UAV – Bóng ma sát thủ từ trên không – Kỳ 1: Máy bay ném bom thời thế chiến
03/12/2022 11:07 GMT+7
TTO– Chiến sự Nga – Ukraine đã chứng minh vai trò quan trọng của vũ khí máy bay không người lái trên chiến trường hiện đại.
Từ chức năng trinh sát ban đầu, loại máy bay này đã biến thành sát thủ tấn công từ trên không và có thể định hình cuộc chiến trong tương lai.
Tại triển lãm hàng không ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 9-2022, lần đầu tiên nước chủ nhà đã giới thiệu thế hệ máy bay không người lái (UAV) siêu thanh Bayraktar Kizilelma. UAV mới có tính năng tàng hình, bay gần 980km/h với tốc độ tối đa Mach 1.
Chuyến bay đầu tiên dự kiến được thực hiện vào đầu năm 2023. Đến cuối tháng 9, báo chí Pháp đưa tin Tổng cục Vũ khí Pháp đang thử nghiệm thế hệ UAV mới AVATAR trang bị súng trường tấn công.
Chất nổ Torpex phát nổ sớm đã phá hủy máy bay BQ-8 giết chết Kennedy và Willy ngay lập tức.
DONALD L. MILLER
Cái chết bi thảm của anh trai tổng thống Kennedy
Quá trình phát triển UAV quân sự hiện đại tiếp tục được hoàn thiện sau nhiều thập niên nghiên cứu. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), quân đội Mỹ đã từng nghĩ đến giải pháp biến máy bay ném bom thành UAV “bom bay”.
Ngày 12-8-1944 là một trong những ngày hè nắng ấm hiếm hoi ở Anh. Chiều hôm đó tại căn cứ không quân hoàng gia Fersfield ở hạt Norfolk, trung tá James A. Smith của hải quân Mỹ đã phổ biến cho các phi công Mỹ một nhiệm vụ đặc biệt tuyệt mật.
Ông giải thích quân đội Đồng minh đã ném bom các bãi phóng tên lửa hành trình V-1 và V-2 của Đức quốc xã song bị tổn thất gần 450 máy bay và 2.900 phi công, do đó phải tiến hành cách đánh máy bay “bom bay” theo chiến dịch mang mật danh Anvil.
Sau cuộc họp, trung úy phi công Joseph Patrick Kennedy Jr. – anh cả của Tổng thống Kennedy sau này và trung úy kỹ sư Wilford J. Willy lên máy bay “bom bay” BQ-8 chở gần 11.000kg chất nổ Torpex của Anh thực hiện nhiệm vụ đánh pháo đài bảo vệ tàu ngầm trên vịnh Heligoland (Đức).
Đội hình bay kèm bên trên và phía sau họ gồm có hai máy bay Lockheed Ventura điều khiển máy bay “bom bay” (trong đó có một máy bay dự phòng), hai máy bay P38 chụp ảnh mục tiêu, sáu máy bay P51 Mustang hộ tống tầm thấp, một máy bay B17 quay phim và chuyển tiếp tín hiệu liên lạc, hai máy bay Mosquito cung cấp thông tin thời tiết và quan sát.
Theo kế hoạch, khi máy bay BQ-8 thực hiện cú ngoặt chuyển hướng đầu tiên được máy bay Lockheed Ventura điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến ở độ cao 610m gần bờ Biển Bắc, Kennedy và Willy tháo chốt an toàn, kích hoạt thuốc nổ, Kennedy phát mật mã “Spade Flush” báo hiệu đã xong và hai người nhảy dù ra ngoài.
Đột nhiên có tiếng nổ lớn trên không phận East Anglia (miền đông nước Anh). Chất nổ Torpex phát nổ sớm đã phá hủy máy bay BQ-8 giết chết Kennedy và Willy ngay lập tức. Phần còn lại của máy bay bốc cháy rơi bên ngoài làng Blythbrugh. Không ai tìm thấy dấu vết thi thể hai nạn nhân.
Trong tác phẩm Những anh hùng trên không: Các chàng trai ném bom Mỹ không chiến chống phát xít Đức, TS sử học Donald L. Miller (Mỹ) giải thích vào giờ chót kỹ sư Willy là người thay thế phi công phụ bay chung với Kennedy.
Có thể Willy đã bất cẩn khi thao tác chất nổ Torpex và bật máy ghi hình ở mũi máy bay rồi một sợi cáp bị hở đã gây chập mạch ngòi nổ.
Trung úy phi công hải quân Joseph Kennedy Jr. – Ảnh: Bettmann/Getty Images
Hai chiến dịch tuyệt mật Aphrodite và Anvil
Bảy tháng trước phi vụ thảm khốc của trung úy Joseph Kennedy Jr. và đồng đội, vào đầu năm 1944 bộ phận vũ khí đặc biệt thuộc phòng thí nghiệm thiết bị tại căn cứ không quân Mỹ Wright Field ở bang Ohio đã đề xuất chuyển máy bay ném bom cũ thành máy bay “bom bay” để tấn công các bãi phóng V-1 và V-2 của phát xít Đức, đặc biệt là bốn pháo đài kiên cố ở miền bắc nước Pháp.
Để thực hiện kế hoạch, không quân Mỹ mở chiến dịch Aphrodite trong khi hải quân Mỹ mở chiến dịch Anvil. Hai chiến dịch được tiến hành nối tiếp nhau tại căn cứ Fersfield ở Anh.
Theo nhà nghiên cứu Steven J. Zaloga (Mỹ) viết trong tác phẩm Các tên lửa dẫn đường của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kế hoạch được chuẩn bị từ ngày 25-3-1944. Hệ thống lái tự động được sử dụng làm hệ thống điều khiển máy bay “bom bay”. Hai loại máy bay B-17 Flying Fortress và B-24 Liberator được chọn làm “bom bay”.
Máy bay “bom bay” được tháo hết các bộ phận nặng nề như súng, ghế ngồi, vòm máy bay để chở lượng chất nổ gấp đôi, sau đó được lắp thiết bị điều khiển từ xa qua sóng vô tuyến và hai máy ghi hình trong buồng lái để truyền hình ảnh sang máy bay điều khiển bay kèm.
Phi hành đoàn gồm một phi công và một kỹ sư điều khiển máy bay “bom bay” đạt đến độ cao hành trình, sau đó kích hoạt chế độ lái tự động và chất nổ, chuyển quyền kiểm soát hình ảnh cho máy bay điều khiển rồi nhảy dù. Máy bay điều khiển tiếp tục hướng dẫn máy bay “bom bay” bay tới mục tiêu.
Chiến dịch Aphrodite tiến hành phi vụ tấn công đầu tiên vào ngày 4-8-1944 với bốn máy bay “bom bay” B-17 đánh mục tiêu ở Wizernes (Pháp). Ba chiếc không bay tới nơi do lỗi điều khiển vô tuyến. Chiếc cuối cùng bị phòng không Đức bắn hạ nên rơi cách mục tiêu 457m và gây thiệt hại nhưng ít hơn dự kiến.
Sau một số phi vụ không thành công với thiết bị điều khiển vô tuyến mới, hai máy bay nữa chuyển hướng đánh pháo đài Heligoland (Đức) vào cuối tháng 10-1944. Do thời tiết xấu, chiếc thứ nhất rơi xuống Biển Bắc do hết nhiên liệu. Chiếc thứ hai bị mất kiểm soát vô tuyến rơi xuống Thụy Điển.
Máy bay ném bom B-17F được chuyển thành máy bay “bom bay” Ảnh: USAF
Tổng cộng 14 phi vụ được thực hiện nhưng không thành công. Sau thất bại của không quân, hải quân thực hiện chiến dịch Anvil với hệ thống điều khiển vô tuyến và truyền hình tinh xảo hơn.
Máy bay tuần tra PB4Y-1 Liberator cũ được dùng làm máy bay “bom bay” tiếp tục tấn công pháo đài Heligoland.
Trung úy Joseph Kennedy Jr. đã từng thực hiện gần 40 phi vụ tuần tra chống tàu ngầm trên máy bay PB4Y-1 nên khi tình nguyện được chọn ngay và cuối cùng lâm nạn như đã nêu trên.
Ngày 27-1-1945, tướng Carl A. Spaatz, tư lệnh các lực lượng không quân chiến lược của Mỹ ở châu Âu, nhận ra hai chiến dịch Aphrodite và Anvil thất bại nặng nề nên ra lệnh kết thúc. 17 năm sau chiến tranh, sự thật về hai chiến dịch này mới được công bố.
Theo tạp chí Interesting Engineering (Mỹ), từ năm 1942 hải quân Mỹ đã nghiên cứu UAV mang tên Interstate TDR-1 (được gọi là “máy bay không người lái tấn công”). Tổ lái dưới mặt đất điều khiển UAV bay lên, sau đó bàn giao cho máy bay ném ngư lôi TBM-1C Avenger bay kèm điều khiển bay đến mục tiêu.
UAV Interstate TDR-1 được chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ trên đảo Mbanika (quần đảo Solomon) – Ảnh: smithsonianmag.com
Các UAV Interstate TDR-1 bắt đầu hoạt động vào ngày 27-9-1944 tấn công phát xít Nhật ở Thái Bình Dương. Trong vòng hai tháng có 31 lượt tấn công. 15/46 chiếc UAV rơi trước khi bay đến mục tiêu.
Số còn lại (có thể 50%) đánh trúng hoặc đến đủ gần để phá hủy mục tiêu. Không có người Mỹ nào thiệt mạng. Cuối tháng 10-1944, dự án Interstate TDR-1 bị loại bỏ.
Ít ai biết ý tưởng chế tạo máy bay không người lái chiến đấu đã manh nha cách đây trên 100 năm. Do quân đội Mỹ không mặn mà với UAV, một kỹ sư người gốc Israel đã dày công nghiên cứu.
Kỳ tới: Từ nhà để xe đến UAV hiện đại đầu tiên
DẠ THẢO
***
UAV – Bóng ma sát thủ từ trên không – Kỳ 2: Từ nhà xe đến máy bay không người lái hiện đại đầu tiên
04/12/2022 12:55 GMT+7
TTO – Ít ai biết ý tưởng chế tạo máy bay không người lái (UAV) quân sự đã ra đời hơn 100 năm.
Không quân Anh biểu diễn điều khiển UAV Havilland DH-82B Queen Bee năm 1935 – Ảnh: RAF
Về kỹ thuật, UAV quân sự được sử dụng sớm nhất vào năm 1849 khi tàu Vulcano của Áo dùng các quả bóng bay không người lái chứa thuốc nổ tấn công thành phố Venezia bị bao vây.
Karem là người chế tạo máy bay tự hành đã làm thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh hiện đại.
Trước vụ tấn công, báo Die Presse (Áo) mô tả năm quả bóng bay sẽ được sử dụng với mỗi quả có đường kính 7m. Lúc trời thuận gió, các quả bóng được cho bay lên.
Khi bóng bay bên trên thành Venezia thì sẽ được điểm hỏa theo hiện tượng cảm ứng điện từ bằng một dây đồng dài ngắt với pin điện lớn đặt trên nóc nhà. Bóng sẽ rơi theo phương vuông góc và phát nổ khi chạm đất.
Kế hoạch thất bại thảm hại. Tạp chí Time tường thuật: “Các quả bóng bay lên khoảng 1.370m, sau đó phát nổ giữa không trung hoặc rơi xuống nước rồi gió đông nam bất ngờ thổi qua nên đưa bóng bay rơi trở lại quân bao vây”.
Máy bay “bom bay” không người lái Kettering Bug của Mỹ Ảnh: Bảo tàng không quân Mỹ
Bóng bay chứa thuốc nổ không đáp ứng các định nghĩa hiện đại về UAV, do đó giới nghiên cứu đã công nhận UAV quân sự ra đời khởi đầu từ Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).
Mùa xuân ấm áp năm 1914, TS Archibald Montgomery Low người Anh đã bộc lộ thiên tài sáng chế lần đầu tiên khi mày mò chế tạo một thứ máy truyền hình thô sơ có thể xem hình ảnh mờ ở khoảng cách xa hơn 6km.
Ông không tiếp tục hoàn thiện sáng chế bởi chiến tranh bùng nổ. Ông tình nguyện gia nhập quân đội, chẳng mấy chốc mang quân hàm đại úy trong Quân đoàn bay hoàng gia Anh rồi chỉ huy các chương trình thử nghiệm bí mật ở London.
Ông được giao nhiệm vụ tổ chức phát triển một hệ thống điều khiển bí mật dành cho UAV. Hệ thống được đặt tên là “Mục tiêu trên không” với hy vọng sẽ tấn công các khinh khí cầu Đức thường xuyên ném bom London từ năm 1915.
Ông đã hỗ trợ phát triển một loại đạn nổ bắn khí cầu Đức. Mùa thu năm 1916, loại đạn mới này đã bắn hạ một khí cầu, kết thúc giai đoạn gieo rắc kinh hoàng trên không của chúng.
Song song đó, hệ thống điều khiển từ xa dành cho UAV do ê kíp của ông nghiên cứu đã đạt được tiến bộ đáng kể nên quân đội tiếp tục tài trợ cho dự án này.
Tháng 3-1917, lần đầu tiên Anh thử nghiệm máy bay nhỏ điều khiển bằng sóng vô tuyến Aerial Target. Lần phóng thứ nhất không thành công. Đến lần phóng thứ hai, máy bay bay lên không rồi lật nhào và động cơ văng tung tóe.
Dù vậy, thử nghiệm cho thấy máy bay một cánh đơn với kích thước đầy đủ đã đáp ứng lệnh điều khiển từ mặt đất. Hiện nay, một số bộ phận quý giá của UAV quân sự đầu tiên trên thế giới này đang được bảo quản tại Bảo tàng Chiến tranh hoàng gia ở Anh.
Đến năm 1935, không quân hoàng gia Anh đã cho ra đời máy bay điều khiển bằng sóng vô tuyến Queen Bee DH.82B dùng làm mục tiêu trong huấn luyện.
Giới nghiên cứu cho rằng thuật ngữ “máy bay không người lái” đã bắt đầu được sử dụng vào thời điểm này. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng phòng không của Anh đã có một phi đội với hơn 400 UAV.
Theo trang web Military History Now (Mỹ), lần đầu tiên quân đội Mỹ đã phóng thử nghiệm thành công máy bay “bom bay” không người lái Kettering Bug vào tháng 10-1918 nhưng tỉ lệ thành công chỉ đạt xấp xỉ 22%.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, quân đội Mỹ tiếp tục nghiên cứu máy bay điều khiển bằng sóng vô tuyến như Anh nhưng không ưu tiên cho dự án này.
UAV bay một ngày không hạ cánh
Tuy nhiên, cuộc cách mạng UAV đã không thể xảy ra nếu không có kỹ sư Abraham Karem. Ông được xem là cha đẻ của công nghệ máy bay không người lái hiện đại theo nhà báo Richard Whittle (Mỹ), tác giả cuốn sách “Predator: Nguồn gốc bí mật cuộc cách mạng máy bay không người lái”. Karem chào đời tại Baghdad (Iraq) năm 1937 trong gia đình Do Thái.
Năm 1951, gia đình ông chuyển đến Israel, nơi ông tốt nghiệp kỹ sư hàng không tại Viện Công nghệ Israel (Technon).
Từ nhỏ ông đã đam mê hàng không. Lấy cảm hứng từ người thầy từng là phi công trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bắt đầu chế tạo mô hình máy bay từ năm 14 tuổi.
Trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa Israel và các nước Ả Rập, Israel cần một UAV làm mồi nhử để kích hoạt hệ thống radar phòng thủ rồi dùng tên lửa chống bức xạ tấn công hệ thống phòng không đối phương.
Ông đã cùng ê kíp thiết kế, chế tạo và điều khiển một UAV có chức năng như vậy chỉ trong một tháng.
Năm 1977, ông sang Mỹ định cư. Vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc gần như từ bỏ các dự án UAV vì UAV Aquila ngon lành nhất vẫn thiếu độ tin cậy (bay cứ 20 tiếng lại rơi) và cần nhân lực đến 30 người để vận hành.
Với quan điểm “hiệu suất phần lớn là kết quả của thiết kế đầy cảm hứng và các hệ thống con được tích hợp và tối ưu hóa cao chứ không phải công nghệ tiên tiến nhất”, ông thành lập Công ty Leading Systems và năm 1980 rút vào nhà để xe ở ngoại ô Hacienda Heights chế tạo UAV trong ánh mắt ngạc nhiên của người vợ bao dung.
Cùng với ba cộng sự, năm sau ông đã thử nghiệm UAV Albatross bay đến 56 tiếng. Albatross lọt vào mắt xanh của Cơ quan Các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) và được DARPA tài trợ.
Nguyên mẫu do DARPA tài trợ mang tên Amber chỉ có giá 350.000 USD. Phần lớn linh kiện được sản xuất tại nhà. Động cơ xăng bốn thì được phát triển bí mật trong nhà để xe. Các thiết bị điện tử tiên tiến và trạm mặt đất điều khiển từ xa được lắp ráp trong phòng khách.
Năm 1986, UAV Amber có thể bay một ngày mà không hạ cánh, đạt độ cao hơn 9.100m, hoạt động an toàn dù thời tiết xấu và chỉ gặp một sự cố trong 650 giờ bay thử nghiệm. Lục quân và hải quân Mỹ muốn mua mỗi năm 200 chiếc Amber.
Song năm 1987, dự án Amber bị hủy bỏ do Quốc hội muốn tập hợp các nghiên cứu về UAV vào một chương trình duy nhất.
Công ty Leading Systems phá sản. Ông Karem bán lại dự án Amber. Công ty quốc phòng General Atomics mua lại và dựa theo phiên bản Amber chế tạo UAV Gnat-750 vào năm 1994.
Giám đốc CIA lúc bấy giờ là Jim Woolsey đã mua hai chiếc đưa sang Bosnia làm nhiệm vụ trinh sát. Gnat-750 hoàn thành tốt nhiệm vụ, sau đó được đổi tên thành Predator, UAV quân sự hiện đại đầu tiên của thế giới.
Ông Abraham Karem với chiếc UAV Albatross – Ảnh: smithsonianmag.com
Trả lời tạp chí Air Force Magazine (Mỹ), ông Karem khẳng định ban đầu chỉ phát triển UAV để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát. Ông nói: “Tôi thực sự không nghĩ đến việc trang bị vũ khí cho UAV…
Chúng ta không cần người nổ súng. Những gì chúng ta cần là giám sát, nhận diện mục tiêu và xác nhận bằng tia laser”. Dù vậy ông không hề hối tiếc khi sau này Predator được trang bị tên lửa không đối đất Hellfire.
CIA đã bí mật đưa UAV Predator đến Afghanistan tiêu diệt bọn khủng bố. Từ nhiệm vụ trinh sát ban đầu, lần đầu tiên Predator được trang bị tên lửa để trở thành UAV vũ trang.
Kỳ tới: Lần khai hỏa đầu tiên của UAV hiện đại
DẠ THẢO
***
UAV – Bóng ma sát thủ từ trên không – Kỳ 3: Cú khai hỏa đầu tiên của bóng ma UAV hiện đại
05/12/2022 10:24 GMT+7
TTO – Du khách đến tham quan Bảo tàng Hàng không và không gian Smithsonian ở Washington, D.C (Mỹ) có dịp nhìn thấy máy bay không người lái (UAV) MQ-1 Predator mang số hiệu 3034 ở đuôi.
MQ-9 Reaper (phiên bản mới của MQ-1 Predator) tại căn cứ Mỹ ở Kuwait. Đây là UAV tìm diệt đầu tiên làm nhiệm vụ trinh sát dài ngày – Ảnh: afcent.af.mil
UAV này đã từng bay trên bầu trời Afghanistan vào ngày bắt đầu chiến dịch không kích chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan hôm 7-10-2001 và đã thực hiện vụ tấn công đầu tiên.
Sau vụ tiêu diệt Atef, kỷ nguyên của UAV vũ trang đã chính thức bắt đầu.
RICHARD WHITTLE
Cú khai hỏa đầu tiên đã bắn hụt
Đêm 7-10-2001 tại Trung tâm Tác chiến không quân liên hợp (CAOC) của Mỹ ở Saudi Arabia, tướng Chuck Wald và cấp phó David Deptula đang điều phối chiến dịch không kích vào Afghanistan nhằm trả đũa tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11-9.
Họ không biết vài giờ trước, trụ sở CIA tại Langley (bang Virginia) đã điều động UAV Predator mang số hiệu 3034 bay tới Afghanistan theo dõi khu nhà của thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar ở Kandahar.
Đoàn xe của Omar rời khu nhà chạy đến một khu nhà khác rồi dừng lại. UAV Predator phóng một quả tên lửa Hellfire. Thay vì bắn vào khu nhà có mặt Omar, tên lửa lại phá hủy một chiếc xe bên ngoài giết chết nhiều vệ sĩ. Trong khoảnh khắc hỗn loạn, Omar tẩu thoát thành công.
Trong cuốn sách Công lý bất ngờ: Cuộc chiến máy bay không người lái bí mật của Mỹ xuất bản năm 2014, nhà báo điều tra Chris Woods (Anh) tiết lộ phi vụ ám sát hụt Omar đã dẫn đến cuộc chiến tay ba giữa không quân, CIA và Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ở Florida.
Tướng Wald tức giận đòi dừng chiến dịch không kích ngay trong đêm tấn công đầu tiên trừ phi ông được quyền kiểm soát vũ khí bí mật của CIA.
Trao đổi với nhà báo Chris Woods sau này, tướng Wald cho biết ông và tướng Deptula hoàn toàn không biết vụ UAV bắn hụt Omar.
Thật ra CAOC ở Saudi Arabia đã chuẩn bị sẵn máy bay F-16 trang bị bom 1.000 cân Anh túc trực để tiêu diệt các đầu sỏ Al Qaeda và Taliban nhưng cuối cùng CENTCOM và CIA quyết định sử dụng UAV Predator.
Tướng Wald thuật lại: “Tôi không biết do ác ý hay do kém năng lực… Lần đầu tiên tôi biết máy bay Predator [tham gia] là khi tôi nghe thấy một giọng nói lạ trên hệ thống điện đài chỉ thị: Bạn được phép bắn”.
Tướng Deptula bộc bạch: “Lý do gì bắn vào một chiếc xe tải trống trong khi bọn chóp bu ở trong tòa nhà kế bên và có mặt tại địa điểm mà chỉ cần hai phút sẽ có máy bay dẫn giải chúng tới khu vực khác? Nói nhẹ nhàng thì đây là một cơ hội chiến lược quan trọng đã mất”.
Trong hồi ký Người lính Mỹ của tướng Tommy Franks – nguyên tổng tư lệnh CENTCOM, ông giải thích CENTCOM mới là cơ quan quyết định khi nào UAV Predator tấn công chứ không phải CIA hay không quân mặc dù CAOC phụ trách chiến dịch không kích.
Ông thẳng thắn nhìn nhận: “Trong chiến đấu phải có phân cấp quyền hạn. Nhưng vụ rối rắm này có liên quan đến CENTCOM và cả Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, CIA”.
Năm tuần sau vụ ám sát hụt Omar, một UAV Predator cất cánh từ căn cứ không quân Mỹ ở Uzbekistan vào ngày 14-11-2001 bay sang Afghanistan theo dõi một đoàn xe tình nghi chở các thủ lĩnh Al Qaeda ở Kabul.
Từ bên trong một xe rơ moóc đậu trong bãi đậu xe tại trụ sở CIA ở Mỹ, các chuyên viên phân tích theo dõi hình ảnh truyền về từ UAV. Họ nhìn thấy đoàn xe mục tiêu dừng trước một tòa nhà và quyết định khai hỏa. UAV phóng tên lửa Hellfire.
Nửa sau tòa nhà phát nổ. Bảy người còn sống sót chạy sang tòa nhà bên cạnh. Quả tên lửa Hellfire thứ hai bay tới. Trong số người chết có Mohammed Atef, chỉ huy quân sự của Al Qaeda.
UAV MQ-1 Predator mang số hiệu 3034 – Ảnh: Không quân Mỹ
UAV đã được lắp tên lửa thế nào?
Sau vụ tiêu diệt Atef, kỷ nguyên của UAV vũ trang chính thức bắt đầu như tác giả người Mỹ Richard Whittle nhận định trong cuốn sách Predator: Nguồn gốc bí mật của cuộc cách mạng máy bay không người lái. Quá trình đưa UAV từ vũ khí do thám trở thành vũ khí mang tên lửa tấn công không kém nhiêu khê.
Ngược thời gian vào năm 1973, Cơ quan Các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng (DARPA) đã giới thiệu hai UAV quân sự đầu tiên mang tên Praeire và Calere. Các nguyên mẫu UAV tiếp tục được phát triển nhưng ít được quan tâm.
Mùa xuân năm 1996, Bộ trưởng Quốc phòng William Perry (thời Tổng thống Bill Clinton) phê duyệt dự án phát triển UAV RQ-1 Predator làm nhiệm vụ tình báo truyền hình ảnh về căn cứ chứ không trang bị vũ khí. Năm 1999, RQ-1 Predator đã từng do thám trong chiến dịch không kích của NATO ở Kosovo.
Trong thời gian đó, Al Qaeda trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. Giám đốc CIA George Tenet và cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng Richard Clarke đề xuất sử dụng UAV truy tìm trùm khủng bố Bin Laden.
Tháng 10-2000, các phi vụ UAV truy lùng Bin Laden đầu tiên được thực hiện. Clarke nhớ lại lần đầu tiên xem hình ảnh truyền về từ UAV, ông cứ nghĩ đến chuyện khoa học viễn tưởng: “Giống như tôi có thể nói với ai đó: bạn có thể di chuyển nó sang bên trái một chút không, và cách đó nửa vòng trái đất thứ gì đó đã di chuyển sang bên trái”.
UAV Predator ghi được hình ảnh rất mờ cho thấy một người đàn ông cao lớn có râu mà các nhà phân tích CIA nghi ngờ là Bin Laden. Điều này tiếp tục thúc đẩy ý tưởng lắp tên lửa vào UAV.
Theo nhà báo kỳ cựu Fred Kaplan viết trên tạp chí Slate (Mỹ), tranh luận đã xảy ra vì không quân cho rằng Mỹ không tuyên chiến với Afghanistan hoặc Al Qaeda, còn CIA khẳng định cơ quan tình báo không nên có hành động quân sự.
Tháng 1-2001, các vấn đề pháp lý liên quan đến UAV trang bị vũ khí được giải quyết. Các quan chức hàng đầu Mỹ đánh giá có thể tiêu diệt Bin Laden bằng tên lửa hành trình bắn từ tàu ngầm nhưng lại không được bắn tên lửa nhỏ hơn từ UAV là điều hết sức vô lý.
UAV nhỏ RQ-11B Raven chỉ nặng 6,7kg – Ảnh: navaldrones.com
Sau đó, Predator được lắp thêm thiết bị laser và tên lửa Hellfire có thể điều khiển bắn bằng loại cần điều khiển như cần hướng dẫn bay.
Sau biến cố ngày 11-9-2001, Predator vũ trang được chuyển ngay đến các căn cứ không quân Mỹ gần Afghanistan.
Vào thời điểm UAV tiêu diệt Atef, quân đội Mỹ chỉ có 82 UAV. Còn hiện nay, không kích bằng UAV được coi là yếu tố then chốt trong chiến lược tiêu diệt các chóp bu Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Lực lượng UAV của Mỹ gồm đủ loại, từ RQ-11B Raven nặng 6,7kg được phóng bằng tay đến loại lớn nhất RQ/MQ-4 Global Hawk/Triton nặng hơn 14,5 tấn.
Chiến tranh vùng Vịnh xảy ra năm 1991. Lần đầu tiên máy bay Mỹ sử dụng bom thông minh được dẫn đường bằng tia laser.
Tuy bom thông minh chỉ chiếm 9% tổng số bom Mỹ sử dụng và chệch hướng khá nhiều nhưng một số quan chức Lầu Năm Góc khẳng định “cách mạng trong các vấn đề quân sự” (gọi tắt là RMA) đã đến.
Nội dung cốt lõi của RMA là ưu thế chất lượng do công nghệ (vũ khí siêu chính xác, dữ liệu truyền siêu nhanh và khả năng kết hợp cả hai) sẽ thay đổi bản chất và nhịp độ chiến tranh. Từ khái niệm đó, UAV đã được ưu tiên hơn.
Cuộc cạnh tranh sở hữu UAV ở Trung Đông nhộn nhịp như cuộc chạy đua trang bị tên lửa đạn đạo trong thập niên 1960. Ngoài quân đội các nước, hiện nay các nhóm phiến quân cũng có thể xài UAV thoải mái.
Kỳ tới: UAV tung hoành ở Trung Đông
DẠ THẢO
***
UAV – Bóng ma sát thủ từ trên không – Kỳ 4: UAV tung hoành ở Trung Đông
06/12/2022 12:12 GMT+7
TTO – Trong biên niên sử chiến tranh, không có quốc gia nào giữ độc quyền về một loại vũ khí mới thời gian dài. Máy bay không người lái (UAV) không phải là trường hợp ngoại lệ.
UAE trưng bày các mảnh vỡ UAV Ababil do Iran sản xuất được phiến quân Houthi ở Yemen sử dụng – Ảnh: AFP-JIJI
Ước tính thị trường UAV quân sự sẽ tăng từ 11,73 tỉ USD năm 2022 lên 30,86 tỉ USD vào năm 2029.
“Trùm” UAV Thổ Nhĩ Kỳ và Iran
Khi chị Peyman Talib (31 tuổi) tỉnh dậy trong bệnh viện ở Sulaymaniyah (miền bắc Iraq), chân trái đã bị cưa cụt và cánh tay bị bỏng nặng. Đứa con trai 5 tuổi bị mảnh đạn găm vào đầu còn chồng chị Keywan Kawa (30 tuổi) bị thương ở chân và thân người. Chị đang ở trong cửa hàng gia đình thì nghe một tiếng nổ lớn kèm theo lửa cháy dữ dội.
Vụ tấn công xảy ra khoảng 5h30 chiều 25-6-2020 tại làng Kunamasi, một địa điểm du lịch nổi tiếng trên vùng núi phía bắc Iraq. Ngay khi một chỉ huy cấp cao của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bước vào cửa hàng, UAV Thổ Nhĩ Kỳ đang bay trên trời liền khai hỏa thanh toán mục tiêu. Ba phiến quân PKK đứng đợi bên ngoài bị thương cùng với gia đình chị Talib, một du khách Iran và một dân làng gần đó.
Từ năm 2018, núi non không còn bảo vệ PKK như trước bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng UAV trang bị máy ghi hình có độ phân giải cao và tên lửa chính xác. Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ngồi sau màn hình cách xa mặt trận có thể phát hiện mục tiêu và nhấn nút khai hỏa mà không gặp bất kỳ rủi ro nào.
Theo nhà phân tích Engin Yüksel tại Viện nghiên cứu Clingendael (Hà Lan), cho đến năm 2015, chỉ có Mỹ, Anh và Israel tấn công bằng UAV vũ trang, sau đó số quốc gia sử dụng UAV vũ trang tăng vọt. Đáng chú ý Thổ Nhĩ Kỳ đã trỗi dậy như một siêu cường UAV. Năm 1996, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mua UAV không vũ trang của Mỹ để theo dõi PKK.
10 năm sau, nước này tiếp tục mua 10 UAV không vũ trang của Israel. Khổ nỗi phải mất năm năm Israel mới giao hàng, UAV lại hoạt động không tốt và phải có chuyên viên Israel điều khiển trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại hình ảnh thu thập được có thể bị chuyển cho cơ quan tình báo Israel.
Trong bối cảnh ngặt nghèo đó, năm 2010 và năm 2012, Quốc hội Mỹ lại không bán UAV vũ trang cho Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ nước này chống Israel. Thế là Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tự sản xuất UAV. Cuối năm 2015, UAV trang bị tên lửa dẫn đường Bayraktar TB2 được thử nghiệm thành công. Chỉ trong 10 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ nhà nhập khẩu UAV trở thành nước xuất khẩu UAV vũ trang tầm cỡ. Các nhà công nghiệp nước này đã phát triển khoảng 130 mẫu UAV, trong đó TB2 là loại ăn khách nhất.
Không ai có thể đoán 38 năm sau khi bắt đầu phát triển UAV nội địa, Iran đã sở hữu kho vũ khí UAV lớn và đã xuất khẩu UAV cho nhiều nước. Năm 1984, tức bốn năm sau khi bắt đầu chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), Iran không còn phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu do lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) quyết định chế tạo loại UAV đơn giản và rẻ tiền để chụp ảnh tiền tuyến song song với chế tạo tàu cao tốc tấn công tự sát và tên lửa hành trình.
UAV đầu tiên của Iran chỉ làm nhiệm vụ trinh sát, sau đó đến UAV trinh sát và đánh bom tự sát. Sau các thế hệ Talash và Mohajer đến Ababil 3 (bán cho Syria), Shahed 136 (được Nga sử dụng ở Ukraine). Trong cuộc diễn tập vào tháng 9-2022, Iran đã thử nghiệm UAV Arash 2 nhỉnh hơn về công nghệ so với Shahed 136. Gần đây, IRGC đã tiết lộ thế hệ UAV tấn công tự sát mới Meraaj 521 có thể được phóng đi từ ba lô mang trên lưng.
Hơn 100 quốc gia và tác nhân phi chính phủ trên thế giới đang sử dụng UAV trang bị vũ khí công nghệ cao.
Ông SYED ALI ABBAS
Bình minh của kỷ nguyên UAV ở Trung Đông
Trong cuộc cách mạng UAV quân sự, các tác nhân phi nhà nước đã trở thành người thụ hưởng chính. Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và Houthi ở Yemen đều sử dụng UAV của Iran.
Nhà nghiên cứu Mohammed Soliman – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và công nghệ mới nổi (Mỹ) – đánh giá Trung Đông đang chứng kiến bình minh của kỷ nguyên UAV. Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) ở Ý ước tính các cường quốc Trung Đông (không bao gồm Israel) đã chi ít nhất 1,5 tỉ USD cho UAV quân sự trong năm năm qua. UAV là vũ khí xuất hiện gần đây nhất trên chiến trường Trung Đông.
Cuộc cạnh tranh về UAV ở Trung Đông chẳng khác gì cuộc chạy đua tên lửa đạn đạo trong thập niên 1960. Trong những năm 1960 và 1970, các nước Ả Rập coi vũ khí đạn đạo là cách đối phó sức mạnh không quân vượt trội của Israel. Còn hiện nay, các chế độ quân chủ vùng Vịnh như Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xem UAV là vũ khí hiệu quả để giải quyết tình trạng quân số ít.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sản xuất UAV với chi phí thấp, các nước Ả Rập như Ai Cập, Saudi Arabia và UAE đã nhanh chóng hợp tác với nước ngoài phát triển UAV nội địa riêng. UAV còn giúp các nước Trung Đông can thiệp ngoài biên giới thường xuyên hơn. Israel sử dụng UAV để thu thập tin tình báo và tấn công có mục tiêu ở dải Gaza và Lebanon. Dù UAV không thể thay thế hoàn toàn không quân hoặc lực lượng đặc nhiệm nhưng UAV đã trở thành lựa chọn ưa thích trong các tình huống phức tạp hoặc nguy hiểm.
TS Jean-Loup Samaan – nghiên cứu viên cao cấp của Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore – nhận xét dù là nước nhập khẩu hay tự chế tạo UAV, UAV đã trở thành vũ khí cần thiết. Về quân sự, UAV hỗ trợ đắc lực cho các loại vũ khí thông thường. UAV được xem là “không quân chi phí thấp” giúp bắt kịp đối thủ về vật chất và nhân lực.
Tuy nhiên, ông nhận định dù hoạt động mua bán và sử dụng UAV nhộn nhịp ở Trung Đông nhưng hiện tại UAV chưa thể tạo thay đổi cơ bản nào về học thuyết hoặc về tổ chức trong hệ thống quân đội các nước trong khu vực. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước đi đầu về UAV nhưng quân đội vẫn không loại bỏ hoặc cắt giảm không quân.
UAV trong chiến tranh Việt Nam
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã từng sử dụng UAV ở Việt Nam và các nước lân cận để tìm kiếm mục tiêu cho máy bay ném bom, gây nhiễu radar và rải truyền đơn. Trong cuốn sách Drone war: Vietnam xuất bản giữa tháng 9-2021 tại Mỹ (NXB Naval Institute Press), tác giả người Mỹ David Axe đã viết như trên dựa trên hồ sơ quân sự, lịch sử chính thức và chuyện kể từ các chuyên viên điều khiển UAV.
Máy bay DC – 130 có thể mang 4 UAV dưới cánh trong chiến tranh Việt Nam – Ảnh: Weapons and warfare
UAV cận âm Ryan Aeronautical Model 147 Lightning Bug được phóng đi từ máy bay mẹ DC-130 bay dọc theo các tọa độ đã xác định để chụp ảnh. Sau khi xong nhiệm vụ, UAV bung dù rơi xuống đất và máy bay trực thăng sẽ bay đến thu hồi.
Theo David Axe, loại UAV Model 147 ban đầu thô sơ và dễ bị mạng lưới phòng không tiêu diệt. Năm 1967, miền Bắc Việt Nam bắt đầu chặn tín hiệu vô tuyến của người điều khiển UAV và khai thác tin tình báo thu được để phục kích trên không đánh UAV và máy bay có người lái.
Do tổn thất gia tăng, không quân và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ phải đổi hệ thống mã hóa vô tuyến mới cho máy bay mẹ. Từ năm 1964-1975, Mỹ đã điều khiển 1.106 UAV Model 147 thực hiện 3.435 phi vụ ở Đông Nam Á. Hầu hết UAV bị bắn hạ hoặc bị rơi.
DẠ THẢO
***
UAV – Bóng ma sát thủ từ trên không – Kỳ cuối: Thời UAV tác chiến theo đàn đã tới
07/12/2022 12:11 GMT+7
TTO – Trong chiến sự Nga – Ukraine, máy bay không người lái (UAV) loại nhỏ của Ukraine đã chứng minh hiệu quả trinh sát, hướng dẫn pháo binh hay đánh tăng thiết giáp.
Thủy quân lục chiến Anh diễn tập cùng đàn UAV trong PC22 – Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là mỗi chiếc cần một người điều khiển riêng. Trong chiến tranh tương lai, các UAV sẽ tác chiến theo đàn với hàng trăm, hàng ngàn chiếc bay đồng bộ như đàn chim trong khi chỉ cần một chuyên viên điều khiển. UAV tác chiến theo đàn không còn là chuyện khoa học viễn tưởng mà một số quốc gia đã bắt tay vào thử nghiệm.
Tầm quan trọng của đàn UAV ở chỗ có thể sử dụng chúng cho bất kỳ nhiệm vụ gì.
ZACHARY KALLENBORN
Trình diễn ngoạn mục trên sa mạc California
Trên nền trời xanh thẳm, 40 UAV bốn cánh quạt loại nhỏ bay sát bên nhau gần như không tiếng động theo đội hình. Chúng tiến về con đường đất chia đôi sa mạc rộng lớn đầy cát và bụi rậm ở bang California. Đây là nơi đối phương có thể sử dụng để tấn công các đơn vị đóng quân gần đó. Khoảng phân nửa UAV hạ cánh nhẹ nhàng giữa con đường và sẵn sàng tấn công bất cứ thứ gì tiến về phía chúng.
Mấy chục UAV nêu trên được triển khai trong cuộc diễn tập UAV tác chiến theo đàn vào ngày 9-11-2022 tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Fort Irwin trong khuôn khổ dự án Convergence 2022 (PC22) nhằm đưa các công nghệ mới vào thực hành chiến đấu. Theo trang web FlightGlobal, PC22 mô phỏng hai xung đột quy mô lớn giả định xảy ra ở châu Âu và môi trường hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai khái niệm UAV tác chiến theo đàn được thử nghiệm:
. Một là sử dụng đàn UAV 62 chiếc phong tỏa đường trong chương trình “Các chiến thuật tấn công có thể theo đàn” (OFFSET) của Mỹ. Các UAV làm nhiệm vụ trinh sát, tấn công hoặc tạo vật cản đối với máy bay địch để hỗ trợ các đơn vị mặt đất cấp thấp. Người điều khiển dùng máy tính bảng chỉ định nhiệm vụ và đội hình bay, sau đó đàn UAV tự động thực hiện.
. Hai là sử dụng đàn UAV theo từng nhóm từ 3-6 UAV do các đơn vị Úc thực hiện. Các UAV làm nhiệm vụ trinh sát và thu thập thông tin tình báo. Người điều khiển sử dụng máy tính bảng chỉ định nhiệm vụ và mục tiêu, sau đó các UAV tự điều chỉnh hoạt động như thiết kế đường bay và kịch bản tìm kiếm cụ thể.
Tại PC22, Công ty Kraus Hamdani Aerospace ở California đã trình diễn UAV K1000 hoạt động ở độ cao trên 6.000m bằng pin mặt trời gắn trên cánh nhằm đối phó với đạn tầm xa. Ông Stefan Kraus, người đồng sáng lập KHA, khẳng định chuyên viên điều khiển có thể kiểm soát đàn K1000 từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhóm đã thử nghiệm cho một chuyên viên điều khiển ở Scotland kiểm soát K1000 tại PC22 thông qua mạng vệ tinh Starlink.
Ngoài ra, quân đội Mỹ còn trình diễn dự án “Hiệu ứng phóng từ trên không” (ALE) nhằm phát triển hàng loạt UAV chi phí thấp được phóng đi từ trực thăng đang bay. Một trực thăng chở tám máy bay ALE có khả năng trinh sát, tình báo và hỗ trợ chiến thuật sát thương cho các lực lượng mặt đất. Các UAV có thể phối hợp bán tự động theo chiến thuật “bầy sói” (tấn công hàng loạt).
Trên bầu trời hạn hẹp có hàng trăm UAV hoạt động bên cạnh hỏa lực pháo binh và tên lửa chính xác, làm thế nào để không bị trúng đạn phe ta? Tại PC22 đôi lúc có tới 25 loại máy bay hoạt động trong không phận cao hơn 6.000m. Bộ chỉ huy sư đoàn kỵ binh số 1 Mỹ là nơi cung cấp quân cho PC22 phải cân nhắc liệu pháo binh hoặc vũ khí khác có nên bắn xuyên qua đàn UAV hay không. Các đơn vị tham gia PC22 đã đồng thuận rằng do các UAV được thiết kế để có thể tiêu hao dần nên cứ việc bắn xuyên qua chúng.
Israel không kích dải Gaza ngày 12-5-2021 theo hướng dẫn của đàn UAV – Ảnh: IDF
Dự án chưa từng thấy của hải quân Mỹ
Từ lâu hải quân Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm UAV tác chiến theo đàn. Tháng 4-2021, lần đầu tiên hải quân Mỹ cho một đàn UAV tấn công tàu trong cuộc diễn tập tại khu thử nghiệm Dugway ở bang Utah. Tuy nhiên, nội dung chi tiết về các dự án đàn UAV chỉ mới được hé lộ gần đây.
Qua phân tích tài liệu ngân sách của hải quân Mỹ, tạp chí MIT Technology Review (Mỹ) ngày 24-10-2022 cho biết hải quân Mỹ đã xây dựng dự án Super Swarm bao gồm nhiều kế hoạch lớn chưa từng thấy nhằm xây dựng, triển khai và kiểm soát đàn UAV hàng ngàn chiếc đáp ứng hai mục đích tấn công và phòng thủ.
Tài liệu ngân sách đưa ra nhiều ví dụ cụ thể như phóng đàn UAV từ tàu nổi, tàu ngầm, máy bay, xe cơ giới; chế tạo “tàu mẹ” để triển khai đàn UAV; sử dụng kỹ thuật in 3D để sản xuất UAV rẻ tiền dùng một lần nhằm giảm chi phí.
Nhà phân tích Zachary Kallenborn ở Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason (Mỹ) nhận xét đàn UAV có thể đáp ứng bất kỳ nhiệm vụ gì.
Chúng có thể tấn công áp đảo hệ thống phòng không, tấn công tự sát, xây dựng tuyến phòng thủ đầu tiên nhằm gây thiệt hại các hệ thống quan trọng như ăng ten radar hay pháo hạm, phá vỡ tuyến phòng thủ để mở đường cho các đợt tấn công tiếp theo bằng tên lửa, máy bay có người lái và các loại vũ khí truyền thống khác. Ưu điểm của chúng là dù nhiều chiếc bị bắn hạ cũng không sao vì mục đích chỉ nhằm gây rối và trì hoãn thời gian.
Trở ngại của đàn UAV là tầm hoạt động hạn chế. Ví dụ UAV Raytheon Coyote nặng gần 6kg được sử dụng trong dự án “Công nghệ đàn UAV chi phí thấp” (LOCUST) chỉ có thể bay 2 tiếng với tốc độ 50km/h. Do đó, tài liệu ngân sách đã nêu ra nhiều dự án.
Hàng ngàn UAV tác chiến theo đàn trong tương lai Ảnh: mindmatters.ai
Dự án “Triển khai và sử dụng các hệ thống tầm xa tự hành” (DEALRS) sử dụng hệ thống thú có túi hoặc tàu mẹ (UAV lớn chở nhiều UAV nhỏ). Dự án “Sản xuất các hệ thống tự hành quy mô lớn” (MASS) sử dụng công cụ thiết kế kỹ thuật số và in 3D để chế tạo UAV giá rẻ với thiết kế có thể điều chỉnh tùy thích.
MASS chú trọng sản xuất UAV ngay trên tàu hải quân gần chiến trường với số lượng hàng chục ngàn chiếc. Dự án “Các đội có người lái và tự hành” (MATes) giúp đàn UAV phối hợp với con người dễ dàng hơn và các UAV có thể tự hoạt động.
Nếu tất cả dự án trong dự án Super Swarm kết hợp với nhau, hải quân Mỹ sẽ có khả năng triển khai các đàn UAV khổng lồ di chuyển quãng đường dài trinh sát chi tiết trên khu vực rộng đồng thời có khả năng tìm kiếm và tấn công hàng loạt. Một đàn UAV chừng 1.000 chiếc có thể loại khỏi vòng chiến một tiểu đoàn trong một lần tấn công.
Nhà chiến lược Peter W. Singer thuộc tổ chức tư vấn New America nhận xét: “Bất kỳ ai cho rằng đàn UAV sẽ không xuất hiện trên chiến trường tương lai thì một ngày nào đó sẽ giống như những người ngày xưa đã từng lập luận tàu ngầm, xe tăng hoặc máy bay chỉ là khoa học viễn tưởng”.
Israel có lẽ là quốc gia đầu tiên triển khai đàn UAV trong chiến đấu. Ngày 11-5-2021, trong chiến dịch “Người bảo vệ bức tường” nhằm trả đũa Hamas bắn hàng trăm quả đạn cối vào Israel, lực lượng phòng vệ Israel đã triển khai một đàn UAV làm nhiệm vụ thu thập tin tình báo, khoanh vùng mục tiêu, tấn công hoặc cung cấp thông tin xác định mục tiêu cho pháo binh.
Theo tạp chí Forbes, Israel đã chuyển đổi các đại đội trợ chiến pháo binh thành các đơn vị “tìm kiếm và tấn công” trang bị UAV tác chiến theo đàn do Công ty quốc phòng Elbit Systems phát triển. Hiện nay ngoài Israel và Mỹ, một số nước đã nghiên cứu UAV hoạt động theo đàn như Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
I am chief admin, author and translator of DCN System, which includes dotchuoinon.com (the only Vietnamese-language website devoted exclusively to positive thinking), cvdvn.net (Conversations on Vietnam Development), and a number of related forums and Facebook pages. I am studying and teaching the Bible and Buddhism. I am a Biotechnology Engineering graduate from Hue University of Sciences. I love living with nature. I practice the Energy Training exercise system for health, and enjoy gardening and life beauty as a hobby.
Xem tất cả bài viết bởi Phạm Thu Hương