English: Local Data Sheds New Light on Violence in Southeast Asia
Tác giả Adrian Morel
Trong vài tháng vừa qua, một loạt các cuộc đánh bom phối hợp diễn ra tại Thái Lan nhiều ngày sau một cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp, vụ giết chóc đẫm máu ở Bang Rakhine của Myanmar, và các biểu tình bạo lực trong giai đoạn tiến đến bầu cử thị trưởng ở Jakarta, đã cho thấy dấu hiệu u ám về tình trạng bạo lực âm ỉ dưới vẻ ngoài tương đối ổn định và phát triển của Đông Nam Á.
Ảnh: Karl Grobl. Trong 20 năm qua, một nửa số quốc gia Đông Nam Á trải qua xung đột vũ trang giữa nhà nước với các nhóm nổi dậy vì vấn đề lãnh thổ.
Trong 20 năm qua, một nửa số quốc gia Đông Nam Á trải qua xung đột vũ trang giữa nhà nước với các nhóm nổi dậy vì vấn đề lãnh thổ. Ước tính có 131 triệu người sống trong các khu vực xung đột phải hứng chịu bất ổn, tỉ lệ tăng trưởng chậm và mức thu nhập thấp hơn mức trung bình quốc gia. Bên cạnh những cuộc nổi dậy có vũ trang, dễ thấy còn có những dạng bạo lực khác trong khu vực này như các cuộc bạo động địa phương, xung đột đất đai, tài nguyên, bạo lực bầu cử, tội phạm đô thị, và bạo lực giới tính.
Không dễ để hiểu hết rất nhiều dạng bạo lực địa phương ở khu vực Đông Nam Á, bởi vì dữ kiện về vấn đề này rất hạn chế. Các số liệu thống kê quốc gia về hành vi giết người chẳng cho biết điều gì về xu hướng bao lực ở một địa phương cụ thể. Bộ dữ liệu toàn cầu về chiến tranh hay xung đột chính trị thì có vẻ không ghi nhận những vụ va chạm giữa những người nông dân bị buộc tội và cảnh sát ở vùng nông thôn Campuchia, hay vụ hành quyết không qua xét xử bởi tòa án những người bị buộc tội phù thủy ở Indonesia. Các kiểu vụ việc như vậy tạo thành một phần khá lớn trong bức tranh bạo lực đang diễn ra trong khu vực. Chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững 16 kêu gọi giảm bót các dạng bạo lực toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này và đo lường tiến triển, cần có những dữ liệu cấp độ địa phương tốt hơn.
Ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Đông Timor, và Myanmar, các hệ thống theo dõi bao lực được vận hành tại chỗ bắt đầu giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt số liệu này bằng cách cung cấp các thông tin có độ phân tách cao về bạo lực, dựa trên nguồn địa phương như báo địa phương, biên bản của cảnh sát và tin báo từ cộng đồng. (Những hệ thống tương tự đang được triển khai ở Nam Á, ví dụ như hệ thống ở Nepal.) Tổ chức Châu Á đã tạo ra một Bộ Phương pháp để giúp hướng dẫn cho những nhà hoạt động thực tế quan tâm đến việc thiết lập hệ thống theo dõi bạo lực ở bối cảnh địa phương của họ. Gần đây, Tổ chức Châu Á xuất bản một tài liệu so sánh dữ liệu từ 3 trong số các hệ thống theo dõi bạo lực này, gồm: Nationa Hệ thống giám sát bạo lực quốc gia của Indonesia, Hệ thống giám sát bạo lực Bangsamoro của Philippines, và Bộ dữ kiện sự vụ khu vực tận cùng phía Nam của Thái Lan—để đưa ra cái nhìn sâu hơn về các loại xung đột và bao lực trong khu vực.
Sau đây là ba phát hiện chính từ báo cáo nêu trên. Các phát hiện này cho thấy giá trị của dữ liệu cấp địa phương trong việc giúp hiểu sâu hơn về bạo lực trong khu vực:
Mật độ các vụ xung đột ở khu vực tận cùng Nam Thái Lan bị đánh giá quá thấp. Cuộc xung đột vũ trang giữa bên nổi dậy hồi giáo Malaysia với nhà nước Thái Lan ít được quốc tế biết đến và nhận mức viện trở cực thấp. Tuy nhiên, tần suất các vụ bạo lực ở khu vực tận cùng Nam Thái Lan, nếu tính theo quy mô dân số, vượt xa tỉ lệ vụ việc trong suốt những năm cao điểm nội chiến ở Aceh, hay ở vùng Bangsamoro của Phillippines (Hình 1). Với tỉ lệ tử vọng dao động quanh mức 30 người chết trên 100.000 người mỗi năm từ năm 2008 đến 2013, đứng sau tỉ lệ cao nhất là 56 người chết/100.000 vào năm 2007, khu vực tận cùng Nam Thái Lan xếp ngang hàng với Afghanistan trong cùng giai đoạn. Nhiều vụ trong số này có quy mô nhỏ, không nổi bật nên không thu hút giới báo chí theo dõi vấn đề biên giới Thái Lan, tuy nhiên các vụ việc này lại tạo ra những tác động dồn tích không nhỏ. Lẽ ra cần có sự can thiệp và hành động lớn hơn từ cộng đồng quốc tế.
Hình 1: Tần suất các vụ bạo lực ở Aceh, Papua, tận cùng Nam Thái Lan, và Bangsamoro.
Bạo lực vẫn tiếp diễn sau khi kết thúc xung đột. Khi xung đột chuyển biến thành hòa bình, tình trạng bạo lực có giảm về số lượng nhưng không mất hẳn. Hơn thế, xuất hiện nhiều hơn các dạng bạo lực mang tính chất cục bộ và ít tử vong hơn. Aceh là một ví dụ điển hình. Số lượng tử vong do bạo lực giảm mạnh sau khi Hiệp ước hòa bình được ký vào năm 2005. Tuy nhiên, các dạng bạo lực mới lại gia tăng (Hình 2). Tội phạm bạo lực tăng nhanh chóng trong những năm sau hiệp ước hòa bình, một phần lý do của hiện tượng này là sự tồn tại của các loại vũ khí tự động còn sót lại từ các cuộc nội chiến, ngoài ra, là tình trạng một số cựu chiến binh gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình tái hòa nhập vào đời sống dân sự.
Hình 2: Tỉ lệ tử vong do bạo lực và các loại bạo lực ở Aceh
Các cuộc bầu cử sau chiến tranh có đặc điểm là có mức độ bạo lực và hăm dọa bất thường so với mức thông thường tại Indonesia (từ năm 2005 đến 2015, ở Aceh ghi nhân có 465 vụ bạo lực liên quan đến bầu cử dẫn đến ít nhất 13 người chết). Hầu hết các vụ bạo lực chính trị đều được thực hiện bởi hoặc nhắm vào các đảng phái do những bên nổi dậy đòi ly khai cũ thành lập, điều này cho thấy các phong trào vũ trang sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tham gia vào vũ đài chính trị.
Mặc dù chắc chắn rằng tiến trình hòa bình của Aceh là một thành công, nhưng các kiểu bạo lực hậu xung đột như trên đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cần được giải quyết. Trường hợp của Aceh cũng có thể là dấu hiệu cho những hiện tượng tương tự có thể xảy ra trong tương lai đối với các xung đột ở Bangsamoro hay Thái Lan.
Phụ nữ phải hứng chịu bạo lực trong thời bình nhiều hơn. Dữ liệu từ ba quốc gia đều chỉ ra rằng nam giới nhiều khả năng tử vong hơn nữ giới vì bạo lực liên quan đến các cuộc nổi dậy đòi ly khai. Ở Aceh, Mindanao, và cực Nam Thái Lan, hầu hết các chiến binh của các bên tham gia xung đột đều là nam giới. Chiến tranh tác động đến nữ giới theo nhiều con đường khác từ tấn công tình dục đến những khó khăn cá nhân và khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang trạng thái hòa bình, tỉ lệ tử vong toàn bộ có xu hướng giảm xuống nhưng tỉ lệ phụ nữ tử vong lại có xu hướng tăng lên.
Ở Aceh, tỉ lệ phụ nữ trong số các nạn nhân tử vong tăng nhanh chóng từ dưới 5% trong thời gian chiến tranh lên 35% trong năm 2014 (Hình 3). Đó là bởi vì phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của các dạng bạo lực trong thời bình hơn, ví dụ bạo lực gia đình hay tội phạm.
Hình 3: Tỉ lệ nữ giới tử vong vì bạo lực hàng năm
Dữ liệu cũng chỉ ra rằng các chiến thuật nổi dậy và chống nổi dậy tác động đến khả năng nữ giới tử vong bởi bạo lực ly khai. Tỉ lệ này cao hơn ở Thái Lan (14% nạn nhân là nữ giới), bởi những kẻ nổi dậy thường dùng đến bom ở nơi công cộng. Tỉ lệ này thấp hơn ở Aceh, Papua và Mindanao (dưới 5%), những nơi ít dùng bom hơn và bạo lực có xu hướng phân biệt hơn.
Khi các hệ thống giám sát bạo lực cục bộ mới được thiết lập ở các quốc gia khác, và khi các hệ thống này ngày càng trở lên tương thích và dễ so sánh hơn với các hệ thống khác, thì mức độ quan trọng của chúng đối với việc xây dựng kế hoạch phát triển và đo lường sự tiến bộ của chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững 16 cũng tăng lên. Những hệ thống như vậy không tốn kém nhưng cần nguồn tài chính ổn định để vận hành. Những hệ thống này đóng vai trò rất lớn trong việc theo dõi và giải quyết vấn đề bạo lực tại địa phương.
Tác giả Adrian Morel là giám đốc chương trình của Tổ chức Châu Á và là tác giả của tài liệu “Hệ thống giám sát các vụ bạo lực: Hướng dẫn phương pháp” và đồng tác giả của tài liệu “Hiểu về bạo lực ở Đông Nam Á: Vai trò của Hệ thống giám sát các vụ bạo lực”. Bài viết thể hiện quan điểm và ý kiến của riêng tác giả, không liên quan đến Tổ chức Châu Á hay các nhà tài trợ của tổ chức đó.