Khi thủy triều rút…

Thụy Lê – Chủ Nhật,  8/5/2016, 17:33 (GMT+7)

Việc thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng khiến những yếu kém của các ngân hàng ngày càng lộ ra nhiều hơn. Ảnh: TUỆ DOANH

(TBKTSG) – Đã có một thời làm ngân hàng là niềm mơ ước của biết bao người, nhưng từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), các cuộc thanh tra, kiểm tra được thực hiện quyết liệt đã làm lộ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh và cả những điểm yếu kém trong công tác quản trị, giám sát, điều hành.

Đến nay thì đã có ba ngân hàng hợp nhất tự nguyện, ba ngân hàng khác bị mua lại 0 đồng, một hợp nhất với công ty tài chính, sáu buộc phải sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn, một số đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt. Chưa hết, trong giai đoạn 2012-2015, nhiều lãnh đạo cấp cao lẫn cán bộ nhân viên ngành ngân hàng bị điều tra, khởi tố, kết án… liên tiếp diễn ra. Vì sao nghề làm ngân hàng lại lắm rủi ro đến vậy?

Áp lực tồn tại, cạnh tranh và chuyện tăng vốn ảo và lãi ảo

Ngày 22-11-2006, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2006 về danh mục vốn pháp định của các ngân hàng thương mại đến năm 2010 phải đạt 3.000 tỉ đồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính và cạnh tranh của các ngân hàng để hội nhập quốc tế trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập WTO. Quy định này đã đẩy các ngân hàng tìm mọi đường trong cuộc đua tăng vốn, trong khi nguồn lực của cổ đông có hạn và thị trường chứng khoán cũng bắt đầu rớt không phanh từ năm 2007 đã khiến một số ngân hàng phải tăng vốn ảo hoặc đầu tư góp vốn lẫn nhau, hình thành nên mạng lưới sở hữu chéo chằng chịt mà sau đó đã gây ra biết bao hệ lụy và bất ổn cho hệ thống ngân hàng.

Với việc vốn tăng quá nhanh, các ông chủ ngân hàng cũng chịu áp lực phải tăng nhanh lợi nhuận để làm đẹp các chỉ số sinh lời và làm hài lòng các cổ đông. Thế là cuộc cạnh tranh phát triển tín dụng, lôi kéo khách hàng lại rơi vào vòng xoáy khốc liệt. Những khoản đầu tư và cho vay dễ dãi để chạy đua doanh số, tô hồng các chỉ số tăng trưởng trong khi công nghệ quản lý, quản trị rủi ro và quy trình thẩm định, phê duyệt còn chứa đựng nhiều bất cập đã đẩy các ngân hàng vào những rủi ro tiềm ẩn, mà nợ xấu tăng cao như hiện nay là một hệ quả kéo theo. Trong khi đó, các khoản lợi nhuận trên sổ sách tại một số ngân hàng chỉ là ảo khi dựa trên những khoản lãi dự thu kéo dài năm này qua năm nọ.


Với những rủi ro tiềm ẩn và sai phạm tích tụ qua nhiều năm, lúc này thiệt hại và thất thoát đã dồn lại quá lớn, đến mức việc tìm kiếm giải pháp để xử lý là vô cùng khó.

Những quy định pháp luật chưa rõ ràng hoặc không chạy theo kịp sự phát triển của thị trường khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng tham lam vượt rào hoặc lách luật để gia tăng lợi nhuận. Để tối ưu hóa sử dụng vốn với phương châm không để tiền chết, các ngân hàng cạnh tranh lãi suất thu hút tiền gửi từ khách hàng rồi sau đó âm thầm đem gửi tại các ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản với những thỏa thuận lãi suất cao hơn, gây ra bất ổn cho hệ thống và đẩy mặt bằng lãi suất càng lên cao hơn. Việc cho vay công ty con, công ty liên kết vượt tỷ lệ quy định để đầu tư vào những kênh đầy rủi ro như thị trường chứng khoán hay bất động sản cũng khiến một số ngân hàng sau đó phải gánh những khoản lỗ khổng lồ.

Ngoài ra, với các ngân hàng nông thôn được nâng cấp lên thành thị theo Nghị định 141 đã nhanh chóng bộc lộ nhiều điểm yếu, bởi khả năng quản trị không theo kịp sự gia tăng quá nhanh về quy mô hoạt động. Chính những ngân hàng này với tiềm lực vốn ít, tăng trưởng nóng, quản trị rủi ro kém đã thu hút các khoản góp vốn lòng vòng, đẩy lãi suất lên cao, cạnh tranh thiếu lành mạnh và làm rối loạn hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Cho vay sân sau, lòng tham, những khoản lót tay và giấu lỗ

Ngân hàng này của ông A, ngân hàng kia của bà B, ngân hàng nọ do ông C nắm quyền chi phối là điều mà giới tài chính không còn lạ gì. Với vị thế gần như toàn quyền quyết định mọi hoạt động của ngân hàng thì việc cho vay các công ty sân sau của mình với lãi suất ưu đãi là điều không quá khó khăn. Nhiều cổ đông lớn và lãnh đạo ngân hàng đã tùy nghi sử dụng ngân hàng như là một công cụ tài chính, một kênh tài trợ vốn của riêng mình hoặc cho các nhóm lợi ích.

Còn đối với những ngân hàng, công ty tài chính mà lãnh đạo không nắm cổ phần chi phối thì quyết định phát hành những khoản vay, bảo lãnh giá trị lớn kèm theo những khoản lót tay tính theo phần trăm là một lựa chọn khả thi. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ nhân viên ngân hàng suy thoái về đạo đức lại tiếp tay, cấu kết với khách hàng để vừa đạt chỉ tiêu kinh doanh vừa kiếm thêm trở nên ngày càng phổ biến.

Mặc dù đã có những quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên việc một ngân hàng cho vay tập trung vào một khách hàng hoặc một nhóm khách hàng như trên với tỷ lệ vượt mức quy định không phải là không có.

Đến khi nền kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp suy yếu thì các ngân hàng lúc này “đâm lao phải theo lao” nên tiếp tục đảo nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng, cho vay thêm hoặc cộng dồn lãi vay vào khoản vay, càng khiến áp lực chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng thêm. Để rồi đến một lúc nào đó hậu quả ngày càng lớn và không thể khắc phục được nữa, doanh nghiệp phá sản, còn ngân hàng mất vốn.

Tuy nhiên, những khoản nợ xấu và mất vốn lại tiếp tục được che đậy, những khoản lỗ từ đầu tư, cho vay bị giấu đi để các báo cáo tài chính công bố định kỳ vẫn làm hài lòng các cổ đông, gìn giữ uy tín cho các lãnh đạo ngân hàng và hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng trước khách hàng.

Giám sát chồng chéo, chưa chặt chẽ, thiếu cảnh báo sớm, xử lý lại quá muộn

Hiện tại có năm cơ quan có trách nhiệm giám sát tài chính bao gồm Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Về chế độ báo cáo, các tổ chức tín dụng đang thực hiện theo các văn bản như Thông tư 49/2014/TT- NHNN, Thông tư 31/2013/TT-NHNN (thay thế Thông tư 21 và sắp tới sẽ được thay thế bằng Thông tư 35), Thông tư 155/2015/TT-BTC (thay thế Thông tư 52) và các công văn yêu cầu báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khác.

Mặc dù các báo cáo được thực hiện theo định kỳ ngày, nửa tháng, tháng, quí và năm, tuy nhiên các cơ quan giám sát cũng chỉ dựa trên số liệu báo cáo của các ngân hàng để nắm tình hình và đánh giá mức độ hợp lý của số liệu, còn việc số liệu báo cáo có đáng tin cậy hay không thì chỉ đến khi các cơ quan thanh tra vào cuộc mới có thể phát hiện ra.

Thậm chí khi phát hiện ra các sai phạm thì cũng chưa xử lý triệt để. Các cơ quan thanh tra giám sát cũng chủ yếu hậu kiểm và thiếu những cảnh báo thường kỳ cho các ngân hàng, chưa dám công bố thông tin rộng rãi do sợ ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền, điều lẽ ra cần phải thực hiện để các ngân hàng phải hoạt động nghiêm túc nếu không muốn đánh mất niềm tin của khách hàng.

Việc thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng khiến những yếu kém của các ngân hàng ngày càng lộ ra nhiều hơn. Tuy nhiên, với những rủi ro tiềm ẩn và sai phạm tích tụ qua nhiều năm, lúc này thiệt hại và thất thoát đã dồn lại quá lớn đến mức việc tìm kiếm giải pháp để xử lý là vô cùng khó. Khi đó, việc truy cứu trách nhiệm và xử lý chỉ là hành động tất yếu của cả một quá trình được ví như cuốn phim có một kết cục buồn.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s