Nóng bức và bạo lực

English version: Hot and Violent

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu hiểu được những thiệt hại kinh tế xã hội gây ra bởi biến đổi khí hậu.

David Rotman

22 tháng 12 năm 2015

Không ai biết biến đổi khí hậu sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào. Chúng ta không biết chắc nồng độ carbon dioxit trong khí quyển là bao nhiêu thì sẽ làm tăng nhiệt độ, và ảnh hưởng tới lượng mưa ở những khu vực khác nhau trên trái đất. Chúng ta cũng phải tìm hiểu những sự thay đổi này sẽ làm giảm năng suất nông nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế như thế nào. Ngoài ra một câu hỏi có thể gây nhiều lo lắng hơn: liệu thiệt hại do biến đổi khí hậu, hoặc thậm chí mối đe dọa từ sự biến đổi khí hậu, có dẫn đến một thế giới đầy bạo lực trong tương lai?

Trong Thế giới đen: Sự tàn sát người Do Thái, lịch sử và cảnh báo (Black Earth: The Holocaust as History and Warning), Timothy Snyder lập luận rằng sự lo ngại đó có bằng chứng lịch sử. Là giáo sư trường đại học Yale và là một học giả nổi tiếng về sự tàn sát người Do Thái (Holocaust), Snyder mô tả Hitler bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi sinh thái bệnh hoạn rằng người Đức sẽ không đủ đất đai cần thiết để trồng trọt. Hitler viết, “hệ sinh thái đang cạn kiệt và sự tồn tại nghĩa là một cuộc tranh đấu vì đất đai.” Hitler đặc biệt thèm khát vùng đất màu mỡ của Ukraina. Thực tế, nước Đức không bị đe dọa bởi nạn đói, và Snyder chỉ ra rằng rất nhiều cải tiến trong nông nghiệp đã được thực hiện, dẫn đến cuộc Cách mạng xanh sau này. Nhưng Hitler, Snyder giải thích, không tin rằng công nghệ có khả năng tăng sản lượng nông nghiệp; thực tế là, ông ta đã bác bỏ ý kiến cho rằng khoa học sẽ có thể phá vỡ cuộc đấu tranh chủng tộc để tồn tại mà ông ta đã nhận ra.

“Thế giới đen” chủ yếu mô tả sự tàn bạo của lính Đức khi xâm chiếm, tàn phá các nước lân cận và các thể chế chính trị của họ, dẫn đến cuộc thảm sát người Do Thái ở những khu vực này. Nhưng ở phần kết luận, Snyder đưa ra một lời “cảnh báo” đáng lo ngại. Vì những lợi ích của cuộc Cách mạng xanh đang giảm dần và nguy cơ từ sự biến đổi khí hậu ngày càng tăng, ông cho rằng, chúng ta một lần nữa sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực – và, do vậy, một lần nữa có thể xảy ra các cuộc chiến tranh vì các vùng đất nông nghiệp. “Một khoảnh khắc chọn lựa khác, hơi giống cách người Đức đã phải đối mặt trong những năm 1930, có thể xảy ra,” Snyder viết. Ông cho biết thêm: “Chúng ta thay đổi ít hơn chúng ta nghĩ.”

“Đó sẽ là sự phân chia lại của cải lớn nhất trong lịch sử, từ nước nghèo đến nước giàu.”

Snyder lập luận rằng, khí hậu thay đổi là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột ở châu Phi, như cuộc nội chiến ở Sudan bắt đầu từ năm 2003. Nhưng điều ông thực sự lo sợ là tương lai. Trung Quốc, ông chỉ ra, không đủ khả năng tự cung cấp lương thực với sản lượng nông nghiệp trong nước, và rất nhiều người Trung Quốc đã phải đối mặt với nạn đói khủng khiếp: Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông từ năm 1958 đến 1962 đã khiến hàng chục triệu người chết đói. Tương tự như nước Đức những năm 1930 thèm khát nguồn tài nguyên nông nghiệp của Đông Âu, Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát các vùng đất của Châu Phi và nhòm ngó nguồn tài nguyên phong phú của nước láng giềng Nga.

Đưa ra những tội ác của Đức quốc xã để cảnh báo những mối nguy hiểm trong tương lai không được bỏ qua sai lầm độc đoán của Hitler. Và, như Snyder sẵn sàng thừa nhận, Trung Quốc không phải Đức quốc xã; những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chấp nhận khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có một điểm chính Snyder vẫn duy trì: biến đổi khí hậu – thậm chí viễn cảnh của nó – cũng có khả năng để thay đổi quan điểm chính trị toàn thế giới. Và nếu xem lại những bài học từ lịch sử, chính phủ và giới cầm quyền có thể sẽ không ứng phó hợp lý với các mối đe dọa.

Syria và Trung Đông

Sự lo ngại biến đổi khí hậu có thể góp phần gây ra xung đột đã từng được nêu ra trước đây. Nicholas Stern, cựu chuyên viên kinh tế của Ngân hàng thế giới và cố vấn cho chính phủ Anh, đã đưa ra dự đoán trong báo cáo năm 2006 “Kinh tế trong thời kỳ biến đổi khí hậu” rằng “nhiệt độ tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến những thay đổi đột ngột trên diện rộng, dẫn đến tình trạng chia rẽ khu vực, di cư và xung đột.” Trong suốt thập kỷ trước, rất nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm bằng chứng về mối tương quan này.

Năm 2011, Solomon Hsiang, lúc đó ở Princeton, hiện tại đang là giáo sư trường chính sách công Goldman, đại học California, Berkeley, đồng tác giả bài báo chỉ ra rằng trong suốt thời gian hiện tượng El Nino xảy ra khiến nhiệt độ tăng cao bất thường, số lượng các cuộc nội chiến ở vùng nhiệt đới đã tăng gấp đôi. Bài báo lần đầu tiên đã chứng minh khí hậu toàn cầu có thể dẫn đến xung đột. Vài năm sau, Hsiang và đồng sự ở Berkeley và Stanford đã phân tích tài liệu về khí hậu và xung đột và tìm thấy một kết quả nhất quán giữa 60 bài báo nghiên cứu: nhiệt độ tăng cao và sự thay đổi lượng mưa làm tăng nguy cơ xung đột. Các bằng chứng không chỉ cho thấy khí hậu có tác động đến xung đột, Marshall Burke giáo sư đại học Stanford, đồng tác giả bài báo, mà những tác động đó còn có thể rất lớn. Ông nói, “Ở vùng châu Phi hạ Sahara, khi thời tiết nóng lên, các cuộc xung đột dân sự tăng 20-30%. Đó là một con số khổng lồ.”

Một cách giải thích có vẻ hợp lý là biến đổi khí hậu có tác động lớn đối với nông nghiệp. Lấy ví dụ về cuộc chiến ở Syria. Bắt đầu vào mùa đông 2006-2007, ở bình nguyên Trăng Lưỡi Liềm Màu Mỡ (Fertile Crescent), chạy dọc theo biên giới phía bắc Syria và cung cấp phần lớn lương thực cho đất nước này, đã trải qua đợt hạn hán lịch sử kéo dài 3 năm. Nó khiến cho khoảng 1.5 triệu người phải di cư đến các trung tâm đô thị của đất nước. Trong khi đó, ở các khu vực xung quanh các thành phố của Syria, khoảng hơn 1 triệu người tị nạn từ cuộc chiến tranh Iraq từ những năm 2000 hiện đang sinh sống. Ở những khu vực này, tội phạm gia tăng, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, tình trạng quá tải, và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền, tất cả đã góp phần gây ra bất ổn. Những cuộc nổi dậy lan rộng ở các thành phố biên giới nhanh chóng chuyển thành cuộc nội chiến như ngày nay, bắt đầu từ đầu năm 2011.

Theo Colin Kelley, nhà nghiên cứu khí hậu tại đại học California, Santa Barbara, chuyên nghiên cứu vùng Địa Trung Hải, sự biến đổi khí hậu đã khiến nạn hán hạn ngày càng khắc nghiệt hơn, dẫn đến mất mùa trên diện rộng, nhiều người phải di cư, và góp phần dẫn đến xung đột. Trong bài báo gần đây, Kelley và đồng tác giả đưa ra tài liệu chứng minh mức độ gia tăng của khí nhà kính đã làm thay đổi mô hình gió thông thường, vốn mang đến hơi nước từ Địa Trung Hải trong suốt kỳ mưa mùa đông. Đó là một phần của hiệu ứng khô hạn kéo dài trong khu vực, phù hợp với dự báo từ mô hình biến đổi khí hậu, ông cho biết. Nhìn chung, ông nói thêm, các khu vực cận nhiệt đới trên thế giới như vùng Trăng Lưỡi Liềm Màu Mỡ, được dự đoán sẽ trở nên khô hạn hơn.

Một số nhà khoa học của chính phủ không cho rằng ảnh hưởng của khí hậu là nguyên nhân phát động chiến tranh. “Những điều chúng ta không biết nhiều hơn những gì chúng ta biết, nhưng chúng ta biết rằng không có mối quan hệ chung và trực tiếp giữa sự biến động của khí hậu và các cuộc chiến tranh có tổ chức trên quy mô lớn,” Halvard Buhaug từ Viện nghiên cứu hòa bình Oslo, Na Uy. Tuy nhiên, Buhaug cũng cho rằng chỉ “hợp lý” khi nói biến đổi khí hậu làm nghiêm trọng thêm các nguyên nhân chính của nội chiến, bao gồm bất bình đẳng hệ thống, nghèo đói và sự quản lý yếu kém. “Nếu biến đổi khí hậu có ảnh hưởng khác nhau đến các nhóm người trong xã hội hoặc thách thức hiện tại quá khắc nghiệt và quá khả năng hệ thống nhà nước có thể giải quyết,” ông nói, “thì tất nhiên biến đổi khí hậu có thể gây mất ổn định hơn trong tương lai.”

Kelley thừa nhận rằng rất khó để có thể phân biệt rõ ràng vai trò của hạn hán trong các nguyên nhân gây ra chiến tranh ở Syria. Nhưng ông cũng cho biết, việc xác định vai trò cụ thể của khí hậu không chỉ đơn thuần là một câu hỏi học thuật, đặc biệt ở những khu vực bất ổn như Trung Đông. “Ai sẽ là người tiếp theo? Biến đổi khí hậu sẽ khiến quốc gia nào lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng?”

Chi phí

Nghiên cứu mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và xung đột là một phần của nỗ lực nhằm hiểu rõ hơn về các yếu tố kinh tế xã hội, mà khi nhiệt độ tăng sẽ tác động đến con người ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Nỗ lực được thiết kế để hoàn thiện các phân tích trước đây thường sử dụng phương pháp tính toán số liệu thô sơ, ước đoán khi các yếu tố được lấy trung bình trên khu vực rộng lớn. “Cho đến tận vài năm trước đây,” Berkeley’s Hsiang nói, “chúng ta vẫn không biết điều gì đang xảy ra.”

Trong một cố gắng nhằm dự báo tình hình kinh tế chính xác hơn, Hsiang và đồng nghiệp, những nhà khoa học về khí hậu và những nhà khoa học về xã hội, đã nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đến năng suất lao động và sản xuất nông nghiệp ở các quốc gia khác nhau trong những năm qua. Trong một bài báo trên tờ Nature, nhóm đã kiểm tra sự thay đổi nhiệt độ hàng năm ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế ở 160 quốc gia từ năm 1960 đến 2010. Sau đó họ kết hợp các dữ liệu với mô hình biến đổi khí hậu được phát triển bởi nhiều nhóm trên khắp thế giới, mô hình giúp dự đoán sự thay đổi nhiệt độ với sự ấm lên của trái đất. Kết quả các nhà khoa học đã đưa ra một dự đoán tăng trưởng kinh tế đến thế kỷ sau.

Những phát hiện này rất đáng lo ngại. Các nhà khoa học dự đoán rằng nếu biến đổi khí hậu tiếp tục tăng nhanh, đến cuối thế kỷ, sản lượng kinh tế thế giới sẽ giảm 23%, cao hơn nhiều so với các dự đoán trước đây. Các nhà nghiên cứu tìm thấy sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm nếu nghiệt độ trung bình hàng năm tăng trên 13oC; năng suất lao động, năng suất, sản lượng nông nghiệp bắt đầu sụt giảm khi nhiệt độ tăng. Đáng ngạc nhiên hơn, sự sụt giảm khi nhiệt độ tăng trên 13oC xảy ra ở cả các quốc gia giàu và nghèo, bất kể đó là nền kinh tế phụ thuộc hay không phụ thuộc nông nghiệp.

Nhưng phát hiện gây bất ngờ nhất là mức độ tác động sẽ không đồng đều. Vì những nước nghèo thường nằm trong khu vực có nhiệt độ cao nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Trong khi nền kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ, và phần lớn các nước Nam Mỹ sẽ phải gánh chịu tổn thất, thì những nước Tây Âu, Nga, và Canada sẽ được hưởng lợi ích. “Đây có thể là sự phân phối lại của cải từ nước nghèo đến nước giàu lớn nhất trong lịch sử,” Hsiang nói. “Một sự thụt lùi không thể tin được.”

Các nhà chính trị và người dân trên thế giới sẽ giải quyết sự bất hợp lý này như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng nhất chúng ta phải đối mặt. Và Snyder lưu ý rằng những điều tồi tệ có thể xảy ra nếu các nhà chính trị và các nhà cầm quyền tạo ra sự lo sợ và định kiến cho người dân của họ.

Một trong những điều quan trọng chúng ta có thể học hỏi từ chế độ của Hitler, “kết hợp khoa học và chính trị.” Thực chất, Snyder đang cáo buộc những người đã phủ nhận tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thông qua các hệ tư tưởng chính trị. Tương tự, ông có thể đang cáo buộc những người ở cuối phổ chính trị, những người quay lưng đối với công nghệ và khoa học, không chấp nhận các lựa chọn như năng lượng hạt nhân và những tiến bộ di truyền trong nông nghiệp, những điều giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đúng hơn là, ông lập luận, các quyết định chính sách phải được thông báo bằng các kết quả khoa học khách quan.

Mặc dù tất cả những điều không chắc chắn về tương lai của biến đổi khí hậu, khoa học rõ ràng về một số điểm cơ bản. Chúng ta phải thay đổi cơ sở hạ tầng năng lượng càng nhanh càng tốt để có thể giảm phát thải carbon và khoảng giữa thế kỷ, cơ bản ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm. Nhưng khoa học cũng bắt đầu cho chúng ta biết ngay cả khi thực hiện những biện pháp triệt để để hạn chế phát thải ô nhiễm cũng vẫn chưa đủ. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến con người ở rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới và sẽ leo thang ngay cả khi sự phát thải bắt đầu giảm. Đã đến lúc chúng ta phải tìm cách thích nghi. Các nghiên cứu gần đây về chi phí kinh tế xã hội sẽ có ích. “Khí hậu đang biến đổi,” Hsiang cho biết. “Chúng ta cần tìm cách giảm thiểu tối đa thiệt hại.”

 

1 bình luận về “Nóng bức và bạo lực

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s