Quảng Trị, công khai đốn hạ cây gỗ trong rừng phòng hộ – 2 kỳ

  • Kỳ 1: Theo dấu lâm tặc
  • Kỳ 2: Tự “tê liệt”, những người giữ rừng mặc rừng bị tàn sát 

***

KỲ 1: THEO DẤU LÂM TẶC

PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA HƯNG THƠ – ĐĂNG KHOA
11:9 AM, 03/08/2016

Bất chấp lệnh đóng cửa rừng tự nhiên vừa được Thủ thướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố hôm 20.6.2016, tại các cánh rừng tự nhiên thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn đang “chảy máu” ồ ạt từng ngày. Lâm tặc đưa ôtô, xe trâu, cưa máy vào rừng, cây lớn, cây bé bị triệt hạ nằm ngổn ngang khắp các lối đi, trên triền đồi, giữa những vực sâu bạt ngàn, mọi việc diễn ra như thể khu rừng này chưa bao giờ có chủ!

Từ Bản 3 (xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), chúng tôi đi bộ, qua suối, leo dốc, luồn rừng, lội qua những bãi đất bùn nhão nhoẹt, mặt trời lên quá tán cây thì lộ ra hàng loạt cây gỗ rừng bị lâm tặc đốn hạ, cây gỗ được rọc phách, mùn cưa mới toanh, nằm ngổn ngang trên con đường lớn được mở chạy xuyên rừng phòng hộ Bến Hải…

Bạt núi mở đường để phá rừng

Sau nhiều lần đổi địa điểm, chúng tôi gặp người dẫn đường bản địa ở ngã tư Bến Quan (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Chưa kịp áp sát xe chào hỏi, người dẫn đường đưa ngón tay trỏ ra ám hiệu rồi rú xe vọt theo con đường nhựa dẫn lên trung tâm xã Vĩnh Ô. Khi đã giấu kỹ chiếc xe máy, mang theo ít gạo, ruốc và muối, chúng tôi thâm nhập vào rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải vào một ngày đầu tháng 7. Từ cầu treo xã Vĩnh Ô, qua năm lần lội suối mới đến được Bản 3, nơi sinh sống của đồng bào Vân Kiều trên dải Đông Trường Sơn. Trên đường đi, người dẫn đường lặp đi lặp lại lời dặn: “Việc ni chỉ tui và hai chú biết. Lộ ra tui không còn đường sống ở đất ni mô”, “giữa rừng không ai đảm bảo được chi mô, hai chú nhớ cẩn thận”…

Quảng Trị, công khai đốn hạ cây gỗ trong rừng phòng hộ ảnh 1
Xe chở gỗ lậu dàn hàng ngang trên con đường lâm tặc mở để phá rừng. Ảnh: HT-DK.  

Từ đây, chúng tôi men theo con đường mòn được người dân san ủi bằng phẳng để phục vụ cho việc khai thác rừng trồng, đi bộ hơn một giờ đồng hồ nữa mới đến khu vực rừng tự nhiên của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (BQL rừng phòng hộ Bến Hải). Người dẫn đường diễn giải rằng con đường từ Bản 3 đi vào rừng phòng hộ vốn dĩ đã có từ trước, khi rừng được giao cho Cty TNHH MTV lâm nghiệp Bến Hải quản lý và khai thác trước khi rừng được giao lại cho BQL rừng phòng hộ Bến Hải quản lý và bảo vệ. Con đường này nối thông với đường Lò Than cũng đã có từ trước chạy quanh giữa khu rừng phòng hộ này. Cách nay vài tháng, lâm tặc đưa phương tiện “tân trang” lại con đường này cho bằng phẳng để tuồn gỗ về xuôi. Những mép đồi khúc khuỷu đã được bạt lại, nền đường được san ủi bằng phẳng, đất đá vẫn còn vết mới. Đi thêm một đoạn ngắn, con đường bị vô vàn lốp bánh xe ôtô cày xới, tạo thành những hầm hố, sình lầy nhão nhoét. Những vết bánh xe chỉ mới vừa đi qua một khoảng thời gian chưa lâu.

Bắt đầu từ đây, dấu hiệu cây rừng bị chặt phá hiện ra trước mắt. Hàng loạt cây gỗ đường kính từ 20 -30cm bị lâm tặc đốn hạ nhan nhản trên sườn đồi. Sau khi rọc phách lấy đi phần gốc, phần thân còn lại, cành đổ rạp xuống đang dần héo úa. Đặc biệt, đi thêm chừng 40 phút, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng những cây gỗ rừng đã bị lâm tặc tàn sát. Ngay trên con đường lớn, một cây gỗ dài hơn 15m, đường kính hơn 30cm vừa mới bị đốn hạ, được kéo xuống khỏi quả đồi lớn. Thân cây đã bị cắt thành 2 đốt, rọc phách vuông vức, mùn cưa hãy còn mới toanh, gỗ được tập kết bên vệ đường. Chúng tôi mật phục tại đây rất lâu nhưng không hề thấy bóng dáng của “chủ gỗ”.

Quảng Trị, công khai đốn hạ cây gỗ trong rừng phòng hộ ảnh 2
Từng đống gỗ tập kết ở ven đường đợi chất lên xe để đưa ra khỏi rừng. Ảnh: HT-DK.  

Sau khi đu theo những thân dây, gai sắc nhọn, bò qua những ụ đất, đá lởm chởm lên triền đồi, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng những cây rừng bị đốn hạ một cách tàn khốc. Ở đây, một chụm hai cây gỗ đã ngã xuống, ở kia ba cây gỗ đã được rọc phách. Đi chỉ mươi mét, chụm bốn cây gỗ ngổn ngang. Chúng tôi dùng máy định vị GPS để ghi lại vị trí khu rừng vừa bị tàn phá ở các vị trí có tọa độ: X:00688227 –Y:01871570;X:00688235 –Y:01871585; X:00688194 –Y:01871571; X:00688199 –Y:01871584… Chỉ riêng địa điểm chưa tới vài trăm mét vuông rừng này, có đến hàng chục cây gỗ đã bị đốn hạ.

Người dẫn đường thốt lên: “Họ chặt rừng kiểu tàn sát như rứa đã từ lâu rồi. Những đoạn gỗ to, thẳng, rọc phách được họ mang về xuôi. Còn lại thì để lại rừng, hoang phí, tiếc không tả được”. Và, đoán biết thắc mắc của chúng tôi, người dẫn đường cho biết, sau khi gỗ được cưa xẻ thành phách, lâm tặc sẽ không vận chuyển ngay mà sẽ di chuyển sang các khu vực khác tiếp tục chặt hạ gỗ. Khi gỗ đủ 5-7m3, lâm tặc thông báo cho xe reo (xe ôtô 3 cầu chuyên chở gỗ) tiến vào rừng gom chở về xuôi. “Nếu gỗ đã được lâm tặc kéo ra khỏi đồi xuống con đường này, nậu gỗ sẽ mua giá cao, mỗi khối từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/khối. Còn nếu bán ngay tại tại rừng giá sẽ thấp hơn vài trăm cho đến triệu đồng mỗi khối”, người dẫn đường tiết lộ.

Tan nát rừng phòng hộ

Sau nhiều đêm mắc võng ngủ rừng, chúng tôi quyết định “rút quân” và tiếp cận rừng phòng hộ Bến Hải từ ngã tư Bãi Hà. Một con đường mòn đã mở toang cửa rừng, từng vệt bánh xe hằn lún, nơi đây cắm biển ranh giới rừng phòng hộ Bến Hải. Từ đây, chúng tôi đi xe máy mất hơn 1h đồng hồ mới đến khu vực rừng bị tàn phá. Nhiều khoảng rừng chỉ còn trơ gốc, vừa mới bị chặt hạ chỉ mới cách đây ít lâu. Quanh khu vực này, cây gỗ có đường kính từ 25cm trở lên gần như đã bị tuyệt chủng. Bên bìa rừng, chỉ cách con đường chừng hơn 50m, chúng tôi còn bắt gặp lán trại của lâm tặc để lại sau khi đã “hoàn tất” việc phá rừng ở khu vực này. Vị trí rừng bị phá hoại chúng tôi ghi nhận ở tọa độ: X:693253-Y:1878254; X:693226-Y:1878163;X:693209 -Y1878252… Lán trại ở tọa độ: X:694059- Y:1879957.

Quảng Trị, công khai đốn hạ cây gỗ trong rừng phòng hộ ảnh 3

Chúng tôi quyết định thâm nhập vào rừng theo con đường Lò Than. Đây tuyến đường “huyết mạch” để lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng. Hôm vào tới cửa rừng, trời đổ mưa to khiến con đường trở nên lầy lội, dốc đá trơn trượt, kéo xe máy chúng tôi xuống bãi sình lầy. Cách cửa rừng chưa đầy 5km, chúng tôi bắt gặp 7 chiếc xe trâu nép mình bên sườn núi. Những con trâu mộng kéo gỗ đã được lâm tặc lùa vào rừng lỉa (kéo gỗ) gỗ về. Những chiếc bao tải chứa đầy rơm khô giấu kỹ trong những bụi cây rậm rạp. Ở đây, không có sự hiện diện của con người. Đi thêm một đoạn đường ngắn, chúng tôi tiếp tục bắt gặp đàn trâu mắt lừ lừ, trông dữ tợn. Lâm tặc buộc trâu bằng những sợi dây thừng to tướng vào những gốc cây ven vệ đường.

Người dẫn đường kể, hầu hết những lâm tặc đang phá rừng ở khu vực này là người dân xã Vĩnh Thủy. Mỗi người hai xe trâu, đi rừng tầm 5-7 ngày thì về. Mỗi con trâu kéo gỗ được mua với giá từ 30 -50 triệu đồng. Mỗi chuyến phá rừng họ có thu nhập từ vài trăm nghìn đến vài triệu. Tùy vào loại gỗ họ đốn được, mà những nậu gỗ sẽ quyết định giá mua.

Phát hiện có người lạ, một người đàn ông đen đúa, gương mặt hốc hác tiến ra từ khóm rừng sát mép đường. Người đàn ông này không nói bất kỳ câu gì. Ông ta đưa ánh mắt dò xét, rồi nhìn chăm chăm vào hai con trâu kéo nằm bên đường và kéo hai chiếc xe kéo để ngay ngắn bên mép đường. Khi chúng tôi bắt chuyện thì ông ta quay mặt đi về phía khóm rừng nơi khói tỏa lên nghi ngút.

Càng đi sâu vào rừng, hình ảnh những con trâu kéo, xe kéo hiện diện ngày một nhiều. Hôm ấy, sau khi bị phần lớn những lâm tặc khước từ trò chuyện, chúng tôi gặp một nhóm lâm tặc đang nhậu bên đường. Những chiếc xe trâu chất đầy rơm khô, gạo, rượu. Nồi niêu, xoong chảo, thịt, cá và cả vịt được họ mang theo để ăn trong những ngày phá rừng. Hôm ấy, những lâm tặc này niềm nở trò chuyện và tiết lộ rằng hầu hết họ đều ở xã Vĩnh Thủy. “Tụi tui vừa vô đây sáng ni thôi. Bữa nay công việc hơi khó khăn vì mưa nhiều, nhưng không đi rừng thì không biết lấy gì ăn”. Chúng tôi hỏi: “Các anh làm thế này mấy ông bảo vệ rừng, kiểm lâm không biết sao”? Một lâm tặc nói: “Rừng của họ sao họ không biết được. Cơ bản là mấy eng (anh) nương nương cho mà làm ăn thôi”. Chúng tôi lại hỏi: “Có gì đó cho mấy anh kiểm lâm, bảo vệ rừng không”. “Cũng có”, lâm tặc này vừa dứt câu thì một lâm tặc khác cướp lời vì lo sợ sự thành thật của “đồng đội” với người lạ…

Chúng tôi dùng máy định vị GPS để ghi lại vị trí khu rừng vừa bị tàn phá ở các vị trí có tọa độ: X:00688227 –Y:01871570;X:00688235 –Y:01871585; X:00688194 –Y:01871571; X:00688199 –Y:01871584… Chỉ riêng địa điểm chưa tới vài trăm mét vuông rừng này, có đến hàng chục cây gỗ đã bị đốn hạ.Vị trí rừng bị phá hoại chúng tôi ghi nhận ở tọa độ: X:693253-Y:1878254; X:693226-Y:1878163;X:693209 -Y1878252… Lán trại ở tọa độ: X:694059- Y:1879957.
***

KỲ CUỐI: TỰ “TÊ LIỆT”, NHỮNG NGƯỜI GIỮ RỪNG MẶC RỪNG BỊ TÀN SÁT

Công khai đốn hạ gỗ trong rừng phòng hộ

PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA CỦA HƯNG THƠ – ĐĂNG KHOA
9:24 AM, 04/08/2016

Có hay không nạn lâm tặc đang hoành hành như chốn không người ở những cánh rừng tự nhiên thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) – chúng tôi đặt câu hỏi với những người giữ rừng và chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị. Câu trả lời nhận được, chỉ là những con số rất nhỏ về vài ba vụ phá rừng lẻ tẻ, kèm lời khẳng định “không còn nóng”. Ngay sau đó, những hình ảnh rừng phòng hộ bị tàn sát do PV Báo Lao Động ghi lại trong 1 tháng lội rừng được trưng ra, lời khẳng định phía trên lập tức chuyển thành “quá nóng”.

Rừng xanh vang tiếng máy cưa

Suốt một tuần trong rừng phòng hộ, nhưng vẫn chưa tiếp cận trực tiếp với người đang phá rừng và “quy trình” vận chuyển gỗ ra khỏi cửa, nên chúng tôi lội ngược trở lại bản 3 (Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Lần này, không chỉ men theo đường mòn lâm tặc đã mở, chúng tôi rẽ vào những con đường nối với trục đường này rồi dẫn lên những ngọn núi rậm rì, còn nhiều cây lớn. Mất hơn 2 giờ đi bộ, tiếng máy cưa bắt đầu vang lên từ phía bên kia đỉnh núi, tiếng máy to dần, có lúc mất hút một vài phút rồi lại rú lên, phá tan không gian im ắng của khu rừng tự nhiên. Lần theo tiếng máy cưa, chúng tôi phát hiện một lối mòn nhỏ ở ngay cạnh bãi gỗ hôm trước dẫn lên núi, hai bên la liệt cây rừng bị cưa ngã. “Họ (lâm tặc) vừa hạ cây thôi, còn chưa kịp rọc bìa mà. Khoảng 2 ngày là tất cả những cây lớn ở núi này chỉ còn trơ gốc. Rồi hết núi này, đến núi khác, cứ rứa là làm, không có ai ngăn cản mô” – người dẫn đường lắc đầu, nói.

Công khai đốn hạ gỗ trong rừng phòng hộ ảnh 1
Xe ba cầu chở gỗ trên đường Lò Than, gỗ này được khai thác trái phép ở rừng tự nhiên. Ảnh: HT – DK.  

Như một trò chơi trốn tìm, chúng tôi vừa lên đến đỉnh núi, thì nghe tiếng máy cưa vang lên từ phía bên kia, chuyển hướng chưa được nửa chặng đường thì máy cưa lại nổi lên ở nơi khác. Té ra, không phải chỉ một “cỗ máy” phá rừng đang hoạt động ở nơi này, mà đầy rẫy ở tứ phía – chúng tôi nhận ra điều ấy khi tiếng máy cưa cùng vang lên một lúc. Tiếp cận một điểm gần nhất, chúng tôi chứng kiến hai lâm tặc người bản địa chỉ trong vòng vài “nốt nhạc” đã hạ gục thân cây gỗ chũa, rồi vài giây sau đó đã xén ngang thân cây, để lại phần ngọn chổng chơ, ngổn ngang giữa rừng. Cứ như vậy, cưa cây này xong, các cây khác đã được đánh dấu từ trước lần lượt nằm xuống, cả một khoảng rừng rậm trở thành trống trải, xơ xác chỉ sau vài giờ đồng hồ. Sau khi cưa xong cây, lâm tặc trở lại dùng máy cưa rọc bìa, đánh dấu thứ tự rồi chuẩn bị cho cuộc mua bán chớp mắt ngay giữa rừng.

Xế chiều, một chiếc xe ba cầu theo đường Lò Than vào đến địa điểm này, đã có hẹn từ trước nên lâm tặc không chần chừ dẫn lên đến bãi gỗ. Xem hết các bãi gỗ và tính toán xong xuôi, chủ xe ba cầu trả tiền ngay cho lâm tặc (khoảng 2 triệu/1m3), rồi dùng tời chuyển gỗ tập kết trên đường Lò Than. Mỗi xe ba cầu khi chất được từ 5 đến 7 m3 gỗ, thì lập tức quay đầu về lại đường cũ. Dù việc di chuyển của xe ba cầu rất thuận lợi, nhưng chở theo một lượng gỗ lớn trên con đường giữa rừng không ít vết hằn lún và bùn lầy, nên phải mất đến 10h lăn lộn xe mới đến địa điểm tập kết gỗ cách đường rải nhựa tầm 500 mét. Bãi tập kết gỗ này rất lớn, hầu hết xe chở gỗ khai thác lậu ở rừng tự nhiên đều vận chuyển đến đây để giao dịch. Tùy lúc, nhưng chủ yếu là vào sẩm tối, xe ôtô hiệu Julong từ ngã ba đường Lò Than chạy vào đây, bốc số gỗ này lên xe, rồi bon bon về xuôi mà không thấy gặp trở ngại gì…

Công khai đốn hạ gỗ trong rừng phòng hộ ảnh 2

Gỗ lậu được tập kết trên đường Lò Than. Ảnh: HT-DK.  

Việc khai thác gỗ của cánh xe trâu cũng tương tự như trên, chỉ khác ở chỗ người dân đem trâu vào rừng, dùng cưa tự hạ cây, xẻ thành gỗ rồi để trâu kéo về đến nơi tập kết ở bãi trên. Nhưng phần lớn, gỗ khi ra khỏi cửa rừng đều được tập trung lại, bán cho “trùm” chứ ít ai tự vận chuyển về xuôi bán. Theo anh H. – người lái xe ba cầu chở gỗ trên đường Lò Than, thì gỗ muốn về trót lọt phải có sự chung chi. “Không ăn chia, thì bọn em không có đường làm ăn mô. Chưa ra khỏi cửa rừng là bị tóm cả rồi” – anh H. kể.

Không làm đúng nhiệm vụ

Sau khi tìm hiểu đầy đủ thông tin, chúng tôi lặng lẽ rời khỏi cửa rừng và tìm đến cơ quan chức năng. Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh là nơi chúng tôi liên hệ đầu tiên, nhưng ông Bùi Quang Linh (lúc đó là Hạt trưởng) hẹn đến buổi chiều. Đợi đến chiều, liên lạc lại thì ông Linh bảo, vừa nhận được quyết định chuyển công tác, nên không có trách nhiệm phát ngôn hay thông tin gì với chúng tôi nữa.

Ngược lại với thái độ thiếu trách nhiệm của Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh, ngay khi nhận được phản ánh của chúng tôi, ông Trần Hữu Hùng – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh lập tức liên hệ với những người được giao nhiệm vụ giữ rừng, yêu cầu báo cáo. “Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh và BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đều trả lời chưa nhận được thông tin gì về tình trạng phá nát rừng như các anh cung cấp” – ông Hùng, nói. Nhưng ngay sau khi xem những hình ảnh, clip mà chúng tôi đã ghi lại trong một tháng luồn rừng, ông Hùng lặng người, đặt câu hỏi: “Rõ ràng như thế này mà sao không biết được hè. BQL rừng phòng hộ, Kiểm lâm địa bàn, Công an địa bàn, chính quyền địa phương ở đó mà rừng phòng hộ bị phá thế này mà sao không ai biết được?”. Và ông Hùng tự trả lời rằng: “Quy mô như thế này mà không biết là vô lý, vì họ có chức năng chốt ở các trạm, tuần tra thường xuyên, mà chốt là ở các nút thắt nên không thể không biết được. Dân khai thác trong rừng phòng hộ thì BQL rừng phòng hộ chịu trách nhiệm. Nhưng vào đó khai thác được gỗ thì cũng về con đường đó, mà gỗ vẫn lọt về thì kiểm lâm là người chịu trách nhiệm. Làm sai thì phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ tổ chức họp đầy đủ các ban ngành để làm rõ điều này” – ông Hùng, nói.

Công khai đốn hạ gỗ trong rừng phòng hộ ảnh 3

Người dân sau khi khai thác gỗ, dùng xe trâu vận chuyển ra điểm tập kết. Ảnh: HT-DK.  

Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng – Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải thông tin rằng, đơn vị quản lý hơn 21 nghìn ha rừng, riêng ở địa bàn huyện Vĩnh Linh gần 10 nghìn ha, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên. “Tình trạng phá rừng trước đây rất nóng, vì tồn tại nhiều đường mòn giữa rừng. Nhưng nay thì giảm rồi, không hết hẳn nhưng nhỏ lẻ” – ông Hùng, khẳng định. Khẳng định như vậy, nhưng khi chúng tôi thắc mắc về con đường được san ủi phẳng lỳ để xe ba cầu chở gỗ, rồi trưng ra những hình ảnh, clip mà trước đó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh đã lặng người khi trông thấy, thì ông Hùng cũng chùng giọng. “Giám đốc của BQL rừng  mới về hưu… lúc sáng, tôi vừa cầm trong tay quyết định phụ trách, nên tình hình nắm chưa được rõ. Chủ yếu là tôi nghe anh em báo cáo, chứ chưa đi thực tế nên không nắm rõ tình hình. Tôi sẽ tổ chức đi kiểm tra ngay để xác minh lại, có biện pháp ngăn chặn, nếu có dấu hiệu tiếp tay sẽ xử lý” – ông Hùng, cho biết.

Để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, chúng tôi có buổi làm việc với ông Khổng Trung – Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị. Ông Trung bảo, có biết về tình trạng phá rừng ở huyện Vĩnh Linh, nhưng không ngờ quy mô lại lớn như hình ảnh chúng tôi cung cấp. Cũng như Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, ông Khổng Trung đặt câu hỏi: “Vì sao phá rừng thế này mà không ai báo cáo, ở địa bàn mà không biết là không đúng. Có khai thác là có gỗ về, một hai xe không biết chứ như vậy mà không biết là không đúng, hoặc là kiểm lâm không làm nhiệm vụ”. Về trách nhiệm của ông Bùi Văn Linh (nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh), ông Trung nói rằng vụ việc chưa rõ, nhưng vẫn có trách nhiệm của ông Linh vì để xảy ra tình trạng phá rừng. “Nhiệm vụ của ông Linh là giám sát, giao cho anh em kiểm tra, ngăn chặn để bảo vệ rừng, làm không tốt thì anh phải có trách nhiệm trong đó” – ông Trung, nói.

Trước câu hỏi trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai khi rừng tự nhiên bị tàn sát như vậy, ông Trung khẳng định trước hết là chủ rừng, rồi đến kiểm lâm và chính quyền địa phương. “Tôi cam đoan trong vòng một tuần sẽ tổ chức truy quét và làm rõ thông tin này. Bây giờ phải ngăn chặn kịp thời, và làm rõ trách nhiệm của các bên, chứ giao rừng cho họ mà để như thế này là nguy to”.

Ông Khổng Trung dùng từ “nguy to” giống hệt với người dẫn đường đã giúp đỡ chúng tôi suốt hành trình cả tháng trời trong cánh rừng tự nhiên đang bị cày nát. Chỉ từ một tiếng vượn hú giữa rừng và tiếng đập cánh của con đại bàng đất, mà người dẫn đường bỗng rươm rướm nước mắt, thốt lên rằng: “Vượn hú mỗi ngày một xa cánh rừng này, đại bàng rồi cũng dần vắng bóng vì tiếng máy cưa gầm xé suốt ngày. Nguy to như vậy, nếu không ngăn chặn thì ngày mai sẽ còn gì”.

1 bình luận về “Quảng Trị, công khai đốn hạ cây gỗ trong rừng phòng hộ – 2 kỳ

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s