Tóm tắt tổng quan
Lực lượng lao động gồm 50 triệu người của Việt Nam
đang là nền tảng làm nên thành công kinh tế cho đất
nước. Quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực dịch vụ, chế
tạo/chế biến, cùng với năng suất lao động ấn tượng và
mức lương tăng dẫn tới tỉ lệ nghèo giảm mạnh và tốc
độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong vòng mấy thập
kỷ qua. Tỉ lệ có việc làm cao, trong khi tỉ lệ thất nghiệp
thấp theo tiêu chuẩn thế giới.
Thách thức về việc làm là làm sao tạo được những
việc làm có chất lượng hơn và bao phủ hơn. Những
nhà máy khang trang của nước ngoài trả lương công
nhân cao hơn mức lương tối thiểu, kèm theo các chế
độ phúc lợi xã hội, nhiều nhất cũng chỉ tạo được 2,1
triệu việc làm. Doanh nghiệp trong nước có đăng ký
kinh doanh cung cấp không quá 6 triệu việc làm nữa.
Trong khi đó, 38 triệu việc làm ở Việt Nam nằm ở
các hộ nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hay việc
làm thuê không hợp đồng. Những loại hình việc làm
truyền thống này thường có đặc trưng năng suất thấp,
lợi nhuận thấp, thu nhập ít ỏi và không có nhiều chế
độ bảo vệ người lao động. Dù đây là con đường để
thoát nghèo nhưng sẽ không phải là phương cách để
đạt đến vị thế tầng lớp trung lưu mà người dân Việt
Nam mong muốn. Người dân tộc thiểu số, phụ nữ và
lao động phổ thông phân bổ rải rác trong nhóm những
việc làm này.
Các xu hướng lớn tạo đột phá có thể hoặc mang lại
những cơ hội việc làm tốt hơn, hoặc đe dọa đến chất
lượng việc làm của Việt Nam. Sự thay đổi của các xu
hướng thương mại, tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến việc
Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng nào và
những chuỗi giá trị nào Việt Nam có thể hay không
thể tiếp tục tham gia. Sự phát triển của nền kinh tế tri
thức toàn cầu có thể tạo ra những việc làm mới giá trị
cao nhưng sẽ đòi hỏi một hệ kỹ năng mới và một mô
hình xuất khẩu khác so với những gì Việt Nam đang
có. Già hóa dân số sẽ đòi hỏi phải có những dịch vụ
chăm sóc được cung cấp bởi một nhóm dân số trong
độ tuổi lao động đang giảm dần. Tự động hóa sẽ thay
thế con người nếu người lao động không được trang bị
đủ trình độ để sử dụng công nghệ sao cho có lợi cho
mình. Khi kết hợp lại với nhau, những yếu tố này có
xu hướng thiên về những việc làm có chất lượng hơn,
nhưng chỉ khi các doanh nghiệp, nông trại, người lao
động sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới này.
Thách thức về mặt chính sách là làm sao nắm bắt
được những xu hướng lớn này để việc làm của Việt
Nam trong tương lai sẽ có giá trị gia tăng, năng suất,
mức lương cao hơn, cũng như đem lại những cơ hội
tốt hơn cho người lao động. Như lịch sử đã cho thấy,
tăng trưởng kinh tế là không đủ để làm thay đổi bức
tranh việc làm. Thay vào đó, cần một loạt các chính
sách chủ động. Báo cáo đề xuất một số lĩnh vực cải
cách đối với các doanh nghiệp, nông trại, người lao
động trong đó tập trung vào các giải pháp chính sách
để nâng cao chất lượng việc làm của Việt Nam. Mục
tiêu của báo cáo không phải là đưa ra những giải pháp
cụ thể mà chỉ nhằm chuyển một vấn đề phức tạp thành
một số lĩnh vực ưu tiên có tính khả thi.
Bức tranh việc làm của Việt Nam trong
tương lai sẽ như thế nào?
Nếu Việt Nam tiếp tục tập trung vào thu hút đầu tư
trực tiếp nước ngoài ở nhóm những việc làm trong
ngành lắp ráp trình độ thấp thì bức tranh việc làm
trong tương lai của Việt Nam sẽ không khác nhiều
so với hiện nay. Nếu tốc độ chuyển đổi hiện nay từ hộ
nông nghiệp và hộ kinh doanh sang những việc làm có
hợp đồng lao động vẫn tiếp tục trong vòng 20 năm tới,
thì đến năm 2040, số lượng việc làm hưởng lương có
hợp đồng lao động sẽ tăng từ 24% lên 43% trên tổng số
việc làm. Những việc làm này sẽ tiếp tục tồn tại ở các
nhóm có giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận đơn vị thấp và
những công việc có mức lương tối thiểu và ít cơ hội để
người lao động phát triển. Tính đến năm 2040, việc
làm ở hộ nông nghiệp và hộ kinh doanh sẽ vẫn chiếm
tới hơn một nửa tổng số việc làm của Việt Nam.
Các xu hướng lớn có thể ảnh hưởng đến bức tranh
tương lai về việc làm, theo đó chất lượng việc làm có thể được cải thiện ở một số lĩnh vực nhưng lại làm
gia tăng những việc làm có chất lượng thấp ở những
lĩnh vực khác. Hoặc những tồn tại hiện nay có thể làm
hạn chế khả năng để Việt Nam khai thác những cơ hội
mới này.
Cụ thể:
Sẽ có nhiều việc làm có sự kết nối với các chuỗi giá
trị trong nước, khu vực, toàn cầu hơn do sự phát
triển của tầng lớp tiêu dùng cả ở Việt Nam và khu
vực, quá trình đô thị hóa gia tăng, sự hình thành của
các chuỗi giá trị khu vực, cũng như uy tín của Việt
Nam với tư cách là một mắt xích chắc chắn của chuỗi
giá trị toàn cầu. Điều này có thể thành hiện thực vì
các việc làm hiện nay đã bắt đầu gắn kết với chuỗi giá
trị (chẳng hạn như nông hộ bán hàng cho cơ sở bán
lẻ) hay thông qua việc tạo ra những việc làm mới để
đáp ứng nhu cầu của thị trường mới. Trình độ thấp
của lực lượng lao động và sự xuất hiện của những
đối thủ cạnh tranh trong khu vực có thể cản trở Việt
Nam hội nhập vào những chuỗi giá trị nhiều lợi
nhuận hơn hoặc những việc làm có giá trị cao hơn
trong chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sẽ tiếp tục
tạo ra những việc làm tốt, dù có thể không thành
công bằng hiện nay. Dù nhiều chính sách kinh tế
hiện nay đang ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài và
doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng trong 10
năm qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước
vẫn là nguồn lớn nhất tạo ra những việc làm hưởng
lương có hợp đồng mới, và đang có tốc độ tăng hơn
5%. Nếu doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục hoạt động
tách biệt mà không có nhiều liên hệ với nền kinh tế
nói chung, và khi Việt Nam chuyển sang những công
đoạn phức tạp hơn của chuỗi giá trị, thì khả năng tạo
việc làm của doanh nghiệp trong nước có thể sẽ vẫn
tiếp tục bị hạn chế.
Chất lượng việc làm trong nền kinh tế hiện đại sẽ
được cải thiện nếu Việt Nam chuyển hướng sang
những lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Việc làm hưởng lương có hợp đồng lao động có năng
suất và mức lương cao hơn việc làm dạng truyền thống,
không có hợp đồng. Tuy nhiên, phần lớn các việc làm
hiện đại của Việt Nam hiện vẫn nằm ở các lĩnh vực sản
xuất công nghiệp có giá trị gia tăng thấp. Sự chuyển
dịch trên toàn thế giới sang những quy trình sản xuất
và chuỗi giá trị cao cấp có hàm lượng tri thức cao có
thể là một cơ hội để Việt Nam tạo ra những việc làm
hiện đại, có chất lượng cao.
Việc làm ở nông thôn sẽ ngày càng đa dạng hóa,
cùng với sự phát triển của lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ở
nông thôn. Hiện nay, cứ 5 hộ gia đình nông thôn lại có
4 hộ có ít nhất một phần thu nhập từ các hoạt động phi
nông nghiệp. Cơ giới hóa ngày càng tăng sẽ làm suy
giảm lực lượng lao động nông nghiệp do lao động đi
tìm những việc làm phi nông nghiệp. Sự thay đổi này
có thể đem lại những việc làm tốt hơn nếu được thúc
đẩy bởi sự phát triển của các chuỗi lương thực để đáp
ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở thành thị, và
sự tiếp tục mở rộng của hoạt động xuất khẩu nông sản
sang những thị trường khu vực có giá trị cao hơn.
Khối các hộ kinh doanh sẽ tiếp tục tồn tại. Cùng với
quá trình đô thị hóa, cùng với việc nới lỏng các quy
định về di cư trong nước (hộ khẩu) và nhu cầu dịch
vụ tăng từ đối tượng tiêu dùng thành thị, nhóm các hộ
kinh doanh sẽ tiếp tục phát triển. Chất lượng việc làm
nhiều khả năng sẽ vẫn thấp nếu các hộ kinh doanh tiếp
tục vận hành bên lề nền kinh tế chính thức.
Tự động hóa sẽ dần dẫn đến những thay đổi yêu cầu
đối với một số công việc và từng bước (với diễn biến
chậm hơn) thay thế con người. Đầu tiên, công nghệ sẽ
giải phóng lao động, tạo điều kiện để lao động trình độ
thấp làm ra được những sản phẩm có giá trị cao hơn.
Lực lượng lao động mới qua đào tạo khi bắt đầu làm
việc sẽ liên tục nâng cao trình độ thì sự thay thế này
sẽ diễn ra chậm lại. Tuy nhiên, về dài hạn, do chi phí
nhân công sẽ tăng trong khi chi phí công nghệ giảm
dần, máy móc sẽ bắt đầu thay thế con người, từ đó số
lượng việc làm thực tế sẽ giảm.
Trình độ kỹ năng hạn chế của lực lượng lao động Việt
Nam sẽ cản trở việc tạo ra những công việc tốt. Người
trẻ hiện nay có nền tảng kỹ năng tốt, nhưng nhìn chung
lực lượng lao động vẫn ở mức có trình độ học vấn thấp
và thiếu kỹ năng trầm trọng. Sự phát triển của hoạt
động xuất khẩu có hàm lượng tri thức cao của ngành
dịch vụ và tự động hóa sẽ bị cản trở bởi một lực lượng
lao động thiếu một loạt những kỹ năng phức tạp cũng
như điều kiện để nâng cao kỹ năng trong suốt vòng đời.
Hoạt động tìm kiếm việc làm sẽ cần phải thực hiện
thường xuyên hơn. Các doanh nghiệp hiện đại mở
rộng đầu tư sẽ tạo ra những cơ hội việc làm ít phụ
thuộc hơn vào quan hệ cá nhân. Hiện tượng chuyển
việc sẽ diễn ra thường xuyên hơn do chuyển đổi cơ
cấu nền kinh tế cũng như những biến động về quy mô
doanh nghiệp. Chuyển việc tăng sẽ đượchỗ trợ bằng
hoạt động tìm việc có sử dụng công nghệ. Tuy nhiên,
các đối tượng yếu thế sẽ bị bỏ lại phía sau.
Việc làm trong tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn
cho một số đối tượng, nhưng với số khác sẽ khó
khăn hơn.
Tầng lớp thanh niên sẽ được hưởng lợi ngay từ đầu
khi các xu hướng lớn này diễn ra. Mặc dù thanh
niên có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trung bình của
quốc gia, lao động thanh niên dường như có việc
làm tốt hơn lao động cao tuổi. Tỷ lệ thanh niên làm
công ăn lương trong khối doanh nghiệp tư nhân
trong nước và doanh nghiệp nước cao hơn tỷ lệ
dân số thanh niên tham gia làm việc. Tuy vậy, một
số lượng đáng kể thanh niên ít kỹ năng hơn làm
những công việc có chất lượng thấp và mức lương
thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục tồn tại.
Phụ nữ có thể được hưởng lợi nhờ sự phát triển của
những việc làm định hướng xuất khẩu cũng như
sự xuất hiện của những việc làm trong lĩnh vực
dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi. Mặt khác, già
hóa dân số có thể đòi hỏi nhiều thời gian của phụ
nữ, khiến họ phải chấp nhận những công việc chất
lượng kém hơn hay bị loại hoàn toàn ra khỏi thị
trường lao động.
Những lao động cao tuổi không được hưởng lợi từ
hệ thống giáo dục có chất lượng của Việt Nam hiện
nay nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn vì yêu cầu việc
làm sẽ có sự thiên vị hơn với người có kỹ năng.
Người dân tộc thiểu số có thể sẽ không khai thác
được những việc làm mới xuất hiện vì sinh sống
ở vùng sâu, vùng xa, và do không tìm được nhiều
việc làm trong ngành dịch vụ, sản xuất ở quê nhà.
Làm thế nào để việc làm trong tương
lai có chất lượng hơn, có độ bao phủ
rộng hơn?
Việt Nam có thể nâng cao chất lượng và mở rộng
phạm vi đối tượng của các việc làm trong tương
lai nếu các doanh nghiệp, nông trại và người lao
động biết nắm bắt cơ hội và tìm được giải pháp
giảm thiểu rủi ro của những xu hướng sắp tới
này. Để làm được điều này cần tăng cường thu hút
đầu tư trực tiếp nước ngoài (có giá trị gia tăng cao
hơn), cùng với những biện pháp mới để phát triển
khối doanh nghiệp trong nước sáng tạo, năng động;
đưa những khu vực kinh tế và nguồn nhân lực nhìn
chung còn có sự tách biệt hòa đồng vào nền kinh tế;
xây dựng một lực lượng lao động tinh giản, thông
minh để tạo ra và làm những công việc có giá trị gia
tăng cao hơn. Báo cáo xác định 8 nhóm giải pháp
chính sách trọng tâm cùng nhiều định hướng triển
khai cụ thể, làm nền tảng cho những lĩnh vực cải
cách này. Những chính sách trên thoạt nhìn có thể
khá giống nhau nhưng thực ra đã được chọn lọc ra
từ một danh mục dài các chính sách ngành, theo đó
8 nhóm chính sách trọng tâm được đề xuất sẽ tạo ra
cơ hội tốt nhất để tạo ra những việc làm tốt hơn.
Lĩnh vực cải cách số 1: Tạo việc làm tốt trong
nền kinh tế hiện đại
Những công đoạn thuận lợi để tạo việc làm ở nền
kinh tế hiện đại có thể là một nguồn đáng kể để
tạo ra những việc làm mới có chất lượng. Những
việc làm tốt nhất, được xác định bằng năng suất lao
động, mức lương, chế độ phúc lợi xã hội tốt, sẽ chủ
yếu nằm ở khu vực hiện đại của nền kinh tế. Đó cũng
là những việc làm có sự tham gia của phụ nữ và thanh
niên. Đồng thời, đây cũng là những nhóm việc làm có
tốc độ tăng nhanh nhất ở Việt Nam hiện nay, và nếu
Việt Nam sẵn sàng đón nhận những cơ hội có được
từ những xu hướng lớn thì những việc làm này còn có
triển vọng tăng nhanh hơn nữa, cả về số lượng và chất
lượng. Vì thế, thách thức về chính sách đặt ra là hỗ trợ
sự ra đời và phát triển của những doanh nghiệp có khả
năng tạo việc làm, tạo ra những việc làm có giá trị cao,
và tạo lợi thế để Việt Nam tiếp tục tạo thêm việc làm
khi các xu hướng lớn diễn ra. Báo cáo đề xuất 3 nhóm
chính sách sau:
(i) Giảm bớt các rào cản để thúc đẩy tăng trưởng cho
doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước
(ii) Khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng sang
những công đoạn có hàm lượng tri thức cao trong
chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu
(iii) Tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống nông
nghiệp – lương thực của Việt Nam.
Lĩnh vực cải cách số 2: Nâng cao chất lượng
việc làm trong nền kinh tế truyền thống
Có thể cải thiện chất lượng việc làm ở các hộ nông
nghiệp (và hoạt động sản xuất sơ cấp liên quan) và
hộ kinh doanh bằng cách đưa những việc làm này
hòa nhập vào nền kinh tế nói chung. Những việc
làm này sẽ là một phần đáng kể của nền kinh tế trong
nhiều năm tới, vì vậy không thể không lưu ý đến. Đây
chính là nguồn tạo việc làm chính cho người dân tộc
thiểu số, lao động cao tuổi, lao động có trình độ học
vấn thấp, đóng góp đáng kể vào công cuộc giảm nghèo.
Báo cáo đề xuất 2 lĩnh vực chính sách sau:
(i) Khuyến khích ngành nông nghiệp đa dạng hóa
sang các loại cây trồng và chuỗi giá trị trong nước
có giá trị gia tăng cao
(ii) Tạo thuận lợi để kết nối giữa các hộ kinh doanh
và DNVVN
Lĩnh vực cải cách số 3: Kết nối người lao động
có trình độ với những việc làm phù hợp
Người lao động cần được trang bị những kỹ năng và
cần có một loạt những hỗ trợ khác để đáp ứng tốt
hơn yêu cầu việc làm hiện tại và sẵn sàng đáp ứng
yêu cầu việc làm tương lai. Thanh niên Việt Nam dù
được quốc tế công nhận về điểm kiểm tra bậc trung
học ngang bằng với học sinh ở Châu Âu, nhưng phần
lớn lực lượng lao động Việt Nam cũng chỉ có trình độ
trung học và kỹ năng hạn chế. Tình trạng thiếu trình
độ, kỹ năng này hiện nay sẽ gia tăng khi các xu hướng
lớn bắt đầu có ảnh hưởng đến bức tranh việc làm. Ngay
cả những lao động có kỹ năng phù hợp cũng chưa có
đầy đủ thông tin về cơ hội việc làm, trong khi người sử
dụng lao động không có thông tin tốt về chất lượng lao
động, các chuẩn mực xã hội làm hạn chế việc lựa chọn
công việc, hạn chế về thu nhập cản trở người lao động
nâng cao trình độ hay chuyển sang những công việc
phù hợp hơn.
Báo cáo đề xuất 3 nhóm chính sách sau:
(i) Xây dựng kỹ năng để đáp ứng yêu cầu việc làm
của thế kỷ 21 thông qua việc cải cách triệt để hệ
thống giáo dục, đào tạo;
(ii) Tạo ra và cung cấp thông tin để bố trí đúng người,
đúng việc;
(iii) Cung cấp các dịch vụ bổ trợ để tạo thuận lợi
cho sự tham gia vào lực lượng lao động và dịch
chuyển lao động.
Chiến lược đồng bộ để tạo ra việc làm tốt hơn
Chiến lược việc làm cần định hướng các mục tiêu về
việc làm và phối hợp hành động đa ngành để thực
hiện được những mục tiêu việc làm này. Chiến lược
việc làm này, với định hướng việc làm có chất lượng
tốt hơn sẽ xuất hiện nhờ các giải pháp phát triển kinh
tế và phát triển ngành hiệu quả, đã đạt được một số
thành công. Báo cáo đưa ra luận điểm rằng có thể đạt
được nhiều lợi ích hơn nữa nếu có một chiến lược việc
làm chủ động tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính
sách đề xuất. Để làm được như vậy cần xác định các
chỉ tiêu việc làm trong tương lai và giám sát tiến độ
thực hiện các chỉ tiêu đó, huy động sự tham gia và ràng
buộc trách nhiệm đối với một loạt các thành phần nhà
nước và tư nhân; có sự chỉ đạo của cơ quan điều phối
về vấn đề việc làm, được thực hiện bởi nhiều cơ quan
có cùng định hướng chung về việc làm trong tương lai.
làm hạn chế việc lựa chọn công việc sẽ sáng lạn nếu
Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho tương lai đó ngay từ
hôm nay. Việt Nam có thể tiếp tục đi theo con đường
hiện nay để tạo thêm việc làm, nhưng những lợi ích
này cũng sẽ giảm dần khi các xu hướng toàn cầu làm
suy giảm đi một phần những lợi thế so sánh của Việt
Nam và khi một số nhóm đối tượng bị bỏ lại xa hơn.
Nhà nước có thể thực hiện những cải cách nhỏ để theo
kịp các xu hướng mới toàn cầu, nhưng điều đó sẽ khó
thực hiện khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng có sự
hiện diện của những nhân tố mới. Hoặc Việt Nam có
thể thực hiện những bước đầu tư lớn ngay từ bây giờ,
vào các doanh nghiệp, nông trại trong nước, vào lực
lượng lao động, vào các mạng lưới thương mại khu
vực và thế giới, và thậm chí vào quá trình hội nhập
kinh tế của chính mình. Những khoản đầu tư này sẽ
tạo điều kiện để Việt Nam tiến nhanh lên vị thế kinh
tế cao hơn, tạo ra những việc làm tốt hơn, rộng mở cơ
hội hơn cho toàn thể người dân
Xem toàn bộ báo cáo tại đây http://www.viet-studies.net/kinhte/FutureJobs_Vn_WB_Aug18.pdf