Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam – 5 kỳ

***

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam – Kỳ 1: Xây móng ‘chợ tiền’

28/07/2020 11:39 GMT+7

TTO – Hội trường lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán VN khá yên ắng, bỗng tất cả đứng dậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước vào trân trọng bắt tay người đàn ông lớn tuổi, TS Lê Văn Châu, người góp công lớn xây móng cho chứng khoán VN.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam - Kỳ 1: Xây móng chợ tiền - Ảnh 1.

Bảng giao dịch điện tử chốt phiên chứng khoán đầu tiên ngày 28-7-2000 – Ảnh: T.T.DŨNG

Ông vốn là nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước đầu tiên, từng đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành tại Ngân hàng Thế giới ở Hoa Kỳ, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước…

Vẫn mở dù có lời bàn lùi

Gặp ông Châu vào một buổi trưa tại trung tâm TP.HCM, vị “lão tướng” tuổi 90 mắt vẫn sáng, đầu óc minh mẫn, mở từng hồi ức thuở đầu tạo lập TTCK VN. Ông kể bên cạnh ý kiến ủng hộ, cũng có không ít lời bàn ra ngay cả khi giờ “G” sắp điểm.

“Chúng tôi chuẩn bị khoảng 15 doanh nghiệp, nhưng hôm nay mở cửa thì hôm kia chỉ có hai doanh nghiệp đồng ý niêm yết. Lúc bấy giờ cũng có ý kiến ít quá, không nên mở thị trường” – ông Châu nhớ lại. 

Ngoài không hiểu về chứng khoán, thời buổi đó nhiều doanh nghiệp cũng “đề phòng” vì nghĩ ai cũng ở trong tối, mình đưa thông tin tài chính, hoạt động kinh doanh ra ánh sáng sẽ dễ bị săm soi.

Ông Châu nói: “Đảng, Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho tôi thì dầu ít cũng phải mở. Từ đó rút kinh nghiệm, làm từng năm một, để phát triển thêm”. 

Với quyết tâm cao độ, ngày 27-8-2000 bảng giao dịch điện tử chứng khoán lần đầu tiên chính thức sáng đèn tại tòa nhà số 45-47 Bến Chương Dương (trước là Hội trường Diên Hồng), nay đổi thành số 16 đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM, trở thành thị trường giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của VN.

“Chợ” đã mở, song hàng hóa khan hiếm, cổ phiếu Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty cổ phần SAM Holdings trở thành ngôi sao sáng, ai cũng săn mua, không muốn bán. 

Trước sức ép lớn, Ủy ban Chứng khoán nhà nước lập tức báo lãnh đạo công ty niêm yết bán ra, tạo nguồn cung. 

Phiên giao dịch đầu tiên khép lại trong tiếng vỗ tay, cười nói, nhà đầu tư tràn ngập hi vọng khi chứng kiến cổ phiếu đang nắm giữ đồng loạt tăng giá chỉ sau vài tiếng mua. 

Trong đó, 1.000 cổ phiếu REE và 3.200 cổ phiếu SAM sang tay ngày đầu, tổng số tiền 70,4 triệu đồng, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỉ đồng.

Từ chỗ lặn lội đến từng doanh nghiệp vận động, chỉ vài tháng sau nhiều doanh nghiệp thấy lợi ích, chủ động đăng ký xét niêm yết. 

Đến phiên cuối năm Canh Thìn 2000, có 5 cổ phiếu và 4 trái phiếu được niêm yết với tổng giá trị niêm yết hơn 320 tỉ đồng và hơn 1.180 tỉ đồng, chỉ số VN-Index vút cao như “rồng” khi tăng hơn 106% so với phiên giao dịch đầu tiên.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam - Kỳ 1: Xây móng chợ tiền - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay ông Lê Văn Châu trong lễ kỷ niệm 20 năm TTCK VN – Ảnh: BÔNG MAI

Rời Ngân hàng Thế giới về giúp nước nhà

Để gặt niềm vui Việt Nam có TTCK, ông Châu đã “ngụp lặn” nhiều thăng trầm. Từ những năm 1962, ông trải nghiệm quá trình phát triển TTCK Hong Kong. 

Sau ngày thống nhất đất nước, ông công tác tại Washington D.C (Mỹ). Từng trải nhiều vị trí, hiểu biết TTCK thế giới từ rất sớm, ông Châu được tin tưởng giao nhiệm vụ tạo lập nền chứng khoán VN.

Ông nhớ lại: “Khi đang làm giám đốc điều hành phủ quyết tại Ngân hàng Thế giới, thì tại quê nhà Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười gọi tôi ở Mỹ về cải cách kinh tế, cải cách hệ thống, suy nghĩ chuyện cho nước ngoài vào làm kinh tế, làm thế nào có vốn”.

Ông hồi hương trước bối cảnh mở cửa hội nhập, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế VN, song vốn hệ thống ngân hàng lại không đủ đáp ứng. 

Một số ngân hàng nước ngoài đã hoạt động tại VN, nhưng quy định mỗi chi nhánh ngân hàng này có vốn điều lệ đôla cũng hạn chế.

Doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn, ngân hàng không làm nổi, ngân sách eo hẹp, bội chi, trái phiếu quốc gia phát hành không bao nhiêu. “Không có cách nào khác là phải mở TTCK Việt Nam”, ông Châu đề xuất và lần lượt thuyết phục các lãnh đạo như ông Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt tin tưởng giao trọng trách, xây dựng đề án.

Bắt tay làm, ông Châu gặp khó ngay: “Lúc bấy giờ hiếm ai hiểu chứng khoán là gì đâu. Có người còn nói xây dựng chứng khoán tốt thì làm cho mỗi tỉnh… một thị trường. Người ta không hiểu nhưng người ta muốn. Mình phải tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động”.

Sau bước đi này, ông Châu còn giúp doanh nghiệp hiểu tham gia TTCK là để huy động vốn cho bản thân họ hoạt động. “Lúc đầu chẳng có doanh nghiệp nào muốn làm vì không hiểu, khi người ta hiểu rồi thì đổ xô vào làm. Giai đoạn đầu rất quan trọng” – ông Châu nói.

Việc ươm mầm, đào tạo các “hạt giống” quản lý thị trường cũng quan trọng không kém. Ngoài tận dụng nguồn lực có sẵn là cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước, còn tổ chức thi tuyển cán bộ trẻ, tuổi chừng đôi mươi, có trình độ đại học và cao học.

Đồng thời, nhiều “hạt giống” được ông Châu đề cử đi du học, vùng vẫy trong thị trường tài chính Phố Wall (Mỹ) sôi động nhất thế giới. Hầu hết những người này về sau trở thành lãnh đạo trong hệ thống chứng khoán, ngân hàng, kiểm toán… “Học ở Mỹ, từng việc một, rồi mới về làm” – ông Châu chia sẻ.

20 năm ròng tưởng chừng dài, nhưng thật ra chỉ là con số non trẻ khi nói về TTCK. Nhìn về tương lai, ông Châu tâm sự: “TTCK đã chuyển biến tốt rồi, nhưng cố gắng làm vài chục năm nữa cho hoàn chỉnh hơn, đi đúng quy luật phát triển của nền kinh tế. 

Thị trường vốn của VN gắn bó với thế giới”. Muốn được việc này, người góp công “kiến tạo” TTCK VN kiến nghị cần tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển bền vững. Các chính sách, biện pháp thị trường cần linh hoạt, cải thiện để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tâm huyết với nghề, ở tuổi cao 90, ngày ngày ông Châu vẫn cần mẫn làm việc, cập nhật tin tức trong nước, thế giới. 

Trong chuyến xe đưa ông ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, vị “lão tướng” của nền chứng khoán VN tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghỉ, vẫn cố gắng làm để đóng góp cho nước nhà”.

Sau hai thập kỷ, từ vỏn vẹn hai doanh nghiệp tiên phong đến nay có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán VN với tổng giá trị vốn hóa hơn 4 triệu tỉ đồng, tương đương 65% GDP, dự tính tăng lên 120% GDP trong 5 năm tới.

Phong vũ biểu nền kinh tế

“Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế, là bộ phận quan trọng của thị trường, với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên quan với thị trường tài chính, thị trường quốc tế…

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng góp quan trọng, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn cùng hệ thống tín dụng ngân hàng giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng, đây cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp trong huy động nguồn lực để phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động chứng khoán Việt Nam.

********************

Có thời sàn giao dịch chứng khoán luôn đông nghẹt người ngồi trong nhà, kẻ đứng ngoài cổng. Cứ mua cổ phiếu là trúng đậm, sau một đêm nhiều người bỗng bước lên bậc giàu sang.

BÔNG MAI

***

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam – Kỳ 2: Những ngày ‘ngây thơ, ngây ngất’
29/07/2020 11:21 GMT+7
TTO – Có thời sàn giao dịch chứng khoán đông nghẹt người ngồi trong nhà, kẻ đứng chật ngoài cổng. Cứ mua cổ phiếu là trúng đậm. Sau một đêm, nhiều người bỗng lên bậc giàu sang. Nhưng rồi…
Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam - Kỳ 2: Những ngày ngây thơ, ngây ngất - Ảnh 1.
 

Nhà đầu tư hồi hộp theo dõi bảng giao dịch chứng khoán những năm đầu – Ảnh: T.T.D.

…Những con “sóng dữ” ập đến, cuốn trôi tiền bạc, để lại bài học vỡ lòng cho các nhà đầu tư “non trẻ”.

Sáng dậy, thấy mình giàu sang

Gom hết tiền dành dụm được 17 triệu đồng nhờ bán từng dĩa cơm giá 3.000 đồng, cuối năm 2004 chàng sinh viên Đại học Xây dựng Huỳnh Minh Tuấn đổ vào sàn chứng khoán.

“Tôi có ý định đầu tư, nhưng 17 triệu không mua được bao nhiêu vàng, bất động sản với sinh viên lại càng không có cửa, nên qua Đại học Kinh tế TP.HCM gia nhập câu lạc bộ chứng khoán sinh viên” – Tuấn chia sẻ cơ duyên thành nhà đầu tư chứng khoán.

Nhập cuộc, công việc của Tuấn mỗi ngày là dò la tin tức, tới quán cà phê chứng khoán trên đường Võ Văn Tần gặp “đồng đạo”, bàn mã này sắp lên sàn, mã kia rục rịch cổ phần hóa.

Rồi cậu sinh viên hóng tin đồn giới “đánh chứng” liên lạc kế toán trưởng các doanh nghiệp sắp cổ phần hóa nhờ gom cổ phiếu, mỗi cổ phiếu thêm chênh lệch từ 5.000 đồng.

Ngoài ra, Tuấn đều đặn lên sàn ghi phiếu tay nhờ đặt lệnh gom hàng ngon. Bấy giờ, mỗi công ty chứng khoán thường cử 2-3 người ngồi trong Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM – HOSTC (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM – HOSE)… để gọi lệnh của ai, số tài khoản, mã chứng khoán, số lượng đặt mua và nhập theo thứ tự đưa vào.

Để lệnh đi nhanh, nhiều người nghĩ cách “lót tay”. Chẳng hạn, muốn mua nhanh 5.000 cổ phiếu giá 170.000 đồng, nhà đầu tư sẽ kẹp dưới giấy lệnh 2 tờ 500.000 đồng, tổng cộng 851 triệu đồng. “Phải “lót bi” vì cầu vượt quá cung, cứ mua là thắng” – Tuấn kể.

Đến năm 2006, thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển sôi động khi VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), luật chứng khoán được thông qua. Tổng thống Mỹ George W. Bush đến thăm, đích thân đánh cồng mở cửa phiên giao dịch ở HOSTC kích thích sức mua mạnh mẽ.

Đó là những ngày người ta mở mắt dậy đã thấy tiền chảy về túi. Từ người già, bà nội trợ đến sinh viên, giáo viên… cũng xông xáo gia nhập thị trường.

Riêng Tuấn chớp nhanh được nhiều mánh như mua 2.000 cổ phiếu S. giá 65.000 đồng, tăng trần liên tục, chỉ hơn một tháng chốt lời 200 triệu đồng gọn ghẽ.

Nhớ lần lời đậm nhờ “buôn” cổ phiếu OTC (doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn, không có biên độ). Tuấn nhớ vừa có tin phao cổ phần hóa doanh nghiệp F., anh mua ngay OTC giá 70.000 đồng, qua hôm sau tăng 120.000 đồng, lãi hơn 71%. Chưa kể, có cổ phiếu giá mua vài chục, tăng đỉnh gần 500.000 đồng, tiền lời tính bằng lần.

Trong năm này, cuộc đua niêm yết diễn ra gay gắt, có tới 74 mã niêm yết mới. Chốt năm, VN-Index tăng 144% lên hơn 751 điểm, tổng giá trị giao dịch hơn 86.829 tỉ đồng. “Ra Tết 2007, tôi như tỉ phú. Đám bạn mới ra trường 2 năm lương khởi điểm khoảng 1 triệu 7 về khoe ầm, đâu biết tôi có cả tỉ mấy trong tay” – Tuấn cười nói.

Tiền chảy ào ạt vào túi. Sau mỗi phiên, nhà đầu tư thắng lớn vỗ tay, cười nói rộn rã. Tuấn nhớ rõ: “Ngày đó thân lắm, vui lắm, ai cũng biết nhau, rủ nhau đi nhậu. Có người khởi nghiệp mấy tỉ bạc mà kiếm hơn 200 tỉ”.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam - Kỳ 2: Những ngày ngây thơ, ngây ngất - Ảnh 2.

Và vui mừng khi cổ phiếu của mình tăng giá – Ảnh: T.T.D.

Sóng lớn đánh “tan nát” giới đầu tư

 

Năm 2007, một số tổ chức tín dụng lớn của Mỹ nộp đơn phá sản. Người dân lo sợ, chen lấn rút tiền, ngân hàng “đói” tín dụng. Cuộc rối loạn rộng ra nhiều nước phát triển khác.

2008 trở thành năm đầy sóng gió của thị trường chứng khoán, Ngân hàng Đầu tư Lehman Brother – tổ chức tài chính và lâu đời bậc nhất nước Mỹ – tuyên bố phá sản, “châm mồi” cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuối năm chỉ số VN-Index giảm hơn 605 điểm (-65%) so với phiên đầu năm, xuống chỉ còn hơn 315. Tỉ lệ lạm phát VN tăng kỷ lục trong 20 năm.

“Cổ phiếu rớt giá sàn, bắt đầu cảm giác sợ hãi cuộc đại khủng hoảng, tâm lý bầy đàn ai cũng bán nhưng không có người mua, mất thanh khoản, hầu hết không thoát được ra khỏi thị trường, lỗ 70-80% vốn là bình thường” – Tuấn kể thêm sự tháo chạy trên TTCK, nhiều mã rớt xuống giá 3.000-5.000 đồng, cổ phiếu “trà đá” ngập sàn.

Có trường hợp nhà đầu tư H. nắm khoảng 2 triệu cổ phiếu D. từ 60.000 đồng rớt xuống 7.000 đồng, lỗ 106 tỉ đồng.

Bản thân Tuấn nhờ trước đó lên mạng đọc nhiều về dấu hiệu cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 của Mỹ nên cắt lỗ được, nhưng vẫn mất rất nhiều tiền. Căng thẳng, bên cạnh những giọt nước mắt, có người còn ngất xỉu ngay tại sàn giao dịch.

Mất hết nhà cửa, có nhà đầu tư còn tìm đến cái chết. Đầu năm 2009, báo chí đưa tin nhà đầu tư N. (Hà Nội) đã tự tử để thoát khỏi món nợ với em trai vì “cháy” sạch 130.000 USD, tương đương 2,3 tỉ đồng khi đốt vào chứng khoán.

Tháng 2-2009, VN-Index chỉ xấp xỉ 236 điểm, thấp nhất trong bốn năm. Trước bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam tung gói cứu trợ, kích cầu kinh tế, phần nào “xoa dịu” thị trường, VN-Index ngoi lên trên 494 điểm.

Kỷ lục mới thiết lập khi có hơn 432.000 tỉ đồng được giao dịch, tăng 226% so với năm trước. Bình quân mỗi ngày giao dịch có 44 triệu chứng khoán được sang tay.

Nhiều nhà đầu tư đã gỡ gạc, trả được nợ, thậm chí có lời trong năm “đổi vận” này. Tuy nhiên, lượng nhà đầu tư đã rời cuộc chơi khá cao, để hút khách, có công ty chứng khoán còn trả hoa hồng 70-80%/phí giao dịch cho môi giới. Chẳng hạn giới thiệu được khách hàng có tổng giao dịch 100 triệu đồng, môi giới nhận 80 triệu đồng hoa hồng.

Nhìn lại quãng đường 20 năm TTCK trải qua không ít sóng gió, thời nay môi giới được đào tạo bài bản hơn, khoản hoa hồng không chót vót nữa. Thay vì “ngây dại” sái cổ tin lời đồn, lớp nhà đầu tư mới đã chăm đọc sách, tham gia khóa học, đọc hiểu báo cáo tài chính, cập nhật tin tức… Hệ thống giao dịch online giúp nhà đầu tư thoải mái lấy điện thoại, máy tính cá nhân ra đặt lệnh ở bất kỳ đâu, không còn vào sàn chen lấn, bảng giao dịch điện tử trưng bày tại các sở giờ để cho “đẹp” đội hình.

Đam mê chứng khoán, hoàn thành văn bằng hai Đại học Kinh tế, nếm trải cả thất bại lẫn thành công, tin tưởng cơ hội còn rộng mở, Tuấn – chàng sinh viên năm nào giờ đã trở thành giám đốc môi giới hội sở của một công ty chứng khoán có vốn điều lệ hơn

5.000 tỉ đồng.

Nhiều nhà đầu tư khác đã lấy lại được nụ cười khi trả xong nợ, yên bề tiếp tục bám nghề bán bánh canh, bán ốc, dạy học, làm việc văn phòng…

Thị trường chứng khoán vượt sóng dữ

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhận định đến năm 2015 TTCK VN phát triển ổn định và được xem là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực.

Năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu từ các chính sách thuế quan. Ngày 9-4-2018, VN-Index lập đỉnh lịch sử hơn 1.204 điểm, vượt đỉnh 11 năm trước. HOSE có phiên giao dịch tỉ USD, lập kỷ lục thanh khoản.

Chứng khoán VN trong năm 2019 đạt mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Kết thúc phiên cuối năm, VN-Index đạt 960,99, cao hơn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Dân chơi chứng khoán thời nay không chỉ chăm đọc sách, phân tích báo cáo tài chính, mà còn bỏ tiền tầm sư học đạo. Tuy nhiên, trường học chứng khoán khác trường đời.

Kỳ tới: Học phí bạc tỉ của dân chơichứng khoán

 
BÔNG MAI

***

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN – Kỳ 3: Học phí bạc tỉ của dân chơi chứng khoán
30/07/2020 11:29 GMT+7
TTO – Vài năm trở lại đây, dân chơi chứng khoán không chỉ chăm đọc sách, phân tích báo cáo tài chính, mà còn bỏ tiền ‘tầm sư học đạo’.
Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ 3: Học phí bạc tỉ của dân chơi chứng khoán - Ảnh 1.
 

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến phiên giao dịch chứng khoán – Ảnh: B.M.

Tuy nhiên, trường học chứng khoán khác trường đời. Mỗi lần bị lừa, thất bại, người trong giới chứng khoán lại đùa ra nước mắt đó là “học phí” giúp sáng mắt ra.

Khóc, cười với học phí bạc tỉ

Một sáng, nhận cuộc gọi, chúng tôi lập tức đến quán cà phê ở Q.3 (TP.HCM) để gặp nhóm cá nhân tố giác “thầy” dạy chứng khoán lật kèo, “ẵm” hơn 50 tỉ đồng góp vào đầu tư.

Nước mắt lưng tròng, chị Hạnh (đổi tên theo yêu cầu của các nhân vật) giới thiệu ngồi quanh bàn đều là “học trò” của “thầy” N.. 

Với các “học trò”, “thầy” N. là doanh nhân thành đạt, vợ đẹp con ngoan, nhà cửa sang giàu, chuyên “gieo hạt đạo đức”, lập quỹ từ thiện, thường xuyên livestream nhận định thị trường, nói “dân trí về chứng khoán còn yếu, muốn phát triển dân trí, cống hiến vì cộng đồng”.

Ông N. còn tập hợp học viên để lập nhóm với sứ mệnh “vì sự phát triển bền vững của nhà đầu tư tài chính VN”, tầm nhìn “tổ chức đầu tư tài chính thành công nhất VN”, giá trị cốt lõi “cho đi vô điều kiện”, thông điệp “nếu bạn muốn có được những thứ mình chưa từng có thì bạn phải dám làm những việc mình chưa từng làm”.

Ngồi cạnh Hạnh, chị Thủy tiếp lời lúc mới vào “thầy” từng khuyên: “Cứ vô học đi, không nhất thiết đóng tiền một lần, miễn học giỏi là được, tiền không quan trọng”. 

Gương mặt tiều tụy vì mất ngủ, đầu tóc rối bời, chị Hạnh xót xa khi đã cầm 2,7 tỉ đồng tiền bán chung cư, vay mượn người thân để đưa cho “thầy” đốt vào chứng khoán phái sinh.

“Nó thôi miên đầu óc mình từ sáng tới khuya, lúc nào cũng nghĩ tới nó”- chị Hạnh lý giải vì sao tin tưởng “thầy”. Cứ mỗi sáng, chị Hạnh và cả lớp sẽ vào một nhóm trên mạng xã hội để chúc ngày mới tốt lành và nhớ tới tổ chức. 

Trưa ông N. sẽ mời người này đến người khác ăn trưa, uống cà phê, tâm sự riêng. Cuối tuần cả nhóm trích tiền từ quỹ từ thiện lập ra để tới giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn.

Riêng ngày lễ lớn, ông N. rủ nhóm dẫn theo chồng con, bạn bè đi Phan Thiết, Vũng Tàu hay khu du lịch nội thành TP.HCM để tổ chức trò chơi tập thể nhằm gắn kết. 

“Lần đi Phan Thiết, ông N. liên tục thuyết giảng về đạo hiếu với cha mẹ, hỏi dồn dập mọi người đã báo hiếu cha mẹ chưa, thời gian cha mẹ còn ngắn ngủi, phải lo báo hiếu. Sau đó nó ôm mặt khóc, cảm động lắm” – chị Hạnh kể.

Chính vì thấy ông N. đạo đức nên nhiều người nhẹ dạ xuống tiền. Chị Thủy tâm sự, ban đầu theo phương pháp “thầy” dạy, nhóm “đánh” đâu thắng đó, nên chị dần tin tưởng, bỏ ra hơn 4,2 tỉ đồng và 500 USD nhờ “thầy” đầu tư.

Theo nhóm này, “thầy” đã cầm của họ hơn 70 tỉ đồng, thỏa thuận khi “đánh” thắng sẽ chia lợi nhuận 5%, nếu lỗ trên 20% tổng số vốn thì ngừng giao dịch. 

Tuy nhiên, lúc tài khoản lỗ quá mức, không những không ngừng giao dịch mà “thầy” N. còn báo lời, lấy tiền người sau trả cho người trước để “che mắt”. Bại trận ở tài khoản phái sinh, ông dốc số tiền còn lại để đầu tư trái phép trên thị trường ngoại hối Forex để gỡ lỗ, nhưng thất bại.

Sự việc vỡ lở khi cuối năm ngoái có nhà đầu tư muốn rút, ông N. lại thông báo “cháy” tài khoản, không còn tiền nữa. Anh Tân buồn kể bản thân anh tin vào lời nói đạo đức nên huy động 14,4 tỉ đồng đưa ông N. vì lời hứa hẹn quỹ sẽ lên 1.000 tỉ đồng.

Vào cuối năm ngoái, ông N. đề nghị nâng quỹ lên 150 tỉ đồng, nhưng khi anh Tân đòi minh bạch pháp lý, dòng tiền, danh mục đầu tư, thì ông N. không cung cấp được. 

Dù sinh nghi, nhưng anh Tân “không ngờ ra ngày hôm nay”. Để huy động vốn lớn, anh Tân sử dụng các mối quan hệ thân thiết. “Mình nghĩ giúp người nhưng không ngờ lại lừa người” – anh Tân buồn nói.

Gương mặt thất thần, chị Thủy ấm ức: “Đau nhất là một năm qua mình bỏ thời gian đi theo “thần tượng”, nghĩ đó là một người tốt đẹp, xây dựng cộng đồng tốt đẹp, sau này thành một quỹ tài chính, không cần lo cơm áo gạo tiền, nghỉ hưu sớm”.

 

Nhóm “học trò” nói trong nước mắt bị sập bẫy, nhiều người rơi vào cảnh tán gia bại sản, có người là sinh viên, sư cô, người đang đi làm, đã nghỉ hưu, người giấu gia đình bán nhà đất, lấy tiền nghỉ hưu, tiền thai sản của vợ, tiền cưới hỏi, ma chay, tiền điều trị bệnh của người thân… gom đi đầu tư.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ 3: Học phí bạc tỉ của dân chơi chứng khoán - Ảnh 2.

Sau thời “ngây ngất” tranh nhau chơi, nhiều nhà đầu tư nay đã thận trọng, nghiên cứu kỹ – Ảnh T.T. DŨNG

Mánh khóe lừa kẻ “muốn giàu sau một đêm”

Trên thị trường chứng khoán, người thành công nhiều mà kẻ bị lừa tiền bạc cũng không thiếu. Một buổi sáng, bên tách cà phê nóng, ông Phan Dũng Khánh, người gắn bó thị trường chứng khoán hơn 20 năm, giãi bày: “Phần lớn bị lừa chỉ vì muốn giàu sau một đêm”.

Bản thân ông Khánh đứng dạy các lớp đầu tư chứng khoán và không quên hướng dẫn học viên xác định chiêu thức lừa đảo để tránh. 

Nhưng vẫn có học trò dính cú lừa trăm triệu. “Chính vì biết nên mất ít tiền nhất trong nhóm bị lừa” – ông Khánh nói về một lần học trò bị “thầy” khác lừa với lời đường mật.

“Thậm chí có bên còn cử nhân viên tới lớp tôi dạy để học bài xác định chiêu thức lừa đảo, rồi lấy chính nó đi lừa người khác” – ông Khánh chia sẻ. Chưa kể, có người tìm cách trà trộn vào các lớp chứng khoán trên thị trường để coi “hốt” được ai không.

Những mánh lừa nhà đầu tư “tay mơ” nhiều vô kể. “Ví dụ mã cổ phiếu đó đang chuẩn bị xả, nhưng bán ra phải có người mua, nên họ kêu gào, tung tin tốt đẹp trên các nhóm, diễn đàn trên mạng” – ông Khánh nói. 

Giới chứng khoán thường gọi những kẻ chuyên rao tin đồn dụ người khác mua vào là “bìm bịp”, còn dụ bán ra để gom cổ phiếu là “chim lợn”.

Không chỉ các “gà con” non nớt bị lừa, ông Khánh kể có bạn là tiến sĩ học từ nước ngoài về, làm giám đốc cho một quỹ đầu tư, vừa có lý thuyết vừa thực hành chứ không phải tiến sĩ “giấy” nhưng vẫn bị một nhóm lừa hơn 15.000 USD.

Hay chính bản thân ông Khánh cũng bị các nhóm tính đặt “bẫy”. Vì am hiểu thị trường nên ông thường được nhiều tờ báo phỏng vấn. Do vậy, có lần “đội lái” đề nghị trả tiền để ông “gài” một số nội dung như tên cổ phiếu có xu hướng tăng… vào bài.

Ông nhẩm tính trong vòng 20 năm ít nhất đã hơn 5 lần có bên đề nghị như vậy. “Khi báo chí đăng, bên đặt bài sẽ copy địa chỉ liên kết rồi đăng lên các diễn đàn. Họ lồng rất khéo léo. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư chửi, nói chuyên gia nói sao thì làm ngược lại là đúng” – ông Khánh nói.

Chi phí “đội lái” trả tùy thuộc vào uy tín chuyên gia. 10 năm trước có bên đề nghị trả ông 2.000 USD/tháng. Tự trọng, ông Khánh từ chối tất cả lời chào mời.

Hai thập niên vui buồn cùng chứng khoán, ông Khánh cho rằng nhà đầu tư cần bản lĩnh, không lao vào đám đông để bị chèo lái tâm lý, đưa ra quyết định đầu tư sai lầm. Sau tất cả, ông đúc kết: “Một trong những cách tránh lừa đảo tốt nhất là bớt tham”.

Tung tin đồn chứng khoán bị phạt đến 3 tỉ đồng

Dự thảo nghị định lần 2 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) mới được Ủy ban Chứng khoán nhà nước công bố, đề cập nâng mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 3 tỉ đồng và cá nhân vi phạm là 1,5 tỉ đồng.

Trong các hành vi phạm luật có bao gồm sử dụng thông tin nội bộ (giao dịch nội gián) và thao túng TTCK.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm khả năng bị tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK, chứng chỉ hành nghề chứng khoán từ 1 tháng đến 24 tháng.

Những năm 2000, thuở khởi đầu TTCK VN có những người Việt bôn ba “đi sứ” thuyết phục từng đồng vốn ngoại chảy về đất nước…

 

BÔNG MAI
 
***
 
Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN – Kỳ 4: Chinh phục ‘túi tiền’ nước ngoài
31/07/2020 12:22 GMT+7
TTO – Những năm 2000, thuở khởi đầu thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN), có những người Việt bôn ba “đi sứ” thuyết phục từng đồng vốn ngoại chảy về nước, và một số người nước ngoài cũng tìm đến VN để ở lại gắn bó dài lâu.
Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ 4: Chinh phục túi tiền nước ngoài - Ảnh 1.
 

Ông Don Di Lam nhiều năm gắn bó với thị trường tài chính Việt Nam – Ảnh: BÔNG MAI

“Tại sao gọi đầu tư VN? Nghe nói còn chiến tranh!”

“20 năm TTCK VN, trời, nhanh quá” – ông Don Di Lam (người Canada gốc Việt) thốt lên khi tôi gợi nhắc trong một sáng tháng 7.

Chứng khoán hoạt động tại VN 20 năm thì ông Don đã có 17 năm bôn ba khắp chốn gọi nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào doanh nghiệp Việt. Ngoài làm phó Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, ông còn là phó chủ tịch Hội đồng nghị sự toàn cầu về ASEAN (Diễn đàn Kinh tế thế giới), giám đốc điều hành VinaCapital.

Ngồi trên tầng 17, ngắm đô thị TP.HCM qua ô cửa trong suốt, ông kể về cơ duyên mở quỹ đầu tư. Vừa tốt nghiệp Đại học Toronto, Don làm ngay một số nghiên cứu về các nước châu Á và đặc biệt là VN, nơi ông sinh ra.

“VN những năm mới mở cửa có rất nhiều ưu thế, cơ hội đầu tư” – ông Don hào hứng. Về nước, 9 năm đầu làm ở PricewaterhouseCoopers VN, ông trải nghiệm tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của người Việt. “Một nhà nghiên cứu lâu lắm rồi từng nói 1 triệu USD đầu tư thì giúp được trực tiếp, gián tiếp ít nhất 100 người. 10 triệu USD đầu tư vào xưởng chỉ có 200 nhân công, nhưng họ nuôi sống người thân, ăn uống, chi tiêu tại hàng quán, nên giúp được 1.000 người” – ông Don chia sẻ. Năm 2003, ông cùng đối tác khởi nghiệp VinaCapital, công ty quản lý quỹ đầu tư hiếm hoi tại thị trường lúc đó.

Từ những ngày đầu TTCK mở cửa, ông Don cùng nhiều lãnh đạo Nhà nước, doanh nghiệp rảo khắp Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Mỹ, Hàn… để gọi vốn. “Chúng tôi bay xuyên đêm để tiết kiệm tiền phòng. Ai cũng thèm ăn đồ Việt nên vali chất đầy mì gói và ớt tươi. Sáng sớm hạ cánh vào họp ngay với các đối tác” – ông Don nhớ lại.

“Hơn chục năm trước, nhà đầu tư nước ngoài không hiểu VN, vừa đặt vấn đề họ “đánh” luôn câu hỏi: “Tại sao gọi đầu tư VN? Rủi ro rất cao, tôi nghe nói VN còn chiến tranh!”. Chưa kể, thời điểm đó luật đầu tư cũng chưa rõ ràng. Họ nghĩ nếu đầu tư cả trăm triệu đô vào nhà máy dài hạn 10-30 năm, “liệu luật đầu tư bên anh (VN) có bảo vệ tôi không” – ông Don từng bị chất vấn.

Thêm vào đó, lúc đầu có nhà đầu tư tới sớm nhưng không thành công, tin phao ra nước ngoài không tốt. Không bỏ cuộc, cả đoàn ra sức thuyết phục. “Lúc mình trình bày, họ quyết định ngay tại chỗ chọn VN, không thể tưởng tượng cả đoàn vui mừng đến mức nào. Buổi chiều họp xong, trời lạnh, anh em co ro lội bộ về phòng nhưng ai cũng phấn khích” – ông Don kể.

Dòng tiền ngoại “kích thích” doanh nghiệp nội

Trong hành trình thương thuyết, ông Don cũng cầm được số vốn khối ngoại gửi gắm vào một quỹ do ông đồng sáng lập, để “chọn mặt gửi vàng”. Khoản đầu tư đầu tiên hơn 3 triệu USD được ông rót vào bánh kẹo Kinh Đô.

“Lúc đó Kinh Đô là công ty gia đình, chất lượng tốt, bánh ngon, nhưng mệt mỏi với sản phẩm Thái Lan, Malaysia, Indonesia… vì họ có bao bì rất đẹp” – ông Don nói. Và Kinh Đô dùng số tiền trên mua thêm vài dàn máy làm bánh kẹo, sản xuất bao bì, tiền đề tái định hướng sản xuất kinh doanh, chú trọng phục vụ trong nước, từng bước thâm nhập thị trường khu vực và quốc tế. Được đà phát triển, vài năm sau Kinh Đô tiến thẳng lên sàn chứng khoán…

17 năm ròng, chỉ riêng quỹ này đã kéo về hơn 5 tỉ USD phục vụ hơn 100 công ty, dự án ở VN. Quỹ đầu tư tạo dòng tiền mới cho TTCK, cung cấp khoản đầu tư tài chính trung và dài hạn cho công ty VN, gia tăng năng lực tài chính, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động, tạo thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên, ông Don nhận ra thời kỳ đầu cả quỹ đầu tư lẫn doanh nghiệp đều “lệch pha”.

Đa số các quỹ đầu tư được niêm yết tại sàn chứng khoán nước ngoài, ban quản lý quỹ thường yêu cầu minh bạch, đầy đủ thông tin. Chính đòi hỏi này giúp thị trường vốn trong nước từng bước hoàn thiện.

“Hơn chục năm trước, chuyện kiểm toán công ty tư nhân khá xa lạ. Sau này nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào, họ biết không đàng hoàng là không huy động được vốn, nên giờ nhiều công ty VN vẫn thuê người kiểm toán họ trước cả khi mình nói” – ông Don vui vẻ.

 
Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ 4: Chinh phục túi tiền nước ngoài - Ảnh 2.

Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM thời kỳ mới khai trương – Ảnh: T.T.DŨNG

Từ Hàn Quốc bay sang Việt Nam mở công ty chứng khoán

Trong khi ông Don là người gốc Việt trở về lập nghiệp, thì ông Kang Moon Kyung (tổng giám đốc Mirae Asset VN) lại là một người Hàn bước vào chứng khoán VN.

Cuộc trò chuyện bắt đầu với chi tiết năm 2007 ông Kang nhận lệnh tập đoàn, lập tức bay đến VN nghiên cứu thị trường. Ông Kang nhớ rõ lúc này GDP VN đang ở giai đoạn phát triển nhanh, mức tăng trưởng bình quân trên 7%/năm. Cuối năm 2006, VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó công ty vốn nước ngoài có quyền sở hữu 49% cổ phần, sau 5 năm được chuyển thành 100% vốn nước ngoài.

“Đây chính là thời điểm thị trường VN trở nên hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi bị thôi thúc khi tận mắt chứng kiến VN phát triển” – ông Kang bày tỏ. Nhìn rõ tiềm năng, ông lập tức báo về Tập đoàn Mirae Asset ở Hàn Quốc, thuyết phục thành lập văn phòng đại diện quản lý quỹ đầu tư, quản lý 120 triệu USD.

Tuy nhiên, năm 2007, sáng thức dậy giá cổ phiếu tăng vùn vụt, lệnh đặt mua bên ông Kang bỗng lạc hậu. Tiếp đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đẩy cổ phiếu rớt giá la liệt. “Tôi căng thẳng tột độ” – ông Kang tâm sự.

Vừa làm vừa cầm cự, khó dồn khó: “Mặt bằng chung thị trường nhân sự VN lúc đó còn ở giai đoạn khởi đầu, chưa nhiều nhân sự có kinh nghiệm, trình độ cao” – ông Kang cho biết. Song song tập trung tuyển dụng thành viên nòng cốt, có kinh nghiệm, kiến thức tài chính chứng khoán, ông còn tuyển một nhóm 12 nhân sự Việt là sinh viên giỏi, vừa tốt nghiệp đại học để cử sang Hàn huấn luyện.

“Sau 13 năm nhìn lại, tôi vô cùng ấn tượng với những phát triển, tiến bộ của VN hiện nay so với giai đoạn tôi mới qua VN” – ông Kang chia sẻ. Từ con số khiêm tốn, đến nay VN có 74 công ty chứng khoán, vốn hóa thị trường đạt 4 triệu tỉ đồng. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – đầu tư) công bố lũy kế 7 tháng đầu năm 2020 đã có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại VN, Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,8 tỉ USD.

Là người Hàn gắn bó ở VN hơn một thập niên, ông Kang chia sẻ bản thân đã cố gắng thuyết phục nhà đầu tư ngoại, đặc biệt nhà đầu tư Hàn, hướng dòng tiền vào chứng khoán Việt. Vượt sóng gió, giờ công ty ông Kang đang điều hành đã tăng vốn điều lệ gần 5.500 tỉ đồng, top đầu các công ty chứng khoán. VN cũng trở thành nơi ông và gia đình xây dựng tổ ấm.

“Đối với tôi, từng giai đoạn kinh doanh tại VN đều đem lại ấn tượng khó quên. Tôi cũng không thể nào quên khoảnh khắc được cấp phép hoạt động công ty. Dù đây là bước cơ bản nhưng thể hiện cam kết chào đón và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và Chính phủ đối với doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi” – ông Kang bồi hồi.

VinaCapital cho rằng ước tính các nước phát triển đang “bơm” khoảng 6.000 tỉ USD cứu trợ các nền kinh tế ảnh hưởng COVID-19. VN cần tận dụng thời cơ hút vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp (FII) qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, nhằm nâng đỡ TTCK.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – đầu tư) thống kê năm 2019 tổng vốn đầu tư nước ngoài vào VN đạt 38,02 tỉ USD, riêng FII góp 15,47 tỉ USD.

“Lúc mới ra TTCK VN, khó có thể hình dung chúng ta có doanh nghiệp tỉ đô. Nhưng đến nay chúng ta có trên 20 doanh nghiệp tỉ đô. Sự phát triển của TTCK cũng là điểm thăng hoa cho khu vực kinh tế tư nhân Việt phát triển”.

 

BÔNG MAI
 
***
 
Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN – Kỳ cuối: Chắp cánh cho thị trường chứng khoán VN
 
01/08/2020 13:30 GMT+7
TTO – Các nỗ lực kỳ vọng sẽ góp chắp cánh đưa chứng khoán VN sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi trong vòng 3 năm tới.
Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ cuối: Chắp cánh cho thị trường chứng khoán VN - Ảnh 1.
 

Muốn nâng hạng, chứng khoán VN cần tăng thêm tính minh bạch – Ảnh: BÔNG MAI

“Phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đưa thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực và toàn cầu. Góp phần từng bước phát triển các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, quốc tế ở nước ta” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo nhân dịp 20 năm TTCK VN hoạt động.

“Hàng ngon” chưa bày ra chợ

Để làm được điều này, chứng khoán VN cần nhìn thẳng vào những tồn tại và cải thiện.

Ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam) nhận định thị trường VN có hơn 1.600 mã cổ phiếu niêm yết, cao hơn nhiều so với Thái Lan, nhưng lại rất ít “hàng ngon”, nên không được đánh giá cao bằng họ. 

Thậm chí, kế hoạch cổ phần hóa (CPH), niêm yết lên sàn những năm qua khá ì ạch. Nhà đầu tư vòng vòng quanh nhóm VN30 (nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường).

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ quá trình CPH và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) các năm gần đây diễn ra chậm, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa cho thị trường trong thời gian qua.

Thêm vào đó, “Nhiều cổ phiếu không được pha loãng bên ngoài thị trường, bị cô đặc đến mức nhà đầu tư cá nhân khó có thể tiếp cận mua, đặc biệt là cổ phiếu niêm yết sau khi CPH” – ông Minh nói.

HOSE cho rằng tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước trong nhiều doanh nghiệp niêm yết còn lớn, khiến tính thanh khoản cổ phiếu hạn chế so với tiềm năng doanh nghiệp. 

Ông Don Di Lam (tổng giám đốc VinaCaptial) kiến nghị cần bổ sung hàng hóa cho thị trường qua việc thêm công ty có chất lượng cao niêm yết hoặc đẩy mạnh quá trình CPH các DNNN để thu hút dòng vốn nội lẫn ngoại.

Trong 20 năm qua, không ít doanh nghiệp “thăng hoa” sau khi hoàn tất quá trình này. Điển hình như Vinamilk tăng vốn điều lệ lên 11 lần, Vietcombank tăng 33 lần… Thực tế, chứng khoán VN cũng chưa cởi mở với dòng vốn ngoại. 

Theo dữ liệu HOSE, tỉ trọng nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) góp vào tổng giao dịch vẫn còn hạn chế. Cuối năm 2019, số lượng NĐTNN tuy tăng nhưng mới chỉ đạt mức 1,45%, tỉ trọng nhà đầu tư tổ chức lại chưa cao.

Tiến sĩ Yen-Chen-Hui (giám đốc chiến lược, Yuanta Investment Consulting) nhận định đối với nhà đầu tư Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong… TTCK VN rất tiềm năng. 

Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại “chưa mê” vì: “Rất khó tìm được cổ phiếu tốt còn room để giao dịch, không thể mua, do đó cần nâng tỉ lệ sở hữu, nới room ngoại. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp niêm yết chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cũ, VN cần khuyến khích các doanh nghiệp ở lĩnh vực mới niêm yết lên sàn”.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán VN - Kỳ cuối: Chắp cánh cho thị trường chứng khoán VN - Ảnh 2.

20 năm phát triển, chứng khoán VN đang cần thêm lực đẩy mới – Ảnh: T.T.DŨNG

Tranh sáng tranh tối

“Chợ” đã vắng hàng “ngon” lại còn cảnh hàng bày bán tranh tối tranh sáng thông tin. “Đứng về góc độ nhà đầu tư, minh bạch đang là rào cản ngăn họ bước vào TTCK” – ông Minh nói.

Theo đó, tồn tại trường hợp một bộ phận thành viên hội đồng quản trị đương nhiệm vốn là “người nhà” có mối quan hệ với người cũ, không đại diện cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nói tiếng nói chung, nhóm này lại có tỉ lệ sở hữu rất cao, thông tin hoạt động kinh doanh và thanh khoản đều nắm trong tay, khiến “thao túng giá rất dễ dàng”. 

Cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa càng nhỏ thì khả năng thao túng càng lớn. Vì vậy, người có tiền cũng dè dặt mua nhóm này.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân gần như không có cầu nối với doanh nghiệp, thường chỉ tiếp cận khi gần đến đại hội cổ đông mỗi năm diễn ra một lần. Ở nhiều nước, doanh nghiệp có bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) kịp thời cung cấp thông tin, trả lời thắc mắc của nhà đầu tư. Ở VN bộ phận này lại không phổ biến.

 

“Theo kinh nghiệm từ thị trường phát triển như Hàn Quốc, VN nên tập trung vào việc cải thiện tính minh bạch của hệ thống công bố thông tin, yếu tố này sẽ góp phần bảo vệ quyền của các cổ đông nhỏ, các nhà đầu tư cá nhân”- ông Kang Moon Kyung (tổng giám đốc Công ty chứng khoán Mirae Asset VN) chia sẻ.

Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt chất lượng công bố thông tin. Chỉ số ít được kiểm toán bởi bốn hãng lớn nhất thế giới (Big 4: PWC, Deloite, E&Y và KPMG). Thiếu minh bạch, dễ bị tin đồn “tổn thương”, không chỉ cản bước nhà đầu tư mà cũng khiến doanh nghiệp ngần ngại lên sàn.

Kỳ vọng nâng tầm chứng khoán Việt

“TTCK VN vẫn còn non trẻ” – tổng kết 20 năm, HOSE nhận định. Về quy mô vốn hóa thị trường VN mới gần bằng 1/5 Philippines, 1/7 Indonesia và 1/8 Thái Lan.

Quy mô vốn hóa TTCK trên GDP dù tăng lên mốc 65% nhưng vẫn còn khiêm tốn, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối. 

Thực tế, thanh khoản trên thị trường được cải thiện nhưng vẫn tồn tại yếu tố chưa thực sự bền vững. Giá trị giao dịch còn thấp so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Dù vậy, không thể phủ nhận chứng khoán Việt đã tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp. Sau 20 năm, giấc mơ tỉ đô gọi tên 23 doanh nghiệp Việt đang niêm yết. Trong đó, nhóm “big three” vốn hóa trên 10 tỉ USD thuộc về Vietcombank, Vingroup và Vinhomes.

“Lúc mới ra đời TTCK VN, khó có thể hình dung chúng ta có doanh nghiệp tỉ đô. Nhưng đến nay chúng ta có trên 20 doanh nghiệp tỉ đô. Sự phát triển của TTCK cũng là điểm thăng hoa cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển” – ông Trần Văn Dũng, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), chia sẻ. Nhờ chứng khoán, Chính phủ cũng huy động vốn rất hiệu quả cho đầu tư phát triển.

Theo ông Dũng, “hiện nay chúng ta chưa thể nói hài lòng về chất lượng, nhưng nhìn lại giai đoạn đầu, lúc đó quản trị doanh nghiệp rất thấp, giờ đã cải thiện, xấp xỉ 50% doanh nghiệp Việt đang niêm yết đạt chuẩn quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây là con số khiêm tốn so với khu vực”.

Thời gian tới là giai đoạn TTCK phát triển sâu hơn về chất để khẳng định vị trí trong nền kinh tế quốc dân. Để làm điều này, trước mắt Luật chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực vào 1-1-2021. 

Dự thảo nghị định cũng có tính răn đe hơn khi nâng mức xử phạt hành chính hành vi thao túng chứng khoán lên tới 3 tỉ đồng. Việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán VN trong thời gian tới được kỳ vọng giúp chuyên nghiệp hóa TTCK.

Ông Dũng cho biết để bổ sung hàng hóa chất lượng, ngoài ban hành và đưa nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về mặt phát hành, đăng ký công ty đại chúng, niêm yết, công bố thông tin, kiểm toán, cơ quan quản lý cũng nỗ lực cải tiến, dần đưa chuẩn quản trị công ty VN tiệm cận chuẩn quốc tế. 

Bộ Tài chính cũng công bố lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong trình bày báo cáo tài chính (IFRS) đến 2023.

Đồng thời, UBCKNN sẽ tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm, đôn đốc, xử lý các doanh nghiệp không tuân thủ quy định niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi CPH và hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó để sớm CPH, niêm yết.

Các nỗ lực này kỳ vọng sẽ góp chắp cánh đưa chứng khoán VN sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi trong vòng 3 năm tới.

Ông Lê Hải Trà (phụ trách hội đồng quản trị HOSE) chia sẻ hiện nay hai sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Hà Nội, cùng Trung tâm lưu ký chứng khoán đang làm việc ngày đêm với nhà thầu để triển khai nền tảng hệ thống công nghệ thông tin thế hệ mới áp dụng cho toàn bộ TTCK VN.

“Các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới nhìn vào việc VN đang làm, vì họ không có cơ hội để làm một cú “big bang” (vụ nổ lớn) thay đổi toàn bộ cái đang có, chuyển sang nền tảng công nghệ hoàn toàn mới” – ông Trà nói. Dự kiến hệ thống này chính thức vận hành trong năm tới.

 

 
BÔNG MAI

Bình luận về bài viết này