Hiểu đồng bào và đất nước của bạn

 

Chào các bạn,

Một trong những khuyết điểm của những người Việt học và tốt nghiệp ở nước ngoài là thường thích ca tụng những điều mình học được – điều này thì tốt thôi – nhưng họ cũng thường chê những gì có ở trong nước – điều này thì thường là sai – và có khuynh hướng nói chuyện kiểu cách mạng, tức là muốn đập bỏ cái cũ và lập cái mới đùng đùng.

Trước hết mình cần nói rõ cho các bạn biết thái độ trí thức muốn cách mạng đùng đùng thường là của người ngu, chẳng biết gì cả. Đập hết để làm lại từ đầu. Kiểu Polpot. Những người ngu luôn muốn làm cách mạng vì họ chỉ muốn san bằng cả một đất nước thành một mảnh đất trống khổng lồ để rảnh tay xây trên đó cái gì họ muốn cũng dễ.

Mình không muốn nói bạn sẽ tư duy như Polpot, nhưng mình muốn nói thái độ hăng hái muốn xóa cái cũ đùng đùng để xây lên cái mới ngay thường là thái độ trẻ con và ngu. Một xã hội đã có sẵn như thế, muốn gì mới thì cũng phải đi từ cái có sẵn, điều chỉnh thường xuyên để đến một lúc thành cái mới. Thiên hạ chẳng ai bằng lòng cho bạn làm đùng đùng. Ở đâu cũng thế. Cho nên thúc đẩy xã hội chuyển mình là việc của bậc thầy, biết làm việc cùng mọi người, biết thuyết phục mọi người, và biết vận tốc tối ưu. Chẳng phải là chuyện cho trẻ em hay đồ tể.

Đất nước có bạn đi xa học thì đương nhiên là mong chờ bạn mang được những điều mới bạn đã học để về sử dụng cho quê nhà. Nhưng có một điều các bạn học nước ngoài đều mắc phải là các bạn học chỉ mới vừa đủ để biết được một chút ở nước ngoài, chưa thật đáng mức thầy. Nếu bạn về Việt Nam chỉ biết quyết tâm dùng cái mới mà không hiểu cái cũ và cũng không hiểu tại sao người ta có cách cũ như thế, thì đó là cái mới chưa rành, cái cũ cũng chẳng biết. Thế thì bạn làm việc thế nào được? Đây là khuyết điểm của rất nhiều trí thức Việt, và đôi khi khuyết điểm này có thể theo họ cả đời, có thể cho đến lúc già chết.

Các bạn, điều gì chúng ta học từ nước ngoài, dù đó là môn gì – chính trị học, xã hội học, nông nghiệp, xây dựng, phát triển kinh tế – đều phải điều chỉnh khi ứng dụng cho hợp với điều kiện Việt Nam. Và điều kiện Việt Nam là thủy thổ, thời tiết, cách sống, cách tư duy, kinh nghiệm truyền thống, văn hóa… Tất cả những điều này là “điều kiện VN”, và dù bạn muốn làm gì, những điều bạn biết đều phải được điều chỉnh để thích ứng tốt với “điều kiện VN”.

Ví dụ: Bạn muốn có một Bộ dân luật, có lẽ bạn sẽ phải hiểu người Việt Nam thường thỏa thuận miệng mà không ký giấy tờ, tức là cần cho oral agreement (hợp đồng miệng) một giá trị ngang hàng với hợp đồng viết, nếu người nói có thể có bằng chứng chứng minh hợp đồng miệng, như có người làm chứng, hay có ghi âm vào phone… Hay là những trường hợp người ít học thường bị ký giấy tờ mà chẳng biết là ký gì, thì không thể nhắm mắt theo tờ giấy có chữ ký mà không nghe lời khiếu nại là người ta đã bị bịp. Đó là soạn thảo luật dựa trên kiến thức về văn hóa và cách sống của người dân. Và luật như thế, có thể học lý thuyết từ Tây, nhưng sọan ra thì có hình hài Việt.

Lịch sử VN trong khoảng hơn 100 năm nay là lịch sử rất nhiều người Tây học mà chẳng hiểu ta chút nào, cho nên làm mọi việc cứ lớ ngớ như là Tây làm việc ở VN chứ chẳng phải ta.

Điều mình muốn nói là: Bạn học gì thì học, học ở đâu thì học, nhưng bạn phải học nhiều về văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, cách sống của người Việt Nam, không chỉ của người Kinh mà còn các dân tộc anh em, đặc biệt là những dân tộc nào mà bạn sẽ làm việc và chạm đến.

Cứ tưởng tượng bạn tốt nghiệp bác sĩ ở Mỹ hay Đức và về nước làm việc. Đừng nói là người Việt cũng như người Mỹ hay Đức, và học bên kia thế nào thì về nước cứ vậy mà thực hành. Mọi thứ đều khác. Có những bệnh ở nước khác thì nhiều, về nước mình thì ít, và ngược lại. Ngay cả thuốc men cũng có thể phải khác, ít nhất là khác nhau về liều lượng vì tạng người, nhưng đôi khi phải khác nhau về cả loại thuốc.

Mọi môn khác cũng thế, và các môn trừu tượng thì lại còn đòi hỏi ta thông minh hơn là chữa bệnh – như là chính trị, xã hội học, quản lý công quyền, phát triển kinh tế…

Hãy biết về đồng bào và đất nước mình. Và khi làm việc chịu khó hỏi han – nói chuyện nhiều với người dân, nông dân, người buôn thúng bán bưng, người dân gốc đã sống nhiều đời của một vùng, người làm những nghề khác nhau… để khi bạn vẽ ra kế hoạch phát triển kinh tế của một vùng, bạn sẽ là bậc thầy, không như chỉ là một sinh viên thạc sĩ ngồi đó tính mấy con toán cộng trừ nhân chia để làm kế hoạch kinh tế 5 năm trong… 5 tiếng đồng hồ.

Đừng quên mình làm nghề gì thì đồng bào và đất nước cũng là mục tiêu phục vụ của mình. Vậy thì hãy hiểu mục tiêu cho rõ.

Chúc các bạn luôn thông thái.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s