
TS. Phạm Mạnh Hùng – Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
TKS – Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố ngày 10/12/1948 khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền” (Điều 1); “Mọi người đều có quyền sống, tự do và an toàn cá nhân” (Điều 3); “Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm” (Điều 5); “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau, không có bất cứ sự phân biệt nào” (Điều 7); Không ai có thể bị bắt, giam giữ hay trục xuất một cách tùy tiện” (Điều 9); “Mỗi người, khi bị quy kết phạm tội, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó dã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội phạm của người đó dựa trên cơ sở luật pháp” (Điều 11).
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966 tiếp tục khẳng định ngững quyền cơ bản của con người, trong đó khẳng định: “Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người…” (Điều 7); “Những người bị tước tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm” (Khoản 1 Điều 10); Người bị buộc tội “có quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình hoặc không bị ép buộc nhận tội” (Điểm g Khoản 3 Điều 14).
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) ở nước ta cũng đã ghi nhận những quyền cơ bản của con người và của công dân, trong đó nêu rõ: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.…Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.” (Điều 71); “… Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh” (Điều 72)
Cụ thể hóa những bảo đảm về các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 của nước ta đã quy định những hành vi xâm phạm các quyền cơ bản của công dân bị coi là tội phạm, trong đó có quy định tội dùng nhục hình và tội bức cung.
Tội dùng nhục hình (Điều 298 BLHS) và tội bức cung (Điều 299 BLHS) đều có dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm là những người tiến hành các hoạt động tư pháp trong quá trình xem xét, giải quyết các vụ việc có tính chất hình sự. Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp, trong đó có tội dùng nhục hình và tội bức cung, thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong những năm qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nước ta đã có nhiều tiến bộ. Tình trạng lạm dụng chức vụ quyền hạn trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có những người tham gia tố tụng, như người bị tình nghi, bị can, bị cáo, đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, ở một số nơi vẫn còn xảy ra các trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp. Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra tội phạm (Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao), thì số lượng các vụ việc bức cung, dùng nhục hình được Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý xem xét, giải quyết thông qua tin báo, tố giác về tội phạm, từ năm 2006 đến nay như sau:
-Năm 2006: 16 vụ việc
-Năm 2007: 12 vụ việc
-Năm 2008: 14 vụ việc
-Năm 2009: 08 vụ việc
-Năm 2010: 13 vụ việc
-Từ năm 2011: 08 vụ việc
-Năm 2012: 08 vụ việc
-Sáu tháng đầu năm 2013: 05 vụ việc.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSNDTC, từ năm 2006 đến 31 tháng 6 năm 2013, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố điều tra 21 vụ/37 bị can về tội dùng nhục hình. Cụ thể như sau:
-Năm 2006: Khởi tố 1 vụ/1 bị can;
-Năm 2007: Khởi tố 2 vụ/2 bị can;
-Năm 2008: Khởi tố 2 vụ/2 bị can;
-Năm 2009: Không vụ án nào bị khởi tố;
-Năm 2010: Khởi tố 1 vụ/5 bị can
-Năm 2011: Khởi tố 4 vụ/8 bị can;
-Năm 2012: Khởi tố 5 vụ/8 bị can;
-Sáu tháng đầu năm 2013: Khởi tố 4 vụ/10 bị can.
Như vậy, trong 5 năm, từ năm 2006 đến năm 2010, căn cứ các tin báo, tố giác về tội phạm, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý 63 vụ việc có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình để xem xét, giải quyết. Trong đó, đã khởi tố, điều tra 7 vụ/10 bị can về tội dùng nhục hình (riêng trong năm 2009, không có vụ án nào về tội dùng nhục hình bị khởi tố) . Từ năm 2011 đến nay (năm 2011, 2012 và 6 tháng năm 2013), Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý 21 vụ việc có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình để xem xét, giải quyết; đã khởi tố, điều tra 13 vụ/26 bị can về tội dùng nhục hình.
Qua các số liệu thống kê trên có thể thấy, số lượng tin báo, tố giác về tội phạm bức cung, dùng nhục hình trong những năm gần đây (2011 – 2013) có xu hướng ngày càng giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ số vụ án và số bị can bị khởi tố, điều tra so với số vụ việc thụ lý để xem xét, giải quyết về tội dùng nhục hình lại cao hơn những năm trước (2006 – 2010). Điều này phản ánh những tiến bộ đáng kể trong công tác xác minh, tin báo tố giác về tội phạm và điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC.
Về tội bức cung, điều đáng chú ý là, theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin và của Cục điều tra tội phạm thuộc VKSNDTC, thì trong 10 năm qua (từ 2003 đến nay) mặc dù có những tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hành vi bức cung nhưng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa khởi tố, điều tra vụ án nào về tội bức cung. Về tội dùng nhục hình, mặc dù một số vụ việc đã được xem xét, khởi tố, điều tra nhưng số vụ việc được khởi tố chưa phản ánh được đầy đủ tình hình thực tế. Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án, bị cáo khai tại phiên tòa là do bị bức cung, nhục hình nên phải khai không đúng sự thật tại cơ quan điều tra và xin khai lại với nội dung hoàn toàn khác nhưng thường bị bác đi với lý do “không có chứng cứ để chứng minh” điều đó. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm để xem xét, giải quyết. Theo chúng tôi, để có cơ sở pháp lý đấu tranh phòng và chống các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, dùng nhục hình, bức cung trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ các cơ quan tư pháp thì cần quan tâm đến việc xem xét, xác định những bất cập của các quy định của pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định của BLHS hiện hành, để có những giải pháp khắc phục.
Điều 298 BLHS về tội dùng nhục hình quy định:
“1. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”
Điều 299 BLHS về tội bức cung quy định:
“1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Nghiên cứu các quy định trên cho thấy, điều luật quy định về tội dùng nhục hình và tội bức cung trong BLHS hiện hành có một số bất cập như sau:
Một là, theo quy định tại Điều 298 BLHS, hành vi dùng nhục hình của Tội dùng nhục hình chỉ có thể diễn ra “trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Theo chúng tôi, giới hạn các hành vi dùng nhục hình bị coi là tội phạm dùng nhục hình như vậy chưa thể hiện được hết các hành vi dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp có thể xảy ra. Bởi lẽ, hoạt động giải quyết vụ án hình sự từ khi tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, gặp hỏi, bắt, tạm giữ người bị tình nghi cho đến khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt là các hoạt động mà ở đó có nhiều chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng thực hiện, kể cả những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và những người khác có liên quan đến hoạt động giải quyết vụ án, như những người có trách nhiệm trong việc dẫn giải bị can, bị cáo, cán bộ quản lý trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam… Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, những người này đều có thể có hành vi dùng nhục hình đối với người bị tình nghi, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Hai là, trong BLTTHS, thuật ngữ “hỏi cung” chỉ áp dụng khi hỏi (thẩm vấn) bị can (Điều 131 BLTTHS), còn việc hỏi (thẩm vấn) nhân chứng, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác thì BLTTHS sử dụng thuật ngữ “lấy lời khai” (các điều 135, 137 BLTTHS). Do vậy, thuật ngữ “bức cung” trong Điều 299 BLHS theo nghĩa hẹp được hiểu là khi hỏi cung bị can người có thẩm quyền đã truy bức (ép buộc) bằng các thủ đoạn trái pháp luật khiến bị can phải khai sai sự thật. Tuy nhiên, cách hiểu theo nghĩa hẹp này lại không phù hợp với nội dung quy định tại Điều luật. Điều 299 quy định “Buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật”. Thuật ngữ “Người bị thẩm vấn” có thể là bất kỳ ai, như người làm chứng, người bị tình nghi, người bị tạm giữ, người bị hại, bị can, bị cáo…Do vậy, nếu căn cứ nội dung quy định tại Điều 299 BLHS thì tên gọi “Bức cung” trong tiêu đề điều luật là không chính xác.
Ba là, theo quy định tại Điều 299 BLHS, hành vi (thủ đoạn) trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật chỉ cấu thành tội phạm bức cung nếu đã gây hậu quả nghiêm trọng. Cách quy định như vậy, theo chúng tôi, là không phù hợp. Hành vi (thủ đoạn) trái pháp luật của những người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động lấy lời khai buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, xâm phạm quyền không buộc phải chứng minh là mình vô tội của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội và cần bị coi là tội phạm ngay cả khi chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Do vậy, theo chúng tôi, cần xây dựng lại cấu thành tội phạm bức cung dưới dạng cấu thành tội phạm hình thức, nghĩa là không cần gây hậu quả nghiêm trọng đã bị coi là phạm tội.
Bốn à, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, nhiều trường hợp do trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm hoặc do chạy theo thành tích, người bị thẩm vấn cho rằng việc ép buộc người khác khai theo những chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ là phù hợp với tình tiết diễn biến của vụ án, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Trong trường hợp này, người bị thẩm vấn có thể vì lo sợ điều không hay xảy ra cho mình hoặc người thân của mình mà phải khai sai sự thật để thỏa mãn yêu cầu của người thẩm vấn và người thẩm vấn không biết lời khai của người bị thẩm vấn là lời khai sai sự thật. Mặt khác, việc xác định ý thức chủ quan của người phạm tội có biết lời khai của người bị thẩm vấn là sai sự thật hay không là rất khó.
Năm là, việc chỉ quy định một loại hình phạt tù trong chế tài của tội dùng nhục hình và tội bức cung là chưa thể hiện được sự phân hóa trách nhiệm hình sự đối với tội phạm. Theo chúng tôi, căn cứ vào tính chất của tội phạm dùng nhục hình và tội bức cung trong tương quan với các tội phạm khác có tính chất gần giống nhau, thì cần quy định các loại hình phạt để Tòa án lựa chọn khi quyết định hình phạt. Mặt khác, trong các khung hình phạt tăng nặng của tội dùng nhục hình và tội bức cung, nhà làm luật mới chỉ quy định các tình tiết định khung hình phạt liên quan đến thiệt hại (hậu quả) là “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Đây là những tình tiết định tính, có thể được hiểu theo những cách khác nhau nên cần phải được hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong việc áp dụng. Ngoài ra, để cá thể hóa hình phạt một cách công bằng, nghiêm minh, thì cần bổ sung thêm các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng khác trong tội dùng nhục hình và tội bức cung.
Trên cơ sở những phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật như sau:
Một là, sửa đổi phần quy định trong tội dùng nhục hình tại Điều 298 BLHS theo hướng không chỉ quy định là tội phạm các hành vi dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà cần quy định tất cả các hành vi dùng nhục hình trong hoạt động tư pháp, như trong quá trình dẫn giải người bị tình nghi, bị can, bị cáo, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam…đều là hành vi khách quan của tội dùng nhục hình.
Hai là, sửa lại tiêu đề tội “Bức cung” tại Điều 299 BLHS cho phù hợp với nội dung điều luật (phù hợp với đối tượng tác động của tội phạm không chỉ là bị can mà còn là người bị tình nghi, nhân chứng, người bị hại…).
Ba là, sửa đổi nội dung tội phạm quy định tại Điều 299 BLHS theo hướng bỏ dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” trong cấu thành tội phạm cơ bản. Đồng thời, sửa đổi hành vi khách quan của tội phạm quy định tại Điều 299 BLHS theo hướng quy định hành vi tội phạm là hành vi ép buộc người bị thẩm vấn khai trái với ý muốn của họ.
Bốn là, về hình phạt đối với tội phạm quy định tại Điều 298 và 299 BLHS, nên quy định thêm các hình phạt không tước tự do để lựa chọn khi áp dụng, như cảnh cáo, cải tạo không giam giữ; quy định thêm các tình tiết định khung tăng nặng, như “phạm tội có tổ chức”, “phạm tội nhiều lần”, “phạm tội đối với nhiều người”. Đối với tội được quy định tại Điều 299 BLHS, nên bổ sung tình tiết định khung tăng nặng là “có dùng vũ lực” và “phạm tội có tính chất nhục hình”
Năm là, nên thừa nhận “quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình” hay “quyền im lặng” của người bị tình nghi, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Trên cơ sở đó, Điều 308 BLHS về tội từ chối khai báo cần được sửa đổi theo hướng loại trừ trách nhiệm hình sự của người bị quy kết là thực hiện tội phạm (Người bị tình nghi, bị can, bị cao).
Sáu là, để góp phần đấu tranh phòng và chống các hành vi bức cung, dùng nhục hình có hiệu quả, thì Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi nên quy định việc cho phép lắp camera theo dõi ở những nơi lấy lời khai của người bị tình nghi, bị can, bị cáo với một cơ chế kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm giữ bí mật điều tra. Đồng thời, quy định rõ, chỉ người có thẩm quyền nhất định và trong những trường hợp đặc biệt (khi có khiếu nại, tố cáo về việc bức cung, dùng nhục hình) mới được kiểm tra lại băng ghi hình về việc lấy lời khai.