Hai năm trước, World Bank xuất bản một ấn phẩm mang tên Đổi mới Nông nghiệp Việt Nam: Nhiều giá trị hơn từ đầu tư ít hơn (Transforming Vietnamese Agriculture: Gainning More from Less, 2016). Báo cáo này đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải và đưa ra những giải pháp cũng như dự đoán những thành tựu tiềm năng từ những giải pháp này. Báo cáo này cũng chỉ ra những thách thức và đòi hỏi đổi mới để tăng tính khả thi của các giải pháp đó.
Báo cáo của World Bank đã chỉ ra Nông nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới theo hướng thân thiện với môi trường hơn, tăng trưởng dựa vào việc tăng hiệu suất sử dụng yếu tố đầu vào, bao gồm tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, năng lượng) và tăng năng suất lao động. Cạnh tranh thông qua chất lượng và thương hiệu sản phẩm hơn là chỉ cạnh tranh dựa vào giá thành.
Có thể thấy, trong bức tranh này, yếu tố sáng tạo và tri thức đến từ những người có trình độ học vấn ở khu vực nông thôn gần như là yếu tố nòng cốt thúc đẩy sự hình thành liên kết chặt chẽ giữa nền sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp như đã nêu trên. Trên thực tế, tại Việt Nam những nhân tố này thường được quan sát thấy ở khu vực thành thị vì động lực kinh tế. Tuy nhiên, việc luân chuyển các nhân tố này từ thành thị về nông thôn, trên thực tế, cần nhiều nỗ lực hơn là cung cấp động lực kinh tế đơn thuần. Ngoài ra việc mất cân bằng về chất lượng cơ sở hạ tầng giữa thành thị và nông thôn (như y tế, giáo dục, văn hoá…), tạo ra các rào cản và định kiến khiến bản thân những người có trình cao chưa có nhiều động lực trở về nông thôn lập nghiệp.
Thứ nhất, nhân lực trình độ và kỹ năng cao cần phải vượt qua định kiến xã hội về hình ảnh về nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp tại Việt Nam từ lâu đã bị coi là một ngành lao động chân tay dành cho những người có trình độ học vấn thấp. Nông nghiệp thường được minh họa bằng hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau ám chỉ sự vất vả, nặng nhọc của nghề này. Vì vậy, các bậc cha mẹ luôn động viên con cái học hỏi thành tài để thoát khỏi ‘’kiếp làm nông’’. Chính vì định kiến này, những người có trình độ cao thường gặp rào cản về tâm lý khi xem xét các cơ hội kinh tế ở nông thôn.
Thứ hai, nhân lực trình độ cao cần phải vượt qua rào cản về giá trị tại địa phương. Nông thôn Việt Nam thường có mối quan hệ làng xã khá đặc biệt, đậm bản sắc của vùng thổ địa. Có những giá trị đã tồn tại rất nhiều năm, có những giá trị ủng hộ sự sáng tạo, cởi mở với đổi mới, có những giá trị (đúng hơn là những tập tục, thói quen) có thể kìm hãm sự đổi mới. Việc thấu hiểu những giá trị lâu bền của từng vùng thổ địa là thách thức không nhỏ đối với những nhân lực có trình độ cao trở về từ thành thị. Sẽ rất thuận lợi nếu các giá trị mà những nhân lực này mang lại kết hợp hài hòa với các giá trị tại địa phương. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các hệ giá trị có thể sẽ xảy ra kìm hãm sự đổi mới sáng tạo ở nông thôn.
Thứ ba, các nhân lực trình độ cao cần phải vượt qua những rào cản về an sinh xã hội chất lượng y tế, giáo dục không cân bằng giữa nông thôn và thành thị. Vì vậy, việc đánh giá chi phí – lợi ích không chỉ bao gồm lợi nhuận thông thường tính theo giá trị kinh tế, mà còn bao gồm các chi phí cơ hội khác không chỉ cho bản thân, mà còn cho cả gia đình, đảm bảo chất lượng điều kiện y tế, giáo dục cho trẻ em. Điều này đặc biệt quan trọng với tâm lý hi sinh vì con cái của người Việt Nam. Rất nhiều khi cha mẹ chấp nhận mức sống thấp hơn, khó khăn hơn về tài chính ở các đô thị lớn khi họ cho rằng con cái mình sẽ có cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế cao hơn.
Cuối cùng, cần phải nhận định rõ rằng yếu tố kinh tế và vốn đầu tư không chỉ là động lực duy nhất quyết định để thu hút nhân lực trình độ cao về nông thôn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cải thiện hệ thống giáo dục và y tế ở nông thôn cần được chú trọng. Bên cạnh đó, việc truyền thông thay đổi định kiến về ngành nông nghiệp, hình ảnh nông thôn cũng nên được chú trọng. Tất cả những biện pháp này, cần tiến hành cùng lúc với sự chuyển mình của xã hội và nền kinh tế nói chung để nền kinh tế hướng nông thôn đến những mô hình bền vững và hiệu suất cao hơn.
Tác giả Thuý Lan, học viên Thạc Sĩ ngành Phát triển Nông thôn, ĐH Gent, Vương quốc Bỉ
Cảm ơn Thúy Lan.
Có lẽ hai điểm chính ở nông thôn để thu hút người học cao là:
1. Công việc vào tầm mức kiến thức của họ, và có room để thăng tiến.
Điều này có nghĩa là kinh tế nông thôn phải phát triển cao – nuôi trồng, chế biến, nghên cứu công nghệ nông nghiệp cao, tiếp thi rộng rãi…
2. Nơi sinh sống tốt cho gia đình con cái – trường học, đường xá, bệnh viện, giải trí, nhà thờ…
Phần lớn những điều này lệ thuộc vào infrastructures căn bản – điện, nước, đường xá, cầu cống, y tế…
Tuy nhiên vấn đề chính hiện nay cho VN là urbanization – người nông thôn sẽ tiếp tục chuyển về thành thị để tìm việc và sinh sống, và các độ thị sẽ tiếp tục lớn và đông, Làn sóng di dân này có thẻ kéo dài thêm 50 năm nữa, trừ khi có cuộc cách mạng nông thôn làm cho kinh tế nông thôn phát triển mạnh và trở thành những trung tâm thu hút nhân lực. Cuộc cách mạng đó hiện nay chưa thấy mầm mống, nhưng hy vọng rằng Information Technology sẽ tạo thể giới phằng, và nông thôn sẽ từ từ có cơ hội phát triển nhanh.
Chúc Thúy Lan vui khỏe.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 2 người
Em cám ơn Thúy Lan chia sẻ suy tư và cám ơn anh Hoành phát triển vấn đề.
“Information Technology sẽ tạo thể giới phằng, và nông thôn sẽ từ từ có cơ hội phát triển nhanh” – Đọc đến dòng này, em chợt liên hệ đến du học sinh và chuyện đi hay trở về VN.
Du học sinh thường tâm sự rằng họ mong muốn trở về VN để giúp đất nước phát triển, bằng những gì họ đã học và đã trải qua. Nhưng với Information Technology, họ không cần phải trở về VN mới có thể đóng góp cho đất nước. Họ nên sống và làm việc ở những nơi giúp họ phát huy hết năng lực của họ, và thông qua Information Technology, họ sẽ giúp đất nước phát triển tốt hơn.
Trở lại với câu chuyện nông thôn VN, cũng tương tự như thế, người học cao không nhất thiết phải trở về nông thôn mới giúp nông thôn phát triển được. Họ nên ở thành phố, những nơi sống tốt cho họ, và thông qua Information Technology, họ sẽ giúp nông thôn phát triển tốt hơn.
Em/Hương
ThíchĐã thích bởi 2 người
Em cảm ơn anh Hoành, chị Hương đã đóng góp ý kiến ạ. Em cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh chị. Cũng đúng như chị Hương có nói, việc thu hút nhân tài về nông thôn cũng tương tự với chuyện thu hút du học sinh về Việt Nam.
Có thể công nghệ thông tin sẽ là giải pháp tốt với tình trạng hiện nay.
Tuy nhiên em thấy nhà nước có thể đầu tư vào các đô thị cấp 2, cấp 3, giãn dần dân cư khỏi 2 đô thị lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Chính sách này giúp rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giúp nhân lực trình độ cao vừa hưởng được những phúc lợi xã hội và cơ sở hạ tầng ở đô thị và vừa giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhà nông và thị trường.
Nói chung em thấy đây là một chủ đề khá hay. Nếu có anh/chị/bạn nào muốn đào sâu hơn thì liên hệ với em/mình ạ. Nếu có điều kiện chúng ta có thể chia sẻ thêm.
E.Lan
ThíchĐã thích bởi 1 người
Hi Lan,
Anh nghĩ là nhà nước chẳng thể tạo đô thị, nhưng có thể tạo infrastructures và hỗ trợ tạo đầu tư, rồi đầu tư sẽ tạo ra công ăn việc làm, rồi công ăn việc làm sẽ tạo đô thị.
Ví dụ: Xây dựng đường xá, điện, nước. Infrastructures sẽ tự tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế.
Giáo dục: Hệ thống trường Đại học cộng đồng 2 năm ở khắp nông thôn để các em có thể học đại học ngay tại chỗ, rồi em nào muốn học thêm thì chuyển qua đại học 4 năm ở thành phố gần đó để học thêm 2 năm nữa. Các em được đi học dễ thì sẽ không đi xa để học, và sẽ có khuynh hướng làm việc gần nhà. Infrastructure giáo dục này có ảnh hưởng rất lớn đến việc người trẻ ở lại tại địa phương, hay đi xa học, hoặc là chẳng học được ở đâu cả. Và giáo dục tốt cho đầu tư, vì các nhà đầu tư không thể đầu tư vào nơi thiếu nhân tài.
Đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ hóa nông nghiệp – các nhà máy chế biến thực phẩm, đặc biệt là các nhà máy nhỏ trải dài khắp nông thôn, để cây trái có thể được chế biến tại chỗ thay vì phải chở về Sài Gòn hay Hà Nội để chế biến. Đài Loan đã thành công trong việc này từ thập niên 1960s về sau.
Nói chung anh vẫn thấy xây dựng cơ sở hạ tầng về đường xá, điện nước, và hạ tầng giáo dục, và hỗ trợ đầu tư công nghệ hóa nông ngiệp tại chỗ, thì mới giúp nông thôn phát triển tốt được.
Nhưng chúng ta đừng nhầm phát triển nông thôn với chận đứng làn sóng di dân từ nông thôn về thành thị. Các thành phố sẽ luôn cuốn hút người về, và nhân sự ở nông thôn sẽ phải giảm người khi sản xuất nông nghiệp từ từ thành những tập hợp lớn (không phải chỉ là một hai mẫu đất cho một gia đình) cho đến khi có chỉ chừng 10 hay 15% người sống ở nông thôn và nông nghiệp dùng cơ khí hơn là sức người. Đây là tiến trình anh nói tốn 50 năm, nhưng với vận tốc kinh tế thế giới hiện nay, và tùy theo chính sách của VN, nó có thể rút lại còn 30 năm không biết chừng.
Có một làn sóng di dân ngược về nông thôn, cũng có thể tốt cho nông thôn, nếu nhà nước biết làm chính sách. Đó là người thành phố về nông thôn xây nhà ở, đặc biệt là những người con cái đã lớn. Với IT, người ta có thể về nông thôn làm nhà, và ở nhà làm việc qua computer. Nhiều người thích ở nông thôn vì yên ắng và trong lành hơn thành phố. Những người thành phố về nông thôn ở có thể giúp nông thôn phát triển vì họ có nhiều ideas và phương tiện, và có thể giúp địa phương phát triển.
Nhưng nếu nhà nước có chính sách đất chỉ để làm ruộng thì khó cho người thành phố về ở.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 2 người