14/7/2015, tác giả: Suiwah Leung, ANU
Eastasiaforum– Không giống các quốc gia ở Châu Á, và thực tế trên thế giới, kinh tế Việt Nam thời điểm này may mắn khi nhận được hàng loạt những thông tin tích cực. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi, những vấn đề về cơ cấu và phát triển công nghiệp thiếu chiều sâu vẫn còn tồn tại.
Xuất khẩu tăng ở mức 18% so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức 10% từ đầu năm đến nay. Vốn giải ngân từ đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9.6% so với cùng kỳ năm ngoái, mà cụ thể là Sam Sung, doanh nghiệp sản xuất không chỉ điện thoại thông minh mà gồm cả tivi và màn hình máy tính tại Việt Nam.
Chỉ số PMI (purchasing managers’ index – chỉ số Nhà quản trị mua hàng) được coi đạt trên 50 trong tháng 6 cho thấy sự mở rộng liên tục ở lĩnh vực sản xuất. Hơn nữa, chỉ số hàng đầu – lượng đơn hàng mới trừ đi tồn kho- đã tăng mạnh, cho thấy sẽ có sự tăng mạnh về sản xuất trong nửa cuối năm 2015.
Nhu cầu nội địa giảm trong các năm qua nhưng hiện cũng đạt đỉnh là do tăng tín dụng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên tất cả, Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam , đang từng bước tiến tới Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP – khi mà tổng thống Barack Obama được trao quyền thúc đẩy đàm phán nhanh TPA vào ngày 29/6/15. Đây là sự ủy thác để thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại, sau đó Quốc hội Mỹ không thể sửa đổi, chỉ có thể chấp thuận hoặc bác bỏ. Đổi lại chính phủ Việt Nam cũng đã tuyên bố hủy bỏ mức 49% tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở rất nhiều ngành, loại trừ một số ngành then chốt bao gồm lĩnh vực ngân hàng.
Trớ trêu là, tốc độ tăng mạnh của xuất khẩu đang diễn ra đối lập với bối cảnh tỷ giá hiệu quả tăng thực tế trong vài tháng qua. Đồng Việt Nam hiện vẫn giữ giá theo đồng USD. Do vậy khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền lớn khác (chẳng hạn đồng Yên và đồng Euro) thì đồng Việt Nam cũng tăng giá so với định giá giao dịch tổng hợp của nhiều ngoại tệ khác, bất chấp giá trị danh nghĩa giảm 1~2% so với đồng USD trong vài tháng gần đây.
Sự sụt giảm giá trị danh nghĩa có thể do sự giảm sút của khách du lịch quốc tế khoảng 12.6% từ đầu năm đến nay, cũng như nhập khẩu các mặt hàng như máy móc và thiết bị đến ô tô lại gia tăng đột biến, kết quả là tạo ra thâm hụt thương mại lên đến 3.7 tỷ USD trong tháng 5/2015. Tuy nhiên có lẽ trong nỗ lực để duy trì niềm tin vào đồng Việt Nam và để ổn định kinh tế vĩ mô, thống đốc ngân hàng nhà nước đã tuyên bố rằng đồng Việt Nam sẽ không phá giá vượt quá 2% so với đồng USD. Cả tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá song song hiện đều nằm trong biên độ tỷ giá chính thức.
Với viễn cảnh xuất khẩu thậm chí còn tăng mạnh hơn trong những tháng tới, cùng với Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2016, thì cam kết 2% này gần như chắc chắn sẽ được giữ vững.
Trong ngắn hạn, hơn là những điều chỉnh về tỷ giá hối đoái, thì gần như chắc chắn rằng những nỗ lực để ngăn chặn sự sụt giảm của khách du lịch quốc tế sẽ bao gồm việc cắt giảm lệ phí thị thực hoặc đẩy mạnh quy trình xử lý visa. Tuy nhiên sự gia tăng bất chợt của nhập khẩu mới thật sự là thách thức lớn. Những biện pháp hành chính có lẽ sẽ được áp dụng khi nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như ô tô. Nhưng sự gia tăng nhập khẩu máy móc, các loại vật liệu, nguyên liệu đầu vào trung gian đồng thời gia tăng trong sản xuất hàng xuất khẩu đã cho thấy rất rõ ràng một thực tế là sản xuất hàng giá trị gia tăng của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lao động rẻ, gần như không có sự liên kết gì với phát triển công nghiệp theo chiều sâu.
Ví dụ, gần đây ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam vẫn bị thống trị bởi doanh nghiệp nhà nước với năng suất lao động thấp. Do vậy xuất khẩu quần áo tăng cho thấy các nhà sản xuất quần áo nhập khẩu vải, sợi và máy móc từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) để đạt được chất lượng cũng như số lượng nhằm đáp ứng được xu hướng đang thay đổi nhanh chóng của thời trang thế giới. Tương tự như vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Nokia và Samsung, những con ốc vít hay các loại vỏ nhựa cho điện thoại cũng phải nhập khẩu bởi không có doanh nghiệp nội địa nào của Việt Nam có thể sản xuất những sản phẩm này.
Sự phát triển công nghiệp thiếu chiều sâu rõ ràng là một thách thức dài hạn khi mà việc điều chỉnh tỷ giá không thể là giải pháp thỏa đáng. Thật vậy, nỗ lực của ngân hàng nhà nước để duy trì niềm tin vào đồng Việt Nam và ổn định kinh tế vĩ mô có thể là hợp lý nếu nỗ lực đó tập trung vào việc cải tổ ngành ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Việc ngành ngân hàng được loại trừ trong quy định hủy bỏ mức sở hữu 49% của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần quan ngại, bởi như thế sẽ cản trở nỗ lực cải cách ngành này. Và cũng không thể biết liệu các lĩnh vực khác có bị loại trừ khỏi việc hủy bỏ trên hay không.
Tóm lại, nếu đồng USD vẫn tiếp tuc tăng giá so với các loại ngoại tệ mạnh khác, và nếu các cân thương mại của Việt Nam tiếp tục giảm, thì áp lực phá giá đồng Việt Nam là lớn.
Đến một mức độ nào đó, Ngân hàng nhà nước vẫn có thể làm như vậy và giữ vững cam kết 2% bằng cách thay đổi giữ giá danh nghĩa từ đồng USD cho định giá giao dịch tiền tệ tổng hợp của các đồng tiền mạnh trong thương mại. Nhưng đây chỉ có thể là lớp ngụy tao bên ngoài. Vấn đề nằm ở chỗ là các doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc tăng cường tự sản xuất trong nước các vật liệu, nguyên liệu đầu vào và máy móc trong các ngành công nghiệp thượng nguồn – đơn giản đó là phát triển công nghiệp thiếu chiều sâu.
Về vấn đề nhập khẩu tăng mạnh dẫn đến thâm hụt thương mại của Việt nam, thì giải pháp bền vững sẽ cần phải cải cách cơ cấu để đưa các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các lĩnh vực mà đáng nhẽ ra thuần túy dành cho tư nhân và cải thiện năng suất lao động của các doanh nghiệp nhà nước.
Suiwah Leung là Giáo sư trợ giảng kinh tế của khoa Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia.
Dịch từ Eastasiaforum bởi Lê Hà, Th.S Tài chính Thương mại Quốc tế, Học viện Tài chính Liên kết ĐH Leeds Metropolitan, UK