Công trình của một đời người: Cuốn sách “Môi Trường và Con Đường Phát Triển”

Gần nửa thế kỷ trước, Martin Luther King (nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964) đã từng nói: “Trong đống ngổn ngang hài cốt và tàn dư của nhiều nền văn minh, nổi lên một dòng chữ đầy nuối tiếc: Quá muộn rồi. Sau đây, chúng ta sẽ đi  về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng  đồng?”

Trong quá trình phát triển, con người đã nhận thức được một cách thấm thía hậu quả chính là từ trong sự phát triển – đó là ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và dẫn đến các tai biến môi trường, các nhiễu loạn sinh thái, điều đó đã và đang tác động đến an ninh xã hội, an ninh quốc gia và nhân loại. Nhận thức được những vấn đề môi trường gay gắt, các quốc gia và cộng đồng quốc tế đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất đầu tiên về môi trường ở Stockholm, và ngày 5/6/1972 đã trở thành ngày Môi trường thế giới. Kể từ đó đến nay đã gần 40 năm; mặc dù các quốc gia đã và đang thực thi nhiều biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển xã hội, song những vấn đề môi trường ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, nhất là trong các quốc gia nghèo mà năng lực chống đỡ bị hạn chế. Giữa lúc cả xã hội loài người đang xao xác tơi tả bởi những vấn đề Môi trường cùng các hệ lụy đau lòng bởi Môi trường bị tàn phá, Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, giữa khi con người trên khắp hành tinh đang bị Thiên nhiên trả thù đích đáng bởi sự thiển cận, độc ác, tham lam của chính mình thì sự xuất hiện của một công trình nghiên cứu công phu như “MÔI TRƯỜNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN” vào lúc này kể đã là quá muộn! Nhưng, Muộn còn hơn không. Cùng với nỗ lực của các cá nhân, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, cuốn sách mới nhất của PGS-TS Nguyễn Đắc Hy đã góp một tiếng nói quan trọng vào sự cảnh tỉnh cộng đồng: cần có một cách ứng xử văn minh và khoa học đối với Trái đất chung của chúng ta.

TS Nguyễn Đắc Hy

Công trình “MÔI TRƯỜNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN” (Nhà xuất bản CAND – Hà Nội, 2011) có thể nói là một “tập đại thành” những vấn đề về Môi trường và Phát triển xã hội cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực tiễn, vốn không có nhiều trong lĩnh vực này. Nó là sự tổng kết sau nhiều thập kỷ chiêm nghiệm, vật vã đau đớn của tác giả qua các công tác quản lý Nhà nước về môi trường, ở nhiều cơ quan khác nhau… Trước những tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng như các thiên tai: bão lũ, động đất, sóng thần v.v. đã, đang và sẽ gây ra những thiệt hại to lớn về người và của cải cho dân tộc và các vùng lãnh thổ trên thế giới, trong khi Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh sinh thái và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thì sự xuất hiện của công trình “MÔI TRƯỜNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN” là một hành động chứa đầy ý nghĩa tích cực!

Là người làm phim độc lập vốn quan tâm sâu sắc đến Môi trường và Phát triển xã hội, chúng tôi đã coi cuốn sách của tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy như một “cẩm nang” đặc biệt, thậm chí như một thứ “Thánh kinh” mới để thám hiểm vào biết bao vấn đề ngổn ngang và hóc búa về Môi trường, để từ đó soi vào những vấn đề xã hội nóng bỏng – như một góc nhìn cơ bản vào thực chất của sự phát triển bền vững cần có của xã hội chúng ta cả hôm nay lẫn mai sau…

Có một điều rất lý thú, do chính tác giả tâm sự: Một trong những động lực để ông hoàn thành được công trình của đời người này, lại xuất phát từ mấy câu thơ, sau một lần được dự cuộc tọa đàm về thơ Trần Dần tại L’ Espace ( Trung tâm văn hóa Pháp – 24 Phố Tràng Tiền, Hà Nội): “Tôi hiểu rằng tư duy với kinh nghiệm của mình còn quá nhỏ hẹp trong biển cả của môi trường và sự phát triển… Tất cả những vấn đề quá rộng lớn đó khiến tôi nhiều lúc không đủ năng lực và can đảm để hoàn thành cuốn sách, không dám viết tiếp, vì càng viết lại càng cảm thấy sự hạn chế của mình. Song niềm tin vào tương lai, như nhà thơ Trần Dần:

Tôi đói –

mọi cái gì

tôi chửa biết,

mọi khát khao

hy vọng

loài người

… đã cho tôi một nghị lực mới mẻ không ngờ…” ( Tr.5-Sđd)

Trước khi mạn phép được đi sâu phân tích một cách tổng thể những giá trị của công trình dày gần ngàn trang in khổ lớn này với lời đề từ: “Văn minh sinh thái là cội nguồn của phát triển Hạnh phúc nhân loại”, tôi xin được trích dẫn giúp bạn đọc gần như toàn bộ lời mở đầu của Phần hai cuốn sách:

             “SINH THÁI NHÂN VĂN – NĂNG LƯỢNG KỲ DIỆU

    Xin phép cho tôi được bắt  đầu bằng một câu chuyện cảm động – thoạt  tiên tưởng như là kỳ  lạ, nhưng nếu suy nghĩ  kỹ một  chút, sẽ  thấy biết bao thông điệp nhân văn cũng như nhận thức của con người về những vấn đề thời sự nóng hổi – đó là câu chuyện “Trong yêu thương, tất cả sẽ lớn lên” của tác giả Maria Montessori. Mời các bạn chịu khó theo dõi:

“…Năm lên năm tuổi, tôi được bố mẹ gửi đến một nhà trẻ tư thục nằm trong một khuôn viên xinh đẹp. Chín giờ sáng mỗi ngày, 33 bạn trong lớp lại được tập trung tại phòng lớn để làm quen với những bài học đạo đức đầu đời. Chúng tôi ngồi ngay ngắn trên những chiếc ghế đầy màu sắc hoặc trên tấm thảm dày giữa sàn có hình ông mặt trời rất đẹp. Chúng tôi luôn háo hức khi tham gia vào những bài học mới lạ đầy cuốn hút.

Một sáng nọ, khi chúng tôi đã ngồi ngay ngắn bên nhau, cô giáo phụ trách thông báo: Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu một bài học mới. Đây là bài học rất thú vị và cô muốn các con hãy ghi nhớ nó! Vừa nói cô vừa mang ra hai chậu cây nhỏ. Trên mỗi chậu là một cây con chỉ cao chưa tới gang tay với hai chiếu là bé xíu. Đây là hai cây hướng dương. Trông chúng có giống nhau không nào? Cả lớp gật đầu, vẻ rất nghiêm túc. Bây giờ, cô trò mình sẽ có một thí nghiệm nho nhỏ như sau: Chúng ta sẽ cung cấp cho cả hai cây cùng lượng ánh sáng và nước như nhau nhưng sẽ đặt chúng ở hai vị trí khác nhau. Một cây sẽ được đặt trên bệ cửa sổ trong nhà bếp, cách xa tất cả mọi người. Cây còn lại sẽ được đặt ngay tại phòng này, và nó sẽ cùng chúng ta sinh hoạt mỗi ngày. Nói xong, cô đặt một chậu lên bệ cửa sổ phòng lớn rồi dẫn cả lớp vào nhà bếp đặt chậu cây còn lại lên vị trí mà cô vừa nói. Nơi đó cũng có ánh sáng, có gió thổi nhưng khá kín và ít người lui tới. Quay về phòng lớn, trước những đôi mắt tròn xoe vì ngạc nhiên của chúng tôi, cô giải thích: Mỗi ngày, cô trò chúng ta sẽ hát cho chậu cây trong phòng này nghe, sẽ nói với nó những lời yêu thương và khen ngợi sự phát triển của nó. Chúng ta sẽ dành cho nó những điều tốt đẹp nhất, các con nhé. Một bạn giơ tay phát biểu: Còn cái cây trong kia thì sao, thưa cô? Cô giáo mỉm cười: Chậu cây trong nhà bếp sẽ được dùng làm vật đối chiếu với chậu cây bên ngoài này. Thế các con nghĩ chúng ta sẽ làm gì với nó nào? Mình không nói chuyện với nó hả cô? Một bạn lên tiếng hỏi. Đúng vậy, nói thầm cũng không được. Cô giáo trả lời dứt khoát. Mình cũng không nghĩ tốt về nó nữa ạ? Đúng rồi, đây chỉ là một thí nghiệm thôi, các con ạ. Chúng ta cùng chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra nhé!

Hai tuần kế tiếp, những đôi mắt thơ ngây của chúng tôi lúc nào cũng mở to, háo hức chờ đợi kết quả; thỉnh thoảng một vài bạn trong lớp len lén mở cánh cửa nhà bếp, nhìn thật nhanh chậu cây rồi vội vàng đóng lại như thể nếu nhìn lâu thì thí nghiệm của cô giáo sẽ “mất linh nghiệm”. Chậu cây trong nhà bếp trông thật yếu ớt và gầy nhẳng, hình như nó chẳng lớn lên chút nào. Trái lại, cái cây ngoài phòng lớn rất nhanh, dường như nó cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm của chúng tôi qua những bài hát, những câu nói dịu dàng và những suy nghĩ tốt đẹp đầy tình yêu thương; nó đang vươn lên mạnh mẽ và căng tràn nhựa sống.

Bước sang giai đoạn tiếp theo của thí nghiệm, và để xoa dịu những tâm hồn nhạy cảm đang lo lắng cho sự sống còn của cây bên bệ cửa sổ nhà bếp, cô giáo quyết định mang nó ra ngoài phòng lớn; tất cả chúng tôi đều hết sức vui mừng trước quyết định này của cô. Từ nay, cây hướng dương đó sẽ không còn chịu cảnh cô đơn nữa; sang tuần lễ thứ hai, nó bắt đầu có những thay đổi tích cực; đến tuần thứ tư, nó bắt kịp cây hướng dương ở ngoài phòng lớn và hầu như không còn bất kỳ sự khác biệt nào giữa chúng. Tôi nhớ mãi hình ảnh hai cây hướng dương ngày ấy cùng bài học về tình yêu thương mà cô giáo đã mang đến cho chúng tôi, nó giúp tôi hiểu được rằng: “Trong tình yêu thương, tất cả sẽ lớn lên…”

(Theo: “All Things Grow… with Love”)

Nhận thức về màu xanh của phát triển, của hoà bình trước hết phải xuất phát từ nhận thức về tự nhiên, quy luật của tự nhiên, quy luật của phát triển theo lẽ sống công bằng của xã hội… Đây chính là tư tưởng chủ yếu trong cuốn sách “Môi trường và con đường phát triển”.

Trở lại đoạn văn trên, các bạn có thấy điều thú vị này không: cái giúp cho hai cây hướng dương phát triển bình thường không phải chỉ là nắng, gió, nước, không khí thuộc thế giới tự nhiên, mà còn là cái toát ra từ con người- không phải con người dửng dưng, khô lạnh, mà là con người nhân ái giàu xúc cảm…Và cả hai thứ nuôi sống hai cây hướng dương một cách thần kỳ đó được gọi là “năng lượng”.

Vậy, thực chất năng lượng là gì? Chúng từ đâu ra? Ý nghĩa của chúng đối với cuộc sống tự nhiên và xã hội loài người là gì? Cơ chế hoạt động và tương lai của chúng ra sao?

Trước hết, cần phải khẳng định một sự thật lớn mà không phải nhiều người đã biết: Sự sống của con người và hệ tự nhiên đều xuất phát từ những dòng năng lượng. Và tất cả các dòng năng lượng đều chuyển hoá thành các dạng năng lượng khác nhau cho sự phát triển của các hệ sinh thái, cho sự sống. Các dòng năng lượng đó đều phụ thuộc ở con người và xã hội cùng những phương thức sử dụng, chuyển hoá, sử dụng chúng phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội, cho hạnh phúc của con người, cho hoà bình, hay cho chiến tranh- vì các mục tiêu chính trị hoặc các động cơ xã hội rất khác nhau, thậm chí đối địch nhau…Và ngày nay, hệ quả nhỡn tiền của quá trình giải phóng năng lượng là đã phát thải các khí nhà kính- chúng là thủ phạm gây nên sự biến đổi khí hậu, kèm theo đó là làm nhiễu loạn sinh quyển…Còn n ữa, việc khai thác bừa bãi các nguồn năng lượng tự nhiên mà không thể tái sinh được (như dầu mỏ và khí thiên nhiên). Tất cả những “sự cố” đáng buồn đó đã và đang làm cản trở đến sự tiến hoá của nhân loại!

Có nhiều loại tiến hoá khác nhau, như tiến hoá bản vị, tiến hoá nhân quyền, tiến hoá vì cộng đồng hay tiến hoá địa kinh tế – chính trị, v.v, mà tất cả những sự tiến hoá đó đều phụ thuộc vào tri thức nhân văn của nhân loại, vào tính chất của các thể chế chính trị quốc gia, cũng như trong các hoạt động thương mại, các quan hệ quốc tế…Nhưng tương lai của con người sẽ đi về đâu? Hạnh phúc, hoà bình, và nền sinh quyển bền vững sẽ ra sao?… Điều đó còn phụ thuộc vào trình độ của nền văn minh nhân loại, vào lương tri của con người giác ngộ được bản chất cái thế giới chứa đầy các loại năng lượng chúng ta đang sống.

 Những dòng năng lượng tự nhiên (như mặt trời, năng lượng sinh học, năng lượng sinh thái, năng lượng trái đất, năng lượng sinh quyển, năng lượng vũ trụ,v.v), cùng với những dòng năng lượng nhân tạo (như năng lượng khoa học và trí tuệ, năng lượng kỹ thuật… và nhất là các dòng năng lượng chính trị, tình cảm của con người và của xã hội) có thể làm nên sự phát triển kỳ diệu trong thiên niên kỷ này, cũng như trong những kỷ nguyên tiếp theo của nhân loại hay không, điều đó trông chờ ở nhận thức của mỗi con người, vào tính chất của mỗi thể chế chính trị… Thực chất của quan hệ con người – xã hội với tự nhiên trong sinh quyển là quan hệ sử dụng, sở hữu, và quản lý năng lượng- bao gồm năng lượng vật thể và năng lượng phi vật thể (như năng lượng tâm linh, năng lượng tôn giáo…) Các dòng năng lượng vật thể và phi vật thể bao gồm năng lượng vật chất tự nhiên và vật chất nhân tạo đó thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh – thương mại và cộng đồng… mà phát huy hiệu quả. Cụ thể hơn, ta sẽ có năng lượng vi sinh, vi điện tử, năng lượng vũ trụ, năng lượng nhân sinh, năng lượng khoa học, năng lượng trong các quan hệ xã hội, chính trị, địa – chính trị, tôn giáo – dân tộc… Tóm lại, năng lượng và quan hệ năng lượng- từ năng lượng vật thể đến năng lượng phi vật thể- luôn luôn và bao giờ cũng là nền tảng của sự sống, của sự phát triển trong lịch sử tiến hoá của nhân loại- nhân loại trên trái đất và ở cả hành tinh khác trong những kỷ nguyên sau này.

Để làm sáng tỏ hơn về chuyện năng lượng, tôi xin kể lại một sự kiện còn nóng hổi: Tháng -2009, khi tổ chức rước tượng Phật Ngọc về chùa Phật Tích huyện Tiên Sơn- tỉnh Bắc Ninh, trong vòng 1 tuần mà tổng số người từ nhiều tỉnh thuộc Trung du và vùng đồng bằng sông Hồng đã có tới 4 triệu lượt người về dự lễ phật, chiêm ngưỡng đức phật Ngọc Thạch từ Úc sang Việt Nam (qua 5 địa điểm chùa từ miền Trung đến miền Nam và miền Bắc). Từ đó có thể xác định được giá trị tâm linh – phi vật thể được lượng giá thông qua số lượng người, các chi phí cùng những đóng góp vật chất… trong dịp về lễ Tượng Phật Ngọc. Như vậy, trong lượng giá trị của các vật thể vật chất tự nhiên, các giá trị sinh thái ( mà các phương pháp định lượng đang trong quá trình nghiên cứu), ta cần tính đến cả những giá trị tâm linh – giá trị phi vật thể, bởi chúng cũng đều được lượng giá thông qua việc luợng giá trị chuyển đổi. Các giá trị tâm linh – giá trị phi vật thể là những dòng năng lượng có từ cấp số cộng đến cấp số nhân, và hơn nữa là cấp vũ trụ… Chúng lại được nhân lên từ tình thế tác động của con người, được cộng hưởng với các giá trị đặc biệt, lớn lao của những năng lượng sinh ra trong các biến cố lịch sử lớn, ví như các cuộc cách mạng ( cách mạng văn hoá, cách mạng thánh thần, cách mạng vũ trụ, cách mạng tôn giáo, v.v. )

Nhìn lại sự tiến hoá hàng triệu năm- từ các kỷ nguyên trái đất – sinh quyển đến các kỷ nguyên vũ trụ, ta nhận thấy một điều sáng rõ: dòng chảy thời gian cùng với sự chuyển hoá của các kỷ nguyên sẽ luôn luôn và bao giờ cũng gắn bó mật thiết với nền văn minh của nhân loại trên trái đất. Và sau này, khi tới kỷ nguyên vũ trụ, cũng đều có điểm xuất phát lẫn động lực ở trí tuệ và văn minh của nhân loại để bảo vệ, để cải thiện cái không gian nhiều chiều mà con người sống trong đó- được gọi một cách nôm na, đã trở nên quen thuộc thậm chí đến nhàm chán, đó là MÔI TRƯỜNG .

Vậy, môi trường có vị trí nào trong thế giới năng lượng mà chúng ta đã bàn ở trên? Xét cho cùng, môi trường cũng là một thứ năng lượng đặc biệt, mà chỉ vì không hiểu biết về nó, con người ta đã huỷ hoại nó! Môi trường hoàn toàn phụ thuộc vào các cách thức phát triển của xã hội,  phụ thuộc ở sự phát triển hài hoà giữa hệ thống kinh tế – xã hội, với hệ tự nhiên…. Tương lai tươi sáng của môi trường ra sao? Cần làm gì để tránh những hiểm hoạ, tai biến và các sự cố dẫn đến huỷ diệt, để cuộc sống con người thoát khỏi nghèo đói cùng biết bao nhiêu bệnh tật bởi môi trường ô nhiễm, các hệ sinh thái bị huỷ hoại?… Môi trường và con đường phát triển phải nằm trong chủ quyền tài nguyên, tài sản quốc gia và trong hệ sinh quyển chung, kết hợp giữa tinh thần nhân văn dân tộc với tinh thần hợp tác vì năng lượng nhân quyền. Và những giá trị tài nguyên quốc gia đó tuy đã đem lại các giá trị gia tăng đích thực cho nền kinh tế đất nước, song đương nhiên không phải là tăng trưởng tư bản từ tài nguyên – tăng tài sản cho quốc gia, mà chính là kinh doanh – thương mại – bán các nguồn tài nguyên của đất nước; vì vậy, khi phân tích, đánh giá tăng trưởng GDP cần phải xem xét các giá trị gia tăng cũng như các giá trị mất đi của các dòng năng lượng tài nguyên tự nhiên… Những điều lớn lao đó có giải quyết được hay không lại phụ thuộc vào sự lựa chọn phát triển, vào nền văn minh của nhân loại mà trong đó, lương tri – đạo đức con người cần đặt lên hàng đầu!

Trong những năm tháng công tác về chính sách, về chiến lược trong Nhà nước, và trong khi viết cuốn sách “Môi trường và Con đường phát triển”, tôi thường tự hỏi: suy nghĩ và hành động thực tiễn của nhân loại trong tiến trình tiến hoá của nhân loại đã diễn ra như thế nào? Và, tôi cần phải rút ra điều gì từ đó, để cuốn sách trở nên hữu ích với nhiều người? Đây chủ yếu là sự tập tập hợp tri thức nhân loại và có vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh, thực tiễn ở nước ta, từ đó góp phần vào việc đề ra những chính sách, pháp luật và thể chế quản lý Nhà nước về Môi trường và Phát triển. Tôi đã mất nhiều thời gian sưu tầm tư liệu… Trong những năm tháng học tập ở Liên Xô trước đây về quản lý kinh tế và viết luận văn tiến sĩ, tôi may mắn được tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm của các nhà triết học, chính trị học, kinh tế học kinh điển từ những thế kỷ trước mà các giá trị trí tuệ vẫn còn có thể soi sáng lâu dài cho sự phát triển chung của nhân loại. Và sau gần 10 năm thôi quản lý Nhà nước, lại có thời gian nghiên cứu, tôi có điều kiện nghiệm chứng lại về những vấn đề môi trường và phát triển trong hiện tại cũng như xu hướng trong tương lai… Đó là điều cốt lõi mà tôi muốn được thể hiện trong cuốn sách “Môi trường và con đường phát triển”. Đây là cuốn sách tiếp theo cuốn “Phát triển bền vững trong tầm nhìn của thời đại” ( xuất bản năm 2003). Cuốn sách mới này thực chất là sự tiếp tục dòng suy tưởng về “những vấn đề môi trường và sinh thái trong phát triển” từng được những học thuyết của các nhà kinh điển về triết học, kinh tế chính trị học, địa lý học, sinh thái học… kiểm nghiệm, đúc rút ra nhiều quy luật của sự phát triển mà ngày nay nó vẫn đang cần thiết đối với con đường phát triển lâu dài và bền vững của nhân loại.

Cuốn sách “Môi trường và Con đường phát triển”  được viết trong thời gian cuối của cuộc sống, khi tôi đã nhận ra được một điều: tri thức của con người thì mênh mông, triết lý của cuộc sống thì trường cửu, song hành động của nhân loại vì nhân sinh thì đầy rẫy những bất cập, thậm chí là tội lỗi… ngược hẳn lại với những điều mà tôi đã học được về giá trị của nền văn minh nhân loại vốn đề cao các quan hệ giữa phát triển với tự nhiên và xã hội, cũng như sự điều khiển nhịp nhàng lương thiện của các thể chế xã hội – cộng đồng trong mối liên hệ sinh quyển và con người… Nỗi buồn, niềm lo lắng và sự bất an cũng là một nguồn cảm hứng lớn khi  tôi cầm bút…

Để viết được cuốn sách này, dòng năng lượng chủ yếu giúp tôi chính là từ những buổi sáng sớm, những buổi chiều tà khi đi tập thể dục quanh khu vườn Văn Miếu – Quốc Tử Giám- lúc năng lượng trí tuệ phát ra nhiều nhất, nó  vừa gợi lại cho tôi những ý tưởng mới, đồng thời hồi tưởng được các tích luỹ qua những năm tháng học tập, qua các hoạt động thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước- từ Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước đến Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường, và khi về hưu làm việc cho Viện Sinh thái và Môi trường… Đúng theo lý thuyết Phật giáo, đó là “dòng năng lượng” được phát sinh chính từ trong tư duy “hướng tâm”. Phải chăng, đó chính là “dòng năng lượng”  nhân tạo có giá trị nhất của con người đối với sự phát triển của nhân loại, của cộng đồng và của hệ thống tự nhiên mà tôi đã may mắn có được?

Những năm cuối của thế kỷ trước, tôi tình cờ được đọc một cuốn sách lý thú của hai tác giả Aurelio Peccei (Ý) và Daisaku Ikeda (Nhật) – cuốn “Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI”, trong đó có những dòng dẫn luận khiến tôi suy ngẫm nhiều năm: “Tình hình toàn cảnh thế giới đang trở nên xấu đi, và một điều rất thực tế là mối nguy hiểm do những cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra đang trở nên nghiêm trọng hơn… Thật vô lý nếu chúng ta xao lãng những cơ hội to lớn mà nhân loại có được do kết quả của tri thức cùng những phương tiện khoa học; và cũng thật vô lý nếu chúng ta từ chối trách nhiệm cải thiện số phận của chính chúng ta”. Trong khi cố gắng “thức tỉnh con người”, thực hiện “cuộc cách mạng con người”, hai tác giả đó đã nhấn mạnh yếu tố “con người” như một dạng năng lượng đặc biệt có sức mạnh kỳ diệu: “Chúng tôi cho rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề đó… Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ” – và tôi xin mạn phép thưa thêm: chắc chắn thế giới này sẽ không bao giờ bị sụp đổ… Suy tưởng về giá trị vô song của năng lượng đạo đức – tinh thần, tư tưởng sẽ cứu rỗi thế giới đó, từ hơn hai nghìn năm trước, Đức Phật đã nói tới, và trong kỷ nguyên năng lượng – khí hậu, nhất là trong thế kỷ XXI. Khi nghiên cứu những vấn đề môi trường và con đường phát triển, chúng ta không thể không nghiệm chứng về các nguyên lý trường tồn trong các lý thuyết triết học và nhân văn mà các nhà khoa học vĩ đại những thế kỷ trước đã chỉ ra, như thuyết tương đối của nhà vật lý&năng lượng Einstein, thuyết Darwin xã hội của nhà sinh vật học Darwin; về kinh tế học Adam Smith- tác giả “Của cải của dân tộc”; về địa lý kinh tế V.I Vernadsky, về các chu trình địa lý tài nguyên và kinh tế; về sinh thái học ODum, các  lý thuyết về biện chứng của K.Marx, F.Ăng-ghen, V.Lenin; lý thuyết nhân chủng học Malthus về quan hệ giữa dân số và nhu cầu năng lượng… cùng tư tưởng của nhiều nhà hoạt động chính trị xã hội như Napoleon trong mục tiêu hành động “Không có gì là không thể”, nhà kinh tế học Hungmen về “tâm lý trong kinh tế kinh doanh – tài chính”, và nhà báo nổi tiếng Friedman về “thế giới phẳng”, v.v.

Kho tàng mênh mông của tri thức nhân loại, qua các nhà khoa học vĩ đại kể trên và nhiều nhà khoa học khác nữa mà tác giả không thể kể hết và vận dụng hết vào trong cuốn sách của mình. Nhưng có lẽ bài học lớn nhất mà tôi rút ra được khi suy nghĩ về cuốn sách này là: mọi sự sống của tự nhiên và xã hội loài người đều có các giới hạn, và khi vượt quá giới hạn sẽ xảy ra các nhiễu loạn; khi đó con người và xã hội phải điều chỉnh đề tiến lên nấc thang phù hợp với sự phát triển mới. Như vậy, quy luật phát triển cũng chính là quy luật của tiến hoá nhân loại trong sinh quyển…

Những tư tưởng của các nhà chính trị – kinh tế – xã hội nêu trên giống như một lời kêu gọi khẩn thiết, nóng bỏng tính thời sự. Những vấn đề cốt lõi ở cuốn sách được đúc kết từ những suy ngẫm của bản thân tôi trong quá trình công tác và quản lý trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường- chúng hoàn toàn được dựa trên các nguyên lý triết học xã hội, kinh tế, chính trị, sinh thái nhân văn, cùng cách nhìn lịch sử phát triển trên quan điểm sinh thái học và địa kinh tế – chính trị.

Đối với những vấn đề nhạy cảm và phức tạp đề cập trong cuốn sách này, tác giả luôn cảm thấy mình chỉ là một người học việc, một học trò mà dám to gan bình luận… Tuy vậy, tác giả đã dám nói ra những suy tư, nhận thức của mình, trong một lĩnh vực thời sự quen thuộc nhưng lại còn mới mẻ về lý thuyết, về quan hệ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên với bảo vệ môi trường- nhất là ở nước ta. Hy vọng rằng, cuốn sách nhỏ gồm tri thức và thực tế mà tôi góp nhặt được ở đây chỉ như là công sức trong việc tổng hợp có tham chiếu từ những vấn đề của lý luận, cũng như thực tiễn phát triển của nhân loại.

Thời gian trôi cuốn theo những dòng năng lượng vật chất – văn hoá – tâm linh – chính trị cho sự phát triển bền vững, và chúng sẽ được lượng giá để trở thành nền văn minh của nhân loại. Chính những năng lượng tư duy trên cùng với năng lượng tâm linh trong giấc mơ về cháu ngoại của tôi ra đời từ dòng năng lượng Phật độ… đã là một trong những động lực tinh thần lớn giúp tôi hoàn thành công trình này…”

Còn biết bao điều lý thú và giàu ý nghĩa của cuốn sách trên, chúng tôi xin được khất quý vị độc giả trong những bài viết tiếp theo. Xin được thay mặt tác giả vô cùng cảm ơn quý vị!

                                                 Hà Nội, cuối năm Tân Mão 2011

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s