Lộ trình chấm dứt gạch nung: Những khó khăn từ thực tế (2 bài)

***

Lộ trình chấm dứt gạch nung: Những khó khăn từ thực tế (Kỳ 1)
Cập nhật lúc 07:18, Thứ Hai, 26/11/2018 (GMT+7)

Theo Quyết định 35/2014/QĐ-UB, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét bằng lò thủ công, đến năm 2020, toàn bộ các lò gạch nung phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương gặp không ít khó khăn.

Hoạt động sản xuất gạch tại HTX công nghiệp Ea Uy, huyện Krông Pắc.
Hoạt động sản xuất gạch tại HTX công nghiệp Ea Uy, huyện Krông Pắc.

Kỳ 1: Những áp lực khi các lò gạch đóng cửa

Khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu và cả thị trường đầu ra đã khiến cho nhiều lò gạch thủ công, lò đứng liên tục chưa thể chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung hoặc gạch tuynel.

Nan giải việc giải quyết việc làm

Trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có 5 hợp tác xã (HTX) sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch với 55 chủ cơ sở, quy mô 115 cửa lò gồm: HTX Công nghiệp Ea Yiêng (19 cơ sở, 49 cửa lò, công suất 32 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Ea Uy (18 cơ sở, 36 cửa lò, công suất 76 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Phú Quý (6 cơ sở, 13 cửa lò, công suất 15 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Quyết Tiến (11 cơ sở, 23 cửa lò, công suất 25 triệu viên/năm); HTX Công nghiệp Nhân Tâm (1 cơ sở, 2 cửa lò, công suất 1 triệu viên/năm).

Để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, bình quân mỗi cơ sở có khoảng 20-25 lao động thường xuyên và thời vụ; với 55 chủ cơ sở, toàn huyện hiện có trên 1.000 lao động hiện đang làm việc tại các lò gạch. Theo kế hoạch 49/KH-UBND, ngày 23-3-2018 của UBND huyện, chậm nhất đến 31-12-2020, các lò gạch đất sét nung phải chấm dứt hoạt động. Để thực hiện kế hoạch này, trước đó ngành chức năng của  huyện đã tuyên truyền về các chủ trương, văn bản liên quan của Trung ương và địa phương đến chủ cơ sở các lò gạch cũng như người lao động. Tuy hầu hết các cơ sở sản xuất gạch thủ công và lò đứng liên tục trên địa bàn đều đã nắm được chủ trương, cam kết chấp hành theo lộ trình mà địa phương đã đặt ra nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, áp lực.

Ông Cao Thành Đệ, Giám đốc HTX Công nghiệp Ea Yiêng cho biết, HTX được thành lập năm 2011 hiện có 18 xã viên hoạt động kinh doanh theo mô hình tự xã viên hạch toán với lượng lao động duy trì từ 420-440 lao động thường xuyên và thời vụ. Đối tượng lao động làm việc tại HTX chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ… nên khi lò gạch đóng cửa thì số lao động này sẽ thất nghiệp. Việc sắp xếp, giải quyết việc làm cho người lao động cũng là một trong những vấn đề nan giải của địa phương hiện nay bởi Ea Yiêng là xã còn khó khăn, đất đai cằn cỗi, mưa thì ngập, nắng thì hạn…

Sau khi có chủ trương của tỉnh, nhiều chủ lò gạch đã đi tham quan các mô hình sản xuất gạch không nung, nhưng kinh phí đầu tư cho dây chuyền sản xuất này quá cao, từ 7-10 tỷ đồng, có nơi lên đến vài chục tỷ đồng.  Cho nên dù thời điểm chuyển đổi sang sản xuất vật liệu không nung, hoặc lò gạch tuynel đang cận kề, hầu hết các lò gạch thủ công trên địa bàn các huyện vẫn chưa sẵn sàng thực hiện.

Còn ở huyện Krông Ana, với 70 cơ sở sản xuất gạch, bình quân mỗi cơ sở có trên 20 lao động làm việc thường xuyên, nếu các cơ sở đóng cửa hết  thì sẽ có cả nghìn lao động thất nghiệp. Đối tượng lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất sản xuất, trình độ học vấn không có hoặc rất thấp nên khả năng chuyển đổi nghề nghiệp cũng gặp khó khăn. Như chia sẻ của những người lao động tại nơi đây, mặc dù đều được chính quyền địa phương tuyên truyền và nắm rõ được lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch nhưng ai cũng cảm thấy lo lắng khi mốc thời gian năm 2020 đang cận kề. Nếu lò gạch đóng cửa, bản thân họ không biết làm gì để có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng (như làm ở các lò gạch hiện nay) trang trải cho cuộc sống gia đình. Công việc của công nhân làm gạch vất vả, nặng nhọc nhưng họ vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nghề bởi nó mang lại thu nhập khá ổn định. Những lo lắng của lao động ở các lò gạch cũng là băn khoăn, trăn trở của chính quyền địa phương nơi đây, bởi chuyển đổi nghề nghiệp, sắp xếp việc làm mới cho cả nghìn lao động là vấn đề không hề đơn giản…

Thiếu vốn để chuyển đổi

Qua tìm hiểu thực tế được biết, sản xuất gạch thủ công được xem là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở các xã khó khăn của huyện Krông Pắc, Krông Ana… Theo các cơ sở sản xuất gạch ở huyện Krông Pắc, khi UBND tỉnh có chủ trương chuyển đổi từ lò gạch đốt củi sang công nghệ lò nung đứng, nhiều chủ lò đã vay ngân hàng từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng để đầu tư mặt bằng, nguyên liệu, nhà bạt chuyển công nghệ sản xuất gạch. Bên cạnh đó, hằng năm họ còn chi thêm khoảng vài trăm triệu đồng để cải tạo, tu bổ lò gạch. Nhưng sau cả gần 10 năm vay vốn, có HTX chỉ mới hoàn vốn, có đơn vị vẫn trong tình trạng nợ nần, cần thêm một thời gian nữa mới thu hồi lại được chi phí đầu tư ban đầu. Chính vì vậy, chủ trương xóa bỏ hàng loạt lò gạch khiến nhiều chủ lò rơi vào tình trạng rối như tơ vò. Một chủ lò gạch ở xã Ea Yiêng chia sẻ, thực hiện chủ trương chuyển đổi, bản thân gia đình anh đã phải vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng để đầu tư, chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang lò đốt liên tục kiểu đứng. Đến nay, mới trong giai đoạn thu hồi vốn, nên khi huyện chính thức có kế hoạch chấm dứt hoạt động vào năm 2018, cả gia đình gần như đứng ngồi không yên, ngày nào cũng phấp phỏng nghĩ đến lúc phải dừng hoạt động.

Các HTX làm gạch nung vẫn chưa tìm được hướng chuyển đổi phù hợp khi lộ trình chấm dứt hoạt động đang đến gần.
Các HTX làm gạch nung vẫn chưa tìm được hướng chuyển đổi phù hợp khi lộ trình chấm dứt hoạt động đang đến gần.

Thêm vào đó, việc sử dụng gạch không nung vẫn chưa được người dân hưởng ứng và sử dụng rộng rãi, chỉ có công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước là bắt buộc. Ngoài ra, việc bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chưa thực hiện được vì liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-3-2018, do đó gây khó khăn cho việc chuyển sang lò tuynel, bởi theo quy định việc chuyển đổi từ lò đứng liên tục, lò vòng sang sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò tuynel phải có nguồn nguyên liệu đất sét được khai thác hợp pháp…

(Còn nữa)

Kỳ 2: Để vẹn toàn các mục tiêu

Lê Hương

***

Lộ trình chấm dứt gạch nung: Những khó khăn từ thực tế (Kỳ 2)
Cập nhật lúc 10:10, Thứ Ba, 27/11/2018 (GMT+7)

Với khoảng 3.000 lao động làm việc tại các lò gạch trên địa bàn tỉnh, để chấm dứt hoạt động của các lò gạch này theo đúng lộ trình mà không gây hệ lụy cho cả người sản xuất lẫn lực lượng lao động cần có giải pháp phù hợp…

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có: 2 nhà máy gạch tuynel với công suất 37 triệu viên/năm, 4 lò gạch hoffman (lò vòng cải tiến) với công suất 8 triệu viên/năm; 140 đơn vị sản xuất gạch theo công nghệ nung đốt liên tục kiểu đứng với 222 lò nằm trên địa bàn các huyện Krông Pắc, Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Krông Búk, Cư Kuin, Ea Kar. Tổng sản lượng gạch nung sản xuất đạt khoảng 693 triệu viên/năm. Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc này cũng như khuyết khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung.

Một lò gạch thủ công ở huyện Ea Súp đã chấm dứt hoạt động.
Một công trình có vốn ngân sách Nhà nước ở huyện Ea Súp được xây bằng vật liệu không nung.

Rất nhiều khó khăn đặt ra từ thực tế, thậm chí gần như nằm ngoài khả năng của phần đa các cơ sở sản xuất gạch nung hiện nay khi thực hiện chủ trương này. Các địa phương, ngành chức năng đang nỗ lực tìm cách gỡ vướng.

“Ngoài việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho các chủ lò gạch chuyển đổi hoạt động sản xuất, các ngành chức năng và các địa phương đặc biệt quan tâm và có kế hoạch cụ thể đối với công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động cũng như có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn, chuyển đổi nghề nghiệp”.

Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng

Đơn cử như huyện Krông Pắc, trong kế hoạch thực hiện lộ trình chấm dứt gạch nung, UBND huyện cũng đã có định hướng đầu tư phát triển công nghệ sản xuất gạch tuynel và gạch không nung cùng phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho các chủ cơ sở và người lao động. Trên địa bàn huyện đã có 2 HTX kiểu mới tại Ea Uy và Vụ Bổn. Hiện, UBND huyện đang hoàn thiện việc xúc tiến thành lập thêm 1 HTX kiểu mới tại xã Vụ Bổn trên cơ sở tập hợp các chủ cơ sở sản xuất gạch của 3 HTX hiện nay (HTX Công nghiệp Phú Quý, Nhân Tâm, Quyết Tiến) tham gia góp vốn làm thành viên để sản xuất gạch theo công nghệ tuynel. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá về trữ lượng sét ở địa bàn 3 xã Ea Yiêng, Ea Uy và Vụ Bổn còn khá lớn (khoảng 175 ha), UBND huyện định hướng thành lập, xây dựng mỗi xã 1 nhà máy sản xuất gạch tuynel để khai thác tốt tiềm năng hiện có của địa phương cũng như giải quyết việc làm cho người lao động và phục vụ nhu cầu gạch xây dựng trên địa bàn. Ngoài ra, 2 xã Krông Búk và Hòa Tiến có trữ lượng đá xây dựng khá lớn với 5 doanh nghiệp đang đầu tư, khai thác nên UBND huyện cũng giao cho các ngành chức năng của địa phương làm việc với các doanh nghiệp này để đầu tư 2 nhà máy sản xuất gạch không nung tại đây. Đối với việc giải quyết việc làm cho người lao động, UBND huyện giao cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là lao động tại các lò gạch để chuyển đổi sang các nghề khác như: may, sửa chữa cơ khí, trồng nấm, chăn nuôi, lái xe…

Một lò gạch thủ công ở huyện Ea Súp đã chấm dứt hoạt động.
Một lò gạch thủ công ở huyện Ea Súp đã chấm dứt hoạt động.

Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Số lượng lò gạch phải dừng hoạt động của tỉnh khá nhiều, trong khi thời gian từ nay đến đích năm 2020 không còn xa, để vẹn toàn cả hai mục tiêu: Thực hiện dừng sản xuất gạch nung bằng lò thủ công lạc hậu đúng lộ trình; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và bảo đảm quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh, việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân chuyển đổi sản xuất; tìm kiếm, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến cần được các ngành, địa phương quan tâm, quyết liệt triển khai.

Hiện, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành chức năng liên quan lập kế hoạch hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất gạch thủ công khi chuyển đổi công nghệ sản xuất; phổ biến công nghệ, tiêu chuẩn, lợi ích và khuyến khích chuyển đổi sang gạch xây không nung. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nguồn gốc chất lượng, chứng nhận hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng; nghiệm thu công trình nhằm phát hiện kịp thời các loại vật liệu xây dựng đưa vào thi công xây dựng mà không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Lê Hương

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s