Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19 – 3 bài

Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19 (bài 1)

cand – 09:06 16/06/20211

Việc “giữ giá”, “thổi giá” đối với thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh đã xuất hiện từ lâu. Khi dịch bệnh COVID-19 đang trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, cả thế giới loay hoay tìm cách xét nghiệm nhanh, chính xác và sản xuất vaccine để kiểm soát dịch thì loại tội phạm này nhân cơ hội đó bộc lộ.

LTS: Tháng 4/2020, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng phòng, chống tội phạm, trong đó lực lượng Cảnh sát kinh tế làm chủ công nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ thông đồng, nâng “khống” giá máy xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội). Dư luận cả nước rúng động khi Giám đốc CDC Hà Nội và các đối tượng liên quan bị khởi tố, bắt giam. Với sự tham mưu, đề xuất của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định, thanh tra việc thực hiện mua sắm các gói thầu thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế giữa đại dịch đã góp phần giảm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực với người dân, đặc biệt là người bệnh; cảnh tỉnh và ngăn ngừa nhiều tổ chức, cá nhân có ý định lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, làm ăn phi pháp.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu chủ trì một buổi họp án tại đơn vị.

Bài 1: Nhức nhối thực trạng “thổi giá” thiết bị y tế

Việc “giữ giá”, “thổi giá” đối với thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh đã xuất hiện từ lâu. Khi dịch bệnh COVID-19 đang trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, cả thế giới loay hoay tìm cách xét nghiệm nhanh, chính xác và sản xuất vaccine để kiểm soát dịch thì loại tội phạm này nhân cơ hội đó bộc lộ.

Để nhận diện tội phạm, đấu tranh làm rõ sai phạm khi mà hồ sơ đấu thầu và các quy trình rất “đầy đủ”, lực lượng Cảnh sát kinh tế, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phải làm việc trong điều kiện cả nước “chống dịch như chống giặc”; nguy cơ lây nhiễm cao; áp lực bởi tiến độ điều tra đòi hỏi nhanh, chính xác. Hơn nữa, họ điều tra, phá án trong điều kiện sức ép không nhỏ, khi nhiều đối tượng là những nhà quản lý, những bác sỹ giỏi, có chuyên môn, ảnh hưởng và quan hệ xã hội rộng rãi. Song, với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm “xử lý một người để cứu nhiều người”, CBCS các đơn vị chức năng Bộ Công an đã vững vàng, hoàn thành tốt yêu cầu đặt ra.

“Bóc mẽ” giá trị thực hệ thống xét nghiệm COVID-19

Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội đã được đưa ra xét xử nhưng dư âm của nó vẫn hiện hữu. Với thủ đoạn thông đồng, “thổi giá” của các đối tượng, hệ thống xét nghiệm tự động Realtime PCR đã đội giá gấp nhiều lần. Theo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thì đây chỉ là vụ án có tính chất mở đầu mà lực lượng Cảnh sát kinh tế điều tra khám phá, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo Bộ. Đó cũng chính là việc làm thiết thực của lực lượng CAND thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Bị can Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm trong vụ CDC Hà Nội.

Từ vụ án nêu trên, một “tảng băng chìm” về thực trạng nâng “khống” giá thiết bị y tế dần lộ diện… là một bài học cảnh tỉnh cho các bệnh viện, trung tâm y tế về mua sắm, đấu thầu các thiết bị y tế trong điều kiện cần mua sắm ngay các thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giữa lúc đại dịch diễn biến phức tạp cũng chính là thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội. Bởi khi giá thiết bị y tế tiệm cận với giá trị thực thì người dân sẽ được hưởng lợi. PV Báo CAND đã gặp gỡ những người trong cuộc, nghe trinh sát, điều tra viên trải lòng về chuyện phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19.

Thời điểm ngày 22/4/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 cán bộ gồm: Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội.

Trước đó, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Lợi dụng tình trạng dịch bệnh, Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thỏa thuận giá mua máy xét nghiệm cùng các vật tư khác trước khi thực hiện quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường. Giám đốc CDC Hà Nội cũng câu kết với Nguyễn Trần Duy gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định giá gói thầu theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, thủ đoạn của các đối tượng có sự móc nối của cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp, công ty thẩm định nhằm nâng “khống” giá thiết bị y tế để rút ruột ngân sách, chia nhau tỷ lệ phần trăm được thỏa thuận trước. Trong đó, cơ sở y tế, khám chữa bệnh (chủ đầu tư) sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế (nhà thầu) được trúng gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế bằng cách cài điều kiện, cấu hình mang tính chất định hướng chỉ duy nhất 1 nhà thầu đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật, còn các nhà thầu khác sẽ bị loại ngay từ vòng “gửi xe”. 

Việc “thổi giá” hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sử dụng các công ty con hoặc các công ty mua bán hóa đơn mua bán lòng vòng với nhau trong thời gian ngắn. Như vụ án này, các đối tượng đã mua bán máy xét nghiệm lòng vòng qua 4 công ty trong chưa đến 2 ngày, nâng giá trị máy từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng (cao gấp 3 lần giá trị thực của máy). Sau đó, Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ đó đề xuất mức giá và CDC Hà Nội “nhắm mắt” mua vào. Đáng chú ý, các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất chi 15% giá trị gói thầu để “lại quả” cho Nguyễn Nhật Cảm nếu thương vụ thành công.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 26/5/2020 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa vụ án tại CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ngoài gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 trên, từ năm 2019 đến tháng 3-2020, CDC Hà Nội còn thực hiện đấu thầu với 16 gói thầu mua trang thiết bị, vật tư tiêu hao trị giá hơn 81 tỷ đồng. Cùng với đó là 2 gói thầu thiết kế, in ấn các tài liệu và phát sóng các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch trị giá hơn 1,9 tỷ đồng.

Trung tá Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng 6, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết thêm, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện các hoạt động đấu thầu tại 18 gói thầu này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng và đã quyết định tách những nội dung sai phạm tại 18 gói thầu này để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Để khám phá vụ án này, các trinh sát Phòng 6 đã phối hợp với điều tra viên Phòng 10 trực chiến 100% quân số, 13 ngày đêm ăn ngủ tại đơn vị, phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra, phám khá án.

Nâng “khống” giá robot phẫu thuật, hưởng lợi hàng chục tỷ đồng

Sau “phát súng mở màn” ở trên, ngày 25/9/2020, dư luận bàng hoàng khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc bệnh viện; ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tiếp đó, khởi tố Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Lý Thị Ngọc Thủy (Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế toán, Bệnh viện Bạch Mai), Phạm Minh Dung, nguyên Tổng Giám đốc Công ty VFS về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ BV Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế; chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Các bị can trong vụ nâng “khống” thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo đó, tháng 1/2017, đề án xã hội hóa được ký kết, Bệnh viện Bạch Mai trang bị hai loại robot phẫu thuật, trong đó robot Rosa có giá 39 tỷ đồng, robot Mako có giá 44 tỷ đồng. Thời điểm trên, Công ty BMS vẫn chưa nhập robot Rosa, song Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái với quy định của pháp luật để cấp “khống” chứng thư thẩm định 2 robot trên theo giá Tuấn đưa ra là 39 và 44 tỷ đồng (trong khi giá trị thực của robot Rosa chỉ 7,4 tỷ đồng, tức nâng “khống” gấp 5 lần).

Từ ngày 27/2/2017 đến tháng 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot Rosa thực hiện phẫu thuật sọ não cho 629 ca bệnh, thu hơn 22,5 tỷ đồng, đã thanh toán chi phí cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh, tương đương 19,8 tỷ đồng. Bệnh viện được hưởng hơn 4,3 tỷ đồng.

Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu 36 triệu đồng/ca, trong đó hơn 23 triệu đồng/ca là để khấu hao robot phẫu thuật, hưởng chênh lệch tới hơn 16,5 triệu đồng/ca. Từ tháng 4/2018 đến tháng 5/2020, bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán cho Công ty BMS tổng số tiền là hơn 16,7 tỷ đồng (cao hơn gấp đôi số tiền Công ty BMS nhập thiết bị). Đối với hệ thống robot Mako, từ ngày 27/2/2017 đến tháng 4/2019, Bệnh viện Bạch Mai đã phẫu thuật khớp cho 55 bệnh nhân với tổng chi phí hơn 2,2 tỷ đồng. Đặc biệt, quá trình điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ bị can Tuấn đã nhiều lần biếu tiền, USD trị giá hơn 300 triệu đồng cho Nguyễn Quốc Anh và 150 triệu đồng ông Nguyễn Ngọc Hiền.

Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu khẳng định, cần phải nhìn nhận việc triển khai đề án xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2007 đến nay là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là giải pháp đầu tư phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật và năng lực khám chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách. Tuy nhiên, qua điều tra, trong số 25 hệ thống đang hoạt động (10 đề án đã thanh lý hợp đồng) với tổng doanh thu hơn 2.560 tỷ đồng, các hệ thống máy đưa vào liên doanh, liên kết với bệnh viện đều có dấu hiệu vi phạm: Vi phạm từ khâu lập đề án, đấu thầu, thẩm định giá, xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh, thu chi tài chính; việc các doanh nghiệp nâng giá cao.

Việc nâng “khống” như trên không chỉ nhằm tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh (giá khám chữa bệnh được hình thành ở một số chi phí nhưng chủ yếu dựa trên tổng mức đầu tư), tăng thời gian sử dụng máy lên nhiều năm mà còn tăng khấu hao gấp nhiều lần, gây thiệt hại cho người bệnh, quỹ Bảo hiểm xã hội và tài sản của bệnh viện. Xử lý hai vụ án tại CDC Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai đã tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực, là hồi chuông cảnh tỉnh các cá nhân, doanh nghiệp câu kết kiếm tiền bất chính trên nỗi đau của bệnh nhân.

Qua đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện công lập trên cả nước khẩn trương rà soát các đề án xã hội hóa và giảm giá các dịch vụ khám chữa bệnh. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai đã giảm 18 dịch vụ khám chữa bệnh về bằng mức mà Bảo hiểm xã hội chi trả, từ đó đem lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân.

Chọn đúng khâu đột phá để “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực”

Chỉ đạo công tác điều tra án tham nhũng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng ngày 30/12/2020, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an lưu ý các cơ quan điều tra trong CAND phải tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục quán triệt quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, dù bất kể người đó là ai.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Bí thư về sự lãnh đạo của Đảng trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh hơn đối với công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng tại các địa phương, không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Qua công tác điều tra, phát hiện kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng, đồng thời chọn đúng khâu đột phá để điều tra, xử lý góp phần răn đe, cảnh tỉnh.”

Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên. Đây là mục tiêu rất nhân văn của công tác điều tra” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Xem tiếp bài 2: Những mảng tối trong hoạt động đấu thầu

Duy Hiển – Anh Hiếu – Quỳnh Vinh

***

Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19 (bài 2)

cand – 08:45 17/06/2021

Từ việc nhận diện loại tội phạm “ăn theo” đại dịch COVID-19, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra, khám phá ra các thương vụ mua sắm vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu ở một số tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong đó có sự “bắt tay”, thông đồng tạo “quân xanh, quân đỏ”, móc nối liên hoàn, khép kín giữa chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn… để thu lời bất chính.

 

Bài 2: Những mảng tối trong hoạt động đấu thầu

Từ việc nhận diện loại tội phạm “ăn theo” đại dịch COVID-19, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra, khám phá ra các thương vụ mua sắm vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu ở một số tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong đó có sự “bắt tay”, thông đồng tạo “quân xanh, quân đỏ”, móc nối liên hoàn, khép kín giữa chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn… để thu lời bất chính. Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, trong đó có lĩnh vực y tế. Qua đó, xử lý nghiêm các sai phạm, mặt khác kịp thời chấn chỉnh, khắc phục nhiều “lỗ hổng”, nâng cao hiệu quả công tác quản lý để phòng ngừa vi phạm.

Vạch trần thủ đoạn của “Tập đoàn tội phạm” trúng nhiều gói thầu trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

Tiếp chúng tôi sau cuộc họp chỉ đạo án đầy căng thẳng, áp lực, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết về quá trình đấu tranh “đường vòng”, thay vì đấu tranh trực diện khi điều tra, khám phá vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ. 

Cục đã điều những cán bộ tinh nhuệ thuộc Phòng 6 đi lại hàng tháng trời tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ để trinh sát, phát hiện sai phạm. Phòng 6 đã phối hợp nhịp nhàng với các Phòng 9, 10 để làm tốt công tác tố tụng, chứng cứ chắc mới phá án và điều tra mở rộng khiến tội phạm phải “tâm phục, khẩu phục”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trao đổi với nhóm phóng viên.

Sau quá trình trinh sát, điều tra khám phá án, đầu tháng 3/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 11 đối tượng về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ, trong đó có nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi; Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Cao Minh Chu; các đối tượng: Lương Tấn Thành, Hồ Phương Quỳnh, đều là nhân viên Ban Quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ. Cũng về tội danh nêu trên, cơ quan điều tra khởi tố Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình thành công mới (NSJ Group); Lê Huy Bình, Tổng Giám đốc NSJ; Đoàn Thị Nở, Trưởng phòng dự án; Lê Thành Hưng, nhân viên phòng kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ cao LTQ (thực chất là Công ty TNHH NSJ đổi tên).

Đối với Công ty tư vấn thẩm định giá BTC Value, đã khởi tố đối tượng Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên và Nguyễn Duy Hùng, nhân viên. Cơ quan điều tra cũng khởi tố Tạ Trường Xuân, nhân viên Công ty tư vấn lập hồ sơ Mediconsult Việt Nam. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng này có hành vi vi phạm đấu thầu trong quá trình thực hiện đấu thầu gói thầu số 01, cung cấp hệ thống DSA hai bình diện cho Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT 128 lát cắt cho Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, do Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư. Bước đầu xác định thiệt hại do các bị can gây ra khoảng 13 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, tội phạm trong lĩnh vực này thường là tội phạm ẩn, nếu nhìn trên hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình. Chỉ có đi sâu điều tra mới phát hiện đằng sau đó có sự móc ngoặc, thông đồng giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu. “Chúng tôi đã lập kế hoạch tổ chức điều tra, phân công CBCS Phòng 6 và Phòng 9 phối hợp nhận diện tội phạm, xác định các khâu đột phá, sau đó triệu tập các đối tượng nhà thầu được Hoàng Thị Thúy Nga giao liên hệ chủ đầu tư”, Đại tá Thành cho biết.

Ngay từ đầu, các đối tượng đã có sự bắt tay ngầm, “đi đêm” để chuyển cho nhau các thiết bị cần bán, thông đồng với nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng hồ sơ mời thầu, cùng thống nhất nâng giá, định hướng chủ đầu tư chọn các hồ sơ, dự án do nhà thầu đó bán. 

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Điều tra viên cao cấp Phòng 9, Cục CSĐT tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, trong quá trình điều tra, các đối tượng này, đặc biệt là Công ty NSJ (nhà thầu) đã có hành vi cản trở CQĐT bằng thủ đoạn tiêu hủy một loạt tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội: Xóa toàn bộ các tin nhắn Zalo, Viber, việc trao đổi giữa lãnh đạo công ty với các nhân viên và trao đổi của công ty với chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn.

Hoàng Thị Thúy Nga thành lập các công ty con thuộc Tập đoàn NSJ từ năm 2015. Chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn, thông qua các mối quan hệ với các tỉnh, thành phố để tạo dựng uy tín, xây dựng nguồn hàng (toàn bộ hàng hóa nhập khẩu), bàn bạc, thống nhất việc mua bán máy móc, thiết bị y tế. Tập đoàn này trúng nhiều gói thầu, tổng giá trị trên 2.000 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, thất thoát tài sản nhà nước. Bắt đầu thực hiện các hoạt động đấu thầu từ năm 2017, cho đến khi cơ quan điều tra vào làm việc năm 2020, các đối tượng đã dừng gần hết hoạt động, thay đổi thành Công ty TNHH Công nghệ cao LTQ hòng qua mặt cơ quan chức năng.

“Ăn” chênh từ 28-31 triệu đồng/stent

Gần đây nhất, chiều 13/5/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can. Trong số này, có 4 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ và cán bộ đương nhiệm Bệnh viện Tim Hà Nội, gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó Giám đốc; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình, nguyên Phó phòng Vật tư; Nghiêm Tuấn Linh, nguyên Phó phòng Vật tư. Ba bị can còn lại là Trần Phú Hưng, Tổng Giám đốc và Nguyễn Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Nguyễn Trung Dũng, chuyên viên thẩm định giá Công ty CP Đầu tư định giá AIC Việt Nam.

Nhóm đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam trọng vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.  

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội và là thành viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu cùng một số cán bộ Công ty CP Đầu tư định giá AIC đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại bệnh viện, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, gây bức xúc dư luận. 

Dù trong tình huống cấp thiết được tự tổ chức mua sắm vật tư, thiết bị y tế song bệnh viện này đã cố ý vận dụng sai quy định pháp luật để chỉ định thầu các gói mua sắm không đúng với Luật Đấu thầu và trái ý kiến chỉ đạo cấp trên.

Ngoài các gói thầu mua sắm tập trung, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng tổ chức đấu thầu mua sắm, nhưng quá trình tổ chức thực hiện có dấu hiệu cài thầu ngay từ khi xây dựng đề xuất, tổng hợp nhu cầu, lập hồ sơ mời thầu bằng cách đưa tiêu chí kỹ thuật tương ứng với cấu hình của các hãng do các doanh nghiệp cung cấp stent độc quyền phân phối, kèm theo số lượng đăng ký mua (tạo cơ chế “xin – cho”), chủ yếu tập trung vào nhóm doanh nghiệp cung cấp stent Ấn Độ trên cả nước. 

Theo thống kê về các gói thầu được cung cấp bởi Công ty Hoàng Nga, mỗi stent công ty này nhập khẩu từ Ấn Độ về chỉ 8-11 triệu đồng, nhưng cung cấp vào bệnh viện vọt lên tới 36,6 đến 42 triệu đồng/stent (chênh từ 28-31 triệu đồng). Chỉ tính riêng 5.587 stent mà Công ty Hoàng Nga đã cung cấp vào Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2015 đến nay, số tiền chênh lệnh mà công ty này trục lợi là hơn 129,5 tỷ đồng, trực tiếp gây thiệt hại quỹ Bảo hiểm Y tế TP Hà Nội và túi tiền của bệnh nhân.

Như vậy, rõ ràng đã có một số “lỗ hổng” rất lớn trong khâu thẩm định, định giá tài sản đầu tư và quản lý trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế (từ thực hiện chính sách an sinh xã hội thành kinh doanh dịch vụ), mập mờ công-tư, sử dụng nguồn lực công cho lợi ích của một nhóm người, cần phải có biện pháp để quản lý chặt chẽ hơn, tránh để tình trạng chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở để câu kết với các doanh nghiệp bên ngoài nhằm trục lợi. 

Hành vi lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng bệnh tật của người khác để làm giàu cho bản thân không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của ngành Y tế, uy tín của Nhà nước, giảm sút lòng tin của Nhân dân (nhất là những người thuộc tầng lớp nghèo khó) vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước…

Củng cố niềm tin với những “chiến sỹ áo trắng” tuyến đầu chống dịch 


Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là “kỷ luật một người để cứu muôn người”, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lựa chọn khâu đột phá trong lĩnh vực y tế, xử lý một việc để cảnh báo, cảnh tỉnh phòng ngừa chung. Điển hình là, đã phát hiện, xử lý vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế phòng, chống dịch tại CDC Hà Nội, các vụ việc tiêu cực, sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội… được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị ngành Y tế khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để phòng ngừa vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham nhũng, loại bỏ những “sâu mọt” trong ngành y, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm vất vả trên tuyến đầu chống dịch”, Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ.

Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, thời gian tới, lực lượng CAND sẽ khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, xử lý những vụ án trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, qua đó kịp thời xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội. Trong đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi hoạt động lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, thu lợi bất chính; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xem tiếp bài cuối: Giải bài toán khó ngăn chặn nạn “thổi giá”, “thông thầu”

Duy Hiển- Anh Hiếu- Quỳnh Vinh

***

Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19 (bài cuối)

cand – 08:56 18/06/2021

Sau vụ “án điểm” CDC Hà Nội, các địa phương đã rà soát, qua đó đã dừng hoặc tạm dừng thanh toán nhiều gói thầu có dấu hiệu “thổi giá”, nâng “khống” giá thiết bị y tế, góp phần tiết kiệm ngân sách trăm tỷ đồng, làm lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, góp phần đảm bảo công bằng và an sinh xã hội. Để có được kết quả đó là công sức lớn của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát Kinh tế nói riêng.

Bài cuối: Giải bài toán khó ngăn chặn nạn “thổi giá”, “thông thầu”

Sau mỗi vụ án, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tiếp tục rà soát các địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Điển hình như sau vụ “án điểm” CDC Hà Nội, các địa phương đã rà soát, qua đó đã dừng hoặc tạm dừng thanh toán nhiều gói thầu có dấu hiệu “thổi giá”, nâng “khống” giá thiết bị y tế, góp phần tiết kiệm ngân sách trăm tỷ đồng, làm lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, góp phần đảm bảo công bằng và an sinh xã hội. Để có được kết quả đó là công sức lớn của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát Kinh tế nói riêng. Song để vấn nạn này được khắc phục một cách triệt để, cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Nghệ thuật điều tra và bản lĩnh người cầm quân

Y tế là lĩnh vực quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của đất nước, chi tiêu cho lĩnh vực này hàng năm chiếm khoảng 7-8% tổng chi ngân sách quốc gia (không tính thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 – PV). Trong đó, dược phẩm và trang thiết bị y tế chiếm phần lớn; còn lại là lĩnh vực vật tư tiêu hao, khám chữa bệnh, y tế dự phòng…

Các đối tượng bị khởi tố, tạm giam trong vụ án xảy ra ở Sở Y tế TP Cần Thơ.

Đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, hiện việc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thị trường và chủ yếu là trang thiết bị đơn giản, còn lại là nhập khẩu. Công tác quản lý Nhà nước đối với trang thiết bị y tế và thực hiện chủ trương xã hội hóa thiết bị y tế thời gian qua vẫn còn bất cập, sơ hở do nhiều nguyên nhân, dẫn đến việc các doanh nghiệp câu kết với các cá nhân trong cơ quan nhà nước lợi dụng các kẽ hở, lỗ hổng, bắt tay nhau để tham nhũng, trục lợi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Ngân sách Nhà nước và người bệnh, làm giảm sút niềm tin trong một bộ phận người dân về đội ngũ các nhà quản lý, y, bác sỹ.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhấn mạnh, đấu tranh với tội phạm tham nhũng là cuộc đấu tranh cực kỳ gian truân, vất vả, “cán bộ không bản lĩnh thì không làm được”. Sở dĩ anh nói như vậy là vì đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều người, mối quan hệ phức tạp. Các đối tượng là người có địa vị, chức vụ, uy tín, có khả năng và thủ đoạn che giấu tinh vi, hợp thức hóa hành vi phạm tội.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

“Hồ sơ của các đối tượng rất đầy đủ, chặt chẽ, chủ đầu tư có ban quản lý dự án, tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định đấu thầu, thậm chí thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp xây dựng, dự toán hồ sơ mời thầu… Nếu chỉ nhìn vào những trang hồ sơ đấu thầu đã được hoàn thiện, làm sao biết được đâu là “quân xanh”, đâu là “quân đỏ”. Phải qua các hoạt động nghiệp vụ mới phát hiện được”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho hay.

Đa số các vụ việc trong lĩnh vực này xảy ra từ thời gian trước đây, nên việc phát hiện, nhận diện để đấu tranh không hề dễ dàng. Thậm chí, quá trình cơ quan điều tra vào cuộc, các đối tượng tìm cách xóa hết tài liệu, chứng cứ, thông đồng để khai báo, đối phó gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Vụ án xảy ra ở Sở Y tế Cần Thơ, đối tượng Hoàng Thị Thúy Nga khi “đánh hơi” được lực lượng Công an sẽ “sờ gáy” đã nhanh chóng chỉ đạo xóa dấu vết, xóa hết dữ liệu trong hệ thống máy tính nhằm gây khó khăn với công tác điều tra.

Thêm nữa, đối tượng này cũng là một mắt xích liên quan đến vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng ẩn mình dưới cái tên của một công ty khác (đối tượng lập gần chục công ty trong hệ thống Tập đoàn NSJ) nên điều tra ban đầu chưa bị phát hiện. “Qua điều tra, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phát hiện các thiết bị y tế bị chuyển giá qua nhiều công ty trung gian thì mới xác định đầu mối là tập đoàn của Nga thực hiện ở Cần Thơ” – Trung tá Hồ Văn Hùng, Trưởng Phòng 6, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết thêm.

“Quyết định những chiến thuật cụ thể phải nhanh, quyết đoán, đây cũng có thể gọi là nghệ thuật điều tra. Nếu cứ rập khuôn theo lối mòn, dễ đi vào bế tắc mà không thoát dẫn đến nản chí, e ngại. Khi một tổ công tác tiến công theo một kế hoạch điều tra sai phạm của Nga tại Bạch Mai thấy không đạt yêu cầu, chúng tôi đã cho kết thúc rồi dùng một tổ công tác khác “đánh” vòng từ trong Cần Thơ mới ra được”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhớ lại.

Đánh án trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng CBCS của đơn vị gần như không có thời gian nghỉ ngơi, ngày nghỉ các điều tra viên vẫn lên cơ quan với đủ công việc bộn bề, nghiên cứu hồ sơ, phân tích, đánh giá tài liệu chứng cứ, tìm các mắt xích, chọn thời cơ phá án. Có hôm vừa chợp mắt, vẫn đau đáu bởi “chứng cứ chưa già”, phát hiện nút gỡ, lãnh đạo Cục lại triệu tập các phòng trinh sát, phòng điều tra họp, có lúc các phòng sáng đèn đến 3-4 h sáng. Những bữa ăn muộn, vội, ngủ ở cơ quan mấy ngày liền không về nhà là bình thường; rồi những lần các tổ trinh sát tỏa ra nhiều hướng, lao vào vùng dịch, dẫu biết dịch COVID-19 không chừa một ai, để giữ vững tâm thế, bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo xác minh, điều tra khám phá án thành công. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho rằng, phá án tham nhũng trong đại dịch, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã thay đổi căn bản việc tổ chức hoạt động nghiệp vụ để nhận diện tình hình kinh tế – xã hội phức tạp nổi lên, từ đó đấu tranh, nhận diện đúng, trúng nhiều lĩnh vực. Trong quá trình đấu tranh, họ thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT… Bên cạnh đó, có sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an các địa phương. Tiến trình vụ án diễn tiến đến đâu, đơn vị kịp thời phối hợp với bộ phận chức năng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các đơn vị Thanh tra, Kiểm toán, Viện Kiểm sát giải quyết đến đó theo đúng pháp luật và quy định của Đảng.

“Dù là cuộc đấu tranh rất cam go, quyết liệt nhưng chúng tôi đang đi đúng hướng, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nên CBCS đơn vị luôn vững vàng”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Trước tình trạng mua sắm trang thiết bị y tế và xã hội hóa trang thiết bị y tế còn sơ hở, nhiều bất cập, Cục CSĐT tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tham mưu cho Bộ Công an kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng, ban hành các quy định chặt chẽ để vừa khuyến khích việc xã hội hóa diễn ra minh bạch, công khai, vừa đảm bảo lợi ích ba bên (cơ sở y tế, doanh nghiệp, người bệnh) và ngăn chặn việc trục lợi của một số cá nhân, tổ chức. Thời gian tới, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương có giải pháp chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm hạn chế, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi phạm tội phát sinh trên lĩnh vực này.

Kiến nghị bỏ chỉ định thầu, tạo cơ chế giám sát hiệu quả

Nêu quan điểm phải sửa đổi Luật Đấu thầu, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Trong dự án luật này có 3 điều quy định hình thức đấu thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Nhóm mua sắm các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cứu người trong tình trạng khẩn cấp nằm trong dạng chỉ định thầu và chỉ có một phần là đấu thầu hạn chế. 

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Tuy nhiên, quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 lại thiếu rõ ràng, dẫn đến “hiểu thế nào cũng được”, tính cấp bách hay không cấp bách, quan trọng hay không quan trọng đều có thể đưa được vào. Từ đó dẫn đến câu chuyện, các đối tượng lợi dụng sự không rõ ràng để “phù phép”, lập ra các hóa đơn chứng từ, hồ sơ “ma thuật” cho phù hợp với yêu cầu của chỉ định thầu.

“Bên cạnh đó, có chuyện các cơ sở y tế sẵn sàng bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước nâng “khống” giá thiết bị y tế, qua mặt các cơ quan chức năng để tham nhũng. Do đó, cần sửa quy định về chỉ định thầu, thậm chí là bỏ quy định về chỉ định thầu, đưa vào đấu thầu công khai, minh bạch hoặc đưa vào diện đấu thầu hạn chế để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong trường hợp chữa bệnh cứu người. Thứ hai là, phải có một cơ quan chức năng biết rõ tất cả các loại giá nguyên vật liệu trong và ngoài nước để thẩm định tốt; có cơ chế giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi các hợp đồng về đấu thầu…”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức phân tích.

Đối với vấn đề xã hội hóa trang thiết bị y tế và câu chuyện tự chủ tài chính ở các đơn vị công lập sự nghiệp có thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, các nhà khoa học, y bác sỹ đầu ngành trở thành nhà quản lý thì chắc chắn về góc độ quản lý vốn, ngân sách, đấu thầu, tự chủ về kinh tế… không thể giỏi bằng công tác chuyên môn, mà họ phụ thuộc hoàn toàn vào bộ phận giúp việc. Bộ phận giúp việc ở đây phải là những con người được tuyển chọn một cách tốt nhất cả về mặt đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Theo ông, Nhà nước cần nghiên cứu để có hẳn một bộ phận chuyên làm các nhiệm vụ này, cung cấp các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho các nhà khoa học để họ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chuyên môn của mình.

“Với tư cách Giám đốc bệnh viện, họ chỉ quản lý nhà nước về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính, y tế, thu chi phải có một bộ phận riêng, tách bạch ra, không để dính dáng giữa chuyên môn và quản lý Nhà nước. Và muốn làm được điều đó phải có cơ chế ràng buộc để bộ phận đó chịu trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Như thế chúng ta sẽ đạt được 2 mục đích: Một là, thực hiện các vấn đề về đấu thầu, tự chủ trong thu chi không bị rơi vào tình trạng tham nhũng, biển thủ, gian lận. Thứ hai là, có thể giữ được những người đứng đầu, những y bác sỹ rất giỏi không bị dính vào vòng lao lý do những sai phạm bởi bộ phận giúp việc”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức lý giải và đề nghị Quốc hội khẩn trương sửa Luật Đấu thầu, nghiên cứu bỏ hình thức chỉ định thầu. Đối với vấn đề cấp bách trong lĩnh vực Quốc phòng, An ninh, Y tế… cần có cơ chế cụ thể, đặc thù để hạn chế thấp nhất sai phạm, giải quyết ngay việc đấu thầu nhưng vẫn giám sát cụ thể việc thu chi tài chính để không xảy ra hậu quả đáng tiếc như vừa qua.

* Liên quan đến vấn đề vaccine phòng, chống COVID-19, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã chỉ đạo các phòng trinh sát tổ chức hoạt động nghiệp vụ, phối hợp ngành Y tế triển khai nắm chắc tình hình, cảnh báo sớm những vấn đề phức tạp liên quan đến nhập khẩu, mua bán, phân phối vaccine. Qua đó phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế để cảnh báo, phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra.

* Theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ năm 2013 đến tháng 6/2020, toàn lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu toàn quốc đã thụ lý điều tra hơn 3.000 vụ, hơn 7.000 bị can về tham nhũng; trong đó Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu khởi tố 62 vụ, 289 bị can. Về tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, toàn lực lượng thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền và các loại tài sản trị giá gần 20.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 28.000 tỷ bị thiệt hại. Riêng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ đã thu hồi hơn 16.900 tỷ đồng.         

Duy Hiển – Anh Hiếu – Quỳnh Vinh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s