Chuyện ở ngôi trường chỉ dành cho học sinh hư tại Sài Gòn

VNM – 14:12 | 26/09/2016
Học sinh trong ngôi trường này đều là những thanh, thiếu niên đã từng một thời lầm lỡ, sa đà vào những tệ nạn xã hội nhưng sau đó đã được cảm hóa thành công.
chuyen o ngoi truong chi danh cho hoc sinh hu tai sai gon
Giờ học võ thuật của các em học sinh trường IVS

Những em học sinh nghiện game, hiếu động, bỏ nhà đi bụi…, khiến gia đình bất trị sẽ được mang và gửi tại trung tâm để nhờ các thầy cô ở đây đào tạo. Ở đây, nhiều em học sinh từ nơi “bóng tối cuộc đời” đã được các thầy cô đào tạo và cảm hóa nên người…

Ngôi trường đặc biệt

Bước vào Trường phổ thông nội trú IVS (Thủ Đức, TP.HCM), tại đây rất dễ dàng bắt gặp những em học sinh mang vẻ bề ngoài bặm trợn hay mang dáng dấp công tử nhà giàu “bất trị”. Không nhiều người biết rằng để có những cậu học trò hôm nay các giáo viên ở đây phải tốn rất nhiều công sức có khi là ròng rã nhiều tháng trời để cảm hóa các em.

Tiếp xúc với em Nguyễn Trung Việt (SN 1999, ngụ quận Gò Vấp), nhìn em như ngày hôm nay ít ai nghĩ rằng cậu học trò này đã từng có thời gian hai năm liền nghiện game nặng, thường xuyên trốn học để đi vào các tiệm internet, khi hết tiền Việt sẵn sàng nghĩ mọi cách để lấy tiền của mẹ nướng nào game.

Theo các thấy giáo ở đây, hoàn cảnh của Việt khá đáng thương, khi Việt được hơn 1 tuổi thì bố mẹ Việt ly hôn nhau từ đó Việt ở với mẹ. Vốn tư chất thông minh, lanh lợi từ nhỏ Việt luôn đạt thành tích tốt trong học tập được gia đình, nhà trường kỳ vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp trở thành một kỹ sư như mong ước từ nhỏ của em.

Tuy nhiên cuộc đời Việt bắt đầu rơi vào ngõ cụt khi lên lớp 8 Việt bắt đầu nghiện chơi game, mỗi ngày thay vì giờ học trên lớp Việt đều giam mình trong các tiệm internet. Tìm mọi cách cải hóa em nhưng không được gia đình Việt gửi em vào trường IVS.

Thầy Đặng Lê Anh (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển võ Việt Nam – thể thao) chia sẻ, lúc chúng tôi mới tiếp nhận cháu Việt thì cháu bị lệch hẳn một bên vai, dáng đi vẹo một bên do thời gian ngồi chơi game quá nhiều. Lúc đó cháu chỉ được gầm 40kg di chuyển rất mệt mỏi.

Điều khó khăn nhất cho chúng tôi là Việt bị ảo giác khá mạnh thường la hét, đập phá vì ảo giác theo hành động của các nhân vật game. Tuy nhiên sau hơn 2 tuần giáo dục và cảm hóa Việt, Việt như trở thành một người khác sống có ý chí và nghị lực. Giờ đây thay vì mê game Việt rất đam mê thể thao đặc biệt là môn võ Vovinam.

chuyen o ngoi truong chi danh cho hoc sinh hu tai sai gon
Những môn học nghệ thuật khiến cho các em học sinh ở đây tìm lại được sự yêu thương

Hiện nay tại trường IVS có trên 20 em học sinh cùng tình trạng nghiện game giống như Việt, ngoài ra còn có khá nhiều trường hợp khác là các học sinh gia đình có hoàn cảnh khá giả nhưng thiếu sự yêu thương, chăm sóc của gia đình nên các em sa đà vào ăn chơi, thậm chí tìm các giác mạnh bằng các chất gây nghiện như bồ đà, ma túy.

Sự yêu thương cảm hóa những học sinh hư

Đến khu vực nhà thi đấu và huấn luyện võ thuật Vovinam của trường, chúng tôi bắt gặp một cô giáo với khuôn mặt khá xin đẹp và những động tác khá ân cần chỉ dạy các em từng động tác võ thuật.

Cô là Phạm Sao Ly ( sinh năm 1989, VĐV võ thuật quốc gia), từng là một vận động viên Boxing đã từng đạt nhiều thành tích cao trong võ thuật trong các liên hoan TDTT toàn quốc. Sau đó một thời gian cô giáo này chuyển sang học võ Vovinam và về làm giáo viên tại trường IVS phụ trách công tác dạy võ và quản lý các em.

chuyen o ngoi truong chi danh cho hoc sinh hu tai sai gon
Cô Sao Ly luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống, tinh thần của các em học sinh.

Chia sẻ về công việc của mình, cô Ly tâm sự, ban đầu vào trường dạy các học sinh, em cũng gặp không ít trở ngại nhưng sau này em đã tìm được phương pháp để giáo dục cho các em đó là đem chính tình yêu thương của mình để cảm hóa các em. Ngoài ra, em còn muốn mang tinh thần võ thuật để khắc chế cái tôi cá nhân bộc phát trong các em.

Trong những năm làm giáo viên tại trường IVS, em học sinh làm cô Sao Ly thấy tự hào và nhiều kỷ niệm nhất đó là trường hợp của em Nhật Anh (quê Bình Thuận).

Nhật Anh là một học sinh nữ có hoàn cảnh khá đặc biệt, bố mẹ chia tay nhau từ khi em còn bé nên em đã không được sự giáo dục trọn vẹn khi còn nhỏ nên cô gái này sớm sa đà hư hỏng cũng với bạn bè.

chuyen o ngoi truong chi danh cho hoc sinh hu tai sai gon
Sự đoàn kết sẽ khiến các em học sinh gần gũi, yêu thương nhau hơn.

Ở trường học, Nhật Anh thường xuyên đánh nhau với các bạn nữ, ngoài ra cô gái này còn thường xuyên bỏ nhà “đi bụi” với các bạn bè khác nên gia đình đưa vào trường IVS nhờ các thầy cô ở đây giáo dục và cảm hóa em.

Thời gian đầu, Nhật Anh tỏ ra rất khó giáo dục và không nghe lời bất kỳ thầy cô nào. Tuy nhiên từ khi gặp cô Sao Ly thì Nhật Anh thay đổi hẳn. Được cô gần gũi thường xuyên trò chuyện đã giúp Nhật Anh nhận ra những sai lầm của mình.

Đối với Nhật Anh cô Sao Ly như người mẹ thứ 2 đã tái sinh mình giúp mình hướng thiện và thành một người tốt. Giờ đây Nhật Anh là một em học sinh tốt của trường thường xuyên là MC xuất hiện trong các chương trình lớn do trường tổ chức.

Chia sẻ tâm sự của mình Nhật Anh chia sẻ, năm sau là em bước vào kỳ thi đại học rồi, em rất muồn sau này mình sẽ trở thành một người dẫn chương trình để được xuất hiện trong các chương trình truyền hình lớn. Ngoài ra em cũng muốn đi học về ngân hàng theo nguyện vọng của gia đình. Những lần vào thăm mẹ em thấy em được như bây giờ em vui lắm”.

Trường Nội Trú IVS – nơi giáo dục, đào tạo và cảm hóa học sinh đặc biệt của Viện nghiên cứu Phát triển Võ Việt Nam và Thể thao (IVS) trực thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nằm trong trụ sở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (quận Thủ Đức, TP HCM). Ngôi trường công lập đặc biệt này, hàng năm, tuyển sinh các học sinh đặc biệt từ lớp 6-12 khó bảo, ngỗ ngược, hay chống đối cha mẹ, bỏ học đi chơi hoặc nghiện game… Các trường hợp nghiện ngập khác, trung tâm không nhận.

Minh Trần

Theo Đời sống & Pháp lý

***

Trường Nội Trú IVS “Biệt Dược” Cho Học Sinh Cá Biệt

NMSG – Trường nội trú IVS (thuộc viện nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao – IVS) là trường phổ thông nội trú đặc biệt dành riêng cho trẻ em cá biệt, nghiện game, hiếu động hoặc  lớn lên trong xã hội hiện đại, đầy đủ vật chất nhưng lại ít được quan tâm về tinh thần.

Đây là trường học đầu tiên ở Việt Nam đã giáo dục, đào tạo và chuyển hóa thành công nhiều thế hệ học sinh nghiện game, hiếu động, có cá tính mạnh.

Để biết thêm về ngôi trường đặc biệt này, Ngày mới Saigon đã có cuộc trao đổi cùng ông Đặng Lê Anh- Viện phó Viện IVS – nhà nghiên cứu giáo dục tâm lý trẻ em và là dịch giả cuốn sách “Người lãnh đạo trong tôi” của Tiến sĩ Stephen Covey.

Thưa ông, phát xuất từ đâu Trường nội trú IVS được ra đời?

Chúng tôi nghĩ rằng: Các học sinh (HS) nghiện game, hiếu động, cá tính mạnh, ham chơi, lười học nhưng chưa hẳn đã hư. Nguyên nhân thường là do các em được cha mẹ quá nuông chiều hay dạy con không đúng cách, hoặc bị ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội bên ngoài, chưa có một môi trường và phương pháp giáo dục đào tạo thích hợp. Nhưng chính những HS này nếu được đào tạo, khích lệ và định hướng đúng thì sẽ tiến bộ rất nhanh, phát huy năng khiếu và tạo ra những điều bất ngờ.

Vì thế, Thạc sĩ Khoa học Giáo dục Phạm Quang Long, người có nhiều năm kinh nghiệm dạy học tại Liên Bang Nga đã mời tôi và một số huấn luyện viên khác thành lập nên Trường nội trú IVS – là nơi giúp các HS nói trên tìm lại được giá trị của bản thân và phát huy tài năng tỏa sáng, trở thành những con người mới trong cuộc sống hiện đại: Có sức khoẻ, tư duy, biết chia sẻ và sống có lý tưởng.

Ông Đặng Lê Anh (phải) – Viện phó Viện IVS và Nhà giáo nhân dân – GS. Nguyễn Lân Dũng

Ông có thể cho biết mô hình hoạt động của Trường nội trú IVS?

Tập thể lãnh đạo viện IVS cũng như Hội đồng khoa học của Viện phần lớn học tập và tốt nghiệp tại Liên bang Nga. Dựa trên cơ sở từ thực tiễn Trường Lục Quân dành cho trẻ em ở nước Nga, với môi trường nội trú, kỷ luật quân đội; đồng thời, kết hợp phát triển quan điểm của nhà giáo dục vĩ đại Makarenco, chúng tôi đã xây dựng chương trình học đặc biệt nhằm giúp học sinh phát triển cả về trí tuệ, kiến thức, đạo đức, kỹ năng lẫn thể chất.

Trường được xây dựng theo theo mô hình thiếu sinh quân, sinh hoạt điều độ, tập luyện thể thao để giúp HS khỏe mạnh dần; cùng quy trình quản lý giáo dục chuyên nghiệp với hệ thống phòng học, ký túc xá, khu liên hợp thể thao, công viên liền kề…

Đây là một môi trường mở và HS được đối xử công bằng, quan tâm chăm sóc chu đáo. Khi tiếp nhận HS, nhà trường sẽ trao đổi kỹ lưỡng với gia đình để hiểu rõ tình trạng học lực, hạnh kiểm của từng em. Mỗi HS sẽ có một hồ sơ đào tạo riêng biệt với các phương pháp giáo dục phù hợp để giúp HS thay đổi về nhận thức, chuyển hóa những hành vi tiêu cực và dần tiến bộ.

Chương trình học tại IVS có gì khác biệt so với các trường khác không, thưa ông?

Chúng tôi đã tìm tòi, ứng dụng rất nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau được tiếp thu từ kinh nghiệm giáo dục trong nước và quốc tế để tạo nên sự cân bằng, phát triển đúng hướng về thể chất, tinh thần và trí tuệ cho HS.

Trường IVS đã hợp tác với tập đoàn giáo dục toàn cầu Franklin Covey (Mỹ) và Công ty FCE Việt Nam đưa hệ thống The Leader in Me – Lãnh đạo bản thân để dạy kỹ năng lãnh đạo cho từng học sinh. Trường IVS cũng là trường đầu tiên của Việt Nam dạy về “7 thói quen dành cho người thành đạt” của Tiến sĩ Stephen Covey cho HS phổ thông và điều này đã mang đến nhiều thành công trong việc dạy và học.

Chương trình học của trường gồm 4 phần chính: Kiến thức phổ thông; Giáo dục nhân cách và Kỹ năng; Nghệ thuật; Thể Thao. Bên cạnh việc dạy văn hóa cho HS từ lớp 6 đến lớp 12 theo chương trình của Bộ GD&ĐT, Trường IVS xem Tiếng Anh là môn học quan trọng bậc nhất và áp dụng Tiếng Anh trong mọi hoạt động giao tiếp nội bộ, cũng như tạo điều kiện cho HS tham gia các câu lạc bộ và giao lưu với các tình nguyện viên nước ngoài nhằm tạo ra môi trường thực hành cụ thể. Đặc biệt, nhà trường chú trọng việc phát triển các kỹ năng mềm với dự án “Tìm tố chất đặc biệt của học sinh cá biệt” thông qua việc đào tạo chuyên sâu về thể thao (võ Vovinam, bóng đá, cầu lông, bơi lội…) và nghệ thuật (thanh nhạc, múa, hiphop, popping, hội họa, thời trang…) để giúp HS hình thành những thói quen mới tốt đẹp, bỏ dần thói quen cũ (như lười biếng, thụ động, ỷ lại, ích kỷ…). Các em sẽ được học cách sống chủ động, chiến thắng bản thân, làm việc hiệu quả với những người xung quanh và bắt đầu biết định hướng cho tương lai của mình.

Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, võ thuật, gửi HS tham gia các chương trình cấp quốc gia để có cơ hội thể hiện tài năng và nhiều HS của trường đã đạt giải cao trong các cuộc thi tài năng.

Nhìn lại hoạt động 6 năm qua, theo ông, Trường IVS đã phải vượt qua những khó khăn gì và làm được những gì?

 Để đón đầu trào lưu giáo dục chúng tôi đã chọn một con đường riêng, một cách phát triển riêng hiện đại ở Việt Nam. Chúng tôi đã thử nghiệm một phương pháp giáo dục mới (mà các trường khác chưa có cơ hội thực hiện) để thể hiện sứ mệnh của mình và chia sẻ những giá trị mới cho cộng đồng. Đó là giáo dục, đào tạo và chuyển hóa HS đặc biệt để tạo ra những con người mới cho tương lai.

Lúc đầu, nhiều phương pháp đưa ra đã bị thất bại nhưng chúng tôi đã nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm giáo viên gắn bó với trường, nhất là giáo viên quản nhiệm- những người sẽ sống cùng các em mỗi ngày và chăm sóc, quản lý các em thay cho gia đình tại trường. Họ không chỉ có kỹ năng sư phạm vững vàng, luôn quan tâm, đồng cảm; mà phải là những người bản lĩnh và thông minh (để giải quyết các “chiêu trò” của học sinh) cũng như không nản lòng khi dạy những học sinh chậm tiến.

Rất may mắn là chúng tôi đã mời được những giáo viên có cùng tâm huyết chăm sóc học sinh cá biệt nên đến hôm nay, cùng với phương pháp giáo dục hiệu quả, họ đã giúp trường IVS nhiều năm liền có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn đạt 99%. Rất nhiều HS đã thi đỗ các trường đại học, cao đẳng danh tiếng hay đoạt nhiều huy chương tại các giải đấu Vovinam hoặc trở thành vận động viên chuyên nghiệp thể thao – nghệ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia,…

Hiện nay, chúng tôi có 2 cơ sở tại Hà Nội và TPHCM, hàng năm đón nhận hơn 250 HS. Nhưng những con số này chưa phải là thành tích lớn mà chính sự ngạc nhiên và xúc động đến rơi nước mắt của các bậc phụ huynh khi thấy đứa con từng làm mình thất vọng bỗng trở nên khỏe, đẹp, biết ơn cha mẹ, bộc lộ năng khiếu nghệ thuật mới chính là những phần thưởng quý giá nhất cho những nỗ lực của chúng tôi tại ngôi trường này.

Ông có thể chia sẻ những bí quyết để làm nên chất lượng giảng dạy hiệu quả của trường IVS?

Xã hội hiện nay đang cần những người vừa có bằng cấp lại vừa có thực học. Theo tôi, các phương pháp giáo dục không nên cứng nhắc mà cần phải tích hợp giáo dục nhân cách trong tất cả các bộ môn. Mỗi học sinh được ví như một kho báu và nhiệm vụ của những người làm giáo dục là mài giũa, khuyến khích, làm thế nào những giá trị tốt đẹp bên trong mỗi học sinh trở thành tài năng được bộc lộ và phát huy.

Chúng tôi không cho rằng trường IVS là tốt nhất, nhưng đây là mô hình sáng tạo phù hợp với những học sinh cá biệt cùng giáo trình hiện đại nhưng tương thích với truyền thống của Việt Nam. Bí quyết của chúng tôi là quản lý HS cá biệt như trong một doanh nghiệp với 4 cấp: Cấp 1: Phải làm không cần hỏi; Cấp 2: Hướng dẫn; Cấp 3: Cùng làm việc song song và Cấp 4 là giao quyền, tự làm chủ bản thân.

Cám ơn những chia sẻ của ông

Theo Ngày Mới Saigon – NXB Thanh Niên

 

Advertisement

2 bình luận về “Chuyện ở ngôi trường chỉ dành cho học sinh hư tại Sài Gòn

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s