hoinhap.org.vn – Thứ hai, 23 Tháng 9 2019 16:54
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) đang được ca ngợi là niềm hi vọng lớn nhất để duy trì dòng chảy thương mại toàn cầu từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bị công kích.
WTO vẫn chưa sụp đổ, tuy nhiên, tổ chức này đang phải chịu áp lực dữ dội từ hai mũi tấn công. Một mặt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phớt lờ các quy tắc của tổ chức và đơn phương áp thuế lên Trung Quốc và các nước khác. Mặt khác, Mỹ đang ngăn cản việc bổ nhiệm thẩm phán cho cơ quan phúc thẩm của WTO. Vấn đề này đồng nghĩa với việc, từ sau tháng 12, cơ quan phúc thẩm của WTO sẽ không còn đủ thành viên để tiếp nhận những vụ kiện mới.
Mặc dù RCEP không thể thực sự thay thế WTO (hiệp định này chỉ có 16 nước thành viên, trong khi WTO có tới 164 nước), nhưng RCEP vẫn đang được xem là một phương án dự phòng. 16 nước thành viên RCEP chiếm hơn phân nửa dân số thế giới; trong đó có những nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Australia và New Zealand.
Đàm phán RCEP khởi động từ năm 2012 và đang bị kéo dài. Đặc biệt, một trong những trở ngại to lớn, gần như không thể đàm phán chính là: Thủ tục giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư (ISDS).
ISDS là một trong những phần tồi tệ nhất của RCEP
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không có quy định về ISDS. Trong WTO, chính phủ một nước có thể khởi kiện nước khác theo luật của WTO, tuy nhiên, các tập đoàn không thể khởi kiện chính phủ.
Các điều khoản ISDS, đang tồn tại trong nhiều hiệp định thương mại song phương hoặc khu vực, cho phép các công ty nước ngoài (nhưng công ty nội địa thì không) được phép đối đầu với chính phủ.
Khi công ty thuốc lá Philip Morris (của Hong Kong) thất bại trong một vụ kiện chống lại chính phủ Australia về luật bao bì đóng gói tại Tòa án Tối cao Australia, họ có được cơ hội thứ hai khi đưa vụ kiện lên một tòa án quốc tế, dựa trên những điều khoản ISDS trong hiệp ước đầu tư Australia-Hong Kong. Các công ty của Australia thì lại không có được đặc quyền này.
Mặc dù chính phủ Australia đã tiếp tục giành phần thắng, vụ kiện này phải kéo dài 7 năm và làm tiêu tốn 24 triệu AUD (Đô-la Australia). Trong khi số tiền bồi thường mà Australia nhận được từ Philip Morris chỉ là 12 triệu AUD.
Các điều khoản ISDS đã ra đời trong giai đoạn hậu thuộc địa sau Thế chiến II, để bảo vệ các nhà đầu tư quốc tế khỏi việc bị chính phủ chiếm đoạt hoặc sung công tài sản. Nhưng trong 20 năm gần đây, các điều khoản này còn bao hàm thêm những vấn đề như sung công “gián tiếp”, “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” và “kỳ vọng chính đáng”, vốn không liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản hữu hình, và không tồn tại trong hệ thống pháp lý của nhiều nước.
Vì các vụ kiện rất tốn kém, nên chúng chỉ thường được sử dụng bởi các công ty toàn cầu lớn, đang sở hữu sức mạnh thị trường khổng lồ, chẳng hạn như công ty thuốc lá, dược phẩm, tập đoàn nông nghiệp, khai thác khoáng sản và năng lượng.
Hiện tại đã có 942 vụ kiện ISDS được công bố, với xu hướng chống lại các luật lệ về bảo vệ sức khỏe và môi trường, đặc biệt là luật chống biến đổi khí hậu.
Các nước đang quay lưng với ISDS
Cả Mỹ và Liên minh Châu Âu đều đang rời bỏ các điều khoản ISDS. Hồi tháng 1, 28 nước thành viên EU đã quyết định chấm dứt các thỏa thuận ISDS trong nội bộ khối.
Khối EU cũng không đề cập đến ISDS trong bất cứ hiệp định nào mà họ đang đàm phán, bao gồm hiệp định tự do thương mại EU-Australia.
Trong dài hạn, Châu Âu đang theo đuổi đề xuất thành lập một Tòa án Đầu tư Đa phương thường trực. Cơ quan này cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được kiện chính phủ quốc gia, nhưng sẽ khắc phục được những khuyết điểm về mặt thủ tục của hình thức trọng tài (vì hội đồng trọng tài chỉ mang tính tạm thời). Đây là một đề xuất gây tranh cãi, và nó vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Nhật, Australia hay các đối tác quan trọng khác, vậy nên khó có khả năng sớm được triển khai.
Mỹ và Canada đã loại bỏ ISDS khỏi phần thỏa thuận của họ trong Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) mới, hay còn được biết đến dưới tên gọi Hiệp định Mỹ – Mexico – Canda (USMCA).
Hai thể chế đang quản lý các vụ kiện ISDS, bao gồm Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư của Ngân hàng Thế giới, cũng đang tiến hành rà soát lại hệ thống này.
Có vẻ như RCEP cũng sẽ loại bỏ những điều khoản này
Malaysia nổi tiếng là một nước luôn giữ bí mật về các cuộc đàm phán thương mại quốc tế. Tuy nhiên cuối tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Datuk Darell Leiking đã tiết lộ rằng, Malaysia và tất cả 15 nước thành viên khác trong cuộc đàm phán RCEP đã đồng ý loại bỏ điều khoản ISDS khỏi thỏa thuận.
Malaysia, Ấn Độ, Indonesia và New Zealand là các nướcđã chính thức phản đối các điều khoản ISDS.Nhưng đây là dấu hiệu công khai đầu tiên cho thấy, tất cả các nước RCEP đều chấp nhận loại bỏ nó.
Trích lời ông Datuk Darell Leiking: “Một khi hiệp định có hiệu lực, có thể là trong vòng 2 năm, các nước thành viên sẽ nhìn lại một lần nữa, và xem xét liệu chúng ta có nên áp dụng ISDS. Nhưng nó phải là một thỏa thuận được chấp thuận bởi tất cả các bên. Hiện tại, sẽ không có ISDS”.
Sự phản đối dành cho ISDS đang gia tăng. Động thái chấp nhận loại bỏ ISDS khỏi RCEP của chính phủ Australia làm dấy lên câu hỏi về việc tại sao họ lại tiếp tục theo đuổi những điều khoản này trong các hiệp định thương mại với Indonesia và Hong Kong. Các hiệp định này đang được xem xét bởi Ủy ban quốc hội Australia.
Nó cũng dấy lên câu hỏi dành cho Đảng Lao Động, Đảng Xanh và Đảng Centre Alliance. Những đàng này đều có chủ trưởng phản đối ISDS, vậy nên liệu họ sẽ ủng hộ các hiệp định khi ủy ban báo cáo về chúng vào giữa tháng 10.
Vẫn còn những vấn đề khác
Xóa bỏ được ISDS trong RCEP sẽ là một chiến thắng cho các phong trào xã hội và giảm bớt lo lắng của chính phủ về khả năng duy trì các quy định bảo vệ lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khó khăn khác đang tồn tại trong chương trình nghị sự RCEP.
Chẳng hạn như đề xuất kéo dài thời hạn độc quyền dành cho dược phẩm, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thuốc giá rẻ và sẽ tác động xấu đến các nước đang phát triển.
Chúng ta vẫn chưa rõ liệu những trở ngại quan trọng này có thể được giải quyết, và cuộc đàm phán sẽ hoàn thành theo đúng kỳ hạn đặt ra vào cuối năm 2019 hay không.
Nguồn: The Conversation