P1 – Kinh tế sòng bạc: Kẻ được người mất khi hợp pháp hoá đánh bạc
P2 – Kinh tế sòng bạc: Kẻ được người mất khi hợp pháp hoá đánh bạc
P3 – Kinh tế sòng bạc: Kẻ được người mất khi hợp pháp hoá đánh bạc
—-
Ảnh hưởng đến cộng đồng lân cận
Phần lớn các nghiên cứu kinh tế điều tra những lợi ích kinh tế bổ sung của sòng bạc tập trung vào các sòng bạc trên sông. Sòng bạc trên sông là một sự thiết lập độc đáo của người Mỹ. Các cơ sở bắt đầu được mở ra ở Iowa vào năm 1991 và nhanh chóng lan rộng khắp vùng Trung Tây. Đến năm 1998, hơn 40 sòng bạc trên sông đã hoạt động ở Illinois, Indiana, Missouri và Iowa. Có gần 50 sòng bạc trên sông và bến cảng ở Louisiana và Mississippi (NGISC, 1999).Không thấy xuất hiện những bằng chứng thực nghiệm về tăng trưởng kinh tế đến từ phát triển các sòng bạc trên sông. Về mặt du lịch địa phương, các tàu thuyền dường như đã thành công nhất ở những nơi như Galena, Illinois, nơi mà ngành du lịch đã có từ trước. Các nghiên cứu thực tế chỉ ra rằng một lượng lớn khách hàng quen của sòng bạc trên sông là du khách đi trong ngày, những người hầu như không có thời gian ở các sòng bạc địa phương (NGISC, 1999). Do đó, dường như rất ít, nếu có, tín hiệu kinh tế tích cực cho công nghiệp khách sạn hoặc nhà hàng địa phương. Để hỗ trợ giả thuyết “ăn thịt người”, Siegel và Anders (1999) cung cấp bằng chứng thực tế cho thấy đánh bạc trên sông ở Missouri dẫn đến sự chuyển đổi doanh thu từ các ngành công nghiệp được thay thế bởi chơi đánh bạc, chẳng hạn như dịch vụ giải trí.
Evans và Topoleski (2002) tiến hành xem xét khắt khe các tác động kinh tế và xã hội của sòng bạc người bản xứ cho chính những thổ dân da đỏ và cả cộng đồng xung quanh. Các tác giả sử dụng một phương pháp tiếp cận thực nghiệm của kinh tế lượng thống kê để so sánh kết quả kinh tế trước và sau khi các bộ lạc mở sòng bạc với các kết quả trong cùng thời kì ở các bộ lạc không chấp nhận hoặc bị cấm tham gia chơi bạc. Phân tích của họ dựa trên dữ liệu cho tất cả các bộ tộc ở 48 bang liền kề trong những năm 1983, 1989, 1991, 1993, 1995, 1997 và 1999. Dựa trên bối cảnh của việc mở cửa trò chơi bạc ở một bộ tộc cụ thể, các tác giả xác định ngày mở cửa một sòng bạc người bản xứ sẽ là ngày mà bộ lạc thêm trò chơi bạc Loại III vào sòng bạc của mình hoặc ngày mà bộ lạc đó cấp phép hoạt động cho một sòng bạc mới.
Họ tìm ra những kết quả hỗn hợp về tác động của sòng bạc bản địa đối với cộng đồng xung quanh. Phân tích bằng kinh tế lượng thống kê phát hiện ra rằng ở các hạt có một sòng bạc thuộc sở hữu thổ dân mở ra thì việc làm cho mỗi người trưởng thành tăng trung bình khoảng 5% . Các tác giả cũng xem xét mức độ tử vong là một hệ quả. Về lý thuyết, sự có mặt của sòng bạc có thể tăng việc lạm dụng chất kích thích và ý định tự tử, do đó có thể làm tăng tỷ lệ tử vong. Mặt khác, về mặt nào đó sòng bạc tăng cơ hội việc làm và thu nhập, tình trạng kinh tế được cải thiện có thể dẫn đến giảm tỷ lệ tử vong. Dữ liệu của họ cho thấy việc mở một sòng bạc thổ dân ở một hạt dẫn đến giảm 2% mức tử vong cấp hạt. Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ ra những hậu quả tiêu cực đáng kể như tỷ lệ phá sản, tội phạm bạo lực, trộm cắp xe đều tăng 10% trong cộng đồng lân cận.
Grinols và Mustard (2004) điều tra thực nghiệm về mối quan hệ giữa sòng bạc và tỷ lệ tội phạm trong đó sử dụng dữ liệu tội phạm cấp hạt đối với 7 loại tội phạm theo chỉ số của Cục điều tra liên bang FBI ( trộm cướp, hành hung nghiêm trọng, hãm hiếp, giết người, ăn cắp, ăn trộm và trộm cắp xe) từ 1977 đến 1996. Bài báo sử dụng các thử nghiệm từ việc mở cửa sòng bạc để xác định mối quan hệ nhân quả. Nghiên cứu bao gồm toàn bộ 3.165 hạt ở Hoa Kỳ và thời gian quan sát bao gồm cả lúc giới thiệu sòng bạc ở tất cả các hạt ngoại trừ ở Nevada. Mẫu nghiêm cứu gồm có các sòng bạc trên cạn, trên sông và sòng bạc thuộc sở hữu của các bộ tộc.
Các tác giả phát hiện mức tăng mạnh hầu hết các loại tội phạm sau khi các sòng bạc được giới thiệu. Kết quả của họ cho thấy rằng hậu quả về tội phạm giảm xuống ngay sau khi một sòng bạc mở ra rồi lại tăng theo thời gian. Họ tính toán rằng khoảng 8% tội phạm ở các hạt có sòng bạc vào năm 1996 là do sòng bạc, tiêu tốn cho người lớn trung bình 75 đô la mỗi năm. Bên cạnh đó, họ xác nhận rằng các hạt ở biên giới cũng tăng tỷ lệ tội phạm, điều này cho thấy rằng sòng bạc tăng tội phạm tổng hợp, trái ngược với việc chỉ chuyển đổi tội phạm từ hạt này sang hạt khác.
Trong tất cả các chi phí xã hội tiềm ẩn của việc đánh bạc, mối liên hệ giữa sòng bạc và tội phạm được chú ý nghiên cứu nhiều nhất. Rất khó để xác định một liên hệ nhân quả từ sòng bạc đến nghiện cờ bạc và bệnh tật và các hậu quả liên quan. Nghiên cứu Tác động và Hành vi Cờ bạc của Gerstein và cộng sự năm 1999, được chuẩn bị cho Ủy ban Nghiên cứu Tác động Cờ bạc Quốc gia (NGISC), đưa ra một số bằng chứng cho thấy việc mở sòng bạc có tác động tiêu cực đến xã hội. Sử dụng các chỉ số phát triển bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, các tác giả ước tính rằng khoảng 2,5 triệu người trưởng thành là những người mắc bệnh đánh bạc và 3 triệu người lớn khác được coi là nghiện cờ bạc. Họ thấy rằng so với những người đánh bạc khác hoặc so với người không đánh bạc thì những con bạc đó nhiều khả năng đã được nhận trợ cấp, tuyên bố phá sản, đã bị bắt hoặc bị giam giữ. Ngoài ra, nghiên cứu của họ phát hiện rằng sự có mặt của một sòng bạc trong phạm vi 50 dặm (so với 50-250 dặm) gắn liền với khoảng gấp đôi số người nghiện cờ bạc và con bạc bệnh lý. Tuy nhiên, những mối liên hệ này không phản ánh rõ ràng quan hệ nhân quả từ sòng bạc đến các vấn đề về hành vi .
Mặc dù dữ liệu về các vấn đề gia đình, tội phạm và tự sát có sẵn, nhưng các hệ thống theo dõi thường không thu thập dữ liệu về nguyên nhân của những sự cố này, vì vậy chúng không thể liên kết với cờ bạc. Đặc biệt khó xác định mối quan hệ nhân quả giữa cờ bạc và các vấn đề khác, vì các con bạc bệnh lý thường có các rối loạn hành vi khác (GAO, 2000, p 3). Cần thiết phải có các dữ liệu và nghiên cứu bổ sung thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa sự có mặt của sòng bạc và tỷ lệ phá sản cá nhân, tự tử, ly dị và các hành vi tổn hại khác.
Tác động đến các bộ tộc người Mỹ bản địa
Mục tiêu rõ ràng của IGRA Đạo luật quy định về trò chơi bạc của người da đỏ là thúc đẩy “phát triển kinh tế bộ lạc, tự cung tự cấp, và các chính quyền bộ lạc mạnh mẽ”. Các bộ tộc thường coi sòng bạc là “một con trâu mới”, tức là nguồn cung cấp kinh tế mới cho cộng đồng của họ. Các bộ lạc chỉ ra cơ sở hạ tầng được sửa chữa; đa dạng hóa nền kinh tế; tăng việc làm; tăng cường sức khỏe, nhà ở, giáo dục và ngân sách xã hội; duy trì ngôn ngữ bản địa lớn hơn; và sức sống cộng đồng mới được đổi mới (Taylor, Krepps và Wang, 2000).
Evans và Topoleski (2002) phát hiện ra rằng bốn năm sau khi các bộ lạc mở sòng bạc, dân số bộ lạc tăng 12% và việc làm của bộ lạc đã tăng 26%, dẫn đến tỷ lệ việc làm trên dân số tăng lên 5 điểm phần trăm (12%). Bên cạnh đó, các dữ liệu cho thấy giảm 14% trong một bộ phận người trưởng thành ở bộ lạc đang làm việc nhưng nghèo. Ngoài ra, dữ liệu không có bằng chứng về việc tình trạng trước đó hay thay đổi kinh tế để xác định bộ lạc nào chấp nhận mở song bạc. Phát hiện thứ hai này củng cố niềm tin vào cách giải thích thông thường về tác động ước tính của sòng bạc bộ lạc lên dân số và việc làm.
Trong khi bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng các bộ lạc thổ dân, tính trung bình, rõ ràng là “kẻ được” trong thương vụ này, câu hỏi vẫn là liệu đây có phải là chính sách hiệu quả nhất để cải thiện kinh tế ở vùng đất dành riêng cho người da đỏ. Như Evans và Topoleski lưu ý, “Sau 130 năm với cuộc sống đó, người Mỹ bản xứ thuộc vùng đất này vẫn nằm trong số những người nghèo nhất của đất nước này, vì vậy chính sách hiện hành về độc lập kinh tế không hiệu quả. Bởi vì chương trình hiện tại dường như tạo ra công ăn việc làm không nhất thiết có nghĩa là, việc cho phép vùng đất này độc quyền trong một ngành cụ thể là một chính sách đáng mong muốn (tr. 49). ”
Tác động đến ngân sách nhà nước
Các doanh nghiệp sòng bạc phải chịu thuế và do đó có tác động trực tiếp đến ngân sách. Thuế suất tối đa trên tổng doanh thu từ các trò chơi sòng bạc ở Mỹ dao động từ 6,25% ở Nevada đến 35% ở Illinois. Thuế đánh vào sòng bạc không phải là nguồn doanh thu công cộng quan trọng đối với hầu hết các tiểu bang ở Hoa Kỳ; riêng Nevada phụ thuộc rất nhiều vào thuế thu từ các trò chơi bạc. Các sòng bạc không phải của bộ lạc đã trả hơn 2 tỷ USD tiền thuế cho các tiểu bang về doanh thu chơi bạc vào năm 1997, so với doanh thu từ xổ số nhà nước khoảng 10 tỷ USD trong cùng năm đó (Eadington, 1999, trang 187).
Theo luật, các bang không thể đánh thuế lợi nhuận của các doanh nghiệp gốc bộ lạc. Nhưng ở một số bang (ví dụ: Connecticut, Michigan, Wisconsin, California và New Mexico), các bộ lạc đã đồng ý thanh toán hàng năm cho chính phủ tiểu bang. Các khoản phí này thường là các khoản thanh toán cho quyền độc quyền mà tiểu bang đã cấp cho bộ lạc để cung cấp một số loại cờ bạc nhất định. Năm 2003, các bộ lạc đã đóng góp hơn 759 triệu đô la cho chính quyền tiểu bang và địa phương thông qua nhiều hình thức chia sẻ doanh thu khác nhau (Meister, 2004, tr.1). Bảng 2 liệt kê các đóng góp của bộ lạc cho chính quyền tiểu bang và địa phương của từng bang, trên đó thể hiện sự khác nhau đáng kể giữa bang. Hai bộ lạc vận hành Mohegan Sun và Foxwoods ở Connecticut một mình chiếm hơn một nửa số tiền này.
Sòng bạc cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến ngân sách. Trong khi các sòng bạc tạo thêm nguồn thu kinh tế, song bạc có thể gián tiếp làm tăng các hình thức thu thuế khác. Trong khi chia nhỏ việc bán hàng từ các doanh nghiệp khác, song bạc có thể làm giảm doanh thu thuế ròng. Anders, Siegel và Yacoub (1998) nhận thấy rằng việc giới thiệu hai sòng bạc thổ dân ở hạt Maricopa, Arizona vào năm 1993 dẫn tới giảm việc làm và doanh số bán lẻ trong lĩnh vực nhà hàng và quán bar. Popp và Stehwien (2002) ước tính một mô hình tương tự để kiểm tra hiệu quả của mười một sòng bạc thổ dân ở New Mexico trên tổng tiền thuế bang trong đó sử dụng dữ liệu các quý từ năm 1990 đến 1997. Họ cũng tìm thấy tác động tiêu cực của sòng bạc bộ lạc đối với doanh thu thuế bán hàng của tiểu bang; sự ra đời của một sòng bạc thổ dân đơn lẻ được phát hiện là làm giảm 1% thu nhập thuế của hạt, nhưng sự ra đời của sòng bạc thổ dân thứ hai trong hạt nếu có sẽ làm giảm thuế bán hàng hơn 6%. Mặc dù mang tính gợi ý, những phân tích này bị hạn chế về phạm vi và kết quả của phân tích không nhất thiết khái quát những gì diễn ra ở các tiểu bang khác. Nghiên cứu khác về mối liên kết giữa đánh bạc tại sòng bạc và doanh thu thuế bán hàng tiểu bang vẫn được đảm bảo.
Sòng bạc cũng có thể chiếm đoạt doanh thu từ các hoạt động xổ số nhà nước. Ba nghiên cứu cung cấp bằng chứng về việc này. Siegel và Anders (2001) điều tra mối quan hệ giữa sòng bạc bộ lạc và doanh thu xổ số nhà nước ở Arizona. Từ phân tích thực nghiệm, các tác giả nhận thấy rằng lượng các máy đánh bạc tăng 10% có liên quan đến sụt giảm 2,8% về doanh thu xổ số. Elliott và Navin (2002) xem xét tác động của việc giới thiệu các sòng bạc trên sông đối với việc bán xổ số nhà nước trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến 1995. Họ thấy rằng chi tiêu cho việc đánh bạc trên sông ảnh hưởng tiêu cực và rất đáng chú ý về thống kê đến doanh thu xổ số nhà nước. Fink và Rork (2003) tiếp tục nghiên cứu này bằng cách kiểm tra dữ liệu ở 48 tiểu bang từ năm 1988 đến năm 2000 và sử dụng biên lai thuế thực tế từ tất cả các hình thức sòng bạc thương mại. Ngoài ra, như Elliott và Navin (2002), các tác giả thực hiện điều chỉnh lựa chọn hai bước Heckman, nhưng trong giai đoạn đầu tiên các tác giả mô hình hóa việc cho phép một sòng bạc thương mại, chứ không phải việc chấp nhận xổ số nhà nước. Phân tích của họ chỉ ra sự chiếm đoạt mạnh mẽ doanh thu xổ số ròng bởi doanh thu thuế sòng bạc thương mại. Cụ thể, họ thấy rằng cứ tăng 1 đô la ở doanh thu sòng bạc thương mại thì giảm 0,56 đô la doanh thu xổ số ròng.
Các vấn đề chưa được giải quyết
Trọng lượng của bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng sòng bạc thực sự tạo ra chi phí xã hội tiêu cực lên các cộng đồng xung quanh, đáng chú ý nhất là sự gia tăng tỷ lệ tội phạm về tài sản và bạo lực. Các nghiên cứu về sòng bạc trên sông không có phát hiện dấu hiệu về lan truyền kinh tế tích cực, mặc dù nghiên cứu của Evans và Topeleski về sòng bạc bản địa tìm ra một số bằng chứng về gia tăng việc làm trong cộng đồng xung quanh. Cần có nghiên cứu trong tương lai về bản chất sự không đồng nhất của các tác động. Các sòng bạc khác nhau rất nhiều về kích thước và phạm vi. Những cơ sở ở mười tiểu bang có trò chơi bạc hàng đầu của các bộ lạc chiếm 83% tổng doanh thu của ngành. Sòng bạc trên sông thì nhỏ hơn các sòng bạc kiểu Las Vegas. Thật hợp lý khi cho rằng một sòng bạc rất lớn, như Foxwoods ở Connecticut, có thể làm tăng cả tội phạm và việc làm trong hạt, trong khi một sòng bạc nhỏ trên sông thu hút ít khách du lịch có thể không dẫn đến thay đổi tỷ lệ tội phạm tổng hợp hay tạo ra công việc thực. Hiểu rõ hơn về lợi ích kinh tế xã hội và chi phí khác nhau về mức độ, phạm vi và bản chất của một cơ sở chơi bạc sẽ đem lại những tác động chính sách quan trọng.
Các tác động rải rác cũng chưa được hiểu rõ. Người Mỹ bản xứ trong vùng đất thổ dân dường như là người chiến thắng lớn của phong trào đánh bạc bộ lạc với sự gia tăng dân số và việc làm. Nhưng ai là những người quyết định tái di cư đến các bộ tộc hoặc ở lại trong vùng đất? Những người Mỹ bản địa hưởng lợi có trở nên thành công về mặt kinh tế ở nơi khác không? Các cộng đồng xung quanh dường như giành phần thắng về việc làm và thiệt hại về mặt phá sản và tội phạm. Nhưng ai đang nhận được việc làm mới? Và ai là nạn nhân của tội phạm?
Bên cạnh đó, nghiên cứu trong tương lai nên xem xét phương án tối ưu của thỏa thuận nhà nước-bộ lạc. Đặc điểm của những thỏa thuận này khác nhau tùy theo từng bang. Hầu hết đều hạn chế loại chơi bạc, một số hạn chế quy mô và số lượng sòng bạc mà bộ lạc được phép mở và số khác chỉ rõ việc thanh toán hàng năm cho tiểu bang. Cho dù các bang thiết kế thỏa thuận với bộ lạc sao cho phần chi trả cho ngân sách vượt quá doanh thu thuế trả trước thì cuối cùng câu hỏi thực tế vẫn phụ thuộc chính vào chơi bạc và thuế thu được từ các sòng bạc thương mại có thể thu được. Hơn nữa, môi trường pháp lý hiện hành không cho phép chính quyền tiểu bang và địa phương áp đặt thuế đối với các phi vụ trò chơi bạc ở bộ lạc, điều đó sẽ buộc họ phải nội địa hóa các chi phí do tác động tiêu cực đối với cộng đồng xung quanh. Mặc dù một số bộ lạc trả lệ phí theo quy định, không có tiêu chuẩn thực hành ở các tiểu bang.
Và cuối cùng, một vấn đề lớn phổ biến trên tất cả các hình thức đánh bạc hợp pháp là chi phí hiệu quả liên quan đến cấu trúc thị trường đã được thiết lập. Ở nhiều tiểu bang, bản chất của các thỏa thuận giữa tiểu bang và bộ lạc thổ dân Mỹ cho phép các bộ lạc độc quyền về việc cung cấp cờ bạc kiểu sòng bài. Bất kỳ giới hạn rõ ràng nào khi tham gia một thị trường đều dẫn tới một tổn thất kinh tế nặng nề về xã hội. Nghiên cứu trong tương lai nên điều tra hậu quả của cơ cấu thị trường này đối với người tiêu dùng.
(Còn nữa)
Dịch bởi Đào Thu Hiền