, mà vì loạt bài điều tra “ Lật lại hồ sơ phạm pháp của một đại gia” tôi viết đăng trên báo Tiền Phong năm ấy, ông đã đưa 4 trung tá vào cả năm để lần lại từng dấu vết. 

Tôi thưa thật là vừa sút hết mấy ký, vì mới trải qua đợt đại phẫu mới có mấy ngày ở TP HCM, phải bay về gấp họp báo để chỉ cho lãnh đạo tỉnh thấy giám đốc Sở y tế vừa trình lên báo cáo gian dối, kẻo cán bộ nhân viên ngành y tế chẳng còn biết tin vào đâu. Đại tá Ngọc kêu trời, dặn dò “Phải giữ sức khỏe mới chiến được lâu dài. Bọn mafia tham nhũng là kinh lắm đấy!”. 

Tôi gầy hẳn vì vừa đại phẫu 6 ngày trước khi họp báo

Tháng 11/2018, Lê Thị Hồng Linh- một trong 3 phụ nữ từng gửi đơn vu khống tôi xin được đến Văn phòng báo Tiền Phong để viết giấy cam kết và xin lỗi. Linh là người từng chuyển cho tôi hàng chục file ghi âm tự ghi, để tôi viết báo. Linh cũng đã nhờ tôi 2 lần liên hệ, cùng Linh vào Công an tỉnh, trình bày với 2 vị đại tá chuyện Long-Triển và các cộng sự đã kết hợp khủng bố tôi ra sao. Những đoạn ghi âm cho thấy rõ nhân cách của Doãn Hữu Long, với những đoạn phát ngôn chửi bới lãnh đạo tỉnh, bất tuân thượng lệnh, dọa giết nhà báo và quan hệ bất chính. 

Lê Thị Hồng Linh viết bản cam kết tại báo Tiền Phong
Bản cam kết của Lê Thị Hồng Linh 6.11.2018

Nghe trọn các đoạn ghi âm do tôi chuyển đến, ông Trần Đình Sơn-Viện trưởng Viện KSND tỉnh lúc bây giờ đã phẫn nộ thốt lên: “Trụy lạc, đồi bại thế này, là Đảng viên còn không xứng đáng, huống hồ là Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở”. Tôi gửi những đoạn ghi âm ấy đến các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét. Ông Phan Xuân Lĩnh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng đoàn Thẩm tra của Tỉnh ủy khẳng định sẽ tiến hành trưng cầu giám định giọng nói, hồi âm kết quả cho báo Tiền Phong. Thế nhưng sau đó lần nào hỏi kết quả ra sao ông Lĩnh cũng chỉ quanh co. Gần đây tôi mới biết Công an tỉnh đã tiến hành trưng cầu các file ghi âm rồi gửi kết quả trong bì nguyên niêm phong cho ông Lĩnh. Nhiều lần tôi điện thoại, nhắn tin, ông Lĩnh vẫn lấy cớ “vướng nguyên tắc của Đảng” để che đậy kết quả giám định, không cung cấp. 

Công chứng sẵn bộ hồ sơ gốc

Đêm 27/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đọc lệnh khởi tố 10 bị can, bắt tạm giam 6 bị can liên quan đến cuộc đấu thầu thuốc năm 2014-2015. Chiều ngày 28/4, một cán bộ y tế tìm gặp tôi. Anh kể: Một bác sĩ bị bắt đêm qua tròn 1 năm trước đây đã đi phô tô công chứng ra nhiều bộ tập tài liệu gốc về cuộc đấu thầu, rồi nhờ cậy “Ngày nào mình bị bắt mà ông Nguyễn Hữu Thông vẫn vô sự, thì nhờ bạn chuyển ngay tập tài liệu này cho nhà báo Hoàng Thiên Nga. Trong đó có bằng chứng về vai trò cốt lõi của ông Nguyễn Hữu Thông trong các sai phạm về đấu thầu thuốc. Ông ấy vừa sai người hỏi mượn hồ sơ, mình sợ ông ấy xóa dấu vết, đổ tội cho người khác nên phải chuẩn bị trước”. 

Từ trái qua: 3 nam bác sĩ bị khởi tố, bắt giam tại Sở Y tế tối 27/4 (ông Long đứng giữa, cao nhất trong ảnh)
Hồ sơ gốc về đấu thầu thuốc đã được công chứng 1 năm trước

Trước khi viết kỳ cuối của loạt ghi chép này, tôi đăng ký làm việc với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk. Trung tá Nguyễn Danh Bằng-Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế được giám đốc Công an tỉnh giao việc cung cấp thông tin về vụ án này cho phóng viên. Tôi chuyển cho Trung tá Bằng một số ảnh chụp bộ hồ sơ đấu thầu gốc đã được photo công chứng, nhắc các anh chú ý tiếp tục xử lý vụ án cho thật công bằng, nghiêm minh. 

Cuộc làm việc mới đây tại Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh

H.T.N 

 

* Chuỗi bài về y tế Đắk Lắk từ tháng 9/2015 đến nay của Hoàng Thiên Nga:

Ghi chép nhiều kỳ – Sự thật ? Hành trình trần ai ! 

Sai phạm Y tế Đắk Lắk: Thế lực nào bao che?

Đắk Lắk: Đẩy nhanh tiến độ điều tra về đấu thầu thuốc

Hồi âm CV 327 của Sở Y tế Đắk Lắk: Nếu không ngăn sai phạm, tổn thất lớn không chỉ ngân sách

Điều tra 2 kỳ: Y tế Đắk Lắk, về đâu ?!
Kỳ I – Y tế Đắk Lắk : Vụ đổi ghế chấn động toàn ngành
Kỳ II- Y tế Đắk Lắk : Phải chăng bó tay với tham nhũng ?

Vụ đổi ghế chấn động toàn ngành y tế

Chấn động ngành y: Muốn khởi tố phải chờ… Bộ Y tế

Bài học chấn động ngành y

Phó thủ tướng gia hạn xác minh tiêu cực tại Sở Y tế Đắk Lắk

Những cái chết chưa rõ nguyên nhân

Y tế Đắk Lắk, những điều nhức nhối

Nỗi niềm nữ sinh bị cưa chân oan

Sở Y tế Đắk Lắk xin lỗi vắng mặt nữ sinh bị cưa chân oan

Chỉ đạo lần thứ 3 về điều chuyển cán bộ vẫn chưa xong

Vì sao Đắk Lắk thiếu thuốc chữa bệnh

Báo Tiền Phong nhận 2 giải A tại Hội Báo Xuân Đắk Lắk

Vì sao 14 bệnh viện ở Đắk Lắk hết tiền trả lương

Mua 111 máy vi tính bỏ kho: Sở Đắk Lắk nhận sai

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ xử lý nghiêm, không bao che

Sai phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu

Tham nhũng y tế là tội ác

Lãng phí mua sắm trang thiết bị y tế – Bài 1: Mua máy để… bỏ kho!

Vụ ‘tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm’: Trân trọng cảm ơn và hứa hẹn

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk sai do không được tham mưu tốt

Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Nhóm lợi ích thao túng!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s