Tết trầy trật của thủy nông viên (4 bài)

Những gia đình sống ở trạm bơm

nông nghiệp – Thứ Hai 09/01/2023 , 08:09 

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, thật khó tin khi hàng nghìn người làm công tác thủy lợi phải trầy trật phấn đấu có một… mức sống tối thiểu.

Xoay xở với đồng lương tối thiểu…

Phải hít thật sâu rồi thở từ từ để kìm nén cảm xúc, những giọt nước mắt mới không trào ra khoé mắt đỏ hoe của chị Vũ Thị Vinh – công nhân thủy nông có thâm niên 10 năm làm việc tại Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ (Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích).

Chị tiếp chuyện chúng tôi với tâm thế bất lực trước cuộc sống đầy rẫy lo toan nhưng thu nhập dưới mức lương tối thiểu vùng. Nợ chồng nợ. Nợ năm này qua năm khác, chẳng biết đến khi nào mới thoát ra được cảnh sống này.

10 năm qua, vợ chồng chị Vinh cùng 3 đứa con phải sống nhờ căn phòng vỏn vẹn 15m2 của trạm bơm Xuân Phú. Ảnh: Trung Quân.
10 năm qua, vợ chồng chị Vinh cùng 3 đứa con phải sống nhờ căn phòng vỏn vẹn 15m2 của trạm bơm Xuân Phú. Ảnh: Trung Quân.

Suốt 10 năm qua, chị Vũ Thị Vinh (37 tuổi) cùng chồng và 3 đứa con phải sống nhờ ở một gian phòng rộng chừng 15m2 của trạm bơm Xuân Phú. Họ đều là công nhân thủy lợi – cái nghề mà chị Vinh nói là có mức lương thấp nhất trong các nghề dịch vụ công ích của xã hội.

Như năm 2022, hàng tháng vợ chồng chị được công ty trả tổng cộng khoảng 5 triệu tiền mặt. Thế nên bài toán chi tiêu để nuôi 3 đứa con khiến chị đau đầu. Đứa con nhỏ nhất 3 tuổi, đang học lớp mẫu giáo bé. Tiền ăn phải nộp cho nhà trường 650.000 đồng/tháng, học phí 96.000 đồng/tháng. Chưa kể cháu bé sức đề kháng yếu, thường xuyên ốm, mỗi lần bị viêm phế quản nặng phải đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương nằm viện điều trị cả tuần mới khỏi.

Hai đứa con lớn hơn học lớp 2 và lớp 7, tiền học phí 5 triệu/năm, nếu đóng cả một cục như các phụ huynh khác thì cả nhà chết đói, chị đành phải xin nhà trường cho đóng thành nhiều đợt. “Nhà trường dạy học mỗi ngày 2 buổi. Nhiều người cho con ăn bữa trưa ở nhà trường khoảng 20.000 đồng/suất, nhưng tôi không theo được. Lấy đâu ra 40.000 đồng một ngày mà trả. Trường cách chỗ ở vài km, nhưng mỗi ngày 4 lượt, hai đứa nhỏ phải đạp xe đi về, bởi nếu đưa đón con bằng xe máy thì tiền xăng quá nhiều”, chị Vinh kể.

z4018160865152_528e3596f04358d5d5e35e4c95955ee3
Gia đình chị Vũ Thị Vinh và gia đình anh Trần Nam Dân đều phải ở nhờ phòng làm việc của trạm bơm Xuân Phú suốt 10 năm qua, vì hoàn cảnh quá khó khăn trong khi lương quá thấp. Ảnh: Minh Phúc.

Bao năm làm nghề dẫn nước cho nhân dân, nhưng chưa năm nào hai vợ chồng có tiền dành dụm, thậm chí năm nào cũng phải vay mượn bố mẹ, anh em trong gia đình. Việc mua một mảnh đất nhỏ, xây ngôi nhà nhỏ che nắng mưa cho riêng mình, với chị là ước mơ khó có thể chạm tới. Chỉ mong sau này những đứa nhỏ lớn lên, chúng làm ăn phụ giúp gia đình.

Vén tấm mành tre cáu bẩn trước cửa phòng, chúng tôi mục sở thị căn phòng nhỏ 5 người ở của chị Vinh. Ngoài chiếc giường gỗ nhỏ ở góc phòng, chị phải trải thêm chiếu để vừa ăn cơm, vừa nằm ngủ. Phía bên cạnh là mâm cơm, chiếc tủ nhựa lem luốc. Thậm chí, khung cửa sổ cũng được tận dụng để treo giàn bát, gương lược.

Mùa đông rét mướt, gió đông bắc lùa qua khe 2 cửa sổ khiến căn phòng lạnh ngắt, tấm vải bạt chắn gió đã rách te tua nhưng chẳng được thay mới. Cả gia đình cứ thế gắng gượng sống qua ngày với những bữa cơm chủ yếu là lạc rang, đậu phụ và mấy cọng rau. “Thi thoảng tôi cũng phải mua cho mấy đứa ít thịt băm để chống suy dinh dưỡng. Còn sữa thì bao giờ nhận được lương mới mua cho thằng cu 3 tuổi 2 vỉ uống cho đỡ thèm. Nó cứ đòi uống suốt nhưng lâu lâu mới có”, chị Vinh kể.

Tôi hỏi chị sao không làm thêm việc để tăng thu nhập? Chị bảo nhiều người nghĩ công nhân thủy nông nhàn hạ, nhưng thực tế khác một trời một vực. Bởi mỗi năm có 3 vụ, công nhân thủy nông vừa phải vận hành máy bơm, vừa dẫn nước và duy tu, bảo trì kênh mương, nói dễ hiểu hơn là vớt bèo rác, cắt cỏ thủ công và vá những bờ kênh bị vỡ, hư hỏng do chuột đào hang… Chỉ tính riêng tiền xăng chạy xe máy để tuần tra, phát hiện vi phạm công trình thuỷ lợi vài lượt mỗi ngày (chiều dài 3-4km) của hai vợ chồng chị đã tốn gần 1 triệu tiền xăng rồi.

Đó là những công việc bắt buộc phải làm vì hàng tháng, Ban Quản lý quản lý và dịch vụ thuỷ lợi Hà Nội (thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội) đều đi kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm, nếu kênh mương không thông thoáng, cỏ mọc cao hai bên bờ kênh mương thì không được nghiệm thu. Chưa kể, anh em trạm bơm phải chia làm 3 ca để thay phiên nhau bảo vệ tài sản của công ty.

z4018160962735_cefec19cf31015ed8df01c389e45868e
Lương không đủ sống, chị Nguyễn Thị Thủy – công nhân trạm bơm Triệu Xuyên (Xí nghiệp Đầu tư và phát triển thuỷ lợi Sông Tích) phải tranh thủ ngoài giờ làm việc để mò trai, bắt ốc mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.

Vay nợ chẳng thiếu chỗ nào

Giống như gia cảnh của chị Vinh, vợ chồng anh Trần Nam Dân (38 tuổi) và chị Vũ Thị Huyền, quê ở xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng xin ở nhờ một gian phòng tương tự ở trạm bơm Xuân Phú.

Anh là công nhân vận hành máy có thâm niên 18 năm, như mọi năm, tổng thu nhập hàng tháng kể cả lương và tiền tăng ca khoảng 4,2 triệu đồng nhưng năm nay công ty chưa được UBND thành phố Hà Nội cấp đủ kinh phí, nên hiện tại hàng tháng chỉ được tạm ứng 3 triệu đồng. Vợ anh cũng mới trở lại làm giáo viên mầm non được 2 năm nên thu nhập chẳng đáng là bao.

z4018156244103_91e4609fc778305211801adf183e8567
Với mức lương tạm ứng 3 triệu đồng/tháng, gia đình anh Trần Nam Dân không đủ trang trải mức sống tối thiểu. Ảnh: Trung Quân.

“Túng thiếu quá, mình phải “lựa cơ gắp mắm”, xoay xở đủ cách trang trải cuộc sống. Tháng nào cũng nợ thêm một ít, vay chỗ này đập chỗ kia. May nhờ công ty cho ở nhờ trạm bơm mới có chỗ chui ra chui vào chứ không không biết sẽ thế nào”, anh Dân tâm sự.

Đã đến ngày 9/1/2023, thế nhưng tiền lương tạm ứng tháng 12/2022 vẫn chưa có. Như hàng trăm thuỷ nông viên của Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích, anh Dân sốt ruột như ngồi trên đống lửa vì hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán.

“Nhiều đêm, hai vợ chồng không ngủ nổi vì suy nghĩ, trăn trở. Mình thì thế nào cũng được nhưng con gái ngày một lớn cũng cần có không gian riêng mà 3 người vẫn sinh hoạt chung trong căn phòng 20m2, rất bất tiện. Những chỗ có thể vay mượn thì đã vay rồi trả nhiều lượt rồi, làm thế mãi cũng không được”. Giọng anh Dân nghẹn lại rồi tiếp tục kể: Vào những ngày cao điểm lấy nước, cả gia đình mất ngủ vì 9 tổ máy bơm công suất lớn chạy rầm rập cả ngày đêm. Còn ngày thường, chẳng đêm nào anh Dân được trọn giấc vì trạm bơm nằm ở  ngoài khu dân cư, thiết bị máy móc rất nhiều, sơ sẩy cái là trộm cắp vào lấy. Nếu xảy ra mất mát, anh em cả trạm lại khổ.

Tết chỉ mang thẻ nhang về thắp cho ông bà tổ tiên

Nói về việc đón Tết, anh Dân bảo 10 năm nay cả nhà ăn tết ở trạm bơm là chính vì đây là thời kỳ cao điểm lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ đông xuân. Hôm nào không phải trực anh Dân mới chở vợ con về thăm, chúc Tết ông bà, bố mẹ rồi lại lên. Chỗ ở tạm là căn phòng nhỏ của trạm bơm giờ thành chỗ ở chính. “Ngày Tết chỉ khác với ngày thường một chút là có thêm cái bánh chưng, cái giò, gói quà của công ty, chứ tôi chẳng có điều kiện để sắm thêm thứ gì”, anh Dân ngán ngẩm.

Cách trạm bơm Xuân Phú chừng 10km, tại trạm bơm Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng có một cặp vợ chồng thuỷ nông viên xin ở đậu tại trạm bơm suốt 20 năm qua. Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Minh Phương và anh Nguyễn Minh Đức.

z4018161043328_d60d970c759c38f669a4c4f78870b615
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Phương và anh Nguyễn Minh Đức bên mâm cơm có phần “cao cấp” so với thường ngày vì có thêm… hai bìa đậu. Ảnh: Trung Quân.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc vợ chồng chị ăn trưa, trên mâm chỉ có hai bìa đậu phụ, bát nhỏ tép khô rang và mấy quả sung muối chị hái từ trạm bơm về ướp. Chị quê ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), còn anh Đức quê ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Họ tới ở nhờ trạm bơm Hát Môn từ năm 1999 và làm việc cho Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ.

Anh chị sinh được 3 người con, đứa lớn đang học năm 3 Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ tính riêng tiền học phí đã 28 triệu đồng/năm, chưa kể tiền trọ, sách vở và sinh hoạt phí. Cách đây chừng nửa tháng, cháu nhắc bố mẹ đóng nốt 7 triệu đồng học phí mà chị Phương chẳng còn cách nào xoay sở, vì tổng tiền lương công ty tạm ứng cho hai vợ chồng chỉ 6 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, đứa con thứ hai đang học lớp 10 và đứa út đang học lớp 2, hàng chục đầu mục cần phải trang trải mỗi ngày. Đó là chưa kể cuối năm là mùa cưới, cỗ bàn nhiều nên phải xoay tiền như chong chóng. Kinh tế đã đến mức kiệt quệ. Thi thoảng chị Phương lên chợ mua nợ miếng thịt cho các cháu cải thiện bữa ăn, hứa đến cuối tháng nhận lương sẽ trả. Thế mà, sang năm mới rồi vẫn chưa thấy lương tạm ứng của tháng cuối cùng năm cũ đâu. Chị cảm thấy tủi nhục lắm vì mình trở thành người thất hứa.

Chị Phương bảo, từ trạm bơm về quê nội, quê ngoại không phải quá xa nhưng mỗi năm số lần anh chị về thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một phần vì không có thời gian, một phần vì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Nếu về thăm bố mẹ mà không có tấm bánh, biếu bố mẹ được mấy đồng thêm thắt chút thức ăn, hộp sữa thì phận làm con thấy tủi hổ vô cùng.

“Tết năm nay, vợ chồng tôi cùng các con chỉ mang theo bó nhang về thắp hương cho ông bà tiên tổ nội ngoại. Mong ước được báo hiếu mẹ cha thì nhiều vô kể, nhưng không có tiền đành chịu”, chị Phương nghẹn ngào.

Minh Phúc – Trung Quân

***

Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi vẫn phải ăn nhờ lương hưu của vợ

NN – Thứ Ba 10/01/2023 , 10:34

‘Các công ty thủy lợi ở Hà Nội đang ngắc ngoải hết cả rồi’, ông Hà Hữu Nho – Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ chia sẻ.

Empty
Ông Hà Hữu Nho – Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ (ngồi giữa) quản lý 148 lao động nhưng chỉ nhận mức lương tạm ứng 4,2 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trung Quân.

Lương kỹ sư cũng không bằng cửu vạn, ô sin

Bài liên quan

Những gia đình sống ở trạm bơm

Là Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích, thành phố Hà Nội) có 148 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuỷ lợi, quản lý 42 trạm bơm tưới tiêu, gần 1.200 cống, 68 tuyến kênh lớn với tổng chiều dài 154km, nhưng lương tạm ứng 11 tháng đầu năm 2022 của ông Hà Hữu Nho chỉ vỏn vẹn 4,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, đặc ân duy nhất mà ông giám đốc được hưởng là 70.000 đồng/tháng để mua trà tiếp khách.

Số tiền ấy, như ông Nho nói thì “không đủ nuôi thân, thậm chí âm nặng, nên phải thường xuyên ăn vào lương giáo viên về hưu của vợ”. Để đi quan hệ ký hợp đồng tưới tiêu với 23 xã trong phạm vi phục vụ, xuống các tổ đội kiểm tra, động viên anh em và lên công ty họp, mỗi tháng tiền xăng xe của ông Nho đã hết cả triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều khi lãnh đạo, cán bộ địa phương, anh em trong công ty mời cưới con, mời đình đám… mệt mỏi vô cùng.

Ông Nho đã làm việc 37 năm trong ngành thủy lợi, sắp nhận sổ hưu rồi nên chỉ chờ ngày bàn giao công việc. Thế nhưng, ông luôn canh cánh nỗi lo cho hàng trăm lao động của xí nghiệp, nắng mưa vẫn phải cắt cỏ, vớt rác, bảo trì sửa chữa máy bơm mà đồng lương chỉ được tạm ứng từ 2,5 – 3 triệu đồng mỗi tháng. Như thế, chẳng thể nào họ sống nổi.

Thậm chí từ tháng 10/2022 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích cạn kiệt nguồn tiền nên phải nợ bảo hiểm xã hội của cán bộ, công nhân viên.

“Bây giờ nếu công ty cho cán bộ, công nhân thủy lợi nghỉ việc mà vẫn được đóng bảo hiểm thì đa số anh em xin nghỉ để làm việc khác hết. Vì lương phụ hồ, lương cửu vạn, lương ô sin, bảo vệ còn cao hơn nhiều”, ông Nho sốt ruột.

Thực tế, đã có 2 trường hợp xin nghỉ vì lương thấp quá. Nếu tình trạng này kéo dài, công nhân nhảy việc hàng loạt thì ngành thủy nông tê liệt. Bởi thủy lợi là dịch vụ công ích có tính kinh tế kỹ thuật chuyên sâu. Nếu không hiểu hệ thống, không có kỹ năng vận hành máy thì khối tài sản hàng nghìn tỷ của xí nghiệp chẳng thể mang lại giá trị.

Ế vợ vì lương thấp và những lá đơn xin nghỉ việc

Ông Hoàng Văn Dương – Phó Giám đốc, Chủ tịch công đoàn bộ phận của Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ ngao ngán, ở xí nghiệp có nhiều cặp vợ chồng đều làm công nhân thuỷ lợi, đời sống rất bi đát. Mấy hôm nay đang là cao điểm lấy nước đổ ải vụ đông xuân của các tỉnh phía Bắc. Trời rét căm căm nhưng anh em vẫn phải “quần đùi áo bông” căng mình lội nước, trực máy ngoài đồng, vớt rác kênh mương để đảm bảo dẫn nước thông suốt vào đồng ruộng.

Empty
Công nhân thủy lợi không được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, trong khi thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo ông Dương, xí nghiệp phục vụ tưới tiêu cho 4.000ha (tổng diện tích tưới 3 vụ/năm khoảng 11.000ha). Trung bình mỗi vụ có khoảng 11 đợt tưới, mỗi đợt kéo dài vài ngày. Đặc biệt, vào những thời kỳ cao điểm chống hạn, chống úng, anh em phải vận chuyển, tháo lắp các trạm bơm dã chiến bạc mặt. Vì thế, một số công nhân dù rất yêu nghề nhưng không chịu được áp lực kinh tế, đành phải nghỉ việc. Một số anh em trẻ cố bám trụ với nghề, nhưng lương không đủ sống, hơn 35 tuổi chưa lấy được vợ.

Điển hình như ở cụm đội vùng bãi sông Hồng, anh Đặng Thế Linh, sinh năm 1987 đã làm việc nhiều năm nhưng lương tạm ứng chưa đủ 3 triệu đồng nên đến giờ này vẫn chưa lấy vợ. Bức bí quá, anh Linh đã xin nghỉ việc từ ngày 1/8.

Kỹ sư thủy lợi Nguyễn Thị Thanh Hà, cán bộ phụ trách cụm đội bãi sông Hồng bảo: “Trên báo đài đưa tin các trường đào tạo công nhân vận hành bơm điện thiếu học viên, chẳng ai đi học. Thậm chí, Đại học Thủy lợi cũng vậy, tuyển sinh các khoa chuyên ngành rất vất vả. Cũng phải thôi, vì lương thấp quá”.

Chẳng ai có thể nghĩ rằng, thời đại 4.0 rồi nhưng anh em công nhân thủy lợi vẫn phải cắt cỏ kênh mương bằng liềm; vớt rác bằng cào thủ công. “Hơn 10 năm trước, công ty giao cho mỗi đội thủy nông 1 cái máy cắt cỏ, nhưng dùng được mấy năm thì hỏng, từ đó đến nay anh em toàn phải cắt cỏ bằng tay. Mà giả dụ có máy cắt cỏ thì anh em cũng phải bỏ tiền túi đổ xăng. Xăng xe máy để đi tuần tra kênh mương, xăng chạy máy cắt cỏ đều cấu vào tiền lương công nhân, nghĩ mà tủi”, chị Hà nói.

Có những công nhân phụ trách cắt cỏ hàng nghìn mét chiều dài tuyến kênh lớn, vào mùa xuân, cứ cắt xong đoạn cuối thì đoạn đầu cỏ lại mọc um tùm. Mà đâu có chuyện ăn gian với nhà nước được, bỏ bê một tháng không cắt cỏ là dây leo bò ngang dọc lòng kênh.

Lay lắt bên dòng kênh rác thối

Ông Hà Đức Nho chia sẻ, từ năm 2017 đến nay điệp khúc nợ, chậm lương năm nào cũng xảy ra, nhất là dịp cuối năm. Các công ty thủy lợi ở Hà Nội đều đang ngắc ngoải hết cả rồi. Ở Công ty Đầu tư Phát triển thủy lợi Sông Đáy, từ lãnh đạo công ty đến anh em công nhân mỗi người chỉ được tạm ứng 2 triệu đồng/tháng.

z4018158627079_ba1deee0f09e0aa0e85156dc0def4c76 - Copy
Rác ngập ngụa ở kênh K12, ngay sát văn phòng Trạm thủy nông số 2 (Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ). Ảnh: Trung Quân.

Dẫn chúng tôi ra khu vực cống đầu kênh (K12) đang ngập ngụa rác thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hai công nhân của trạm đang cầm chiếc cào vớt xác những con gà, vịt chết trương. Khi lưỡi cào bập vào và nhấc lên, chúng nát nhũn ra từng mảnh, rớt tứ tung xuống nước. Chúng tôi đứng gần đó chụp ảnh, ai cũng nôn thốc tháo.

Anh Hà Đức Thế – Trạm trưởng Trạm thủy nông số 2 (Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ), không giấu nổi bức bối: “Anh em công nhân thủy nông chúng tôi giờ trở thành công nhân vớt rác rồi”.

Trạm phụ trách cấp, tiêu nước trên địa bàn 6 xã có mật độ dân cư đông đúc. Người dân vứt đủ loại rác từ bàn ghế, bàn thờ, xác gia súc, gia cầm. Rác nhiều đến mức anh em công nhân vớt không xuể.

Có thời điểm, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ giấu dịch cho lợn chết vào bao tải rồi ném xuống kênh mương, đọng lại ở cống. Có con lợn nặng khoảng 2 tạ, nếu cứ để dưới kênh thì rất lâu mới phân hủy hết, ách tắc dòng chảy. Anh em đành dùng cào kéo lên bờ. Khi cào vừa chạm vào thì xác lợn bung ra, nguyên cả bộ nội tạng loang trên mặt nước to như mảnh chiếu. Nhiều người hãi quá không dám làm tiếp.

Empty
Anh Hà Đức Thế – Trạm trưởng Trạm thủy nông số 2 (Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ) chia sẻ chuyện “ăn nằm” với rác. Ảnh: Trung Quân.

Nhưng, oái oăm nhất là khi anh em thủy nông vớt rác lên bờ. Có cái thì đốt được, có cái thì không mà để lại sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, xe rác của công ty vệ sinh môi trường lại không thu gom vì đó không phải là rác thải dân sinh. Tình thế tiến thoái lưỡng nan, anh em trong trạm đành phải bỏ tiền túi ra thuê xe chở ra bãi rác Xuân Sơn xử lý.

Làm việc ở môi trường độc hại, nhưng trạm trưởng như anh Thế  (quản lý hơn 40 lao động) cũng chỉ được công ty tạm ứng 2,9 triệu đồng mỗi tháng. Vợ anh cũng là công nhân thủy nông, nên cuộc sống bi đát chất chồng khi phải nuôi 3 con ăn học.

“Bây giờ tôi chỉ mong Thành phố Hà Nội sớm quyết toán kinh phí dịch vụ công ích thủy lợi của năm 2022 cho công ty, để công ty thanh toán nốt số tiền lương còn nợ người lao động. Được vậy anh em mới có đồng ra đồng vào sắm sửa tết cho gia đình. Làm quần quật cả năm, “ăn nằm” với rác, hít mùi hôi thối thường xuyên mà đến tết vẫn không được quan tâm thì tủi hổ vô cùng”, giọng anh Thế khẩn thiết.

Được biết, năm 2022, Thành phố Hà Nội chỉ đặt hàng tạm thời dịch vụ công ích thủy lợi cho 4 công ty thủy nông. Đến hết tháng 12/2022, kinh phí ngân sách Thành phố cấp cho Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích chỉ 45 tỷ đồng (trong khi đó, chi phí lương cho người lao động, bảo hiểm, nhiên vật liệu, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng và các chi phí khác lên tới 100 tỷ đồng).

Do đó, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích mới chỉ tạm ứng lương cho người lao động đến tháng 11/2022 và nộp bảo hiểm đến hết tháng 9/2022. Còn lại, các chi phí sửa chữa công trình, nguyên, nghiên vật liệu công ty nợ hết. Chỉ tính riêng chi phí điện đã nợ khoảng 20 tỷ đồng.

Minh Phúc – Trung Quân

***

Tàn tạ thủy nông Hà Nội

NN – Thứ Tư 11/01/2023 , 12:30 

Thấy nhà nào bốc mả, công nhân đội thủy nông Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) lại lục tục chạy ra xin chăn của người chết về phơi để bịt hèm phai cống hở.

TB1
Trạm bơm Văn Khê 1 (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi công nhân thủy nông phải túc trực 24/24 để bảo vệ 5 tổ máy bơm và vận hành phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Minh Phúc.

Người có trí óc tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung ở Thủ đô mà anh em thủy nông lại phải nghĩ ra cách như vậy để dẫn nước

Những công trình bị “bỏ rơi”

Đội thủy nông Bình Đà (thuộc Xí nghiệp thủy lợi La Khê – Công ty TNHH Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy, thành phố Hà Nội) do anh Lê Văn Tạc đứng đầu có 53 người, phục vụ tưới tiêu hơn 2.000ha sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000ha dân sinh. Tuy nhiên, kể từ khi được đầu tư xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều công trình thủy lợi không được quan tâm sửa chữa, nâng cấp nên rất xập xệ, tồi tàn.

Trời mưa nặng hạt và gió rét căm căm, anh Tạc dẫn chúng tôi đi bộ trên bờ kênh đất nhầy nhụa đến trạm bơm Văn Khê 1 (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai). Gọi là trạm bơm nhưng nó chẳng khác gì cái chuồng lợn đã sử dụng hết khấu hao, tường mục nát bong tróc vữa tứ tung, trần thì thấm dột, ẩm thấp, bật đèn vẫn tối lù mù.

Bên trong trạm chỉ đủ chứa 5 tổ máy bơm công suất 1.200m3/s và chiếc giường cũ mèm để công nhân vận hành bơm điện nằm ngủ trông giữ tài sản. Ngoài ra, chẳng còn thứ gì phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

15 năm qua, chị Phạm Thị Lương Oanh (công nhân thủy nông Xí nghiệp thủy lợi La Khê) gắn bó với nơi này. Thân gái một mình đêm khuya khoắt giữa cánh đồng quạnh quẽ, chị sợ lắm, phải rủ chồng ngủ cùng. Nhưng, anh Nguyễn Tam Huynh (chồng chị Oanh) cũng là công nhân thủy lợi của xí nghiệp, phụ trách 1 trạm bơm khác nên hỗ trợ chị được buổi đực buổi cái.

Vào những ngày bơm nước phục vụ tưới tiêu 24/24, tiếng ồn từ 5 tổ máy công suất lớn phát ra đinh tai nhức óc cộng với hơi nóng như sắt nung phả vào khiến chị không tài nào ngủ nổi.

Mấy chục năm trước, công ty trang bị được cái quạt điện, nhưng nó đã hỏng từ lâu, công nhân phải góp tiền tự mua. Thậm chí, đến cái nhà vệ sinh cũng không có, ai buồn tiểu tiện, đại tiện thì ra ngoài trời “cầu tõm”. Đàn ông thì đỡ ngượng, chứ chị em phụ nữ mà bị người ta bắt gặp cảnh tượng ấy chỉ còn biết lấy mo đậy mặt.

“Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị công ty sửa chữa lại trạm để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho anh em, nhưng kiến nghị mãi cũng thế. Đến cái cửa sắt đã mục nát hết phía dưới bao nhiêu năm nay, người lớn có thể chui vào nhưng cũng không được cấp kinh phí sửa. Chúng tôi phải kiếm tấm tôn và vài thanh sắt rồi nhờ người hàn vá víu chi chít”, chị Oanh ngán ngẩm.

TB3
Chị Oanh trực bảo vệ và vận hành, sửa chữa máy bơm tại trạm bơm Văn Khê 1. Ảnh: Minh Phúc.

Công việc tuy không quá nặng nhọc, nhưng với mức lương vợ chồng chị được tạm ứng mỗi người 2 triệu/tháng không thể đủ sống. Chỉ riêng chi phí học hành của hai đứa con đã mất 2 triệu đồng/tháng rồi, huống hồ còn cơ man khoản chi khác cấu vào. Những lúc được nghỉ giãn ca, chị tranh thủ làm thêm việc lặt vặt để kiếm thêm thu nhập nhưng tháng nào chị cũng phải vay tiền, chỉ mong cuối năm được thanh toán hết lương để trả nợ.

Đội trưởng quản lý 11 trạm bơm cũng phải cho con nghỉ học vì hết tiền

Là đội trưởng đội thủy nông quản lý, vận hành 11 trạm bơm, 57 km kênh chính cấp I và cấp II nhưng năm 2022, mỗi tháng anh Lê Văn Tạc chỉ được tạm ứng lương 2 triệu đồng. Vợ anh Tạc sáng gánh nồi cháo ra chợ bán, chiều đi làm ruộng.

“Thấy bố mẹ khó khăn quá, không có tiền nộp học phí, thằng con lớn đang học lớp 11 phải xin nghỉ học ở trường để đi phụ hồ. Nó bảo: “Con đi kiếm tiền một vài năm để bố mẹ nuôi em gái (đang học lớp 7) học tiếp. Bao giờ nhà mình đỡ khổ con xin học lớp bổ túc để tốt nghiệp phổ thông”, anh Tạc kể mà giọng như muốn khóc.

Empty
Anh Lê Văn Tạc – đội trưởng đội thủy nông Bình Đà (Xí nghiệp thủy lợi La Khê) là lãnh đạo của 53 thủy nông viên, quản lý vận hành 11 trạm bơm đang chờ lãnh đạo Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy phê duyệt đơn xin tạm nghỉ việc không lương vì gia đình quá khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Gắn bó với nghề 27 năm, phấn đấu mãi mới lên chức đội trưởng, thế mà anh Tạc đành phải “cắn rơm cắn cỏ” viết đơn xin ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy cho được tạm nghỉ việc không lương một thời gian để làm việc khác có thu nhập khá hơn, một vài năm đỡ khó khăn sẽ tiếp tục xin làm thủy nông trở lại.

Tuy nhiên, ý định ấy của anh Tạc khó thực hiện được vì nếu công ty dành đặc ân này cho một người, thì những người khác đồng loạt làm theo. Bộ máy tổ chức bị xáo trộn như ong vỡ tổ.

Anh Tạc chia sẻ, những công trình thủy lợi do đội Bình Đà phụ trách mấy chục năm qua không được sửa chữa, nâng cấp nên hư hỏng rất nặng. Chỉ có khoảng 20% được cứng hóa từ những năm 80 của thế kỷ trước (cộng với 3,8km kênh chính La Khê mới được cải tạo) nên đã bị phong hóa và thối hết mạch vữa, sụt sạt, khi chống hạn, chống úng anh em phải đi đắp vá rất nhiều điểm.

Đặc biệt, có nhiều cống bị hỏng hèm phai, hổng hoang hoác, không giữ nước được. Anh em phải dùng những tấm chăn người ta bỏ lại ngoài nghĩa địa sau khi bốc mộ và cọc tre để bịt vào khoảng trống.

“Người có trí óc tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung ở Thủ đô mà anh em thủy nông lại phải nghĩ ra cách như vậy để dẫn nước. Hết năm này qua năm khác, chúng tôi kiến nghị sửa lại mấy cái cống bị hỏng mà chờ hoài chờ mãi vẫn chẳng thấy ai cấp kinh phí. Bởi, công ty ưu tiên dành nguồn kinh phí ít ỏi nhà nước cấp để sửa chữa các công trình khác khác hư hỏng nặng hơn”, anh Tạc than vãn.

14 trạm bơm do đội thủy nông Bình Đà quản lý nằm ở vùng ven đô, thế nên nước đen bẩn, ô nhiễm rất nặng và nhiều rác thải. Những lần rác cuộn vào bể hút, anh em phải lặn xuống tận đáy để vớt, khi lên bờ tắm rồi vẫn còn mùi thối.

Những thời kỳ hạn nặng, anh em công nhân trạm bơm Văn Khê lại phải tháo 2 tổ máy bơm rồi chuyển gia kênh Yên Cốc, tận dụng nước từ khu dân cư đổ ra kênh để bơm vào đồng ruộng chống hạn.

Một nhân viên Công ty TNHH Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy bảo với tôi rằng, nếu anh có thời gian, chúng tôi sẽ đưa anh đi đến rất nhiều hệ thống thủy lợi còn xập xệ, xuống cấp hơn các công trình ở đội Bình Đà rất nhiều.

Kỹ sư thủy lợi gần về hưu mới lấy được vợ

Rời trạm bơm Yên Khê, chúng tôi tìm đến trạm bơm Song Khê gặp kỹ sư thủy lợi gạo cội Lê Văn Ba. Là người hiền lành, chất phác, khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc, thế nhưng đến khi gần về hưu, ông Ba vẫn sống trong căn nhà cấp bốn xập xệ bố mẹ để lại. Hoàn cảnh túng thiếu đến mức ông không có tiền mua cái xe máy. Do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, ông phải mua chịu cái xe honda wave cũ nát của một đồng nghiệp, đến giờ vẫn chưa trả được.

z4018160371613_8fb6fcfc61b22e600b7b228e805bd5e0
Ông Lê Văn Ba – Kỹ sư thủy lợi sắp về hưu cho rằng: “Lãnh đạo thành phố không quan tâm tới công tác thủy lợi như ngày xưa”.

Cách đây 6 năm ông Ba mới lấy được vợ. Nếu công ty trả đủ tiền lương hàng tháng 6,8 triệu đồng và gieo cấy 1 sào ruộng thì hai vợ chồng chi tiêu tằn tiện là vừa đủ. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây, tình trạng treo lương, nợ lương, chậm trả lương diễn ra phổ biến. Từ đầu năm 2022, với 2 triệu đồng công ty tạm ứng mỗi tháng, ông Ba không thể nuôi vợ, phải vay mượn khắp nơi. Tuổi đã cao, ước mong có khoản tiền lớn để can thiệp khoa học kỹ thuật, giúp vợ chồng ông có đứa con đầu lòng ngày càng xa vời.

“Vợ mình lúc đầu cũng hoài nghi là sao chồng đi tối ngày mà lương hàng tháng mang về lại chỉ có thế, hay lại mang đi chỗ này chỗ kia; giải thích thế nào vợ cũng không tin. Thế là sau này mình đi trực phải đưa cả vợ đi. Có người tưởng mình sợ ma nên phải đưa vợ đi cùng nhưng thực ra là để vợ hiểu rõ hoàn cảnh, thực tế công việc của mình”, ông Ba chia sẻ.

Cũng theo ông Ba: Công tác dẫn nước bây giờ khó khăn vô cùng vì lượng rác thải người dân vứt xuống sông quá nhiều. Nhiều đầu cống anh em phải tự mua lưới sắt rồi đóng cọc rào rác. Rác dồn về thì mình vớt lên, nhưng khi quay về trạm nghỉ một lúc, quay lại kiểm tra đã thấy rác chặn tắc cống rồi.

Rác thải bây giờ là vấn nạn của ngành thủy lợi, nhiều người nói vui thủy lợi giờ gần như là bãi rác thải của xã hội, cái gì cũng có thể vứt xuống sông. Nói vui mà thành nói thật. Những tưởng xã hội càng tiên tiến hiện đại thì việc vứt rác bừa bãi phải giảm đi nhưng tréo ngoe là nó có chiều hướng tăng lên. Rác thải tăng lên làm cho năng lực phục vụ của công trình thủy lợi giảm, anh em công nhân làm việc lại càng vất vả hơn.

Một việc quan trọng nữa của thủy nông viên là thường xuyên trông nom, kiểm tra, nắm bắt hiện tượng vi phạm công trình thuỷ lợi để kịp thời báo cáo. Bây giờ hoạt động vi phạm công trình thủy lợi ngày càng phức tạp, thậm chí người dân còn đi “rình” khi nào cán bộ thủy nông vắng mặt là vi phạm ngay. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm thuộc quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền các cấp. Chính quyền mà quan tâm sát sao thì mình bớt vất vả và ngược lại. Tuy nhiên, nếu để xảy ra vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, nếu quy trách nhiệm là cán bộ thủy nông phụ trách và công ty phải chịu.

“Mình sắp nghỉ hưu nhưng phải nói sòng phẳng là lãnh đạo thành phố không quan tâm tới công tác thủy lợi như ngày xưa”, ông Ba nói.

Theo thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, do thu nhập thấp nên từ năm 2017, 2018 và 2019 số lượng người lao động xin nghỉ việc tại Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy rất nhiều. Trong 3 năm trở lại đây, việc xin chuyển công tác mặc dù không nhiều nhưng vẫn có, đặc biệt năm 2021-2022, có những người đã đóng bảo hiểm 18 năm vẫn xin chấm dứt hợp đồng chứ không phải xin nghỉ không lương. Có những kỹ sư trẻ có chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác về công ty được 2-3 tháng lại xin nghỉ.

Minh Phúc – Trung Quân

***

Thủy nông viên điêu đứng vì đâu?

NN – Thứ Năm 12/01/2023 , 14:16 

Điều mà các công ty thủy lợi mong mỏi nhất lúc này, đó là Thành phố Hà Nội sớm phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

z4027989783699_5926d33d61a26da1f214a2ee604e079e
Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trò chuyện cùng công nhân Xí nghiệp thủy lợi La Khê (Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc.

Trong quá trình thực hiện loạt bài “Tết trầy trật của thủy nông viên”, chúng tôi được một số cán bộ quản lý các công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ những vướng mắc tài chính về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Địa phương chưa phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi mới

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy (Công ty Sông Đáy), Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, các doanh nghiệp thủy lợi trên toàn quốc xây dựng giá dịch vụ công ích thủy lợi của đơn vị mình.

Giá dịch vụ công ích thủy lợi có 2 loại: một là do Bộ Tài chính ban hành trên toàn quốc (giá chung), hai là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào giá chung đó xây dựng giá riêng dựa vào đặc thù hệ thống công trình thủy lợi.

Ví dụ, diện tích phục vụ tưới tiêu của Công ty Sông Đáy bằng diện tích phục vụ của một công ty thủy lợi vùng ven biển của Nam Định nhưng số lượng người, số lượng công trình thủy lợi gấp 4 lần (lý do là đặc thù ở Nam Định không có nhiều hệ thống công trình thủy lợi, mà chủ yếu là đóng và mở cống để lấy và tiêu nước. Do đó, tiền thủy lợi phí nhà nước đặt hàng theo khung giá của Bộ Tài chính đã đủ hoặc thừa chi phí rồi).

Nếu Thành phố Hà Nội đặt hàng dịch vụ thủy lợi cho Công ty Sông Đáy theo khung giá mà Bộ Tài chính ban hành thì mới đáp ứng được khoảng 50% – 55% một chút, tức là thiếu khoảng 45% – 50% kinh phí. Do vậy, từ năm 2017 đến nay, năm nào Thành phố cũng phải cấp bù kinh phí (phần còn thiếu) cho công ty.

Được biết, Công ty Sông Đáy quản lý cả vùng đồng bằng, vùng bán sơn địa và khu vực chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (Chương Mỹ, Mỹ Đức) và vùng ven đô.

Những năm qua, biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết ngày càng thất thường, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm đáng kể, cơ cấu cây trồng thay đổi liên tục, chất lượng nước thì ô nhiễm do rác thải, nước thải đổ ra kênh mương vô cùng nhức nhối nên công tác phục vụ thủy lợi càng khó khăn hơn. Có những khu vực sản xuất nông nghiệp ngành thủy lợi phải bơm 4 cấp mới dẫn nước đến nơi.

Không những thế, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi (lấn chiếm, xây dựng vào hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và xả thải vào công trình thủy lợi) ngày càng gia tăng, anh em thủy nông viên phải làm việc rất vất vả.

Trước những khó khăn vướng mắc trên, chính quyền Thành phố đang tìm cách tháo gỡ. Điển hình là ngày 27/10/2022, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 38 về Quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố Hà Nội (thay thế Quyết định 1752 cũ ban hành năm 2017).

z4027989792753_ddbfafaef4f66614e54f3399df1c19b4
Thủy nông viên của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy chỉ được tạm ứng lương 2 triệu đồng/tháng. Ảnh: Minh Phúc.

Các công ty thủy lợi cũng đang phối hợp với Sở NN-PTNT để trình Thành phố phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn Hà Nội. Nếu đơn giá được phê duyệt thì sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn, nhất là lương và thu nhập của người lao động sẽ tăng khoảng 15 – 20%. Đồng thời Thành phố Hà Nội sẽ có đủ điều kiện và cơ sở để đặt hàng sản phẩm dịch vụ thủy lợi chính thức đối với các công ty, chứ không phải cấp bù chi phí và đặt hàng tạm thời như mấy năm vừa qua nữa.

Đặc biệt, định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định số 38 sẽ giải quyết được một phần bất cập của định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 1752. Cụ thể, theo định mức cũ, công ty phục vụ cho người dân canh tác nhưng rất nhiều diện tích không được nghiệm thu.

Ví dụ, trên một cánh đồng có 5 thửa ruộng thì công ty ký hợp đồng phục vụ cả 5 thửa (cung cấp nước tưới như nhau), nhưng đến lúc nghiệm thu, nếu một thửa ruộng trong số đó mà người dân không canh tác thì công ty chỉ được nghiệm thu 4 thửa còn lại. Hoặc khi công ty thủy lợi đã phục vụ tưới tiêu được 70% khối lượng rồi nhưng do thiên tai, bão lũ ập xuống, chỗ nào bà con không thu hoạch được thì cũng không được nghiệm thu.

Định mức kinh tế kỹ thuật mới (Quyết định 38) vẫn được xây dựng căn cứ vào diện tích phục vụ (nhưng chỉ chiếm phần nhỏ), còn quan trọng nhất là căn cứ vào hệ thống công trình thủy lợi. Ví dụ, Công ty có 165 trạm bơm, 900km kênh mương. Định mức kinh tế kỹ thuật sẽ tính công quản lý, vận hành, khai thác của một trạm bơm là bao nhiêu tiền. Nghĩa là công ty phục vụ bao nhiêu thì sẽ được hưởng bấy nhiêu.

Rất khó để tuân thủ quy định tài chính

Theo lãnh đạo một công ty thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội, khó khăn lớn nhất của thủy nông viên là thu nhập đã thấp nhưng tiền lương lại không được trả đầy đủ. Trong khi chờ Thành phố quyết toán kinh phí năm 2022, các công ty cố gắng co kéo bằng cách sử dụng nguồn ngân sách đặt hàng tạm thời để tạm ứng lương (bình quân từ 2-3 triệu đồng tùy điều kiện từng công ty), đóng bảo hiểm, trang phục bảo hộ, khám sức khỏe định kỳ hàng năm và tổ chức thi nâng bậc nghề… cho người lao động.

Empty
Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hư hỏng nhưng thiếu kinh phí sửa chữa. Ảnh: Minh Phúc.

Còn lại, mấy khoản nợ lớn của các công ty thủy lợi là tiền điện (mỗi công ty nợ hàng chục tỷ đồng), tiền sửa chữa công trình hư hỏng các nhà thầu đã ứng kinh phí. Mặc dù Sở NN-PTNT mới đồng ý chủ trương về những hạng mục chi này, nhưng công ty vẫn phải tiến hành làm ngay vì nhiều đoạn kênh nứt, đổ gãy ở giữa, nếu không sửa chữa kịp thời thì không thể cấp thoát nước được.

Thậm chí, nhiều đoạn kênh chưa kịp sửa chữa, anh em thủy nông viên phải lấy cái ống đặt tạm vào để dẫn nước hai đầu. Một số công trình, máy móc được đầu tư xây lắp từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người không nghĩ đến bây giờ nó vẫn còn hoạt động được.

Trăn trở lớn nhất của lãnh đạo các doanh nghiệp thủy nông đó là việc tuân thủ quy định về tài chính. Nhiều lúc không có tiền nhưng công ty vẫn phải ký hợp đồng với các đối tác để tập huấn, thi nâng bậc lương… Bây giờ, toàn bộ sử dụng bằng hóa đơn điện tử, mua ngày nào xuất hóa đơn ngày đó, trong khi đến 31/1 là kết thúc năm tài chính của năm trước. Nếu công ty mua đồ bảo hộ, găng tay, ủng, quần áo… của năm 2022 mà xuất hóa đơn năm 2023 thì không thể quyết toán được.

Nếu doanh nghiệp chậm xuất hóa đơn, thanh tra thuế sẽ xử phạt hành chính. Mặc dù mức phạt chỉ 5 – 6 triệu đồng thôi nhưng ảnh hưởng rất lớn. Bởi nếu thanh tra thuế ra quyết định xử phạt hành chính, công ty đang xếp loại A hàng năm sẽ tụt xuống loại B. Doanh nghiệp xếp loại B thì chỉ được trích lợi nhuận định mức 1,5 tháng lương, trong khi doanh nghiệp đạt loại A được trích lợi nhuận định mức 3 tháng lương.

Empty
Bể trạm bơm Văn Khê 1, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội bị hư hỏng nhưng nhiều năm chưa được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Minh Phúc.

Mặt khác, với kinh phí eo hẹp nhà nước đặt hàng tạm thời, công ty không thể chi trả lương lương cho người lao động đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo định mức kinh tế kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy lợi đều là doanh nghiệp của nhà nước nên không có nguồn gì khác để bù vào. Nếu thanh tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra thì rất có thể sẽ bị phạt. Doanh nghiệp không bao giờ muốn vi phạm quy định pháp luật, nhưng lực bất tòng tâm.

Đặc biệt, một số công ty thủy lợi mới chỉ tạm ứng lương cho người lao động bình quân khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng, nhưng có những công nhân bậc cao lương hàng tháng của họ khoảng 5 – 6 triệu đồng. Sắp tới, Thành phố cấp tiền cho công ty để trả lương còn thiếu cho người lao động năm 2022, nhưng nếu dồn số tiền nợ lương cả năm để trả vào 1 tháng mà không nộp thuế thu nhập cá nhân (từ 11 triệu đồng trở lên phải nộp thuế), thì thanh tra chuyên ngành sẽ vào xử phạt. Đó là một bất cập, vì nếu người lao động được trả đủ lương hàng tháng, thì họ sẽ không bị thu thuế thu nhập.

Điều mà các công ty thủy lợi mong mỏi nhất lúc này, đó là Thành phố Hà Nội sớm phê duyệt giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, nâng cao một phần đời sống của thủy nông viên.

Minh Phúc – Trung Quân

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s