- Kỳ 1: Bệnh cũ bùng phát
- Kỳ 2: Trong sáng và đen tối
- Kỳ 3: Không rõ thì đừng mua
- Kỳ cuối: Lờ các bậc thầy đi
***
Nạn tranh giả ở VN – Kỳ 1: Bệnh cũ bùng phát
TTO – Nếu chỉ nhìn vào vụ tranh giả – tranh nhái liên quan đến triển lãm của ông Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa rồi thì dễ lầm tưởng chuyện này mới trở nên “khó chữa” gần đây.
![]() |
Thiếu nữ bên hoa huệ – tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân bị sao chép rất nhiều – Ảnh tư liệu |
Thật ra, nạn tranh giả ở Việt Nam là căn bệnh “trầm kha” và bác sĩ đã “bó tay” từ 30 năm nay. Dù vậy, bệnh cứ thỉnh thoảng lại bùng phát, mang đến nỗi nhức nhối cho những người chuyên môn và sự ngao ngán từ công luận.
Theo vài người trong nghề, trong đó có họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) thì tranh giả – tranh nhái bắt đầu phổ biến từ khi nhà sưu tập mẫu mực Đức Minh – Bùi Đình Thản (1920 – 1983) qua đời.
Bộ sưu tập hơn 2.000 tác phẩm của ông bị chia năm xẻ bảy, trong các “điểm giao thoa mờ” về sở hữu, tranh giả – tranh nhái xuất hiện.
Có một thời xuất hiện những tranh cãi xem tác phẩm của ai sở hữu từ bộ sưu tập này là tranh thật, ai là tranh giả – tranh nhái.
Nhìn lại lịch sử, câu chuyện tranh giả – tranh nhái xa hơn cột mốc giữa thập niên 1980 khá lâu. Trong một trả lời trên báo cách đây chừng 10 năm, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, từng là nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào năm 1966, cho biết do Mỹ ném bom miền Bắc nên bảo tàng phải làm các bản sao chép để trưng bày, bản chính mang đi sơ tán.
Thế nhưng đến tháng 4-2009, họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) tái xác nhận trên báo tình trạng treo tranh chép tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn… diễn ra khá phổ biến.
![]() |
Tô Ngọc Vân nổi tiếng với tác phẩm Thuyền trên sông Hương. Bức ảnh trên in trong các sách tại Việt Nam, rõ nét thời gian hơn. Bức ảnh dưới xuất hiện tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong cuối tháng 5/2016, nhìn khá tươi mới. |
“Vua” chép tranh lụa là họa sĩ Ngô Minh Cầu kể rằng từ khoảng 1960 đến 1975 ông đã được các bảo tàng thuê chép vô số tác giả, nhớ không hết tên. Nhưng thường xuyên nhất là tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung, Tôn Thất Đào…; mà nguyên tắc là phải từ 4 tấm trở lên ông mới làm, vậy mới bõ công.
“Tôi thường chép 1 bức ra 4, hoặc ra 8, ra 16. Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, tôi sao chép theo kiểu dây chuyền, rất nhanh và cũng dễ đạt, vì 1 bức thì không thể quen tay bằng nhiều bức. Có những bức làm nhiều lần đến mức thuộc lòng, nhìn sơ qua là làm được ngay” – Ngô Minh Cầu trả lời trên báo Thể thao & Văn hóa tháng 6-2009.
Mục đích chính của việc chép tranh, theo ông Cầu, là để phục vụ cho các phái đoàn ngoại giao làm quà tặng các nước. Ông kể mình từng gặp nhiều tranh Lê Văn Đệ, Nguyễn Tường Lân do ông chép và chế tác nhưng được cộng đồng Việt kiều cho là tranh thật.
Phần lớn các họa sĩ thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trước Đổi mới tại Hà Nội (khoảng 1986) thường làm tranh chép hoặc tranh phái sinh. Khi vẽ được một tác phẩm ưng ý, có người chủ động chuyển chất liệu (như Dương Bích Liên làm với sơn mài), có người vẽ thêm một số bức để bán cho giới sưu tập, để tặng bạn bè, người thân (như Bùi Xuân Phái), có người một cái từ làm hàng loạt (như Nguyễn Tư Nghiêm làm với điệu múa cổ)…
Ví dụ như Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh, Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân hiện nay có mấy bức được xem là chính thức, chẳng thể trả lời, 3-4 bức cũng được, mà 8-9 bức cũng không sai. Thời đó, do quan niệm về phiên bản và bản quyền khá khác bây giờ, giá bán lại chưa đáng kể, nên việc làm này khá phổ biến.
Trên đây là những lý do đầu tiên của nguồn gốc tranh giả – tranh nhái tại Việt Nam. Các lý do tiếp theo là do con cháu, học trò, người thân, các nhà môi giới, các phòng tranh chủ động làm giả làm nhái. Mục đích của điều này khá tầm thường và rõ ràng vì lợi ích. Đôi khi cũng vì danh.
Nói vì danh là có người biết tình trạng tranh giả – tranh nhái tùm lum, ví dụ như Jean-François Hubert, nên ngụy tạo tác phẩm hoặc chứng nhận tác phẩm để nhằm “lộng giả thành chân”.
Cũng có những trường hợp nhà sưu tập A muốn làm giả một danh tác nào đó để cho giống với sở hữu của nhà sưu tập B, thậm chí giống với sưu tập trong các bảo tàng.
Thậm chí khi đến Hà Nội gần đây, Jean-François Hubert còn nói trước nhiều người rằng nhiều tác phẩm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là tranh giả – tranh nhái, còn của mình mới là đồ thật.
Nạn tranh giả ở VN – Kỳ 2: Trong sáng và đen tối
![]() |
Nhìn bức ảnh này thấy có điều gì bất thường? Chân dung Tạ Tỵ (chỉ một tư thế) bị ghép vào nhiều tác phẩm khác nhau! Có bức đã bán cách đó đến gần nửa thế kỷ. Loạt ảnh này trong hồ sơ rao bán tranh của xưởng chép tranh Tạ Tỵ giả tại TP.HCM – Ảnh: Hiền Hòa |
Từ trong sáng đến đen tối
Có người đủ dũng cảm và quyết tâm để loại bỏ dần tranh giả – tranh nhái, nhưng có người âm thầm đẩy ra thị trường, phải thỏa hiệp, rồi tay dần dần nhúng chàm.
Nhà sưu tập Hà Thúc Cần rất có công với việc tiến cử, giới thiệu đồ cổ – mỹ thuật Việt ra thị trường thế giới từ đầu thập niên 1990. Có một quãng thời gian ông Jean-François Hubert, ông Vũ Xuân Chung… cũng có cộng tác, thường gián tiếp, với nhà sưu tập này.
Thế rồi qua năm tháng, khi va vấp và bị lừa bởi đồ giả quá nhiều, chính ông Hà Thúc Cần cũng rất mang tiếng về chuyện tranh giả – tranh nhái.
Jean-François Hubert cũng vậy, có thể thời kỳ đầu là một cố vấn trong sáng, nhưng càng về sau càng dính đến nhiều vụ lùm xùm.
Vào cuối tháng 5-2016, nhà đấu giá Christie’s tại Hong Kong đưa bức Thuyền trên sông Hương (sơn dầu trên bố, 50 x 65 cm, 1935) của Tô Ngọc Vân lên sàn đấu. Ngay lập tức nhiều người phát hiện có một phiên bản khác được in trong nhiều sách tại Việt Nam.
Một Facebook chỉ ra sự kém chất lượng trong bức mà nhà Christie’s đưa ra, Jean-François Hubert (người gởi tranh đi) đe dọa sẽ khởi kiện. Thế rồi sự việc Vũ Xuân Chung đổ bể mới đây.
![]() |
Jean-François Hubert – Ảnh tư liệu TT |
Không tính các họa sĩ thời kỳ đầu chủ động chép tranh mình, đã quá rõ, ngay cả các họa sĩ còn sống thuộc các thế hệ sau như Trần Lưu Hậu, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung… cũng đang bị nạn tranh giả – tranh nhái tùm lum.
Có ý kiến nói rằng họ bị oan, nhưng đôi khi cũng có bức do người thân người quen làm càn, rồi cũng có bức chính họ liên đới. Gần đây trên thị trường xuất hiện một số tranh in rồi vẽ thêm và ký tên là những ví dụ dễ thấy.
Có phòng tranh còn kêu họa sĩ và người làm chứng ra để trả lại các tranh in kiểu này, bắt vẽ tranh khác để đền bù.
![]() |
Họa sĩ Thành Chương xem bức tranh Trừu tượng (mà ông cho là của mình) được ký tên tác giả Tạ Tỵ treo trưng bày ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 7-2016 – Ảnh: HỮU KHOA |
Đến nay dư luận vẫn râm ran về việc tranh của Thành Chương bị ký tên Tạ Tỵ treo trưng bày ở triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 7-2016.
Nhưng nếu biết hiện nay có một vài xưởng tại TP.HCM đang làm tranh giả – tranh nhái Tạ Tỵ thì chắc nhiều người sẽ sốc hơn nữa.
Một nhân viên bảo vệ của một bảo tàng có xưởng bên quận 7 vẫn đang chào bán khá nhiều “danh tác” giả của Tạ Tỵ.
Từ đầu thập niên 1990, khi Liên Xô cùng khối Đông Âu tan rã, nhiều bức tranh ngoại giao trở ra thị trường, xem như là những đại diện “tiêu biểu” của tranh Việt trên thị trường quốc tế.
Hai thập niên kế theo, chính các đại diện này cùng những xưởng tranh giả – tranh nhái trong nước đã tuồn ra thị trường không biết bao nhiêu câu chuyện tinh vi.
Từ sau 2010 tranh giả – tranh nhái cùng các giấy chứng nhận, hoặc từ các phiên đấu giá bắt đầu trở về Việt Nam. Đúng là “gậy ông đập lưng cháu ông”.
Nhưng gần mực thì đen. Ngày trước thói hư tật xấu này chỉ có một vài khu vực chịu tác động trực tiếp, hiện nay lan rộng ra cả nước.
Nạn tranh giả ở VN – Kỳ 3: Không rõ thì đừng mua
![]() |
Ngày 12-5 tại Paris, bức Thiếu nữ uống trà (hình trên) được nhà Auction.fr bán thành công. Nhưng ngay sau đó báo chí tại Việt Nam chứng minh đó là bức giả, bức dưới mới đúng của danh họa Vũ Cao Đàm. Người mua buộc nhà đấu giá trả lại tiền. Sở dĩ làm được điều này nhanh chóng là vì bức thật có “đường đi nước bước”, lai lịch rất rõ ràng. |
Vậy làm sao để khắc phục, nhất là với những người mới nhập cuộc?
Nhiều phân tích về giá bán của những sản phẩm do con người tạo ra cho thấy tranh vẽ luôn thuộc diện đắt và xa xỉ bậc nhất. Một bức tranh đắt tiền hơn một máy bay, một du thuyền, một tòa lâu đài… là chuyện thường thấy.
Tuy mỹ thuật Việt Nam chưa có nhiều tác phẩm giá thật cao, nhưng đắt tiền hơn một xe hơi, một ngôi nhà… vài tỉ đồng cũng đã phổ biến.
Thế nhưng, khi mua một chiếc xe gắn máy cũ vài triệu đồng người ta sẵn sàng ra cơ quan chức năng để làm giấy tờ, công chứng, trong khi một tác phẩm mỹ thuật vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu, chỉ có niềm tin và sự dấm dúi, thật là vô lý.
Nhìn ở cấp độ vĩ mô thì Việt Nam đang cần thêm một số tổ chức, công cụ căn bản để đáp ứng cho việc hình thành thị trường thực thụ. Đó là các tổ chức thẩm định, bản quyền, đấu giá, bảo hiểm, ngân hàng… để tiến hành “tái khai sinh” rồi làm hồ sơ cho các tác phẩm đang trôi nổi trong đời sống.
Mỹ thuật hiện đại Việt Nam gần như nằm trộn trong thế kỷ 20, phương pháp khối phổ gia tốc (AMS) như hiện nay có thể xác định hàm lượng carbon-14 với sai số chỉ khoảng vài năm, giá thành cũng không đắt nếu so với giá một tác phẩm (từ 500 đến 1.000 USD cho 1 đến 5 mẫu thử). Nếu tự tin vào các phẩm mình đang sở hữu, việc trích mẫu gởi đi thử là việc nên làm ngay.
Tranh giả – tranh nhái xuất hiện một cách phổ biến thì giấy chứng nhận, thậm chí hợp đồng mua bán làm giả có gì khó. Thế nhưng, việc tối thiểu mà người mua phải có là giấy chứng nhận và hợp đồng mua bán, trong đó có thể nói rõ ai là người sẽ đóng thuế.
![]() |
Sơn mài “Thúy Kiều và Kim Trọng” được cho là cỦA Nguyễn Tư Nghiêm trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA |
Trường hợp ông Vũ Xuân Chung trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại TP.HCM vừa rồi là một ví dụ. Xét cho cùng thì những giấy chứng nhận kia chưa có ý nghĩa gì nhiều so với xuất xứ, lịch sử, chất lượng của tác phẩm, nhưng ít ra nó là công cụ đủ để ông Chung chống chế lại tình trạng bất lợi đang xảy đến với triển lãm của mình.
Nguyên tắc bất di bất dịch của việc mua bán nghệ thuật là không rõ ràng xuất xứ hoặc đường đi nước của tác phẩm thì không mua. Nếu tác phẩm đã in sách báo, hoặc đã qua tay 3 – 4 người sở hữu thì dấu vết lưu giữ phải được mô tả lại.
Thường không thể có tác phẩm bậc thầy từ trên trời rơi xuống; còn nếu có, việc đầu tiên phải xác định xem trong lịch sử bậc thầy đó có vẽ một bức như vậy không, và phải xác định hàm lượng carbon-14.
Nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont – vốn có nhiều cay đắng với mỹ thuật Việt Nam – cảnh báo trên Facebook của mình:
“Không nên dễ dàng mua tranh vì nhà môi giới nổi tiếng. Vì chữ ký. Vì giấy chứng nhận. Vì được trưng bày, triển lãm đâu đó. Và cũng không nên mua từ sở hữu của ai đó quen biết. Hãy tìm hiểu, học hỏi thật kỹ trước khi mua”.
HIỀN HÒA
Nạn tranh giả ở VN – Kỳ cuối: Lờ các bậc thầy đi
![]() |
Giấc mơ ngày – tác giả Lê Kinh Tài có giá 158.000 USD, tương đương 3,5 tỉ đồng. |
Nên lờ các “bậc thầy” đi
Hoặc người làm giả cố tình tạo đường đi nước bước rõ ràng cho bức giả, trong khi bức thật thì được giữ kín. Người mua/xem buộc phải tin vào lý lịch giả.
Tình trạng tranh giả – tranh nhái hỗn tạp gây bất lợi cho thị trường và niềm tin, đã quá rõ. Nhưng nhìn ở mặt “tích cực”, nó cũng có mấy khía cạnh đáng lưu ý.
Đầu tiên, do mất niềm tin, nên nhìn chung giá bán của đa phần tác phẩm Việt còn thấp, vẫn tương đối dễ mua với người mới nhập cuộc sưu tập.
Thứ hai, tranh giả – tranh nhái làm cho việc sưu tập vốn lặng lẽ trở nên kịch tính, hồi hộp hơn, cũng đáng để phiêu lưu.
Cuối cùng, nó mở ra một cánh cửa thị trường cho các tác giả đương đại, vì lâu nay thị trường thường ưu tiên mua/bán các thế hệ đầu (đa số đã qua đời) và một số người trong thế hệ Đổi mới.
Nếu tình trạng tranh giả – tranh nhái không được cải thiện, gột rửa bằng những biện pháp rõ ràng, khoa học, thì đã đến lúc người mua, giới sưu tập nên lờ các “bậc thầy” đi.
Những sáng tạo, đóng góp của họ nên để cho giới phê bình, lịch sử mỹ thuật và cuộc đời ghi nhận bằng nhiều cách, như in sách hoặc đặt tên đường…
Còn thị trường nên tái khởi động bằng những tác giả còn sống, nơi người mua và người bán có nhiều điều kiện để kiểm định, ký hợp đồng, quay phim chụp hình.
Tại Việt Nam, nhiều người thắc mắc, thậm chí… chửi bới, rằng tại sao Lê Kinh Tài vẽ nguệch ngoạc, vẽ cà rỡn mà lại có thể bán giá cao bậc nhất. Như bức Giấc mơ ngày (sơn dầu, sơn thỏi và acrylic trên bố, 155 cm x 300 cm, 2009) được bán với giá 158.000 USD, tương đương 3,5 tỉ đồng.
Bí mật của Lê Kinh Tài, nếu có, đó là sự minh bạch về đường đi nước bước của tác phẩm và không chấp nhận bán phá giá. Nếu bức Giấc mơ ngày được bán ngay năm sáng tác thì chỉ khoảng 50.000 USD. Gần 10 năm sau, bức tranh có giá trị gấp 3 lần. Để 5-10 năm nữa, giá nó sẽ còn khác.
Phải làm lại từ đầu?
Nếu kéo dài tình trạng bất minh để nuôi dưỡng tranh giả – tranh nhái thì đến một lúc thị trường mỹ thuật Việt Nam sẽ hoàn toàn bị phá sản vì khủng hoảng, khó mà phục hồi.
Thực tế cho thấy đồng tiền và những cái lợi tức thời đã làm mờ mắt nhiều người, nơi không chỉ có các bậc thầy bị làm giả – làm nhái, mà ngay cả các tác giả còn sống.
Không chỉ có các tác giả thế hệ 3X, 4X, 5X có tranh giả – tranh nhái, mà ngay cả 6X, 7X, 8X cũng đã phổ biến hơn. Nhiều người còn chủ động làm.
Cho nên với thị trường mỹ thuật Việt Nam, tùy cách tính, có thể đã hơn 30 năm, hoặc hơn 80 năm, nhưng muốn trở nên bài bản, minh bạch thì gần như phải làm lại từ đầu.
>> Video: Nhà chuyên môn bày tỏ ý kiến về nạn tranh giả, tranh nhái ở Việt Nam:

(Thực hiện: Phòng Truyền hình Tuổi Trẻ)