Đặc khu kinh tế: Thực trạng và khát vọng – 5 bài

TP – Phú Quốc (Kiên Giang) cùng với Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang mang trong mình khát vọng lớn, vươn mình trở thành những đặc khu kinh tế tầm cỡ khu vực và thế giới. Vậy thực trạng phát triển kinh tế – xã hội của 3 địa danh này hiện ra sao? Liệu chúng ta có tạo ra được hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo bệ phóng cho 3 đặc khu phát triển mạnh mẽ, mang tính bước ngoặt như kỳ vọng?

Du khách lặn biển ngắm san hô ở Phú Quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Du khách lặn biển ngắm san hô ở Phú Quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bài 1: Phú Quốc vươn mình trỗi dậy

Với tiềm năng và lợi thế được đánh thức, đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) đang trên đà trỗi dậy mạnh mẽ và vươn mình để trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HC-KTĐB).

Đứng trên triền đất cao, ông Việt Hồng vừa khoát một vòng tay vừa giới thiệu về dự án khu resort nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, cách trung tâm đảo Phú Quốc chừng 10km về phía Bắc. Resort có cái tên rất Tây: Isabella, được xây dựng trên diện tích hơn 6.000m2 gần biển, gồm hệ thống 50 phòng nghỉ, bố trí theo từng block với lối kiến trúc hài hòa. Dự án được đầu tư gần 100 tỷ đồng, khởi công từ đầu năm 2016, đến nay đã sắp hoàn thành. Ông Hồng tin rằng, Phú Quốc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong nay mai huyện đảo này sẽ là thành phố, hơn nữa lại là đặc khu kinh tế… nên sẽ có rất nhiều triển vọng và thu hút khách khắp nơi trên thế giới. Ông Hồng cũng không giấu giếm rằng đã quyết định bỏ vào dự án này gần 100 tỷ đồng và đối tượng khách ông “nhắm” tới chủ yếu đến từ châu Âu, đặc biệt Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…

Không riêng ông chủ Resort Isabella, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang đổ về Phú Quốc, nhất là kể từ đầu năm 2014 khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo bằng cáp ngầm xuyên biển. Trên trục đường chính từ thị trấn Dương Đông về phía Nam đảo có hàng loạt các dự án tổ hợp khách sạn, nhà hàng, căn hộ, khu nghỉ dưỡng đã và đang thành hình với không ít dự án của các đại gia tên tuổi như Phú Quốc Marina (Tập đoàn BIM Group), Sonasea Villas & Resort (CEO Group), Mường Thanh Phú Quốc… Ngược lên phía Bắc cũng có hàng loạt khu nghỉ dưỡng, giải trí quy mô từ lớn, trung bình đến nhỏ đã và đang mọc trải dài khắp đảo như Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Safari, Grand World…

Trưởng BQL Khu kinh tế Phú Quốc, ông Nguyễn Thống Nhất cho biết, đến nay trên hòn đảo này có 265 dự án đầu tư còn hiệu lực với diện tích trên 10.500 ha. Trong đó có 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích trên 7.200 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký gần 218.000 tỷ đồng; 31 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai xây dựng, các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trên địa bàn đến nay có 26 dự án FDI với tổng vốn 290 triệu USD.

Ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, cùng với dự án của các nhà đầu tư, nhiều dự án đầu tư công cũng đã và đang được triển khai trải dài từ Bắc đến Nam đảo như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng; đường trục chính Nam – Bắc đảo, dài 51,5km, vốn đầu tư hơn 2.468 tỷ đồng, đã thực hiện 92%; đường vòng quanh đảo dài gần 100 km, hơn 3.011 tỷ đồng, đã thực hiện 68%; nâng cấp cảng cá An Thới; đê chắn sóng và nạo vét luồng cửa sông Dương Đông; khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Gành Dầu; cảng hành khách quốc tế tại Dương Đông…

Resort Isabella – một trong những resort độc đáo tại xã Cửa Dương. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Phát triển nhanh và nóng

Cùng với dòng vốn đầu tư, dòng người du lịch từ các nơi cũng đổ về Phú Quốc ngày một nhiều. Ông Huỳnh Quang Hưng cũng cho biết, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của huyện đảo trong luôn duy trì ở mức cao (trên 30%), thu ngân sách gấp chục lần so với 10 năm về trước. Đặc biệt, lượng khách du lịch không ngừng tăng cao, năm 2016 tăng 63% so với 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017 Phú Quốc thu hút 987.940 lượt khách du lịch, tăng trên 44% so cùng kỳ, riêng khách quốc tế tăng 77% so với cùng kỳ.

Dòng người từ đất liền đổ ra Phú Quốc tìm kế sinh nhai cũng mỗi ngày một nhiều thêm. Từ An Giang, Trần Văn Phương (25 tuổi) ra Phú Quốc làm thợ sắt tại các công trình xây dựng được hai năm nay. Huy cho biết, mỗi ngày công được trả 300 ngàn đồng, bao luôn cơm, so với giá lao động ở quê là gần gấp đôi. Theo Phương, dù mức giá cả sinh hoạt trên đảo cao hơn so với ở đất liền nhưng bù lại thu nhập tốt nên nhiều người từ các nơi đã ra đây tìm kiếm việc làm, hầu như khắp mọi miền đều có.

Ông Phan Hoàng Tuấn – Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn cho biết, trên địa bàn xã Cửa Cạn hiện có hơn 20 dự án được cấp phép, trong đó 4 – 5 dự án đã đi vào hoạt động. Các dự án được triển khai đã giúp bà con trên đảo có nhiều công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập. Nhiều người đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm dịch vụ du lịch sinh thái vườn phục vụ khách tham quan. Đời sống bà con những năm gần đây tương đối ổn định và phát triển nhờ sự đầu tư phát triển đảo.

Cùng với thực hiện các quy hoạch theo phê duyệt của Chính phủ, thời gian tới, trọng tâm phát triển của Phú Quốc vẫn là dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chất lượng cao gắn với vui chơi giải trí cao cấp như casino, safari, cáp treo… Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông… nhằm đáp ứng mức tăng trưởng từ 25 – 30%.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Huỳnh Quang Hưng, việc phát triển nhanh và nóng cũng dẫn đến những mặt trái, trong đó có vấn đề môi trường. Nhà máy xử lý rác thải đang trong giai đoạn hoàn thiện, riêng xử lý nước thải đang rất khó khăn do thiếu vốn. Mặt khác, lao động từ các nơi khác đến đây rất đông nên địa bàn có những hệ lụy về an ninh trật tự, có lúc có nơi còn phức tạp, chưa được đảm bảo. Tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường về đất đai… tăng cao. Việc bao chiếm, lấn chiếm đất do nhà nước quản lý cũng hết sức phức tạp, dù có xử lý nhưng không xuể.

Khách du lịch đến Phú Quốc ngày một nhiều bằng cả đường biển lẫn đường hàng không. Ảnh: Đại Dương.

Quy mô lớn, bộ máy vẫn cấp huyện

Giữa tháng 7 vừa qua, một hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách cho đơn vị HC-KTĐB Phú Quốc đã được tổ chức tại đây với sự có mặt của các chuyên gia, nha khoa học. Các diễn giả đã đề xuất, phân tích mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền và các tổ chức liên quan ở đơn vị HC-KTĐB Phú Quốc, xây dựng thể chế vượt trội, nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của đảo ngọc. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đơn vị HC-KTĐB Phú Quốc phải cạnh tranh, liên kết quốc tế với các đặc khu khác của khu vực và thế giới, phải xây dựng năng lực cạnh tranh vượt trội cho đơn vị này ở đẳng cấp cao nhất.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu kỳ vọng, với những ưu thế về du lịch sinh thái, biển đảo, là khu du lịch quốc gia, Phú Quốc sẽ có cơ hội bứt phá để phát triển du lịch khi được hưởng những cơ chế, chính sách đặc biệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh rằng, cơ chế chính sách đặc biệt là hết sức quan trọng với đơn vị HC-KTĐB Phú Quốc. Theo “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu là xây dựng đảo Phú Quốc thành “Thành phố biển đảo, trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cao cấp, nghiên cứu khoa học công nghệ… của quốc gia và khu vực”.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của Phú Quốc đã phát sinh những bất cập. Theo ông Hồng, Phú Quốc có quy mô nền kinh tế và khối lượng công việc tương đương với một tỉnh, nhưng tổ chức bộ máy thì vẫn còn là cơ quan cấp huyện. Mặt khác, dù đã được công nhận là đô thị loại II, nhưng bản chất vẫn là chính quyền nông thôn…

Phú Quốc là huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, với diện tích gần 59.000ha, dân số khoảng 120.000 người. Được ví là “đảo ngọc”, Phú Quốc nằm độc lập ở vùng biển Tây Nam, cách TP Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 120km. UBND tỉnh, các sở, ngành của Kiên Giang đã xây dựng đề án thành lập đơn vị HC-KTĐB Phú Quốc, lấy ý kiến nghiên cứu, điều chỉnh hoàn thiện và báo cáo Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2017.

***

Đặc khu kinh tế: Thực trạng và khát vọng – Bài 2:
Thương cảng Vân Đồn

TP – Về Vân Đồn thời gian này, chúng tôi mới thấy hết sự náo nhiệt của một đại công trường đang ngày đêm cật lực chế tác “viên ngọc thô”. Từng đoàn xe vận tải, từ thiết bị, máy móc, vật liệu để tập trung xây dựng các công trình trọng điểm như sân bay, đường cao tốc, các khu nghỉ dưỡng cao cấp… Tất cả đã mang hình hài của một khu đô thị sầm uất, một đặc khu kinh tế trong tương lai.

Phối cảnh một góc nhỏ của đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Đưa Quảng Trị vào diện đặc khu kinh tế

Thương cảng quốc tế đầu tiên của Đại Việt

Thương cảng Vân Đồn nổi tiếng thịnh vượng suốt 3 triều đại nhà Lý, Trần và Hậu Lê. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tên gọi Vân Đồn vẫn được nhắc đến như một địa danh còn ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển. Ước mơ, khát khao một lần nữa Vân Đồn lấy lại vị thế thịnh vượng, trở thành đầu tàu kinh tế của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung vẫn cháy bỏng khôn nguôi.

Vân Đồn là một quần đảo nằm phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích tự nhiên hơn 550km², bao gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một vòng cung ôm trọn vịnh Bái tử Long. Vịnh Bái Tử Long, nơi trong truyền thuyết cho rằng, đây chính là vùng đất mà đàn rồng con hạ giới giúp dân đánh thắng giặc ngoại xâm. Còn nơi rồng mẹ hạ giới chính là vịnh Hạ Long.

Tên Vân Ðồn có nguồn gốc từ tên núi Vân (núi có mây phủ) ở làng Vân (nay thuộc xã Quan Lạn) nằm trong tuyến đảo ngoài Vân Hải. Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên, theo sử sách, năm 980 ở đây đã có đồn Vân, trấn giữ vùng biển Đông Bắc, của quân đội nhà Tiền Lê. Sang triều Lý năm 1149 vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Ðồn, đồng thời Vân Đồn biến thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt.

Do địa hình là quần đảo chủ yếu là các đảo nhỏ, lại là núi đá vôi, nên trong toàn bộ diện tích tự nhiên chủ yếu là diện tích mặt biển. Từ xa xưa, đây đã trở thành nơi trú ngụ của tàu thuyền và lâu dần đã trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi tập trung thuyền bè các nước buôn bán và cư trú nên vấn đề quản lý an ninh chính trị được hết sức chú trọng. Công việc trấn giữ, quản lý vùng Vân Đồn và miền Đông Bắc thường được giao cho các thân vương, đại thần trọng chức.

Ngày nay, huyện đảo Vân Ðồn với một hệ thống đảo đá vôi cùng những hang động đẹp, lại nối liền với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Các xã đảo tuyến ngoài giáp vịnh Hạ Long (tuyến đảo Vân Hải) có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều hải sản ngon, khí hậu trong lành và những di tích lịch sử văn hóa nên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, Vân Đồn còn được thiên nhiên ưu đãi với những mỏ than, quặng sắt, vàng sa khoáng, cát trắng… trữ lượng lớn, rất phù hợp để phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều chuyên gia kinh tế khi đến Vân Đồn thường ví Vân Đồn như một “nàng công chúa ngủ quên trên biển”. Cần có một cú hích mạnh mẽ để đánh thức những tiềm năng Vân Đồn đang nắm giữ. Cần tạo một môi trường phát triển phù hợp để Vân Đồn có thể “cất cánh”, thăng hoa như ước vọng bao đời nay của những người con Vân Đồn nói riêng và Quảng Ninh nói chung.

Vân Đồn đang đứng trước một cơ hội rất lớn để có thể biến ước mơ thành hiện thực, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Bến cảng Cái Rồng, một phần của thương cảng Vân Đồn nổi tiếng trong khu vực và thế giới.

Sẵn sàng cho một đặc khu kinh tế

Đã 10 năm, kể từ ngày ý tưởng xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đề án phát triển kinh tế – xã hội khu kinh tế Vân Đồn thành Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Quảng Ninh đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để chế tác “hòn ngọc thô” trở thành hòn ngọc quý trong tương lai.

Có những giai đoạn, ý tưởng này gần như bị tắc nghẽn bởi những khó khăn từ địa phương. Nhưng với một quyết tâm đưa Vân Đồn trở thành một đặc khu kinh tế đầu tiên của miền Bắc, Quảng Ninh đã chạm được vào ước mơ khi Thủ tướng đồng ý cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Đề án Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn được Quảng Ninh chuẩn bị từ năm 2012 với trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vân Đồn sẽ là khu kinh tế tổng hợp và du lịch biển đảo chất lượng cao với tổng diện tích tương đương với quốc đảo Singapore.

Hiện Quảng Ninh đang tập trung chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu cho Khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai, nhằm phát huy và khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch to lớn, đặc sắc của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, tạo động lực để phát triển, đồng thời chủ động khai thác lợi thế trong hợp tác phát triển dọc vành đai kinh tế ven biển Việt Nam – Trung Quốc.

Thời gian qua, Quảng Ninh đã huy động gần 40.000 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đầu tư trong nước và ngoài nước để có thể biến Vân Đồn trở thành khu kinh tế phát triển năng động, hiện đại, thành phố biển quốc tế văn minh, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp và là cửa ngõ giao thương quốc tế. Vân Đồn đang được đầu tư hạ tầng cơ sở một cách hiện đại, hệ thống và đồng bộ.

“Chúng tôi mong mỏi ngày Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế đã từ lâu lắm rồi. Từ ngày có chủ trương, dân chúng tôi luôn ủng hộ nên việc giải phóng mặt bằng có liên quan đến đất đai được xử lý rất nhanh chóng. Sự thay đổi này quả thực rất lớn và chúng tôi vẫn chưa hình dung hết được khi là cư dân của một đặc khu kinh tế nó sẽ như thế nào?” – Ông Hoàng Hữu Thái, cư dân thôn Đông Thành, Xã Đông Xá, huyện Vân Đồn nói.

Quảng Ninh đang đảm bảo mô hình đặc khu kinh tế này phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất. Khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến và nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng.

“Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc – ASEAN” – Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Có thể thấy, những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng Vân Đồn trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước đang có những bước tiến triển vững chắc. Kỳ vọng về một thương hiệu kinh tế Vân Đồn sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, Vân Đồn sẽ cất cánh bay lên trở thành vùng kinh tế phát triển, năng động mang tầm quốc tế, một khi nó được chắp đôi cánh thể chế, cơ chế thực sự khác biệt và nổi trội, xứng tầm đặc khu kinh tế của cả nước.

“Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo trong huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung vào các công trình động lực tạo nền tảng cho sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn”.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh đang đảm bảo mô hình đặc khu kinh tế này phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất. Khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến và nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng.

***

Đặc khu kinh tế: Thực trạng và khát vọng – Bài 3: Chờ Vân Phong vươn mình

TP – Với việc Đặc khu Hành chính – Kinh tế Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong) được xúc tiến thành lập, khu vực vịnh Vân Phong có cơ hội lớn để phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của nơi này.

Hàng cọc đóng dang dở, dấu vết còn lại của dự án CTCQT Vân Phong.

Quá nhiều tiềm năng

Khu vực vịnh Vân Phong bao gồm vịnh Vân Phong nằm giữa đảo Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, bờ biển huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, là vùng bờ biển Việt Nam gần các tuyến hàng hải quốc tế nhất, ngay nơi các tuyến hàng hải tấp nập loại nhất thế giới gặp nhau. Trong vịnh Vân Phong, vũng Đầm Môn rộng 3.500ha với độ sâu từ 20m đến 27m, có lạch Cửa Lớn rộng hơn 950m và lạch Cửa Bé rộng trên 700m. Đây là vị trí có độ sâu, rộng và kín gió tốt nhất trong các vịnh của Việt Nam, rất thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT).

Đây cũng là nơi có khí hậu ôn hòa, địa hình đa dạng với bờ biển và vịnh, núi đá và cồn cát, rừng nguyên sinh ngập mặn,  cảnh quan tuyệt đẹp. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực vịnh Vân Phong là nơi có tài nguyên du lịch biển độc đáo cả về cảnh quan và môi trường, một vị trí lý tưởng về du lịch, ít nơi nào ở Việt Nam có được. Với lợi thế kết nối giao thông với khu vực và quốc tế cả về đường bộ, đường biển, đường không, nhiều vị trí có địa hình bằng phẳng, khu vực vịnh Vân Phong cũng có điều kiện thuận lợi để hình thành các khu công nghiệp đa ngành như công nghiệp đóng tàu, các ngành công nghiệp phụ trợ ngành đóng tàu, công nghiệp điện, lọc hóa dầu…

Hy vọng con đường ở khu vực Mũi Du được tiếp tục xây dựng hoàn thành, vươn ra tới biển.

Người đẹp có nguy cơ bị lỡ thì

Từ cuối thế kỷ trước, khu vực Vân Phong – Đại Lãnh đã được quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Một con đường bê tông nhựa dài 18km được mở xuyên qua những bãi cát của bán đảo Hòn Gốm, nối Đầm Môn với QL1 tại phía Nam đèo Cổ Mã, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2002 nhằm mục đích mở mang du lịch. Nhưng ngoài con đường Cổ Mã – Đầm Môn, vài năm sau đó vịnh Vân Phong chưa có thay đổi đáng kể nào, vẫn chỉ có mấy làng chài heo hút như Đầm Môn, Khải Lương, Điệp Sơn… Ngày 25/4/2006, Khu Kinh tế Vân Phong (KKTVP) được thành lập với định hướng quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp, trong đó CTCQT giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Trong gần 4 năm sau đó, KKTVP thu hút gần 150 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 14 tỷ USD, trong đó có những dự án rất lớn như dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với số vốn đăng ký 4,8 tỷ USD, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 với số vốn đăng ký 3,8 tỷ USD… Tất nhiên, phải kể đến dự án chủ đạo của KKTVP là Dự án CTCQT Vân Phong do Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư.

Dự án CTCQT Vân Phong có tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD, chiếm diện tích 750 ha ở Đầm Môn, gồm 25 bến tàu lớn và 12 bến tàu nhỏ. Trong đó, Dự án CTCQT Vân Phong (giai đoạn khởi động) gồm 2 bến cho tàu container sức chở 6.000 – 9.000 TEU (container chuẩn 20 ft) đã chuẩn bị được khởi công vào ngày 25/1/2008. Tuy nhiên, ngày 15/1/2008 Chính phủ yêu cầu chưa khởi công dự án CTCQT Vân Phong, để làm rõ một số vấn đề liên quan việc Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề nghị được đầu tư xây dựng dự án nhà máy thép liên hợp. Dự án của Posco có giá trị đầu tư giai đoạn 1 khoảng 5,8 tỷ USD, gồm nhà máy thép có công suất 8 triệu tấn thép/năm, nhà máy nhiệt điện công suất 1100 MW và cảng phục vụ cho hoạt động của các nhà máy, tại chính khu vực đã được quy hoạch cho CTCQT và khu trung tâm đa chức năng của KKTVP. Có thể vừa làm CTCQT và làm du lịch vừa làm dự án thép Posco được không, hay phải chọn giữa CTCQT và dự án thép? Đó là vấn đề gây dư luận khá nóng trong năm 2008. Ngày 31/10/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến chính thức không chấp thuận dự án của Posco tại khu vực Đầm Môn, vì dự án này ảnh hưởng đến định hướng phát triển của dự án CTCQT Vân Phong, không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Đúng một năm sau khi dự án thép Posco bị từ chối, ngày 31/10/2009 dự án CTCQT Vân Phong (giai đoạn khởi động) được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, sau đó dự án CTCQT Vân Phong đình đốn vì nhiều lý do. Tháng 6/2013, dự án này bị thu hồi giấy phép đầu tư.

Trước đó, vào tháng 2/2013, dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong tại khu vực Mũi Du, phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) cũng bị thu hồi giấy phép đầu tư. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 1,35 tỷ USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5/2011 nhưng sau đó không triển khai hạng mục nào. Đáng chú ý, khu vực dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong vốn là nơi đầu năm 2008 Tập đoàn STX (Hàn Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Nhưng do Tập đoàn STX không triển khai thực hiện dự án, tháng 6/2010 UBND tỉnh Khánh Hòa rút giấy phép dự án STX Vina.

Đến nay, sau gần 10 năm đề nghị đầu tư, các dự án tỷ đô Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong và Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 cũng chưa được triển khai. Tại khu vực Bắc Vân Phong mới chỉ có vài dự án nhỏ được thực hiện.

Lắm mối, nhưng người đẹp Vân Phong có nguy cơ bị lỡ thì…

Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất khu vực Bắc Vân Phong.

Đặc khu Bắc Vân Phong

Năm 2012, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương nghiên cứu xây dựng các Đề án đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tháng 12/2016, Ban cán sự đảng Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị cho phép thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và UBND các tỉnh, các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2017). Ngày 11/8/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành Đặc khu Bắc Vân Phong. Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện thủ tục lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài, theo luật định.

Theo Đề án Đặc khu Bắc Vân Phong do UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xây dựng, Đặc khu Bắc Vân Phong có diện tích khoảng 66.000ha gồm 19.000 ha đất và 47.000 ha mặt nước biển, ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành nghề: Công nghiệp dịch vụ cảng biển và logistic; Dịch vụ tài chính quốc tế; Du lịch cao cấp có casino, khu giải trí đẳng cấp quốc tế; Công nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Đặc khu Bắc Vân Phong trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư được thuê đất với thời hạn tới 99 năm và có thể gia hạn, người nước ngoài được nhiều ưu đãi về tài chính, xuất nhập cảnh, sở hữu tài sản…

Ngày 17/8/2017, tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất về mặt chủ trương cho phép Tập đoàn tư vấn Boston (BCG, Hoa Kỳ) lập quy hoạch tổng thể Đặc khu Bắc Vân Phong. Những đề xuất cụ thể về chính sách, mô hình phát triển trong Đặc khu Bắc Vân Phong phải mang đặc thù riêng, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh có sẵn của Khánh Hòa, cạnh tranh được với quốc tế nhưng không cạnh tranh với những đặc khu khác của Việt Nam (Vân Đồn, Phú Quốc).

Ước tính, tại Đặc khu Bắc Vân Phong Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.

Tờ trình của Bộ KH&ĐT đề nghị xây dựng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

***

TP – Lợi ích của việc thành lập các đặc khu kinh tế đã thể hiện qua sự phát triển của hơn 3.000 đặc khu kinh tế trên khắp thế giới. Nhưng bên cạnh những thành công, nhiều nước “ngậm đắng nuốt cay” khi các đặc khu kinh tế thất bại như ở châu Phi.

Đặc khu kinh tế tạo ra hơn 500 tỷ USD

Mô hình khu kinh tế hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ) năm 1942. Từ cuối những năm 1960, các mô hình khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do phát triển mạnh ở nhiều quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, UAE, Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Malaysia…

Số lượng các đặc khu kinh tế tăng nhanh qua từng thời kỳ. Sự phát triển của các đặc khu kinh tế góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 70 triệu việc làm trực tiếp và hơn 500 tỷ USD doanh thu.

Theo Bộ KH&ĐT, 5 yếu tố tạo nên sự thành công của các đặc khu kinh tế gồm: vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược (gần cảng biển quốc tế, các tuyến giao thông quan trọng của đất nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế); Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng với ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh vượt trội; Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi; Có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực; Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.

“Các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đáp ứng các yếu tố quyết định thành công đặc khu kinh tế theo kinh nghiệm quốc tế”, Bộ KH&ĐT cho biết.

66% đặc khu ở Ấn Độ thất bại

Để tránh rơi vào “vết xe đổ”, Ban soạn thảo Dự thảo luật cũng nghiên cứu nguyên nhân thất bại của một số đặc khu kinh tế trên thế giới. Theo nghiên cứu Quốc tế của FIAS (2008), Pakistan, một số đặc khu kinh tế của Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi (Senegal, Namibia, Liberia, Bờ Biển Ngà, Công gô, Nam Phi), Ukraine, Moldova thất bại khi xây dựng mô hình đặc khu kinh tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại như vị trí không thuận lợi khiến chi phí đầu tư lớn; Chính sách cạnh tranh chỉ dựa vào ưu đãi thuế, lao động cứng nhắc; Giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; Mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đặc khu.

Từ năm 2000-2014, Ấn Độ đã cấp phép cho 564 đặc khu kinh tế, nhưng tính đến tháng 6/2014, chỉ có 192 khu là còn hoạt động, chiếm 34%. Bộ Thương mại Ấn Độ đã tìm ra nguyên nhân thất bại do Chính phủ Ấn Độ đã dành các ưu đãi cho các đối tượng nằm ngoài đặc khu kinh tế và rút bớt ưu đãi cho các đặc khu kinh tế khi ký các thỏa thuận mậu dịch tự do.

***

TP – Bộ KH&ĐT xây dựng Dự thảo luật thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) với nhiều ưu đãi chưa từng có về thuế, đất đai với kỳ vọng tạo bước ngoặt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu các đặc khu này không có thể chế nổi trội và ưu đãi chưa hấp dẫn hơn so với các đặc khu khác trong khu vực, sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư.

Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bộ máy hành chính tinh gọn

Theo Dự thảo này, yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút đầu tư là tinh gọn bộ máy hành chính. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, đặc khu sẽ có quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành nghề như tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến, khu thương mại tự do Thượng Hải (Trung Quốc).

“Hiện nay, nhà đầu tư muốn xin cấp phép dự án (DA) phải thông qua nhiều cấp thẩm định từ UBND tỉnh đến Thủ tướng (trong một số trường hợp theo quy định), nhưng với DA tại đặc khu kinh tế, Trưởng đặc khu được toàn quyền quyết định và chịu mọi trách nhiệm trước Chính phủ”, ông Đông nói.

Thủ tục hành chính, chính quyền các đặc khu sẽ áp dụng dịch vụ hành chính “một cửa, tại chỗ”, UBND đặc khu toàn quyền giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư. Khi xảy ra vướng mắc, mọi thủ tục được giải đáp nhanh gọn, do Trưởng đặc khu toàn quyền quyết định, trừ các DA liên quan đến quốc phòng, an ninh.

“Trong Dự thảo luật vẫn tiềm ẩn tư tưởng xin cho, nhất là với việc trao quyền cho Trưởng đặc khu. Tôi cho rằng nên sửa quy định Trưởng đặc khu được thực hiện quyền lực đến đâu trong Dự thảo luật bằng việc, quy định những việc Trưởng đặc khu không được làm. Điều này sẽ giúp Trưởng đặc khu thực hiện những gì pháp luật không cấm sẽ thuận lợi hơn”, ông Trần Du Lịch, nguyên Đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM đánh giá.

Một trong những điểm đặc biệt mà Dự thảo luật này đưa ra như cho phép nhà đầu tư được thế chấp tài sản gắn với đất tại các ngân hàng nước ngoài để linh hoạt huy động vốn. UBND đặc khu được huy động vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Với một số công trình thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, khi xảy ra tranh chấp (giữa các nhà đầu tư hoặc giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước Việt Nam), nhà đầu tư được chọn pháp luật nước ngoài giải quyết.

Để nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, các đặc khu sẽ được mở rộng ngành, nghề đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho người nước ngoài đầu tư kinh doanh và sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mua nhà, đất và có sổ đỏ để chuyển nhượng, mua, cho thuê, tặng cho, thừa kế chung cư, căn hộ riêng lẻ và cả bất động sản nghỉ dưỡng.

“Để môi trường kinh doanh thông thoáng, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại các đặc khu kinh tế giảm xuống còn 63 ngành, liên quan đến quốc phòng an ninh. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư con số ngành nghề này lên tới 243”, ông Đông cho biết.

Nguy cơ khó thu hút đầu tư?

Dự thảo Luật này có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai chưa từng có trong lịch sử đầu tư của Việt Nam. DA đầu tư thuộc ngành, nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; trung tâm nghiên cứu và phát triển sẽ được thuê đất lên tới 99 năm (quy định hiện nay không quá 70 năm) và miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cả đời DA. Về thuế, DA được miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm (tính từ khi bắt đầu sản xuất); thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Để thúc đẩy du lịch, khách quốc tế được mua hàng miễn thuế không hạn chế, khách Việt Nam được tăng lên 2 lần so với các khu vực khác. Miễn thị thực và cấp thị thực điện tử với thời gian tạm trú không quá 60 ngày cho người nước ngoài. Dự thảo luật đề xuất cho phép cá nhân, tổ chức giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại tệ.

Với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế suất hiện hành. Người chơi cao cấp sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn để cạnh tranh với casino của Singapore và đặc khu hành chính Macao.

TS Trần Du Lịch, nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, người từng tham gia hội thảo bàn về Dự thảo Luật các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho rằng, Luật đặc khu kinh tế nổi trội, chỉ phải tuân thủ Hiến pháp và vượt lên mọi quy định của các luật khác, tuy nhiên sự nổi trội này chưa vượt lên so với các ưu đãi của đặc khu khác trên thế giới đã thành lập.

“Đặc khu kinh tế của Việt Nam ra đời sau, dù có nhiều đột phá nhưng chưa ưu đãi vượt bậc so với các đặc khu khác trên thế giới. Tôi e ngại sẽ khó thu hút nhà đầu tư tiềm năng đến các đặc khu kinh tế này”, ông Lịch nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, các đặc khu kinh tế khó thu hút đầu tư bởi các chính sách ưu đãi được cóp nhặt từ kinh nghiệm của một vài mô hình đặc khu trên thế giới. Như xây dựng đặc khu kinh tế theo phương pháp tích hợp đa ngành; cho phép nhà đầu tư chọn giải quyết tranh chấp bằng pháp luật nước ngoài như tại Thâm Quyến, khu thương mại tự do Thượng Hải, Khu công nghiệp Tô Châu (Trung Quốc); Du bai (Tiểu Vương quốc Ả Rập UAE); thành phố Jeju (Hàn Quốc).

Trong dự thảo đưa ra, Ban soạn thảo chưa làm rõ ưu đãi nổi bật của các đặc khu này so với đặc khu đang hoạt động trong khu vực. “Là người đi sau, chúng ta phải khác biệt. Nếu chính sách chỉ tương tự các đặc khu đã có, nhà đầu tư sẽ không đến với Việt Nam”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo một lãnh đạo Bộ KH&ĐT, dự kiến, Dự thảo Luật đặc khu kinh tế sẽ được thảo luận trong Phiên họp Chính phủ thường  kỳ sắp tới.

Bộ KH&ĐT kỳ vọng, từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương hàng tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.

Cơ hội để bứt phá vươn lên

Theo GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình đặc khu kinh tế không phải là phát minh mới và nhiều nước đã làm. Lí do xây dựng đặc khu kinh tế là tạo ra khu vực có thể chế vượt trội để luật lệ thông thoáng, thu hút nhà đầu tư tốt nhất, làm ra sản phẩm tốt nhất để lan tỏa ra vùng xung quanh. Đây là lí do quan trọng nhất, tạo hạt nhân phát triển, hình mẫu phát triển để nền kinh tế làm theo.

“Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, nhà nước không thể chia đều cho mọi nơi. Việc tạo nguồn lực cho một vài vùng đặc biệt và tạo ra thể chế thông thoáng để họ bứt lên là điều nước nghèo, nước đi sau cần phải làm”, ông Thiên cho biết.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: