Phóng sự 4 kỳ :
Hoàng Thiên Nga
Với gần 80 dân số sống bằng nghề nông, hình ảnh về nông dân Việt Nam trước đây gần như mặc định gắn với sự khó nghèo, lạc hậu. Thời hội nhập, nông sản xuất khẩu đòi hỏi phải chứng minh được nguồn gốc và tính bền vững, buộc tình thế phải đổi thay. Một thế hệ nông dân mới giàu có tri thức, kỹ năng cùng mối liên kết chín muồi giữa “nhiều nhà” đang cùng tạo nên một cuộc “cách mạng xanh” đầy ý nghĩa .

Kỳ I- Nhìn từ các loại cây xuất khẩu tỉ đô
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chật vật, kim ngạch xuất khẩu nông sản riêng 7 loại cây trồng chủ lực ở nước ta năm 2014 đã đạt tới 14,25 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dẫn đầu là Cà phê 3,62 tỷ USD; Gạo- 3,04 tỷ ; Điều – 2 tỷ ; Cao su – 1,8 tỷ ; Rau quả – 1,47 tỷ ; Tiêu – 1,2 tỷ ; Sắn – 1,12 tỷ USD. Tuy đều vượt mốc tỉ đô, nhưng tiềm năng, thành quả, và dư địa- khoảng trống còn lại để tiếp tục điều chỉnh, phát huy của mỗi ngành, rất khác .
I-Hành trình lên ngôi của nông sản
Cà phê trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu số 1 trong số các loại cây trồng của cả nước, là hệ quả tất yếu của quá trình đầu tư nhiều thập kỷ, với vô số điều chỉnh công phu, hợp lý và chặt chẽ, từ quy trình kỹ thuật đến phương thức quản lý, góp phần nâng cao dần năng suất, chất lượng, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm. Thời internet phủ sóng tới mọi ngõ ngách, người trồng cà phê năng động nào bây giờ cũng có thể nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ “nhiều nhà” liên quan: chủ trương chính sách của Nhà nước, giống mới cao sản và kỹ thuật thâm canh của nhà khoa học ở các Viện nghiên cứu và bộ máy khuyến nông, sự quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu của các nhà doanh nghiệp, nguồn vốn vay từ ngân hàng (nhà băng), nguồn thông tin dồi dào từ các nhà đài, nhà báo !
Tuy vậy, giá trị kim ngạch của cà phê Việt được dự báo còn gấp chục lần hiện nay, trên mục tiêu tăng dần chế biến sâu, hạn thế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô, xây dựng thêm nhiều thương hiệu đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Tương tự, Hồ tiêu tuy xếp gần cuối hàng, nhưng nhờ năng suất, chất lượng vô địch, mà gia tăng lợi nhuận đáng kể, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về loại hạt gia vị này. Rau quả lên ngôi với nhiều tiến bộ không ngừng về khoa học kỹ thuật, không chỉ ở Lâm Đồng và khu nông nghiệp công nghệ cao các thành phố lớn, mà còn len vào tận vùng xa xôi heo hút như huyện Đắk Glong-Đắk Nông, Kon Plông- Kon Tum, với sự xuất hiện và lao động thực thụ của các trí thức trẻ và nông dân nội địa, các chuyên gia nông nghiệp đến từ Israel, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Cũng là sắn, mà với nông dân Tây Ninh đã thông thạo kỹ năng thâm canh, mạng lưới nhà máy chế biến hiện đại đủ bảo đảm thu mua ổn định, thì đó là cây làm giàu; Còn những nơi trì trệ kiểu tận thu một chiều lạc hậu, sắn vẫn chỉ là cây xóa đói. Gạo, Cao su tuy doanh số và diện tích lớn nhưng cả năng suất, chất lượng, công nghệ lẫn giao dịch thương mại, tiếp cận thị trường vẫn còn trì trệ, mức sống người lao động còn thấp; Điều năng suất kém, diện tích ngày càng giảm, phải nhập khẩu quá nửa lượng hạt thô để chế biến, chủ yếu tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ để lấy công làm lãi, lợi nhuận kém so với giá trị, mà nhu cầu thị trường chưa biết bao giờ mới đủ đáp ứng .

II- Liên kết đầy trách nhiệm và tính nhân văn
Thời hội nhập, để có sức cạnh tranh, loại nông sản nào cũng phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí sạch, ngon, số lượng lớn, giá thành hạ, chiến lược thị trường tốt. Để đạt được điều đó, nông dân buộc phải giã từ kiểu nông nghiệp truyền thống dựa dẫm vào kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm, để tham gia xây dựng chuỗi liên kết mới, bảo đảm đủ các khâu: quy hoạch- cung ứng giống- vốn- kỹ thuật-sức lao động- chế biến sau thu hoạch- xây dựng thương hiệu- tiếp thị thương mại- bao tiêu sản phẩm.
Nhiều nơi lần lượt xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao do chuyên gia xây dựng, truyền bá, nông dân tiếp thu rồi thực hiện thành công, cộng thêm những sáng tạo mới trong quá trình va đập, khi lan truyền có sức động viên, cổ vũ nhiều người khác noi gương, tự mở cho mình hướng đi mới.
Trong sản xuất cà phê ( CP) , sau những chuyến đi thực tế về vùng nguyên liệu, rồi dự cuộc gặp gỡ giao lưu đầu tiên với các thành viên tiêu biểu mạng lưới “hợp tác xã thương mại công bằng” ( HTXTMCB) trên các tỉnh Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột giữa tháng 3 này, tôi (phóng viên) được nghe nhiều chia sẻ thú vị.
Là “nông dân chính hiệu” ở xã vùng sâu, đường đất bụi mù cách Buôn Ma Thuột hơn 70km, sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), được nhóm chuyên gia Green Fairtrade tiếp cận tổ chức tập huấn về phương thức sản xuất bền vững, năm 2010 ông Nguyễn Văn Phúc đã liên kết hàng trăm hộ có rẫy CP thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Kiết (huyện Cư Mgar- Đắk Lắk). Được ngân hàng ADB và Cty cà phê Đắk Man bắt tay tài trợ một dàn máy sơ chế CP ướt trị giá gần 6 tỉ đồng, HTX dành dụm xây thêm nhà kho, sân phơi, đủ điều kiện sản xuất CP sạch chất lượng cao, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cộng thêm vài chục USD mỗi tấn, mọi thu chi của HTX luôn công khai trước toàn thể xã viên.

Ông Phúc cho biết : Với mối liên kết chặt chẽ này, nông dân chúng tôi hiểu rõ cơ hội tiếp cận tốt với người tiêu dùng toàn cầu không chỉ ở chất lượng sản phẩm, cách canh tác gìn giữ sự trong sạch cho môi trường, mà còn bao gồm những tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm, trong đó có yếu tố đạo đức, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những nhóm người yếu thế trong xã hội, như dân nghèo vùng sâu.
Từ HTX TMCB thành công đầu tiên ở Ea Kiết, mô hình được tiếp tục nhân rộng. Riêng ngành CP có thêm các HTX nữa được thành lập ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, với hơn 500 hộ nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, xuất khẩu khoảng 3.500 tấn/năm, tương ứng với nguồn quỹ phúc lợi khoảng 1,3 triệu USD/vụ được hệ thống Fairtrade bảo đảm. Ngoài ra các HTX TMCB cho những mặt hàng nông sản khác như trà, điều, gạo, chanh leo cũng tiếp tục được thành lập v…v… thể hiện phương thức cộng sinh mới đầy trách nhiệm giữa các tổ chức thương mại, xã hội, doanh nghiệp với nông dân.
Anh Võ Khanh ( Sn 1972, nông dân vùng Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) giới thiệu với tôi một loại cà phê Moka vô cùng đặc biệt, ít người biết : Khi chín, trái không đỏ mọng như mọi giống CP khác mà lại ngả sang màu vàng tươi rực rỡ. Anh kể : Loài cà phê vàng- tên quốc tế là Yellow Bourbon này sót lại hiếm hoi từ những đồn điền người Pháp trồng hàng trăm năm trước. Tôi tìm kiếm di thực về vườn được vài chục cây, năng suất tính ra cỡ 3 tấn nhân/ ha. Yên tâm với lợi nhuận bảo đảm cuộc sống từ HTX TMCB, tôi đã nghiên cứu, nhân giống, đang ươm hạt đủ trồng 1 ha vào năm tới. Nhiều bạn hàng khen chất lượng tốt, có bao nhiêu họ mua hết với giá 150.000đ/ ký CP nhân, gấp rưỡi giá CP Arabica, cao hơn 3 lần giá CP Robusta mà Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nhất thế giới.

Anh Khanh liên tục trả lời điện thoại hỏi về cà phê Moka vàng
H.T.N.
***
Nhà nông thời hội nhập – Kỳ II
Phóng sự 4 kỳ :
Hoàng Thiên Nga
Không cần chờ đến lúc “hết gạo chạy rông” mới “nhất nông nhì sĩ”, vì chất nông dân và tình yêu ruộng đồng từ ngàn xưa tới bây giờ vẫn không ngừng chảy trong huyết quản mỗi người con nước Việt, bất kể đó là dân nghèo, công chức, trí thức hay doanh nhân. Cũng từ xuất phát điểm sâu xa ấy, mà mới đây hàng loạt đại gia các ngành khác lại quay về với nông nghiệp, thúc đẩy cuộc “cách mạng xanh” ở Việt Nam vào đà tăng tốc nhanh chưa từng có …
Kỳ II- Nghịch lý nông gia
Không ít chuyên gia nông nghiệp cả đời cống hiến miệt mài, thu nhập vẫn thấp hơn nông dân sản xuất giỏi. Không ít người vừa hứa hẹn đầu tư lập tức được lót đường, rải thảm chào đón với những cơ chế ưu đãi chưa từng có. Đã qua thời “ nhất sĩ nhì nông”, hay kiểu liên kết thời thượng giữa “các nhà” đang rơi đúng thời điểm “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ?
I-Thực nghiệm dưới thung lũng Organik
Chủ vườn trông chẳng khác gì một nông dân thực thụ. Ngày nào ông cũng cần mẫn lao động, trực tiếp chăm sóc rau hoa ở trang trại hẻo lánh, cách trung tâm Đà Lạt gần 16 km, tận tình hướng dẫn miễn phí cho nông dân, sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ khuyến nông tới đây thực tập, hoặc miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm về kỹ thuật ngủ đông đóng gói các giống rau mới. Thỉnh thoảng ông đi xa, giúp tỉnh thành nào đó thiết lập nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, hoặc dùng tiền bán rau dự hội thảo quốc tế, giới thiệu về rau hoa chất lượng cao của Việt Nam với bạn bè thế giới.
Đó là ông Nguyễn Bá Hùng, giám đốc Cty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, người Việt đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học chuyên ngành Di truyền tại Viện Nông nghiệp Quốc gia Pháp năm 1994, rồi hồi hương giúp nông dân áp dụng công nghệ hữu cơ vào sản xuất rau hoa cao cấp từ đó đến nay.
Dốc vốn liếng đầu tư hàng chục tỉ đồng vào thung lũng Organik rộng 5 hecta, mỗi năm, nguồn thu nhập từ hàng trăm tấn rau cao cấp đóng gói ăn liền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Rau Đà Lạt” từ đây được ông ưu tiên dùng chuyển giao kiến thức về di truyền, chọn lọc giống cho nông dân. Mơ ước của ông là vườn Organik được hỗ trợ mở rộng, cách ly mọi nguồn ô nhiễm từ bên ngoài tràn vào, tiếp nhận nhiều hơn nữa lượng sinh viên đến thực tập. Giản dị vậy, nhưng sao mà khó …
Dẫu sao, “tiến sĩ rau sạch” cũng đã tạo dựng được một cơ ngơi đủ để độc lập làm việc và cống hiến, trong khi còn biết bao nhiêu nhà khoa học khác cũng miệt mài ngày đêm trên đồng ruộng, tạo ra các bộ giống cây trồng cao sản mới, ví dụ cà phê, tiêu năng suất cao nhất thế giới, nhưng thu nhập không so nổi với những nhà nông cần cù ứng dụng kết quả nghiên cứu của họ !
Đà Lạt, nhiều người biết anh Mai Văn Khẩn, hai mươi năm trước tay trắng từ Thanh Hóa vào cưới vợ làng hoa Thái Phiên, tập trồng và kinh doanh rau. Từ các đặc sản rau sạch độc đáo trồng trong nhà kính xứ lạnh như súp lơ xanh, củ cải đỏ, su hào tím, xà lách lô lô, bắp sú bao tử đạt tiêu chuẩn VietGAP, anh trở thành chủ nhiệm Hợp tác xã, mỗi ngày cung ứng trên 1,5 tấn rau, củ vào siêu thị, thu nhập trên dưới 3 tỉ đồng/năm. Đắk Lắk, nhiều người biết “tỉ phú Mười Bơ”- cách gọi quen thuộc anh Trịnh Xuân Mười, cậu thiếu niên nghèo đói từ Diễn Châu-Hà Tĩnh đi lậu vé tàu lên Tây Nguyên làm thuê, buôn trái cây, sau hai mươi năm nay đã trở thành nhà tạo giống bơ nổi tiếng, sở hữu cả chục giống bơ ngon, hiếm quý.

Nhà nông tỉ phú cỡ như anh Khẩn hay Mười Bơ giờ chưa phải quá nhiều, nhưng cũng không còn là “của hiếm”, từ Bắc vào Nam có tới mấy chục “vua” gắn liền tên với loại cây con nào đó như nho, bơ, vải, nhãn, mít, chuối, heo rừng, chồn hương… Nông dân ngày ra đồng, tới trang trại, đêm về lướt net tra cứu thông tin, mở web chào hàng, lái ô tô bạc tỉ điệu nghệ, du lịch khắp Á Âu thăm thú học hỏi không còn là chuyện lạ nữa !
Tuy nhiên, phải tới lúc các đại gia lừng lẫy thương trường quay về làm nông, thì cuộc chơi mới trở nên ngoạn mục hơn bao giờ hết !
II- Top 3 tỉ phú đô la khoác áo nhà nông
Việc đại gia gỗ và bất động sản Đoàn Nguyên Đức ào ạt đầu tư vào cả trăm nghìn hecta đất để trồng cao su, bắp lai, trồng mía, dầu cọ với quy mô “liên quốc gia”, trải rộng từ nội địa sang Lào, Campuchia, Myanma khiến công chúng bàng hoàng. Xưa nay Bầu Đức nổi tiếng mạnh mẽ táo bạo, miệng nói tay làm, hiếm khi quyết đoán sai. Và quả nhiên, chẳng bao lâu sau đó, những con số lãi khủng từ mảng đầu tư vào nông nghiệp của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã cho thấy Bầu Đức đủ sức dẫn dắt cuộc chơi. Chỉ với đề nghị “tạm nhập tái xuất” 8 vạn tấn đường ông sản xuất tại Lào trong 2 năm 2014-2015, đã khiến Hiệp hội Mía đường Việt Nam rúng động !



Rồi chỉ sau 7 tháng nuôi bò, hợp tác với Vissan, trong buổi công bố ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Australia chiều ngày 4/2/2015, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức lại hào hứng tuyên bố “ Nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh” ! Siêu lãi cỡ nào, khó đoán ! Điều dễ thấy là các bà nội trợ khoái mua thịt bò của Bầu Đức nuôi: ngon, sạch, lại rẻ hơn giá thị trường 8 nghìn đồng/ký.
Không rõ có phải là tác động dây chuyền, mà chỉ vài ngày sau đó, trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm Ất Mùi, tỷ phú đôla số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup tiết lộ ông cũng sẽ … làm nông, bằng cách ứng dụng công nghệ của Isarel để sản xuất rau quả sạch giá rẻ cho người Việt, bắt đầu từ đất Quảng Ninh.
Rồi tới lượt ông Trần Đình Long đại gia giàu nhất ngành Thép, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm, dự kiến cho ra thị trường lô hàng đầu tiên giữa năm 2015, giải quyết một phần nghịch lý mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu tới hơn 3 tỉ USD thức ăn chăn nuôi, ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI lũng đoạn thị trường.
Với đạo đức và uy tín của 3 tỉ phú hàng đầu này, cái cách họ đặt chân vào nông nghiệp đã tạo nhiều niềm tin tích cực, hơn là lo lắng ! Theo chân họ, hàng chục đại gia trước đây chuyên đầu tư vào các ngành xây dựng , giao thông, chế biến xuất khẩu gỗ cũng tích cực liên hệ với chính quyền các tỉnh có diện tích rừng nghèo và đất lâm nghiệp lớn để xin đất, thuê đất làm các dự án lớn về trồng trọt, chăn nuôi.
Hơn 10 năm trước, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa 5 Nhà: Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng) và nhà nông. Trong đó, Nhà nước chuyên lo cơ chế chính sách, Nhà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu, Nhà khoa học tạo giống tốt và công nghệ giúp hạ giá thành, Nhà băng cho vay vốn đầu tư thâm canh. Cả 4 Nhà này phải tích cực giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc cho nhà nông thì nông nghiệp mới phát triển, các bên cùng có lợi. |
H.T.N.
***
Nhà nông thời hội nhập – Kỳ III
Phóng sự 4 kỳ :
Hoàng Thiên Nga
Thời phủ sóng internet khắp thành thị làng quê, các giống cây quý dễ dàng được phát hiện, di thực, và trở nên nóng sốt nếu người ta phát hiện được những lợi ích hấp dẫn mà nó có thể mang lại. Mối liên kết từ lỏng lẻo bỗng trở nên quá hăm hở giữa “các nhà”, ngoài mặt tích cực thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển, cũng có thể nảy sinh những vấn đề cần được xem xét thấu đáo .
Kỳ III- Cơn sốt mắc-ca
I. Cơ chế vào cuộc
Những ngày này, trên khắp Tây Nguyên, đi đâu cũng nghe nói về mắc-ca! Dân chúng thì ráo riết lùng giống thuê đất, nhiều đoàn xe của doanh nghiệp, quan chức các cấp lũ lượt nối đuôi nhau tham quan các vườn mắc-ca. Một dự án hoàn tất từ 10 năm trước, nay được liên tục tra cứu – dự án phát triển cây macadania tại Việt Nam 2005.
Theo giáo sư Hoàng Hòe- giám đốc dự án, mỗi cây mắc ca cho quả liên tục trong hơn 60 năm, sau 10 năm tuổi bình quân 1 ha mắc ca trưởng thành cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ năm. Nếu chế biến sâu thành mỹ vị hay mỹ phẩm, giá trị của nó tăng gấp chục lần. Hiện sản lượng mắc ca trên toàn thế giới chỉ đáp ứng được 25 – 30% nhu cầu tiêu dùng, do rất ít vùng có khí hậu phù hợp để mắc ca đậu quả. Việt Nam có thể phát triển khoảng 20 vạn ha mắc ca ở Tây Nguyên và Tây Bắc, với mục tiêu đạt giá trị thương mại xấp xỉ 4 tỷ đô la vào khoảng năm 2030, nếu tích cực xây dựng vùng nguyên liệu ngay từ bây giờ.
Hiếm có dự án nông nghiệp nào đủ sức tác động liên hoàn mạnh mẽ đến như vậy. Năm 2010 Tổng cục Lâm nghiệp đưa mắc ca vào danh sách cây lâm nghiệp, có nghĩa là cây này có thể trồng trên đất rừng mà không cần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Năm 2012 Bộ NN&PTNT có kế hoạch phát triển và quy hoạch vùng trồng mắc ca. Năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định 210 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó giành vị trí đặc biệt cho cây mắc ca, ghi rõ ở Khoản 1 Điều 12 , nguyên văn “ Hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc ca : Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng.” Theo đó, Thông tư hướng dẫn thanh toán, quyết toán các khoản hỗ trợ này sẽ chính thức có hiệu lực từ 27/4/2015.
Sự ưu đãi chưa từng có này khiến nhiều người băn khoăn : Vì sao ngân sách luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai” lại có thể chi hào phóng đến thế cho các nhà đầu tư mắc ca, khi dự án diện tích và quy mô lớn như vậy chỉ có thể do các đại gia lập nên ? Liệu có sự “lobby” chính sách nào phía sau khoản 1 điều 12 này không ?
II. Làm giàu với mắc ca
Tôi đã đến khu vườn rộng 8,8 ha, do Cty Vinamacca thuê lại đất cà phê cằn cỗi kém hiệu quả phải thanh lý của Cty cà phê 715 B huyện Ma Đrắk để trồng mắc-ca, tận thấy loài cây du nhập từ Úc về thuần hóa với điều kiện Việt Nam, mới đến tuổi thứ ba đã chi chít hoa trái. Hoàng Phúc- phó giám đốc Vinamacca, con trai giáo sư Hoàng Hòe, cho biết: chỉ mùa thu bói đầu tiên, nếu bán hạt với giá thị trường thế giới 3,5 USD/kg chứ không để ươm giống, thì Cty đã thu đủ vốn đầu tư làm vườn suốt 3 năm qua.
Giữa tháng 3/2015, tôi lại cùng Hoàng Tùng- giám đốc Vinamacca, em trai Hoàng Phúc về thôn 12 xã Krông Buk huyện Krông Pắk, gặp ông Đoàn Trọng Nghiêm- một khách hàng mua 400 cây giống của Cty Vinamacca gần 4 năm trước. Ông Nghiêm hào hứng đưa chúng tôi đi xem vườn. Vườn cạnh nhà ông trồng mắc-ca giữa vạt ớt chỉ thiên, rẫy xa nhà ông trồng mắc-ca xen cà phê và bơ. Nơi nào mắc-ca cũng trổ dày hoa, nhiều cây đã kết nhiều chùm trái đong đưa như chuỗi ngọc, hương thơm ngọt mát. Con trai ông Nghiêm trước khi đi xuất khẩu lao động Israel thấy bố dốc túi mua mắc ca về trồng từng hết mực can ngăn, bảo vùng này nóng sao nó đậu trái nổi. Bây giờ cậu lại nằn nì anh Tùng chừng nào có giống thì ưu tiên nhượng trước cho nghìn bầu nữa, em đang mua thêm rẫy! Trên chặng đường giòng xóc dài hơn 120km cả đi lẫn về, Tùng phải liên tục trả lời điện thoại, từ chối hàng chục lời đề nghị xin mua cây giống khác nữa vì đã hết hàng từ lâu. Mà mỗi đợt giống phải đủ 2 năm mới bảo đảm chất lượng.



Nhưng vườn mắc ca trưởng thành đầu tiên, chứng minh hiệu quả kinh tế rõ ràng nhất trên Tây Nguyên có lẽ là vườn của vợ chồng ông bà Đức Ba- Kim Lan ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Trò chuyện với tôi, bà Lan kể 10 năm trước, một người cháu chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu đã mua hạt giống mắc ca từ Úc về hướng dẫn ông bà tự ươm, sau đó cháu lại sang Úc mua chồi mắc ca về tập cho ông bà tự ghép thành công. Hiện 8 sào vườn nhà bà có 250 cây mắc ca từ 9-10 tuổi, cho hạt vừa tách vỏ xanh bình quân 25 ký/cây, bán chế biến thực phẩm giá 250.000đ/ ký, loại hạt lớn đẹp chọn bán giống thì giá 500.000đ/ ký…Thời trẻ, ông từ chiến khu ra, bà làm kế toán. Theo cách bà kể, tôi tính vụ rồi, 8 sào mắc ca này cho ông bà khoản thu nhập trên 1,3 tỉ đồng. Khoản tiền đó, bà cởi mở bảo đâu có xài hết ! Các con có việc làm thu nhập cao hết rồi, ông bà để dành cho các cháu …

III. Chọn thủ phủ cho mắc ca
Ngày 19/3/2015, tháp tùng đoàn đưa Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đi thăm vườn mắc ca của một số hộ dân xã Đắk Buk So huyện Tuy Đức- Đắk Nông, Bí thư huyện ủy Trần Đình Mạnh cho tôi biết trên địa bàn huyện hiện đã có khoảng 500 ha mắc ca từ 2-4 năm tuổi. Huyện ủy chủ trương giành quỹ đất khoảng 14.000 ha có bình độ trên dưới 700m , khí hậu thích hợp để phát triển mắc ca quy mô công nghiệp lẫn nông hộ, với quyết tâm biến Tuy Đức thành vùng nguyên liệu trọng điểm, thậm chí thành thủ phủ mắc ca trên Tây Nguyên.


Cùng ngày, tranh thủ làm việc với lãnh đạo huyện Tuy Đức ngay trên những vườn mắc ca xanh tốt, ông Nguyễn Đức Hưởng Phó Chủ tịch LienVietPostBank cho chúng tôi biết ngân hàng đã lên kế hoạch dành 20 nghìn tỉ đồng cho hộ gia đình và doanh nghiệp vay tín dụng dài hạn 7 năm để đầu tư xây dựng vườn mắc ca, ân hạn cả nợ gốc và lãi trong 5 năm đầu, mức lãi suất và quy trình cho vay sẽ công bố vào đầu tháng tư sắp tới.


Là cổ đông lớn của Tập đoàn Him Lam, ông Hưởng cũng tiết lộ Him Lam sẽ xin 1.000 ha đất tại mỗi tỉnh Tây Nguyên để ươm giống và cung cấp giống theo tiêu chuẩn quốc tế cho nông dân với giá rẻ. Trong năm 2015, Tập đoàn cũng sẽ khởi công và hoàn thành việc xây dựng nhà máy chế biến mắc ca, thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam, mở một công ty cổ phần bảo hiểm để bảo hiểm vườn mắc ca cho tất cả các thành viên trong hiệp hội.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm đề xuất Chính phủ bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới; đồng thời ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta cần chú trọng việc trồng và sản xuất quy mô lớn, chế biến, tiêu thụ, tận thu các sản phẩm từ mắc ca; đưa loại cây này trở thành sản phẩm của Việt Nam, thậm chí đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc về mắc ca của thế giới.
Đại tướng Trần Đại Quang
(Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên)
H.T.N.
***
Nhà nông thời hội nhập- Kỳ IV
13:07 ngày 26 tháng 03 năm 2015
Những điều cần cảnh báo
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương nghe ông Trần Đình Mạnh, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), giới thiệu về kế hoạch mắc ca tiểu điền cho đồng bào
Đừng lặp lại chứng bệnh phong trào, thành tích
Cái cách nhiều người gần đây chỉ vì nghe truyền miệng về loại “cây trồng tỷ đô” mà nháo nhác đi săn lùng cây giống bằng mọi giá để trồng, thậm chí không ngần ngại chặt bỏ những vườn cây lâu năm để dành đất cho “nữ hoàng mắc ca”, là dấu hiệu cho thấy sẽ có không ít kẻ thảm bại vì chỉ chạy theo phong trào mà không tìm hiểu kỹ lưỡng.
Gần đây, loại cây bị chặt bỏ nhiều nhất là cao su, bất kể còn non hay đã trưởng thành, vì trượt dốc tới nay chưa thấy đâu là đáy của đà rớt giá, hiện chỉ còn bằng 1/3 so giá mủ cao su trên 100 triệu đồng/tấn hồi năm 2011. Cao su còn bị chặt, thì rừng càng bị đốt phá mạnh hơn. Dọc các quốc lộ xuyên Tây Nguyên, không đoạn nào không gặp những ngọn đồi, những cánh rừng bị cạo gọt trơ trụi. Có nơi mắc ca đã kịp nẩy chồi, có nơi đã đào hố sẵn, chỉ chờ cây giống.
Từ đồng bằng Nam bộ, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nghe phản ánh về khí thế rầm rộ của mắc ca đang đổ bộ lên Tây Nguyên, mà thở dài nhắc lại nỗi đau hàng loạt phong trào từ “phân chuồng phân xanh”, “khoai lang bồ”, tới “tăng diện tích và sản lượng lúa Thần nông”, dùng máy bay rải lúa giống, tham vọng phát triển bò lai Sin và bò sữa Úc khiến nhiều người dân mang nợ, Nhà nước mất vốn đầu tư… Ông sợ dân chúng lại mắc bẫy “quảng cáo bán giống”, rơi vào thảm cảnh sản xuất càng nhanh, càng nhiều lại càng… nghèo như với lúa gạo, cá tra.
Thận trọng không thừa
Tại Lễ hội Cà phê lần thứ 5, thấy nhiều người vui mừng mua được cây giống mắc ca trong hội chợ, tôi hỏi cậu thanh niên đang bán cây giống mắc ca về địa chỉ vườn ươm, cậu lúng túng, vòng vo. Dọc các quốc lộ 14, 26, 27 xuyên các tỉnh Tây Nguyên, ai cũng thấy nhiều điểm bán cây giống mắc ca, giá cả vô chừng, cây thực sinh 30-40 nghìn đồng/bầu, cây ghép rồi giá đắt hơn, nhưng đường kính thân nhỏ bằng nửa chiếc đũa.
“3 nhà” hợp tác tái canh cà phê
Một nhóm hộ dân có mắc ca đã cho thu hoạch 2 vụ ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk sau một thời gian dò hỏi khắp nơi, mới bán được gần 1 tạ hạt mắc ca với giá 40-50 nghìn đồng/ký. Chị Lan, một chủ hàng, cho biết, dù chị vẫn lên mạng tra cứu thông tin, biết giá thu mua mỗi ký hạt mắc ca trung bình của thế giới tương đương 100 nghìn đồng, nhưng khi chào bán lại rất khó khăn, nơi mua chê hạt nhỏ, chất lượng kém, ẩm độ cao, giống không ngon. Chị nói: “Kiếm dăm bảy chục triệu mỗi héc – ta đã khó, mà người ta cứ ầm ầm quảng bá “cây tỷ đô”.
Anh Hoàng Tùng, Giám đốc Cty Vinamacca, trong 6 năm rưỡi du học ở Úc đã có nhiều dịp lao động, học nghề ghép giống, chế biến sản phẩm trong vườn mắc ca rộng 100 ha của ông Kim J. Wilson-Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc. Anh cho rằng, người mua giống ở những điểm bán giống cây thiếu trách nhiệm đã không tìm hiểu kỹ để biết rằng, cây mắc ca thực sinh không được ghép chồi giống tốt sẽ bị phân ly gene, không có quả hay quả ít đã đành, mà những cây mắc ca non đường kính dưới 7mm đã vội ghép thì khả năng sinh trưởng cũng rất kém.
Trong số vườn mắc ca trên Tây Nguyên mà anh Tùng đã tới, năng suất cao nhất hiện nay thuộc về vườn mắc ca 100 cây trồng 11 năm của nhà anh Thu ở xã Phú Lộc, Krông Năng, Đắk Lắk. Có cây 3 năm liền cho thu hoạch 40-50kg/vụ. Nhưng tính trung bình cả vườn chỉ 20 kg hạt/cây, vì có vài giống năng suất kém, dù tất cả các cây giống đều bảo đảm ươm ghép đạt kỹ thuật, chăm sóc trước khi xuất bán đủ 2 năm.
Và dù cây giống tốt, nhưng nếu khí hậu tiểu vùng không phù hợp, trong thời gian cây phân hóa mầm hoa kéo dài 4-5 tuần mà nhiệt độ không xuống thấp dưới 20oC, hoặc tầng đất không sâu dày, kém thoát nước, thì mắc ca có sống được, ra hoa dày mấy cũng chẳng đậu quả.
TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nhận định đề án phát triển mắc ca khổng lồ của tập đoàn Him Lam là có cơ sở, đã được tính toán kĩ, đi đúng hướng từ giống, trồng trọt, chế biến đến thị trường. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng, mục tiêu 200.000 ha diện tích trồng mắc ca ở Việt Nam từ nay đến 2030 là không khả thi, phân nửa con số đó may ra đủ sức, đã bằng cả diện tích trồng mắc ca cả thế giới hiện nay.
Bảo đảm quyền lợi cho dân nghèo
Những đòi hỏi và tính chất của nền nông nghiệp công nghệ cao khiến không ít người nghi ngại, phần lớn nông dân, nhất là đồng bào nghèo vùng sâu sẽ bị “loại khỏi cuộc chơi”, sẽ mất đất canh tác, nhiều quyền lợi ưu đãi sẽ rơi vào túi các đại gia, nhà đầu tư giàu có.
Những ngọn đồi xanh cả màu mắc ca, tiêu, cà phê ở Tuy Đức, Đắk Nông
Trò chuyện với tôi, ông Trần Đình Mạnh, Bí thư huyện ủy Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nơi đang hội đủ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn đất để có thể xây dựng thành “thủ phủ mắc ca” trên Tây Nguyên, khẳng định tập thể huyện ủy đã trình lên tỉnh đề án tránh được những mối lo chính đáng đó.
Dự kiến dành 14.000 ha đất cho mắc ca dưới cả 3 dạng trồng thuần, trồng xen trong cà phê và trồng dưới tán rừng nghèo. Ngoài diện tích hạn chế sẽ giao cho một số doanh nghiệp chủ công đầu tàu xây dựng vườn giống, nhà máy, đặt các chi nhánh giao dịch thu mua và cung ứng vốn mang tính dẫn dắt, hỗ trợ nông dân, huyện ủy đã trình lên tỉnh đề án mắc ca tiểu điền nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho dân nghèo, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đó, mỗi hộ sẽ được giao 2 ha đất, huyện hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn dân mua giống tốt giá rẻ, ngân hàng cho vay vốn trung hạn lãi thấp. Huyện đang nghiên cứu chọn một số giống khoai lang ngon, tam giác mạch cao sản của Nhật Bản và các loại đậu đỗ trồng xen mắc ca trong những năm chưa có thu hoạch để lấy ngắn nuôi dài.
Vì các lô mắc ca này liên khoảnh, đồng bào có thể được nhận khoản hỗ trợ 15 triệu đồng/ha xây dựng vùng nguyên liệu như Nghị quyết 210 quy định. Vì mắc ca là cây lâm nghiệp, nên khi cây khép tán, chủ lô còn được nhận thêm tiền dịch vụ môi trường rừng.
Ông Mạnh nói: “Thực tế cho thấy từ 500 ha mắc ca mà 5-6 năm qua đồng bào đã trồng với lối canh tác thô sơ trên địa bàn huyện, dù không bón phân, tưới nước, mới năm thứ 3 đã cho thu hoạch, thì không cần nói vống lên làm gì. Chỉ chọn mức thấp nhất mỗi héc – ta đem lại khoản thu nhập cỡ 100 triệu đồng/năm cho các hộ nhận lô thôi, cách bắt tay chặt chẽ giữa “nhiều nhà” như hiện nay chắc chắn sẽ xóa đói giảm nghèo hiệu quả đồng bào nghèo vùng sâu”.
Và không chỉ với mắc ca, hàng triệu nông dân đang canh tác các loại cây trồng giá trị khác như cà phê, tiêu, nhiều loại cây trái rau hoa cao sản cũng đã, đang, sẽ cần được mối liên kết chặt chẽ giữa “nhiều nhà” hỗ trợ và bảo vệ các quyền lợi chính đáng, vì họ mới là “nhân vật chính” trong cuộc cách mạng xanh này.
“Thái Lan cũng là nước nông nghiệp truyền thống với 80% dân số nông thôn. Từ thách thức diện tích canh tác bị thu hẹp, nông dân bỏ ruộng vườn đi làm thuê, Thái Lan đã cho ra đời một loạt chính sách như trợ giá nông sản, công nghiệp nông thôn, mở cửa thị trường thu hút đầu tư… kết hợp được kinh nghiệm truyền thống và công nghệ hiện đại, giúp nông dân Thái Lan thay đổi nhận thức, thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng nhanh, một số lĩnh vực đứng đầu thế giới”, TS Nguyễn Hoàng Sa nói.