Chuyện về vị thần nữ ‘giàu nhất’ Việt Nam – 4 bài

***

Bài 1: Chuyện về vị thần nữ ‘giàu nhất’ Việt Nam: Khách ‘VIP’ của các ngân hàng

17/02/2019 11:40

Tượng Bà Chúa Xứ – Ảnh: Nguyễn Hồ

Sự thật, Bà là vị thần gì và quyền lực ra sao? Loạt bài này, chỉ mong muốn đem đến cho bạn đọc những thông tin độc đáo về Bà Chúa Xứ núi Sam, chứ không có ý ca tụng hay ủng hộ việc thần thánh hóa và mê tín dị đoan. Còn đức tin, đó là điều trong mỗi con người, không ai có thể cấm cản.

Ngay sau Tết Nguyên đán mỗi năm, hàng trăm ngàn khách hành hương đã lục đục kéo về miếu Bà Chúa Xứ thuộc P.Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang gây kẹt xe trên nhiều đoạn đường. Mùa hành hương đã bắt đầu và kéo dài đến tận cuối tháng 4 âm lịch, dù theo thông lệ thì lễ Vía Bà chỉ được tổ chức trong 5 ngày – từ 23 đến 27.4 âm lịch hằng năm.

Từ năm 2001, lễ Vía Bà đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, nhưng với hàng triệu khách hành hương đến đây mỗi năm, đó không phải là nguyên nhân chính “kéo” họ đến thắp nhang cho Bà. Bởi lẽ, trong lòng nhiều người trong số họ, Bà là vị thần thiêng liêng và đầy huyền bí, sẽ ban cho họ sự giàu sang phú quý…

Bà Chúa Xứ – vị thần mà các ngân hàng săn đón

Một anh đang công tác trong ngành du lịch tỉnh An Giang, nói vui: “Bà Chúa Xứ là vị nữ “đại gia”, là thần nữ giàu nhất cả vùng miền Tây này”. Anh nói, khó ai thống kê chính xác khối tài sản khổng lồ của Bà, gồm khu miếu thờ với chánh điện nguy nga, vàng, hàng đống áo mão mạ vàng, khảm ngọc…

Gạo và muối mà khách hành hương cúng, chất thành kho – Ảnh: Nguyễn Hồ

Chỉ biết, riêng tiền mặt thì Bà “có” hơn 500 tỉ đồng đang gửi ở ngân hàng. Tất nhiên, Bà không phải là người trần mắt thịt, nên khối tài sản ấy Ban Quản trị lăng miếu núi Sam đang quản lý hộ…

Một thành viên Ban Quản trị lăng miếu núi Sam thừa nhận và cho biết: “Như riêng năm 2012, lượng tiền mặt mà khách hành hương thập phương đến cúng cho Bà đã lên đến hơn 70 tỉ đồng!”.

Vài năm trước đây, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam có gần 200 người, phải trả lương hằng tháng. Đó là chưa kể cũng ngần ấy người làm công quả trong miếu Bà, tức không ăn lương mà chỉ hưởng lộc hoa quả, thịt heo quay, gạo, muối… mà khách đến cúng. Ấy vậy mà sau khi trừ hết chi phí lương bổng, chi phí tu sửa lăng miếu… mỗi năm, Bà vẫn “còn dư” tròm trèm 50 – 60 tỉ đồng.

Vậy nên cũng dễ hiểu, vì sao lượng tiền mà Bà “gửi tiết kiệm” tại ngân hàng nhiều đến vậy! Cứ 3 – 5 năm một lần, Ban quản trị và các vị có chức trách sẽ ngồi lại với nhau, “đấu giá” để chọn lựa ngân hàng nào có uy tín nhất, lãi suất thích hợp nhất để giữ số tiền quỹ của Bà. Các ngân hàng thì cứ đua chen nhau, bởi điều dễ hiểu, với số tiền gửi như vậy, đương nhiên là khách hàng VIP mà ai cũng muốn giành về mình.

Hiện nay, những người làm công quả không được ở thường xuyên trong khu miếu, do đã có tình trạng người xấu trà trộn vòi vĩnh tiền cúng, hay phát tán những trò mê tín dị đoan, nhưng riêng lực lượng nhân sự có trả lương mà Ban quản trị đang quản lý cũng lên đến hàng trăm người. Có thể nói, lực lượng phụng sự cho Bà nhiều hiếm thấy ở những nơi thờ cúng khác.

Gần 200 năm nay – kể từ lúc có miếu Bà, rất nhiều người đã giữ phong lệ đến cúng Bà hằng năm. Nhưng trước kia, gia cảnh mỗi người cũng như nền kinh tế chung còn nghèo, nên người đến cúng chỉ mang theo ít trái cây, mâm xôi, con gà… hoặc chỉ thắp nén hương tỏ lòng thành kính. Nhưng nay, kinh tế phát triển, nhiều người lắm tiền nhiều của không ngại ngần dâng cả tiền tỉ để cúng Bà.

Cặp đèn cầy (nến) độc đáo ở miếu Bà – Ảnh: Nguyễn Hồ

Trong khu miếu Bà, có 2 góc ở trệt và tầng 1 được đặt những đồ vật quý hiếm mà khách thập phương đến cúng Bà. Việc bảo vệ ngày đêm tại các khu này cũng được triển khai, nhưng có lẽ chỉ là cho đúng quy định, bởi sự tôn thờ và lòng tin về sự hiển linh của Bà quá lớn, nên đố tên ăn trộm nào dám mò vào ăn cắp đồ của Bà nếu không sợ bị vật chết.

Tại những chiếc tủ kính ở tầng trệt, chúng tôi quan sát có hàng hà sa số các tranh khảm vàng, đồ vật bằng vàng khối hoặc mạ vàng, kim chi ngọc diệp, tượng sa thạch, đồng đen… Có cả một cây nhang quý đường kính khoảng 30cm, cao khoảng 1 mét, chạm rồng rất đẹp và cầu kỳ – có thể nói là vô giá, còn phía 2 bên là 2 cây đèn có kiểu dáng và hình thù rất lạ. Cây nhang ấy, theo một thành viên Ban Quản trị: “Chúng tôi thấy quá đẹp nên tiếc, nay không dám đốt nữa”. Mà nếu đốt, cũng chẳng biết xuyên suốt bao nhiêu tháng trời mới cháy hết cây nhang ấy.

Hơn 15 năm trước, có vị đại gia không biết đến từ xứ nào, nhưng cứ đến hẹn hằng năm là lại đến, cúng Bà một hiện vật bằng vàng to bằng nắm tay. Cứ năm Sửu, thì ông ta mang đến con trâu bằng vàng, năm Thìn thì đem đến con rồng bằng vàng… Cách đây vài năm, ông ta đã cúng đủ 12 con giáp, đang trưng bày tại miếu Bà.

Bộ áo mão của Bà trị giá gần 50 triệu đồng

Dư luận hay xôn xao về việc các ca sĩ, diễn viên, đại gia… xài hàng hiệu, quần áo hàng triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi bộ, rồi mỗi người sở hữu cả bộ sưu tập quần áo… Nhưng đến miếu Bà, thì đấy là điều bình thường! Nhưng tất nhiên, đó phần lớn là những thứ mà khách thập phương đến cúng.

Những đồ vật quý hiếm được khách hành hương cúng bà – Ảnh: Nguyễn Hồ

Một cán bộ ở Trung tâm Du lịch nông dân An Giang, cho biết sau lưng lăng Thoại Ngọc Hầu – đối diện với miếu Bà, có người đàn bà rất nổi tiếng với việc chuyên may áo, mão cho Bà. “Có bộ áo, mão mà khách hành hương đặt cúng Bà mà chị này may, trị giá gần… 50 triệu đồng! Trên áo, mão có khảm ngọc, thêu hình rồng nổi… nên rất giá trị. Còn những bộ thường hơn, giá cũng vài triệu đồng/bộ là chuyện bình thường”, anh kể.

Theo Ban Quản trị lăng miếu núi Sam, cứ 15 ngày là phải thay áo mão cho Bà một lần. Bộ áo mão cũ không bao giờ được mặc lại cho Bà, mà nhiều lúc cất vào kho hoặc vải áo được cắt ra thành những mảnh nhỏ, phân phát cho khách hành hương có nhu cầu xin lộc. Vậy mà áo mão của Bà vẫn không thể sử dụng hết, do khách hành hương cúng quá nhiều. Nhiều đến nỗi có lúc Ban Quản trị phải trương hẳn bảng thông báo to, ghi rõ: “… Do số lượng áo mão quý khách dâng cúng quá nhiều, nên chỉ mặc được một lần rồi đưa trưng bày một ít, phần lớn phải cất vào kho không sử dụng, trong khi đó giá trị mỗi cái áo mão rất cao. Để hạn chế phần nào cho sự hao phí và việc dâng cúng của quý khách có ý nghĩa thiết thực cho việc trùng tu tôn tạo di tích cũng như sử dụng vào các công việc từ thiện khác… đề nghị hạn chế đến mức thấp nhất việc cúng áo mão…”. Chỉ đến năm 2009 thôi, “bộ sưu tập” áo mão của Bà đã lên đến con số khủng: 15.000 bộ!

Còn ngay trong khu miếu, có hẳn căn phòng lớn, nhưng vẫn không chứa hết số gạo, muối mà khách hàng hương đến cúng, cho nên phải chất ra tới hành lang hàng đống. Theo một nhân viên bảo vệ tại khu miếu, đến những ngày cao điểm, heo quay mà khách tới cúng bày hàng trăm con ngoài sân, nhưng vài chục phút sau thì phải cất dẹp nơi khác để bày số heo mới lên. Cứ như vậy, đủ thấy lễ vật mà khách thập phương dâng cúng cho Bà nhiều đến mức nào.

Phần lớn những khách hành hương đến cúng, vung tiền triệu tiền tỉ, “vàng ròng bạc nén”… hiển nhiên vì lòng tin. Họ tin rằng, cúng Bà càng nhiều thì làm ăn càng tấn tới, đụng đâu thắng đó. Tiếng đồn ngày một vang xa, ai cũng muốn một lần đến cúng Bà nếu ít điều kiện, còn dư dả thì năm nào cũng đến. Có người đến từ Tiền Giang, TP.HCM, Đồng Nai, có người từ tận miền Bắc.

Một số lễ vật quý hiếm dâng cúng Bà, cũng có ghi tên tuổi, địa chỉ… và theo quan sát của chúng tôi, hầu hết là các vị “đại gia” ở cách đó hàng trăm cây số. Còn với người dân địa phương thì khỏi phải nói, việc cúng Bà đã như in sâu vào tiềm thức của họ, khả năng bao nhiêu thì cúng bấy nhiêu, không ai áp đặt.

Nhưng liệu những người đã thắp hương, cúng kiếng và thành tâm van vái ấy, có được Bà “độ” để làm ăn phất lên hay không? Không ai khẳng định được điều đó, kể cả các thành viên trong Ban Quản trị – những người sâu sát hằng ngày tại khu miếu thờ này. Chỉ biết, họ đến vì lòng tin và sự tôn sùng quá lớn đối với Bà Chúa Xứ.

Từ những năm trước đây, mỗi năm chỉ khoảng 3 triệu lượt khách đến hành hương, thắp nhang, thì nay, lượng khách cứ tăng dần theo từng năm.

Và trong số tiền cúng Bà, hằng năm Ban Quản trị lăng miếu núi Sam cũng trích ra bình quân gần 10 tỉ đồng/năm để chi cho công tác phúc lợi như xây trường học, mổ mắt cho dân nghèo, trồng rừng, làm đường, sửa chữa nhà tình nghĩa…

Nguyễn Hồ

***

Bài 2: Chuyện về nữ thần ‘giàu nhất’ Việt Nam: Những huyền thoại tạo nên sự linh thiêng

18/02/2019 07:19

Khách đến viếng Bà Chúa Xứ – Ảnh: Nguyễn Hồ

Không chỉ người địa phương, mà ở khắp miền Tây Nam Bộ, nhiều người vẫn rỉ tai truyền tụng các huyền thoại, sự vụ để minh chứng cho sự linh thiêng huyền bí của Bà Chúa Xứ.

Ông Nguyễn Văn Bảy (72 tuổi, ngụ P.Núi Sam, cách miếu Bà Chúa Xứ chưa đầy 2 km) kể rằng ông rất tin vào những câu chuyện linh thiêng về Bà Chúa Xứ. Tuy đã sống từ nhỏ ở đây nhưng bản thân ông… chưa chứng kiến sự vụ nào, những chuyện mà ông biết, đều do cha – ông của ông Bảy kể lại.

Ông nói thời xưa miếu Bà được dựng đơn sơ bằng cây lá tại vùng đất này, khi đó rất hoang vu. Nhưng hằng trăm năm trước, người dân đã một mực tôn kính và thờ phụng Bà, xem như vị chúa xứ “cai quản” vùng này. Năm đó, có người đến khấn vái Bà, sau đó làm ăn phất lên. Để trả lễ Bà, người ấy đã thuê thợ kim hoàn làm một sợ dây chuyền vàng lớn và đẹp, đeo lên cổ Bà như thứ trang sức cho người sống.

Rồi nhiều người khác thấy vậy, cũng làm theo. Vùng hoang vắng, cũng ít người tới lui trông coi miếu Bà, nên bọn đạo chích để ý. Dĩ nhiên, chúng ngó thẳng vào mớ dây chuyền, trang sức mà Bà đang đeo.

“Cung điện” nguy nga của Bà Chúa Xứ tại núi Sam – Ảnh: Nguyễn Hồ

Đêm đó tối trời, cả bọn lẻn đến. Vì tượng Bà đặt khá cao nên chúng phải kê đồ vật để đứng với lên, gỡ trang sức của Bà. Vừa lúc đó, một cơn gió lạnh đột ngột rít qua. Chiếc đèn dầu trên bàn thờ tắt phụt… Sáng ra, người dân đến cúng phát hiện cả 3 tên trộm đều chết cứng, cổ bị gãy, máu mồm rỉ đỏ. Cặp mắt của chúng vẫn trợn ngược, đầy vẻ kinh hoàng!

Khá lâu sau vụ đó, một tên trộm ma ranh mới ngẫm nghĩ: “Bà chỉ bẻ cổ? Mà có thiệt hay là đồn bậy? Thử xem sao!”. Đêm đó, y lẻn vào miếu Bà. Quan sát một hồi để biết lối hướng, rồi chuẩn bị đâu đó xong xuôi, y mới chụp lên đầu cái nồi đất to tướng, rồi lọ mọ gỡ trang sức của bà! Chắc y nghĩ, có cái nồi thì cổ đâu có lộ ra đâu mà Bà bẻ.

Không ngờ, vừa bước xuống chạm đất, cái nồi ấy cứ xoay tít trên đầu y, như có lực vô hình nắm ngay vành nồi – phần che cổ của y, mà xoay vòng liên tục. Sợ tè ra quần, y chạy thục mạng, không dám lấy một món nữ trang nào…

Còn có gã thanh niên nọ, hôm đó say rượu bước vào miếu Bà. Trông thấy mọi người xì xụp thắp hương khấn vái, y tức khí buột miệng: “Bà này làm quái gì mà phải cúng vái bả”. Ngay lập tức, như có sức mạnh vô hình nào đó, quật y chổng ngược, đầu cắm xuống đất với tư thế trồng chuối. Y hoảng hốt kêu la, khẩn cầu Bà tha tội. Lát sau, y mới ập cả thân người xuống đất, lồm cồm bỏ chạy có cờ.

Còn anh Nguyễn Văn Tùng (43 tuổi) ngụ xã Bình Hòa, H.Châu Thành, tỉnh An Giang khẳng định: “Khi quân Pol Pot tràn sang biên giới Việt Nam – Campuchia hồi năm 1978, thảm sát nhiều người dân vô tội ở vùng biên giới An Giang, Bà cũng đã báo điềm từ trước. Trước đó chỉ chừng 1 năm, khuôn mặt tượng Bà tự dưng có cảm giác như tối sầm lại. Nhiều người lấy khăn lau, tô sơn… nhưng vẻ mặt của Bà vẫn rất tối. Không bao lâu sau thì thảm họa Ba Chúc xảy ra”.

Lúc nào cũng có đông người đến miếu để tỏ lòng thành kính với Bà – Ảnh: Nguyễn Hồ

Trong vòng 2 tuần lễ, chỉ từ ngày 18 – 30.4.1978, đã có tới 3.157 người dân thường sinh sống tại xã Ba Chúc (H.Tri Tôn, tỉnh An Giang) bị quân Pol Pot dồn vào chùa, trường học để sát hại. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu, nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín… Hiện nay, tại Khu chứng tích tội ác diệt chủng Pol Pot ở xã Ba Chúc vẫn còn nguyên các bức tường bê bết máu, khung hộp kiếng chứa đựng hài cốt của 1.159 nạn nhân…

Tuy nhiên, theo Ban Quản trị khu lăng miếu núi Sam, đó đều là những câu chuyện truyền miệng và sự thật chưa được khẳng định. Nhiều khả năng, chuyện thật cũng có, nhưng thêu dệt thì cũng nhiều. Như thời gian trước, nhiều người đến miếu Bà cúng vái, đã râm ran đồn lên rằng dạo này trông Bà… mập lên. Sự thật thì có thời điểm Ban Quản trị cho Bà mặc đến 3 lớp áo. Mặc áo nhiều, nên trông xùng xình, to lớn hơn là bình thường…

Và chuyện có thật về quyền uy của Bà

Ông Bảy kể thêm: “Thời Pháp thuộc, có một ông người Pháp, đi cùng người thư ký ghé vào miếu Bà. Nhìn ngó quanh quất, quan sát kỹ tượng Bà, không hiểu sao ông ta có ý định lột áo Bà ra, xem thử bên trong. Nghĩ là làm, ông ta xăm xăm leo lên cởi áo Bà ra. Nhưng Bà rất hiển linh, nên như báo tin cho nhiều người kéo đến lập tức, bắt trói ông ta ngay”. Mà thời đó, dám bắt trói một ông người Pháp quả là việc động trời!

Sự thật thế nào? Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam – quyển sách biên khảo của nhà văn Trịnh Bửu Hoài, phát hành năm 2010, cũng đã đề cập khá kỹ về sự vụ này. Có thể tóm tắt sự việc như sau: Một ngày đầu thu năm 1942, một người Pháp cùng người thư ký vào miếu, tự tiện cởi áo Bà, ghi chép và phác họa tượng Bà. Bà từ (coi miếu) không dám ngăn cản, chỉ biết vội chạy đi báo ông Hương cả Phạm Văn Hảnh.

Ông Hảnh liền tới miếu, ra lệnh cho bà từ mặc lại áo cho Bà chỉnh tề rồi quay sang làm việc với hai người khách lạ. Lúc này, người Pháp ấy mới trình giấy của Chánh tham biện tỉnh Châu Đốc, giới thiệu: ông Malleret là Chủ tịch Hội Khảo cổ Hà Nội, đi sưu tầm cổ vật tiềm ẩn ở vùng này. Ông Hương cả xem xong, vẫn tỏ thái độ không hài lòng, phê bình việc làm phạm thượng của ông Malleret.

Cầu xin Bà phù hộ để làm ăn khấm khá – Ảnh: Nguyễn Hồ

Về phía ông Malleret, khi nghe qua sự ngưỡng vọng tôn kính của dân làng địa phương và vùng lân cận đối với Bà Chúa Xứ, ông này từ thái độ tức giận (vì người bản xứ dám la rầy ông), đã chuyển sang bối rối, sợ sệt. Và chiều đó, hai người Pháp là ông Gauthier – Chánh tham biện Châu Đốc, và ông Malleret, phải đi xe con đến nhà ông Hương cả thương lượng, cuối cùng thống nhất: để chuộc tội, hai ông sẽ tổ chức lễ tạ tội và cúng Bà 1 con heo, 1 mâm xôi.

Ông Malleret theo đạo Công giáo nên không biết lạy, nhưng phải đứng nghiêm trước tượng Bà trong buổi lễ. Và bà con trong vùng đến dự lễ tạ tội này rất đông, nói lên sự uy nghiêm của Bà Chúa Xứ. Và uy nghiêm ấy nghiễm nhiên càng tăng gấp bội, khi họ chứng kiến cảnh ông Tây oai vệ, hách dịch nay cũng phải chịu phạt trước Bà…

Còn mới đây nhất, theo anh Tùng: “Năm 2009 cũng xảy ra chuyện. Theo tôi biết, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng ngụ Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ) sau khi trúng số đã đến cúng Bà. Lúc khấn vái, bà Hoàng xin Bà hộ độ cho trúng số lần nữa, sẽ lên cúng hậu tạ Bà 100 triệu đồng”.

Hai tháng sau, bà Hoàng lên cúng đủ số tiền ấy. Do đó, anh Tùng khẳng định, nếu bà Hoàng không trúng số lần nữa thì làm gì phải thực hiện lời hứa. “Như vậy, chuyện Bà linh hiển là thật”, anh nói. Và sự việc tiếp theo càng khiến anh Tùng thán phục sự linh thiêng của Bà.

Đó là khi bà Hoàng cúng số tiền ấy, thay vì ghi sổ 100 triệu đồng, thì người phụ trách khâu đó chỉ ghi là bà cúng… 1 triệu đồng. “Nhưng ăn tiền của Bà đâu phải dễ!”, anh Tùng nói. Dè đâu cúng xong, bà Hoàng sang khu khác (cũng trong miếu) để xin lộc, mà đến 50 cái khăn lộc nhưng ở đây chỉ phát cho bà Hoàng 1 cái. Tức khí, bà nói thẳng: “Tui cúng cả trăm triệu đồng, mà xin lộc chỉ cho đúng 1 cái là sao?”.

Chuyện đến nước này, Ban Quản trị mới cho người rà soát lại sổ cúng, thì thấy ghi bà Hoàng chỉ cúng có 1 triệu đồng. Vụ “tham ô” bị phanh phui, anh nhân viên ghi sổ phải vào tù vì định “biển thủ” 99 triệu đồng của Bà Chúa Xứ…

Sự thật? Ban Quản trị lăng miếu núi Sam không dám khẳng định chuyện bà Hoàng trúng số lần 2 nhờ Bà độ là có thật hay không, nhưng chuyện anh nhân viên ghi sổ “biển thủ” 99 triệu đồng là có thật. Sự việc xảy ra ngày 21.3.2009, thủ phạm là Nguyễn Thành Nhân – nhân viên Ban Quản trị. Và anh này đã bị Công an Châu Đốc bắt giam, khởi tố vụ án.

Qua 2 câu chuyện trên, nhiều người tôn sùng càng tin rằng uy nghiêm và sự linh hiển của Bà là có thật! Tuy Bà không trực tiếp “ra tay”, nhưng Bà đã khiến những người gây ra lỗi lầm đều phải trả giá.

Dù có thật hay không, nhưng chính nhờ những huyền thoại ấy mà uy danh Bà Chúa Xứ càng được vang xa. Nhờ vậy, người dân trong vùng cũng tin tưởng Bà, tự nhắc mình phải sống đạo đức và khuôn phép hơn, đừng trộm cắp, ăn nói sỗ sàng…

Nguyễn Hồ

***

Bài 3: Từ pho tượng trên đỉnh núi trở thành vị thần được muôn người sùng kính

19/02/2019 06:32

Lăng Thoại Ngọc hầu

Tượng Bà Chúa Xứ hiện nay đặt trong miễu dưới chân núi Sam, nhưng cách đây gần 200 năm, nơi người ta tìm thấy tượng Bà là trên đỉnh ngọn núi Sam cao 284 mét. Nhưng vì sao 1 bức tượng mà đến nay nguồn gốc vẫn còn nhiều tranh cãi ấy, lại được nhiều người dân tôn sùng đến vậy?

Nguồn gốc tượng Bà cũng chỉ là huyền thoại

Bức tượng Bà vốn nằm trên đỉnh núi Sam, và không ai biết tượng đã được đặt từ bao giờ. Nhưng khu vực núi Sam, xưa kia vốn ngập trong nước biển, và núi Sam chỉ là cái hòn nhỏ nhô lên. Trải qua bao thời gian, phù sa dần bồi lắng, mới hình thành vùng đất đồng bằng từ Châu Đốc trải dài ra tận Hà Tiên (Kiên Giang), và “hòn” Sam trở thành núi Sam ngày nay.

Và theo truyền thuyết về vương quốc Phù Nam, kể rằng, 1 vị hoàng tử Ấn Độ một hôm bỗng dưng chán quyền lực, của cải sẵn có, đã dẫn đoàn tùy tùng lên thuyền làm chuyến hải hành về phía mặt trời mọc, với hoài bão tìm ra một vùng đất mới, lập vương quốc riêng cho mình…

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, hoàng tử và đoàn tùy tùng đến khu vực có nhiều hòn nổi lên trên biển. Đó là vùng Châu Đốc ngày nay – khi phù sa chưa đủ để xua nước biển, tạo lập vùng đồng bằng như hiện giờ. Đến hòn đảo tương đối thấp ở trong sâu, đoàn người lên thám sát và nhận thấy đây là đất tốt. Đó chính là núi Sam bây giờ.

Bệ đá trên đỉnh núi Sam – được cho là nơi xưa kia Bà từng ngự – Ảnh: Nguyễn Hồ

Để đánh dấu sự có mặt của mình tại vùng đất mới, hoàng tử đã đắn đo suy nghĩ rất lâu để tìm chứng tích gì thật đặc biệt. Cuối cùng, tia sáng lóe lên trong đầu. Hoàng tử cho đoàn tùy tùng khiêng từ tàu lên pho tượng đá mang theo từ quê nhà, đặt lên đỉnh hòn. Hoàng tử nào có ngờ rằng, sau này pho tượng của mình đã trở thành Bà Chúa Xứ, được muôn người tôn kính. Và vùng đất mà hoàng tử đánh dấu, thực ra không phải vùng đất mới, mà thuộc về lãnh thổ của 1 nữ vương tên là Lưu Yi…

Truyền thuyết này có nhiều điểm phù hợp, nếu xét về hình dáng, kiểu cách pho tượng Bà Chúa Xứ hiện đặt tại miếu dưới chân núi Sam. Ngày nay, trên đỉnh núi Sam vẫn còn 1 bệ đá mà nhiều người cho rằng chính là nơi xưa kia Bà ngự. Bệ đá thuộc loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn – vốn không có ở vùng đất này, có chiều ngang khoảng 1,6 mét, dày 0,3 mét, ở giữa có 1 lỗ vuông cạnh 0,34 mét. Hiện giờ, bệ đá được xem như 1 chứng tích và được bảo vệ cẩn thận.

Còn tượng Bà cao khoảng 1,65 mét, làm bằng đá son, nặng ước chừng 1 tấn, thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi nghĩ ngợi điều gì đó, trông quý phái, vương giả. Tương truyền, khuôn mặt Bà rất giống người ái nam ái nữ theo trường phái tạc tượng của đạo Bà La Môn xưa kia. Nhưng sau khi phát hiện và đưa tượng xuống núi, người dân đã tô vẽ thêm để tượng trông thành 1 người đàn bà như ngày nay.

Cả đoàn quân Xiêm không lay chuyển được, nhưng vì sao nay tượng lại ở dưới chân núi?

Và tượng Bà bị mất 1 cánh tay. Theo truyền thuyết, khi quân Xiêm La tràn đến, lên đỉnh núi gặp pho tượng và định lấy mang về. Nhưng dù cố gắng hết sức, họ vẫn không thể làm lay chuyển pho tượng. Tức khí, một số người đã dùng hung khí đập gãy 1 cánh tay của tượng Bà…

Lễ vật khách hành hương dân cúng Bà – Ảnh: Nguyễn Hồ

Sau khi quân Xiêm hậm hực bỏ đi, dân làng cũng đã huy động hàng trăm người lực lưỡng lên núi, định đưa tượng xuống phụng thờ. Tuy nhiên, họ cũng bó tay. Nhưng vào 1 ngày nọ, Bà đã nhập xác vào 1 người phụ nữ, tự xưng mình là Chúa Xứ Thánh Mẫu, và mách cho dân làng rằng, muốn đem tượng Bà xuống núi thì chỉ cần đúng 9 cô gái đồng trinh.

Y như rằng, khi 9 cô gái đến nhấc nhẹ thì tượng Bà cũng trở nên nhẹ bổng, và 9 cô gái trang nghiêm đưa tượng dần xuống núi. Nhưng đến khu vực mà tượng Bà được đặt cố định cho đến giờ, thì bỗng dưng tượng trở nên nặng trĩu, không cách nào nhấc lên được nữa. Dân làng cho rằng, Bà muốn ngự tại chỗ này nên đã lập miễu thờ.

Đó là truyền thuyết. Còn thực tế? Anh Nguyễn Thanh Tùng – cán bộ Trung tâm Du lịch nông dân An Giang, lại đưa giả thuyết khác hợp lý hơn. Anh phân tích, pho tượng theo sử sách ghi là được tìm thấy năm 1824. Trước đó, ngẫu nhiên lại là thời điểm mà quan Trấn thủ Thoại Ngọc Hầu, phụng mệnh triều đình huy động rất nhiều nhân lực, để đào con kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc và Hà Tiên. Kênh được đào từ năm 1819, đến năm 1823 mới xong.

“Và với lực lượng người, quân binh… hùng hậu tập trung để đào kênh, ông Thoại Ngọc Hầu đã cho di dời tượng xuống núi. Đây là giả thuyết khá phù hợp, bởi di chuyển tượng nặng như vậy phải cần rất nhiều người”, anh Tùng nói.

Phụ họa cho giả thuyết của mình, anh Tùng còn chứng minh rằng, không phải ngẫu nhiên mà miếu Bà Chúa Xứ và lăng Thoại Ngọc Hầu lại nằm đối diện nhau, như giờ vẫn thấy. “Điều này chứng tỏ rằng, chính ông Thoại Ngọc Hầu đã chọn địa điểm đặt miếu, đặt tượng và xây dựng lăng cho mình trước khi mất.

Theo sử ghi, năm 1821 – trước khi “tìm thấy” tượng Bà và đem xuống núi, bà Diệu phẩm phu nhân Trương Thị Miệt – vợ thứ của ông Thoại Ngọc Hầu, đã chết và được an táng tại khu lăng của ông, chôn bên trái ngôi mộ của ông hiện nay. Điều này càng chứng tỏ khu lăng mộ của ông Thoại Ngọc Hầu đã được xây dựng trước – khi ông còn sống.

Khó có chuyện ngẫu nhiên 9 cô gái đồng trinh có thể dễ dàng đưa tượng Bà men theo vách đá cheo leo để xuống núi và lại bỗng nhiên nặng trịch, rồi đặt đối diện lăng Thoại Ngọc Hầu”, anh Tùng phân tích.

Và khoảng 10 năm trước, trong lúc tu sửa ở khu lăng miếu, vô tình đã làm phát lộ nơi chôn đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu tại lăng. Trong số đồ đạc phát hiện, có cả áo mão, kiếm của ông và đồ trang sức của các phu nhân… “Điều này càng minh chứng, ông Thoại Ngọc Hầu đã “quy hoạch” khu này”, anh Tùng khẳng định.

Nhưng tất nhiên, đến giờ vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định giải thuyết đúng là như thế nào. Chỉ biết, pho tượng khổng lồ lại đem được xuống núi – khi đó rất cheo leo, hiểm trở, cũng đã khiến sự huyền bí về Bà Chúa Xứ càng thêm huyễn hoặc nhiều người.

Vì sao Bà trở thành vị thần nữ?

Như đã nói ở phần trên, thì theo truyền thuyết, chính Bà đã nhập hồn và tự xưng mình là Chúa Xứ Thánh Mẫu, trước khi mách người dân cho 9 cô gái đồng trinh chuyển tượng mình xuống núi.

Còn theo quyển sách biên khảo “Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam” của ông Trịnh Bửu Hoài, thì chính ông Thoại Ngọc Hầu là người có công lớn để giúp Bà “xưng Chúa”.

Nhiều khách hành hương để lại lễ vật, tạ ơn Bà – Ảnh: Nguyễn Hồ

Số là, theo truyền thuyết vào khoảng năm 1820, trên đường đi dẹp loạn biên giới, ông Thoại Ngọc Hầu đã gặp tượng Bà. Giặc tan, trở về nhà, ông nghe vợ là bà Châu Thị Tế kể rằng, những ngày ông đi viễn chinh, bà ở nhà lo lắng và khấn nguyện trời phật phù hộ ông chiến thắng, bình yên trở về, thì bà sẽ lập miếu tạ ơn.

Khi đó, ông Thoại Ngọc Hầu mới sực nhớ pho tượng mình đã gặp, nên bảo binh sĩ đưa tượng về miếu thờ. Như vậy, giả thuyết này cũng phù hợp với phân tích của anh Tùng, tức chính ông Thoại Ngọc Hầu đã huy động dân binh đưa tượng Bà xuống núi.

Và Thoại Ngọc Hầu có nhiều công trạng, được người dân vùng Châu Đốc… tôn kính và trọng vọng, đương nhiên miếu thờ Bà mà ông lập, cũng được người dân theo đó sùng bái. Và cộng thêm nhiều huyền thoại về Bà Chúa Xứ như chúng tôi đã nêu ở các bài viết trước, nên Bà đã vang danh và được xem như vị thần nữ như ngày nay…

Và theo thông lệ hàng năm, lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức từ ngày 23 đến 27.4 (âm lịch), trong đó ngày vía chính là 25.4. Thời gian được chọn làm ngày vía Bà, được giải thích là ngày tượng Bà an vị sau khi được đưa xuống núi. Và lễ Tắm Bà được tổ chức vào 24 giờ ngày 23.4 âm lịch. Nước tắm được lấy từ nước mưa hòa với nhiều loại hoa thơm và nước hoa.

Sau lễ này, hàng ngàn người hành hương tràn vào chánh điện, với ước nguyện mình sẽ là người vào trước để hưởng lộc đầu tiên của Bà. Lộc Bà khi ấy chỉ là những cành hoa và các loại trái cây cúng trên bàn. Nhưng có người nhanh tay giật được cả cành hoa, nhưng dòng người xô đẩy quá kinh khủng nên chốc lát cành hoa ấy chỉ còn trơ… cái cọng không.

Nguyễn Hồ

***

Bài 4: Khi tín ngưỡng biến thành mê tín dị đoan

20/02/2019 06:39

Vạ vật chờ đến lượt vào cúng Bà – Ảnh: Nguyễn Hồ

Tín ngưỡng là một phần đời sống tinh thần của con người. Có đức tin, có kiêng, có thờ, con người mới tự răn mình và con cháu để sống sao cho có đạo đức, tránh bị thánh thần trách phạt. Nhưng nếu tín ngưỡng mà kèm theo mê tín quá độ, thậm chí tin tưởng hoang đường, lại có thể gây hại cho người khác.

Không ai ngăn cấm đức tin! Nhưng khi đức tin kèm theo sự mê tín quá mức thì dễ trở thành tiêu cực. Thực tế, tại miễu Bà Chúa Xứ núi Sam, nhiều người vì quá mê tín và ảo vọng vào sự phù hộ của Bà, mà đã vung tiền không thương tiếc, chỉ với hy vọng được giàu sang, thịnh vượng…

“Đốt tiền” không thương tiếc!

Đã quá trưa, nhưng tại giữa sân miếu, nơi có bày chiếc thùng sắt lớn chứa sẵn than lửa nghi ngút, lúc nào cũng có 5 – 7 người túm tụm. Trên tay họ chực chờ hàng đống tiền mã.

Không hề như thông lệ bao năm nay khi bày mâm cúng ở nhà vào các dịp ngày rằm, tết, chỉ đốt chiếu lệ mớ giấy tiền vàng bạc, ở ngay miếu Bà Chúa Xứ, chúng tôi nhận thấy đa số đều đốt cả… mâm. Từ tiền giấy vàng bạc, tiền đô la địa phủ,.. tất cả chất thành từng chồng, chỉ muốn trào rớt xuống trên mâm. Mỗi người 1 mâm.

Xúm xít đốt tiền vàng mã – Ảnh: Nguyễn Hồ

Chúng tôi đã hỏi thử giá mua 1 đống tiền vàng mã lớn gần như vậy, và 1 chủ hàng phía ngoài rào khu miếu, ra giá: 250.000 đồng! Mà mỗi ngày, hàng trăm, hàng ngàn người đến đốt như vậy, quy ra bao nhiêu tiền? Một phần tiền họ bỏ ra, sẽ làm giàu cho những người bán hàng bên ngoài, nhưng phần lớn sẽ thành tro bụi chỉ sau vài phút ném vào cái thùng sắt ấy.

1 nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, mới vào tháng Giêng nên lượng người như vậy đã còn thưa thớt. Chứ rộ lên vào dịp tháng 4 – tháng có những ngày vía chính, người ta cứ chen chúc nhau, có lúc giẫm đạp lên cả nhau để mà… đốt tiền.

Còn nhang? Người ta đốt mờ mịt, ngay trước bàn thờ Bà, rồi cách đó chừng vài chục mét. Toàn khói nhang mờ mịt. Dù rằng, người của Ban Quản trị luôn có mặt thường trực để giải tỏa bớt lượng nhang, giảm khói gây ngộp.

Khổ ải thế nào khi chen chân vào cúng Bà, có thể chẳng cần kể lể dông dài. Chỉ biết, trên những băng đá trong sân, trước khu Văn phòng Ban Quản trị núi Sam,.. những người cúng xong trở ra cứ ngồi thành từng tốp. Ít ai nói chuyện với ai, họ chỉ ngồi há hốc miệng, thở lấy thở để.

Nhiều nhân viên bảo vệ tại khu miếu cho biết, vào mùa vía, khách hành hương mang đến cúng nhiều nhất là heo quay. Những ngày cận lễ vía chính, trên sân miếu lúc nào cũng bày không dưới 100 con heo quay. Mà sau vài chục phút, mớ heo ấy phải “di tản” ngay để nhường chỗ cho hàng trăm con heo quay khác, bày ra cúng tiếp. Cứ thế, hết ngày đến đêm…

Bên ngoài khu lăng miếu – Ảnh: Nguyễn Hồ

Chỉ cần dạo quanh các con đường lân cận khu miếu, đủ biết nhu cầu heo quay lớn thế nào. Đếm sơ bộ, đã có trên dưới 50 điểm trương bảng nhận quay heo cúng, muốn heo lớn nhỏ có tất! Mỗi con vài triệu đồng.

Nhưng cũng phải nói rạch ròi, như theo 1 đại diện Ban Quản trị lăng miếu núi Sam, cúng thứ gì là tùy tâm của mọi người, đúng là không ai ép buộc. Cúng heo quay, thực ra cũng không lãng phí lắm, bởi phần lớn họ đều mang về ăn sau khi cúng để hưởng lộc. Chỉ có điều, các chủ cơ sở quay heo lân cận tha hồ hốt bạc. Bởi giá heo quay tại đây luôn cao hơn giá thực tế từ 200.000 – 400.000 đồng/con, vì đáp ứng nhu cầu tại chỗ – cứ chờ trên dưới 1 giờ đồng hồ là có, không cần phải mang vác từ xa đến mà!

Và những tấm lòng từ bi… “bi hài”

“Cúng thứ gì là tùy tâm”. Tại các chùa lớn, cũng làm gì có chuyện ra giá phải cúng chùa thứ gì, bao nhiêu? Nhưng với khách hành hương, một số người lại nghĩ khác.

Anh Nguyễn Thanh Nam – người dân P.Núi Sam, kể rằng, nhiều khách hành hương đã giữ quan niệm phải cúng ít nhất con heo quay mới “nở mày nở mặt”, Bà mới chứng! Thậm chí, họ còn cho rằng, ai cũng cúng heo quay, mình mà cúng thứ khác kém hơn thì mất mặt. Chính quan niệm ấy, đã sinh ra dịch vụ khá bi hài: cho thuê heo quay để cúng!

Xung quanh khu miếu, cũng không khó nhận ra một số cơ sở, trưng bảng “Nhận mua, bán heo quay”. Như vậy dễ hiểu. Bởi nếu khách hành hương chỉ mua heo quay cúng, sau đó mang về hoặc để lại miếu, thì làm gì có ai bán mà các cơ sở này phải trương bảng mua vào? Anh Nam cho biết, nguồn heo quay mang đến bán từ những con heo cho thuê mà thân thể đã quay vòng xơ xác, hoặc có người mua cúng xong, đem bán lại vì… tiếc tiền!

Than ôi! Nếu Bà Chúa Xứ linh ứng thật, chắc cũng lắc đầu khi biết có những con heo mang đến cúng lại là đi… thuê, hoặc để sau đó bán lại vì xót của! Thế mà trong số đó, chắc rằng không ít người khi khấn vái vẫn ra rả tự xưng là : “… với tấm lòng thành!”.

Còn “dịch vụ” chim phóng sinh, cứ nhan nhản như tại bao chùa chiềng, lăng miếu khác. Đến ngay trên đỉnh núi Sam, sát bệ đá được cho là Bà từng ngự, cũng có sẵn thằng bé bán chim mời mọc ngay: “15.000 đồng/con, mua thả đi cậu”. Khi thả, những chú chim xơ xác, thả ra như còn hoảng loạn hơn, cứ bay chấp chới 1 đoạn rồi đáp lại…

Chim phóng sinh, thả ra liệu có phước khi sẽ có người bắt lại? – Ảnh: Nguyễn Hồ

Hồi bé, mẹ tôi hay dạy rằng, ngoài phóng sinh, nếu thấy người ta bắt được con gì, thì cũng khuyên họ nên thả về sông, về rẫy, về trời. Còn mình thì gặp thú vật, chim trời gặp nạn, phải nuôi dưỡng cho nó lành lặn rồi mới thả. Bà hay nói, thả ra mà biết nó đang đói, đang bệnh, trước sau gì nó cũng chết, không chừng mình còn mang tội.

Còn người ta bắt, bán cho mình thả, sau đó họ bắt bán lại nữa, mình cứ thả hoài… thì chẳng khác công dã tràng, vừa mất tiền, e rằng lại mang tội vì tiếp tay ủng hộ những kẻ săn bắt. Mình không mua, ai mà bỏ công bắt?

Nhưng thực tế, rất nhiều người tin tưởng vào sự linh ứng Bà Chúa Xứ núi Sam. Rất nhiều người như chị Nguyễn Thị Út – P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, năm nay sau tết cũng tranh thủ đi Châu Đốc cúng Bà. “Có cúng Bà thì làm ăn mới suôn sẻ”, chị nói. Và thực tế, như theo Ban Quản trị lăng miếu núi Sam, hàng năm lượng khách hành hương cứ ngày một tăng. Nếu không linh ứng, sao người ta vẫn ùn ùn kéo tới?

Cứ cho là như vậy. Nhưng cũng không ít người, như bà Nguyễn Thị Vân – ngụ xã Nhơn Ái, H.Phong Điền, năm nào cũng đi cúng Bà, nhưng gia cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo. Mà nghèo là phải! 2 người con trai lớn của bà tối ngày chỉ ăn nhậu, lười lao động. Cả nhà có 7 miệng ăn, nhưng chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 2 công đất vườn và tiền công của đứa cháu gái làm thuê. Không lao động, chí thú làm ăn, “Bà” nào mà độ giàu nổi!

Nguyễn Hồ

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: