NN – Tôi tìm lại con của nhân chứng “My Lai massacre” giữa ánh đèn đêm le lói, ngồi nghe Chi kể chuyện, nghe cảm giác lạnh dọc xương sống…
My Lai Massacre, đó là cụm từ phía Mỹ lưu trong hồ sơ vụ thảm sát Mỹ Lai tại xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi vào ngày 16/3/1968. Một nhân chứng sống sót được báo chí quốc tế và trong nước không ngừng nhắc tên là Đỗ Ba.

Nhưng còn một Đỗ Ba khác thì sống đời ẩn dật, vào định cư ở Trại phong Quy Hòa, tỉnh Bình Định, sau đó qua đời. Đầu tháng 9/2020, người con trai Đỗ Ba đột ngột gọi ra Đà Nẵng và nói giọng buồn bã: “Xin chú tìm giúp một nơi nương náu cho người em trai, xin chú giúp đỡ…!”.
Anh em độc hành
Đỗ Đình Chi, con trai của nạn nhân Đỗ Ba trở về nhà. Cậu đi ngang qua tượng đài của bác sĩ Hansen được đặt ngay trước cửa Trại phong Quy Hòa (Bệnh viện Phong Da Liễu Trung ương Quy Hòa) và dừng lại một hồi lâu để nhìn vào từng ngõ nhỏ.
Tôi hẹn Chi và chỉ có thể gặp được vào lúc ban đêm, khi Chi hết giờ làm công và trở về làng Phong. Sau này tôi mới hiểu, cái nhìn nháo nhác xung quanh làng Phong của cậu là để tìm người em trai Đỗ Đình Chí. Cha của 2 cậu bé này là ông Đỗ Ba, cũng là một trong những nhân chứng từng sống sót ở My Lai Massacre. Tuy nhiên, cuộc đời của ông quá ẩn dật, không được ai biết đến.
Chi cho biết, mẹ mất không lâu thì tới cha. Cha qua đời vào ngày 13/3/2016, khi chỉ còn 3 ngày nữa là tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ tưởng niệm 49 năm vụ thảm sát Mỹ Lai.
Trước ngày mất, ông vẫn ngồi đăm đăm nhìn về quê hương và lắng nghe tiếng sóng biển rì rào cách ngôi nhà không xa.
Năm 1968, ông Đỗ Ba là một cậu bé 17 tuổi. Tiếng súng AR 15 nổ sát sạt ngay bên cạnh nhà đã khiến cậu bật dậy và men theo cánh đồng lúa để chạy thoát ra khỏi làng. Khi cậu đu vào cành cây để tụt xuống bờ mương và đầu vừa khuất thì loạt đạn quét qua xén đứt 4 ngón tay phải, nhưng cậu vẫn may mắn hơn 504 người trong làng.
Đỗ Ba sống lang thang khắp nơi khi mất nhiều người thân. Bức ảnh cậu bé cụt ngón trên bàn tay được lưu ở Trung tâm cải huấn, sau khi cậu Đỗ Ba được mới đi phỏng vấn với tư cách là nhân chứng. Nhiều năm sau đó, báo chí trong và ngoài nước thường xuyên đến xã Tịnh Khê để viết lại nỗi đau của cuộc chiến, sự hổ thẹn của người Mỹ khi gây ra vụ thảm sát đau lòng. Giới ký giả khi tới Sơn Mỹ đều tìm gặp Đỗ Ba, là một cậu bé từng sống sót và được chính lính Mỹ cứu sống. Còn một nhân vật Đỗ Ba khác thì hầu như không ai biết đến.
Năm 1992, một bệnh nhân 40 tuổi tên là Đỗ Ba xin vào ở Trại phong Quy Hòa để điều trị bệnh. Nhiều người có thể nhầm lẫn ở bề ngoài của người đàn ông cao 1,55m và có giọng nói hơi cứng, đó là bàn tay phải cụt 4 ngón không phải do virus gây ra, mà là vết cắt của đạn AR 15. Vợ ông sinh được 2 người con trai là Đỗ Đình Chi, Đỗ Đình Chí. Chi có dáng vẻ nhanh nhẹn, đẹp trai, còn người em thì lại mắc bệnh tâm thần, suốt ngày chỉ biết cười và lang thang khắp làng phong.

Giọt máu còn lại
Nhiều người đến tham quan Trại phong Quy Hòa, ghé mộ Hàn Mạc Tử và đứng lặng nghe tiếng gió biển, mùi hương hoa sứ ngào ngạt, nghe văng vẳng trong sâu thẳm tâm tưởng lời bài hát “ai mua trăng tôi bán trăng cho/không bán đoàn viên ước hẹn hò…”.
Nhưng nếu vào Trại phong Quy Hòa khi mặt trời khuất bóng và màn đêm bao trùm thì cảm giác như đang đi ở một miền đất rất khác. Tôi tìm lại con của nhân chứng My Lai massacre giữa ánh đèn đêm le lói, ngồi nghe Chi kể chuyện, nghe cảm giác lạnh dọc xương sống khi ngẫm về một kiếp người sống sót qua bom đạn, khi tiếng súng lắng xuống thì lại mang căn bệnh liên quan virus Hansen, vật vã qua đời và để lại 2 người con trai độc hành trên nhân gian.
Trại phong Quy Hòa được Linh mục người Pháp là Paul Maheu xây dựng trại phong từ năm 1929 và lấy tên là Bệnh viện Laproserie. Năm 1932, bệnh viện được nâng cấp bởi Chales Antonie và Ozithe. Nhà cửa ở đây được xây dựng theo nhiều phong cách khác biệt.
Ngôi nhà mà Đỗ Ba ở cũng khá kỳ lạ, tường nhà rất cao, chiều ngang khoảng 5m nhưng có đến 2 cửa ra vào giống nhà lưu niệm của Hàn Mạc Tử. Năm 1992, Đỗ Ba vào Trại phong Quy Hòa và không dám quay trở về quê trong nhiều năm, hoặc chỉ về rồi lại đi ngay, vì nỗi mặc cảm bệnh tật. Đó chính là lý do khiến nhân chứng Đỗ Ba càng trôi đi trong mờ mịt của thời gian.
Những người ở Trại phong Quy Hòa có tinh thần đoàn kết gắn bó như một gia đình. Đó chính là điều an ủi, giúp ông thêm chút niềm vui ở ngôi làng hàng ngày nghe văng vẳng bài hát buồn về thi sĩ Hàn Mạc Tử. Vợ ông là bà Võ Thị Huệ, quê ở tỉnh Bình Thuận luôn theo sát để chăm sóc cho ông. Nhưng rồi sự bất hạnh lại tiếp tục đến khi bà bị ung thư gan, để 1 mình ông ghánh vác 2 người con trai.
Đỗ Ba có tâm nguyện, khi cuộc đời mình đi qua thì cũng phải tạo cho con trai một cuộc sống khác cha mẹ, đó là tìm một mảnh đất cho 2 cậu con trai lành lặn rời khỏi nơi này để bắt đầu tương lai mới, vì 2 người con không bị mắc bệnh phong. Nhưng khi người vợ mắc bệnh hiểm nghèo, niềm ước mơ đó tiêu tan, vì ông đã bán tất cả những gì đang có, mảnh đất ở xã Tịnh Khê.
“Chắc cả đời 2 anh em con cũng sẽ phải sống ở Trại phong Quy Hòa cho tới chết”, Đỗ Đình Chi nhìn ra hiên nhà tối om xào xạc gió biển và buông câu nói vô định.

Cần sự giúp đỡ từ Quảng Ngãi
Hai con người nương tựa vào nhau trong bệnh tật rồi qua đời. Hai đứa bé lớn lên trong cảnh thiếu cha, không có mẹ, chúng trở thành những chú gà lẻ đàn. Tôi bước vào căn nhà của con trai Đỗ Ba dưới ánh đèn đỏ và hít thở thật sâu để cảm nhận hết được nỗi u uẩn.
Nơi tôi lưu tâm nhất là căn nhà bếp. Thiếu người mẹ, bếp sẽ lạnh. Trong bếp chỉ có vài hũ muối, chai xì dầu đặt trong chiếc tủ gỗ được đóng theo kiểu thập niên 80. Nhiều nhất ở gian bếp vẫn là mì tôm. Chi cho biết, “ăn mì tôm tháng này sang tháng khác, có khi về nhà không kịp nấu cơm, ăn riết rồi có khi bị đổ máu cam vì người quá nhiệt”.
Căn nhà không bao giờ khóa cửa, vì tài sản trong nhà không có gì, ngoài những vật dụng mang màu sắc của tận thời bao cấp. Chi là một cậu thanh niên đẹp trai, tính tình vui vẻ. Cậu quay mặt đi và rơi nước mắt khi nói về người cha cứ tháng 3 lại ngồi kể về Mỹ Lai, nói về hòa bình. Ông ước ao khi đất nước thanh bình sẽ quay về quê hương, nhưng điều ước đó mãi mãi không thành, giờ thì ông yên nghỉ.
Chi cho biết, “em học nghành điện năm thứ 2 ở Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn. Nhưng năm 2016 khi cha qua đời thì em phải xin nhà trường cho dừng học để kiếm sống, nuôi em”.
Chi không muốn hình ảnh của mình lên báo chí, vì sợ khó xin được việc làm, ngại bị kỳ thị. Từ Đà Nẵng, thỉnh thoảng tôi lại liên lạc, hỏi thăm cậu, dõi theo cuộc sống của “nhân chứng” Đỗ Ba. Chi chia sẻ tâm tư của người cha là muốn nhận được sự thương cảm, giúp đỡ từ những người thân, hoặc chính quyền của xã Tịnh Khê, tỉnh Quảng Ngãi để anh em rời khỏi Trại phong Quy Hòa, bắt đầu một cuộc đời mới.
LÊ VĂN CHƯƠNG