Nhức nhối đất nông lâm trường ở Tây Nguyên – 2 bài

Nhức nhối đất nông lâm trường ở Tây Nguyên: [Bài 1] Dưới bóng ma ‘phát canh thu tô’ kiểu mới

NN – Thứ Ba 16/08/2022 , 10:41

Những hợp đồng khoán sản xuất thực chất vẫn theo kiểu phát canh thu tô ở tỉnh Đăk Lăk hệt như ‘bóng ma’ ám ảnh người nông dân nhận khoán suốt bao năm qua.

LTS: Doanh nghiệp ôm diện tích lớn đất đai màu mỡ nhưng hoạt động không hiệu quả, trong khi người dân liên kết nhận khoán phải chịu vô số các khoản thu. Mâu thuẫn, bất ổn đang ngày càng nhức nhối trên hàng vạn ha đất nông lâm trường ở Tây Nguyên.

Nông dân nhận khoán gánh hàng loạt các khoản thu ở Đăk Lăk. Ảnh: Minh Quý.

Còng lưng gánh các khoản thu

Từ thành phố Buôn Ma Thuột xuôi theo QL26 và QL27 là các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar… những cao nguyên đất đỏ bazan trù phú, bạt ngàn. Chỗ trồng cao su, chỗ cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh leo… nơi nào cũng là màu xanh cây trái. Anh bạn đồng nghiệp người địa phương kể, từ thuở thăm dò để lên kế hoạch chiếm Tây Nguyên, những nhà thám hiểm người Pháp như Yersin, Giám mục Cassaigne, Linh mục Pierre Dourisboure… đã nhận định đất bazan ở đây là tốt nhất thế giới, rất lý tưởng để mở các đồn điền phát triển cây công nghiệp. Dưới thời Pháp thuộc dọc tuyến đường này là những đồn điền cà phê, cao su, chè xanh rộng cả chục ngàn ha. Sau giải phóng, các nông lâm trường cà phê quốc doanh được thành lập để đón dân các nơi đến vừa phát triển kinh tế vừa ổn định đời sống.

Mấy mươi năm, không thể phủ nhận những nông trường quốc doanh đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, khai thác lợi thế để đưa hạt cà phê đi khắp thế giới. Tuy nhiên thực tiễn bây giờ doanh nghiệp thê thảm mà dân khổ quá. Như ở các đơn vị trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe). Chỗ nào dân được quyền làm chủ đất đai thì khá giả, chỗ nào liên kết với các công ty chỉ thấy đơn thư, khiếu nại, tranh chấp… Dồn nén đến mức ngột ngạt, không biết sẽ “vỡ trận” lúc nào.

Đất đai bạt ngàn, trù phú, nhưng người nông dân Tây nguyên nhiều nơi vẫn chưa thể khá giả. Ảnh: Hoàng Anh. 

Người Đăk Lăk quen gọi chung vùng cà phê rộng lớn ở huyện Cư Kuin là xí nghiệp cà phê Việt Đức. Nghe kể, từ những năm 1970 xí nghiệp cà phê này được hình thành bằng nguồn vốn hợp tác giữa Việt Nam và Đức, sau đó tách thành các nông trường cà phê vào những năm gần Đổi mới. Dần dà các nông  trường chuyển thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Vinacafe bao gồm: Việt Đức, Việt Thắng, Ea Sim, Ea Ktur, Ea H”Nin, Chư Quynh, Ea Tiêu. Đất đai mấy nghìn ha, dù có thoái hóa đi nhiều nhưng vẫn thuộc loại màu mỡ, tươi tốt và rộng mênh mông. Vậy mà, đi đến đâu cũng thấy doanh nghiệp kêu thua lỗ, cũng gặp cảnh người dân hết đơn thư tố cáo lại thở than kể khổ.

Trong căn nhà cấp 4 nằm lẩn khuất giữa vườn cà phê, hồ tiêu ở thôn 8, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, vợ chồng lão nông Phạm Thế Hải (66 tuổi) và Nguyễn Thị Vừng (62 tuổi) vừa lôi mớ giấy tờ liên quan vừa ngao ngán: Bình thường đã vất vả lắm rồi, năm nay giá phân bón tăng cao nữa, chẳng biết có dư ra được đồng nào để nộp sản không đây. Làm nông nghiệp vốn đã bấp bênh, làm liên kết với các công ty cà phê còn phải gánh thêm nhiều khoản nộp sản cho các công ty nữa lại càng khốn đốn.

Những khoản thu từ hợp đồng khoán của gia đình ông Phạm Thế Hải. Ảnh: Hoàng Anh. 

Vợ chồng ông Hải, bà Vừng người quê Nam Định, người quê Thanh Hóa. Quê hương đất chật người đông, cả gia đình dắt díu nhau vào đây, cứ ngỡ đất đai bạt ngàn lại có sức vóc, chịu khó lao động cũng không đến nỗi. Vậy mà mấy chục năm năm trời, gia cảnh xem chừng vẫn còn lắm lo toan. Hai vợ chồng 5 đứa con làm lụng quần quật cũng không khá nổi. Vật giá ngày một leo thang, năng suất vườn cây ngày một giảm mà phương án nộp sản thì vẫn như thế, nói người nhận khoán phải cắn răng chịu cũng không sai.

Ông Hải đưa giấy tờ kèm theo hợp đồng khoán với Công ty TNHH MTV cà phê Ea Tiêu lưu giữ từ năm 2017. Với diện tích hơn 6.000m2 nhận khoán, tính ra mỗi năm gia đình phải nộp từ 3- 8 tạ cà phê cho công ty. Phương án nộp được gửi đến tận nhà, quy định nộp sản phẩm tại xưởng của công ty, tỷ lệ chín vàng, thời gian phải nộp, lãi suất…

Bà Nguyễn Thị Vừng. Ảnh: Minh Quý.

Đơn cử như thông báo các khoản năm 2021 bao gồm: Phần cứng 418 kg, sản phẩm nộp sửa chữa đường lô 20 kg, trong đó giảm do hết chu kỳ kinh doanh 77 kg, giảm do hạn hán năm 2020 được 23 kg…

“Cà trồng mấy chục năm đã già hết đát rồi, phía công ty họ không đầu tư gì cho chúng tôi cả, gần như chỉ giao đất trắng, dân bỏ tiền đầu tư 100% vậy mà năm nào họ cũng thu. Hết tiền sản, tiền làm đường lại đến tiền truy thu thuế đất, không nộp không xong đâu chú ơi. Nặng nề nhất là năm 2017, những hộ nhận khoán còn bị truy thu tiền thuê đất mấy năm, gia đình tôi phải đóng hơn 2,6 triệu đồng. Tự nhiên thấy công ty phát thông báo truy thu từ năm 2017 trở về trước. Cùng lúc gia đình phải nộp tiền thuê đất từ năm 2006 đến năm 2010, tiền thuê đất năm 2015, 2016, 2017… Hỏi thì họ nói là điều chỉnh chính sách gì đó, dân chẳng biết đường nào mà lần”, vợ chồng ông Hải nói mà như than.

Đang dở câu chuyện cùng ông Hải thì có ông Nguyễn Xuân Hòa hàng xóm sang chơi. Ông Hòa quê ở Nghệ An, vào đây từ năm 1979. Mấy chục năm làm công nhân nông trường, nhận khoán với công ty,  ông đúc rút: Rõ ràng là các công ty vẫn làm theo kiểu phát canh thu tô, sống dựa vào hợp đồng khoán sản phẩm với người dân. Chẳng đầu tư gì nhưng khi dân có ý kiến thì họ nói trả đất cho Nhà nước đi, đừng có làm nữa. Vô trách nhiệm đến thế là cùng. Dân chúng tôi rời quê hương bản xứ vào đây, gần nửa đời người đóng góp xây dựng mảnh đất này, bây giờ nói bỏ là bỏ làm sao? Bỏ rồi thì dân sống bằng gì?

Đất nông lâm trường đang là vấn đề nhức nhối ở Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Dân kêu là phải

Đi một vòng quanh các xã Ea Tiêu, Ea Ktur, Ea Ning, Ea Bhôk của huyện Cư Kuin gặp rất nhiều hộ đang phải “cắn răng nộp sản” như gia đình ông Hải. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu xác nhận: Ở nhiều nơi chỉ còn cán bộ đảng viên là chấp hành phương án nhận khoán của các công ty, còn lại người dân họ không nộp nữa.

Có người nói như thế là chống đối nhưng không phải, là vì không hài hòa được lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi không dùng từ “phát canh thu tô” nhưng đã nhiều lần kiến nghị với các công ty phải thay đổi. Liên kết với người dân nhưng không đầu tư, hỗ trợ gì, chỉ thu sản phẩm thì dân họ kêu là phải. 

Cả xã Ea Tiêu có diện tích tự nhiên khoảng hơn 4.500 ha, 5.200 hộ dân, chủ yếu là dân kinh tế mới ngoài Bắc vào từ những năm 1970 và đồng bào Ê đê tại chỗ. Ông Dũng chia sẻ, đa phần diện tích ở những vị trí đẹp nhất đều thuộc quản lý của các công ty cà phê nên sinh kế của dân dựa vào các hợp đồng khoán liên kết hoặc bỏ xứ đi làm thuê. Mấy năm gần đây, số hộ bỏ vườn tược đi ngày một nhiều, cũng là vì không chịu nổi với các phương án liên kết. Chính quyền rất trăn trở. Đất đai vứt thứ gì xuống cũng tươi tốt, hà cớ gì dân phải bỏ đi, hà cớ gì chủ đất cứ kêu lỗ?

Biển bán đất treo ngay trên diện tích các công ty cà phê quản lý. Ảnh: Minh Quý. 

Gia đình ông Chủ tịch xã Ea Tiêu cũng có 2 ha nhận khoán của Công ty cà phê Việt Đức. Cây cà phê đúng là của nông trường trồng từ năm 1985 nhưng đã khấu hao vườn cây hết rồi, người dân tự tái canh, không còn gì là của doanh nghiệp cả. Vậy mà có rất nhiều khoản khoán trực tiếp vào người lao động như chi phí quản lý, khấu hao tài sản, thủy lợi, an ninh, tiền thuê đất…

Trước đây phương án khoán 1 ha thu từ 2,8 -3 tấn cà phê tươi rồi giảm dần xuống 2,2 tấn, 1,8 tấn mỗi năm. Nông dân mỗi vụ đầu tư hết khoảng 60-70 triệu đồng/ha, thu về 5 tấn cà phê nhân, giá hiện tại bán được 160 triệu đồng. Nếu chấp hành phương án nộp sản của công ty, mỗi vụ người dân phải nộp 5 tạ cà phê nhân, tương đương khoảng hơn 15 triệu đồng. Cộng thêm tiền thuê nhân công nữa nhiều khi chịu lỗ, nên ở nhiều nơi dân bỏ vườn đi làm thuê là vì thế.

Người dân không bác bỏ thành quả của các công ty cà phê thời gian trước nhưng bây giờ rất thê thảm. Nơi khác có doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thì mừng, từ xây dựng nông thôn mới đến an sinh xã hội đều được hỗ trợ. Xã Ea Tiêu có 3 công ty cà phê đều tình trạng “chết chưa chôn”. Dân họ rất hiểu đất đai Nhà nước quản lý, nhưng phải làm sao để phát huy được tiềm lực, phải có các mô hình sản xuất để có thể vừa thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước vừa phát triển kinh tế, chứ kéo dài như thế này sẽ rất phức tạp.

Đất đai hoang hóa, cơ sở đắp mền ở các công ty cà phê. Ảnh: Minh Quý. 

Huyện Cư Kuin có hơn 7.000 ha đất do các công ty cà phê quản lý theo hình thức hợp đồng khoán với người dân.

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy thừa nhận, các công ty tiếng vẫn là hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê nhưng bản chất sau hơn 30 năm vườn cây không còn nữa, nếu chỉ sản xuất cà phê không thì không đủ bù chi phí. Đất của Nhà nước, người dân đầu tư sản xuất thì vai trò của doanh nghiệp có còn gì nữa đâu? Nếu công ty không phát triển được nữa thì giao cho người dân để họ thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước chứ.

Hoàng Anh – Minh Quý

***

Nhức nhối đất nông lâm trường ở Tây Nguyên: [Bài 2] Vinacafe làm gì với 13.000ha đất sau chỉ đạo của Thủ tướng?

NN – Thứ Tư 17/08/2022 , 10:00

Chủ đất Tổng Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) ôm hàng vạn ha nhưng chìm trong nợ nần, đang trở thành vấn đề nhức nhối rất lớn ở Tây Nguyên.

Nhức nhối đất nông lâm trường ở Tây Nguyên: [Bài 1] Dưới bóng ma ‘phát canh thu tô’ kiểu mới

13.000ha đất và đống nợ hàng trăm tỷ đồng

Ôm một diện tích đất đai rất lớn nhưng vẫn sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ những hợp đồng giao khoán với người dân, quả không ngoa khi ví thực tế ở các công ty cà phê trên địa bàn Đăk Lăk đang là những quả bom nổ chậm. Nếu không kịp “tháo ngòi” e rằng sẽ còn nhiều vấn đề nhức nhối.

Thảm cảnh ở Công ty TNHH MTV cà phê Ea H’Nin. Ảnh: Minh Quý. 

Theo thống kê mới đây của UBND tỉnh Đăk Lăk, trên địa bàn tỉnh này hiện còn 17 công ty thành viên của Tổng Công ty cà phê Việt Nam được giao quản lý hơn 13.000ha đất. Tìm hiểu sâu mới biết, từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến các vấn đề an ninh trật tự xã hội, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của các “ông chủ” ôm hàng vạn ha đất này đều bất ổn.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk từng nêu rất rõ bằng văn bản: Qua công tác đôn đốc thu nợ, các doanh nghiệp báo cáo tình hình tài chính rất khó khăn, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế hết năm 2020 là trên 252 tỷ đồng, các đơn vị mất khả năng cân đối tài chính để thực hiện nộp thuế đối với ngân sách Nhà nước. Có 10/17 doanh nghiệp của Vinacafe chưa thực hiện nộp đủ tiền thuê đất, tính đến năm 2021, các doanh nghiệp này còn nợ tiền thuê đất 112 tỷ đồng.

Và khi chúng tôi tiếp xúc với đại diện các công ty trên địa bàn, đa số họ đều thừa nhận, nguồn thu chính của hoạt động sản xuất kinh doanh đến từ những hợp đồng khoán với các hộ dân. Dân nộp sản thì có tiền, dân không nộp thì chịu.

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo phương án sắp xếp đổi mới 17/17 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, buộc phải giải thể 3 doanh nghiệp, chuyển 3 doanh nghiệp từ loại hình một thành viên thành hai thành viên trở lên, cổ phần hóa 11 doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 7 năm, các đơn vị trực thuộc Vinacafe ở Đăk Lăk vẫn là một mớ bòng bong.

Trong căn phòng  tầng 2 trụ sở Công ty TNHH MTV cà phê Ea H’nin ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, Giám đốc Đinh Kỳ Cảm tiếp chúng tôi bằng vẻ chán nản. Nợ nần, khiếu kiện phức tạp, những rắc rối về mặt pháp lý bủa lấy Công ty cà phê Ea H’nin từ mấy năm nay, đến mức ông Giám đốc cũ phải xin nghỉ chế độ trước tuổi. Ông Cảm lên tiếp quản trong bối cảnh Ea H’nin không khác gì một con tàu sắp đắm. Cùng với Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh, Ea H’Nin là những đơn vị của Vinacafe nằm trong diện chờ giải thể. Khổ một nỗi “chết mà chẳng thể chôn”. Giám đốc Đinh Kỳ Cảm nói rằng, kế hoạch giải thể 2 công ty phải chờ sau khi Vinacafe cổ phần hóa xong 11 doanh nghiệp trực thuộc trên địa bàn tỉnh, nhưng 6-7 năm trời rồi có xong được đâu.

Thật khó để diễn tả hết mức độ thê thảm của cà phê Ea H’Nin bây giờ. Danh nghĩa là đơn vị quản lý diện tích 887ha cà phê tại địa bàn các xã Ea Ktur, Ea Ning và Cư Êwi, nhưng thực trạng mà ông Cảm tiết lộ, dù là đất đẹp hiếm có nơi nào bằng mà rất nhiều diện tích trong số đó chỉ còn trên giấy.

“Từ năm 2015 trở lại đây công ty lâm vào cảnh bệ rạc, người lao động không ký hợp đồng giao khoán nên không có nguồn thu.  Thời gian trước Ea H’Nin cũng có 30 nhân viên nhưng bây giờ chỉ còn 1 người. Giám đốc cho đến các bộ phận phòng ban đi làm theo kiểu ngày làm ngày nghỉ vì không có tiền để trả lương. Cũng may nhà cửa đều gần công ty cả nên anh em đi bộ đến làm, đỡ được khoản tiền xăng”, ông Cảm chia sẻ giọng ngậm ngùi.

Hạt cà phê cõng hàng loạt khoản thu ở Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Mặc dù “nguồn sống” là các hợp đồng giao khoán nhưng năm 2020 Công ty Ea H’Nin thu tất tần tật được 10 tấn cà phê tươi. Năm 2021 có khá hơn được 18 tấn. Nếu nhân với giá 7 ngàn đồng/kg thì một năm công ty thu được từ 70 triệu đến gần 100 triệu đồng. Xin được nhắc lại, thu chừng ấy tiền trên diện tích hơn 887ha đất thuộc diện đẹp nhất ở Tây Nguyên.

Con số kinh hãi hơn nữa là nợ. Hiện Ea H’Nin đang nợ hơn 30 tỷ đồng tiền ngân hàng. Một phần như tiết lộ của ông Cảm là các sếp nhiệm kì trước vay ngân hàng, vay vốn ODA để đầu tư dây chuyền sản xuất. Bây giờ các sếp ấy đã nghỉ rồi mà dây chuyền cũng đang nằm đắp chiếu. Phần còn lại là nợ tiền thuế, tiền thuê đất. Hơn 12 tỷ đồng gối đầu từ năm 2005 đến nay gần như chưa có phương án trả. Tôi hỏi ông Cảm, giờ tính thế nào, vị giám đốc này chậm rãi, thì chủ yếu vận động cán bộ đảng viên nhận khoán hoặc trông chờ vào những hoạt động giao dịch, mua bán các lô cà phê rồi thu chứ biết làm sao.

“Cả 7 công ty trực thuộc Vinacafe ở vùng Việt Đức này chỉ có Ea Tiêu, Việt Thắng là thu tàm tạm, còn lại Ea Sim, Ea Ktur, Chư Quynh, Việt Đức, Ea H’Nin đều lâm vào tình trạng như nhau, đó là người nhận khoán không chịu ký hợp đồng, không chịu nộp sản cho các công ty”, ông Giám đốc đang trông coi hơn 887ha đất khẳng định.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, tính tại thời điểm năm 2020 các công ty trực thuộc Vinacafe trên địa bàn tỉnh nợ tiền thuê đất lên đến cả trăm tỷ đồng. Công ty Việt Đức nợ hơn 13,164 tỷ. Việt Thắng nợ 12,129 tỷ, Ea Sim nợ 11,039 tỷ, Ea Ktur nợ 14,982 tỷ, Chư Quynh nợ 9,520 tỷ đồng… Tỉnh Đăk Lăk kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Vinacafe thực hiện nghiêm túc các chấp hành pháp luật về thuế, xây dựng lại phương án khoán phù hợp tình hình thực tế, tránh các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện liên quan hợp đồng khoán với người dân.

 

Công ty cà phê nhưng thu sản… hồ tiêu

Thảm cảnh của các công ty cà phê ở Cư Kuin đồng nghĩa với những nhức nhối đang ngày càng lan rộng ở những vùng liên kết với người dân. Xã Ea Ktur, Ea Bhôk là những điển hình.

Gần 10 năm trước, sự việc hàng trăm người dân nhận khoán với Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur tổ chức thành từng nhóm thuê xe ca ra Hà Nội khiếu kiện vấn đề doanh nghiệp phát canh thu tô đã trở thành những “mồi lửa” khiến mâu thuẫn giữa các công ty và người nhận khoán ở Đăk Lăk như những đám cháy ngày càng lan rộng.

Trở lại đây lần này, “đám cháy” đó vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế. Doanh nghiệp ngày càng chìm trong cảnh nợ nần còn những bức xúc của người nhận khoán càng thêm chất chồng.

Người dân bức xúc với những hợp đồng giao khoán của các công ty cà phê. Ảnh: Minh Quý.

Xã Ea Bhôk có khoảng 1.000ha đất của Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur. Sau những năm tháng căng thẳng, hiện bây giờ Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng tiết lộ, người dân chủ yếu chuyển sang trồng hồ tiêu, từ năm 2014 đến nay không đóng sản cho công ty nữa. Mặc dù phía doanh nghiệp “linh hoạt” bằng việc lên phương án thu sản bằng hồ tiêu, tuy nhiên do họ không đầu tư bất cứ thứ gì nên người dân nhất quyết không đóng.

Những hộ dân như ông Trần Văn Xanh, Thân Văn Hùng là hai trong số hàng trăm hộ dân phản đối vấn đề phát canh thu tô của công ty Ea Ktur từ năm 2015 đến nay. Cầm giấy báo nộp tiền thuê đất và nợ cà phê năm 2021 do ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Ea Ktur ký gửi, ông Lê Thuần Hùng bức xúc nói: Các anh xem họ tính như thế này được không. Nhà tôi có hơn 6.000m2 đất theo hợp đồng nhận khoán, trước đây trồng cà phê nhưng do hết thời gian khấu hao nên đã chuyển sang trồng hồ tiêu từ lâu, mặc dù không đầu tư bất cứ thứ gì nhưng phía công ty vẫn tính tiền nợ sản phẩm cà phê là 10.343kg, cộng thêm tiền thuê đất nữa là gần 14 triệu đồng.

Người dân mong muốn thay đổi hình thức liên kết để phát triển kinh tế và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Ảnh: Hoàng Anh. 

Lật lại từng hồ sơ, tài liệu liên quan từ trước đến nay, ông Trần Văn Xanh dẫn chứng: Từ năm 2015, UBND tỉnh Đăk Lăk đã kiểm tra và đề nghị Vinacafe làm rõ thông tin người nhận khoán phản ánh toàn bộ tài sản vườn cây trên đất từ trước đến nay đều do các hộ tự bỏ 100% vốn để đầu tư, chăm sóc nhưng công ty vẫn thực hiện giao khoán và thu sản phẩm hàng năm. 

Năm này qua năm khác, phía công ty vẫn cứ thực hiện việc phát canh thu tô như vậy. Người dân chúng tôi không chống đối gì cả, chỉ muốn sản xuất, phát triển kinh tế để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng với hình thức “không đầu tư bất cứ thứ gì nhưng vẫn đòi thu sản phẩm” của công ty thì nhất quyết dân không nộp.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, chính Chủ tịch UBND xã Ea Bhôh Nguyễn Văn Dũng cũng thừa nhận những phản ứng của người nhận khoán như thế là có cơ sở. “Người dân mong muốn Chính phủ xem xét giao đất hoặc thay đổi hình thức liên kết sản xuất, ký hợp đồng mới để vừa có thể phát triển kinh tế, vừa thực hiện nghĩa vụ thuế, đóng tiền thuê đất. Như thế là chính đáng”.

Hoàng Anh – Minh Quý

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s