Bài này là bản cập nhật của bản nguyên thủy năm 2014
Chào các bạn,
Same time next year là cuốn phim Mỹ năm 1978, nói về một câu chuyện bắt đầu năm 1951 giữa một cô 24 tuổi và một cậu 27 tuổi, cả hai đều đã có gia đinh và hạnh phúc với gia đinh, gặp nhau trong một quán ăn, thích nhau và có một one-night affair với nhau. Cả hai vẫn yêu gia đình của mình, nhưng cũng muốn giữ liên hệ với nhau, nên hẹn nhau năm tới cùng ngày này sẽ gặp lại nhau nơi này. Và họ hẹn mỗi năm một lần như thế, thân thiết nhau kinh khủng, cho đến cuối phim… ở năm 1977, tức là 26 năm sau. Các bạn có thể đọc thêm chi tiết ở đây.
Mình cũng có chuyện Giờ này năm tới cho các bạn.
Mỗi năm cứ đến mùa hè, hoa phượng rực đỏ rơi ngập lối, nắng nóng và đẹp, và chim chóc hoan ca khắp nơi, khoảng giữa tháng 5 kéo sang giữa tháng 7, TQ lại làm rầm rộ Biển Đông và hành dân ta một lần – luật cấm đánh cá, đặt giàn khoan, cắt dây cáp, bắt ngư dân… Dân ta, từ vua đến dân, lo lắng la lối loạn cào cào về TQ xâm lược, hung hăng, côn đồ, nói chuyện sửa soạn vũ khí, nói chuyện kiện thưa, nói chuyện Quốc tế Công pháp và UNCLOS, biểu tình khắp nơi… và gần cuối tháng 7 TQ về nhà, và ta xìu xuống. Chẳng việc gì xảy ra.
Cho đến Same time next year.
Nhưng TQ không kiếm chuyện bậy bạ và cũng chẳng hẹn hò tình tứ gì với ta. Trung quốc đang làm việc pháp lý. Mỗi năm TQ làm rộn một lần để cho thế giới thấy rõ TQ là chủ các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Scarborough Shoal… TQ nói “Đây là vùng biển của tôi” và hành động như chủ vùng đó: Làm luật cấm đánh cá, bắt ai phạm luật, hoạt động kinh tế trong vùng, kéo giàn khoan khổng lồ và một đoàn tuyền hải giám hộ vệ đi lòng vòng (Ghi chú: phải có nhiều hộ vệ vì TQ biết là các nước trong vùng không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của TQ), không cho ai hoạt động kinh tế trong vùng… Tất cả những điều này TQ dùng như là bằng chứng về chủ quyền trong Quốc tế Công pháp.
TQ có đủ kiên nhẫn để hẹn hò mỗi năm một lần thế như anh chị kia trong 26 năm, và vẫn tiếp tục nhiều năm sau đó, với hy vọng một lúc nào đó thế giới công nhận TQ đúng là chủ thật của Hoàng Sa và Trường Sa, và có thể cả vùng nước trong Đường lưỡi bò.
Và mỗi lần TQ làm rộn thế, chúng ta phải đáp ứng bằng những bằng chứng pháp lý là chúng ta không công nhận hành động phi pháp của TQ:
– Bộ ngoại giao lớn tiếng phản đối.
– Gửi công hàm ngoại giao phản đối đến chính phủ TQ.
– Gửi khiếu nại lên LHQ.
– Vận động với các quốc gia và tổ chức quan tâm đến hòa bình và trục hàng hải Biển Đông: ASEAN, các nước trong khối ASEAN, EU, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc… để có nhiều tiếng nói hỗ trợ.
– Để người dân biểu tình chống đối TQ.
– Trường hợp tàu cảnh sát biển VN phải đối diện với tàu hải giám TQ thì cũng nên cẩn thận để không tạo chiến tranh.
Không nên dùng tàu chiến, trừ khi TQ dùng tàu chiến. Nhưng trong những trường hợp này cần phải làm việc cấp kỳ với LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ.
Nói chung là dù thế nào thì cũng cần giữ hòa bình, tránh chiến tranh.
– Tòa trọng tài UNCLOS trong vụ kiện Philippines v. China đã có phán quyết tốt cho mọi nước, trừ TQ, về Biển Đông: Bác bỏ tính cách pháp lý của đường lưỡi bò, đồng thời tuyên bố các nơi TQ chiếm đóng đều là “rock” không phải là “island”. VN cũng nên nghĩ đến việc nhờ tòa phán quyết về những hàng động ngang ngược của TQ vi phạm phán quyết của tòa. Những phán quyết của tòa, dù TQ không quan tâm, vẫn là lợi khí quốc tế rất lớn cho VN trong trường kỳ.
Dù TQ có làm gì thì thực tế là TQ sẽ không bao giờ làm chủ được Biển Đông, vì TQ hoàn toàn không có căn bản pháp lý gì cả. Và thế giới chỉ có một tiêu chuẩn phân định trắng đen là phán quyết của tòa án. Hành động ngang ngược coi thường luật pháp không bao giờ có thể tạo được căn bản pháp lý gì. Và sẽ có lúc TQ không đủ sức để ngang ngược. TQ muốn gì thì sẽ phải thương lượng với các quốc gia trong vùng, chẳng ai có nhu cầu phải thương lượng với TQ. Đây là một cuộc tranh đấu TQ không thể thắng, mà chỉ có thể tìm cách sống hòa hoãn với mọi người một cách vui vẻ.
TĐH