- Kỳ 1: Quan chức gặp thời và lòng tham kim tiền
- Kỳ 2: ‘Quả ngọt’ hối lộ từ dự án làm đường
- Kỳ 3: Đào tẩu bằng con đường đầu tư định cư
- Kỳ 4: Rút ruột hàng tỉ đôla và đào tẩu khắp nơi
- Kỳ 5: Trục lợi mỏ dầu để sống xa hoa ở Dubai
- Kỳ 6: Mua nhà ở Mỹ để rửa tiền bẩn
- Kỳ 7: ‘Ma trận’ rửa tiền bẩn
- Kỳ cuối: Thuốc nào đủ sức trị tham nhũng?
***
Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài – Kỳ 1: Quan chức gặp thời và lòng tham kim tiền
TTO – Tham nhũng có tác hại to lớn đối với xã hội và trở thành vấn nạn nóng toàn cầu. Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 9-12 là Ngày quốc tế chống tham nhũng.
Nếu bạn lợi dụng lòng tin của công chúng và luật pháp Mỹ, chúng tôi sẽ truy đuổi bạn mọi lúc mọi nơi.
Cảnh sát trưởng PETER C.TOBIN phụ trách quận Nam Ohio
Những kẻ tham nhũng dùng mọi thủ đoạn đục khoét của công, sau đó “phù phép” tiền bẩn thành tiền sạch rồi “đánh bài chuồn” ra nước ngoài để hưởng thụ. Do đó, việc truy lùng, dẫn độ tội phạm tham nhũng và phòng chống rửa tiền luôn là mối quan tâm nóng của nhiều nước.
Năm 17 tuổi, chàng trai Amer Ahmad là học sinh giỏi Trường Hoover High tại North Canton (bang Ohio, Mỹ) và khát khao thành bác sĩ giúp các nước thế giới thứ ba.
Song sau đó, Ahmad lại chọn khoa khoa học chính trị và kinh tế tại Đại học Columbia rồi làm việc cho một ngân hàng đầu tư và tiếp tục lấy bằng thạc sĩ tài chính tại Trường Harvard Business School danh giá.
Dành hợp đồng béo bở cho bạn học cũ
Để thỏa mãn ước mơ làm viên chức nhà nước được nuôi dưỡng từ thời mài đũng quần trên ghế nhà trường, tháng 5-2008 Amer Ahmad làm chuyên viên tài chính trong văn phòng của Richard Cordray – bộ trưởng tài chính bang Ohio, nơi quản lý danh mục đầu tư trị giá nhiều tỉ USD.
Năm sau, người kế nhiệm Cordray đề bạt Ahmad giữ chức thứ trưởng tài chính bang Ohio. Tháng 3-2011, Ahmad được bổ nhiệm vào vị trí kiểm toán viên của bang.
Cha mẹ Amer Ahmad vốn là dân nhập cư Pakistan rất tự hào con trai là hình mẫu thành công trong một đất nước mang đến nhiều cơ hội lớn như nước Mỹ. Thế nhưng quyền lực và tiền bạc đã hủy hoại con tim và trí óc của Ahmad.
Theo kết quả điều tra sau này, Ahmad đã cầm đầu đường dây nhận hối lộ được xem là lớn nhất lịch sử bang Ohio trong thời gian giữ chức thứ trưởng tài chính bang.
Từ năm 2010, do có nhiều nghi vấn tham nhũng tại văn phòng bộ trưởng tài chính bang Ohio, FBI đã lập chuyên án điều tra. Ba năm sau, FBI thành lập nhóm công tác chống tham nhũng công phụ trách miền trung bang Ohio.
Trong nhóm công tác này ngoài FBI còn có các đặc vụ Cục Điều tra hình sự bang Ohio, các điều tra viên thuộc Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Giao thông, Văn phòng Tổng thanh tra về lừa đảo và gian lận lao động Bộ Lao động và Phòng điều tra hình sự Sở Thuế vụ liên bang (IRS).
Kết quả điều tra cho thấy đường dây tham nhũng công do Ahmad cầm đầu có ba đồng phạm gồm: doanh nhân Douglas Hampton là bạn học thời trung học của Ahmad phụ trách điều hành Công ty tài chính Hampton Capital Management, nơi vợ chồng Ahmad có góp vốn đầu tư; doanh nhân Joseph Chiavaroli là đồng sở hữu một công ty cảnh quan với Ahmad (Ahmad giữ 46% vốn); luật sư Mohammed Noure Alo là bạn thân của Ahmad làm việc cho một công ty luật ở Columbus, đăng ký làm nghề vận động hành lang tại bang Ohio.
Thủ đoạn tham nhũng của Ahmad và đồng phạm khá lắt léo. Lợi dụng chức vụ thứ trưởng tài chính bang, Ahmad đã soạn chiến lược đầu tư của bang Ohio theo ý đồ cá nhân và thao túng để Công ty Hampton Capital Management trở thành nhà môi giới văn phòng được bộ trưởng tài chính bang phê duyệt, sau đó Ahmad cứ tà tà nhận tiền lại quả.
Trong hai năm 2009 và 2010, công ty này đã nhận được số hợp đồng nhiều nhất bang (360 hợp đồng). Douglas Hampton bỏ túi 3,2 triệu USD tiền huê hồng còn Ahmad nhận được 523.000 USD tiền hối lộ.
Để che giấu các khoản tiền không rõ nguồn gốc từ anh bạn học Hampton, Ahmad đã chỉ đạo chuyển tiền qua công ty cảnh quan của Chiavaroli và công ty luật của Alo. Tháng 8-2013, Ahmad và các đồng phạm bị truy tố về tội tham nhũng.
Sau khi ba đồng phạm nhận tội, biết “chạy trời không khỏi nắng”, Ahmad khai nhận tội vào tháng 12-2013 và được tại ngoại nhưng phải nộp phạt 3,2 triệu USD.
Thà bị dẫn độ về Mỹ còn hơn “đếm kiến” ở Pakistan
Trong thời gian chờ tòa tuyên án, Amer Ahmad cư trú tại Chicago cùng vợ và ba con. Sau nhiều đêm trằn trọc suy tính, y quyết định đào tẩu ra nước ngoài.
Tháng 4-2014, Ahmad trốn sang San Diego rồi đi xe taxi vượt biên sang Tijuana (Mexico) với chiếc vali tay kéo chứa đầy tiền mặt. Định trốn về quê nội Pakistan ẩn náu, y dùng hộ chiếu giả Mexico và thị thực giả Pakistan nhập cảnh vào Pakistan.
Ngày 30-4-2014, khi Ahmad đến sân bay Lahore (Pakistan), giấy tờ giả bị lộ. Nhân viên an ninh sân bay khám xét tìm thấy hộ chiếu thật của Ahmad do Mỹ cấp, sau đó tra cứu trên Google và biết y bị FBI truy nã. Lúc đó, trong người Ahmad có 176.000 USD và 126.000 euro tiền mặt.
Thật ra, âm mưu đào tẩu sang Pakistan của Ahmad xem như bị lộ từ một tuần trước. Y gọi điện nhờ vợ giúp đỡ tìm người làm cho y giấy khai sinh giả Pakistan để xin hộ chiếu Pakistan.
Người vợ từ chối, y nổi điên dọa sẽ xử đẹp. Người vợ quá hoảng gửi đơn tố giác và đề nghị tòa án ra lệnh bảo vệ vì sợ chồng bắt cóc các con đưa sang Pakistan.
Ngay sau khi phát hiện Ahmad bị bắt ở Pakistan, Mỹ đã tiến hành thủ tục dẫn độ nhưng Ahmad lại muốn ngồi tù ở Pakistan. Tháng 12-2014, tòa án Mỹ kết án vắng mặt Ahmad 15 năm tù giam về các tội rửa tiền, tham nhũng và gian lận điện tử. Ba đồng phạm bị kết án từ 18-48 tháng tù.
Chẳng bao lâu sau, Ahmad nhanh chóng tìm mọi cách được đưa về Mỹ vì điều kiện giam giữ trong nhà tù Lahore quá khắc nghiệt, phạm nhân phải ngủ trên sàn nhà với chiếc mền mỏng tang.
Sau 16 tháng “đếm kiến” trong nhà tù Pakistan, tháng 8-2015 các đặc vụ FBI áp giải Ahmad về bang Ohio. Đây là trường hợp công dân Mỹ đầu tiên được dẫn độ từ Pakistan về Mỹ kể từ năm 2006.
Tại phiên tòa cùng tháng, bị cáo Ahmad đã xúc động gửi lời xin lỗi cha mẹ: “Cảm ơn ba mẹ đã không bỏ rơi con như những người khác. Ba mẹ làm ơn ở bên cạnh con để con có thể làm cho ba mẹ tự hào thêm lần nữa”.
Bị cáo cũng xin lỗi người dân nộp thuế ở bang Ohio và các sếp cũ đã từng đề bạt y. Ahmad bộc bạch: “Bây giờ tôi đã trở về nhà, tôi mong muốn được trả nợ xã hội và làm lại cuộc đời”.
Năm 2012, Amer Ahmad đã từng được tuần báo kinh tế Crain’s Chicago Business đề cử vào danh sách “40 Under 40” (danh sách các nhân vật trẻ tuổi có ảnh hưởng trong năm của tạp chí Fortune).
Báo tung hê với “khả năng cạnh tranh” và “tham vọng” học được từ thị trường Wall Street, Ahmad đã đạt thành công vượt bậc trong môi trường viên chức.
Song như báo Chicago Tribune bình luận, cuối cùng Ahmad phải lãnh án tù chung thân vì đã phung phí nhiều cơ hội tiến thân và đánh mất luôn hạnh phúc gia đình vì người vợ quyết định ly hôn.
Miệt mài học trong tù
Amer Ahmad 45 tuổi mang số tù 71545-061 bị giam tại nhà tù liên bang Terminal Island ở San Pedro (bang California), dự kiến sẽ được trả tự do ngày 22-5-2027. Trong đại dịch COVID-19, hơn 70% phạm nhân ở đây bị nhiễm COVID-19 và đã có nhiều ca tử vong.
Ahmad hoảng quá, đã viết đơn gửi giám đốc trại giam đề nghị được trả tự do vì lý do nhân đạo, được thụ án 6 năm rưỡi còn lại tại nhà cha mẹ ở North Canton và họ sẽ lo liệu chi phí sinh hoạt đến khi Ahmad tìm được việc làm. Tuy nhiên, đơn không được chấp thuận.
Trong thời gian thụ án, Ahmad đã lấy thêm bằng cử nhân luật của Đại học London (Anh) và hoàn thành hơn 200 chương trình học, từ lịch sử, khoa học, tôn giáo, tài chính cho đến ảo thuật, đạo đức. Đến nay Ahmad vẫn còn nợ 3,2 triệu USD tiền bồi thường.
Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài – Kỳ 2: ‘Quả ngọt’ hối lộ từ dự án làm đường
TTO – Cuối tháng 10-2019, cảnh sát Mexico đã áp giải Jorge Juan Torres López – cựu thống đốc tạm quyền bang Coahuila (bang lớn thứ ba của Mexico) – ra sân bay bàn giao cho các đặc vụ Mỹ dẫn độ về Mỹ.
Theo hồ sơ của tòa án Mỹ, Torres López bị truy tố về các trọng tội rửa tiền, gian lận ngân hàng và gian lận chuyển khoản.
“Một số quốc gia vẫn cho phép dẫn độ mà không cần hiệp ước với yêu cầu có đi có lại.
Bộ Tư pháp Mỹ
Từ Mexico sang Mỹ bàn rút ruột công quỹ
Sau khi tốt nghiệp quản trị kinh doanh tại Học viện Công nghệ và giáo dục đại học ở Mexico, Torres López vào làm việc trong chính quyền bang Coahuila 17 năm (1994-2011). Từ vị trí lãnh đạo ban đầu là tổng giám đốc xúc tiến và phát triển kinh tế của bang, y thăng quan tiến chức lần lượt qua các chức vụ ủy viên tài chính thành phố Saltillo (thủ phủ bang Coahuila), kiểm soát viên thành phố, bộ trưởng tài chính bang, chủ tịch hội đồng thành phố Saltillo, bộ trưởng phát triển xã hội bang và thống đốc tạm quyền của bang (năm 2011).
Torres López bắt đầu nhúng chàm trong thời gian giữ chức bộ trưởng phát triển xã hội bang Coahuila. Theo cơ quan công tố Mỹ, vào ngày 25-2-2009 một số quan chức và doanh nhân bang Coahuila đi máy bay riêng đến bang Texas (Mỹ) dự một cuộc họp quan trọng tại câu lạc bộ đánh golf Sonterra sang trọng ở San Antonio.
Bốn người dự họp gồm thống đốc bang Humberto Moreira (năm 2005-2011), Torres López, bộ trưởng tài chính bang Javier Villarreal Hernández (năm 2008-2011) và doanh nhân Rolando González Treviño là chủ kênh truyền hình RCG Televisión.
Trong cuộc họp, thống đốc Humberto Moreira đã bàn cách rút ruột công quỹ bang Coahuila rồi chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân tại quần đảo Bermuda, “thiên đường trốn thuế” nổi tiếng. Trở về Mexico, hai bộ trưởng Torres López và Villarreal Hernández tiếp xúc với chi nhánh Ngân hàng J.P. Morgan Chase hỏi han cách thức mở tài khoản ở Bermuda và ngầm hỏi cách thức xóa dấu vết chuyển khoản từ Mexico sang Mỹ, rồi từ đó chuyển đến Bermuda.
Hai tháng sau, Torres López và Villarreal Hernández bắt đầu mở tài khoản đầu tư tại quần đảo Bermuda. Cơ quan điều tra Mỹ ước tính hai tên này đã chuyển khoảng 35 triệu USD tiền rút ruột công quỹ vào các ngân hàng ở bang Texas và Bermuda, đồng thời dùng đồng tiền phi pháp này mua nhà cửa tại bang Texas.
Năm 2013, chính quyền bang Coahuila gửi đơn đến cơ quan công tố đề nghị xem xét hành vi rửa tiền của Torres López. Cùng năm đó tại Mỹ, tòa án liên bang phụ trách Nam Texas ở Corpus Christi (bang Texas) mở cuộc điều tra về 12 vụ quản lý công sản và dùng tiền hối lộ mua bất động sản và gửi ngân hàng, trong đó có 26 triệu USD liên quan đến Torres López cùng đồng phạm Villarreal Hernández. Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) và Interpol phát lệnh truy nã Torres López.
Cuộc điều tra do Nhóm công tác về đấu tranh chống ma túy trong tội phạm có tổ chức (OCDETF) tiến hành trong khuôn khổ chiến dịch Politico Junction. Cục Di trú và hải quan (ICE) và Cơ quan Điều tra an ninh nội địa (HIS) tại Corpus Christi giữ vai trò chủ công. Cùng phối hợp có FBI, DEA, Phòng điều tra hình sự Sở Thuế vụ liên bang (IRS) và cảnh sát tư pháp Mỹ (USMS).
Thống đốc Humberto Moreira âm mưu sử dụng kênh truyền hình RCG Televisión làm bức bình phong che giấu dòng tiền phạm pháp song đã phạm sai lầm lớn khi chuyển tiền công quỹ qua ngân hàng bang Texas thông qua Công ty Constructora Chavana.
Công ty này là người nhà của Moreira, đã giành nhiều hợp đồng công trình công cộng béo bở thời Moreira còn làm thống đốc. Moreira cũng không lường trước các doanh nhân Mexico sau khi bị bắt sẵn sàng thỏa thuận làm nhân chứng với cơ quan công tố Mỹ và tố giác Moreira để được giảm án.
Bắt nhà thầu lần ra quan chức tham nhũng
Tháng 11-2016, nhà thầu Luis Carlos Castillo Cervantes (công dân Mỹ gốc Mexico) bị bắt tại bang Texas và nhận tội rửa tiền. Bị cáo khai nhận công ty làm đường của y đã thực hiện nhiều hợp đồng thi công đường sá ở Mexico, sau đó các khoản thanh toán được kê khống trước khi chuyển vào tài khoản công ty của y ở Mỹ. Để làm ăn thuận buồm xuôi gió, y phải hối lộ nhiều triệu USD cho bốn thống đốc Mexico, trong đó có Torres López.
Nhận thấy đã đủ chứng cứ, tòa án liên bang ở Corpus Christi phát lệnh bắt giữ Torres López. Tháng 12-2017, Mỹ khởi động quy trình dẫn độ. Tháng 2-2019, Torres López bị bắt và bị giam giữ tại Mexico cho đến ngày dẫn độ.
Trước thẩm phán Mỹ, ban đầu Torres López vẫn khăng khăng mình vô tội và yêu cầu xóa tên khỏi hồ sơ tố tụng Mỹ. Song sau khi bàn tính với gia đình và luật sư, y quyết định nhận tội với hi vọng “vượt qua giai đoạn đau khổ này để đoàn tụ với gia đình càng sớm càng tốt”.
Ngày 17-6-2020, tòa án liên bang ở Corpus Christi mở phiên tòa xét xử. Bị cáo Torres López 66 tuổi khai nhận đã giao nhiều hợp đồng xây dựng đường sá ở bang Coahuila cho các doanh nghiệp cánh hẩu để nhận hối lộ rồi chuyển tiền lại quả sang ngân hàng Mỹ, từ đó tiếp tục chuyển tiền sang quần đảo Bermuda.
Torres López khai nhận hối lộ tổng cộng 350.000 USD. Song theo điều tra của Mỹ, y đã nhận hơn 730.000 USD tiền hối lộ từ nhà thầu Castillo Cervantes trong 6 năm (2005-2011), sau đó chuyển tiền hối lộ vào ngân hàng Inter National Bank ở bang Texas rồi dùng tiền này mua bất động sản ở Montgomery, một trong những khu giàu nhất bang Texas với giá nhà trung bình 420.000 USD.
Torres López tuy là công dân Mexico nhưng đã bị dẫn độ sang Mỹ căn cứ hiệp ước tương trợ tư pháp giữa Mỹ và Mexico. Theo luật pháp Mỹ, dẫn độ quốc tế chỉ có thể thực hiện căn cứ hiệp ước ký kết. Dù vậy, một số quốc gia vẫn cho phép dẫn độ mà không cần hiệp ước theo yêu cầu có đi có lại. Luật của Mỹ còn cho phép dẫn độ không cần hiệp ước đối với người không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân Mỹ đã phạm tội ác bạo lực chống công dân Mỹ ở nước ngoài.
Theo quy trình, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tài liệu dẫn độ đến đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài. Nơi này sẽ gửi yêu cầu dẫn độ đến cơ quan phù hợp của chính phủ nước ngoài (thường là bộ ngoại giao). Chính phủ nước ngoài căn cứ yêu cầu dẫn độ và chứng cứ kèm theo về người đào tẩu để xem xét tính chất pháp lý của yêu cầu dẫn độ.
Người đào tẩu ranh ma có khi lợi dụng vấn đề thủ tục rắc rối để câu giờ như làm đơn kháng cáo quyết định dẫn độ. Do đó, theo Bộ Tư pháp Mỹ, rất khó biết trước thời gian dẫn độ một cá nhân về Mỹ vì tùy từng trường hợp và tình hình thực tế của nước ngoài có liên quan. Sau khi nước ngoài thông báo cho Văn phòng Các vấn đề quốc tế (OIA) thuộc Vụ Hình sự – Bộ Tư pháp Mỹ hoặc đại sứ quán Mỹ rằng đã sẵn sàng trao trả người đào tẩu, OIA thông báo cho các công tố viên và sắp xếp với cơ quan thực thi pháp luật phù hợp (thường là cảnh sát tư pháp Mỹ) để cử đặc vụ áp giải người đào tẩu trở về Mỹ…
Lần lượt tra tay vào còng
Tháng 5-2015, ông chủ truyền hình Rolando González Treviño đã ký thỏa thuận giảm án với tòa án Mỹ và khai ra kế hoạch rửa tiền do cựu thống đốc Humberto Moreira bày ra.
Theo yêu cầu của Mỹ, Moreira bị bắt tại sân bay Barajas (Tây Ban Nha) vào giữa tháng 1-2016 về tội rửa tiền và tham ô tài sản.
Cựu bộ trưởng tài chính bang Villarreal Hernández 49 tuổi đã nhận tội rửa tiền. Tòa án Mỹ sẽ tuyên án vào tháng 2-2021. Cơ quan công tố bang Coahuila đã đề nghị Mỹ cung cấp hồ sơ để xem xét mở cuộc điều tra mới đối với Torres López.
TTO – Nhằm truy bắt người vi phạm tội phạm về chức vụ đào tẩu ra nước ngoài và ngăn chặn đối tượng này bỏ trốn, Trung Quốc bắt đầu tiến hành chiến dịch Lưới trời từ tháng 3-2015.
Các quan chức đào tẩu sẽ không còn nơi nào lẩn trốn.
Chuyên gia TỐNG UY
Bảy năm lẩn trốn ở nước ngoài của Hà Kiên – cựu giám đốc phụ trách bất động sản của Tập đoàn Cảng Hà Bắc (Trung Quốc) – đã kết thúc lúc 16h30 chiều ngày 7-11-2017 tại chân cầu thang chuyến bay Air China 992 khởi hành từ Vancouver (Canada). Máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh, hai sĩ quan an ninh đã áp giải Hà Kiên ngay lập tức.
“Tự nguyện” về nước đầu thú
Báo chí Trung Quốc thường xuyên nói đến các trường hợp “tự nguyện” về nước quy án như Hà Kiên. Trong danh sách 100 đối tượng phạm tội kinh tế bị truy nã ở nước ngoài được công bố năm 2015, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết Hà Kiên đào tẩu năm 2010 và có thể cư trú tại thị trấn Nanaimo trên đảo Vancouver.
Rất ít thông tin chi tiết từ CCDI giải thích vì sao Hà Kiên lại trở về Trung Quốc trong khi không bị Canada khởi tố hoặc trục xuất.
Năm năm trước vụ Hà Kiên, vào ngày Tết âm lịch năm 2012, Lý Đông Triết đã rời Canada trở về Bắc Kinh “đầu thú” theo thông báo của CCDI. Họ Lý được xem là đối tượng đào tẩu nổi tiếng vì dính líu đến vụ án lừa đảo ngân hàng thuộc hàng sừng sỏ nhất lịch sử Trung Quốc với số tiền tham ô tương đương 113 triệu USD
Ngày 31-12-2004, Lý Đông Triết cùng em trai Lý Đông Hổ đào tẩu sang Vancouver theo thị thực du lịch cùng gia đình. Năm sau, vợ con hai người này trở về Trung Quốc, còn họ ở lại xin tị nạn nhưng không thành. Sau khi bị cảnh sát Canada bắt giữ vì quá hạn visa, Lý Đông Triết bị quản chế, phải đeo vòng tay điện tử theo dõi. CCDI giải thích do quá mệt mỏi với điều kiện cư trú hạn chế ở nước ngoài nên họ Lý quyết định về nước quy án.
Theo báo South China Morning Post, luật sư Douglas Cannon của Lý Đông Triết giải thích họ Lý đã đạt thỏa thuận với Lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver mức án sẽ không quá 15 năm tù, Lý Đông Hổ không bị truy tố và tài sản không liên quan đến vụ án không bị tịch thu.
Rốt cuộc Lý Đông Triết bị kết án tù chung thân và tài sản bị tịch thu, còn Lý Đông Hổ lãnh án 25 năm tù. Trên thực tế năm 2008, Trung Quốc chỉ cam kết bằng văn bản với Canada sẽ không thi hành án tử hình đối với hai anh em họ Lý mà thôi.
Nhằm truy bắt người vi phạm tội phạm về chức vụ đào tẩu ra nước ngoài và ngăn chặn đối tượng này bỏ trốn, Trung Quốc bắt đầu tiến hành chiến dịch Lưới trời từ tháng 3-2015. Năm nay, sau khi chiến dịch Lưới trời 2020 được phát động, Hải Đào 60 tuổi đã từ Canada về nước đầu thú hồi tháng 5-2020.
Hải Đào nguyên là thanh tra viên Văn phòng Điều hành vận tải thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc (giải thể năm 2013). Ông ta bị điều tra về tội hối lộ nên đào tẩu sang Canada vào tháng 1-2013 và đã bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ vào tháng 3-2016.
Hải Đào được hưởng quy chế thường trú nhân, còn vợ con đã nhập tịch nước ngoài. CCDI giải thích do Ủy ban Giám sát quận Hải Điến (Bắc Kinh) tích cực điều tra hành vi rửa tiền và phong tỏa tài sản của Hải Đào để gây sức ép kinh tế, vì vậy ông ta mới quay về Trung Quốc.
Chuyên gia Tống Uy – giám đốc Trung tâm nghiên cứu liêm chính (Đại học Khoa học và công nghệ Bắc Kinh) – nhận định: “Sự kiện Hải Đào về nước chứng minh chiến dịch Lưới trời hoạt động liên tục nhiều năm đã mang lại kết quả răn đe đáng kể”. Tống Uy tin rằng chiến dịch này hiệu quả đến mức “các quan chức đào tẩu sẽ không còn nơi lẩn trốn”.
Ngoài các quan chức tham nhũng, chiến dịch Lưới trời 2020 còn nhắm đến các chủ doanh nghiệp tư nhân làm giàu bất chính bằng cách hối lộ quan chức. Để phá vỡ giao dịch quyền – tiền, ngoài phong tỏa tài sản, Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc (được Quốc hội thành lập vào tháng 3-2018) còn sử dụng bảo kiếm “lệnh truy nã đỏ” của Interpol.
Theo CCDI, lệnh truy nã đỏ thể hiện quyết tâm truy bắt các phần tử tham nhũng bỏ trốn đến cùng, từ đó hình thành không khí trốn chạy – truy đuổi khắp thế giới và tạo sức ép tâm lý rất lớn đối với kẻ đào tẩu, từ đó họ nhận thấy tự nguyện về nước đầu thú càng sớm càng tốt là lựa chọn đúng đắn.
Ngày 14-12-2018, CCDI thông báo Giang Lôi – cựu phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc – từ New Zealand đã “trở về” Bắc Kinh quy án – Ảnh: THX
Dùng tiền tham nhũng đầu tư định cư
Cuối tháng 4-2017, lần đầu tiên CCDI công bố danh sách 22 đối tượng tham nhũng trốn ra nước ngoài kèm thông tin rất cụ thể như họ tên, giới tính, chức vụ, ảnh chân dung, số hộ chiếu, địa chỉ có thể ẩn náu ở nước ngoài. Trong số này có 10 người ở Mỹ, 5 người ở Canada, 4 người ở New Zealand, 3 người ở Úc, Anh, đảo quốc Saint Kitts & Nevis. Các nước này đều có chương trình đầu tư định cư và không nước nào ký hiệp định dẫn độ với Trung Quốc.
Lúc bấy giờ CCDI tuyên bố: “Chúng tôi khuyến cáo một số quốc gia không theo đuổi lợi ích kinh tế riêng bằng cách cấp hộ chiếu và thị thực thông qua các chương trình đầu tư định cư khi các đương đơn bị nghi ngờ tham nhũng”. Trung Quốc cho rằng những người đào tẩu đã lợi dụng chương trình đầu tư định cư ở nước ngoài để lẩn trốn cùng với tiền tham nhũng.
Theo CCDI, tính đến tháng 11-2020, Trung Quốc đã ký kết 169 hiệp định dẫn độ và hiệp định hỗ trợ tương trợ tư pháp với 81 quốc gia. Nhà phân tích Michael Laha ở Trung tâm nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung (thuộc tổ chức Asia Society ở Mỹ) ghi nhận so với Mỹ (Mỹ đã thực thi hiệp định dẫn độ với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ), các quốc gia phê chuẩn hiệp định dẫn độ với Trung Quốc không nhiều nên ngoài biện pháp dẫn độ, nước này còn áp dụng ba biện pháp chủ yếu khác đối với người đào tẩu ra nước ngoài như CCDI từng tuyên bố năm 2017 gồm buộc hồi hương do nhập cư trái phép (trục xuất), truy đuổi ở nước ngoài và thuyết phục quay về nước.
TS David Sadoff ở Trung tâm đạo đức và pháp quyền thuộc Trường luật Đại học Pennsylvania (Mỹ) giải thích trong các biện pháp đưa cá nhân từ khu vực tài phán này sang khu vực tài phán khác còn có biện pháp dẫn độ trá hình. Ông giải thích dẫn độ trá hình là “hành vi có chủ đích tránh né luật về dẫn độ hoặc hiệp định có hiệu lực của quốc gia sở tại để trực tiếp hoặc gián tiếp đưa người đào tẩu đến một quốc gia có quyền thực thi pháp luật đối với người đào tẩu, thông thường bằng cách thực thi pháp luật về nhập cư”.
Nhà phân tích Michael Laha ghi nhận có nhiều báo cáo về việc Trung Quốc đã áp dụng nhiều hình thức gây sức ép để buộc đối tượng tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài phải trở về nước. Ví dụ như cản trở gia đình người đào tẩu rời khỏi Trung Quốc hoặc nhân viên an ninh Trung Quốc đã sử dụng thị thực du lịch để nhập cảnh rồi tìm cách tiếp cận và o ép người đào tẩu về nước đầu thú.
Michael Laha giải thích lệnh truy nã đỏ của Interpol không phải là lệnh bắt giữ quốc tế. Cho dù Interpol phát lệnh truy nã đỏ cũng không có nghĩa có thể dẫn độ người đào tẩu hoặc thực hiện bất kỳ hình thức chuyển giao nào đối với đối tượng đào tẩu.
Chiến dịch Lưới trời
CCDI đánh giá trong đại dịch COVID-19, công tác truy bắt tội phạm ở nước ngoài và thu hồi tài sản bất hợp pháp vẫn không gián đoạn. Từ tháng 1 đến 8-2020, đã có 799 đối tượng đào tẩu bị bắt trong chiến dịch Lưới trời 2020.
Trong sáu năm qua, Trung Quốc đã bắt giữ 7.831 đối tượng đào tẩu từ hơn 120 quốc gia và khu vực, trong đó có 60 người có tên trong danh sách 100 đối tượng đào tẩu Trung Quốc bị truy nã đỏ, thu hồi 19,65 tỉ nhân dân tệ (2,88 tỉ USD).
Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài – Kỳ 4: Rút ruột hàng tỉ đôla và đào tẩu khắp nơi
TTO – Nhà tài chính Low Taek Jho (thường gọi là Jho Low), 39 tuổi, từng là cánh tay đắc lực của Thủ tướng Najib Razak (2009-2018) lúc đương quyền ở Malaysia và là “con cá lớn” trong đại án quỹ đầu tư Malaysia Development Bhd (1MDB) bị rút ruột.
Jho Low đào tẩu ra nước ngoài gần 5 năm nay trong lúc đang bị Malaysia, Mỹ và Singapore truy nã.
“Không thể mua chuộc tôi vì sứ mạng của tôi là phụng sự đất nước và nhân dân. Nỗ lực đưa Jho Low ra trước công lý vẫn tiếp tục.
Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia ABDUL HAMID BADOR
Từ cuộc gặp mặt trên siêu du thuyền
Trong đại án quỹ đầu tư 1MDB có hai nhân vật cộm cán là cựu thủ tướng Najib Razak và Jho Low. Năm 2009, ít lâu sau khi nhậm chức thủ tướng, ông Najib Razak đã chỉ đạo thành lập quỹ 1MDB với danh nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế. Quỹ 1MDB trực thuộc Bộ Tài chính nhưng thủ tướng Najib Razak lại có quyền phê duyệt các hạng mục đầu tư và quyết định nhân sự lãnh đạo.
5 năm sau, quỹ 1MDB mắc nợ lên đến 11 tỉ USD. Chuyện thua lỗ của quỹ 1MDB bị bại lộ vào năm 2015 khi trang web Sarawak Report của nhà báo điều tra Clare Rewcastle Brown tiết lộ sự việc. Clare Rewcastle Brown chào đời tại bang Sarawak, mang quốc tịch Anh. Bà có được tài liệu mật từ Xavier Andre Justo, người Thụy Sĩ, nguyên cán bộ Công ty dịch vụ dầu mỏ PetroSaudi ở London (Anh).
Đầu năm 2015, Xavier Justo đã tuồn cho bà 90GB dữ liệu gồm 227.000 email lấy từ máy chủ của PetroSaudi. Tài liệu rò rỉ gây chấn động dư luận. Nửa tá quốc gia có liên quan đã mở cuộc điều tra. Bà Loretta Lynch, bộ trưởng tư pháp Mỹ lúc bấy giờ, từng gọi đây là “vụ gian lận lớn nhất lịch sử Mỹ”.
Theo điều tra riêng của Bộ Tư pháp Mỹ, vào tháng 8-2009 (tức 4 tháng sau khi ông Najib Razak giữ chức thủ tướng Malaysia), một cuộc gặp mặt bí mật đã được tổ chức trên siêu du thuyền dài 92m ngoài khơi Monaco. Tham dự cuộc gặp có những người sáng lập Công ty PetroSaudi cùng với thủ tướng Najib Razak và cánh tay phải Jho Low.
Vài tuần sau, một thỏa thuận liên doanh giữa PetroSaudi và quỹ 1MDB trị giá 2,5 tỉ USD được ký kết. Đầu tiên, quỹ 1MDB chuyển 1 tỉ USD trên danh nghĩa đầu tư vào liên doanh quỹ 1MDB – PetroSaudi.
Thật ra chỉ có 300 triệu USD được chuyển vào tài khoản liên doanh, còn 700 triệu USD còn lại đã chạy vào tài khoản công ty bình phong Good Star ở Thụy Sĩ mà Jho Low là người thụ hưởng. Đến giữa tháng 9-2010 và tháng 5-2011, quỹ 1MDB tiếp tục cho liên doanh vay thêm 830 triệu USD. Trong số này có 330 triệu USD chạy vào tài khoản Thụy Sĩ của Jho Low.
Cuộc điều tra của Mỹ kết luận quỹ 1MDB đã bị rút ruột hơn 4,5 tỉ USD trong 6 năm (từ năm 2009-2015). Tiền rút ruột được chuyển vào các tài khoản ở Thụy Sĩ, Singapore và quần đảo Virgin, và được rửa tiền qua hệ thống tài chính Mỹ để mua sắm tài sản ở Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ xác định nhân vật chủ chốt trong kịch bản tham nhũng từ quỹ 1MDB chính là Jho Low, một gã sống xa hoa, thích mua sắm và tổ chức tiệc tùng cùng với các diễn viên Hollywood.
Jho Low sinh ra trong một gia đình giàu có trên đảo Penang. Cha từng làm giám đốc Công ty đầu tư MWE Holdings Bhd. Ông nội người gốc Quảng Đông gầy dựng cơ nghiệp trong ngành khai thác quặng sắt và nhà máy chưng cất rượu ở Trung Quốc và Thái Lan.
Lớn lên, “cậu ấm” Jho Low theo học trường nội trú Harrow nổi tiếng ở London (Anh). Tại Anh, Jho Low đã kết bạn với Riza Aziz, con trai riêng của cựu thủ tướng Najib Razak.
Sau đó, trong quá trình theo học tại Trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), Jho Low lại có dịp kết bạn với một số con cháu hoàng gia Trung Đông. Do đó sau này Jho Low đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nhân vật có thế lực ở Malaysia rồi dần dà trở thành “đệ tử ruột” của thủ tướng Najib Razak lúc còn cầm quyền.
Tháng 10-2018, tòa án Malaysia công bố lệnh bắt giữ Jho Low theo Luật chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và thu lợi bất chính năm 2001 cùng Luật ủy ban chống tham nhũng Malaysia 2009 (sửa đổi năm 2018). Tháng 6-2019, đến lượt Interpol phát lệnh truy nã đỏ. Jho Low phải đối mặt với 13 cáo buộc về các tội tham ô và rửa tiền.
Ánh mắt thất thần của cựu thủ tướng Najib Razak trong phiên tòa ngày 28-7-2020 ở Kuala Lumpur – Ảnh: Getty Images
Cựu thủ tướng và “đệ tử ruột”
Cuối tháng 7-2020, tòa án cấp cao ở Kuala Lumpur đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu thủ tướng Najib Razak. Công tố viên nhận định bị cáo Najib Razak giữ vai trò chủ chốt trong đại án quỹ 1MDB.
Ông Najib Razak nhận tội nhưng biện bạch đã bị Jho Low lừa và Jho Low mới chính là người dàn dựng tất cả. Tòa kết luận bị cáo Najib Razak đã phạm bảy cáo buộc về các tội rửa tiền, lạm quyền, lạm dụng chức vụ và quyền hạn, tuyên án 12 năm tù và buộc bị cáo nộp phạt 210 triệu ringgit (49 triệu USD). Ngày
23-12, vụ án này sẽ được đưa ra xử phúc thẩm.
Cùng bị truy tố vắng mặt với Jho Low còn có Patrick Andrew Marc Mahony, người Anh và Tarek Essam Ahmad Obaid, người Saudi Arabia, hai cựu giám đốc Công ty PetroSaudi bị buộc tội rửa tiền và thông đồng với cựu thủ tướng Najib Razak để nhận hoa hồng. Luật pháp Malaysia quy định người không phải công dân Malaysia vẫn bị buộc tội vì bất kỳ hành vi tham nhũng hình sự nào thực hiện tại Malaysia.
Hiện thời các nước liên quan đang tiếp tục nỗ lực thu hồi nhiều tỉ đôla Mỹ thất thoát từ quỹ 1MDB trong khi “con cá lớn” Jho Low vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tháng 11-2019, báo chí tiết lộ Jho Low từng được cấp quốc tịch Cyprus theo chương trình thu hút vốn đầu tư Golden Visa của Cyprus năm 2015. Kế đến lại có thông tin Jho Low được cấp hộ chiếu đảo quốc Saint Kitts và Nevis (vùng Caribbean).
Trong lần hiếm hoi trả lời báo The Straits Times (Singapore) từ một nơi bí mật vào đầu năm 2020, Jho Low cho biết đã được một quốc gia châu Âu đồng ý cho tị nạn hồi tháng 8-2019, nhưng không nêu rõ nước nào mà chỉ tiết lộ đó là một quốc gia đã gia nhập Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR – có 47 quốc gia ký kết).
Tháng 2-2020, cảnh sát Malaysia thông báo tin tình báo cho biết Jho Low có mặt ở Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng không rõ có rời Vũ Hán trước khi có lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 hay không. Ngoài ra, lại có tin đồn Jho Low lánh mặt ở nơi nào đó tại Hong Kong hoặc đã đến Los Angeles (Mỹ). 5 tháng sau, cảnh sát Malaysia tuyên bố nghi ngờ Jho Low đang lẩn trốn ở Macau. Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia khẳng định đây là thông tin vô căn cứ.
Theo điều tra riêng của kênh truyền hình Al Jazeera (Qatar), Jho Low đã lưu trú qua nhiều nơi trên thế giới như Bangkok (Thái Lan), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Ahmedabad (Ấn Độ) và từ tháng 2-2018 đã lấy “thủ đô cờ bạc châu Á” Macau làm chốn dung thân…
Sau khi nghỉ hưu sớm, ông Xavier Justo đến Thái Lan mua đất xây khách sạn trên đảo du lịch Koh Samui. Tháng 6-2015, trong lúc Justo chờ cấp phép kinh doanh khách sạn, bất ngờ cảnh sát Thái Lan ập vào khách sạn quật Justo xuống đất, còng tay và khám xét văn phòng.
Cảnh sát thông báo Justo bị bắt vì đòi Công ty PetroSaudi chung chi 2,5 triệu USD để đổi lấy dữ liệu bị lấy cắp. 2 tháng sau, Tòa án hình sự Nam Bangkok (Thái Lan) kết án Justo 3 năm tù về tội tống tiền. Sau 1 năm giam giữ, ông được trả tự do, trở về Thụy Sĩ sống rất kín tiếng.
Đến ngày 25-4-2018, Justo tổ chức họp báo ở Zurich tố cáo Công ty PetroSaudi thao túng báo chí để bôi nhọ uy tín ông, rồi kiện hai giám đốc điều hành của PetroSaudi về nhiều tội danh như đe dọa, tống tiền.
***********
Vài tháng trước khi rời chức vụ bộ trưởng, Dan Etete cấp quyền thăm dò lô dầu khí béo bở cho công ty cánh hẩu. Tiền bán chác lô dầu đã được Dan Etete chuyển ra nước ngoài để mua nhà đất, máy bay.
Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài – Kỳ 5: Trục lợi mỏ dầu để sống xa hoa ở Dubai
TTO – Một buổi tối cuối tháng 5-2020, sau bốn năm đậu ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), chiếc máy bay phản lực hạng sang 17 chỗ mang số hiệu M-MYNA của Hãng Bombardier 6000 đáp xuống sân bay quốc tế Montréal-Trudeau ở Canada.
Rạng sáng hôm sau, tòa án Québec đã phát lệnh thu giữ máy bay theo yêu cầu khẩn cấp của Nigeria. Chính phủ Nigeria khẳng định đây là tài sản bất chính được cựu bộ trưởng dầu mỏ Dauzia Loya Etete (thường gọi là Dan Etete) mua sắm bằng tiền tham nhũng trong đại án lô dầu mỏ OPL 245.
“Ở Dubai có một nhóm chuyên môi giới nhà đất cho các nhà chính trị và các quan chức mới bổ nhiệm ở Nigeria.
Nhà nghiên cứu MATTHEW PAGE
Bán giấy phép dầu mỏ bỏ túi 1,1 tỉ USD
Bốn năm trước đó, Chính phủ Nigeria đã thuê luật sư Olabode Johnson (Công ty luật Johnson & Johnson Solicitors) làm cố vấn pháp lý để thu hồi tài sản tham nhũng của Dan Etete liên quan đến lô dầu mỏ OPL 245. Luật sư đã ký hợp đồng với Công ty quản lý vốn Drumcliffe Partners của Mỹ để tìm nguồn tài trợ. Họ nhận được 5% trên các khoản tiền thu hồi thành công mang về cho Nigeria.
Nhận được tin máy bay M-MYNA hạ cánh ở Canada, chỉ trong vài tiếng luật sư Olabode Johnson cùng các cộng sự đã lập ngay tổ pháp lý tại Canada để khẩn cấp đệ trình đơn thu hồi tài sản với tòa án Canada. Lúc bấy giờ là 3 giờ sáng ở Nigeria nên luật sư phải trao đổi công việc với thẩm phán Canada qua đường truyền video.
Về mặt giấy tờ, Công ty Tibit ở quần đảo Virgin (một trong những thiên đường trốn thuế nổi tiếng thế giới) đứng tên máy bay M-MYNA, do đó Tibit làm đơn đòi lại máy bay. Đầu tháng 9-2020, tòa phúc thẩm Canada phán quyết vẫn giữ quyết định thu giữ máy bay.
Tòa nhận định căn cứ bản tuyên thệ của luật sư Olabode Johnson cùng nhiều tài liệu khác như bản án các phiên tòa ở châu Âu, có thể kết luận cựu bộ trưởng Dan Etete đã có hành vi tham nhũng. Ngoài ra, báo cáo của FBI Mỹ về hoạt động rửa tiền của Dan Etete đã hiển nhiên chứng minh Tibit là công ty bình phong của Dan Etete nhằm rửa tiền tham nhũng.
Nigeria là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về dầu mỏ và đó cũng là lĩnh vực xảy ra nhiều đại án tham nhũng. Đại án lô dầu OPL 245 được đánh giá là vụ tham nhũng lớn nhất trong ngành dầu mỏ Nigeria, liên quan đến vài bộ trưởng Nigeria và các công ty phương Tây.
Sự việc khởi đầu vào tháng 4-1998, đúng thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” của bộ trưởng dầu mỏ Dan Etete, ông này đã phê duyệt quyết định cấp quyền thăm dò lô dầu OPL 245 cho Công ty Malabu Oil & Gas. Quyết định này quái đản ở chỗ Malabu Oil & Gas là công ty vô danh tiểu tốt trên thị trường trong khi lô OPL 245 xa bờ 150km lại là mỏ vàng đen với trữ lượng 9 tỉ thùng.
Kết quả điều tra sau này phát hiện Malabu Oil & Gas mới được thành lập 5 ngày trước ngày được cấp giấy phép thăm dò và cổ phần đa số trong công ty thuộc về bộ trưởng Dan Etete. Giấy phép của Malabu Oil & Gas bị thu hồi. Năm 2003, Công ty đa quốc gia Shell (Anh-Hà Lan) tiếp quản lô OPL 245 về kỹ thuật. Dan Etete bèn đi kiện đòi quyền lợi liên quan đến lô OPL 245.
Lúc bấy giờ, vây cánh của Dan Etete quá mạnh, đột nhiên Chính phủ Nigeria cho phép Malabu Oil & Gas tiếp tục thăm dò lô OPL 245. Shell bèn kiện ra tòa trọng tài. Tháng 11-2010, Shell liên doanh với Công ty dầu khí Eni (Ý). Sau đó, bộ trưởng tư pháp Mohammed Bello Adoke đã đề nghị tổ chức thương lượng trực tiếp giữa Shell, Eni, Malabu Oil & Gas và một số thành viên Chính phủ Nigeria.
Tháng 4-2011, Shell và Eni đồng ý mua lại quyền thăm dò lô OPL 245 của Malabu Oil & Gas với giá 1,3 tỉ USD. Theo tài liệu của tổ chức chống tham nhũng Global Witness (Anh) công bố vào tháng 1-2016, trên thực tế 1,1 tỉ USD đã được chuyển vào tài khoản riêng của Dan Etete để từ đó chia ra lại quả cho một số quan chức Chính phủ Nigeria.
Tổng thống Muhammadu Buhari (cầm quyền từ tháng 5-2015) đã cam kết bài trừ tận gốc tham nhũng dầu mỏ. Tháng 1-2017, Nigeria đưa lô OPL 245 trở lại danh mục đầu tư công. Dan Etete bị truy tố về tội rửa tiền và tham nhũng. Cuối tháng 1-2020, tòa án Nigeria phát lệnh bắt giữ Dan Etete. Tòa án Ý cũng truy tố Dan Etete về tội rửa tiền và bảy tội danh khác.
Cựu bộ trưởng tư pháp Mohammed Bello Adoke (phải) bị nhân viên EFCC bắt giữ cuối năm 2019 – Ảnh: EFCC
Mua nhà cửa sang trọng ở nước ngoài
Vừa mới giữ chức bộ trưởng dầu mỏ năm 1995, Dan Etete đã mở hàng loạt tài khoản ở nước ngoài và thành lập hàng loạt công ty bình phong nhằm mục đích rửa tiền tham nhũng. Theo tiết lộ của Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến ở Mỹ (C4ADS), trang web điều tra báo chí Finance Uncovered (Anh) và Dự án Báo cáo tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP) công bố hồi tháng 6-2018, Dan Etete không chỉ mua máy bay riêng với giá 57 triệu USD năm 2011 mà còn chi nhiều triệu USD mua một căn hộ cao cấp và một biệt thự ở Dubai. Tiền mua nhà được chuyển qua Công ty vỏ bọc Gunes General Trading LLC.
Tháng 3-2020, Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) ở Mỹ đã công bố báo cáo của nhà nghiên cứu Matthew Page với đầu đề “Bất động sản ở Dubai: Ốc đảo dành cho giới tinh hoa chính trị tham nhũng Nigeria”. Báo cáo tiết lộ 800 bất động sản trị giá khoảng 400 triệu USD ở Dubai có liên quan đến một số quan chức đương chức và cựu quan chức ở Nigeria, người thân, cộng sự hoặc người được ủy quyền của họ.
Trong đó, Dan Etete liên quan đến một lô đất ở khu đất vàng Emirate Hills trị giá hơn 920.000 USD và một căn hộ trị giá 500.000 USD trong khu Marina Residences trên đảo nhân tạo Palm Jumeirah. Khoảng 25% bất động sản nêu trong báo cáo liên quan đến các cá nhân từng là đối tượng bị cơ quan chống tham nhũng Nigeria điều tra, bắt giữ, khởi tố hoặc đã bị kết án.
Các quan chức Nigeria háo hức mua bất động sản ở Dubai đến mức một nhóm môi giới nhà đất đã được lập ra ở Dubai chỉ chuyên đi săn lùng các nhà chính trị mới được bầu và các quan chức mới được bổ nhiệm ở Nigeria. Matthew Page nhận xét: “Một số kẻ môi giới là bọn lừa đảo tìm cách lừa đảo các nhà lập pháp Nigeria muốn chuyển tiền bất chính thành bất động sản ở nước ngoài”.
Đến tháng 7-2020, CEIP tiếp tục công bố báo cáo dày 130 trang của 10 tác giả với đầu đề “Vai trò của Dubai trong thúc đẩy tham nhũng và các dòng tài chính bất hợp pháp toàn cầu”. Báo cáo kết luận Dubai đã trở thành thiên đường rửa tiền do các quy định giám sát và thực thi hải quan quá lỏng lẻo.
Tháng 11-2007, Dan Etete đã từng bị tòa án Pháp kết án 3 năm tù, nộp phạt 300.000 euro và phát lệnh truy nã quốc tế về tội rửa tiền. Tòa án Pháp nhận định Dan Etete đã dùng tiền bẩn mua nhiều văn phòng, dinh thự, lâu đài, du thuyền, tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ ở Pháp. Hiện nay, ở lứa tuổi gần đất xa trời, Dan Etete (75 tuổi) đang đào tẩu ở Dubai và không biết ngày nào sẽ “quy hồi cố hương” lãnh án.
Cựu bộ trưởng tư pháp Mohammed Bello Adoke (2010-2015) đã bị truy tố về tội lạm quyền và rửa tiền trong vụ phê duyệt chuyển 1,1 tỉ USD vào tài khoản do Dan Etete quản lý. Adoke đào tẩu ra nước ngoài năm 2015, sau đó bị Interpol bắt giữ tại Dubai vào tháng 11-2019.
Tháng sau, Adoke được áp giải về Nigeria và đã bị các nhân viên Ủy ban Tội phạm tài chính và kinh tế Nigeria (EFCC) bắt giữ tại sân bay quốc tế Nnamdi Azikiwe ở thủ đô Abuja.
Hiện nay, tòa án đang làm rõ vai trò của Shell, Eni và nhiều cựu quan chức Nigeria liên quan đến đại án lô dầu OPL 245. Nigeria đã đề nghị tòa án Ý phán quyết buộc Shell và Eni phải bồi thường 1,092 tỉ USD cho Nigeria.
******************
Một trong những cách thức rửa tiền thời thượng của bọn tội phạm tham nhũng là mua bất động sản ở Mỹ. Bọn chúng đã mua nhà ở Mỹ như thế nào?
Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài – Kỳ 6: Mua nhà ở Mỹ để rửa tiền bẩn
TTO – Cuối tháng 8-2020, luật sư Carmelo Urdaneta Aqui – cựu cố vấn pháp lý của Bộ Dầu mỏ Venezuela – đã đáp máy bay đến Miami (bang Florida, Mỹ) tự nộp mình với cơ quan tư pháp Mỹ.
73% giao dịch mua nhà của khách hàng quốc tế được thực hiện bằng tiền mặt.
Hiệp hội Các nhà môi giới bất động sản quốc gia Mỹ
Urdaneta được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh 1,5 triệu USD. Hai năm trước, Urdaneta đã bị tòa án Mỹ truy tố về tội rửa tiền bằng cách mua bất động sản và giả danh đầu tư ở Miami.
Mua nhà để hợp pháp hóa tiền bẩn
Trong đường dây giả danh đầu tư để rửa tiền ở Miami, ngoài Urdaneta còn có bảy người mang nhiều quốc tịch gồm các quan chức, chủ ngân hàng, chủ công ty bất động sản và công ty môi giới. Trong số đó có Abraham Edgardo Ortega, cựu giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).
Tháng 8-2018, Ortega đã nhận tội rửa tiền trước tòa án Mỹ. Trong thỏa thuận nhận tội, Ortega khai đã nhận 12 triệu USD tiền hối lộ trong thời gian đương chức tại PDVSA, sau đó cùng các đồng phạm câu kết với các công ty vô danh ở Mỹ để chuyển tiền bất chính vào Mỹ thông qua giao dịch mua bán bất động sản.
Qua nghe lén điện đàm, cơ quan điều tra Mỹ biết Ortega đã bàn tính với luật sư Urdaneta cùng nhiều đồng phạm lập kịch bản đầu tư giả ở Mỹ, sau đó rút tiền khỏi quỹ đầu tư rồi dùng tiền đó mua một căn hộ sang trọng ở Miami để hợp thức hóa tiền bẩn.
Để tránh bị lộ khi làm tờ khai mua bán nhà và có thể sẽ bị Bộ Tài chính Mỹ điều tra, luật sư Urdaneta đã thành lập công ty vỏ bọc Paladium Real Estate Group LLC ở bang Florida vào tháng 5-2016.
Công ty do vợ Urdaneta đứng tên là người thụ hưởng và vợ “chuyên gia rửa tiền” José Vicente Amparan Croquer (người Venezuela) là người quản lý. Đến tháng 9-2017, vợ Urdaneta rút tên. Cơ quan điều tra Mỹ kết luận Ortega, luật sư Urdaneta cùng các đồng phạm đã câu kết dùng tiền bẩn mua tổng cộng 12 bất động sản ở Florida và Panama.
Năm 2020, nguồn cung cấp nhà để bán ở Mỹ giảm vì người tiêu dùng có xu hướng mua nhà mới xây. Doanh số bán nhà mới xây trong tháng 6-2020 tăng nhanh hơn bất kỳ tháng nào kể từ năm 2005.
Cùng lúc đó, Cục Thống kê dân số Mỹ ghi nhận gần 50% số người thuê nhà phải chi hơn 30% thu nhập hằng tháng để trả tiền thuê nhà. Do đó, Viện Aspen ước tính đến cuối năm 2020 sẽ có từ 15-20 triệu người thuê nhà có nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà.
Trong khi các gia đình đi thuê nhà phải chịu áp lực tiền thuê trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều nhà cửa lại không có ai ở. Hơn 50% nhà cửa ở cuối bãi biển Miami bỏ trống. Trên bờ biển phía tây, tình trạng tương tự xảy ra ở San Francisco và Los Angeles.
Phân nửa số nhà ở Oceanside (San Diego) cũng không có người ở. Tại New York, gần 40% trong 8 dãy nhà từ Central Park đến Lenox Hill chịu cảnh trống vắng. Đây là hệ quả do vấn nạn dùng tiền bẩn mua bất động sản ở Mỹ.
Tổ chức chống tham nhũng Global Witness (Anh) đánh giá từ lâu mua bất động sản ở Mỹ đã trở thành một trong những cách thức rửa tiền ưu tiên. Tiền bẩn được dùng để mua nhà ở Mỹ. Khi bán lại căn nhà đó, tiền bán nhà đã trở thành đồng tiền hợp pháp.
Doanh nhân Samark Jose Lopez Bello (người Venezuela) bị Mỹ điều tra vì dùng tiền liên quan đến ma túy mua nhà cửa ở Miami.
Để che giấu nguồn gốc tiền mua nhà, bọn xấu thường mở công ty vô danh làm vỏ bọc. Chưa rõ có bao nhiêu công ty vô danh làm bình phong đứng tên mua bất động sản ở Mỹ.
Báo New York Times căn cứ số liệu từ dịch vụ dữ liệu bất động sản First American Data Tree ước tính trong năm 2015, gần 50% giao dịch mua nhà ở với giá từ 5 triệu USD trở lên đều do các công ty bình phong thực hiện.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Mỹ là điểm đến ưa thích của các nhà chính trị tham nhũng trên thế giới để thành lập công ty làm vỏ bọc chuyển dịch hoặc che giấu tiền bẩn.
Ngân hàng Thế giới đánh giá tình trạng này đặc biệt đáng lo ngại vì số lượng pháp nhân khổng lồ được thành lập ở Mỹ mỗi năm nhiều hơn gấp 10 lần so với toàn bộ 41 thiên đường trốn thuế gộp lại.
Tại quận Manhattan, gần 40% trong 8 dãy nhà từ Central Park đến Lenox Hill không có người ở – Ảnh: AP
Điều tra bất động sản ở Mỹ
Hầu hết các nước – trong đó có Mỹ, quyền sở hữu bất động sản là ẩn danh. Công ty vỏ bọc đứng ra mua nhà không bắt buộc phải khai chủ sở hữu nhà là ai, chính vì vậy rất khó xác định nguy cơ rửa tiền tiềm ẩn.
Thêm vào đó, thành lập công ty vô danh ở Mỹ rất dễ. Khác với Anh và các nước Liên minh châu Âu, không có bang nào ở Mỹ bắt buộc chủ công ty vô danh phải khai rõ họ tên khi mở công ty.
Trong công trình nghiên cứu với đầu đề “Trò chơi vỏ bọc toàn cầu”, ba chuyên gia Mike Findley (Mỹ), Daniel Nielson (Mỹ) và Jason Sharman (Úc) ghi nhận qua khảo sát 60 quốc gia về việc thành lập công ty vô danh, tất cả các nước đều khắt khe hơn Mỹ, trừ Kenya.
Nghiên cứu chứng minh tại Mỹ rất dễ kiếm “cò” cung cấp dịch vụ thành lập công ty vô danh. “Cò” không quan tâm bạn là ai, bạn có thể làm gì và luật hiện hành của Mỹ cũng không yêu cầu. Chỉ cần cung cấp ít thông tin, bạn có thể dễ dàng lập công ty vô danh ở Mỹ bất kể vì mục đích gì.
Trong bối cảnh đó, để ngăn chặn nạn rửa tiền bẩn qua hình thức mua nhà, từ tháng 1-2016 Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu điều tra xem người nước ngoài mua bất động sản ở Mỹ có sử dụng công ty vỏ bọc để rửa tiền hay không.
Ban đầu FinCEN nhắm đến người mua vô danh sử dụng công ty vỏ bọc để mua bất động sản cao cấp trong phạm vi quận Manhattan (New York) và hạt Miami-Dade (bang Florida).
Kết quả cho thấy trong hơn 25% số giao dịch được xem xét, chủ sở hữu hưởng lợi (người sở hữu cuối cùng đối với tài sản) đều thuộc đối tượng của “các báo cáo hoạt động đáng ngờ” (dấu hiệu có thể có hoạt động tội phạm).
Từ đó, FinCEN đã mở rộng phạm vi điều tra nhiều lần. Đầu tiên là xem xét các giao dịch bất động sản hoàn toàn bằng tiền mặt ở Los Angeles, San Francisco và một số khu vực. Kế đến mở rộng phạm vi điều tra liên quan đến các giao dịch bất động sản bằng cách chuyển tiền điện tử.
Các công ty đứng ra mua nhà bắt buộc phải báo cáo người mua thực tế là ai nếu giao dịch bằng tiền mặt. Ban đầu, họ phải báo cáo đối với bất động sản cao cấp (500.000 USD trở lên). Sau đó, mua bất động sản với giá thấp hơn cũng phải báo cáo.
FinCEN cũng bổ sung thêm nhiều thành phố mới vào phạm vi điều tra. Tháng 11-2018, FinCEN đã yêu cầu các công ty mua nhà ở Boston, Chicago, Dallas-Fort Worth, Honolulu, Las Vegas, Los Angeles, Miami, New York, San Antonio, San Diego, San Francisco và Seattle báo cáo ai là người đứng sau các công ty vỏ bọc giao dịch bằng tiền mặt từ 300.000 USD trở lên.
FinCEN còn đề nghị cung cấp dữ liệu về mua nhà của các cá nhân có thể liên quan đến các doanh nghiệp có nghi vấn.
Thủ đoạn của quan tham
Tổ chức Global Witness ghi nhận mô hình chung của các quan tham trên thế giới hầu như luôn bao gồm ba phần:
– Một là tham ô công quỹ và sử dụng công ty vô danh làm bình phong xóa dấu vết dòng tiền.
– Hai là đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính quốc tế thông qua kênh ngân hàng hoặc nhà quản lý vốn. Quan tham “thông minh” sẽ chọn vài ba địa điểm chuyển tiền đề phòng bị lộ.
– Ba là đưa gia đình ra nước ngoài tận hưởng “chiến lợi phẩm” từ tiền bẩn tham ô, đồng thời bảo vệ bản thân và tài sản khỏi bị trả thù.
Bọn rửa tiền đã nghĩ ra rất nhiều chiêu qua mặt ngân hàng để biến ngân hàng thành công cụ rửa tiền cho chúng.
Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài – Kỳ 7: ‘Ma trận’ rửa tiền bẩn
TTO – Mua nhà cửa ở Mỹ thông qua công ty vô danh chỉ là một trong vài chục mánh khóe rửa tiền tinh vi. Quan chức tham nhũng làm mọi cách để hợp thức hóa tiền tham nhũng, từ rửa tiền trong sòng bạc đến lợi dụng hoạt động ngân hàng.

Các công ty vàng đã tham gia vào khoảng 1/4 số giao dịch đáng ngờ với tổng số tiền lên đến 514,9 tỉ USD.
Hồ sơ FinCEN
Từ chơi bài đến mua bán vàng
Với chiêu “đổi vé số trúng thưởng”, quan chức tham nhũng có thể săn lùng mua vé số trúng thưởng với giá cao ngất ngưởng để rửa tiền. Một chiêu kinh điển khác là mua bán tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ cổ.
Trong tạp chí Tài Chính và Phát Triển số tháng 9-2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế ghi nhận trong 67,4 tỉ USD doanh số chung của thị trường tác phẩm nghệ thuật thế giới năm 2018, thị trường chợ đen (tác phẩm bị mất cắp, hàng giả…) đạt 6 tỉ USD, trong đó 50% là rửa tiền.
Kịch bản rửa tiền diễn ra như “ma trận” hòng qua mặt luật pháp. Quan chức tham nhũng đưa tác phẩm nghệ thuật cho tên đồng phạm bán đấu giá rồi cố trúng đấu giá. Công ty bán đấu giá trả tiền mua tác phẩm cho tên đồng phạm.
Tên này trả lại tiền cho quan chức và nhận ít tiền bỏ túi. Mánh khóe rửa tiền này rất khó phát hiện vì định giá tác phẩm không phải dễ và giá tác phẩm lên xuống có khi hàng triệu USD.
Cách rửa tiền đơn giản là đến sòng bạc đổi tiền thành thẻ chơi bài (phỉnh), sau đó đi loanh quanh một lúc rồi quay lại trả phỉnh lấy lại tiền mặt hoặc chi phiếu. Cách này dễ làm nhưng chỉ rửa được khoản tiền nhỏ. Muốn rửa nhiều tiền hơn phải đi tới đi lui các sòng bạc nhiều ngày hoặc đến nhiều sòng bạc để tránh bị chú ý.
Cuối năm 2019, Trung tâm Phân tích các giao dịch và báo cáo tài chính của Canada (FINTRAC) đã yêu cầu các sòng bạc ở Canada giám sát cẩn thận các khách hàng trả bằng hối phiếu ngân hàng. Cách rửa tiền này ít gây chú ý như sử dụng tiền mặt, dễ làm và gần như ẩn danh.
FINTRAC nghi ngờ bọn rửa tiền tại sòng bạc thật ra chỉ là “cò” ăn tiền công còn chủ đồng tiền đã giấu mặt. Có hai loại “cò”. Một thường là sinh viên hoặc người thất nghiệp. Lịch sử giao dịch ngân hàng của họ cho thấy có chuyển dịch tiền vào và tiền ra với số lượng lớn từ nhiều nguồn không xác định.
Tiền được sử dụng để mua hối phiếu ngân hàng dành cho bên thứ ba hoặc cho sòng bạc. Hai là người nội trợ có tài khoản hiển thị các giao dịch tiền mặt từ nhiều nguồn không xác định, chuyển khoản trực tuyến của bên thứ ba hoặc các doanh nghiệp, mua và mua lại các khoản đầu tư, giao dịch với sòng bạc.
Cách rửa tiền đơn giản và lâu đời nhất là mua vàng và đá quý. Vàng được giao dịch rộng rãi, không bị mất giá, có thể mua bán ẩn danh và dễ thay đổi hình dạng. Ngày 20-9-2020, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố tài liệu mật (hồ sơ FinCEN) tiết lộ các công ty vàng liên quan đến khoảng 1/4 số giao dịch đáng ngờ với tổng số tiền 514,9 tỉ USD.
Công ty kinh doanh vàng CIJ Gutiérrez ở Colombia đã bị điều tra về nghi vấn rửa tiền qua Ngân hàng Bancolombia. Năm 2013, Ngân hàng Standard Chartered (Anh) đã gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ (SAR) cảnh báo hơn 11 triệu USD liên quan đến Công ty vàng Golden Vision Trading ở Liberia có dấu hiệu rửa tiền.
Hàng chục giao dịch ngân hàng đáng ngờ đã được ghi nhận giữa nhà kinh doanh vàng Kaloti ở Dubai với các công ty Ấn Độ. Công ty chế tác vàng số một thế giới Valcambi ở Thụy Sĩ cũng bị nghi ngờ giao dịch vàng với Kaloti.
Tài liệu ICIJ có được nhờ trang web BuzzFeed News (Mỹ). Trang này thu thập được 2.100 tài liệu mật gồm các báo cáo SAR của các ngân hàng gửi cho văn phòng Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ rồi chia sẻ cho ICIJ. ICIJ đã tập hợp hơn 400 nhà báo làm việc cho 110 cơ quan báo chí ở 88 quốc gia để phân tích và điều tra tài liệu.
Trước đó, các nước thành viên Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF – thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) ghi nhận tình trạng ồ ạt mua vàng ở các nước có thuế VAT thấp để mang vàng thỏi về nước. Phần lớn giao dịch trên thị trường vàng và đá quý được thực hiện bằng tiền mặt và ngày càng thịnh hành ở châu Á, Nam Mỹ và khu vực cận Sahara châu Phi.
Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng
Bọn rửa tiền đã nghĩ ra nhiều chiêu qua mặt ngân hàng, biến ngân hàng thành công cụ rửa tiền cho chúng. Hồ sơ FinCEN ghi nhận năm ngân hàng “đại gia” trên thế giới gồm JPMorgan Chase (Mỹ), HSBC (Anh), Standard Chartered, Deutsche Bank (Đức) và Bank of New York Mellon (Mỹ) đã gián tiếp tiếp tay cho hoạt động rửa tiền quốc tế.
Theo hồ sơ FinCEN, gần 2.000 tỉ USD nghi vấn đã được chuyển qua các ngân hàng lớn trong 18 năm (từ năm 1999-2017), trong đó năm ngân hàng trên đã lưu thông 2 tỉ USD tiền nghi vấn ở 170 nước.
Nhà tài chính Jho Low người Malaysia đang đào tẩu đã rửa tiền tham ô từ quỹ đầu tư 1MDB thông qua Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) và nhiều ngân hàng khác ở Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore và Luxembourg. Từ năm 2013, các ngân hàng đã báo cáo hơn 100 lần chuyển tiền đáng ngờ đến và đi từ các công ty liên quan đến Jho Low và quỹ 1MDB.
Tháng 1-2017, JPMorgan Chase đã báo cáo hơn 10 giao dịch chuyển khoản điện tử từ các công ty của Jho Low để mua cổ phần của khách sạn Park Lane ở New York và một căn hộ áp mái ở trung tâm New York, 30,5 triệu USD được dùng để mua tranh của các danh họa Van Gogh và Claude Monet.
Tại Ukraine, doanh nhân giàu có Andriy Klyuyev từng giữ chức phó thủ tướng thứ nhất (năm 2010-2012), thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia (năm 2012-2014) và chánh văn phòng tổng thống dưới trào Tổng thống Viktor Yanukovych (năm 2014).
Theo hồ sơ FinCEN, Tập đoàn năng lượng mặt trời Activ Solar của gia đình Klyuyev còn nợ hàng trăm triệu USD tiền vay từ các ngân hàng nhà nước Ukraine.
Ngân hàng JPMorgan Chase ghi nhận các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ từ Công ty NoviRex Sales LLP của Klyuyev ở Anh từ năm 2010-2015 với tổng số tiền 230 triệu USD. Ukraine đang điều tra mạng lưới các công ty ngoại biên và hoạt động kinh doanh của Klyuyev vì nghi ngờ rửa tiền và tham ô tài sản công.
Thông qua mạng lưới ngân hàng, các quan chức tham nhũng còn có thể dùng chiêu “mình vay tiền của mình”. Quan chức đưa tiền bẩn cho đồng phạm. Tên này giả vờ cho quan chức vay một khoản tiền tương ứng. Thông qua giấy tờ vay tiền, tiền bẩn đã trở thành tiền hợp pháp.
Sau khi xảy ra đại án tham nhũng, các chính phủ ở Malaysia, Philippines và Singapore đã có phản ứng khác nhau. TS Jon ST Quah đã nghiên cứu và đưa ra ba bài học.
Một số kỹ thuật rửa tiền
* Hóa đơn giả: Bọn rửa tiền cần có hai công ty. Công ty A lập hóa đơn giả cung cấp dịch vụ gì đó không có thật. Công ty B sẽ thanh toán bằng séc. Cuối cùng bọn rửa tiền thu được tiền sạch.
* Thao túng tòa án: Bọn rửa tiền cần có hai công ty, công ty A ở quốc gia có tiền bẩn và công ty B ở quốc gia nhận tiền đã rửa. Công ty B giả vờ kiện công ty A đòi bồi thường thiệt hại vài triệu USD vì không tôn trọng hợp đồng. Ra tòa, luật sư bên A làm mọi cách để thua kiện và A phải trả tiền bồi thường. Không dễ chứng minh hành vi lừa đảo và nguồn gốc đồng tiền lừa đảo.
* Vay có bảo đảm: Bọn rửa tiền chuyển tiền ra nước ngoài, sau đó công ty của chúng làm đơn vay ngân hàng ở quốc gia đó bằng cách lấy khoản tiền đã chuyển làm tài sản bảo đảm. Tiền ngân hàng cho vay là tiền sạch được chuyển trở lại cho chúng.
Ngoài ra còn có nhiều chiêu khác qua ngân hàng như sử dụng thẻ trả trước, chuyển tiền trực tuyến, ví tiền điện tử…
11/12/2020 11:20 GMT+7
TTO – Tại Singapore đã xảy ra hai đại án tham nhũng. Vụ đầu tiên liên quan đến bộ trưởng phát triển quốc gia Teh Cheang Wan nhận hối lộ 1 triệu đô la.

Che đậy tham nhũng không làm tham nhũng biến mất nhưng bảo đảm chúng sẽ tái diễn.
TS JON ST QUAH
Trong vụ rút ruột quỹ đầu tư 1MDB ở Malaysia, cựu thủ tướng Najib Razak (2009-2018) chỉ bị bắt giữ sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad lên cầm quyền sau tổng tuyển cử tháng 5-2018, và ra tòa xét xử vào tháng 4-2019.
TS Jon ST Quah ở Đại học Quốc gia Singapore đã nêu ví dụ này trong nghiên cứu với tiêu đề Các vụ bê bối tham nhũng ở sáu nước châu Á: phân tích so sánh để nhấn mạnh đến ý chí chính trị trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Administration and Policy số đặc biệt ngày 15-5-2020 (tạp chí do Hiệp hội Hành chính công Hong Kong và Đại học Bách khoa Hong Kong đồng tài trợ).
Không điều tra đến nơi đến chốn
TS Jon ST Quah xác định bài học đầu tiên và quan trọng nhất là phản ứng của chính phủ đối với các vụ bê bối tham nhũng không chỉ phản ánh ý chí chính trị, mà còn thể hiện mức độ nhận thức tham nhũng trong khu vực công.
Vụ tham nhũng quỹ 1MDB thể hiện rõ Najib Razak lúc còn đương chức thủ tướng đã lợi dụng hệ thống quản lý thiếu sót để rút ruột công quỹ.
Tuy nhiên, vụ án không được xử lý từ đầu vì Najib Razak là người dính líu đến vụ án lại giữ chức thủ tướng.
Najib Razak cách chức một số bộ trưởng để ngăn chặn ai muốn phanh phui sự thật, can thiệp vào quá trình điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) và Cục Kiểm toán quốc gia, không thực thi các quy định về phòng chống rửa tiền của tổ chức liên chính phủ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF – trực thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế).
Đến nay, do bận bịu xét xử cựu thủ tướng Najib Razak và thu hồi tiền bạc bị thất thoát, Chính phủ Malaysia lại chưa tiến hành cải cách thích hợp để giải quyết tận gốc nguyên nhân tham nhũng.
Hai chuyên gia Nur Shafiqa Kapeli và Nafsiah Mohamed (Malaysia) kết luận nỗ lực chống tham nhũng ở Malaysia sẽ khó hiệu quả vì thiếu ý chí chính trị, các sáng kiến giải quyết tận gốc tham nhũng gặp thất bại do trùng lặp và không được công chúng hỗ trợ.
Bài học thứ hai là chính phủ phải tấn công vào nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nói chung và các vụ án tham nhũng nói riêng. Tại Philippines có hai vụ án tham nhũng liên quan đến phê duyệt dự án cơ sở hạ tầng lớn không qua đấu thầu công khai.
Vụ thứ nhất liên quan đến Herminio Disini, bạn chơi golf của tổng thống Ferdinand Marcos (năm 1965-1986) và là bà con dòng họ của phu nhân tổng thống.
Disini nhận khoản huê hồng đáng kể của Công ty điện lực Westinghouse để tổ chức một cuộc họp để tổng thống Marcos nhất trí phê duyệt dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP) vào tháng 6-1976 bất chấp các quy định mua sắm công. Chi phí ban đầu 1,1 tỉ USD đã đội lên 2,1 tỉ USD sau khi dự án hoàn thành.
Trong vụ thứ hai, ngày 21-4-2007 tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo (năm 2001-2010) đã phê duyệt đề xuất cho Công ty thiết bị viễn thông Trung Hưng của Trung Quốc (ZTE) phát triển dự án mạng băng thông rộng quốc gia (NBN) bằng khoản vay 329 triệu USD từ ngân hàng Trung Quốc. Sau khi thượng viện điều tra về nghi vấn chủ tịch Ủy ban bầu cử Benjamin Abalos làm môi giới “thổi giá” dự án, tổng thống Arroyo đã đình chỉ dự án.
Tháng 4-2012, tòa án chống rửa tiền kết án Disini phải trả lại 50 triệu USD tiền huê hồng từ dự án BNPP nhưng Disini đã chết vào tháng 6-2014 trong khi chưa trả lại tiền. Trong khi đó, tòa án nhận định không đủ chứng cứ quy kết tổng thống Marcos, chủ tịch Ủy ban bầu cử Abalos và Mike Arroyo – phu quân tổng thống Arroyo – nhận huê hồng môi giới.
TS Eric Batalla ở Đại học La Salle (Philippines) đánh giá khi hai vụ bê bối nêu trên bị báo chí phanh phui, Chính phủ Philippines sẵn sàng thừa nhận hai dự án kể trên đều được tổng thống phê duyệt theo đề xuất của các nhà môi giới chứ không qua đấu thầu công khai.
Dù vậy, tỉ lệ kết án còn thấp bởi lẽ Ủy ban tổng thống về chính phủ trong sạch (PCGG trực thuộc Bộ Tư pháp) xử lý chứng cứ không đúng cách và Văn phòng Thanh tra (OMB) kém năng lực trong công tác điều tra.
TS Jon ST Quah kết luận hai cơ quan OMB và PCGG chỉ như “con hổ giấy” bởi không đủ uy tín, thiếu thốn nhân sự, quyền hạn và nguồn lực cần thiết.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng tuyên bố bất kỳ ai tham nhũng sẽ bị bắt giữ dù là công chức cao cấp đến đâu – Ảnh: AFP
Đề ra giải pháp ngăn chặn tham nhũng tái diễn
TS Jon ST Quah ghi nhận Singapore là quốc gia châu Á ít tham nhũng nhất căn cứ chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI từ năm 1995-2019. Nguyên nhân: khác với Malaysia, Chính phủ Singapore đã thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ thông qua công tác điều tra và trừng phạt những kẻ tham nhũng mà không hề che đậy bê bối.
Tại Singapore đã xảy ra hai đại án tham nhũng. Vụ đầu tiên liên quan đến bộ trưởng phát triển quốc gia Teh Cheang Wan. Ngày 2-12-1986, Cục Điều tra hành vi tham nhũng (CPIB) đã thẩm vấn Wan liên quan đến hai đơn kiện Wan đã nhận hối lộ 1 triệu đôla Singapore (736.000 USD) từ nhà thầu xây dựng.
Nửa tháng sau Wan tự sát trước khi có thể bị truy tố ra tòa. Vụ thứ hai liên quan đến trợ lý giám đốc CPIB Edwin Yeo bị truy tố vào tháng 7-2013 vì chiếm đoạt 1,76 triệu đôla Singapore (1,3 triệu USD) từ năm 2008-2012. Yeo nhận tội và bị kết án 10 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm và giả mạo trong công tác.
Chính phủ Singapore đã phân tích nguyên nhân dẫn đến hai vụ tham nhũng trên và đề ra các giải pháp cải cách thích hợp nhằm ngăn chặn tham nhũng tái diễn. Trước đây, Luật phòng chống tham nhũng Singapore không quy định tịch thu tài sản của người phạm tội tham nhũng. Chính phủ đã ban hành luật mới để bịt lỗ hổng này.
Cựu trợ lý CPIB Edwin Yeo mê bài bạc đã lợi dụng tình hình kiểm soát nội bộ yếu kém của CPIB để lấy tiền đánh bạc. Tháng 3-2013, theo chỉ đạo của thủ tướng, Hội đồng Đánh giá độc lập (IRP) được thành lập để điều tra nguyên nhân dẫn đến hành vi sai trái của Yeo. IRP kết luận do công tác giám sát thiếu hiệu lực nên tạo điều kiện cho Yeo phạm tội, từ đó đề nghị tăng cường siết chặt thủ tục tài chính và hệ thống kiểm toán của CPIB.
Hai giám đốc CPIB đã bị Văn phòng Thủ tướng gửi thư cảnh cáo vì không giám sát Yeo. Thủ tướng Lý Hiển Long đã bổ nhiệm một giám đốc CPIB mới để thực hiện các khuyến nghị của IRP.
Ngoài ra, Ủy ban Dịch vụ công thông báo từ ngày 1-10-2013, tất cả công chức phải khai báo những lần đến sòng bạc. Tháng 1-2014, Bộ Tài chính xây dựng quy tắc đạo đức trong mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn ứng xử chuyên nghiệp dành cho các cán bộ phụ trách mua sắm chính phủ và giới thiệu một hệ thống báo cáo mới để giảm tối đa sai sót trong mua sắm chính phủ.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã từng tuyên bố lập trường cứng rắn trong đấu tranh chống tham nhũng: Bất kỳ ai vi phạm sẽ bị bắt giữ và trừng phạt mà không hề giấu giếm, bất kể công chức đó cao cấp đến đâu hoặc phải chịu xấu hổ đến mức nào.
Ông nhấn mạnh: “Tốt hơn hết là chịu đựng xấu hổ và giữ cho hệ thống trong sạch hơn là giả vờ không có gì sai rồi để mục ruỗng lan rộng”.
TS Jon ST Quah kết luận khi một chính phủ quyết định che đậy vụ bê bối tham nhũng thay vì tiến hành điều tra, trừng phạt người phạm tội và cải cách để giải quyết nguyên nhân tham nhũng, có thể dự đoán các hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra là tham nhũng sẽ phát tán như căn bệnh ung thư, vì những kẻ tham nhũng có thể tiếp tục sai trái mà không lo bị trừng phạt và nhiều công dân sẽ bắt chước làm theo.
Ông nhấn mạnh: “Che đậy tham nhũng không làm tham nhũng biến mất nhưng bảo đảm chúng sẽ tái diễn”.
Bài học cuối cùng trong cuộc chiến chống tham nhũng là không có quốc gia nào miễn nhiễm với tham nhũng, kể cả Đan Mạch và New Zealand vốn là hai quốc gia chia sẻ vị trí đứng đầu trong 180 quốc gia về chỉ số CPI năm 2019. Tại Đan Mạch đã từng xảy ra hai vụ tham nhũng lớn trong năm 2018, gồm vụ rửa tiền tại chi nhánh Ngân hàng Danske ở Estonia và vụ tham ô tài sản tại trụ sở Bộ Trẻ em và xã hội.