Các điểm nổi bật trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017

Cập nhật lúc: 10/01/2018 04:00:00 PM Bộ KH&ĐT

Kinh tế Việt Nam có một năm khởi sắc với tốc độ tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2017 không những đạt kế hoạch đề ra mà còn là tốc độ tăng cao ấn tượng trong vòng 7 năm trở lại (đạt mức 6,81%). Các khu vực kinh tế lớn đều có những đóng góp đáng kể vào thành tích tăng trưởng chung, sự cải thiện tích cực trong tiêu dùng và sức mua; gia tăng mạnh mẽ của cầu đầu tư do tín dụng tăng cao và giải ngân vốn FDI tăng mạnh, xuất siêu hàng hoá từ quý II/2017, giải ngân vốn đầu tư NSNN tăng tốc từ những tháng cuối năm, đều là các yếu tố quan trọng giúp năm 2017 có được mức tăng trưởng ấn tượng này.

Đóng góp tăng trưởng đồng đều từ cả ba khu vực kinh tế lớn

Khu vực nông lâm thuỷ sản tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2016 (2,9% so với 1,36%). Mặc dù cũng vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, cũng như khủng hoảng trong chăn nuôi, đặc biệt là với đàn lợn nuôi vào đầu năm 2017, nhưng tăng trưởng chung của khu vực NLNTS được bù đắp bằng giá cao su và tình hình khả quan trong xuất khẩu rau quả, cũng như tăng trưởng khá ổn định của ngành thủy sản[1], nên tốc độ tăng trưởng đạt mức cao so với cùng kỳ năm 2016.

Khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ động lực từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tính chung cả năm, khu vực CNXD tăng trưởng ở mức 8,0%, cao hơn so với cùng ký 2016 (cùng kỳ tăng 7,57%). Đây là mức tăng trưởng ấn tượng ghi nhận những nỗ lực lớn từ chính phủ, trong bối cảnh khu vực khai khoáng sụt giảm, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng 2010-2017

Nguồn GSO

Mức sụt giảm nhóm ngành khai khoáng theo lộ trình thu hẹp quy mô của Chính phủ (giảm 7,1%, tương ứng giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng trưởng toàn nền kinh tế), là mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2010 trở lại đây, cao hơn nhiều so với năm 2016. Bù đắp cho mức suy giảm của nhóm ngành khai khoáng này, tốc độ tăng nhóm ngành CNCBCT đạt mức tăng trưởng cao 14%, do sự tăng trưởng tốt của ngành sản xuất điện thoại. Tính cả năm 2017, số lượng sản xuất điện thoại di động tăng 7,4% so với cùng kỳ 2016.

Nhìn từ chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng cho thấy nhóm ngành CNCBCT liên tục là động lực chính của sản xuất công nghiệp trong suốt cả năm 2017. Tính chung 12 tháng, IIP của ngành CNCBCT ước tính tăng 14,5% (mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm trở lại đây). Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP ngành khai khoáng duy trì ở mức âm (giảm 7,1% so với cùng kỳ 2016).

Chỉ số sản xuất công nghiệp qua các tháng trong năm 2017 (% so với cùng kỳ)

                                                                                                                                 Nguồn GSO

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao, chỉ số PMI tháng 11 đã có những diễn biến tích cực khi đạt 51,6 điểm trong tháng 10, tiếp tục duy trì tháng thứ 23 liên tiếp đạt mức tăng trên 50 điểm. Trong đó, PMI thành phần về số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Kết quả này cho thấy các điều kiện kinh doanh trong tháng đã cải thiện mạnh mẽ với tốc độ đáng chú ý nhất từ tháng 4/2017. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh hơn, tốc độ tạo việc làm nhanh nhất trong thời gian sáu tháng, giá cả đầu vào tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2011. Đặc biệt, nhân tố chính làm cải thiện các điều kiện kinh doanh gần đây là số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và nhanh hơn nhờ sự gia tăng nhu cầu khách hàng, giúp cho sản lượng ngành sản xuất tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tính đến tháng 11/2017

                                                                                                                                                                                 Nguồn: Nikkei, Market

Khu vực dịch vụ liên tục duy trì đà tăng trưởng cao trong cả năm 2017, đạt mức 7,44% so với cùng kỳ năm trước, và cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Động lực tăng trưởng của khu vực này chủ yếu đến từ ngành bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; và hoạt động kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, ngành bán buôn, bán lẻ – là ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ – có đột biến tăng trưởng cao[2], ước đạt 8,36%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ 2010-2017

                                                                                                               Đơn vị: % so với cùng kỳ

                                                                                                                                                                                                              Nguồn: GSO

Thương mại quốc tế phục hồi mạnh mẽ

Thương mại hai chiều của Việt Nam đã có những hồi phục mạnh mẽ trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng trên 2 con số. Đặc biệt năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp chứng kiến sự đảo chiều trong cán cân thương mại hàng hoá. Cụ thể, liên tiếp trong nhiều tháng trong năm 2017, cán cân thương mại đã đạt mức thặng dư, góp phần cải thiện cán cân thương mại cả năm 2017 ước đạt 2,7 tỷ USD, là mức thặng dư cao nhất trong 5 năm vừa qua. Cụ thể như sau:

Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và cán cân thương mại

                                                                                                                                                                            Nguồn : Tổng cục hải quan

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, với tổng kim ngạch ước tính 213,77 tỷ USD, tăng trên 21,1%, vượt xa kế hoạch đặt ra. Xuất khẩu đã trở lại là một trong những động lực phát triển cho toàn nền kinh tế. Khu vực khu vực FDI vẫn chiếm tới trên 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế[1], ở mức 155,24 tỷ USD (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016) và tiếp tục giữ vai trò động lực trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Khu vực trong nước, tuy không tăng trưởng mạnh như khu vực FDI nhưng cũng có được tốc độ tăng khá cao, đạt mức 58,53 tỷ USD (tăng 16,2%).

Tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực xuất khẩu trong năm nay bắt nguồn từ các nguyên nhân nhân chính sau đây: (1) do nhu cầu của thế giới đối với sản phẩm của Việt Nam ngày càng gia tăng. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng của Bộ Công thương với những chương trình xúc tiến thương mại và sự đóng góp của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota…; (2) việc tăng giá của đồng đô la Mỹ trong suốt năm vừa qua cũng có những tác động tích cực, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam; (3) do sự phục hồi giá cả của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Giá cả của sản phẩm dệt may, thuỷ sản, cà phê đều được điều chỉnh tăng trong năm 2017 đã giúp cho giá trị xuất khẩu được cải thiện rõ rệt trong năm 2017.

                                                                  Nguồn: Tổng cục hải quan

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có nhiều thay đổi, xuất phát từ những thay đổi về cơ cấu sản phẩm của khu vực FDI. Trong giai đoạn 2012- 2017, mặt hàng điện thoại và linh kiện điện thoại, điện tử và máy tính và dệt may vẫn là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng dầu thô và gạo giảm dần và không còn nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực và được thay thế mới bằng cà phê và các sản phẩm gỗ mỹ nghệ.

Đáng chú ý, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ có mặt hàng thuỷ sản và mặt hàng gỗ đến từ khu vực trong nước, còn lại là các sản phẩm của nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này một mặt cho thấy sự phụ thuộc của hoạt động xuất khẩu Việt Nam vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mặt khác là những yếu điểm cần khắc phục để nâng cao sức cạnh tranh của khu vực trong nước.

Nguồn: Tổng cục hải quan

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu không có thay đổi so với các năm trước. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng là thị trường xuất siêu của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ; tiếp theo là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tăng trưởng nhập khẩu đã phục hồi, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt trên 211,1 tỷ USD, ước tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa kế hoạch đã được đề ra. Khu vực FDI vẫn là khu vực nhập khẩu chính, đạt 126,4 tỷ USD, tăng 23,4%. Khu vực trong nước đạt 84,7 tỷ USD với tốc độ tăng tương ứng là 17% so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa phân theo khu vực kinh tế giai đoạn 2011 – 2017

                                                                                                       Đơn vị: Tỷ USD

  Nguồn: Tổng cục hải quan

Cơ cấu hàng hoá nhập khẩu không có nhiều thay đổi. Máy móc, thiết bị phụ tùng và điện tử, máy tính và linh kiện vẫn là mặt hàng nhập khẩu chủ lực trong năm vừa qua. Tuy nhiên, năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của mặt hàng ô tô nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước khu vực châu Á. Nguyên nhân chính là do tác động từ những cam kết trong AEC và sự chuyển giao lắp ráp xe của 1 số hãng xe lớn tại Việt Nam như Honda, Toyota khiến giá của các mặt hàng ô tô nhập ngoại được điều chỉnh giảm làm tăng lượng cầu ô tô trong nước.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu. Việt Nam vẫn đang nhập siêu với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Đầu tư vẫn duy trì tăng trưởng ở mức khá

Năm 2017, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện ước đạt 1667,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,3% GDP, tăng khoảng 12,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn: GSO

Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước trong tổng vốn đầu tư năm 2017 là 35,7%, giảm so với các năm trước[1]. Tuy nhiên, lặp lại tình hình của các năm trước, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ thực sự chuyển biến vào nửa cuối năm 2017. Tính đến đầu tháng 6 năm 2017, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 88,8 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 30,6% kế hoạch năm. Sau khi ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án. Lượng vốn giải ngân từ ngân sách Nhà nước được cải thiện, ước tính thực hiện năm 2017 đạt 290,5 nghìn tỷ đồng.

Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước trong tổng vốn đầu tư năm 2017 là 40,5%, tăng dần qua các năm từ 2013 trở lại đây, trung bình tăng khoảng 1 điểm phần trăm mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước; sản xuất kinh doanh phục hồi với nhiều cơ sở mở rộng  hoạt động và thành lập mới sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Tương tự đối với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng số vốn đầu tư nhìn chung có xu hướng tăng dần, từ mức 22,01% năm 2013 lên 23,8% năm 2017. Trong đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút vẫn duy trì mức tăng trưởng khá và là một trong những điểm sáng của bức tranh tổng thể của nền kinh tế vĩ mô. Đầu tư FDI thực hiện năm 2017 ước tính đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.

Tiêu dùng phục hồi tốt

Tiêu dùng năm 2017 phục hồi tương đối tốt so với năm 2016. Tiêu dùng cuối cùng năm 2017 ước đạt 3.705 nghìn tỷ đồng, tăng 7,35% so với năm 2016. Nếu loại bỏ mức tăng đột biến của năm 2015, tiêu dùng cuối cùng vẫn đang tiếp tục đà phục hồi. Trong đó, tiêu dùng dân cư chiếm tỷ trọng 91% trong tổng tiêu dùng cuối cùng, ước tăng trưởng đạt 7,3%.

Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ và Tiêu dùng cuối cùng các năm

                                                                                                                                                   Nguồn: GSO

Sự hồi phục của tiêu dùng cũng được thể hiện qua tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2017 đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,46% so với năm 2016. Đây là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.937 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75% tổng mức và tăng 10,9% so với năm 2015. Dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 494,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng mức và tăng 11,9% so với năm 2015. Du lịch tính đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 10,4% so với năm trước.

Các động lực của tiêu dùng vẫn còn, đáng kể đến là sự hồi phục tăng trưởng kinh tế, giá cả nhiều mặt hàng mặc dù có xu hướng tăng trở lại nhưng vẫn đang trong vòng kiểm soát. Kết quả của các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt kết hoạch đề ra, lượng cung hàng hóa trên thị trường được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam từ cuối năm 2016 trở lại đây. Đây là một kênh đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa đảm bảo chất lượng nguồn hàng nhưng mức giá cả phải chăng, phù hợp với mức thu nhập tầm trung.

Theo đánh giá của Nielsen, người tiêu dùng Việt vẫn đang duy trì được sự tự tin trong tiêu dùng cao so với các quốc gia khác, chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng liên tục trong các năm gần đây và đạt mức điểm cao nhất trong 5 năm qua. Điều này cho thấy người dân đang ngày càng lạc quan với tình hình kinh tế và thoải mái hơn trong các khoản chi tiêu. Một điểm đáng lưu ý là xu hướng tiết kiệm của người Việt mặc dù vẫn cao so với nhiều quốc gia khác nhưng đang ngày càng giảm xuống, người dân đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn bên cạnh các khoản phí sinh hoạt thiết yếu.Tuy vậy, sự tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, giá dịch vụ y tế, giáo dục vẫn có tác động xấu đến tâm lý tiêu dùng của người dân, điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng tiết kiệm vẫn đang ở mức cao.


[4] Sau khi tăng lên mức 10,37% vào năm 2013, Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước trong tổng vốn đầu tư đã giảm dần xuống còn 39,88% (năm 2014); 38% (năm 2015) và 37,54% (năm 2016).

[3] Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăngmức 49,41% năm 2011 cho đến nay.


[2]Từ mức tăng 7,1% sau 2 quý đầu năm đã tăng lên 8,16% sau 3 quý và mức 8,36 trong cả năm 2017


[1] Ngành thủy sản ước đạt mức tăng cao 5,54% so với cùng kỳ năm 2016.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Phân tích và Dự báo
  Email    In

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s