Một giải pháp nhân bản cho hòa bình thế giới

dalailama

Thông điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng

Bản tiếng Anh

Phạm Thu Hương chuyển ngữ

Khi thức dậy vào buổi sáng rồi nghe đài hay đọc báo, chúng ta bị đứng trước những tin sầu thảm giống nhau: bạo lực, tội phạm, chiến tranh và thiên tai. Tôi không thể nhớ được ngày nào không có một bản tin về một điều khủng khiếp nào đó xảy ra ở đâu đó. Ngay cả thời hiện đại này, thật dễ hiểu khi cuộc sống quý giá của con người chẳng được an toàn. Chẳng có thế hệ nào trước đây phải trải nghiệm nhiều tin xấu như chúng ta đang đối diện hôm nay; nhận thức về nỗi sợ và căng thẳng liên miên này sẽ làm bất kỳ người nhạy cảm và từ bi nào phải đặt câu hỏi nghiêm túc về sự phát triển của thế giới hiện đại của chúng ta.

Thật hài hước khi những vấn đề ngiêm trọng hơn lại xuất phát từ những xã hội với nền công nghệ tiến bộ hơn. Khoa học và công nghệ đã làm những điều kỳ diệu trong nhiều lĩnh vực, nhưng những vấn đề cơ bản của con người thì vẫn tồn tại. Đó là chuyện chưa từng có trong nền kiến thức, giáo dục toàn cầu hình như không nuôi dưỡng điều tốt lành, mà thay vào đó chỉ là tình trạng bất ổn và bất mãn. Chẳng nghi ngờ gì về việc tăng các tiến bộ vật chất và công nghệ của chúng ta, nhưng dù sao, điều này vẫn thiếu thốn khi chúng ta chưa thành công trong việc đem lại hòa bình, hạnh phúc hay vượt qua nỗi khổ.

Chúng ta chỉ có thể kết luận rằng – phải có một cái gì đó sai lầm nghiêm trọng trong tiến bộ và phát triển của chúng ta, và nếu chúng ta không kiểm tra chuyện đó vào lúc này thì nó có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho tương lai nhân loại. Tôi không chống lại khoa học và công nghệ – chúng đã đóng góp hết mình vào toàn bộ kinh nghiệm của nhân loại; vào tiện nghi vật chất và hạnh phúc của chúng ta và vào sự hiểu biết lớn hơn của chúng ta về thế giới chúng ta đang sống. Nhưng nếu nhấn mạnh quá nhiều đến khoa học và công nghệ, chúng ta đang có nguy cơ mất tiếp xúc với các mặt kiến thức và hiểu biết thiết tha hướng tới thành thật và vị tha.

Khoa học và công nghệ, dù có khả năng tạo ra vật chất tiện nghi vô tận, cũng không thể thay thế các giá trị tâm linh và nhân ái lâu đời đã đóng vai chính trong việc hình thành nền văn minh thế giới, trong mọi hình thức dân tộc khác nhau, như chúng ta biết hôm nay. Không ai có thể phủ nhận lợi ích vật chất chưa từng thấy của khoa học và công nghệ, nhưng những vấn đề cơ bản về con người vẫn tồn tại; chúng ta vẫn đang đối diện những vấn đề ấy, nếu không [muốn nói] là nhiều hơn, nỗi thống khổ, lo sợ, và căng thẳng. Như vậy, điều hợp lý là cố gắng cân bằng giữa phát triển vật chất tay này và phát triển các giá trị tâm linh, nhân bản tay kia. Để dẫn tới sự điều chỉnh lớn này, chúng ta cần làm sống lại các giá trị nhân ái của chúng ta.

Tôi chắc chắn rằng nhiều người sẽ chia sẻ mối quan tâm của tôi về cơn khủng hoảng đạo đức toàn cầu hiện nay và sẽ hưởng ứng lời kêu gọi của tôi, lời kêu gọi gởi đến tất cả những người nhân đạo và những tín hữu của các tôn giáo – những người cùng chia sẻ mối quan tâm này để giúp xã hội chúng ta từ bi hơn, công chính hơn và công bằng hơn. Tôi không nói chuyện như một Phật tử hay như một người Tây Tạng. Tôi cũng không nói như một chuyên gia về chính trị quốc tế (dù tôi không thể tránh khỏi nhận xét về những vấn đề này). Đúng hơn, tôi chỉ nói chuyện như một con người, chỉ như một người giữ vững những giá trị nhân đạo, nền đá của không chỉ Phật giáo Đại thừa mà của mọi tôn giáo lớn trên thế giới. Từ góc nhìn này, tôi chia sẻ với các bạn quan điểm cá nhân của tôi – là:

  1. Chủ nghĩa nhân đạo hoàn vũ là cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu;
  2. Từ bi là trụ cột của hòa bình thế giới;
  3. Mọi tôn giáo trên thế giới đã ủng hộ hòa bình thế giới theo cách này, cũng như tất cả những người nhân đạo của bất kỳ hệ tư tưởng nào;
  4. Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm hoàn vũ khi xây dựng các tổ chức phục vụ các nhu cầu của con người.

Giải quyết vấn đề nhân loại thông qua chuyển hoá tâm tính con người

Trong nhiều vấn đề chúng ta đối diện hôm nay, có một vài thiên tai, phải được chấp nhận và đối diện với sự bình thản. Nhưng những vấn đề khác lại là do chúng ta tạo ra, bởi hiểu lầm, và có thể sửa chữa được. Một trong những loại vấn đề đó phát sinh từ xung đột tư tưởng, chính trị hay tôn giáo, khi mọi người đấu đá nhau vì những mục đích vụn vặt, chẳng còn tính nhân văn cơ bản đã gắn tất cả chúng ta lại với nhau như một gia đình nhân loại duy nhất. Chúng ta phải nhớ rằng các tôn giáo, các hệ tư tưởng, và các hệ thống chính trị trên thế giới khác nhau là để con người đạt được hạnh phúc. Chúng ta không được mất mục tiêu cơ bản này và đừng bao giờ đặt phương tiện trên mục đích; sự tối thượng của nhân văn đối với vật chất và hệ tư tưởng phải luôn được duy trì.

Cho đến nay, mối nguy hiểm chung lớn nhất đang đối diện với nhân loại – thực tế, với mọi loài sinh vật trên hành tinh chúng ta – là thảm hoạ hủy diệt hạt nhân(1). Tôi không cần phải nói thêm về mối nguy hiểm này, nhưng tôi muốn kêu gọi tất cả nhà lãnh đạo năng lượng hạt nhân – những người đang nắm giữ tương lai thế giới trong tay, các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật – những người vẫn đang tạo ra những vũ khí hủy diệt kinh hoàng, và mọi người dân nói chung – những người đang ở vị trí ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo của họ: Tôi kêu gọi họ dùng sự sáng suốt của mình và bắt đầu tháo dỡ, phá hủy tất cả vũ khí hạt nhân. Chúng ta đều biết trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân thì sẽ chẳng có kẻ chiến thắng bởi chẳng còn người sống sót! Không phải là rất đáng sợ dù chỉ nghĩ đến sự huỷ diệt vô nhân đạo và vô lương tâm đến vậy sao? Và, phải chăng thật hợp lý khi chúng ta xoá bỏ nguyên nhân tự tiêu diệt chính mình khi chúng ta biết nguyên nhân đó và có cả thời gian và phương tiện để xóa bỏ? Thường thì chúng ta không thể vượt qua những vấn đề của chính mình bởi không biết nguyên nhân, hoặc nếu hiểu chuyện đó, chúng ta cũng chẳng có phương tiện để xóa bỏ nó. [Nhưng] đây không phải là trường hợp đối với thảm hoạ hạt nhân.

Dù thuộc loài tiến hóa hơn,như con người, hoặc thuộc những loài đơn giản hơn, như động vật, phần lớn mọi chúng sinh đều tìm kiếm bình an, thoải mái, và an toàn. Cuộc sống thật đáng yêu với loài vật không nói được cũng như với bất kỳ người nào, ngay cả loài côn trùng đơn giản nhất cũng nỗ lực bảo vệ mình khỏi những hiểm nguy đe dọa cuộc sống. Cũng như mỗi người chúng ta đều muốn sống và không muốn chết, điều này cũng đúng với mọi tạo vật khác trong vũ trụ, dù quyền lực để bảo vệ sự sống lại là một chuyện khác.

Nói chung có hai loại hạnh phúc và đau khổ, [đó là] tinh thần và thể chất, và trong hai loại đó, tôi tin đau khổ và hạnh phúc về tinh thần thì nhức nhối hơn. Do vậy, tôi nhấn mạnh rèn luyện tâm trí để chịu được đau khổ và đạt được trạng thái hạnh phúc lâu dài hơn. Tuy nhiên, tôi cũng có ý khái quát và cụ thể hơn về hạnh phúc: [đó là] sự kết hợp giữa bình an bên trong, phát triển kinh tế, và, trên tất cả, [là] hòa bình thế giới. Để đạt được mục tiêu như vậy, tôi cảm thấy cần phải phát triển một ý thức trách nhiệm toàn cầu, một mối quan tâm sâu sắc đến bất kỳ tín ngưỡng, giới tính, màu da, hay quốc tịch nào.

Tiền đề đằng sau ý tưởng trách nhiệm toàn cầu này là một thực tế giản dị rằng, trong điều kiện chung, mong muốn của tất cả mọi người cũng giống mong muốn của tôi. Mỗi chúng sinh đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Nếu chúng ta, như những người thông minh, mà không chấp nhận được thực tế này, thì sẽ ngày càng đau khổ ở hành tinh này. Nếu ta áp dụng cách tự cho mình là trung tâm cuộc sống và luôn cố dùng người khác cho tư lợi của mình, thì ta có thể có lợi tạm thời, nhưng về lâu dài, ta sẽ không thành công ngay cả việc chạm tới hạnh phúc cá nhân, và chuyện hòa bình thế giới sẽ hoàn toàn nằm khỏi vấn đề.

Trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc của mình, con người đã thử nhiều cách khác nhau, các cách này thường quá tàn nhẫn và dễ sợ. Hành xử theo những cách hoàn toàn không phù hợp với nhân cách, họ đã gây đau khổ cho anh em và mọi chúng sinh khác vì cái lợi ích kỷ của riêng họ. Cuối cùng, hành động thiển cận đó mang lại khổ đau cho chính họ cũng như mọi chúng sinh khác. Được sinh ra làm người tự nó là một sự kiện hiếm có, và thật là khôn ngoan khi chúng ta dùng cơ hội này một cách hiệu quả và khéo léo nhất. Chúng ta phải có quan điểm đúng đắn về quá trình chung đó, để niềm hạnh phúc hay vinh quang của một người hoặc một nhóm người không phải trả giá bằng sự thiệt thòi của người khác.

Tất cả mọi điều này kêu gọi một hướng tiếp cận mới cho các vấn đề toàn cầu. Thế giới đang ngày càng trở nên nhỏ bé – và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau – như là kết quả của sự phát triển công nghệ và thương mại quốc tế nhanh chóng cùng sự tăng cường quan hệ xuyên quốc gia. Chúng ta bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào nhau. Vào thời xa xưa, vấn đề chủ yếu ở quy mô gia đình, và họ dĩ nhiên giải quyết ở mức độ gia đình, nhưng tình hình đã thay đổi. Ngày nay chúng ta quá phụ thuộc vào nhau, quá liên kết chặt chẽ với nhau, mà nếu không có ý thức trách nhiệm toàn cầu, cảm giác tình anh chị em toàn cầu, cùng với hiểu biết và niềm tin rằng chúng ta thực sự là một phần của gia đình nhân loại to lớn, [thì] chúng ta chẳng thể nào hy vọng vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống – chứ đừng nói chi là mang bình an và hạnh phúc.

Những vấn đề của một quốc gia không còn có thể tự giải quyết tốt được; quá nhiều phụ thuộc vào mối quan tâm, thái độ, và hợp tác của các quốc gia khác. Cách tiếp cận nhân đạo hoàn vũ cho các vấn đề thế giới dường như là nền tảng đúng đắn duy nhất cho hòa bình thế giới. Nghĩa là sao? Chúng ta bắt đầu từ sự công nhận tôi đã đề cập bên trên rằng mọi sinh vật đều yêu hạnh phúc và không muốn khổ đau. Rồi chuyện trở nên vừa sai về mặt đạo đức và vừa không khôn ngoan về mặt thực tế khi đi tìm hạnh phúc của chính mình mà chẳng biết gì về cảm xúc và ước ao của người xung quanh – những thành viên của cùng một gia đình nhân loại. Hướng đi sáng suốt hơn cả là hãy nghĩ về người khác khi đi tìm hạnh phúc của chính mình. Điều này sẽ dẫn tới điều mà tôi gọi là ‘tư lợi thông thái’, mà hy vọng sẽ tự chuyển thành ‘tư lợi thỏa thuận’, hoặc tốt hơn là, ‘quan tâm lẫn nhau’.

Dù sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia có thể kỳ vọng tạo ra nhiều hợp tác đồng cảm hơn, [thì] thật khó đạt được một tinh thần hợp tác chân thật khi con người vẫn còn dửng dưng với cảm xúc và hạnh phúc của người khác. Khi con người hầu như bị kích động bởi lòng tham và ghen tị, [thì] chẳng thể nào sống hòa hợp được. Hướng đi tâm linh có thể không giải quyết được tất cả mọi vấn đề chính trị được tạo bởi kiểu tự cho mình là trung tâm sống, nhưng về lâu dài, hướng này sẽ vượt qua cái gốc vấn đề mà chúng ta đối diện hôm nay.

Mặt khác, nếu nhân loại tiếp tục giải quyết vấn đề của mình vì cái lợi nhất thời duy nhất, thì thế hệ tương lai phải đối diện với những khó khăn to lớn. Dân số toàn cầu đang tăng, và các nguồn tài nguyên của chúng ta đang suy giảm nhanh chóng. Hãy nhìn cây cối, ví dụ vậy. Chẳng ai biết chính xác nạn phá rừng ồ ạt ảnh hưởng thê thảm thế nào tới khí hậu, đất đai, và sinh thái toàn cầu nói chung. Chúng ta đang đối diện vấn đề vì mọi người chỉ đang tập trung vào cái lợi ngắn hạn, ích kỷ, mà không nghĩ đến toàn gia đình nhân loại. Họ chẳng nghĩ về trái đất và về những ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống vũ trụ nói chung. Nếu chúng ta thuộc thế hệ hiện tại không suy nghĩ về những điều này bây giờ, thì thế hệ tương lai có thể không có khả năng đương đầu với những điều đó.

Từ bi là Trụ cột cho Hòa Bình Thế Giới

Theo tâm lý học Phật giáo, đa số khó khăn của chúng ta là do mê đắm và dính chấp vào những điều mà chúng ta nhầm tưởng là điều tồn tại vĩnh viễn. Việc đuổi theo các đối tượng ham muốn và dính chấp của chúng ta kéo theo việc quen gây hấn và tranh đua như những khí cụ hiệu quả. Những quá trình tâm lý này dễ chuyển thành hành động, gây nên tính hiếu chiến như một kết quả rõ ràng. Quá trình như vậy đã xảy ra trong tâm trí con người từ thời xa xưa, nhưng sức tàn phá của chúng trở nên có ảnh hưởng lớn hơn trong điều kiện thời nay. Đâu là những gì chúng ta có thể làm chủ và điều chỉnh những ‘chất độc’ – lừa dối, tham lam, và hiếu chiến này? Vì những chất độc này ở đằng sau hầu như mọi khó khăn trong thế giới.

Là một người lớn lên trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, tôi cảm thấy tình yêu và lòng từ bi là cái khung đạo đức cho hòa bình thế giới. Trước tiên hãy để tôi xác định ý của tôi về lòng từ bi. Khi bạn có lòng thương xót hay lòng từ bi với người rất nghèo, bạn thể hiện lòng cảm thông vì anh ấy hay chị ấy là người nghèo, lòng từ bi của bạn được dựa vào nhận thức vị tha. Mặt khác, tình yêu với vợ, với chồng, với con, hay với bạn thân của bạn thường dựa vào dính chấp. Khi dính chấp của bạn thay đổi, lòng tốt của bạn cũng thay đổi, [và] có thể biến mất. Đây không phải là tình yêu thật. Tình yêu thật không dựa vào dính chấp, mà dựa vào lòng vị tha. Trong trường hợp này – lòng từ bi của bạn vẫn là câu trả lời nhân đạo ngày nào mà các sinh linh vẫn đang đau khổ.

Kiểu từ bi này là kiểu chúng ta phải cố tự mình nuôi dưỡng, và phải phát triển từ số lượng có hạn đến vô hạn. Từ bi không phân biệt, tự nhiên, và vô tận với tất cả chúng sinh rõ ràng không phải là tình yêu bình thường mà một người có với bạn bè hay gia đình, không phải là tình yêu đã bị trộn lẫn với ngu dốt, ham muốn, và dính chấp. Kiểu tình yêu chúng ta nên ủng hộ là tình yêu rộng lớn hơn mà bạn có thể có ngay cả với người làm hại bạn: kẻ thù của bạn.

Lý do căn bản của lòng từ bi là vì mỗi người chúng ta đều muốn tránh đau khổ và tăng hạnh phúc. Điều này, nói cách khác, được dựa trên cảm giác đúng số 1, ấn định sự khao khát hạnh phúc hoàn vũ. Thật vậy, mọi chúng sinh được sinh ra với mong muốn giống nhau và cần phải có quyền bình đẳng để thực hiện. Nếu tôi so sánh bản thân mình với người khác, với vô số người, tôi cảm thấy những người khác quan trọng hơn vì tôi chỉ là một người trong khi những người khác là nhiều người. Hơn nữa, truyền thống Phật giáo Tây Tạng dạy chúng tôi nhìn tất cả chúng sinh như những người mẹ yêu quý của mình và tỏ lòng biết ơn của mình bằng cách yêu thương các mẹ. Vì, theo lý thuyết Phật giáo, chúng ta được sinh ra và tái sinh vô số lần và có thể hiểu rằng mỗi người từng là cha mẹ của chúng ta lúc này hay lúc khác. Bằng cách này – tất cả chúng sinh trong vũ trụ đều chia sẻ mối quan hệ gia đình.

Dù tin tôn giáo hay không, chẳng có ai lại không đánh giá cao tình yêu và từ bi. Ngay từ lúc chào đời, chúng ta đã ở trong sự chăm sóc và nhân ái của cha mẹ, sau này, khi phải đối diện với cái khổ bệnh tật và tuổi già, chúng ta một lần nữa phụ thuộc vào nhân ái của người khác. Nếu lúc chào đời và cuối đời, chúng ta phụ thuộc vào nhân ái của người khác, [thì] tại sao lúc ở giữa chúng ta không hành động nhân ái với người khác?

Sự phát triển của trái tim nhân ái (cảm giác gần gũi với tất cả mọi người) không liên quan đến tôn giáo mà chúng ta thường liên tưởng tới lễ nghi tôn giáo. Không những chỉ cho những người tin tôn giáo, mà cho những mội người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, hoặc đảng phái chính trị. Trái tim nhân ái là dành cho bất cứ ai tự xem mình, trước hết, là một thành viên của gia đình nhân loại và cho những ai thấy điều này từ vị trí nhìn xa trông rộng. Đây là một cảm giác có sức mạnh mà chúng ta nên phát triển và áp dụng, thay vì, thường xuyên bỏ bê, đặc biệt là trong những năm đầu trải qua cảm giác phản trắc về an ninh.

Khi chúng ta lưu tâm vào tầm nhìn xa, vào sự thật rằng tất cả mọi người đều mong được hạnh phúc và tránh khổ đau, và chúng ta giữ trong đầu rằng chúng ta tương đối chẳng quan trọng gì so với vô số người khác, thì chúng ta có thể kết luận rằng thật đáng chia sẻ của cải của chúng ta với những người khác. Khi bạn được rèn luyện trong cách nhìn này, cảm giác thật của lòng từ bi – cảm giác thật của tình yêu và kính trọng người khác – có thể xảy ra. Hạnh phúc cá nhân thôi trở thành sự rán sức tự-kiếm-tìm có ý thức, mà trở thành một phụ phẩm tự động và cao cấp hơn nhiều của toàn bộ quá trình yêu thương và phục vụ người khác.

Một kết quả khác của sự phát triển tâm linh, hữu ích nhất trong cuộc sống hằng ngày, là nó mang lại một sự điềm tĩnh và sự có mặt của tâm trí. Cuộc sống của chúng ta luôn thay đổi, có nhiều khó khăn. Khi đối diện với tâm trí tĩnh lặng và sáng suốt, vấn đề có thể được giải quyết thành công. Thay vì, khi chúng ta mất kiểm soát tâm trí vì hận thù, ích kỷ, ghen ghét, và tức giận, chúng ta mất đi độ nhạy phán đoán của chúng ta. Tâm trí của chúng ta bị mù và lúc ta điên dại bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả chiến tranh. Vì thế, việc thực hành từ bi và trí tuệ là hữu ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm quản lý các công việc của đất nước, sức mạnh và cơ hội nằm trong tay họ để kiến tạo hòa bình thế giới.

Tôn giáo Thế giới cho Hòa Bình Thế Giới

Các nguyên tắc thảo luận cho đến bây giờ đang đề cập tới giáo lý đạo đức của tất cả các tôn giáo trên thế giới. Tôi cho rằng tất cả các tôn giáo lớn của thế giới – Phật giáo, Kitô giáo, Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo (2), Do Thái giáo, đạo Sikh (3), Đạo giáo (4), Bái Hoả giáo (5) – có cùng lý tưởng tình yêu, cùng mục tiêu mang lại lợi ích nhân loại thông qua thực hành tâm linh, và cùng hiệu quả làm những người theo họ trở thành những con người tốt hơn. Tất cả các tôn giáo đều dạy giới luật đạo đức để hoàn thiện nhiệm vụ tâm trí, cơ thể và lời nói. Tất cả đều dạy chúng ta không được nói dối hoặc ăn cắp hoặc lấy mất cuộc sống của người khác, vân vân. Mục tiêu chung của tất cả các giới răn luân lý đặt ra bởi các thầy lớn của nhân loại là không ích kỷ. Các thầy lớn muốn dẫn những người đi theo họ ra khỏi con đường của những hành động tiêu cực gây ra bởi sự thiếu hiểu biết và giới thiệu họ đến con đường của sự tốt lành.

Tất cả các tôn giáo đều đồng ý về sự cần thiết phải kiểm soát tâm trí vô kỷ luật mà nuôi dưỡng sự ích kỷ và gốc rễ khác của khó khăn, và mỗi thầy một con đường dẫn đến một trạng thái tâm linh đó là hòa bình, kỷ luật, đạo đức, và khôn ngoan. Trong ý nghĩa này tôi tin rằng tất cả các tôn giáo về cơ bản đều có cùng thông điệp. Sự khác biệt của giáo lý có thể được gán cho sự khác biệt về thời gian và hoàn cảnh cũng như các ảnh hưởng văn hóa, thực sự, không có kết thúc tranh luận học thuật khi chúng ta xem xét khía cạnh hoàn toàn siêu hình của tôn giáo. Tuy nhiên, có lợi hơn rất nhiều nếu chúng ta cố gắng thực hiện trong cuộc sống hàng ngày những giới hạnh chung cho điều thiện được tất cả các tôn giáo giảng dạy, chứ không phải là tranh luận về sự khác biệt nhỏ trong cách tiếp cận.

Có nhiều tôn giáo khác nhau để mang lại sự thoải mái và hạnh phúc cho nhân loại trong nhiều cách tương tự, như có những phương pháp điều trị đặc biệt đối với các bệnh khác nhau. Vì, tất cả các tôn giáo nỗ lực trong cách riêng của họ để giúp chúng sinh tránh đau khổ và được hạnh phúc. Và, dù chúng ta có thể tìm thấy lý do để thích diễn giải nào đó về chân lý tôn giáo hơn [là các diễn giải khác], có nhiều lý do lớn hơn nhiều cho sự hiệp nhất, xuất phát từ trái tim con người. Mỗi tôn giáo hoạt động theo cách riêng của mình để giảm bớt khổ đau của con người và đóng góp vào nền văn minh thế giới. Đổi đạo không phải là vấn đề. Ví dụ, tôi không nghĩ rằng đổi đạo những người khác thành Phật Giáo hay thúc đẩy hơn nữa chính nghĩa Phật giáo. Thay vào đó, tôi cố gắng nghĩ tôi làm thế nào như là một người Phật giáo nhân đạo có thể đóng góp cho hạnh phúc nhân loại.

Trong khi chỉ ra những đặc điểm tương đồng cơ bản giữa các tôn giáo trên thế giới, tôi không biện hộ cho một tôn giáo nào để làm thiệt thòi các tôn giáo khác, tôi cũng không tìm kiếm một “tôn giáo thế giới” mới. Tất cả các tôn giáo khác nhau của thế giới là cần thiết để làm phong phú kinh nghiệm nhân loại và nền văn minh thế giới. Tâm trí con người của chúng ta, có tầm cỡ và khuynh hướng khác nhau, cần có phương pháp tiếp cận khác nhau đối với hòa bình và hạnh phúc. Giống như thực phẩm. Một số người tìm thấy Kitô giáo hấp dẫn hơn, những người khác thích Phật giáo bởi vì không có tạo hóa trong đó và tất cả mọi thứ phụ thuộc vào hành động của bạn. Chúng ta có thể lập luận tương tự đối với các tôn giáo khác. Như vậy, điểm rõ ràng là: nhân loại cần tất cả các tôn giáo của thế giới phù hợp với lối sống, nhu cầu đa dạng tinh thần, và kế thừa truyền thống dân tộc của mỗi con người.

Chính từ quan điểm này mà tôi hoan nghênh những nỗ lực đang được thực hiện trong các bộ phận khác nhau của thế giới cho sự hiểu biết tốt hơn giữa các tôn giáo. Sự cần thiết cho điều này là đặc biệt khẩn cấp. Nếu tất cả các tôn giáo lấy sự tiến bộ của nhân loại làm mối quan tâm chính, thì họ có thể dễ dàng làm việc với nhau trong sự hài hòa cho hòa bình thế giới. Hiểu biết liên tôn sẽ mang lại sự thống nhất cần thiết cho tất cả các tôn giáo để làm việc cùng nhau. Tuy nhiên, dù điều này thực sự là một bước quan trọng, chúng ta phải nhớ rằng không có giải pháp nhanh chóng hay dễ dàng. Chúng ta không thể che giấu sự khác biệt về giáo lý tồn tại giữa các tôn giáo khác nhau, cũng không phải chúng ta có thể hy vọng thay thế các tôn giáo hiện có bằng một niềm tin phổ quát mới. Mỗi tôn giáo có đóng góp đặc biệt của riêng của mình, và mỗi tôn giáo theo cách riêng của mình phù hợp với một nhóm người, với hiểu biết của họ về đời sống. Thế giới cần tất cả.

Có hai nhiệm vụ chính phải đối diện với những người thực hành tôn giáo có liên quan với hòa bình thế giới. Trước tiên, chúng ta phải thúc đẩy sự hiểu biết tín ngưỡng tốt hơn để tạo ra một mức độ khả thi của sự hiệp nhất trong các tôn giáo. Điều này có thể đạt được một phần bằng cách tôn trọng niềm tin của nhau và nhấn mạnh mối quan tâm chung của chúng ta đối với đời sống con người. Thứ hai, chúng ta phải mang lại một sự đồng thuận khả thi trên các giá trị cơ bản tinh thần đã chạm vào tâm hồn mọi người và tăng cường hạnh phúc con người nói chung. Điều này có nghĩa là chúng ta phải nhấn mạnh mẫu số chung của tất cả các tôn giáo trên thế giới – những lý tưởng nhân đạo. Hai bước này sẽ cho phép chúng ta hoạt động trong cả hai cách cá nhân và tập thể để tạo ra các điều kiện tinh thần cần thiết cho hòa bình thế giới.

Chúng ta – những người thực hành các niềm tin tôn giáo khác nhau – có thể làm việc cùng nhau cho hòa bình thế giới khi chúng ta xem các tôn giáo khác nhau như khí cụ cơ bản để phát triển một trái tim nhân ái – tình yêu và sự tôn trọng đối với những người khác, một cảm giác thật của cộng đồng. Điều quan trọng nhất là phải nhìn vào mục đích tôn giáo, mà không là ở các chi tiết của thần học hay siêu hình học có thể dẫn đến trí thức giới hạn. Tôi tin rằng tất cả các tôn giáo lớn của thế giới có thể đóng góp vào hòa bình thế giới và làm việc cùng nhau vì lợi ích của nhân loại nếu chúng ta đặt sang một bên sự khác biệt siêu hình phảng phất, đó là thực sự kinh doanh nội bộ của mỗi tôn giáo.

Mặc dù sự tục hoá tiến bộ mang lại bởi hiện đại hóa trên toàn thế giới và mặc dù nỗ lực có hệ thống trong một số bộ phận của thế giới để tiêu diệt các giá trị tinh thần, đại đa số nhân loại vẫn tiếp tục tin vào một tôn giáo nào đó. Niềm tin bất diệt trong tôn giáo, rõ ràng ngay cả dưới hệ thống chính trị phi tôn giáo, thể hiện rõ hiệu lực của tôn giáo như vậy. Năng lượng và sức mạnh tâm linh này có thể được cố tình sử dụng để mang lại những điều kiện tâm linhh cần thiết cho hòa bình thế giới. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và người nhân đạo trên toàn thế giới có một vai trò đặc biệt trong lĩnh vực này.

Dù chúng ta có khả năng đạt được hòa bình thế giới hay không, chúng ta không có sự lựa chọn, nhưng phải làm việc hướng tới mục tiêu đó. Nếu tâm trí chúng ta bị chi phối bởi sự tức giận, chúng ta sẽ mất đi phần tốt nhất của trí thông minh con người – trí tuệ, khả năng để quyết định giữa đúng và sai. Tức giận là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đang đương đầu với thế giới ngày hôm nay.

(Còn tiếp)

Người dịch PTH Chú thích:

(1) Dưới đây là hình ảnh Phân bố vũ khí hạt nhân khắp thế giới và clip mô tả vài nét lịch sử vũ khí hạt nhân.

global-zero-nuclear-weapon-

(Xem hình với kích thước lớn tại đây. Tham khảo tại đây)

Nuclear Weapons: A Visual Timeline

(2) Jaina giáo (tiếng Anh: Jainism), cũng gọi là Kì-na giáo theo âm Hán Việt, là một tôn giáo của Ấn Độ, một tôn giáo có hệ tư tưởng ngoài hệ thống thánh điển Veda, mặc dù trong số những vị mở đường ấy có Rsabha, Agitanàtha và Aritanemi; cả ba đều ở thời cổ đại và được đề cập tới trong kinh Yagur-Veda.

Jaina là một trong những tôn giáo lâu đời trên thế giới. Jaina giáo do Mahavir (540 TCN – 468 TCN) sáng lập ra tại bắc Ấn Độ gần như là cùng thời với Phật giáo. Triết lý và phương thức thực hành của đạo dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn. Trong một thời gian dài Jaina là tôn giáo của vương quốc Ấn Độ và được truyền bá rộng rãi ở tiểu lục địa Ấn Độ. Tôn giáo này đã suy yếu từ thế kỷ 8 do sự phát lên mạnh mẽ của các tín đồ đi theo đạo Hindu và đạo Hồi.

Jaina là một tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ với 4,2 triệu tín đồ, và có một số nhóm nhỏ di cư đến Bỉ, Canada, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, và Hoa Kỳ.[4] Jaina có trình độ biết chữ cao nhất trong bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào khác ở Ấn Độ (94,1%),[5] và các thư viện bản thảo của họ là cổ nhất ở đất nước này.

(3) Đạo Sikh (Sikhism) là một tôn giáo mới phát sinh ở thế kỷ 16 ở vùng Punjab, ngày nay là bang Punjab của Ấn Độ và một phần Pakistan, do người Thầy (Guru) đầu tiên là Guru Nanak (1469-1539) truyền đạo. Đạo này chủ trương một Thượng đế tạo ra tất cả vũ trụ và muôn loài, bình đẳng giữa mọi người (khác với Ấn giáo có rất nhiều giai cấp), và sư giải thoát của con người bằng trở về cùng Thượng đế và được Thượng đếban ân sủng. Cuối thế kỷ 17 bắt đầu hùng mạnh và trở thành một lực lượng chính trị. Cuối tể kỷ 18 đạo Sikh trở thành một vương quốc với một hệ thống chính trị quân sự chống lại sự cai trị của nước Anh ở Ấn, và sau đó đòi độc lập như một quốc gia độc lập cho đến thế kỷ 20. Tuy nhiên, vương quốc Sikh này không được công nhận và yếu dần. Cho đến ngày nay, tín đồ Sikh sống nhiều ở bang Punjab, Ấn Độ, và trên thế giới với các cộng đồng người Ấn.

(4) Đạo giáo là Đạo Lão, do Lão tử khởi xướng ở Trung Hoa, khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.

(5) Bái hỏa giáo (Zoroastrianism) là tôn giáo do tiên tri Zoroaster của Iran truyền bá khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước công nguyên. Đây là một trong những tôn giáo độc thần (một thượng đế – monotheism) sớm nhất thế giới. Trong Zoroastrianism, lửa và nước là hai biểu tưởng tẩy rửa tâm linh, nên đền thờ của đạo này (fire temple) luôn có nước và lửa. Có lẽ vì vậy mà người ta hiểu lầm và gọi đó là đạo thờ lửa (bái hỏa).

3 bình luận về “Một giải pháp nhân bản cho hòa bình thế giới

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s